Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

73. Quan điểm của Hồ Chí Minh về một số vấn đề quốc tế

20:54' 14/8/2013


TCCS - Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại là một hệ thống quan điểm về các vấn đề quốc tế, về chiến lược, sách lược cách mạng Việt Nam trong quan hệ với thế giới. Thực tế cách mạng nước ta chứng tỏ rằng, trên lĩnh vực đối ngoại, tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng cho nhận thức và hành động của chúng ta, từ việc đánh giá cục diện thế giới, quan hệ với các nước lớn, đến lợi ích dân tộc, tập hợp lực lượng quốc tế, dự báo thời cơ và nắm đúng thời cơ, phương châm, phương pháp đối ngoại...



Tiếp cận thế giới bằng những trải nghiệm cá nhân
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận thế giới bằng chính cuộc sống bôn ba tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc của mình. Nhận thức, quan điểm, cũng như các nguyên lý tư tưởng của Người được hình thành qua cuộc hành trình khá dài, trực tiếp trải nghiệm một thế giới rộng lớn. Gần 70 năm đầu của thế kỷ XX là thời kỳ trên thế giới diễn ra các sự kiện lớn: hai cuộc chiến tranh thế giới khủng khiếp nhất trong lịch sử; phong trào cộng sản và công nhân quốc tế diễn ra sôi động sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đồng thời với cuộc đấu tranh tư tưởng và đường lối trong Quốc tế II; cuộc cách mạng vô sản thành công tại nước Nga dẫn tới sự ra đời của Liên bang Xô-viết - thành trì cách mạng thế giới; hệ thống xã hội chủ nghĩa được hình thành sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trong các thập niên sau đó, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc phát triển như vũ bão, dẫn tới sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, hàng loạt quốc gia ra đời và hình thành nên Phong trào Không liên kết, tồn tại bên cạnh hai hệ thống chính trị - xã hội của thế giới hai cực Liên - Mỹ với những xu hướng chính trị khác nhau. Năm 1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, góp phần thay đổi tương quan lực lượng thế giới nghiêng về phe xã hội chủ nghĩa. Và, với cuộc chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh lạnh đã lan sang châu Á. Quan hệ giữa các nước lớn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, thậm chí ngay trong phe xã hội chủ nghĩa cũng xảy ra những biến động lớn. Nhãn quan chính trị quốc tế của Hồ Chí Minh đã được hình thành từ quá trình hoạt động trong bối cảnh quốc tế đầy sôi động như vậy. Những quan sát và phân tích của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về các vấn đề cục diện chính trị quốc tế và thời đại, cũng như cách ứng xử của Người trên trường quốc tế đã dần hình thành nên hệ thống các quan điểm, luận điểm, nguyên lý sát thực, sâu sắc cũng như những hành động đối ngoại mang tính chuẩn mực và rất hiệu quả.
Xác định mối liên hệ mật thiết giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới
Một trong những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc tại Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là các nhà lãnh đạo các phong trào yêu nước tiền bối chưa phân tích được một cách khoa học về cục diện thế giới, tình hình quốc tế và mối liên hệ với trong nước. Hồ Chí Minh đã vượt qua hạn chế này bằng chính những trải nghiệm cá nhân của mình ở nhiều châu lục và bằng cách tiếp cận biện chứng và duy vật lịch sử mác-xít đối với quan hệ quốc tế.
C. Mác - người thày của giai cấp vô sản đã chỉ ra rằng, chủ nghĩa tư bản đã đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa, biến thế giới trở thành một thị trường chung. Kế thừa C. Mác, V.I. Lê-nin đã chỉ ra mối liên hệ giữa chủ nghĩa đế quốc và sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản trên phạm vi toàn thế giới với chiến tranh thế giới giữa các nước đế quốc. Hệ quả của tình trạng này là quan hệ quốc tế dưới chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc đã trở nên có tính toàn cầu. Chính vì thế quan điểm toàn diện và hệ thống trong đánh giá cục diện và tình hình thế giới của chủ nghĩa Mác đã tạo ra một công cụ nhận thức để giúp nắm bắt các vấn đề quốc tế một cách khoa học.
Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, xuất phát từ quan điểm cho rằng, “tình hình thế giới dính dáng mật thiết với nước ta”(1), và “các cuộc đấu tranh cách mạng của các dân tộc, bất kỳ gần hay xa, to hay nhỏ, đều có quan hệ với nhau”(2), năm 1944, Hồ Chí Minh đã xác định rõ: “Mọi người đều phải theo trào lưu cách mạng thế giới… Việt Nam là một bộ phận của thế giới, cũng không thể đi ngược dòng lịch sử được”(3); giữa Việt Nam và thế giới có “muôn ngàn mối dây liên hệ”. Quan điểm toàn diện và hệ thống trong đánh giá cục diện và tình hình thế giới, cách tiếp cận biện chứng của Hồ Chí Minh khi xem xét các vấn đề quốc tế trong một trạng thái tổng thể, coi một nước là một bộ phận của thế giới với các mối quan hệ qua lại lẫn nhau đã nâng tầm quan trọng của nhân tố thế giới lên một mức mới, tạo nên sự khác biệt lớn giữa Người với các nhà cách mạng tiền bối.
Những người cộng sản Việt Nam được sự giáo dục và chỉ đạo của Người đã tiếp thu phương pháp luận mác-xít để làm cơ sở cho việc nhận thức và dự báo tình hình quốc tế. Vào những năm 1938-1939, Đảng ta đã nhận định tình hình thế giới khi đó: “Các mối liên quan quốc tế ngày nay hết sức phức tạp và thay đổi từng giờ, từng phút… Cần phải nhìn qua những biến cố dồn dập hằng ngày mà xét thấu đại thể, phân tích những biến cố ấy mà tìm lấy những đặc điểm của tình hình kinh tế, chính trị trong một thời gian nhất định đã qua và dự đoán cái xu hướng của quá trình sẽ tới”(4) Trong các văn kiện của Đảng ta bao giờ cũng có phần nhận định và đánh giá tình hình thế giới để tìm ra những cơ sở khách quan, từ đó xây dựng chính sách đối ngoại hiệu quả. Chẳng hạn, khi Đảng ta chủ trương chiến lược đánh Mỹ, Bác nói “Nói miền Nam, cần nhận định thêm tình hình quốc tế để có chính sách đối phó cho khéo”(5).
Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại
V.I. Lê-nin khi phân tích về chủ nghĩa đế quốc đã lưu ý đến sự vận hành của quy luật phát triển không đồng đều của chủ nghĩa tư bản, theo đó một số nước đã phát triển nhanh hơn các nước khác và từ đó thách thức các nước mà nó đuổi kịp và vượt. Hệ quả là quan hệ quốc tế chủ yếu xoay xung quanh một số nước và trung tâm quyền lực lớn. Trung thành với cách tiếp cận này, trong lĩnh vực chính trị quốc tế, Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới sự xuất hiện của các trung tâm quyền lực lớn và phân tích mâu thuẫn giữa các trung tâm quyền lực đó để phán đoán chiều hướng vận động của cục diện thế giới và khu vực. Nói cách khác, trong tư tưởng và thế giới quan của Hồ Chí Minh về chính trị quốc tế, về vấn đề chiến tranh và hòa bình, các nước và trung tâm quyền lực lớn đóng một vai trò quan trọng. Khi thuyết “châu Âu là trung tâm” vẫn còn chi phối tư duy địa - chiến lược trên thế giới, trong bài “Đông Dương và Thái Bình Dương” viết năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã phân tích: “Vì đã trở thành một trung tâm mà bọn đế quốc tham lam đều hướng cả vào nhòm ngó, nên Thái Bình Dương và các nước thuộc địa xung quanh Thái Bình Dương, tương lai có thể trở thành một lò lửa của chiến tranh thế giới mới mà giai cấp vô sản sẽ phải nai lưng ra gánh. Xem thế thì ta thấy rõ rằng vấn đề Thái Bình Dương là vấn đề mà tất cả mọi người vô sản nói chung đều phải quan tâm đến”(6).
