Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

47. Thế giới phương Nam, Chủ nghĩa đế quốc, Trật tự thế giới

Từ khai sinh đến tàn lụi, chủ nghĩa đế quốc đã diễn ra trong cùng một thế kỷ. Thực vậy, thế kỷ XX đã bắt đầu với sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân với các cường quốc Tây Phương cưỡng chiếm và bóc lột phần còn lại của thế giới, mãi cho đến khi một quốc gia Á Châu, Nhật Bản, cũng tham gia vào hàng ngũ đế quốc. Trong thập kỷ cuối của thế kỷ, mẫu mực đã lặp lại: các lực lượng tư bản tự do một lần nữa vẫn giữ vai trò khống chế , chỉ khác là lần nầy Trung Quốc hình như cũng đang theo gót các cường quốc thực dân Tây Phương.
THẾ GIỚI PHƯƠNG NAM
Phương cách các sử gia viết về kỷ nguyên hiện đại theo góc cạnh “đế quốc chủ nghĩa”, “chống đế quốc”, và sự “trỗi dậy của Á Châu” đã đưa đến sự bùng dậy của trào lưu giải thực (decolonization) sau Đệ Nhị Thế Chiến như tiết mục chuyển tiếp trong kỷ nguyên đế quốc triền miên.
Thói quen xem các cường quốc Tây Phương luôn ngự trị các dân tộc kém may mắn tiếp tục chi phối cách nhìn và nhận thức về quan hệ giữa hai Thế giới “Phương Bắc,” giàu có và kỹ nghệ hóa cao độ, và “Phương Nam,” nghèo nàn và đang phát triển, ngay cả sau ngày chủ nghĩa đế quốc chính thức đã chấm dứt trong thập kỷ 1960.
Rõ ràng lối nhìn nầy đã không lưu ý đến các thay đổi cấu trúc quan trọng trong lịch sử các thập kỷ hậu chiến, khi Hoa Kỳ đã tái quan niệm vai trò của mình trên thế giới và các quốc gia mới không còn hậu thuẩn Hoa Kỳ trong cùng những điều kiện như trước. Nếu không nắm vững bối cảnh mới của các lực lượng định hình trật tự thế giới, chúng ta sẽ tiếp tục ngộ nhận các phương cách đem lại thay đổi bối cảnh địa-kinh tế-chính trị toàn cầu.
Thực vậy, những nổ lực được biết đến nhiều nhất trong thế kỷ XX nhằm xây dựng một trật tự thế giới công bằng hơn, ngay cả không cần đến sự hổ trợ của Tây Phương, cũng sẽ chẳng giúp ích được gì nhiều khi vẫn còn chìm đắm trong nỗi luyến tiếc quá khứ.
Năm 1955, một số lãnh đạo Á Phi đã họp mặt ở Bandung phía Tây Java với mục đích tăng cường hợp tác kinh tế và văn hóa. Mặc dù các quốc gia tham dự có thể hậu thuẩn cho Hoa Kỳ hay Liên Bang Nga, các lãnh đạo của các quốc gia nầy cũng đã chứng tỏ lập trường bác bỏ các khuynh hướng phân cực thời Chiến Tranh Lạnh, và tìm cách chấm dứt chủ nghĩa thực dân và phân biệt chủng tộc. Họ đã tuyên bố họ có quyền có tiếng nói trong Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc và quyền theo đuổi đường lối bảo vệ tập thể.
Nhưng ở Bandung, thế giới cũng đã chứng kiến một nghị trình khác ít được biết đến và ít tốt đẹp hơn. Các chính khách tên tuổi chống chống chủ nghĩa thực dân, như Jawaharlal Nehru, Achmed Sukarno, Chu Ân Lai, và Gamal Abdel Nasser, cũng đã có chủ trương bành trướng lãnh thổ bên trong và chung quanh các quốc gia thành viên đang canh tân nhanh chóng.
Chẳng hạn, Nehru đã cương quyết đồng hóa các dân tộc cao nguyên Đông Nam Á vào Ấn Độ; Nasser đã tìm cách bành trướng ảnh hưởng của Ai Cập đến Syria và Yemen; Chu Ân Lai muốn tất cả các quốc gia trong nhóm phải chấp nhận Tây Tạng, chinh phục bởi Trung Quốc sáu năm trước Bandung, thuộc lãnh thổ Trung Quốc; và tất cả đã nhất trí West Papua thuộc Sukarno, người sau đó đã tuyên bố “Indonesia Nới Rộng có thể nuốt sống Malaysia.”[1]
Tuy vậy, các thiết kế nội bộ của thế giới thứ ba chẳng bao lâu đã sụp đổ. Chưa đến một thập kỷ sau Bandung, Trung Quốc đã đụng độ với Ấn Độ trong vùng Hy Mã Lạp Sơn, trong khi Nasser đã xung đột với Algeria và Ghana.
