Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

49. Tập Cận Bình và Giấc mơ một Trung Quốc mới

Như một siêu cường luôn muốn thực hiện giấc mơ trỗi dậy trong hòa bình, những động thái mang tính thù nghịch gần đây của Trung Quốc đã được theo dõi với âu lo trên thế giới, đặc biệt là trong các quốc gia lân bang .
TRANH CHẤP ẤN ĐỘ-TRUNG QUỐC
Ấn Độ đã lên tiếng tố cáo quân lực TQ thiết lập doanh trại 19 cây số bên trong lãnh thổ Ấn từ “đường kiểm soát thực sự”[1] (LAC) phân chia Ladakh thuộc bang Jammu & Kashmir với Trung Quốc, mặc dù chưa đạt được một biên giới đồng thuận.
Nhật Bản cho biết sự hiện diện hàng ngày của các tàu tuần duyên TQ chung quanh các hải đảo Senkaku/Diaoyu trong vùng Biển Hoa Đông đang tranh chấp.
Ngày 26-4-2013, TQ cũng đã đòi hỏi Philippines phải dời bỏ các cơ sở và triệt thoái ngư dân ra khỏi một số hải đảo và mỏm đá ngầm trong vùng Biển Nam Hải, cho đến nay do Philippines chiếm giữ có nơi đã lên đến vài thập kỷ.
Trong hầu hết các trường hợp, Trung Quốc, với vài biện minh, đã có thể nói họ đang đáp lễ sự khiêu khích của Philippines. Tuy nhiên, điều đó vẫn không đem lại mấy thoải mái cho các quốc gia láng giềng ngày một lo ngại.
Trong ba vụ tranh chấp lãnh thổ, vụ nhen nhúm lại với Ấn Độ đã xẩy ra như một điều bất ngờ trong hai dải dài biên giới đang tranh chấp.
Về phía Đông, TQ đã chiếm đóng trong một thời gian ngắn một phần đất hiện nay thuộc bang Arunachal Pradesh, phía Nam Tây Tạng trong một cuộc chiến đẩm máu năm 1962.
Về phía Tây, dải Aksai Chin, một cao nguyên với diện tích bằng Thụy Sĩ, do TQ chiếm giữ, nhưng Ấn Độ xem như một phần của tỉnh Ladakh.
Trong cả hai nơi , các cuộc tuần tiểu của mỗi bên thường diễn ra trong phần đất bên kia xem thuộc lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, cả hai đều không dựng lều trại, như quân đội TQ đã làm trong lần nầy. Đây là cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất trong cả hai dải biên giới kể từ năm 1986.
Sau vụ đụng độ, cả hai quốc gia đã đồng ý tạm thời gác qua một bên, sau một chuổi thương nghị bất tận về đường ranh LAC, cùng lúc hai bên vẫn tập trung vào việc củng cố mậu dịch và các quan hệ khác. Một đợt nổ lực cách đây một thập kỷ nhằm thành đạt một giải pháp chính trị chẳng bao lâu lại bế tắc. Nhưng không bên nào tìm cách gây sức ép với đối thủ.
Ngày nay, khi TQ đang bận tâm với các vụ tranh chấp khác, và tình hình trong khu vực đang căng thẳng vì các khuấy động bất ngờ của Bắc Triều Tiên, trong tình hình mới, hình như thực sự thật khó tin TQ có thể muốn làm sống lại các vụ tranh cãi. Đã hẳn, TQ đã cãi chính những hành động như vậy, và nhấn mạnh quân đội của họ đã không hề vượt quá LAC.
Tuy nhiên, TQ rất có thể đã cảm nhận bị khiêu khích. Ajai Shukla, nhà phân tích quốc phòng Ấn Độ, đã nêu rõ quân đội Ấn đã thể hiện một động thái Shukla gọi là “dấy động thứ ba liên hệ đến biên giới chung Ấn-Trung.”[2] Hai dấy động trước đây, vào cuối thập kỷ 1950, đã đưa đến cuộc chiến 1962, và năm 1986, đến tình trạng bế tắc hiện nay. Giờ đây, một lần nữa, Ấn Độ đang tăng cường sự hiện diện của mình ở Arunachal Pradesh và Aksai Chin, qua việc tăng cường quân đội, vũ khí, và hạ tầng cơ sở.
