THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Chủ nhật, ngày 28/7/2013
(Foreign Affairs, số 11-12/2012)
Dầu mỏ đang cản trở nước Nga như thế nào – và Nga phải làm gì để cứu mình.
Mùa Đông năm 2011, một làn sóng biểu tình trên
quy mô lớn đột ngột phá vỡ sự bình yên trên bề mặt của nền chính trị
Nga. Một tầng lớp trung lưu mới, được sinh ra trong sự thịnh vượng dựa
trên dầu mỏ của thập kỷ trước, đã kéo xuống đường phố để lên tiếng phản
đối sự tham nhũng được nhận thấy ở giới tinh hoa chính trị, đặc biệt là
Đảng nước Nga thống nhất, đảng cầm quyền của Thủ tướng Vladimir Putin.
Trong một thời gian ngắn, khi phong trào phản kháng bắt đầu có đà, chính
những nền móng của chế độ dường như bị lung lay. Nhưng trong cuộc bầu
cử Tổng thống vào tháng 3/2012, Putin đã giành chiến thắng một cách dễ
dàng ở vòng đầu tiên, và bất chấp những lời cáo buộc thao túng lan rộng,
ngay cả phe đối lập cũng phải thừa nhận rằng ông đã có một chiến thắng
thuyết phục.
Các cuộc phản kháng chưa từng thấy này và sự quay
trở lại chức Tổng thống của Putin đã gợi lại những dự đoán về việc liệu
Nga sẽ tiếp tục tiến lên hiện đại hoá chính trị và kinh tế hay thay vào
đó, sẽ quay lại với tình trạng đình trệ theo phong cách Xô Viết. Câu
trả lời cho câu hỏi này có thể được tìm thấy trong lĩnh vực kinh tế quan
trọng nhất của Nga: dầu mỏ. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Chính phủ Nga
ngày càng trở nên phụ thuộc vào nguồn doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ.
Nước này đánh thuế phần lớn lợi nhuận của các nhà sản xuất và chuyển
giao những khoản thuế này cho phần còn lại của nền kinh tế thông qua các
chương trình đầu tư do nhà nước ủy quyền và phúc lợi, lương hưu và trợ
cấp do nhà nước tài trợ. Sự tăng trưởng ngoạn mục của thu nhập quốc gia,
được tạo ra nhờ dầu mỏ, đã giúp Putin tiếp tục nắm quyền, cho phép ông
đảm bảo sự ủng hộ của các nhóm lợi ích chu yếu và duy trì, ít nhất cho
đến tận gần đây, sự ủng hộ của dân chúng ở mức độ cao.
Hiện nay, giá dầu ở mức cao đang giúp cho hệ
thống này tiếp tục vận hành. Nhưng để duy trì nó, đòi hỏi một dòng doanh
thu mở rộng ổn định từ hàng hóa, đặc biệt là dầu mỏ. Tuy nhiên trong
những năm tới, lợi nhuận từ dầu mỏ có nhiều khả năng hơn sẽ thu hẹp thay
vì tăng trưởng. Trong hai thập kỷ qua, Nga đã phát triển một cách dễ
dàng nhờ di sản dầu mỏ được thừa hưởng từ thời kỳ Liên Xô. Tài sản của
kỷ nguyên đó giờ đang ngày càng giảm giá trị. Nga không cạn kiệt dầu mỏ
mà nước này đang cạn kiệt nguồn dầu giá rẻ. Một số lượng lớn dầu mỏ, vẫn
nằm dưới lòng đất, sẽ ngày càng khó khăn và tốn kém để tìm thấy và sản
xuất. Khi chi phí tăng, cận biên lợi nhuận sẽ giảm. Đồng thời, nền công
nghiệp dầu mỏ sẽ phải dành nhiều hơn phần lợi nhuận còn lại của mình để
tái thiết chính nó.
Tuy nhiên, cả nền công nghiệp dầu mỏ của Nga và
nhà nước Nga đều chưa đủ sẵn sàng để đối phó với thách thức sắp tới. Cả
hai đều dành hai thập kỷ trước để tranh giành quyền kiểm soát các tài
sản dầu mỏ cua nước này thay vì hợp tác để hiện đại hóa nền công nghiệp
và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Mặc dù hệ thống tài
chính và quy chế của nước này đã thành công trong việc tạo doanh thu,
nhưng nó lại hạn chế đầu tư và kìm hãm sự đổi mới. Kết quả là một nền
công nghiệp đang tụt lại đằng sau các nước bạn, vào đúng thời điểm nền
công nghiệp dầu mỏ toàn cầu đang trải qua một cuộc cách mạng công nghệ
chưa từng có. Đồng thời Nga đang cho thấy một số dấu hiệu kinh điển về
cái mà các nhà kinh tế học gọi là “Căn bệnh Hà Lan”, sự đình trệ về kinh
tế, đặc biệt trong sản xuất, gây ra bởi sự phụ thuộc quá mức vào xuất
khẩu hàng hóa mà các thành phần khác của nền kinh tế phải chịu thiệt
hại. Theo lời của Alexei Kudrin, Bộ trưởng Tài chính của Nga từ năm 2000
đến 2011: “Nền công nghiệp dầu mỏ, từ vị trí đầu tàu nền kình tế, giờ
đã trở thành một cái phanh”.
Mặc dù các nhà lãnh đạo của Nga đang ngày càng lo
lắng về sự phụ thuộc vào dầu mỏ của nước này nhưng vẫn chưa có một lối
thoát thực sự nào: dầu mỏ sẽ chi phối tương lai của Nga trong nhiều năm
tới. Nhung Mátxcơva vẫn có thể chọn cách để đối phó với sự chi phối đó.
