Phải chăng Hoa Thịnh Đốn đã bật đèn xanh cho Do Thái chuẩn bị tấn
công Iran qua chương trình viện trợ quân sự? Phải chăng người Nga cũng
đã gửi tín hiệu hậu thuẩn cho chế độ Syria của Bashar al-Assad thông qua
hợp đồng mua bán vũ khí? Phải chăng người Mỹ, người Nga, và người Trung
Quốc cũng đang làm gia tăng tình trạng căng thẳng ở Á Châu qua những
hợp đồng cùng loại?
Hình như chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của Chiến Tranh Lạnh
mới trong hai vùng then chốt của địa cầu, Á châu và Trung Đông, với làn
sóng các tín hiệu tương tự?
CHIẾN TRANH LẠNH MỚI
Mua bán vũ khí trên thị trường quốc tế là ngành doanh thương toàn cầu
phát triển rất nhanh trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay. Theo
Cơ Quan Nghiên Cứu Quốc Hội Hoa Kỳ (Congressional Research Service —
CRS), tổng giá trị các giao dịch toàn cầu trong phạm vi nầy trong năm
2011 đã lên đến 85 tỉ mỹ kim, gần gấp đôi con số trong năm 2010.
Tỉ suất gia tăng cực kỳ nhanh chóng trong số chi tiêu quân sự đã phản
ảnh nỗ lực của các quốc gia Trung Đông nhằm tăng cường kho vũ khí với
các phản lực cơ tân tiến, xe bọc sắt, tên lửa…, một diễn biến đã được
các đại cường sản xuất vũ khí hàng đầu, nhất là Hoa Kỳ và Nga, luôn
khuyến khích, khi hai đại cường đang tìm cách duy trì các kỹ nghệ vũ khí
có cơ hội liên tục hoạt động.
Tuy nhiên, mô hình quen thuộc luôn gây rắc rối nầy chẳng bao lâu đã
bị lu mờ bởi các đổi thay chiều hướng đáng ngại trong các nguồn cung
cấp vũ khí kiểu Chiến Tranh Lạnh luôn gây xáo trộn trong cán cân quyền
lực cấp vùng. Kết quả là sẽ đưa đến một thế giới ngày một bất ổn hơn.
Mua bán vũ khí luôn nhằm phụng sự nhiều chức năng khác nhau. Như
những loại hàng quý giá, vũ khí có thể đem lại những nguồn lợi khổng lồ
cho các công ty chuyên ngành . Chẳng hạn, theo số liệu của CRS, từ 2008
đến 2011, các xí nghiệp Hoa Kỳ đã bán ra thế giới bên ngoài các trang
thiết bị quân sự trị giá lên đến 146 tỉ USD. Các giao dịch chủ yếu nầy
đã giúp bảo đảm số thu nhập của các xí nghiệp chuyên ngành ngay cả khi
ngạch số tạo mãi của chính quyền quốc nội giảm sút.
Mua bán vũ khí cũng đã là công cụ quý giá của chính sách ngoại giao —
như để thiết lập các liên minh, biểu lộ hậu thuẩn, và phương cách lôi
cuốn đồng minh. Các đại cường thường sử dụng việc buôn bán vũ khí như
phương cách phát triển và củng cố các quan hệ đồng minh, hay ngay cả gây
mâu thuẩn giữa các quốc gia đang tìm cách tậu mãi các vũ khí khả dụng
và tân tiến nhất.
Trong suốt thời Chiến Tranh Lạnh, hai đại cường Nga Mỹ đã sử dụng
việc chuyển giao vũ khí như một hình thức cạnh tranh, chào hàng các vũ
khí tân tiến với giá thuận lợi, để quyến rũ các cường quốc cấp vùng rời
bỏ hệ thống đồng minh của đối phương.
Chẳng hạn, Ai Cập đã được thuyết phục gia nhập khối Xô Viết trong năm
1955 khi khối Xô Viết chấp thuận bán những loại vũ khí các quốc gia
Tây Phương đã từ chối cung cấp. Vào cuối thập kỷ 1970, Ai Cập đã quyết
định quay trở lại với Hoa Kỳ sau khi Hoa Thịnh Đốn chịu cung cấp các hệ
thống vũ khí tân tiến hơn.
Trong những năm đó, người Mỹ và người Xô Viết cũng đã sử dụng chuyển
giao vũ khí để củng cố các đồng minh then chốt trong các vùng có xung
đột chiến lược, như Trung Đông. Hoa Thịnh Đốn đã vũ trang Do Thái,
Saudi Arabia, và Iran dưới thời Shah. Nga cùng lúc đã giúp trang bị Iraq
và Syria.