Với cấp lãnh đạo mới, Trung Quốc rất có thể đã cảm nhận Ấn Độ đã lợi dụng giai đoạn chuyển tiếp, khi TQ chưa kịp chuẩn bị và thích ứng, để gây áp lực đối với Trung Quốc trên các mặt trận khác.
Trung Quốc cũng rất có thể có cùng cảm nhận đối với các động thái khiêu khích của Nhật Bản trong vụ các hải đảo Senkaku/Diaoyu. Các cuộc tuần tiểu của TQ chung quanh các hải đảo nầy là một phản ứng của TQ đối với thái độ người Nhật đã tảng lờ các cảnh cáo không được quốc hữu hóa ba trong số các hải đảo mua lại từ các sở hữu chủ tư nhân gốc Nhật trong tháng 9-2012.
Gần đây hơn, vào cuối tháng 4-2013, mười tàu Nhật chở khoảng 80 nhà hoạt động hữu phái đến thăm các hải đảo nầy. Và các thành viên nội các của Thủ Tướng Nhật, Shinzo Abe, đã gây phẩn nộ ở TQ khi thăm viếng đền thờ Yasukuni — nơi các tội phạm chiến tranh cao cấp đã được tôn thờ chung với các chiến sĩ trận vong. Một phần phản ứng của Trung Quốc là lặp lại: Diaoyus là một trong những “quyền lợi cốt lõi” của TQ — những quyền lợi tương tự như Đài Loan và Tây Tạng, TQ sẵn sàng chấp nhận chiến tranh để bảo vệ.
Trong một thông cáo chung ký với Barack Obama năm 2009, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã cam kết tôn trọng các quyền lợi cốt lõi của nhau.
Lời đòi hỏi Philippines phải rút khỏi các hải đảo tranh chấp cũng chỉ là một phản ứng đối với hành động Philippines đã đưa vụ tranh chấp với TQ ra trước Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển. Trung Quốc cũng không sai khi nêu rõ, mặc dù luật biển quy định các quy chế về biển và các vùng độc quyền kinh tế quanh các hải đảo, luật chẳng nói gì đến chủ quyền đối với các vùng liên hệ.
Về vấn đề nầy, TQ hình như đã có ý định áp đặt quan điểm riêng của chính mình. Ngoài những lời tấn công Philippines, vào đầu tháng 5-2013, TQ đã khởi động đưa du khách đến tham quan quần đảo Trường Sa (hay Xisha theo TQ), cưởng chiếm khỏi tay Việt Nam trong năm 1974.
Các xung đột giữa TQ với Philipppines và Việt Nam là một số trong các tranh chấp nghiêm trọng hiện đang tiếp diễn trong vùng Biển Nam Hải. Ngoài ra vào cuối tháng 3-2013, Trung Quốc cũng đã xung đột với cả Brunei và Malaysia, qua động thái gửi đội tàu hải quân vào vùng biển hai quốc gia nầy cũng đòi chủ quyền, ngay mũi chót phía Nam của “nine-dashed line,” một tranh chấp mập mờ từ thâp kỷ 1930.
Trên căn bản riêng rẻ, các động thái của TQ có thể được xem như các phản ứng thực tế đối kháng với các sức ép khác nhau. Nhưng gộp lại, các động thái có thể đem lại hai nguy cơ.
Nguy Cơ Thứ Nhất: Kết quả khác với ý định.
Với các động thái nầy, TQ hình như đã khởi động một chiến dịch có phối trí, và thiết kế những sự kiện thực tế mới trong vùng, nhằm tăng cường vị thế trong các xung đột hay thương nghị tương lai.
Nhưng kết quả thực tế hầu như trái ngược: Cấp lãnh đạo chính sách đối ngoại của TQ, vì vậy, có vẻ như thiếu uy tín để áp đặt một phản ứng điều phối đúng kích cỡ trước các thách thức ngẫu nhiên trùng hợp. Thay vì chọn lựa phương cách đối phó với từng đối thủ, TQ đã phải đối phó với tất cả cùng lúc trong một chiến tuyến thống nhất. Ấn tượng một siêu cường đang lên kiêu ngạo hung hăng, do đó, rất khó gở bỏ.