Một mặt, nhà nước có thể mở rộng hơn nữa vai trò của mình trong ngành
công nghiệp dầu mỏ bằng cách tạo sức ép lên các cổ đông tư nhân, dìm cổ
tức xuống, và ra lệnh cho các công ty dầu mỏ đầu tư nguồn lực của họ vào
đâu. Nhưng điều đó dường như không có khả năng tạo ra nhiều động lực
cho hiệu quả và đổi mới. Mặt khác, nhà nước có thể đi theo một con đường
hiệu quả hơn. Chính phủ có thể hạn chế chi tiêu của mình, nhờ đó sẽ làm
giảm nhu cầu đối với doanh thu từ dầu mỏ, và nới lỏng sự phụ thuộc vào
nền công nghiệp dầu mỏ, để khuyến khích một hình thức đổi mới mà sẽ làm
mới nền công nghiệp này.
Và do đó, thật nghịch lý, dầu mỏ vừa là nguyên
nhân dẫn đến sự đình trệ chính trị và kinh tế kéo dài, vừa là động lực
cho hi vọng lớn nhất của Nga để thoát khỏi sự đình trệ đó. Đối với các
nhà lãnh đạo ở Mátxcơva, nền công nghiệp dầu mỏ, được thừa hưởng từ thời
kỳ Xô Viết vẫn tạo ra đủ thu nhập để hỗ trợ một hệ thống chính trị và
kinh tế sung túc mà vẫn còn quá cám dỗ để không rời bỏ nó. Chỉ khi nền
công nghiệp này hiện đại hóa, Nga mới có doanh thu để hỗ trợ cho bất cứ
sự chuyển giao nào – và điều đó sẽ chỉ xảy ra khi nhà nước và các chính
sách của mình hiện đại hóa cùng với nó. Tuy nhiên hiện nay, nhờ có giá
dầu ở mức cao, ban lãnh đạo dường như có xu hướng lựa chọn nguyên trạng
thay vì điều chỉnh cho thích nghi.
Tan vỡ và bùng nổ
Nguồn gốc của thế tiến thoái lưỡng nan hiện tại
nằm ở lối thoát khó khăn của Nga khỏi quá khứ Xô Viết. Nga không phải
luôn ham mê dầu mỏ đến vậy. Chỉ trong một thập kỷ rưỡi cuối cùng tồn tại
của Liên Xô, các nhà lãnh đạo của nước này mới dùng đến xuất khẩu dầu
mỏ và khí đốt là phương tiện để chống đỡ cho hệ thống đang ngày càng suy
sụp của họ và né tránh sự thay đổi. Sau đó, khi nền kinh tế công nghiệp
Xô Viết nổ tung, nó để lại nguồn tài nguyên thiên nhiên, đáng chú ý
nhất là dầu mỏ và khí đốt, như những nguồn giá trị quan trọng còn lại.
Nền công nghiệp dầu mỏ của kỷ nguyên Xô Viết đã
rất phát triển nhưng lại có những sai lầm. Hầu hết sản lượng của ngành
này đều đến từ một số mỏ dầu khổng lồ ở miền Tây Siberia, đã bị tổn hại
do những hành động thiển cận gây ra bởi sức ép chính trị buộc tối đa hóa
sản xuất. Duy trì dòng chảy dầu mỏ đòi hỏi phải tăng vốn đầu tư lên rất
nhiều, nhưng với sự sụt giảm đột ngột trong giá dầu mỏ thế giới vào năm
1986 và cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo đó, nhà nước Xô Viết suy
yếu không còn đủ khả năng để cung cấp nguồn vốn cần thiết nữa. Với sự
kết thúc của hệ thống Xô Viết, đầu tư vào dầu mỏ đã sụp đổ, và sản xuất
dầu giảm mạnh. Sản lượng dầu, đang ở mức cao nhất thế giới vào năm 1987,
đã giảm dần trong 9 năm tiếp theo, trước khi chạm đáy vào năm 1996
xuống mức chỉ bằng khoảng một nửa sản lượng cao nhất trong kỷ nguyên Xô
Viết.
Chính phủ nước này đã bắt đầu tư nhân hóa nền
công nghiệp dầu mỏ vào năm 1992, và một thế hệ các công ty dầu mỏ tư
nhân ra đời. Nhưng dầu ở Nga vẫn thuộc về Mátxcơva, và hệ thống đường
ống dẫn dầu cũng như vậy. Nhà nước vẫn kiểm soát các biên giới và trạm
hải quan, tuy nhiên theo một cách hời hợt. Nhà nước vẫn giữ quyền kiểm
soát nếu không nói là luôn luôn duy trì quyền lực thực sự đối với hàng
xuất khẩu, đặc biệt là dầu thô. Do đó, bất chấp sự tự do bề ngoài, nền
công nghiệp dầu mỏ vẫn bị mắc kẹt trong một hệ thống các quyền kiểm soát
của chính phủ mà mặc dù một nửa trong số các quyền đó đã suy yếu trong
những năm 1990, có thể được phục hồi gần như ngay lập tức.
Tuy nhiên, tư nhân hóa, kết hợp với sự phục hồi
đúng lúc của giá dầu mỏ đã có tác động của nó. Sản xuất dầu bắt đầu tăng
lại trong năm 1999 và vào năm 2002, sản xuất đã tăng gần 10% mỗi năm,
và dường như không có dấu hiệu dừng lại. Vào năm 2002, các công ty dầu
mỏ mới được tư nhân hóa chiếm 83% sản lượng dầu của Nga. Hai đầu tàu của
nền công nghiệp mới, Yukos và Sibneft, thuộc sở hữu của hai doanh nhân
thành đạt bằng chính sức mình, Mikhail Khodorkovsky và Roman Abramovich,
đã áp dụng các phương pháp sản xuất và kỹ thuật quản lý – chủ yếu là
nứt vỉa thủy lực và khoan ngang – trước đó chưa từng xuất hiện ở Nga.