TOÀN CẦU HÓA KIỂU ANH QUỐC-HOA KỲ
Ngày nay nhìn lại, Bandung không phải là nơi đã khai sinh ra Phong Trào Phi Liên Kết — được thành lập sáu năm sau đó ở Belgrade — mà chỉ là thời điểm, theo luận cứ của nhà nhân chủng học John Kelly, thế giới thứ ba đã gia tăng tốc độ quá trình hội nhập vào hệ thống toàn cầu do Hoa Kỳ thiết kế, trên cơ sở các nhà-nước-quốc-gia đã được củng cố.
Những gì còn lại từ các lý tưởng công khai của Phong Trào Phi Liên Kết ngày nay đã tơi tả .
Trong năm vừa qua, Tổng Thống Ai Cập Mohamed Morsi đã gây bối rối cho Iran khi dùng bài nói chuyện tại Hội Nghị Phong Trào Phi Liên Kết ở Tehran để nêu rõ tình trạng cô lập ngày một gia tăng của Syria. Trong tháng 3, 2013, Mahmoud Ahmadinejad đã làm phật lòng hàng giáo phẩm Iran khi hôn thân mẫu của Hugo Chavez đang để tang cho con trai trước công chúng, tuồng như cần phải nhấn mạnh Venezuela và Iran không là những đối tác tốt.
TOÀN CẦU HÓA KIỂU UNCTAD
Như một thay thế cho toàn cầu hóa dưới sự bảo trợ của Anh Quốc và Hoa Kỳ, còn có một địa điểm ít huyền bí hơn Bandung.
Năm 1964, Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc đã thiết lập Hội Nghị Mậu Dịch và Phát Triển (UNCTAD), quyết tâm tái duyệt Thỏa Ước Bretton Woods qua các các kênh chính thức của Liên Hợp Quốc. Do kinh tế gia Argentina, Raul Prebisch cầm đầu và bao gồm nhiều thành viên của Phong Trào Phi Liên Kết, UNCTAD đã tìm cách tái thương thảo các món nợ, thay đổi các chính sách phát triển, đòi lại chủ quyền đối với các tài nguyên thiên nhiên, và giảm thiểu các rào cản nhập khẩu hàng hóa của thế giới thứ ba vào các thị trường Tây Phương.
Năm 1973, tổ chức cũng đã loan báo các kế hoạch về một “Trật Tự Kinh Tế Thế Giới Mới,” chọn lập trường chống đối chủ nghĩa bảo vệ mậu dịch của các quốc gia kỹ nghệ hóa tiên tiến và các biện pháp kiệm ước do Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) áp đặt lên các quốc gia con nợ.
Theo lời của Tổng Thống Tanzania, Julius Nyerere, UNCTAD muốn trở thành một nghiệp đoàn các xứ nghèo — một nghiệp đoàn đã hiểu rõ: muốn thương thảo thành công với các xứ Tây Phương, các nước nghèo cần phải mặc cả trên lập trường tập thể.
CÁC BIẾN CHUYỂN TRONG TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ
Trật Tự Kinh Tế Thế Giới hiện hữu đã không thể tồn tại lâu dài.
Hoa Kỳ và Tây Đức đã tranh đua tìm mọi cách phá vỡ liên minh giữa các thành viên OPEC trong khi các quốc gia nghèo đang muốn cấu tạo các liên minh tương tự đối với các nguyên liệu khác.
Các cuộc khủng hoảng dầu lửa trong thập kỷ 1970 cuối cùng cũng đã làm thế công việc nầy cho hai xứ liên hệ. Vào lúc chính quyền Reagan tuyên chiến với nạn lạm phát quốc nội vào đầu thập kỷ 1980, các quốc gia con nợ, những xứ đã phải trả giá rất cao cho dầu thô, cũng đã ngạt thở bởi các phí tổn vay mượn quá cao.
Trong lúc đó, các xứ thành viên OPEC, thay vì chuyển dịch một phần thặng dư từ mậu dịch quốc tế đầu tư vào các xứ nghèo hay tăng cường các ngân hàng Hồi Giáo, đã chuyển số thu nhập thặng dư nầy qua New York và Luân Đôn, trong thực tế, không mấy khác đã trao chìa khóa kinh tế toàn cầu cho Hoa Kỳ và các cường quốc Tây Phương.
GIULIANO GARAVINI
Trong cuốn After Empires (Sau các Đế Quốc) về lịch sử của UNCTAD, Giuliano Garavini, nhà sử học thuộc Đại Học Padua, đã giúp phục hồi cơ hội bằng vàng trong nỗ lực xấu số nầy của thế giới thứ ba nhằm tái điều chỉnh mạng lưới mậu dịch quốc tế.