Nguy Cơ Thứ Hai: Xung đột ngoài ý muốn.
Cả TQ lẫn các quốc gia trong cuộc đều không muốn tranh chấp dẫn đến xung đột quân sự. Tuy nhiên, trong thực tế, các tư lệnh địa phương luôn có thể tính toán sai lầm dễ dẫn đến leo thang và không thể lường trước. Nhất là trong vụ tranh chấp các hải đảo Senkaku/Diaoyu, các quan chức Hoa Kỳ rất lo ngại các lỗi lầm khả dĩ của các thuyền trưởng và phi công chiến đấu cơ, luôn trong tình trạng căng thẳng. Hoa Kỳ đang có thỏa ước an ninh với Nhật Bản, và mặc dù đã luôn nói rõ vị trí trung lập của mình trong vấn đề chủ quyền các hải đảo Senkaku/Diaoyu, trách nhiệm của Mỹ bảo vệ Nhật Bản theo thỏa ước vẫn bao gồm luôn cả quần đảo nầy. Chỉ cần một phi công “quyết hy sinh để bảo vệ tổ quốc thiêng liêng của mình” cũng đủ để thử thách sự cam kết đó, với hậu quả hoàn toàn không thể tiên đoán.
GIẤC MƠ CỦA TẬP CẬN BÌNH
Năm 1793, một đại diện ngoại giao Anh Quốc, Lord Macartney, đã viếng thăm vương triều Trung Quốc, hy vọng mở rộng quan hệ ngoại giao và thương mãi . Ông đã mang theo một số quà cáp chọn lựa từ xứ sở mới kỹ nghệ hóa của mình. Vua Càn Long (Qianlong) Trung Quốc, một quốc gia với tổng lợi tức lúc đó lên đến 1/3 GDP toàn cầu, đã từ chối tiếp nhận và đã gửi thông điệp phúc đáp King George III, với lời lẽ: “Chúng tôi có thể thấy được sự khiêm tốn và thần phục chân thành của ngài, nhưng chúng tôi không cảm thấy có một chút nhu cầu nào đối với các biến chế phẩm của quý quốc.”[3]
Người Anh đã trở lại trong thập kỷ 1830 với tàu chiến, buộc Trung Quốc phải mở rộng cửa để giao thương. Các cải cách sau đó của Trung Quốc cũng đã thất bại trong tũi nhục, và rồi TQ cũng đã đi theo chủ nghĩa Maoism.
Trung Quốc đã trải nghiệm một hành trình đặc biệt trên đường trở lại địa vị một quốc gia vĩ đại. Hàng trăm triệu người đã thoát khỏi đói nghèo, hàng trăm triệu khác đã gia nhập giới trung lưu mới. Và Trung Quốc đã đạt vị trí đòi lại địa vị xứng đáng của mình trên thế giới. Ảnh hưởng toàn cầu của TQ đang ngày một bành trướng và trong thập kỷ tới, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua kinh tế Hoa Kỳ.
Trong những tuần lễ đầu trong chức vụ lãnh tụ Đảng Cộng Sản cầm quyền, Chủ Tịch Tập Cận Bình đã ghi dấu địa vị mới, với khẩu hiệu kêu gọi tinh thần ái quốc và đoàn kết của toàn dân Trung Quốc, một quốc gia ngày một đa dạng. Chủ tịch Tập Cận Bình gọi chủ thuyết mới của ông là “Giấc Mơ Trung Quốc”.
Đã hẳn, khẩu hiệu lúc nào cũng quan trọng ở Trung Quốc cũng như trong các đại cường khác. Các bản tin luôn đầy dẫy “giấc mơ của Tập Cận Bình”. Các trường học tổ chức các cuộc tranh tài về cùng đề tài. Một “sô diễn tài nghệ truyền hình” tìm kiếm “Tiếng Nói của Giấc Mơ Trung Quốc” — “The Voice of the Chinese Dream”.
Mọi quốc gia, cũng như mọi dân tộc, đều nên có ước mơ. Nhưng viễn kiến của Tập Cận Bình chính xác là gì? Hình như nó cũng bao gồm một ước vọng kiểu Mỹ nào đó, như “một thoáng quốc gia chủ nghĩa” đáng buồn phiền và “một thoáng độc tài” gói ghém làm mới trở lại.