Các công ty dầu mỏ tư nhân khác lúc đó đang theo sát đằng sau, và các
nhà đầu tư đã chộp mua ngay cổ phần trong các công ty này trên thị
trường chứng khoán phương Tây.
Putin, khi được bầu làm Tổng thống vào năm 2000,
ban đầu có vẻ như một người theo chủ nghĩa tự do về kinh tế cổ điển, ông
ủng hộ chủ nghĩa tư bản và các cải cách kinh tế. Ông dường như đã đạt
đến một hình thức thỏa hiệp tạm thời với các đầu sỏ chính trị trong khu
vực tư nhân trong những năm tháng Yeltsin, dựa trên nguyên tắc không can
thiệp lẫn nhau. Các công ty dầu mỏ nước ngoài đã trở nên ngày càng chủ
động ở Nga, và nền công nghiệp dầu mỏ mới của Nga đã khởi xướng những kế
hoạch đầu tư đầy tham vọng vào dự trữ dầu tại biển Caspian, một đường
ống dẫn dầu tới Trung Quốc, các nhà máy lọc dầu ở châu Âu và dây chuyền
cung ứng lớn mới tới Bắc Mỹ. Đối với rất nhiều quan sát viên vào thời
điểm đó, dường như chiến thắng của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do ở
Nga đã gần như trọn vẹn.
Nhưng khi giá dầu đã tăng trong suốt thập kỷ đó,
các công ty dầu mỏ non trẻ của Nga đã trở thành những phần thưởng không
thể cưỡng lại đối với một nhà nước ngày càng quyền lực. Đằng sau sự
thống trị bề ngoài của các công ty tư nhân, một tập đoàn dầu mỏ nhà nước
mới trỗi dậy, Rosneft, đã mạnh lên nhanh chóng. Chính phủ Nga, với
những luật thuế mới, đã giành được ngày càng nhiều hơn phần lợi nhuận
của các công ty tư nhân và sẽ tiếp tục giành được nhiều hơn nữa. Sự
chống đối của Khodorkovsky trước sự tái khẳng định quyền lực của nhà
nước đã khiến ông có mâu thuẫn gay gắt với Putin (đặc biệt khi các thầm
vọng chính trị của Khodorkovsky trở nên rõ ràng), và vào năm 2003,
Khodorkovsky đã bị bắt vì tội trốn thuế, và chính phủ bắt đầu sung công
Yukos. Tiếp nối sự kiện Yukos, tỷ lệ tăng trưởng hai con số trong sản
xuất dầu của Nga chăng bao lâu sau đã giảm xuống. Vào giữa thập kỷ đó,
khu vực tư nhân đã lại bị thu hẹp, nhũng chủ sở hữu tư nhân bị hạ thấp,
thời kỳ bùng nổ dầu mỏ đã kết thúc – và nhà nước đã quay trở lại.
Mặc dù vậy, sản xuất dầu đã tiếp tục phát triển,
nếu không nói là với tốc độ chậm hơn trước rất nhiều, và trong một thời
gian, hệ thống chính trị và kinh tế Nga dường như đã đạt đến trạng thái
cân bằng ổn định.
Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã đến
và kéo theo nó là tình trạng suy thoái, Giá dầu toàn cầu giảm mạnh, và
trong năm 2009, GDP của Nga rớt xuống mức 7,8% – sự sụt giảm mạnh mẽ
nhất đối với bất cứ nền kinh tế lớn nào. Các công ty dầu mỏ đã cắt giảm
chi tiêu và vào năm 2008, sản xuất dầu của Nga lần đầu tiên sụt giảm kể
từ giữa những năm 1990.
Lợi nhuận bị đe dọa
Trong vòng nhiều năm kể từ cuộc khủng hoảng, tổng
sản lượng dầu đã phục hồi, nhưng những dấu hiệu về tình trạng rối loạn
vẫn ở khắp mọi nơi. Sản xuất dầu của Nga trên đà tăng thêm khoảng 1%
trong năm 2012, nhưng ở mức giá rất cao vì sự gia tăng mạnh trong chi
tiêu vốn. Đầu tư vào các giếng dầu, đã tăng 34% trong năm 2011 lên mức
kỷ lục 31 tỷ USD, lên đến 40 tỷ USD trong năm 2012. Bất chấp những nỗ
lực cao nhất của nền công nghiệp này, trung tâm ở miền Tây Siberia của
nó đã rơi vào suy giảm trong dài hạn. Nếu tổng sản lượng vẫn tăng, đó là
nhờ vào số lượng lớn các mỏ dầu mới, phần lớn được đặt ở các khu vực
biên giới của miền Đông Siberia, nơi mà việc sản xuất dầu đắt đỏ hơn. Bộ
Năng lượng đã cảnh báo ban lãnh đạo Nga rằng, với chiều hướng phát
triển như hiện nay, sản xuất dầu rất có thể sẽ giảm vào năm 2020.
