Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

12 kiến nghị về hệ thống chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam

GS.TS Mai Ngọc Cườnghttp://www.ktpt.edu.vn/website/170_12-kien-nghi-ve-he-thong-chinh-sach-an-sinh-xa-hoi-o-viet-nam.aspx
Theo tổ chức lao động quốc tế (ILO), an sinh xã hội (ASXH) là một sự bảo vệ mà xã hội cung cấp cho các thanh viên của mình thông qua một số biện pháp được áp dụng rộng rãi để đương đầu với những khó khăn, các cú sốc về kinh tế và xã hội làm mất hoặc suy giảm nghiêm trọng hoặc tử vong. ASXH cung cấp chăm sóc y tế và trợ giúp cho các gia đình có nạn nhân là trẻ em.

Đây là bộ phận trọng yếu trong hệ thống chính sách xã hội của mỗi quốc gia. Với cấu thành cơ bản như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội, việc phát triển hệ thống ASXH không chỉ là một nhu cầu tất yếu, tự nhiên của con người trong mọi xã hội, mà còn là do yêu cầu giải quyết những hậu quả đặt ra đối với con người trước tình trạng khủng hoảng, thất nghiệp, phân hoá bất bình đẳng do những biến động của chu kỳ kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và yêu cầu quản lý nhà nước trong điều kiện kinh tế thị trường. Nền kinh tế thị trường càng phát triển càng đòi hỏi hệ thống ASXH hoàn thiện.

Ở nước ta, hệ thống chính sách ASXH đã có từ ngày đầu lập nước và phát triển cùng với công cuộc đổi mới kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển kinh tế xã hội nước nhà. Tuy nhiên, đến nay hệ thống chính sách này vẫn đang trong quá trình hình thành, chưa đồng bộ, tính khả thi của một số chương trình còn thấp, mức độ bao phủ, mức độ tác động và tính bền vững của các chương trình ASXH còn thấp kém(1). Nguyên nhân của tình trạng này có thể tìm thấy ở sự nhận thức chưa đầy đủ, sự bất cập của hệ thống luật pháp, của chính sách kinh tế, chính sách xã hội cũng như ở năng lực tổ chức thực thi chính sách ASXH. Vì thế để xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách ASXH ở nước ta những năm tới, cần phải giải quyết đồng bộ 12 vấn đề sau (2).   

1. Thống nhất về quan niệm ASXH. Hiện nay, có nhiều cách hiểu khác nhau về phạm trù ASXH. Những cách hiểu khác nhau này dẫn đến sự không thống nhất về nhận thức phạm vi, nội hàm, mức độ đánh giá và quan trọng hơn là tập trung giải quyết đúng những yêu cầu đảm bảo ASXH cho người lao động.

Thông thường, có hai cách hiểu về ASXH. Theo nghĩa rộng, ASXH là sự đảm bảo thực hiện các quyền để con người được an bình, an ninh, an toàn và an khang trong xã hội. Điều đó có nghĩa là họ được sống trong hòa bình; được bảo vệ về thân thể và nhân cách; được bình đẳng trước pháp luật; được hòa nhập vào cộng đồng; được có công ăn, việc làm, có nơi cư trú, có quyền đi lại, học tập để cho họ phát triển đầy đủ nhân cách và tài năng của một con người trong xã hội, được hưởng phúc lợi do xã hội mang lại; được đảm bảo thu nhập để thỏa mãn nhu cầu sinh sống thiết yếu khi mất sức lao động, bị già yếu hoặc bị rủi ro, tai nạn trước sự biến động do kinh tế, tự nhiên, xã hội đưa đến, hoặc cho những người nghèo, người già cô đơn, người tàn tật, trẻ em mồ côi, những người yếu thế...Theo nghĩa hẹp, ASXH là sự đảm bảo thu nhập và một số điều kiện thiết yếu khác cho cá nhân, gia đình và cộng đồng khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do họ bị giảm hoặc mất khả năng lao động hoặc mất việc làm; cho những người già, cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, những người yếu thế, người bị thiên tai địch họa,…Chúng tôi cho rằng, nên tiếp cận ASXH theo nghĩa hẹp. Theo đó, ASXH là sự đảm bảo thu nhập và một số điều kiện thiết yếu khác cho cá nhân, gia đình và cộng đồng trước những biến động về kinh tế, xã hội và tự nhiên làm cho họ bị giảm hoặc mất khả năng lao động hoặc mất việc làm, bị ốm đau, bệnh tật hoặc tử vong; cho những người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, những người yếu thế, những nạn nhân chiến tranh,  những người bị thiên tai địch họa…Sở dĩ nên  tiếp cận theo nghĩa hẹp vì: Về mặt lý thuyết, cách tiếp cận theo nghĩa hẹp này phù hợp với cách tiếp cận phổ biến của nhiều nước trên thế giới theo tư tưởng của ILO. Về thực tiễn, theo cách tiếp cận này, nhiều bộ phận cấu thành của hệ thống ASXH đã và đang được thực hiện ở nước ta như BHXH, BHYT, CTXH