Những động thái chuyển giao vũ khí như vậy đã giữ vai trò quyết
định trong ngoại giao Chiến Tranh Lạnh và đôi khi còn giúp làm thiên
lệch bàn cân thuận lợi cho các quyết định phát động chiến tranh. Chẳng
hạn, trong cuộc chiến Yom Kippur War năm 1973, Ai Cập, lạc quan hơn với
kho tên lửa chống chiến xa do Xô Viết cung cấp, đã tấn công các lực
lượng Do Thái trong sa mạc Negev.
Tuy nhiên, sau ngày Chiến Tranh Lạnh chấm dứt và Liên Bang Xô Viết
tan rã, khía cạnh thương mãi của việc mua bán vũ khí đã thắng thế. Vào
lúc đó, cả Hoa Thịnh Đốn lẫn Mạc Tư Khoa đều đã quan tâm nhiều hơn đến
nhu cầu duy trì hoạt động của guồng máy sản xuất quốc nội hơn là giành
giựt lợi thế ngoại giao, do đó, trọng tâm đã nghiêng về phía thu hút các
hợp đồng mua bán vũ khí từ các quốc gia có đủ tài nguyên để chi trả —
hầu hết là các quốc gia sản xuất dầu lửa trong vùng Trung Đông và các
quốc gia đang lên với tỉ suất tăng trưởng cao ở Á Châu.
Từ năm 2008 đến năm 2011, CRS đã thiết lập bảng thứ hạng các xứ mua
vũ khí quy ước trong thế giới đang phát triển: Saudi Arabia, Ấn Độ,
United Arab Emirates, Brazil, Ai Cập, và Venezuela. Nhóm sáu quốc gia
nầy đã đặt mua 117 tỉ USD các vũ khí mới.
CON ĐƯỜNG MUA BÁN VŨ KHÍ MỚI
Chỉ mới gần đây, trong những tháng đầu năm 2013, các đại cường đã
phơi bày vài dấu hiệu tranh chấp chiến lược trở lại, với cường độ hình
như lúc một gia tăng.
Những động thái gần đây sẽ giúp làm nổi bật khuynh hướng vừa nói:
(1) Vào đầu tháng 5 – 2013, các nguồn tin tình báo Tây Phương đã tiết
lộ: Liên Bang Nga đã cung cấp một số khẩu đội tên lửa tân tiến chống
tàu chiến cho chính quyền Bashar al-Assad. Mạc Tư Khoa, trước đây, cũng
đã cung cấp cho Syria loại tên lửa Yakhont, nhưng những tên lửa gần đây
được trang bị với hệ thống ra-đa tiên tiến hơn để nâng cao hiệu quả. Với
những tên lửa mới nầy, người Syria chắc chắn sẽ cải tiến được khả năng
ngăn chận hay chống lại bất cứ nỗ lực nào bởi các lực lượng quốc tế, kể
cả Hoa Kỳ, giúp phe chống đối xâm nhập từ đại dương hay phong tỏa Syria
bằng hải quân. Syria cũng được biết đang thương nghị với Liên Bang Nga
để mua các tên lửa địa-không S-300 tiên tiến, một hệ thống vũ khí có thể
gây khó khăn nhiều hơn cho các phi cơ không kích hay áp đặt các khu vực
cấm bay.
Ngoài tác động và ý nghĩa quân sự, động thái chuyển giao các tên lửa
Yakhont cũng gợi ý một quyết định mới từ phía Mạc Tư Khoa, bán các vũ
khí mang tính khiêu khích để thể hiện các mục tiêu chiến lược, nói rõ ra
là bảo đảm sự thượng tồn của chế độ Assad, đồng minh duy nhất của Nga
còn sót lại trong khu vực — ngay cả trước sự đồng tình chống đối của Tây
Phương.
Bộ Trưởng Ngoại Giao John F. Kerry đã cảnh cáo người Nga về các động
thái như thế. Kerry đã tuyên bố: “Chúng tôi đã nói rất rõ chúng tôi
không thích Nga cung cấp viện trợ cho Syria. Điều nầy đã ghi rõ trong hồ
sơ.”[1]
Mặc dù đã có những cảnh cáo như thế, các quan chức Nga vẫn nhấn mạnh
họ cũng không có ý định ngưng cung cấp các vũ khí tân tiến cho Assad.