Để ngăn chặn hậu quả ấy, ngành công nghiệp này sẽ
phải vượt qua ranh giới kỷ nguyên Xô Viết của nó để tìm ra những nguồn
dầu mới: ngoài khơi Bắc Băng Dương, vùng hoang dã xa xôi ở miền Đông
Siberia, và những tầng địa chất sâu hơn ở miền Tây Siberia. Các mỏ dầu ở
những nơi này sâu hơn, nóng (hoặc lạnh) hơn, áp suất không khí, nồng độ
lưu huỳnh cao hơn, ở xa hơn hoặc có địa lý phức tạp hơn những khu mỏ
đang được khai thác ở Nga ngày nay, ở những mức độ khác nhau. Do đó, sẽ
cần nhiều thời gian và nhiều tiền hơn để khai thác dầu từ những khu vực
này.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nền công nghiệp dầu mỏ
của Nga đã chậm chễ trong việc thay thế các cách thức thiếu hiệu quả
của kỷ nguyên kinh tế kế hoạch tập trung bằng các cấu trúc và kỹ thuật
quản lý hiện đại hơn. Mặc dù kỹ thuật nứt vỉa thủy lực và khoan ngang
giờ đã trở thành tiêu chuẩn trong nền công nghiệp của Nga, công nghệ dầu
mỏ toàn cầu vẫn tiếp tục phát triển, và các công ty dầu mỏ của Nga giờ
đây vẫn còn phải tiếp tục noi theo. Đặc biệt, các công ty dầu mỏ của Nga
có rất ít trải nghiệm ở ngoài khơi Bắc Băng Dương, nơi có khả năng sẽ
mang đến cho Nga rất nhiều dầu mỏ và khí đốt trong tương lai.
Lý do cơ bản cho thất bại trong việc phát triển
của nền công nghiệp này rất dễ hiểu: chừng nào mà các mỏ dầu được thừa
hưởng từ kỷ nguyên Xô Viết vẫn tiếp tục sản xuất, các công ty hầu như
đều thấy không cần thiết phải thay đổi. Hơn nữa, gánh nặng thuế của nhà
nước và các quy định hạn chế đã khiến cho các công ty – cả các công ty
nhà nước và tư nhân – gần như không còn động lực để đầu tư vào công nghệ
mới hoặc cải thiện năng suất của họ. Và không có tiến bộ trong những
mặt trận này, các chi phí sẽ tiếp tục gia tăng mà không thể ngăn lại
được. Các chi phí cao hơn sẽ đồng nghĩa với lợi nhuận thấp hơn và cuối
cùng là doanh thu thấp hơn cho nhà nước.
Nói cách khác, nguồn thu nhập chính của nhà nước
Nga đang lâm nguy, ngay cả khi sự phụ thuộc của nhà nước vào nó vẫn tiếp
tục gia tăng. Dầu mỏ và khí đốt (giá của mặt hàng này phần lớn có liên
quan đến dầu mỏ) chiếm 30% GDP của Nga, và kể từ năm 2000, sự gia tăng
đều đặn trong giá của các mặt hàng này đã là động lực kích thích khoảng
50% tăng trưởng GDP của Nga. Hiện nay, dầu mang lại gần 40% doanh thu
thuế của chính phủ nước này. Do đó, nền kinh tế và nhà nước Nga sẽ bị
tổn thương sâu sắc trước bất cứ sự sụt suy giảm nào trong lợi nhuận từ
dầu mỏ.
Áp lực này sẽ đặc biệt nghiêm trọng khi giá dầu
giảm. Giá dầu đang quay trở lại những mức cao kỷ lục, và rất dễ có thể
hình dung ra rằng chúng sẽ duy trì tình trạng này. Nhu cầu ngày càng
tăng từ châu Á và Trung Đông, sự gia tăng liên tục trong chi phí tìm
kiếm và sản xuất dầu mỏ, và sự bất ổn ngày càng gia tăng ở những nơi sản
xuất dầu mỏ (bao gồm Trung Đông và châu Phi) rất có thể đẩy giá dầu lên
cao hơn nữa. Nhưng không khó để hình dung ra một kịch bản trái ngược. Ở
Bắc Mỹ, việc sản xuất khí đốt, được tìm thấy ở các lưu vực đá phiến
dưới lòng đất và “dầu đá phiến” bị mắc kẹt trong các cấu tạo đá rắn, trở
nên khả thi bằng công nghệ mới, đang tiến bộ với tốc độ đáng ngạc
nhiên, vượt xa tất cả các dự báo. Bởi vì các kỹ thuật đổi mới trong sản
xuất khí đốt đá phiến và dầu đá phiến đang lan đến phần còn lại của thế
giới, những kỹ thuật này đang làm biến đổi mạnh mẽ triển vọng cho ngành
sản xuất năng lượng. Nền kinh tế toàn cầu hiện nay có lẽ đang đứng trên
ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới dồi dào dầu mỏ, có khả năng ở những mức
giá thấp hơn.
Thông thường, người ta có thể kỳ vọng về nguồn
cung dồi dào và các mức giá thấp hơn để kích thích tiêu dùng, nhưng điều
đó có lẽ không đúng với nhu cầu về dầu mỏ trong tương lai. Các mức giá
cao hiện nay đã làm giảm nhu cầu nhiều đến mức các tác động này sẽ còn
được cảm thấy trong một thời gian dài (như đã từng trong vòng 2 thập kỷ
sau các cú sốc dầu mỏ vào những năm 1970). Việc sử dụng dầu đã đạt đỉnh ở
các nước công nghiệp hóa, chủ yếu là ở châu Âu và Mỹ. Trong khi đó,
tăng trưởng kinh tế đã chậm lại ở nhiều nước là những thị trường mới
nổi, đặc biệt ở Trung Quốc và Ấn Độ, khiến tỷ lệ tăng trưởng trong nhu
cầu về dầu mỏ cũng giảm. Cuối cùng, một phần tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng
của nhu cầu về dầu mỏ sẽ được đáp ứng bởi khí đốt tự nhiên. Tất cả
những tác động này có thể kết hợp lại để kiềm chế nhu cầu về dầu mỏ và
ngăn giá dầu tăng lên.
