Để
khẳng định khả năng hợp tác mới giữa hai nước, Trung Quốc và Nga đang
triển khai cuộc diễn tập hải quân lớn nhất từ trước đến nay trên vùng
biển Nhật Bản mang tên “Operation Joint Sea 2013"
Chuyến
bay chở nhân vật tiết lộ các bí mật an ninh quốc gia của Mỹ có tên
Edward J. Snowden từ Hongkong đến Mátxcơva trong tháng 6 không thể thực
hiện được nếu không có sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ Nga và Trung
Quốc. Hành động của Mátxcơva và Bắc Kinh trong vụ Snowden thể hiện sự
quyết đoán ngày càng tăng và sẵn sàng hành động chống lại Mỹ của hai
nước. Ngoài hành động bảo vệ ông Snowden, chính sách của Trung Quốc và
Nga đối với Xyri đã vô hiệu hóa Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong 2
năm qua nhằm ngăn chặn những hành động quốc tế chung. Tin tặc người
Trung Quốc thường xuyên thâm nhập vào các công ty Mỹ và các vụ tấn công
mạng của Nga đối với các nước láng giềng cũng gây mối quan ngại ở
Washington. Mặc dù nói chung Mátxcơva và Bắc Kinh ủng hộ các nỗ lực quốc
tế nhằm chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, nhưng rõ ràng
hai nước không sẵn sàng hành động mạnh mẽ hơn nữa như Mỹ và bất cứ sự
thay đổi nào trong cách tiếp cận của hai nước có thể ngăn chặn ngay lập
tức chính sách của Mỹ về vấn đề hạt nhân của Iran, đồng thời đe dọa các
lợi ích an ninh và năng lượng của Mỹ. Để khẳng định khả năng hợp tác mới
giữa hai nước, Trung Quốc và Nga đang triển khai cuộc diễn tập hải quân
lớn nhất từ trước đến nay trên vùng biển Nhật Bản mang tên “Operation
Joint Sea 2013” từ ngày 1-12/7. Lực lượng tham gia cuộc diễn tập của
Trung Quốc gồm 4 tàu khu trục trang bị tên lửa có điều khiển, 2 tàu khu
trục nhỏ trang bị tên lửa có điều khiển, 1 tàu tiếp tế và 3 máy bay trực
thăng có bãi đỗ trên tàu chiến. Trong khi đó, lực lượng của Nga gồm 1
tàu ngầm, 19 tàu chiến, 10 máy bay chiến đấu và trực thăng. Các tình
huống của cuộc diễn tập gồm: hải quân hai nước tấn công và thu hồi các
tàu chiến bị cướp biển bắt cóc; thực hành các hoạt động nghiên cứu-cứu
trợ trên biển; hợp tác phòng không, chống tàu ngầm và chống tàu nổi. Bộ
Quốc phòng Trung Quốc cho biết đây là đợt triển khai lực lượng quân sự
lớn nhất của hải quân Trung Quốc trong số các cuộc diễn tập quân sự
chung với quân đội nước ngoài từ trước đến nay. Và các cuộc tập trận
không nhằm vào bất cứ nước thứ ba nào mà mục đích chủ yếu là để tăng
cường hợp tác giữa quân đội Trung Quốc và Nga.