SẮC THÁI Ý Thức Hệ Lu Mờ Dần
Kể từ các nỗi nhục trong thế kỷ thứ 19, mục tiêu của Trung Quốc đã luôn là “phú quý” và “hùng cường”. Mao Trạch Đông đã tìm cách thành đạt cả hai mục tiêu qua chủ nghĩa Cộng Sản — Marxism. Với Đặng Tiểu Bình và các các lãnh đạo kế tiếp, ý thức hệ ngày một mềm dẻo hơn, mặc dù sự kiểm soát của Đảng vẫn mang tính tuyệt đối. Lý thuyết “Ba Đại Diện” của Giang Trạch Dân đã nói rõ: Đảng phải là hiện thân của một xã hội đã đổi thay, và dọn đường cho các doanh nhân trong khu vực tư gia nhập Đảng. Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) đã thúc đẩy một viễn cảnh hay “cách nhìn phát triển khoa học” và “phát triển hài hòa” (scientific-development outlook and harmonious development), để đối phó với thực tế thiếu hòa hợp do hố cách biệt giàu nghèo lúc một gia tăng.
Giờ đây, TQ đã có cấp lãnh đạo mới, với một cách tiếp cận mới, và đang muốn có nhiều cải cách. Xi Jinping đã phát động một chiến dịch chống xa hoa trong chính quyền. Mặc dù chưa có đủ chi tiết, “giấc mơ” của Tập Cận Bình rất khác với giới lãnh đạo trước đây.
So với “ý thức hệ nặng nề” của các lãnh đạo tiền nhiệm, giấc mơ của tân chủ tịch hấp dẫn hơn nhiều. Dưới thời Mao, Đảng luôn đả kích các tập tục lỗi thời và xóa bỏ quá khứ đế quốc, tính vĩ đại của Trung Quốc, nay được Tập Cận Bình trân trọng, đã biến giới lãnh đạo Đảng thành những thừa kế của các triều đại vương quyền trong thế kỷ thứ 18 khi các hoàng đế nhà Thanh đòi hỏi các đại diện Tây Phương phải khấu đầu trước các quốc vương.
Tuy vậy, chính trị thuần túy thực tiển mới thật sự quan trọng. Với tỉ suất tăng trưởng chậm lại, chủ thuyết ái quốc của tân lãnh tụ hình như đã được thiết kế nhằm phụng sự tính chính đáng mới của Đảng Cộng Sản.
Thực vậy, không phải một điều ngẩu nhiên khi Tập Cận Bình lần đầu tiên đề cập giấc mơ một “Trung Quốc hồi sinh” — “the great revival of the Chinese nation” trong tháng 11-2012, trong bài phát biểu tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia trong Quảng Trường Thiên An Môn, nhân cuộc triển lãm “Con Đường đi đến Hồi Sinh” hay “Road to Revival”, mô tả tình cảnh tũi nhục của Trung Quốc trong tay các cường quốc thực dân và thành tích giải phóng quốc gia của Đảng [Cộng Sản].
GIẤC MƠ NHỎ BÉ CỦA TẬP CẬN BÌNH
Không ai nghi ngờ Tập Cận Bình luôn dành ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế — giới lãnh đạo TQ tin phải mất nhiều thập kỷ trước khi quốc gia nghèo nàn của họ bắt kịp người Mỹ giàu có hơn nhiều — và điều nầy có nghĩa Trung Quốc còn cần phải mở rộng cửa hơn nữa.
Vì vậy, theo nhãn quan của giới lãnh đạo Tây Phương, giấc mơ của họ Tập rõ ràng đang đối đầu với hai nguy cơ:
(1) Nguy cơ thứ nhất là quốc gia chủ nghĩa.
Ý thức một quốc gia nạn nhân lâu dài trong lịch sử có nghĩa những mỹ từ chính trị của quốc gia trên đường hồi sinh rất dễ dàng trở nên cáu kỉnh. Trong khi các cuộc đụng độ và gây hấn gia tăng trong các vùng biển lân cận, các trang mạng truyền thông cá nhân với tinh thần ái quốc chẳng cần ai khuyến khích để đòi hỏi phải dạy cho người Nhật một bài học.