Hồ Chí Minh cũng đã tìm thấy những trào lưu lớn trong cục diện thế giới. Điều này rất quan trọng, bởi lẽ dù các nước lớn nắm khả năng chi phối quan hệ quốc tế, nhưng bên cạnh đó còn có những lực lượng mạnh mẽ khác. Đó là những tư tưởng tiến bộ của thời đại, những mô hình quan hệ quốc tế mới có tính chất khai sáng và giải phóng cho những phong trào cách mạng và tiến bộ xã hội, từ đó hình thành những trào lưu phát triển mới. Người đã phát hiện ra sức mạnh của chủ nghĩa xã hội với tư cách là một mô hình quan hệ quốc tế mới, sức mạnh của phong trào giải phóng dân tộc (được hỗ trợ bởi chủ nghĩa xã hội) với tư cách là một lực lượng mới trong quan hệ quốc tế, và sức mạnh của phong trào hòa bình với tư cách là nguyện vọng phổ quát của loài người. Chính vì thế, Người nhấn mạnh, điểm mấu chốt để làm cách mạng thành công là phải nhận thấy rõ luật thiên hạ tiến hóa để bước tới đường chính đạo, và mọi người đều phải theo trào lưu cách mạng thế giới.
Hồ Chí Minh đã nhận thấy cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917 ở nước Nga là đại diện cho một trào lưu mới, một lực lượng mới trong nền chính trị quốc tế. Người cho rằng, do Cách mạng Tháng Mười đó mà tư tưởng cộng sản được truyền bá khắp thế giới, trở thành “trào lưu tư tưởng của thời đại”, bởi “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, mọi người đều bình đẳng về kinh tế, đời sống và sự sinh tồn của mỗi người dân đều được bảo đảm, đó là những tư tưởng từ thiện, tương thân tương ái, nhân dân ấm no, thế giới đại đồng. Trên cơ sở đó, Hồ Chí Minh nhận định: “Thời đại chúng ta là thời đại vẻ vang, thời đại thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, của độc lập dân tộc, của hòa bình dân chủ; là thời đại suy yếu của chủ nghĩa đế quốc”(7). Tháng 1-1959, trước sự phát triển nhanh chóng của tình hình thế giới, Người bổ sung: “Thời đại chúng ta là thời đại các dân tộc bị áp bức đứng lên giành quyền độc lập tự do của mình. Chủ nghĩa thực dân đang tan rã và không bao lâu nữa sẽ bị tan rã hoàn toàn”(8).
Như vậy, nếu nhận thức được các đặc điểm xu thế thời đại, việc đưa cách mạng Việt Nam vào đúng dòng chảy của thời đại sẽ tăng sức mạnh của nước ta lên gấp bội. Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta không chỉ tìm đồng minh ở các nước lớn và các nước bạn bè mà còn phải dựa vào xu thế lớn của thời đại. Như vậy, bằng cách tiếp cận khoa học và biện chứng, Người đã mở ra một đường lối kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại - một đặc điểm nổi bật của thời đại Hồ Chí Minh trong chiều dài lịch sử hiện đại của Việt Nam.
Đáng chú ý hơn, Hồ Chí Minh thường xuất phát từ cái nhìn toàn cục đối với tình hình để xác định chiều hướng phát triển của quá trình cụ thể, đặc biệt chú trọng tìm ra xu hướng và xu thế vận động chính của chính trị thế giới. Hồ Chí Minh thấm nhuần nguyên lý của V.I. Lê-nin: “chỉ có dựa trên cơ sở hiểu biết những đặc điểm cơ bản của một thời đại, chúng ta mới có thể tính đến những đặc điểm chi tiết của nước này hay nước nọ”(9). Trước những thời điểm bước ngoặt của cách mạng nước ta, để đưa ra đường lối, chủ trương cách mạng, Hồ Chí Minh đều xem xét, phân tích kỹ lưỡng tình hình trong nước và xu thế thời đại.
Tóm lại, trong thế giới quan của Hồ Chí Minh, các yếu tố về quan hệ quốc tế với những mối dây liên hệ giữa bộ phận và toàn cục, các chủ thể chủ yếu trong quan hệ quốc tế, và nhất là những quy luật chi phối sự vận động quan hệ giữa các nước lớn và các trung tâm chính trị - kinh tế lớn và thể hiện của nó là những quy luật, xu thế phát triển của tình hình và đặc điểm của thời đại chiếm vị trí rất quan trọng. Chúng được tổng hợp lại thành những nét chính của tư tưởng Hồ Chí Minh khi nhìn nhận và đánh giá quan hệ quốc tế. Quá trình hoạt động cách mạng và đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin của Người cũng đồng thời giúp trang bị cho Người phương pháp luận biện chứng mác-xít, chủ nghĩa duy vật lịch sử cùng quan điểm toàn diện cũng như hệ thống để tiếp cận quan hệ quốc tế với tư cách là một đối tượng nghiên cứu rất động và phức tạp. Nếu V.I. Lê-nin coi đó là “công cụ nhận thức vĩ đại” thì Hồ Chí Minh cho rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin là cuốn “cẩm nang thần kỳ”, “vũ khí tư tưởng vĩ đại của giai cấp vô sản” và “vũ khí không gì thay thế được”.
Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc 
Hồ Chí Minh là một chiến sĩ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, là người nhiệt thành đấu tranh cho chủ nghĩa quốc tế vô sản và quyền lợi của giai cấp công nhân. Nhưng điểm then chốt trong thế giới quan của Hồ Chí Minh vẫn là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, và đi cùng với nó là tư tưởng đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Phân tích tình hình thế giới là để giúp Người nhìn ra mối dây liên hệ giữa Việt Nam với thế giới, và, đánh giá đặc điểm quan hệ quốc tế là để giúp tìm lối đi cho con thuyền cách mạng Việt Nam. Đối với Người, khoa học là để phục vụ cách mạng, và cụ thể hơn là phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng dân giàu nước mạnh. Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh vốn đã mạnh bởi cơ sở khoa học của nó lại càng mạnh hơn vì đã dựa được vào sức mạnh của truyền thống dân tộc và giành được tính chính danh vì phục vụ lợi ích dân tộc.
Là một người cộng sản, một nhà hoạt động quốc tế, nhưng trên hết, là một người yêu nước nồng nàn, như tên “Ái Quốc,” suốt đời Người phấn đấu hy sinh cho độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc là động lực của hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Người từng nhận xét: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ ba”(10). Người đã nhận thấy sức mạnh vô địch của lòng yêu nước khi nói dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn và nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.
Có thể thấy cách đề cập vấn đề lợi ích dân tộc của Hồ Chí Minh trải qua ba thời kỳ chính, mang những nội dung cụ thể. Thời kỳ đầu hoạt động ở hải ngoại, chính lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Người luôn kiên trì mục tiêu giải phóng dân tộc dù cho phải vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, và, khi đã nắm được “cái cẩm nang” cách mạng, Người kiên quyết tìm đường về nước để lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc.
Năm 1941, sau khi Người về nước nắm vai trò lãnh đạo cách mạng và chuẩn bị lực lượng giành chính quyền, tư tưởng phục vụ quyền lợi dân tộc của Người ngày càng được thấm nhuần trong những người cộng sản Việt Nam. Người xác định: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”(11), thực hiện quyền lợi dân tộc trước sẽ tạo tiền đề cho thực hiện quyền lợi giai cấp. Trong bối cảnh cụ thể này của đất nước, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì “chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Hồ Chí Minh luôn nêu cao chủ nghĩa quốc tế và đoàn kết quốc tế, đồng thời với việc đề cao lợi ích dân tộc, nhấn mạnh “Phải có tinh thần dân tộc vững chắc”, Người căn dặn muốn làm gì cũng cần vì lợi ích dân tộc mà làm, và phải luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ.
Lợi ích dân tộc cũng là tiêu chí để đánh giá bạn - thù, phân hóa và tập hợp lực lượng. Người cho rằng: “Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù. Đối với mình, những tư tưởng và hành động có lợi cho Tổ quốc, cho đồng bào là bạn. Những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc và đồng bào là kẻ thù. Thế là chẳng những ở ngoài, mà chính ở trong mình ta cũng có bạn và thù. Vì vậy, chúng ta cần phải ra sức tăng cường bạn ở trong và ở ngoài, kiên quyết chống lại kẻ thù ở ngoài và ở trong mình ta”(12).
Đối với Người, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bên cạnh điểm nhấn vào lợi ích của giai cấp vô sản, cũng không hạn chế việc theo đuổi lợi ích dân tộc. Lợi ích dân tộc sẽ được thực hiện bằng việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước. Viết cho độc giả Liên Xô, Người vẫn nhấn mạnh: “Phải có đường lối cách mạng đúng, có Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đúng. Đường lối ấy chỉ có thể là đường lối của chủ nghĩa Mác - Lê-nin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của dân tộc”(13).
Xác định đúng đắn mối liên hệ giữa lợi ích dân tộc với lợi ích giai cấp trong quan hệ quốc tế là một nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại.      