 2. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam những năm tới phải đảm bảo tính phù hợp của hệ thống  ASXH với điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở nước ta, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này có nghĩa là thiết kế hệ thống ASXH phải phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội cụ thể của nước ta trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dựa cơ sở nền kinh tế đa sở hữu, đa thành phần; phân định rõ trách nhiệm nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân cùng chia sẻ trách nhiệm rủi ro xã hội và thúc đẩy cạnh tranh công bằng trên thị trường lao động; là hệ thống mở và có sự quản lý của nhà nước. Hệ thống này được thiết kế  phù hợp với hệ thống ASXH của nhiều nước trên thế giới trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Xuất phát từ thực tế các bộ phận cấu thành hệ thống ASXH hiện nay, phương hướng cơ bản trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách ASXH ở nước ta những năm tới là: Xây dựng hệ thống chính sách ASXH cơ bản, toàn diện, bền vững, đa tầng và linh hoạt với nhiều nguồn vốn, nhiều tầng lớp phòng ngừa, với cơ chế, chính sách phù hợp nền kinh tế thị trường và hội nhập với kinh tế thế giới, trên cơ sở phát triển mạnh hệ thống BHYT, BHXH, BHTNg, hệ thống trợ giúp xã hội (chủ động và bị động)  và các chính sách ưu đãi xã hội nhằm hạn chế và khắc phục rủi ro, đảm bảo cho mọi thành viên trong xã hội đều có mức sống cơ bản trở lên, không bị rơi vào tình trạng bị bần cùng hóa.

4. Xuất phát từ thực trạng thu nhập thấp của người lao động ngoài khu vực chính thức hiện nay, đặc biệt là nông dân, trong mô hình tổng thể về hệ thống chính sách ASXH ở nước ta cần bổ sung hình thức ASXH cộng đồng, trước hết cho đối tượng nông dân, người nghèo, người dân tộc thiểu số; phải kết nối vào hệ thống chính sách ASXH các chính sách hỗ trợ tích cực như dạy nghề, đào tạo lại, tạo việc làm tạm thời trong các khu vực, vùng và thành phần kinh tế, hỗ trợ tự tạo việc làm, hỗ trợ tìm việc làm.

5. Xuất phát từ những hạn chế của hệ thống chính sách ASXH hiện tại là mức độ bao phủ thấp, mức độ tác động chưa cao, kém ổn định về tài chính, trong những năm 2006-2015 cần nâng cao mức độ bao phủ, mở rộng và nâng cao phạm vi đối tượng tham gia, nâng mức độ tác động và đảm bảo sự bền vững về tài chính của hệ thống  chính sách ASXH.

6. Đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật về ASXH. Cụ thể là:

* Tập trung xây dựng các bộ luật còn thiếu như: Luật Việc làm, Luật Tiền lương tối thiểu, Luật Bảo trợ Xã hội,…tiến tới hình thành Bộ luật hoàn chỉnh về ASXH ở nước ta.

* Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, cụ thể hóa và hoàn thiện các quy định về chính sách BHXH hiện hành. Theo đà tăng tuổi thọ của con người, cần điều chỉnh tăng độ tuổi nghỉ hưu của nữ lên 57 và của nam là 62 vào năm 2010; tương ứng là 58 và 63 vào năm 2015; 60 và 65 vào năm 2020. Theo đà tăng lên của mức thu nhập của người lao động, cần điều chỉnh tỷ lệ hưởng các chế độ BHXH xuống, nhưng vẫn phải đảm bảo cuộc sống cho người lao động và người hưởng lương hưu. Dự kiến, đến năm 2015 giảm tỷ lệ hưởng tối đa xuống còn 72%; đến năm 2020 xuống còn 70%. Việc điều chỉnh tăng thu nhập cho người nghỉ hưu nên theo hướng tăng mức chi tuyệt đối cho mọi người như đã thực hiện tăng 25.000đ/người/tháng cho đối tượng nghỉ hưu trước 1985; không nên tăng theo tỷ lệ như các lần điều chỉnh tiền lương hưu gần đây.

* Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, cụ thể hóa và hoàn thiện các chính sách BHYT hiện hành, trước hết là văn bản pháp lý hướng dẫn thực hiện Luật BHYT. Tiến hành các nghiên cứu đánh giá về tài chính BHYT; sự hài lòng của người bệnh BHYT; rà soát, điều chỉnh các văn bản quy định về phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, chính sách viện phí phù hợp điều kiện chi phí và quản lý nguồn thu từ viện phí. Xây dựng chính sách BHYT đồng bộ với các chính sách khác như: Chính sách y tế; chính sách viện phí; chính sách tiền lương;  đầu  tư phát triển y tế trường học; củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, khám chữa bệnh (KCB) cho người nghèo...đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất các chính sách trong phát triển BHYT xã hội.

* Tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các chính sách trợ giúp xã hội. Bổ sung thêm đối tượng trợ giúp cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn như: người có thu nhập thấp hoặc hộ gia đình có trẻ em, người già thu nhập thấp. Nghiên cứu, rà soát, xây dựng lại tiêu chí xác định đối tượng trợ giúp, đối tượng trợ cấp xã hội theo hướng linh hoạt hơn, bỏ bớt những điều kiện cứng (đủ), quan tâm nhiều hơn đến điều kiện thực tế (cần) để bao phủ hết số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nâng cao mức trợ cấp xã hội để có sự tác động mạnh đến chất lượng cuộc sống của đối tượng. Đổi mới các cơ chế, chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội. Đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống chính sách tiến tới hình thành các luật điều chỉnh đối với người cao tuổi, người tàn tật, trẻ em đặc biệt khó khăn và các đối tượng xã hội cần trợ giúp đặc biệt khác.

Đa dạng hoá thành phần tham gia, hoạt động trong hệ thống bảo trợ xã hội chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng xã hội bằng NSNN, huy động sự đóng góp của cộng đồng và sự tự nguyện đóng góp của đối tượng, người thân, người đỡ đầu; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở bảo trợ xã hội. Hoàn thiện cơ chế tài chính và cơ chế huy động nguồn lực theo hướng huy động đa nguồn, nguồn ngân sách ưu tiên cho thực hiện chính sách trợ cấp, các nguồn huy động khác cho thực hiện các chương trình và dự án.

* Tiếp tục hoàn thiện các chính sách ưu đãi xã hội (ƯĐXH) bảo đảm đời sống của người có công tương ứng với mức sống trung bình của toàn xã hội, giúp họ “ổn định về vật chất, vui vẻ về tinh thần”. Chuẩn bị xây dựng Luật ưu đãi người có công với cách mạng. Đẩy mạnh phong trào chăm sóc người có công với cách mạng, xã hội hoá lĩnh vực ƯĐXH trong thời kỳ mới. Đề cao vai trò gương mẫu, tích cực, ý chí tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống của người có công.