Thứ Trưởng Quốc Phòng Liên Bang Nga đã tuyên bố với báo chí: “Nga đang
có được sự hợp tác kỹ thuật quân sự mạnh mẽ và tốt với Syria, và ngày
nay chúng tôi không thấy có lý do để tái xét sự hợp tác đó.”[2]
(2) Trong tháng 4-2013, trong chuyến viếng thăm Jerusalem, Bộ Trưởng
Quốc Phòng Chuck Hagel đã loan báo một gói viện trợ trang bị quân sự
trị giá nhiều tỉ Mỹ kim cho Do Thái. Mặc dù các chi tiết cuối cùng đang
trong vòng soạn thảo, gói viện trợ được chờ đợi bao gồm các phi cơ vận
tải cánh quạt, V-22 “Osprey”, phi cơ tiếp tế nhiên liệu trên không,
KC-135, các máy ra-đa tiên tiến, và các tên lửa chống bức xạ cần cho các
chiến đấu cơ của Do Thái.
Khi loan báo gói viện trợ, Hagel đã tuyên bố với báo chí: “Chúng tôi
cam kết cung cấp cho Do Thái mọi hậu thuẩn cần thiết để duy trì ưu thế
quân sự đối với bất cứ các xứ hay với các liên minh các Nhà Nước và các
tay chơi không phải Nhà Nước [ trong vùng].”[3]
Đã hẳn, Hoa Kỳ từ lâu đã cam kết hậu thuẩn ưu thế quân sự của Do
Thái, do đó, những động thái của Hagel ở Jerusalm thế tất cũng đã có hàm
chứa tính nghi thức. Và cũng không mấy khó tiên liệu những lời phàn nàn
từ các giới tình báo và quân sự Do Thái: gói viện trợ đã không cung cấp
đủ các vũ khí mới, hoặc không đúng loại Do Thái đang cần. Chẳng hạn,
vài quan chức Do Thái phàn nàn, loại phi cơ vận tải V-22 “Osprey”
không có mấy giá trị quân sự.
Đáng ngạc nhiên hơn hết là báo chí đã không hề báo động về những gì
trong gói vũ khí được cung cấp. Trong số nầy, ít ra đã có hai loại —
các phi cơ tiếp tế nhiên liệu trên không, KC-135, và các tên lửa chống
radiation (thứ vũ khí thiết yếu có khả năng vô hiệu hóa hệ thống ra-đa
phòng không của địch) — chỉ có thể có một mục đích: tăng cường khả năng
phát động một chiến dịch không kích chống lại các cơ sở hạt nhân của
Iran, nếu Do Thái quyết định tấn công.
Hiện nay, trở ngại quân sự lớn nhất cho một cuộc tấn công như thế là
Do Thái không có đủ khả năng làm tê liệt hoàn toàn các hệ thống phòng
không của Iran và phát động một cuộc không tạc tầm xa lâu dài. Tên lửa
và khả năng tiếp tế nhiên liệu trên không sẽ giúp loại bỏ những trở ngại
vừa nói. Mặc dù có thể phải mất khoảng một năm trước khi tất cả các
trang thiết bị quân sự được trao cho Do Thái hay sẵn sàng để sử dụng,
gói viện trợ chỉ có thể được hiểu như đèn xanh từ Hoa Thịnh Đốn: Do Thái
được phép chuẩn bị một cuộc tấn công Iran — một xứ từ lâu chỉ có thể
trông chờ ở lá chắn của Trung Quốc và Liên Bang Nga trước các chế tài
ngày một khắc nghiệt của Liên Hợp Quốc.
(3) Trong tháng 3-2013, Nga đã đồng ý bán 24 Sukhoi, Su-35, phản lực
cơ chiến đấu đa năng, và 4 tàu ngầm chạy diesel loại Lada-class cho
Trung Quốc, ngay trước ngày Chủ Tịch mới nhận chức, Xi Jinping, chính
thức viếng thăm Moscow lần đầu.
Mặc dù các chi tiết mua bán chưa hoàn tất, các quan sát viên quốc tế
đã nhận xét đây là lần chuyển giao trang thiết bị quân sự có ý nghĩa
nhất của Nga cho Trung Quốc trong vòng một thập kỷ. Su-35, loại chiến
đấu cơ tàng hình thế hệ thứ tư, tốt hơn bất cứ loại phi cơ nào khác hiện
nay của Trung Quốc, trong khi tiềm thủy đỉnh Lada là kiểu tàu tiến bộ
và tiếng động nhỏ hơn loại tàu ngầm Kilo-class Trung Quốc đang có. Cả
hai hệ thống sẽ đem lại cho Trung Quốc một bước tiến đáng kể trong khả
năng tác chiến.