Trong thời điểm hiện nay, những động lực đẩy giá
cao hơn vẫn có ảnh hưởng lớn. Nhưng những động lực cuối cùng sẽ đẩy giá
xuống đang ngày càng mạnh hơn, và khả năng của một môi trường giá dầu
thấp hơn trong dài hạn đang gia tăng. Tuy nhiên ngay cả nếu giá dầu
không gì khác ngoài giữ nguyên ở những mức như hiện nay, sự kết hợp của
chi phí sản xuất dầu lớn hơn, lợi nhuận thấp hơn và nguồn thu thuế cho
chính phủ thấp hơn đang đặt toàn bộ hệ thống phân phối tài sản dầu mỏ
của Nga vào tình thế nguy hiểm.
Những kế hoạch thoát hiểm
Nhiều người trong giới tinh hoa cầm quyền của Nga
nhận ra rằng khó khăn đang nằm ở phía trước. Kể từ cuộc khủng hoảng dầu
mỏ năm 2008, một cuộc tranh luận đáng chú ý đã bắt đầu về những nguy cơ
của việc phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên – một trong những sự tự
kiểm tra định kỳ mà người Nga rất nổi tiếng về nó. Nhưng mặc dù mục tiêu
rõ ràng, vẫn không có sự nhất trí về việc làm thế nào để đạt được nó.
Thay vào đó, có ba kế hoạch cạnh tranh để thoát khỏi sự phụ thuộc vào
dầu mỏ: một chương trình hiện đại hóa công nghệ cao, gắn với Thủ tướng
Nga Dmitry Medvedev; một mô hình cải cách thị trường, được cựu Bộ trưởng
Tài chính của Nga, Kurdin ủng hộ; và một kế hoạch được ưa thích của
Putin nhằm duy trì vai trò nhà nước mạnh mẽ giống như hiện nay.
Trong vòng 4 năm giữ chức Tổng thống, Medvedev đã
thúc đẩy một chương trình nghị sự đầy tham vọng về hiện đại hóa và đa
dạng hóa kinh tế, giống như một lời kêu gọi cho sự thay đổi về đường
hướng khỏi các chính sách của thập kỷ trước. Ông đã tuyên bố vào năm
2010 rằng: “Trong hàng thế kỷ, chúng ta đã vận chuyển nguyên vật liệu
thô của chúng ta ra nước ngoài, và nhập khẩu tất cả sản phẩm ‘thông
minh’”. Tình thế này đã làm nhụt chí những nhà cải cách hoặc các doanh
nhân tương lai. Một trong những người ủng hộ Medvedev, Andrei Klepach,
Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga, đã đánh giá tình hình này thậm chí
còn nhức nhối hơn: Ông nói “Nga” đã trở thành “một nước xuất khẩu dầu
mỏ, các cô gái và những người đoạt giải Nobel Hòa bình tương lai”.
Chương trình mà Medvedev thúc đẩy tập trung vào
đổi mới công nghệ cao, máy tính, công nghệ nano, y học tiên tiến, năng
lượng hạt nhân, và không gian vũ trụ. Lấy cảm hứng từ Thung lũng
Silicon, ông tuyên bố những kế hoạch về một trung tâm đổi mới mới mang
tên Skolkovo, ông thậm chí còn lập một tài khoản trên trang mạng xã hội
Twitter để báo hiệu về hướng đi mới này. Năng lượng đóng vai trò quan
trọng trong chương trình của ông, nhưng trọng tâm không phải là gia tăng
nguồn cung mà là hạn chế tiêu thụ bằng cách trở nên hiệu quả hơn về
năng lượng. Đồng thời, Medvedev và những người ủng hộ ông đã cho rằng,
chính phủ nên đầu tư nguồn doanh thu dầu mỏ vào sản xuất công nghệ cao
và đầu tư ngược trở lại khu vực dầu mỏ càng ít càng tốt. Tuy nhiên, đối
với nhiều người Nga, chương trình của Medvedev, về tham vọng và phạm vi
của nó, gợi nhớ một cách đáng lo ngại về những kế hoạch 5 năm Xô Viết.
Nó liên quan đến sự hiện đại hóa từ trên xuống bởi sự ủy quyền về chính
trị, cùng nỗ lực để vượt qua hàng thập kỷ tụt hậu bằng một bước nhảy vọt
phi thường.
Trái lại, tầm nhìn được đề xuất bởi Kurdin – mà
chính sách của ông đã làm rất nhiều để giữ cho ngân sách của người Nga
ổn định – đánh dấu sự quay trở lại với một chương trình nghị sự về cải
cách theo định hướng thị trường. Theo quan điểm của ông, ngân sách nhà
nước đã tăng vượt ra ngoài tầm kiểm soát, và những ngàv tháng sản lượng
dầu tăng nhanh và giá dầu ở mức cao đang sắp kết thúc. Kurdin đã công
khai chỉ trích chương trình hiện đại hóa của Medvedev và các kế hoạch
của điện Kremlin nhằm gia tăng chi tiêu quân sự, ông đặc biệt tức giận
trước mục tiêu của Bộ Phát triển Kinh tế nhằm cấp vốn cho chương trình
hiện đại hóa của Nga qua những khoản thâm hụt hàng năm. Kurdin lập luận
rằng nhà nước Nga nên cố gắng thiết lập một môi trường đầu tư tốt nhất
có thể và dừng những nỗ lực nhằm phân phối các khoản đầu tư qua các tập
đoàn nhà nước lớn, bởi vì những điều này là mầm mống gây ra tham nhũng
và dẫn đến hiện tượng “tháo chạy vốn”. Chỉ khi lạm phát duy trì ở mức
thấp, đồng tiền nước này mới tiếp tục ổn định, và các quyền sở hữu được
bảo vệ, các doanh nghiệp mới có động lực để chấp nhận rủi ro và đầu tư
vào Nga. Bằng nhiều cách, kế hoạch của Kurdin đại diện cho sự hồi sinh
của chương trình mà dường như Putin đã ủng hộ trong nhiệm kỳ đầu tiên
của mình. Nhưng vào năm 2011, cảm thấy những đề xuất của mình không được
ủng hộ, Kurdin đã từ chức khỏi chính phủ.