* Nghiên cứu ban hành các văn bản pháp luật về BHXHCĐ và BHYTCĐ. Hiện nay trong luật BHXH, BHYT đã quy định về BHXHBB và BHXHTN, BHYT toàn dân, nhưng khả năng tham gia của 70% dân số nông thôn vào các hình thức này là rất khó khăn. Nhà nước sớm nghiên cứu để bổ sung thêm các hình thức BHXHCĐ, BHYTCĐ. Hình thức tốt nhất là bổ sung vào Luật BHXH, BHYT. Nếu chưa bổ sung được, cũng sớm ban hành các văn bản để hướng dẫn thi hành BHXHCĐ, BHYTCĐ trong nông thôn.

Trong quá trình ban hành chính sách về BHXHCĐ, cần lưu ý tới các điều kiện chuyển đổi để người nông dân khi chuyển sang làm việc ở khu vực chính thức, nhằm bảo vệ quyền lợi tham gia BHXH cho người lao động.

7. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế tài chính đảm bảo tính bền vững của hệ thống chính sách ASXH

* Về cơ chế tài chính đối với BHXH. Nhanh chóng tạo lập cơ chế tài chính độc lập, tăng trưởng nhanh, có khả năng đảm bảo được cân đối thu – chi qũy BHXH một cách vững chắc. Muốn vậy cần làm rõ mối quan hệ giữa Qũy BHXH với NSNN trong việc thực hiện các chế độ chi trả BHXH cho các đối tượng tham gia BHXH.  

Để đảm bảo ổn định nguồn tài chính của quỹ BHXH, một mặt cần điều chỉnh tăng tuổi về hưu như đã đề xuất, mặt khác cần thực hiện lộ trình tăng tỷ lệ đóng góp BHXH của người lao động theo Pháp luật quy định. Thực hiện điều chỉnh mức thu phí bảo hiểm theo luật định và phù hợp với tiến trình cải cách chế độ tiền lương.

Đổi mới chính sách và cơ chế tài chính nhằm khai thác các nguồn lực tài chính, bổ sung nguồn lực vật chất cho việc thực hiện một số chế độ bào hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) và bảo đảm yêu cầu bảo tồn, phát triển quỹ BHXHTN. Cần đa dạng hoá quỹ BHXHTN dưới nhiều hình thức như: quỹ BHXHTN nhà nước, BHXHTN cổ phần và BHXHTN tư nhân để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền. Nhà nước có chính sách ưu đãi về vốn, về thuế và về môi trường hoạt động bình đẳng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ BHXH theo nhu cầu của người lao động. Quĩ BHXHTN phải tự cân đối thu chi. BHXHTN nên giao cho các tổ chức ngoài công lập thực hiện theo mô hình doanh nghiệp, được thu phí để hoạt động và được hưởng lợi do kết quả kinh doanh đem lại. Nhà nước không bù lỗ mà chỉ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước thông qua hành lang pháp luật.

Về đầu tư phát triển quĩ BHXH: Nhà nước có chính sách ưu tiên cho Quỹ BHXH đầu tư tiền nhàn rỗi vào các lĩnh vực hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cao và ổn định. Quỹ BHXH có quyền chủ động trong việc lựa chọn các dự án đầu tư theo cơ chế thị trường, phù hợp với môi trường đầu tư và tự chịu trách nhiệm về mức độ hiệu quả cũng như rủi ro trong đầu tư tài chính. Nhà nước không đánh thuế thu nhập vào phần lợi nhuận thu được từ các hoạt động đầu tư sinh lời của quĩ đem lại.

