Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Khai sáng người học bằng cách khuyến khích tư duy độc lập

TS. Hồ Thiệu Hùng
Cộng tác viên - Viện Nghiên cứu Giáo dục
 
Sứ mệnh của Giáo dục - Đào tạo được xác định trong Đại hội Đảng lần XI là "nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam" và đây được xem là một khâu đột phá trong chiến lược 2011-2020 của nước ta. Đó có thể hiểu là sứ mệnh của giáo dục đào tạo đối với xã hội. Vậy còn đối với từng cá nhân trong xã hội, sứ mệnh của giáo dục - đào tạo là gì, mang những nội dung nào? Là chỉ ra cho người học các cơ hội phù hợp với bản thân; tạo cơ sở ban đầu về hiểu biết tự nhiên - xã hội cùng chính con người mình; huấn luyện các kỹ năng cơ bản (suy nghĩ, học tập, lao động, ứng xử) cho người học tự lựa chọn con đường  lập nghiệp rồi tự hoàn hiện mình trong đoạn đời còn lại. Khách quan mà nói, giáo dục - đào tạo nhiều năm qua đã chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội về nhiều mặt. Vì vậy "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội" đã được Đại hội XI nêu thành một vấn đề cấp thiết. Đây là một vấn đề cực kỳ rộng lớn và sâu sắc, bao quát từ đổi mới công tác đào tạo sư phạm, cơ sở vật chất - trang thiết bị, chương trình - sách giáo khoa đến đổi mới cấu trúc các bậc học trong hệ thống giáo dục, đổi mới quan niệm về giáo dục, mục tiêu giáo dục, nguyên lý giáo dục, triết lý giáo dục... Bài viết này chỉ tập trung trình bày suy nghĩ của người viết về một tính chất phải có của giáo dục Việt Nam, cũng là một thuộc tính của giáo dục nói chung. Đó là tính chất khai sáng thông qua việc khuyến khích tư duy độc lập.
Giáo dục không nên tự đặt cho mình và cũng đừng để bị áp đặt cho mình một mục tiêu đầy tham vọng đối với từng con người là đào tạo họ nên người phát triển toàn diện. Đây là một tham vọng phi thực tế và hão huyền, giáo dục không có phép màu nhiệm nào để thay thế con người trong việc tự đào tạo mình suốt đời. Tuy nhiên giáo dục phải đặt ra và thực hiện cho được mục tiêu khai sáng con người. Khai sáng - đó chính là sứ mệnh thiêng liêng của giáo dục đối với con người. Khai sáng được hiểu là khơi nguồn, tạo điều kiện ban đầu để con người nhận diện và biết cách khai thác các tiềm năng vốn có của mình mà tận dụng các cơ hội trong cuộc sống; là tạo đà cho người đó phát triển bền vững theo nhu cầu thay đổi không ngừng của xã hội, phát triển phù hợp với năng lực và thiên hướng của mình. Muốn vậy, một trong những việc cần làm ngay của giáo dục để khai sáng người học là giúp họ biết tư duy độc lập, dám tư duy độc lập.
Người Việt Nam thường tự nhận là thông minh nhưng suy cho cùng đây là kiểu thông minh để cải tiến cái sẵn có chứ không phải là phát minh ra cái chưa có, là kiểu thông minh để nói sâu hơn, trình bày hay hơn, để cải tiến thêm cái người ta đã nghĩ ra, nói ra, chế ra, nghĩa là cũng chỉ là nghĩ theo, nói theo, làm theo chứ không nghĩ khác đi, nói khác đi bằng lý lẽ riêng, làm khác đi theo nguyên lý mới. Có cái xe rồi thì tìm cách cải tiến sao cho đóng được nhiều bò hay ngựa vào xe để kéo mạnh hơn chứ không nghĩ đến tạo ra một sức kéo khác - máy hơi nước. Kiểu thông minh này có bản chất là tư duy theo khuôn mẫu có trước. Nó đã từng bị  Edison chê là cứ mải mê cải tiến cây đèn dầu thì không thể phát minh ra bóng đèn điện được. Thiếu truyền thống hoài nghi khoa học nên cơ thể của nền khoa học Việt Nam trong lịch sử bị "thiếu dưỡng khí", phát triển èo uột so với rất nhiều nước. 