Trong thập kỷ 1970, các quan chức Âu châu, tin tưởng ở những bước sơ khởi hướng tới hội nhập kinh tế, đã bắt đầu nhìn về Thế Giới Phương Nam như “đối tác tối huệ quốc” (most favored [trading] partner) trong mục tiêu tái định hướng kinh tế toàn cầu theo chiều hướng mới, trái với ước muốn của Anh Quốc và Hoa Kỳ.
Hai nhân vật thuộc khuynh hướng xã hội Hòa Lan — Sicco Mansholt, chủ tịch Ủy Hội Âu Châu (European Commission), và Jan Tinbergen, kinh tế gia với giải Nobel — đã dẫn đầu công trình định hình bản sắc chính trị của Liên Hiệp Âu châu nhằm cải thiện số phận của các xứ lân bang Phương Nam. Chương trình của họ đã bị cuộc khủng hoảng dầu lửa bóp ngạt, nhưng lịch sử khảo sát bởi Garavini cho thấy người Âu đã quyết tâm tôn trọng quyền lợi của thế giới Phương Nam — đến độ đã xem xét các kế hoạch cực đoan quốc hữu hóa kỹ nghệ Tây Phương và tái phân tài chánh toàn cầu.
Nixon và Kissinger có thể đã lo ngại , nhưng đại đa số kinh tế gia Hoa Kỳ đã xem Trật Tự Kinh Tế Thế Giới Mới không như một đe dọa đối với cơ cấu căn bản của trật tự thế giới tự do. Ngược lại, họ tin tưởng trật tự mới đã báo hiệu thế giới thứ ba đã sẵn sàng chấp nhận các lợi điểm của mậu dịch đa phương và đầu tư ngoại quốc, cũng như đã gạt qua một bên các giấc mơ cách mạng thế giới.
Khi lãnh tụ thuộc khuynh hướng xã hội, Nyerere, kêu gọi thế giới thứ ba triển khai các công ty đa quốc gia và bảo hiểm của chính mình, các nhà kinh tế học đã tươi cười chấp thuận.
Ngoài ra còn có hiện tượng cản trở bất cứ nỗ lực tái duyệt trật tự thế giới nào khác: sự thúc đẩy tự do hóa kinh tế đã bắt đầu từ đầu thập kỷ 1970, trước hết ở Chí Lợi dưới thời Pinochet, được tiếp tục bởi các chương trình Infitah của Anwar el-Sadat và Hafez al-Assad ở Ai Cập và Syria.
Vào cuối thập kỷ 1970, Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình, và Pakistan dưới thời Mahamad Zia ul-Haq, cũng đã thực nghiệm với các chương trình đầu tư ngoại quốc — không nhất thiết là một động lực thúc đẩy các lãnh đạo Tây Phương thương thảo với những phần tử không khoan nhượng vây quanh Houari Boumediene và El Fefe của Algeria.
Như Vijay Prashad đã chứng tỏ trong tác phẩm “Các Quốc Gia Nghèo Hơn” (The Poorer Nations), liên quan đến những địa hạt tương tự những bài bút chiến của Garavini, điểm ngoặt thực sự đã đến khi các kinh tế gia được huấn luyện ở Tây Phương trong Thế Giới Phương Nam đã bắt đầu kêu gọi kiệm ước trong chương trình “tăng trưởng với công bằng,” “growth with equity” của Nyerere. Ngay trong các nhóm chủ trương một Trật Tự Kinh Tế Thế Giới Mới, người ta còn thấy sự hiện diện của các kỷ thuật gia thế giới thứ ba sẵn sàng soạn thảo các chương trình điều chỉnh cơ cấu của riêng họ.
PANKAJ MISHRA
Pankaj Mishra là nhà văn đã tạo dựng được sự nghiệp khi tường trình từ đường phân ranh Thế Giới Phương Bắc và Thế Giới Phương Nam. Sinh năm 1969 trong một gia đình Bà La Môn trong thành phố Jhansi thuộc bang Uttar Pradesh, nơi thân phụ của ông đã làm việc như một đoàn viên nghiệp đoàn Hỏa Xa Ấn Độ, tác giả đã trưởng thành ngay trước khi Ấn Độ lao vào cuộc tranh đua kinh tế toàn cầu. Suốt trong những năm trẻ thơ, Mishra đã luôn đọc các tạp chí Xô Viết, nâng niu chân dung của Lenin, và sùng bái Brezhnev.