Tập Cận Bình đã bắt đầu động viên giới quân đội. Tháng 12-2012, trong một chuyến thị sát hải quân ở Hoa Nam, họ Tập đã nói đến “giấc mơ một quân đội hùng cường” — “a strong-army dream”. Đã hẳn, lực lượng quân đội đã rất hoan hỉ với những lời lẽ như thế.
Ngay cả khi mục tiêu của Xi Jinping là chỉ để lấy lòng phe diều hâu, điều đáng lo là những bài nói chuyện kiểu kích động có thể là chỉ dấu một lập trường cứng rắn hơn ở Đông Á. Không ai nên bận tâm với một TQ tự tin về chính mình, nhưng một xứ biến đổi — từ địa vị nạn nhân của chủ nghĩa thực dân thành một đại cường hàng đầu ngứa ngáy muốn tính sổ với Nhật Bản — có thể mang lại tai họa cho khu vực, kể cả cho chính Trung Quốc.
(2) Nguy cơ thứ hai là giấc mơ của Trung Quốc sẽ tập trung nhiều uy quyền cho Đảng thay vì cho Nhân Dân.
Trong tháng 11-2012, họ Xi đã lặp lại giấc mơ Hoa Kỳ, khi tuyên bố ” Đáp ứng ước mong [của nhân dân chúng tôi] thành đạt một đời sống hạnh phúc là sứ mệnh của chúng tôi.”[4]
Các công dân TQ bình thường, cũng có tham vọng không kém các công dân Mỹ, đều mong muốn sở hữu một ngôi nhà, gửi con vào đại học, một cuộc sống hạnh phúc.
Nhưng quan tâm chính của Chủ Tịch Xi hình như chỉ để tăng cường uy quyền tuyệt đối của Đảng. Như Chủ Tịch Tập Cận Bình đã nói với hải quân, “Giấc mơ TQ là giấc mơ một quân đội hùng mạnh” — có nghĩa phải tuyệt đối tin theo mệnh lệnh của Đảng.
Ngay cả khi giấc mơ của Trung Quốc tránh nhắc đến Đảng Cộng Sản, Chủ Tịch Xi Jinping cũng đã làm rõ: Liên Bang Xô Viết trước đây đã sụp đổ chính là vì Đảng Cộng Sản Xô Viết đã thiếu nghiêm túc và đã đi chệch đường khỏi ý thức hệ chính thống.
Họ Xi đã nói: “Giấc mơ Trung Quốc là một lý tưởng. Các đảng viên Cộng Sản cần phải có một lý tưởng cao hơn, và đó là Chủ Nghĩa Cộng Sản.”[5]
Vì vậy, giới lãnh đạo chính trị Tây Phương có thể tin: “Thử thách căn bản đối với viễn kiến của Tập Cận Bình sẽ là thái độ của ông đối với ý niệm pháp trị. Khía cạnh tốt của giấc mơ đòi hỏi tinh thần pháp trị: nền kinh tế, hạnh phúc của nhân dân nước ông, và sức mạnh thực sự của Trung Quốc, tùy thuộc ở thực tế quyền hành độc đoán cần được ngăn chặn. Nhưng tham nhũng và lạm quyền sẽ chỉ được cắt xén khi Hiến Pháp trở nên hùng mạnh hơn Đảng. Thông điệp nầy đã được trình bày trong một bài xã luận trên tờ báo cải cách ngày 01-01-2013, nhan đề “Giấc Mơ của Chủ Nghĩa Hiến Pháp”. Bài xã luận kêu gọi Trung Quốc sử dụng pháp trị để trở thành ‘một xứ tự do và hùng mạnh’. Nhưng các quan chức kiểm duyệt đã thay đổi bài báo vào phút chót và loại bỏ cả nhan đề. Nếu đó là biểu hiện trung thực giấc mơ của Chủ Tịch Xi, chắc Trung Quốc còn phải trải nghiệm một hành trình dài phía trước.”[6]
Tuy nhiên, phải công bằng mà nói, những nhận định trên đây, xét cho cùng, vẫn không hoàn toàn chính xác. Ý niệm pháp trị, như hiến pháp, thượng tôn luật pháp, tự do, dân chủ …, trong thực tế, luôn có một giá trị khá tương đối.