Tầm nhìn của Putin không khác nhiều với Medvedev
và Kurdin trong những mục tiêu cũng như cách thức thực hiện nó. Đối với
Putin, dầu mỏ và khí đốt vẫn là nguồn vốn thực tế duy nhất đối với sự
tăng trưởng của Nga, và cách tốt nhất để nâng cao khả năng hoạt động của
ngành công nghiệp là duy trì quyền kiểm soát mạnh mẽ của nhà nước. Ông
quan niệm rằng dầu mỏ vẫn còn rất dồi dào ở Nga và cho rằng nếu các
nguồn cung cấp có vẻ thiếu, đơn giản là công ty phải cố gắng tìm kiếm
nhiều hơn nữa. Theo quan niệm của ông, lòng trung thành của các công ty
dầu mỏ tư nhân không nên dành cho các cổ đông mà nên dành cho nhà nước.
Quả thực, phương tiện ưa thích của Putin đối với việc tìm kiếm, sản xuất
và vận chuyển dầu mỏ là một công ty nhà nước lớn, chủ yếu xuất khẩu các
sản phẩm đã được tinh chế, thay vì dầu thô. Theo ông, nhà nước vẫn là
đầu máy tăng trưởng và tiến bộ; công việc của ngành công nghiệp dầu mỏ
đơn giản chỉ là cung cấp nhiên liệu cho nó.
Putin cũng kịch liệt phản đối sự phụ thuộc của
Nga vào dầu mỏ, giống như Medvedev và Kurdin. Nhưng quan điểm của ông
được dung hòa bởi niềm tin rằng dầu mỏ có thể đóng một vai trò tất yếu
trong hàng thập kỷ tới, không chỉ như là nguồn doanh thu mà còn như một
công cụ phát triển mang tầm khu vực ở trong nước và tầm ảnh hưởng địa
chính trị ở nước ngoài. Không giống như Medvedev và êkíp của ông, Putin
tán dương ngành công nghiệp dầu mỏ là đầu tàu công nghệ đầy tiềm năng,
mặc dù đối với ông, nó chỉ đứng ở vị trí thứ hai trong những ngành công
nghiệp được cho là tiên tiến hơn, như lĩnh vực quân sự. Như cách ông
quan niệm về ngành công nghiệp này, nhà nước nên tiếp tục phân phối các
nguồn doanh thu từ dầu mỏ để hỗ trợ cho các lĩnh vực chiến lược khác.
Nét đặc trưng của Putin là tìm cách để thúc đẩy
các công ty dầu mỏ của Nga thay đổi thông qua sự kết hợp giữa những lời
cổ vũ và áp lực hành chính, đi cùng với một loạt các khoản giảm thuế đặc
biệt. Ông đã khuyến khích Rosneft, giờ đang nằm dưới quyền lãnh đạo của
người cộng sự trong thời gian dài của ông, Igor Sechin, liên minh với
các công ty dầu mỏ lớn ở nước ngoài để phát triển khả năng của Nga trong
việc thăm dò và sản xuất ngoài khơi Bắc Băng Dương. Những quan hệ đối
tác này có thể đánh dấu một chương quan trọng mới trong mối quan hệ giữa
các công ty dầu mỏ của Nga và ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu. Sự ủng
hộ mạnh mẽ của Putin và Sechin đối với họ cho thấy họ hiểu sự khẩn cấp
của tình huống này và đang đối phó với nó – tuy nhiên về bản chất cùng
những biện pháp do nhà nước chỉ đạo mà họ đã ủng hộ trong quá khứ.
Cho đến nay, khi Putin bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba
của mình với tư cách Tổng thống, tầm nhìn của ông sẽ chi phối. Quả thực,
người ta có thể cho rằng với việc “giáng cấp” Medvedev xuống chức Thủ
tướng và việc Kurdin rời khỏi chính phủ, những quan điểm của họ nhìn
chung đã mất đi tầm ảnh hưởng. Tuy nhiên trên thực tế, cả ba nhân vật
này vẫn hiện diện một cách mạnh mẽ, và đường hướng chính sách thực sự
dường như đang phản ảnh một sự cạnh tranh liên tục giữa họ.
Bất chấp những sự khác biệt rõ ràng của họ, cả ba
tầm nhìn đều làm tăng khả năng của Nga để cạnh tranh trong nền kinh tế
toàn cầu với tư cách nhà sản xuất hàng đầu về các sản phẩm và dịch vụ
công nghệ cao. Nhưng điều đó, nói một cách đơn giản, là một vụ cá cược
đầy dũng cảm, cho dù tầm nhìn của ai thắng thế. Nước Nga, với nguồn vốn
về nhân lực và vật chất đang bị thu hẹp, sẽ gặp nhiều khó khăn để theo
kịp các nền kinh tế mới nổi của châu Á và nền kinh tế tri thức trưởng
thành của Mỹ, mà vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới trong đổi mới và tinh
thần kinh doanh. Trong tương lai gần, dầu mỏ sẽ vẫn là lợi thế cạnh
tranh chủ yếu của Nga.