Hướng dẫn xây dựng và phát triển các quỹ BHXHCĐ. BHXHCĐ xây dựng trên cơ sở cộng đồng góp vốn, tương thân tương ái hỗ trợ lẫn nhau; theo chế độ một quỹ, một phần từ giúp đỡ của tập thể, một phần từ tham gia bảo hiểm của nông dân; không phân phối bình quân, hưởng thụ công bằng. Sử dụng hợp lý các nguồn vốn bảo vệ sức khỏe, đảm bảo dịch vụ y tế cơ bản; giảm nhẹ đóng góp cho nông dân; căn cứ nguồn thu mà tính toán chi; duy trì cho quỹ cân bằng thu chi; toàn bộ quỹ bảo hiểm dùng cho bảo hiểm, không giữ lại bất lỳ một hình thức lợi nhuận nào, không có nghĩa vụ đối với một loại thuế nào. Xã phường đóng góp quỹ tùy theo tình hình kinh tế của địa phương. Cách triển khai cũng nên theo quy mô xã, phường là hợp lý.

* Về cơ chế tài chính đối với BHYT. Hiện nay, người làm công ăn lương thì cơ quan, đơn vị đóng 2/3, cá nhân người lao động đóng 1/3; những đối tượng chính sách thì được nhà nước bao cấp toàn bộ. Trong khi đó, người tham gia BHYTTN phải đóng 100% phí BHYT mà phần lớn họ là nông dân, học sinh sinh viên, cận nghèo, lao động tự do, thu nhập không ổn định. Vì vậy, để thực hiện BHYT toàn dân, Nhà nước cần hỗ trợ một phần mức đóng cho những đối tượng này, nhất là các đối tượng là lao động ngoài khu vực chính thức, tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Nghiên cứu thực hiện việc chuyển đổi cơ chế cấp NSNN theo tinh thần Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ để thực hiện chuyển hình thức cấp cho cơ sở cung ứng dịch vụ sang cấp trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng dịch vụ y tế do nhà nước cung cấp thông qua hình thức BHYT. Nghiên cứu phương thức cùng chi trả chi phí KCB của người tham gia BHYT, bao gồm: mức độ cùng chi trả, hình thức, đối tượng cùng chi trả... Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ kinh phí để mua thẻ BHYT cho các đối tượng.

* Đổi mới chính sách tài chính cho TGXH và ƯĐXH  theo hướng công khai, minh bạch và xuất phát từ nhu cầu thực tế (số lượng đối tượng và mức trợ cấp); khắc phục tình trạng thiếu nguồn chi trợ cấp xã hội hoặc chậm chi trả đối tượng người có công; nâng cao định mức phân bổ Ngân sách cho mục chi đảm bảo xã hội. Để có đủ nguồn chi và bảo đảm tính bền vững của hệ thống TGXH và ƯĐXH. Nhà nước cần đổi mới cơ cấu chi tiêu của Chính phủ theo hướng giảm chi cho đầu tư phát triển từ 30% NSNN như hiện nay để tăng chi cho ASXH.

8. Xây dựng và hoàn thiện tổ chức, quản lý của hệ thống ASXH phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế thị trường

* Đối với BHXH. Hiện nay hệ thống BHXHVN chịu sự quản lý nhà nước của nhiều Bộ như Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế, Bộ Tài chính…, do đó trong tương lai cần nghiên cứu hình thành Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực ASXH, trong đó bao gồm cả các hình thức bảo hiểm và trợ giúp.

Hình thành các tổ chức dịch vụ bảo hiểm theo từng loại hình: bảo hiểm hưu trí (BHHT), BHTNg, bảo hiểm nghề nghiệp (BHNN), bảo hiểm thai sản (BHTS), BHYT,…; hoặc nghiên cứu tổ chức theo loại hình BHXH: bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện (kể cả tự nguyện dựa trên cơ sở cộng đồng), trong đó, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho đối tượng lao động thuộc khu vực chính thức là loại hình BHXH bắt buộc, được giao cho các tổ chức thuộc Nhà nước thực hiện. Việc thực hiện chính sách BHXHTN, BHYT cho đối tượng lao động thuộc khu vực phi chính thức, được giao cho các tổ chức tư nhân thực hiện. BHXHCĐ, BHYTCĐ thực hiện theo cơ chế tự quản.