Biểu lộ trí thức của Mishra, như được kể lại nhiều lần trong các tác phẩm của ông, đã xoay quanh một cơ hội bất ngờ được làm quen với các tác phẩm của Edmund Wilson trong một thư viện ở Varanasi — một cơ hội không thể cưởng đối với một biên tập viên từ Manhattan.
Ở Wilson, Mishra đã tìm thấy không những một lòng tin vào sự phán đoán, mà cả một nhà văn muốn xem xét lại một cách nghiêm minh các đam mê ý thức hệ thời trẻ của chính mình. Năm 1993, một nhà xuất bản Ấn Độ đã yêu cầu Mishra viết một chuyện phim (a travelogue) về các thị trấn cỡ trung của Ấn. Kết quả là tác phẩm được nhiều giải thưởng “Butter Chicken in Ludhiana”, trong đó tác giả đã đối mặt với các kỳ vọng và giấc mơ cùng với giới trung lưu đang trỗi dậy nhanh chóng ở Ấn Độ. Đó là thế giới của các nhà vệ sinh tự động, các xe buýt chen chúc, các sinh viên cực đoan, các tiểu thuyết đa tình ủy mị…Một Mishra đáng thương khó tìm được một ai để thảo luận Thomas Mann với mình. Nhưng nhà văn chưa mấy tự tin trước mặt chúng ta vẫn đã là một nhà văn đầy cá tính.
Giữa lòng xáo trộn kinh tế và tôn giáo của Ấn Độ trong thập kỷ 1990, Mishra bắt đầu đặt câu hỏi luôn ám ảnh chính ông: Bằng cách nào một dân tộc trong quá trình canh tân theo hướng thực nghiệm những gì tốt nhất của phương Tây mà không để mất gốc văn hóa?
Mishra đã thấu hiểu những khía cạnh tiêu cực đen tối dưới bề ngoài hào nhoáng của một Ấn Độ canh tân: tầng lớp sang giàu (elite) của Ấn Độ đã lẫn tránh cộng đồng xã hội dân sự đến sống trong những khu nhà tách biệt bên sau các cửa ra vào có người canh giữ an ninh; phong trào Naxalite trong 40 năm qua chống đối chính sách của chính quyền; dân quê trôi dạt đổ xô vào các thành phố đang bị các đảng phái quốc gia Ấn Độ Giáo bóc lột và khai thác; các mưu đồ tham nhũng hình như đã biến các khu nhà ổ chuột thành một đặc trưng thường trực của cảnh quang thành phố…
Với công luận chờ đợi Ấn Độ như một đại cường toàn cầu đang lên, tất cả những gì đã biểu lộ trong tư tưởng chính trị, một địa hạt, kể từ ngày độc lập, hình như chỉ phơi bày một thất bại trí thức. Và Gandhi đã phải lên tiếng kêu gọi Ấn Độ phải trở thành một “chuẩn mực tâm linh cho thế giới” — “a spiritual example to the world”.
Cuốn “From the Ruins of Empire” là kết quả cuả công trình điều tra của Mishra về sự thất bại đó, một thất bại ông xem như không chỉ hạn chế cho riêng Ấn Độ mà còn cho cả toàn bộ Á Châu từ những thời kỳ lịch sử xa xưa. Tác phẩm của Mishra đã không rà soát lại khả năng một tái duyệt hậu chiến nào của hệ thống trật tự thế giới của Tây phương, nhưng thay vào đó, đã tìm hiểu cặn kẽ lịch sử các thập kỷ cuối của thế kỷ 19. Đây là kỷ nguyên của các đế quốc chính thức, khi lần đầu tiên, các bậc trí thức Á châu đã phải đối đầu với làn sóng canh tân cuồng nhiệt, trước khi được chuẩn bị với bất cứ hình thức đề kháng chuẩn mực nào.
Một gián đoạn đầy kịch tính là cuộc chiến Nga-Nhật năm 1905 — “World War Zero” — khi lần đầu tiên, một cường quốc Á Châu đã đánh bại một cường quốc Tây phương và hình như đã đánh dấu một làn sóng đảo ngược. Như Mishra nhấn mạnh, đây là thời khắc một chiến thắng toàn cầu của một xứ không phải Tây phương. Các bậc phụ huynh ở Ấn Độ đã đặt tên con theo các đề đốc hải quân Nhật; các nhà cách mạng Trung Quốc đã đến Tokyo để tổ chức; sau sự thất bại của Nga, nhà cách mạng Trung Quốc Tôn Dật Tiên đã được các phu bến tàu Á Rập tại Kênh Đào Suez đón mừng vì tưởng lầm họ Tôn là người Nhật…
Vào thời kỳ lịch sử sôi động nầy, các ý thức hệ chính trị quan trọng của thế kỷ XX còn cần được đúc kết. Các tư tưởng cực đoan đã được phổ biến xuyên Á còn cần được tinh lọc để thực nghiệm. Theo nhận định của Mishra, vào thời điểm đó, những ai chống đối Tây Phương đã có đến ba lập trường chính để lựa chọn: Vồ vập các phương pháp canh tân của Tây Phương như con đường Nhật Bản đã đi theo; hoàn toàn gạt bỏ như sự lựa chọn của Muhammad Ahmad, “The Mahdi,” người đã tìm cách vãn hồi một quốc gia Hồi Giáo ở Sudan; hay nhiều nổ lực khác nhau nhằm tổng hợp các truyền thống Á châu và Tây Phương trong quang phổ các nhà tư tưởng Á Châu.