Cuộc khủng hoảng tài chính đang đến gần
Mặc dù lần này Putin đã giành được chiến thắng
trong cuộc bầu cử Tổng thống một cách dễ dàng, nhưng vào năm 2018, khi
ông vẫn có thể ra ứng cử một lần nữa, mọi việc sẽ không dễ dàng đến như
vậy. Đến lúc đó, Putin sẽ giữ chức Tổng thống được 14 năm và trên thực
tế là nguyên thủ quốc gia trong gần 19 năm. Phe đối lập sẽ được tổ chức
tốt hơn, và do sự phổ biến rộng rãi của mạng Internet và mạng xã hội ở
Nga, đến năm 2018, phe này sẽ đạt đến sức mạnh và độ sâu sắc vưọt ra
ngoài thủ đô. Vào thời điểm đó, toàn bộ thế hệ hậu Xô Viết sẽ đến tuổi
trưởng thành. Những nhà lãnh đạo mới lúc đó sẽ nổi lên, có thể từ những
khu vực bên ngoài Mátxcơva, nơi mà đời sống chính trị đang thức tỉnh.
Phe đối lập sẽ tìm thấy sự hỗ trợ được gia tăng từ dân chúng, những
người sẽ cảm thấy thậm chí bị xa lánh hơn so với hiện nay bởi những gì
được hiểu là những sự thái quá của giới tính hoa được ưu đãi. Bất cứ
những dấu hiệu của sự biến chất nào mà chế độ hiện đang cho thấy sẽ còn
nghiêm trọng hơn vào cuối thập kỷ này.
Tuy nhiên, chừng nào mà Kremlin có thể duy trì sự
trung thành của giới tinh hoa kinh doanh và chính trị và tiếp tục vận
hành hệ thống phúc lợi mà phần lớn dân số phụ thuộc vào đó, chế độ này
có thể vẫn tiếp tục ổn định. Nhưng một lúc nào đó trong thập kỷ tới –
đúng khi nào thì không thể dự đoán, bởi vì nó xoay quanh rất nhiều biến
số – nhà nước này rất có thể sẽ hiểu ra rằng nguồn doanh thu từ dầu mỏ
đang giảm, thậm chí khi sự phụ thuộc của nhà nước này vào nguồn doanh
thu ấy tăng lên. Mặc dù giá dầu thế giới vẫn duy trì ở những mức cao như
hiện nay, ngân sách và cán cân thặng dư cán cân thương mại của Nga sẽ
thu hẹp, và dòng tiền, đã cho phép Kremlin đáp ứng những kỳ vọng ngày
càng gia tăng của tất cả mọi người trong thập kỷ qua sẽ biến mất. Khi đó
và chỉ khi đó, những điều kiện tiên quyết cho sự kết thúc của kỷ nguyên
Putin sẽ xuất hiện.
Vào thời điểm đó, nước Nga không nhất thiết sẽ
rơi vào cuộc khủng hoảng chỉ trong một sớm một chiều. Nhờ có một thập kỷ
quản lý tài chính và tiền tệ thận trọng – phần lớn là đóng góp của
Kurdin – chính phủ dường như sẽ có rất nhiều khả năng để vay tiền. Nợ
nước ngoài của Nga hiện nay đang ở mức rất thấp, 15% GDP. Đồng rúp có
thể được phép phá giá, điều này sẽ làm giảm nhập khẩu và khiến hàng hóa
xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn. Nga có thể dùng những khoản dự trữ
ngoại tệ của mình để chi tiêu, mà hiện nay đang đứng vị trí thứ ba về dự
trữ ngoại tệ trên thế giới. Tuy nhiên những điều này chỉ là những biện
pháp ổn định tạm thời. Các chương trình chi tiêu lớn sẽ phải cắt giảm,
bao gồm nhũng chương trình nhạy cảm về mặt xã hội như lương hưu và trợ
cấp. Các quỹ dự phòng trường hợp khẩn cấp của nhà nước sẽ dần cạn kiệt.
Lạm phát sẽ làm giảm giá trị các khoản tiền gửi tiết kiệm của dân chúng.
Lời hứa về sự thịnh vượng ngày càng tăng, điều đã duy trì lòng tin của
dân chúng và tính hợp pháp của chế độ hiện tại trong thời gian dài, sẽ
phai nhạt dần.
Giữa tất cả những điều này, nhà nước Nga cuối
cùng sẽ bị dồn vào thế phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn trước mắt
mà từ lâu họ đã cố gắng tránh: liệu có nên giảm bớt gánh nặng thuế mà
nhà nước áp đặt cho ngành công nghiệp dầu mỏ để tạo điều kiện cho ngành
công nghiệp này có thể đầu tư vào thế hệ các mỏ dầu và công nghệ tiếp
theo hay không. Điều mà nhà nước này không muốn làm ở quy mô lớn trong
quá khứ sẽ buộc phải làm trên quy mô lớn hơn rất nhiều trong tương lai,
khi nước này không còn được hưởng những khoản thặng dư lớn nữa. Bằng
cách này hay cách khác, nền chính trị của chiếc bánh ngày càng to ra sẽ
nhường chỗ cho nền chính trị rối ren hơn rất nhiều của chiếc bánh đang
dần thu hẹp.