Đối với những ai đang theo dõi tình hình an ninh Á Châu trong vòng
vài năm qua, những động thái trên đây không gì khác hơn là một phản ứng
đối với chiến lược Á Châu mới của chính quyền Obama — chốt Thái Bình
Dương.
Như đã được Tổng Thống Obama loan báo trong bài nói chuyện trước Nghị
Viện Úc trong tháng 11-2011, chiến lược đòi hỏi tăng cường sự hiện diện
của hải và không quân vốn sẵn đã hùng hậu trong vùng Tây Thái Bình
Dương — trong vùng Biển Trung Quốc — cùng với sự gia tăng trong số viện
trợ vũ khí của Hoa Kỳ cho các đồng minh như Indonesia, Nhật,
Philippines, và Nam Hàn.
Do đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc đã đáp lại, với
các biện pháp tăng cường khả năng hải quân, loan báo các kế hoạch thủ
đắc một tàu sân bay thứ hai (tàu sân bay thứ nhất đã bắt đầu diễn tập
vận hành từ cuối năm 2012), và tậu mãi các vũ khí tân tiến từ Nga, để
lấp bằng hố cách biệt trong cơ cấu quốc phòng của chính mình.
Sự kiện nầy cũng đã tạo thêm áp lực đối với Hoa Kỳ từ các quốc gia
như Nhật, Taiwan, và các đồng minh khác, đòi hỏi cung cấp thêm vũ khí,
khởi động một cuộc chạy đua vũ trang kiểu Chiến Tranh Lạnh cổ điển trong
vùng.
(4) Trước ngày Bộ Trưởng Ngoại Giao John Kerry viếng thăm Ấn Độ,
24-6-2013, báo chí Ấn Độ đã đăng tải nhiều phúc trình và lời đồn đại về
việc mua bán trang thiết bị quân sự với Hoa Kỳ sắp tới.
Andrew Shapiro, phụ tá ngoại trưởng phụ trách các sự vụ chính
trị-quân sự, đã được báo chí trích dẫn: ngoài số hợp đồng đã được ký
kết, “chúng tôi tin sẽ còn có nhiều tỉ đô la trong vài năm sắp tới.”[4]
Trong lời bình luận, Shapiro đã viện dẫn Thứ Trưởng Quốc Phòng Ashton
Carter, người đưa ra sáng kiến bán vũ khí, “một động thái chúng tôi
nghĩ đang được xúc tiến và hy vọng sẽ dẫn đến một nhịp mua bán trang
thiết bị quốc phòng phụ trội lớn hơn với Ấn Độ.”[5]
Đã hẳn, trong một chừng mức nào đó, điều nầy cũng có thể được xem như
một sự tiếp tục mua bán vũ khí do những động cơ kinh tế quốc nội,
bởi lẽ các công ty sản xuất vũ khí Hoa Kỳ từ lâu đã tìm cách tiếp cận
thị trường vũ khí lớn lao của Ấn Độ. Nhưng những giao dịch mua bán hiện
nay rõ ràng đang giữ một vai trò khác — nhằm thu hút Ấn Độ vào vòng cung
các cường quốc bao vây Trung Quốc, như một phần trong chiến lược Á
Châu-Thái Bình Dương của chính quyền Obama.
Cũng với mục đích nầy, Thứ Trưởng Ngoại Giao William Burns, trong
năm 2011, đã giải thích: “Hai quốc gia chúng ta đã khởi động một đối
thoại chiến lược về Á Châu-Thái Bình Dương nhằm bảo đảm hai quốc gia dân
chủ lớn nhất thế giới đang theo đuổi các chiến lược tăng cường lẫn
nhau.”[6]
Chuyển giao vũ khí được giới lãnh đạo của cả hai quốc gia xem như một
dụng cụ thiết yếu trong việc ngăn bờ Trung Quốc (mặc dù cả hai đối tác
đã cẩn thận tránh dùng cụm từ “Chiến Tranh Lạnh” cũ). Vì vậy, chúng ta
phải đợi xem Kerry sẽ làm gì với các thỏa ước vũ khí mới trong thời gian
thăm viếng New Delhi.