Chính khuynh hướng thứ ba, thái độ tổng hợp, đã được Mishra quan tâm hơn cả. Tác phẩm của ông là một toàn tập của ba trí thức Á Châu, mỗi vị đã từng trải nghiệm một Tây Phương canh tân và tự xem như một nhà cải cách chính trị.
(1) Jamal al-Din al-Afghani là nhân vật thứ nhất, chào đời trong một làng Ba Tư năm 1838 và mất ở Istanbul năm 1897. Al-Afghani đã lập luận, trong khi người Hồi Giáo có thể phải chấp nhận khoa học Tây Phương, điều nầy không có nghĩa họ cần phải chấp nhận trọn gói mọi thứ khác. Al-Afghani là một trong số các nhà tư tưởng Trung Đông đầu tiên công nhận quyền lực tiềm năng của người Hồi giáo như lực lượng chính trị quốc tế chống Tây Phương.
Qua nổ lực nối kết không mỏi mệt các lãnh đạo Hồi Giáo trong các xứ Ottoman, al-Afghani đã trở thành người bị các quan chức Whitehall, Anh Quốc, lên án liên kết với các phong trào dấy loạn trong đế quốc Ottoman. Tuy vậy, al-Afghani ít ra cũng đã buộc các sử gia tương lai phải dành thì giờ để tranh luận với giới trí thức Tây Phương.
Năm 1883, theo Mishra, trong một cuộc tranh luận đầu tiên giữa một nhà tư tưởng Hồi Giáo và một nhà tư tưởng Âu châu, al-Afghani đã đấu trí với Ernest Renan. Trong bài trả lời bài viết của Renan kết án người Hồi Giáo là chướng ngại vật đối với khoa học và tiến bộ, al-Afghani đã đả phá các thành kiến của Renan. Tuy nhiên, cuộc tranh luận đã không đem lại một chiến thắng hoàn toàn như Mishra nghĩ. Tam đoạn luận của al-Afghani hầu như quá đơn giản: nếu khoa học hiện đại là sản phẩm của xã hội Cơ Đốc Giáo, và Hồi Giáo đã được sáng lập như một tôn giáo sau Cơ Đốc Giáo, như vậy, khoa học hiện đại phải chăng cũng đã có thể phát xuất từ Hồi Giáo?
Tuy nhiên, chính thân phận của al-Afghani như một trí thức tích cực và khẩn trương đã biến ông thành một người đầy sức quyến rũ, mặc dù khó hiểu. Al-Afghani đã tìm cách thuyết phục cấp lãnh đạo Hồi Giáo về tính cần thiết của một chương trình canh tân cùng lúc mang tính bảo vệ và thích nghi giữa chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa liên-Hồi Giáo, và giải thích luật Hồi Giáo Sharia theo nhu cầu của Trung Đông hiện đại. Al-Afghani kêu gọi nguyên tắc kinh thánh ijtihad — chủ trương lập luận ngoại suy có thể áp dụng vào luật pháp khi hoàn cảnh mới xuất hiện — trong nổ lực thuyết phục hàng giáo phẩm đã đến lúc phải thích ứng với hiện đại.
Al-Afghani hầu như chắc chắn là một phần tử thần học cơ hội chủ nghĩa — một tín đồ Hồi Giáo phái Shiite trở thành Sunni — một thực tế đã làm dịu bớt tính oái oăm: ngày nay al-Afghani đã là gương mặt được sủng ái trong hàng ngũ tín đồ Hồi Giáo. Mishra cho biết al-Afghani là một cảm hứng đối với các bậc trí thức Iran, những người vận động lật đổ quốc vương Shah trong các tiệm cà phê ở Paris trong thập kỷ 1960. Năm 2002, đại sứ Hoa Kỳ ở Afghanistan đã hứa tặng 25.000 mỹ kim để trùng tu ngôi mộ của al-Afghani bên ngoài thủ đô Kabul — rõ ràng có ấn tượng al-Afghani là một phần tử Hồi Giáo có khuynh hướng tự do hữu ích.