Người ta có thể hình dung ra hai cách mà nước Nga
có thể đối phó với cuộc khủng hoảng này. Phản ứng đầu tiên sẽ là phản
tác dụng. Cho đến nay, lợi nhuận từ dầu mỏ được phân chia giữa ba nhóm
chính: các cổ đông, người tiêu dùng và nhà nước. Khi dòng lợi nhuận bị
thu hẹp, các bên tham gia thuộc nhà nước sẽ bị cám dỗ nhiều hơn trong
việc gây áp lực lên những chủ sở hữu tư nhân còn lại, và kết quả sẽ là
một chiến dịch quốc hữu hóa. Nếu việc đó xảy ra, các nhóm lợi ích trong
cấu trúc quyền lực hiện nay – các cơ quan an ninh đối lập, những thế hệ
đầu sỏ chính trị khác nhau, v.v… – sẽ đấu tranh với nhau để giành quyền
lợi, và một điện Kremlin suy yếu sẽ có một khoảng thời gian khó khăn để
duy trì trật tự. Bất chấp nguồn doanh thu dầu mỏ thấp hơn, những nhà
hoạch định chính sách sẽ cảm thấy miễn cưỡng trong việc cắt giảm các
khoản phúc lợi cho dân chúng, khiến thâm hụt ngân sách gia tăng. Với các
khoản thuế vẫn ở mức rất cao, các công ty dầu mỏ, mặc dù chúng sẽ ngày
càng được quốc hữu hóa, sẽ phản ứng lại bằng cách cắt giảm đầu tư, dẫn
đến sản lượng thấp hơn. Kết quả sẽ là sự sụt giảm theo đường xoắn ốc;
khi các khoản doanh thu thu hẹp lại và nhà nước lún sâu hơn vào nợ nần.
Nhưng các nhà lãnh đạo của Nga có thể theo đuổi
giải pháp đối phó thứ hai, mang tính xây dựng hơn. Nhà nước sẽ phải giảm
sự phụ thuộc của mình vào các khoản doanh thu từ dầu mỏ. Điều này có
nghĩa là áp dụng những đề xuất chính trong chương trình của Kurdin: cải
cách hệ thống tiền lương và phúc lợi, cắt giảm trợ cấp đối với các chính
quyền địa phương và những ngành công nghiệp đang hấp hối, giảm chi tiêu
cho quân sự, và nói chung khôi phục kỷ luật ngân sách và cải thiện môi
trường đầu tư. Đồng thời, nhà nước sẽ phải kiềm chế để không đưa ra
những khoản giảm thuế và trợ cấp đặc biệt lãng phí vì những mục đích
được ưa thích của nhà nước và phải thay thế những điều này bằng một hệ
thống thuế dựa trên lợi nhuận hiện đại và có thể dự báo. Nhà nước này
cũng sẽ phải cải thiện những hệ thống quy định và pháp lý và khuyến
khích những thay đổi trong cấu trúc của chính ngành công nghiệp dầu mỏ,
để khuyến khích đổi mới và tinh thần kinh doanh, điều này sẽ mang lại sự
phục hưng. Sự kết hợp giữa cải cách ngân sách và cải cách công nghiệp
là cần thiết; Nga sẽ không thể xử lý được cuộc khủng hoảng đang đến gần
nếu nước này không điều chỉnh được cả sự phụ thuộc dầu mỏ lẫn ngành công
nghiệp dầu mỏ đang vật lộn của mình.
Tuy nhiên, một số người bên trong ngành năng
lượng của nước này nhìn thấy một lối thoát khác. Gần đây, tin tức về
cuộc cách mạng đang ngày càng tăng tốc trong sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ
đã thu hút khu vực dầu mỏ của Nga. Sự thay đổi 180 độ đáng ngạc nhiên
của sản xuất dầu ở Mỹ đã đột ngột làm dấy lên những hi vọng rằng ngành
công nghiệp dầu mỏ của Nga, về cơ bản bằng những biện pháp và sự nhanh
chóng giống như vậy, có thể mang lại sự hồi sinh cho các mỏ dầu ở miền
Tây Siberia và cuộc sống trở lại tốt đẹp.
Đây là một tầm nhìn đầy hấp dẫn, nhung nó phụ
thuộc vào một giả định lớn: rằng sự cạnh tranh, đổi mới cũng như thử
nghiệm và sai lầm, đã thúc đẩy cuộc cách mạng dầu đá phiến ở Mỹ có thể
xảy ra ở Nga. Nhưng đây chính là những yếu tố gần như thiếu hụt trong
ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga ngày nay, và trừ phi Nga thực hiện
những cải cách có ý nghĩa, tiềm năng của dầu đá phiến ở nước này sẽ chỉ
được nhận ra một phần hoặc một cách chậm chạp.
Liệu Mátxcơva có chọn cải cách hay không? Trong
hai thập kỷ vừa qua, nước này đã cách mạng hóa nền kinh tế, viết lại
luật, và tái gia nhập thế giới. Trong tiến trình này, những người có tài
năng và quyết tâm đã đặt những nền tảng có giá trị lớn cho một nhà nước
hiện đại. Đồng thời, quá khứ Xô Viết tiếp tục gây ảnh hưởng lên người
dân và các tổ chức của Nga. Nỗ lực của Putin nhằm thiết lập cái mà ông
gọi là “quyền lực theo chiều dọc” – hệ thống quyền lực tập trung hóa –
đã ngăn cản sự tiến bộ và nuôi dưỡng tình trạng tham nhũng. Công thức đó
sẽ dẫn tới một kết thúc bế tắc. Và vì vậy Nga giờ đang đứng ở ngã tư
đường. Dù nước này chọn con đường nào đi chăng nữa, dầu mỏ sẽ vẫn là
trọng tâm của sự lựa chọn đó – cho dù với tư cách một chiến lợi phẩm
trong một sự phân chia quyền lợi mới hay với tư cách một chất xúc tác
cho cải cách.