Vậy nên đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, trước hết là phải yêu cầu nhà trường giúp cho người học biết tư duy độc lập, khuyến khích họ dám tư duy độc lập, không sợ sai, không sợ trái "bài văn mẫu". Trong đời sống giáo dục của thành phố Hồ Chí Minh đã từng có chuyện một học sinh lớp Năm rất giỏi Văn trong một bài thi đã "cả gan" phê phán chị Tấm  là ác vì đã trả thù, lừa giết chị Cám rồi để người ta làm mắm gởi cho mẹ. Bài văn này đã từng bị một hội đồng giám khảo khả kính chấm điểm thấp vì... tư duy trái với khuôn mẫu. Rất may là nhờ có sự can thiệp của Sở mà hội đồng giám khảo đã thay đổi tiêu chí đánh giá và học sinh này được lựa chọn đi thi học sinh giỏi Văn toàn quốc, lại còn được giải thưởng. Em này hiện nay đã thành tiến sĩ tại nước ngoài.
Người học được khai sáng sẽ thành con người tiếp thu chân lý khoa học một cách chủ động, có phê phán, là con người dám hoài nghi khoa học để tìm kiếm chân lý, tìm ra cách nhìn nhận, đánh giá mới về một sự vật, hiện tượng cũ hay quyết tâm đẩy lùi thêm giới hạn của sự chưa hiểu biết. Biết đặt câu hỏi cũng là biểu hiện của tư duy độc lập bởi câu hỏi là xuất phát điểm của con đường tìm kiếm chân lý. Mọi nền khoa học sẽ trở nên tù đọng, đứng yên rồi chết nếu không có hoài nghi khoa học. Con người sẽ vẫn chữa bệnh và... chết dưới tay thầy mo, thầy pháp nếu tiếp tục tin rằng bệnh là do ma quỷ gây ra. Trái đất sẽ vẫn là trung tâm vũ trụ nếu không có Copernic nghi ngờ quan niệm này rồi đưa ra lý thuyết mới và được Galilei sau đó hết lòng ủng hộ - dù chính vì lập trường này mà Galilei bị Tòa án Dị giáo kết án. Nếu không dám hoài nghi chân lý thì sẽ không có chuyện khi được nghe về lý tưởng Tự do - Bình đẳng - Bác ái của cách mạng tư sản Pháp, cậu bé Nguyễn Sinh Cung mới 13 tuổi đã tò mò muốn hiểu đằng sau ba từ đẹp đẽ đó là cái gì; sẽ không có một Nguyễn Tất Thành không theo trào lưu Đông du thời đó mà nung nấu ý chí phải đi hướng ngược lại - qua tận nước Pháp để hiểu; sẽ không có một Nguyễn Ái Quốc dám nêu vấn đề "xem xét chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử.., củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông"[1] do vậy sẽ không có Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới, không có Bác Hồ kính yêu của cả dân tộc Viêt Nam; cũng sẽ không có công cuộc Đổi mới long trời vào giữa thập kỷ 80 - luồng sinh khí mới đã  không những cứu Việt Nam ra khỏi sự sụp đổ khi phe xã hội chủ nghĩa tan rã mà còn đưa nước ta vào hàng ngũ nước có thu nhập trung bình trên thế giới.
Tư duy rập khuôn tạo ra con người thụ động, dựa dẫm. Nó là biểu hiện của con người chưa trưởng thành về mặt nhận thức. Tư duy rập khuôn ở tầm xã hội cũng là biểu hiện một xã hội chưa trưởng thành, còn phải dựa dẫm. Tư duy độc lập tạo ra con người và  hơn thế là tạo một xã hội dám chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình, dám dấn thân vì sự lựa chọn ấy. Tư duy độc lập được hình thành vững chắc, không chấp nhận giới hạn bất biến của chân lý cũ, tư duy kiểu ấy không thể là sản phẩm được trông đợi của một nền giáo dục tôn sùng sự rập khuôn nhưng chính là sản phẩm phải có của nền giáo dục khai sáng. Khuyến khích tư duy độc lập, đó phải xem là khâu đột phá trong đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục - đào tạo của Viêt Nam trong nhiều thập kỷ tới./.

[1]  Hồ Chí Minh toàn tập- tập 1, tr. 465, NXB CTQG, H. 2000.