(2) Một hình bóng thứ hai của Mishra được nhiều người biết đến, Liang Qichao, một trí thức Trung Quốc chống chủ nghĩa thực dân, thuộc thế hệ sau al-Afghani. Nhưng Qichao là hình bóng song hành với Mishra về chí hướng cũng như về bức xúc.
Cũng như al-Afghani, Liang là người gần gũi các lãnh đạo khắp nơi, luôn sinh hoạt với lòng tin nếu kiên trì “thuyết pháp”, bất cứ ai lên lãnh đạo Trung Quốc rồi cũng phải lắng nghe ý kiến của mình. Trước hết là nữ hoàng “empress dowager,” người Liang đã đã không thành công thuyết phục giải tán đế quốc Mãn Châu để theo đuổi một nhà nước hiện đại.
Mishra đã đem lại cho Liang Qichao một hình ảnh tốt hơn trong hàng ngũ các nhà cải cách Trung Quốc như Kang Youwei. Cũng như al-Afghani, Liang muốn tân trang các tác phẩm cổ điển như tứ thư ngũ kinh cho phù hợp với nhu cầu hiện đại. Liang đã quy nguyên các ý tưởng phi-Khổng-Tử nhất có thể tưởng tượng được cho chính nhà hiền triết, như giáo dục đại chúng, giải phóng phụ nữ, và bầu cử phổ thông… Tuy nhiên, Liang hình như cứ vài ba năm lại thay đổi tư duy về mọi thứ, và cuối cùng đã lựa chọn chế độ chuyên quyền sáng suốt (enlightened despotism) như con đường tốt nhất để tiến tới đối với Trung Quốc.
Quả thực là một điều quyến rũ khi biết Liang đã đem lại cảm hứng cho Mao Trạch Đông lúc còn trẻ, người, theo Mishra, đã trỗi dậy như một nhà thực nghiệm mùi vị ý thức hệ với các tác phẩm của Lenin và Liang trước ông ta.
(3) Một gương mặt thứ ba như hình bóng của Mishra là một nhân vật nổi tiếng ở phương Tây: đó là nhà thơ và nhà viết tiểu thuyết Rabindranath Tagore. Tagore là người hơi kỳ quặc chút ít trong số ba người.
Cũng như al-Afghani và Liang, Tagore rất sung sướng mỗi khi có dịp tố cáo chủ nghĩa duy vật của Tây Phương. Nhưng ông ta cũng nghĩ: đi theo các khuynh hướng đế quốc của Tây Phương có thể là một tai họa cho Á Châu. Ông đã nói với một người Nhật quen biết, Toyama Mitsuru: “Ông đã bị lây nhiễm bởi vi khuẩn đế quốc Âu Châu!”[2]
Đối với Tagore, nhà nước-quốc gia là một thảm kịch đang hình thành đối với các dân tộc Á Châu. Tagore đã nói với cử tọa Nhật: “Giờ đây, sau cuộc đại chiến, có phải các bạn không còn nghe sự tố cáo tinh thần Quốc Gia ở khắp nơi, một ích kỷ tập thể của dân tộc, làm chai sạn con tim của họ?”[3]
Mới nhìn qua, Tagore hình như hiện đại hơn cả Gandhi, một người Tagore đã cho là không đủ duy lý. Nhưng chính Gandhi đã có thể động viên người Ấn trong một tầm cỡ lớn lao với ý niệm Ấn Độ là thực thể lớn hơn là một quốc gia đơn thuần — điều Tagore đã chưa bao giờ có thể thuyết phục dân Ấn.
Những mục tiêu cuối cùng của cuộc cách mạng Gandhi còn đáng ngạc nhiên hơn khi được nhìn từ xa. Gandhi đã rút tỉa và định hướng một trật tự thế giới lý tưởng từ Đế Quốc Anh. Nhưng trong tầm nhìn của ông, người Ấn không nên mơ ước đến các quyền lợi như người Anh hay trở thành một quốc gia độc lập trong Khối Thịnh Vương Chung như Canada. Thay vào đó, Gandhi đã hình dung Ấn Độ sẽ dẫn dắt toàn thế giới vào một thịnh vượng chung khổng lồ, nơi tất cả các xứ thành viên đều bình đẳng và hàng hóa cũng như người dân có thể tự do lưu thông.