Hoàn thiện công tác quản lý thu chi BHXH đảm bảo thu đủ và chi trả kịp thời, chính xác, đúng đối tượng, tận tay cho người được hưởng, đảm bảo an toàn, tránh thất thoát quỹ BHXH. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện về cơ chế, chính sách đối tạo điều kiện cho Quỹ BHXH đầu tư, tăng trưởng và phát triển bền vững. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tài chính đối với quĩ BHXH nhằm đảm bảo hoạt động của quĩ an toàn, tiết kiệm và có hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

* Đối với BHTNg. Hiện nay, BHTNg do BHXHVN trực tiếp tổ chức quản lý triển khai thực hiện, nhưng các chính sách thị trường lao động lại rải rác do nhiều tổ chức cơ quan triển khai. Vì thế, trước mắt cần có sự nghiên cứu nhằm phối hợp giữa các đơn vị này. Về lâu dài, cần có sự thống nhất giữa tổ chức quản lý BHTNg với thực hiện chính sách hỗ trợ tích cực.

* Hoàn thiện tổ chức quản lý đối với BHYT. Có cơ chế phân cấp mạnh mẽ trong quản lý NSNN, quản lý hệ thống cung ứng dịch vụ phòng bệnh, chữa bệnh, vừa tạo ra sự chủ động, tích cực của từng địa phương trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHYT phù hợp với hoàn cảnh địa lý, kinh tế và xã hội của nước ta.  Nâng cao năng lực quản lý của hệ thống BHYT bằng cách thực hiện chuyên nghiệp/ chuyên môn hóa hoạt động BHYT và áp dụng mô hình quản lý phân cấp phù hợp. Thực hiện đồng bộ các biện pháp để bảo đảm sự tham gia BHYT của chủ sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp. Xác định rõ ràng chức năng nhiệm vụ để có sự phối hợp triển khai thực hiện BHYT giữa các cơ quan BHXH, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB), cơ quan quản lý Nhà nước và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW.

* Hoàn thiện tổ chức quản lý đối với TGXH và ƯĐXH. Tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện chính sách TGXH và ƯĐXH từ trung ương đến cơ sở. Lồng ghép việc thực hiện chính sách TGXH và ƯĐXH với các chương trình phát triển kinh tế xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách trợ giúp hiện có. Tăng cường hướng dẫn triển khai, giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách hiện có và nhất là các chính sách mới ban hành.

9. Phát triển đội ngũ cán bộ có đủ về số lượng và và trình độ đảm bảo năng lực thực thi chính sách ASXH. Xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức ngành ASXH theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hình thành đội ngũ cán bộ hoạt động xã hội chuyên nghiệp. Đổi mới nội dung và phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, viên chức đạt các tiêu chuẩn ngạch bậc và đảm bảo vận hành hệ thống quản lý theo yêu cầu điện tử hóa. Nghiên cứu một số chế độ, chính sách đặc thù tạo động lực và khuyến khích làm việc tận tụy, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ viên chức trong ngành ASXH.

10. Phối hợp giữa việc xây dựng, hoàn thiện chính sách ASXH với xây dựng, hoàn thiện và thực hiện các chính sách kinh tế xã hội khác.

* Hoàn thiện chính sách việc làm, thực hiện chương trình hỗ trợ tích cực và đảm bảo thu nhập cho người lao động. Các chương trình này tập trung vào hỗ trợ đối với các nhóm lao động theo các hướng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động; nâng cao trình độ chuyên môn của người lao động. Có các biện pháp hỗ trợ nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động có đất bị thu hồi trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, người lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp có việc làm và thu nhập, có tích lũy.