Nga
và Trung Quốc dường như quyết định, để thúc đẩy hơn nữa các lợi ích của
hai nước, họ cần làm mất mặt nước Mỹ. Không nước nào muốn gây nên một
cuộc chiến tranh lạnh mới, phó mặc các cuộc xung đột nóng bỏng và những
hành động của họ trong vụ Snowden đã chứng mình điều đó. Trung Quốc cho
phép Snowden đến Hongkong, nhưng rồi nhẹ nhàng đẩy ông ta ra đi. Trong
khi đó, sau khi đưa ra một số tuyên bố mang tính chất khiêu khích, Chính
phủ Nga dường như giảm bớt giọng điệu. Tuy nhiên, hai nước đang tìm
kiếm sức mạnh và ảnh hưởng ngoại giao lớn hơn mà họ nhận thấy chỉ có thể
đạt được bằng cách ngăn chặn Mỹ. Và trong các vấn đề quốc tế, cách tốt
nhất của họ là ngăn chặn để giảm bớt sức mạnh của Mỹ. Cách tiếp cận mới
của Bắc Kinh và Mátxcơva dường như được dựa trên cơ sở nhận thức hiện
nay rằng sức mạnh của Nga và Trung Quốc ngày càng tăng so với Mỹ và ngày
càng nhấn mạnh những khác biệt của họ trong nhiều vấn đề quốc tế, chẳng
hạn cuộc xung đột Xyri. Mátxcơva và Bắc Kinh đều phản đối nguyên tắc sử
dụng hành động quốc tế để can thiệp vào các vấn đề chủ quyền của một
quốc gia như đã xảy ra tại Libi năm 2011. Hai nước cũng không muốn
phương Tây có những hành động chống lại nhà lãnh đạo thân thiện với họ
như Tổng thống Bashar al-Assad của Xyri. Khi ý thức về những lợi ích
chung này trở nên vững chắc, hợp tác ngày càng tăng giữa Nga và Trung
Quốc có thể gây nên những rủi ro nghiêm trọng cho Mỹ và thế giới. Cách
hành xử của Trung Quốc và Nga cho thấy hai nước bị thiệt hại rất ít
trong việc thách thức Mỹ và giành được ít phần thưởng vì hành động như
một đối tác. Những toan tính đó xuất phát từ hai nhận thức nguy hiểm:
Thứ nhất, hai nước nhận thấy Mỹ đang ngày càng giảm sút. Theo quan điểm
của hai nước, Mỹ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan trong lịch
sử, có quan hệ chặt chẽ với châu Âu và các khu vực của châu Á trong khi
đánh mất sức mạnh kinh tế và uy quyền đạo đức ở tất cả các nước còn lại
trên thế giới. Mỹ rút quân đội khỏi Irắc và Ápganixtan mà không tạo được
thắng lợi ấn tượng nào khẳng định sức mạnh siêu cường quân sự vô địch
của Mỹ trong việc thực hiện các mục tiêu chính sách. Thứ hai, nhiều nhà
lãnh đạo của Nga và Trung Quốc coi các mục tiêu chính sách đối ngoại của
Mỹ cơ bản trái với các lợi ích quan trọng của họ. Không ai trong số các
nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc nhận thấy việc thúc đẩy dân chủ của Mỹ
nhằm phản ánh cam kết trung thực với tự do, ngược lại cả hai nước cảm
nhận sự thúc đẩy dân chủ của Mỹ là một hành động làm suy yếu các chính
phủ thù địch với Mỹ. Cùng lúc đó, các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc cho
rằng việc Mỹ ủng hộ các nước láng giềng của hai nước trong các tranh
chấp chủ quyền liên quan đến Bắc Kinh hay Mátxcơva là một hình thức ngăn
chặn kép nhằm tìm cách hạn chế ảnh hưởng khu vực và toàn cầu của hai
cường quốc. Việc Mỹ ủng hộ Grudia và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô
trước đây ở Trung Á khiến Nga tức giận. Tương tự, Trung Quốc coi việc Mỹ
ủng hộ Việt Nam và Philíppin trong các tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh
như một mối đe dọa.