Faisal Devji viết trong tác phẩm đầy những ý tưởng mang tính gợi ý, “The Impossible Indian”: “Một đế quốc canh tân có thể trở thành một diễn đàn lý tưởng cho sinh hoạt chính trị thuần đạo đức và thực sự duy lý, bởi lẽ các sự kiện quốc tịch hay ngay cả nhân khẩu cũng không đủ khả năng quy định công luận và cơ sở để lấy quyết định chính trị .”[4] Dạng thức của Gandhi khác xa với các dạng thức các bài viết về cùng đề tài gần đây, đặt trọng tâm vào nguồn gốc tôn giáo trong tư tưởng của Gandhi.
Sự đổi mới trong tác phẩm của Devji là đã xem Gandhi như một nhà cách mạng, tương đương với những nhà ý thức hệ lớn vào thời của ông — Stalin, Roosevelt, Mao, và Hitler — hơn là một nhà đạo đức bên ngoài dòng chính của chính trị thế kỷ XX.
Trong một ý nghĩa khác, Devji đã mô tả Gandhi như một nhà tư tưởng cực đoan hơn nhiều tác giả cùng thời: chủ thuyết “bất bạo động” không những đã đòi hỏi bạo động mà còn công khai mời gọi bạo động, bởi lẽ bạo động đem lại cơ hội cho đau khổ mang tính chuộc tội. Ở đây, Gandhi đã lấy cảm hứng từ tiếng khóc của các phụ nữ Boer trong các trại tập trung của Anh Quốc ở Nam Phi, những phụ nữ đã đưa đến một thay đổi trong tim của giới báo chí Anh Quốc. Điều éo le là viễn kiến của Gandhi về một thế giới thịnh vượng chung phi-lãnh-thổ hình như gần với ý tưởng “ummah”Hồi Giáo ngày nay, hơn bất cứ những gì đồ đệ của Gandhi đã ấp ủ.
Tagore đã đúng hơn ông ta nghĩ về sức quyến rũ của ý niệm quốc gia-nhà nước. Sau Đệ Nhất Thế Chiến, các phong trào độc lập trên khắp thế giới đã gửi đại biểu đến Paris trong năm 1919 đòi hỏi độc lập với Woodrow Wilson và các cường quốc Âu Châu. Điều Erez Manela đã gọi là “Thời Khắc của Wilson”(The Wilsonian Moment), đã đến như một dịp may đã bị bỏ lỡ bởi Tây Phương để khởi động một quá trình giải thể chủ nghĩa thực dân sớm sủa.
Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta đã biết câu chuyện giải thể chủ nghĩa thực dân (decolonization) đã chấm dứt như thế nào. Thời khắc nầy đã khiến nhiều người dễ dàng quên đi thực tế: người Á Châu và Phi Châu đã chấp nhận lời hứa tự trị (self-determination) của Wilson như những gì họ muốn nghe. Phe đế quốc Nhật đã rất xúc động trước những lời lẽ của Wilson cũng như người Algeria đã hy vọng một liên hiệp chặt chẽ hơn với Cộng Hòa Pháp. Lý tưởng tự trị đang phụng sự nhu cầu cải lương chính trị mới chớm nở, làm nhẹ bớt gánh nặng lịch sử do Manela và nhiều đại biểu khác đã đặt lên vai Wilson.
Nhưng cũng không ai có thể phủ nhận các hy vọng đã sụp đổ ngay tại Versailles — như Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã nhớ rõ: chính Hồ Chí Minh đã đến Paris để gặp phái đoàn Mỹ chỉ để bị từ chối — một kinh nghiệm đã tăng cường các đòi hỏi của các quốc gia mới trong những nổ lực kế tiếp nhằm với tới một giàn xếp sau Đệ Nhị Thế Chiến.
Tác phẩm “Từ Những Đổ Nát của Đế Quốc” đã chấm dứt với một chú giải thất vọng kéo dài. Mishra viết: Phản ứng phổ quát không mấy thuyết phục hiện hữu ngày nay đối với các ý tưởng chính trị và kinh tế của Tây Phương, mặc dù những ý tưởng nầy hình như lúc một nóng bỏng và không thích hợp đến độ khá nguy hiểm trong phần lớn thế giới.”[5]
Mishra thấy ở khắp nơi một Á Châu đang đi lên có đủ khả năng thách thức Tây Phương về tài nguyên, lãnh thổ, và thị phần. Nơi các thế hệ trí thức Á Châu của Mishra hình như đã nhất trí về tính cần thiết của khoa học Tây Phương, và vì vậy, các hậu bối của họ hình như đã chấp nhận “phương thức phát triển kinh tế độc đạo” kiểu Tây Phương” — “one-track Western-style economic development”.
“Các Sinh Viên Cao Học , Những Người Đã Canh Tân Á Châu” (The Graduate Students Who Remade Asia) có thể là nhan đề phụ cho lịch sử sắp viết của những kinh tế gia được đào tạo ở Hoa Kỳ và Anh Quốc, những vị đã đảm trách các cải cách theo hướng thị trường trong thập kỷ 1980.