Ngay trong bối cảnh phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có những bất đồng, ngày 3-8-1956, Hồ Chí Minh viết trên báo Sự thật (Liên Xô) đã đưa ra luận điểm sáng tạo về mối liên hệ nêu trên: “Trong tình hình hiện nay, những đặc điểm dân tộc và những điều kiện riêng biệt ở từng nước ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong việc vạch ra chính sách của mỗi đảng cộng sản và mỗi đảng công nhân... và những vấn đề được đề ra cho đảng này hoặc đảng khác, tuyệt nhiên không phải là “việc riêng” của mỗi đảng mà có quan hệ mật thiết đến toàn bộ giai cấp vô sản quốc tế”(14).
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại dựa trên nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, truyền thống dân tộc và chủ nghĩa yêu nước, đồng thời tiếp thu có chọn lọc các trào lưu lý luận khác, đặc biệt là trào lưu chính trị thực tiễn trong lý luận cũng như thực hành quan hệ quốc tế. Về cơ bản, lập luận của trào lưu chính trị thực tiễn cho rằng, trong tình trạng vô chính phủ của quan hệ quốc tế, các nước đều phải chăm lo đến lợi ích quốc gia của mình nhất là khi các nước thường xuyên có xung đột lợi ích với nhau. Tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia là cách tốt nhất để các nước bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình. Do đó, các nước lớn - những nước có ưu thế vượt trội về sức mạnh, nhất là sức mạnh kinh tế và quân sự - không những có khả năng cao hơn để bảo vệ quyền lợi của mình mà còn xây dựng và ra các “luật chơi”, hình thành các thể chế quốc tế để quyền lợi của họ luôn được bảo đảm trên phạm vi quốc tế rộng rãi. Nói cách khác, sức mạnh vật chất đã giúp các nước lớn tạo ra vị trí trong hệ thống và xây dựng “luật chơi” thể hiện đúng vị thế của mình. Hệ quả là, sự thay đổi trong cục diện quốc tế, hệ thống và trật tự quốc tế sẽ phải bắt đầu từ thay đổi trong so sánh lực lượng giữa các nước, nhất là các nước lớn.
Các tư tưởng, nguyên tắc và phương châm chỉ đạo trong đối ngoại, như “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “thêm bạn, bớt thù”, và “kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại”, “tăng cường nội lực” và “tự cứu lấy mình” được kết tinh trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại, ở góc độ nào đó, cũng là sự tiếp thu có chọn lọc và phát triển sáng tạo các nguyên tắc chính trị thực tiễn như đã phân tích ở trên. Các tư tưởng, nguyên tắc và phương châm chỉ đạo đó được thể hiện qua các chính sách của từng giai đoạn và trở thành nguyên nhân của mọi thắng lợi đối ngoại của Việt Nam từ năm 1945 đến nay, kể cả khi ta phải đương đầu với các đối thủ hùng mạnh như thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. 
Cách tiếp cận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại, nhất là với sự nhấn mạnh đến tính chất quyết định của lực lượng vật chất cũng như mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố trong một hệ thống, một mặt, phát huy được tính thực tế của cách tiếp cận chính trị thực tiễn lấy quốc gia làm trung tâm và lợi ích quốc gia làm cơ sở đánh giá quan hệ quốc tế và xây dựng chính sách đối ngoại; mặt khác, kết hợp được một cách hài hòa và nhuần nhuyễn giữa ý thức hệ, lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc, làm cho chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa yêu nước hòa quyện thành một trong hoàn cảnh Việt Nam. Chính điều này đã làm nổi bật tính khoa học, tính cách mạng và tính thực tiễn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại./.

--------------------------------------------


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2000, t. 6 tr. 170
(2) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 6, tr. 452
(3) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 3, tr. 464 - 465
(4) Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 602
(5) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t. 8, tr. 136
(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 1, tr. 243 - 244
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 307
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 357
(9) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 26, tr. 174
(10) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 10, tr. 128
(11) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 3, tr. 198
(12) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Sđd, t. 6, tr. 18
(13) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Sđd, t. 9, tr. 295
(14) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Sđd, t. 6, tr. 315
TS. Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giaoPGS, TS. Nguyễn Vũ Tùng, Học viện Ngoại giao