Rõ
ràng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện chuyến công du quốc tế
đầu tiên đến Mátxcơva để hội đàm với Tổng thống Vladimir V. Putin nhằm
đề nghị Bắc Kinh và Mátxcơva nên “ủng hộ lẫn nhau mạnh mẽ trong các nỗ
lực để bảo vệ các lợi ích chủ quyền quốc gia, an ninh và phát triển” và
cam kết “phối hợp chặt chẽ” về các vấn đề khu vực và quốc tế. Tổng thống
Putin đáp lại bằng cách tuyên bố “quan hệ đối tác chiến lược giữa chúng
ta rất quan trọng trên cả phạm vi song phương và toàn cầu”. Mặc dù
tuyên bố của hai nhà lãnh đạo có thể tạo ra ấn tượng về sự liên kết
nhiều hơn cần thiết, nhưng thực tế họ hiểu rất rõ bức thông điệp của
nhau. Các nhà hoạch định chính sách ở Washington phải đánh giá thận
trọng mối quan hệ ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga và tác động của
nó đối với Mỹ. Quả thực, Trung Quốc và Nga tiếp tục bị chia rẽ bởi lịch
sử mất lòng tin lẫn nhau cũng như mâu thuẫn lợi ích kinh tế và tham vọng
lãnh thổ của Trung Quốc. Mối quan tâm của Trung Quốc về Bắc Triều Tiên
lớn hơn Nga và lợi ích của Mátxcơva ở Xyri lớn hơn của Bắc Kinh. Và tại
Trung Á, hai nước là các đối thủ cạnh tranh rõ ràng. Hơn nữa, Trung Quốc
là một siêu cường đang lên và Nga đang cố gắng duy trì sự hiện diện
trong các cuộc chơi lớn - nơi đem đến cho hai nước những triển vọng khác
nhau về các vấn đề thế giới. Điều đó có nghĩa hai nước đều quan tâm
mạnh mẽ đến việc duy trì mối quan hệ đối tác với Mỹ và Liên minh châu Âu
- các đối tác thương mại chủ yếu của họ và là những người chăm sóc hệ
thống tài chính quốc tế, trong đó các bên đều có lợi ích rất lớn. Đây là
những lý do mạnh mẽ để tiếp tục hợp tác tốt với Washington, nhưng Mỹ
không nên nghĩ rằng hai nước sẽ ngừng chiến thuật chống Mỹ mới.
Trước
Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, nhiều người cho rằng sự ràng buộc kinh
tế lẫn nhau và những tổn thất khổng lồ của chiến tranh sẽ ngăn chặn cuộc
xung đột giữa các cường quốc châu Âu. Trong thời gian trước khi xảy ra
Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Nga và Đức Quốc xã dường như không thể là
các đồng minh, cho đến khi xuất hiện hiệp ước không xâm lược kéo dài 2
năm được gọi là Molotov-Ribbentrop đã làm cho châu Âu bị đổ nát và hàng
triệu người thiệt mạng. Tổng thống Obama không nên coi Trung Quốc và Nga
là những kẻ thù hoặc bạn bè, mà là các cường quốc quan trọng có lợi ích
riêng của họ như vụ Snowden thể hiện. Ban đầu ông Obama công khai chỉ
trích Trung Quốc và Nga, yêu cầu hai nước dẫn độ Snowden. Nhưng chỉ khi
ông Obama hạn chế lập trường chỉ trích công khai và cứng rắn trong các
cuộc nói chuyện cá nhân, lúc đó Bắc Kinh và Mátxcơva bắt đầu nhận thấy
những lợi ích của việc tránh đối đầu hơn nữa. Washington cần hiểu rằng
Mỹ không thể quản lý thành công các mối đe dọa an ninh lớn trên thế giới
- từ Xyri, Iran đến Hàn Quốc – nếu không có sự hợp tác của Nga và Trung
Quốc. Đối với Xyri, cách tiếp cận này có nghĩa là Mỹ nên đánh giá cao
mối quan hệ lịch sử của Nga với các nhà lãnh đạo Alawite của Xyri cũng
như sự quan tâm của Nga về số phận của những người Cơ đốc giáo ở Xyri,
đặc biệt những người Cơ đốc giáo Chính thống. Đối với Washington, mối
quan hệ với Trung Quốc sẽ bảo vệ mạnh mẽ các lợi ích thương mại của Mỹ,
đồng thời hiểu rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang vấp phải nhiều khó
khăn thực sự trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước. Để
giành được sự tôn trọng của Nga và Trung Quốc, trước hết Nhà Trắng phải
chứng minh rằng sự lãnh đạo của Mỹ là rất cần thiết để giải quyết các
vấn đề cơ bản của thế giới, kể cả những vấn đề quan trọng đối với Trung
Quốc và Nga. Mỹ không thể bị coi là thụ động. Các mối quan hệ với Nga và
Trung Quốc xứng đáng được ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ,
nhưng Washington không được phép e ngại trong một số trường hợp nhằm hợp
tác với hai cường quốc độc tài nhưng thực dụng đó. Hành động theo cách
khác sẽ là một sự điên rồ trong lịch sử./.
Hai tác giả
là Leslie H. Gelb, Chủ tịch danh dự của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và
Dimitri K. Simes, Chủ tịch Trung tâm và "The National Interest" của Mỹ.
Bài viết đăng trên Tờ "New York Times" ngày 6/7.
Mỹ Anh (gt)