Những quốc gia dưới quyền lãnh đạo của chủ nghĩa Cộng Sản chưa hẳn là những quốc gia không có ý niệm pháp trị, không có tinh thần thượng tôn luật pháp … Đa số các quốc gia nầy đều có hiến pháp, phân quyền giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp, vẫn có ứng cử, bầu cử … — mặc dù nền tảng triết lý chính trị cơ bản khác với Tây Phương.
Trong mọi trường hợp, các xứ nầy không phải là những “quốc gia ngoài vòng pháp luật” — rogue nations.
Trái lại, những quốc gia giàu mạnh, dân chủ, tự do, với truyền thống pháp trị và thượng tôn luật pháp như Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Đức …, trong thực tế, đã nhiều lần phơi bày một thực tế trái ngược.
Và xét cho cùng, giới lãnh đạo chính trị ở Mỹ, chẳng hạn, cũng luôn nhằm bảo vệ và củng cố quyền lợi và uy quyền cho tầng lớp giàu có, tài phiệt — các đại công ty hay corporate America — luôn đứng phía sau các chính quyền dù Cộng Hòa hay Dân Chủ — một plutocracy.
Hoa Kỳ cũng luôn tự nhận là quốc gia văn minh, tiên tiến, gương mẩu, với chính quyền của dân, do dân, và vì dân, với hiến pháp lý tưởng, với phân quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp, là lãnh đạo của thế giới tự do, nhưng theo nhiều nhà bình luận, triết gia, sử gia, và học giả Mỹ, Hoa Kỳ luôn ứng xử như một quốc gia ngoài vòng pháp luật, một rogue nation.
Thực vậy, bằng chứng đã đầy dẫy trong lịch sử, như những cuộc đảo chánh ở Iran (1953), ở Chí Lợi (1973), cuộc chiến Việt Nam trong các thập kỷ 1960, 1970, các cuộc chiến gần đây hơn trong các thập kỷ 1990, 2000, 2010 ở Afghanistan, Iraq, Lybia, Mali, Yemen …, dưới nhiều chiêu bài, như thay đổi chế độ, chống khủng bố hoặc độc tài…, đã phơi bày nhiều tội ác, tàn phá, và tai họa một “đại cường tự do, dân chủ, pháp trị” đã gây cho các xứ đang phát triển ở Á Châu, Nam Mỹ và Phi châu.
Cộng Sản, Tư Bản, Xã Hội…là những chủ nghĩa hay học thuyết chính trị, không hơn không kém. Lựa chọn một chính quyền, một chế độ … là một lựa chọn triết lý chính trị. Đó là một lựa chọn của nhân dân mỗi nước, không thể xuất khẩu, hay nhập khẩu, hay áp đặt, bởi các nước ngoài, dù đó là các đại cường hay siêu cường.
Nếu trong thực tế có thể có một chủ nghĩa Cộng Sản tai họa, một chủ nghĩa Xã Hội tai họa, thì cũng đã có một chủ nghĩa tư bản tai họa.
Nguyễn Trường
Irvine, California, USA
23-5-2013
——————————————————————————–
[1] …line of actual control — LAC…
[2] …its third surge towards the Sino-Indian border.
[3] …Your sincere humility and obedience can clearly be seen, but we do not have the slightest need for your country’s manufactures.
[4] … To meet [our people's] desire for a happy life is our mission.
[5] … The Chinese dream is an ideal. Commmunists should have a higher ideal, and that is Communism.
[6] … A fundamental test of Mr Xi’s vision will be his attitude to the rule of law. The good side of the dream needs it: the economy, the happiness of his people and China’s real strength depend on arbitrary power being curtailed.But corruption and official excess will be curbed only when the constitution becomes more powerful than the party. This message was spelled out in an editorial in a reformist newspaper on January 1st, entitled The Dream of Constitutionism”. The editorial called for China to use the rule of law to become a “free and strong country”. But the censors changed the article at the last minute and struck out its title. If that is the true expression of Mr Xi’s dream, the China still has a long journey ahead.