* Đổi mới chính sách tiền lương và phân phối thu nhập ở nước ta. Phương hướng cơ bản cải cách là trả tiền lương theo nguyên tắc thị trường, tính đúng, tính đủ giá trị sức lao động trong tiền lương. Theo đó, cần xác định lại tiền lương tối thiểu theo nguyên tắc: tiền lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu cả về vật chất và tinh thần cho người lao động, bao gồm cả người lao động và một người ăn theo; Tiền lương tối thiểu không chỉ đáp ứng nhu cầu sống của người lao động và người ăn theo mà còn bao gồm cả khoản tiền cho người lao động tham gia vào các chương trình BHXH, BHYT. NSNN chỉ trả tiền lương cho cán bộ công chức hành chính, các đơn vị sự nghiệp cần tự đảm bảo quỹ tiền lương trên cơ sở được nhà nước trao quyền tự chủ đầy đủ trong hoạt động chuyên môn, tài chính và tổ chức.

* Phối hợp với các chương trình giảm nghèo trợ giúp cho người nghèo tham gia vào hệ thống ASXH thông qua các biện pháp mua BHYT cho người nghèo (đã thực hiện); Cho vay hộ nghèo với lãi suất ưu đãi để họ đóng BHXHTN; Thành lập Quỹ ASXH ở cơ sở (thôn, bản, làng, xã) từ nguồn NSNN, đóng góp của nhân dân và hỗ trợ quốc tế.

11. Tăng cường vai trò nhà nước trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách ASXH

Một mặt, Nhà nước sớm tổ chức xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp về ASXH, tiến tới xây dựng Bộ luật hoàn chỉnh về ASXH ở nước ta; hoàn thiện thể chế tổ chức quản lý và cơ chế tài chính cho hoạt động hệ thống ASXH; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý việc vi phạm thực hiện quy định luật pháp về ASXH; đảm bảo tài chính cho trợ cấp xã hội thường xuyên, ưu đãi xã hội, cho những đối tượng theo luật quy định để tham gia BHXH, BHYT; Mặt khác, Nhà nước có chính sách hỗ trợ những đối tượng nông dân, người nghèo, người dân tộc thiểu số tham gia vào các chương trình ASXH.

Đặc biệt trong giai đoạn suy thoái kinh tế, Nhà nước cần sử dụng các công cụ chính sách vĩ mô một các thích hợp, theo hướng giảm giá cả hàng hóa, giảm thuế thu nhập cá nhân, giảm đóng góp của người lao động và tăng chi tiêu cho an sinh xã hội.

12. Trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách ASXH ở nước ta những năm tới, cần ưu tiên cho các chính sách BHYT và BHXH. Bởi lẽ, chính sách BHYT và BHXH là những chính sách ASXH trong hệ thống cấp 1 ở nước ta hiện nay. Tập trung ưu tiên tổ chức triển khai, thục hiện tốt những chính sách này liên quan đến đảm bảo sức khỏe của hơn 80 triệu dân Việt Nam hiện nay, tạo tâm lý yên tâm cho hơn 52 triệu lao động vì được đảm bảo cuộc sống bình thường khi họ già yếu. Khi toàn xã hội khỏe mạnh, yên tâm lao động và sáng tạo, sẽ nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, góp phần làm tăng thu nhập quốc dân, tăng nguồn thu cho NSNN. Đó cũng là điều kiện vật chất để triển khai tốt hơn các chương trình trợ giúp xã hội, ưu đãi xã hội, làm cho hệ thống chính sách ASXH ở nước ta ngày càng hoàn thiện. Điều đó có tác động sâu rộng đến việc thực hiện các chương trình ASXH.

Những vấn đề cần tập trung ưu tiên để thực hiện các chương trình BHYT và BHXH là: Tập trung mở rộng phạm vi, nâng mức độ bao phủ của BHYT, BHXH, đặc biệt chú ý đến đối tượng là lao động ngoài khu vực chính thức. Rà soát, hoàn thiện các quy định về chế độ BHYT, BHXH cho các đối tượng  tham gia. Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế tài chính đối với BHYT đảm bảo cho sự bền vững của nguồn tài chính BHYT. Nghiên cứu hỗ trợ tài chính từ NSNN cho đối tượng lao động ngoài khu vực chính thức, nhất là đối tượng nông dân tham gia BHYT và BHXH tự nguyện.