LẶP LẠI LỊCH SỬ
Trên đây chỉ là một số thí dụ về các giao dịch mua bán trang thiết bị
quân sự gần đây — những giao dịch chứng tỏ các đại cường luôn sẵn sàng
sử dụng chuyển giao vũ khí như phương tiện xâm nhập và cạnh tranh địa
chính trị.
Sự kiện tái xuất hiện của lối ứng xử nầy cũng đã phơi bày một sự hồi
sinh đáng ngại các động thái cạnh tranh Chiến Tranh Lạnh. Ngay cả khi
các quan chức hàng đầu ở Hoa Thịnh Đốn, Mạc Tư Khoa, và Bắc Kinh không
trực tiếp bàn thảo khả năng vực dậy một dạng Chiến Tranh Lạnh thế kỷ
XXI, bất cứ ai với một ý thức lịch sử đều có thể thấy họ đang dõi theo
lối mòn quen thuộc hướng đến khủng hoảng và xung đột.
Điều mỉa mai là gần đây các quốc gia cung cấp và thủ đắc hàng đầu, kể
cả Hoa Kỳ, trong Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc, đã biểu quyết chấp thuận
Thỏa Ước Mậu Dịch Vũ Khí — Arms Trade Treaty, áp đặt các giới hạn khá
quan trọng lên mậu dịch toàn cầu trong địa hạt các vũ khí quy ước.
Mặc dù có nhiều kẻ hở và chưa có cơ chế thực thi, thỏa ước vẫn phản
ảnh một nỗ lực đơn thuần đầu tiên của cộng đồng quốc tế quy định nhiều
hạn chế thực sự đối với việc mua bán vũ khí.
Theo Anna MacDonald, lãnh đạo tổ chức Oxfam International kiểm soát
vũ khí, và một quan chức ủng hộ nhiệt thành của Thỏa Ước, “Thỏa Ước nầy
sẽ không giải quyết mọi vấn đề của Syria trong một sớm một chiều, không
một thỏa ước nào có thể làm được việc đó, nhưng sẽ giúp ngăn ngừa ‘các
Syria tương lai’. Thỏa Ước sẽ giúp giảm thiểu bạo lực bằng vũ khí. Thỏa
Ước sẽ giúp giảm thiểu các xung đột.”[7]
Đây có thể chỉ là những hy vọng. Nhưng những hy vọng như thế cũng có
thể bị tan vỡ nhanh chóng nếu các quốc gia cung cấp vũ khí hàng đầu, do
Hoa Kỳ và Liên Bang Nga lãnh đạo, một lần nữa, đang xem các giao dịch
mua bán vũ khí như một khí cụ hữu hiệu để giành những lợi thế địa chính
trị trong các địa hạt có tầm quan trọng chiến lược.
Chẳng những không thể mang lại hòa bình và ổn định — như họ thường
rêu rao, mỗi giao dịch mua bán vũ khí hiện nay là một bước tiến của thế
giới đến gần một Chiến Tranh Lạnh mới, với tất cả các nguy cơ va chạm và
xung đột cấp vùng.
Trong thực tế, phải chăng chúng ta đang chứng kiến những động thái
vô ý thức điển hình như trong câu tục ngữ: “những ai không học được bài
học từ lịch sử, những kẻ đó luôn lặp lại lịch sử?”[8] Một hình thức
Chiến Tranh Lạnh Mới của thế kỷ XXI?
Nguyễn Trường
Irvine, California, USD
12-6-2013
——————————————————————————–
[1] …We’ve made it crystal clear that we prefer that Russia woud not supply them assistance. That is on record.
[2] …Russia enjoys good and strong military technical cooperation with Syria, and we see no reason today to reconsider it.
[3] .We are committed to providing Israel with whatever support is
necessary for Israel to maintain military superiority over any state or
coalition of states and non-state actors [in the region].
[4] …in addition to sales already in the pipeline,”we think there’s
going to be billions of dollars more in the next couple of years.”
[5] …Deputy Secretary of Defense Ashton Carter was heading up an
arms sales initiative,”which we think is making some good progress and
will, hopefully, lead to an even greater pace of additional defense
trade with India.”
[6] …Our two countries launched a strategic dialogue on the
Asia-Pacific to ensure that the world’s two largest democracies pursue
strategies that reinforce one another.
[7] …This treaty won’t solve the problems of Syria overnight, no
treaty could do that, but it will help to prevent future Syrias. It will
help to reduce armed violence. It wll help to reduce conflict.
[8] …Those who don’t learn from history are destined to repeat it.