Đối với Mishra, “sự trả thù của Đông Phương” (the revenge of the East) chỉ có nghĩa sẽ lặp lại những lỗi lầm của Tây Phương trên một tầm cỡ rộng lớn hơn. Điều nầy có vẻ như đang xẩy ra: trong tháng 3-2013, BRICS đã loan báo sẽ thành lập một quỹ phát triển, có nghĩa như một câu trả lời cho Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Phản ứng nầy hình như không báo hiệu một định chế truyền bá văn minh ôn hòa hơn đối với các quốc gia thành viên.
Đối với tất cả những tiết lộ mới mẻ của tác phẩm “From the Ruins of Empire”, Mishra cuối cùng cũng đã lê bước trên địa hình quen thuộc. Cũng giống như Francis Fukuyama, Mishra xem chủ nghĩa tư bản tự do như ý thức hệ cuối cùng vẫn có khả năng thu hút những tân tòng . Và cũng như đối thủ của ông, Niall Ferguson, Mishra vẫn bám víu vào các kiềm chế gò bó của các hiện tượng phân cực Đông-Tây. Những gì giúp Mishra nổi trội rất ít liên quan đến quan điểm của ông đối với hiện tại hơn là định hướng tiến về phía nầy — có nghĩa nhất quyết chống lại “khuynh hướng lướt tới phát triển bằng mọi giá”. Về điểm nầy, Mishra thật sự đồng tình. Ông ta ý thức rất rõ: sự thăng tiến đáng ngạc nhiên của các tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ và Trung Quốc không những đã để lại phía sau hàng triệu dân quê trong những điều kiện tồi tệ hơn, mà còn tạo thêm chiều tâm lý mới trong sự phẩn uất của họ.
Mishra đã nhận thức khá thấu đáo: những người thụ hưởng lớn nhất từ toàn cầu hóa là những kẻ quyết tâm bảo vệ nó.
Nhưng một thoáng lãng mạn cũng đã tô màu các luận cứ của Mishra. Liệu Mishra có phải viện dẫn những hy vọng của cách mạng Mao để khiển trách tầng lớp ưu tú Trung Quốc ngày nay? Liệu thời kỳ tiền-toàn-cầu-hóa của Ấn Độ trong thập kỷ 1970 một cách nào đó cũng đáng giá để quay trở lại? Và Mishra đang muốn chúng ta sàng lọc những gì từ đời sống của ba nhà trí thức đáng quan tâm nhưng ít hữu hiệu sống cách đây một thế kỷ?
Một Á Châu như thế cũng đã có phần với giới hiền triết, những người không kém băn khoăn bởi bước tiến canh tân như người Slavophiles (theo văn hóa Nga) và German Romantics (theo văn hóa Đức)?
Đã có thời buổi khi các tác phẩm luận bàn về các biện pháp lịch sử thay thế cho định chế nhà-nước-quốc-gia và chủ nghĩa tư bản tự do và hiện đại đã trở thành một che đậy cho thái độ tự mãn. Các tác phẩm của Garavini và Prashad đã cho thấy nhiều nét hoàn chỉnh của trật tự thế giới của chúng ta cũng chỉ khoảng 30 hay 40 tuổi đời. Các tác phẩm đó cũng chẳng mấy tuân theo bất cứ một logic không thể tránh nào.
Ý niệm — các nhà trí thức ngày nay có lẽ nên khởi đầu cóp nhặt những hệ ý thức phổ quát mới bao trùm thế giới, hơn là tìm cách vãn hồi các quyết định chính trị dân chủ từ các viên chức giám sát kinh tế giả hiệu trong các định chế của chúng ta trước đây — hình như cũng chỉ là một lần diễn tập mới nỗi luyến tiếc quá khứ của Mishra.
Sự lựa chọn không bao giờ giữa một tương lai lý tưởng và một tương lai xấu xa, mà là giữa một tương lai tốt hơn và một tương lai xấu hơn.
Nguyễn Trường
Irvine, California, USA
8-6-2013
——————————————————————————–
[1] …Greater Indonesia would “gobble Malaysia raw”.
[2]…You have been infected by the virus of European imperialism!
[3] …Now after [the Great War], do you not hear everywhere the denunciation of this spirit of the Nation, this collective egoism of the people , which is universally hardening their hearts?
[4] …A reformed empire could become an ideal arena for a purely moral and indeed rational politics, since neither the facts of nationality nor those of demography would be able to determine popular opinion and thus political decision-making there.
[5] …No convincingly universalist response exists today to Western ideas of politics and economy, even though these seem increasingly febrile and dangerously unsuitable in large parts of the world.