Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Giáo dục- Cỗ máy “ba chung”: 10 năm vẫn chạy tốt

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, khi chưa tìm được giải pháp nào tích cực hơn “ba chung”, giữ ổn định cách thức tuyển sinh như hiện nay là sự lựa chọn khôn ngoan và khả dĩ.

Năm nay là năm thứ 10 công tác tuyển sinh ĐH, CĐ được thực hiện theo giải pháp ba chung (chung đợt thi, chung đề thi, chung kết quả để xét tuyển). Sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và triển khai thực hiện của các nhà trường khá chủ động và ngày càng chuyên nghiệp. Tình trạng chồng chéo của các văn bản chỉ đạo gây khó khăn cho công tác thực hiện từng xảy ra những năm trước đây, năm nay đã cơ bản được khắc phục. Quá trình tổ chức thi, từ khâu ra đề thi, sao in, vận chuyển, bảo mật đề thi, đến công tác coi thi được vận hành khá trơn tru.
Chính vì vậy, cho dù “cỗ máy ba chung” có vòng đời sử dụng đã 10 năm, nhưng người ta vẫn thấy tính phù hợp và hiệu quả của nó.
Cái được của “ba chung” là gì?
Dù chưa có tiếng nói chính thức từ cơ quan quản lý giáo dục, nhưng từ thực tiễn chỉ đạo kỳ thi ở cơ sở, nhiều cán bộ quản lý các trường ĐH khẳng định: Cái được lớn nhất của “ba chung” chính là việc sử dụng chung đề thi. Đề thi do Bộ GD&ĐT đảm nhiệm, nên thu hút và tập hợp được các chuyên gia giỏi, các nhà giáo có kinh nghiệm nhất để làm đề thi. Đây là thế mạnh, mà từng nhà trường không thể có được.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, việc ra đề thi ngày càng chuyên nghiệp, chất lượng đề thi không ngừng được nâng lên, tính chuẩn mực, tính chính xác, khả năng vận dụng kiến thức, không đánh đố lắt léo và có tính phân loại cao. Chính cách ra đề thi này đã và đang tác động tích cực, điều chỉnh hoạt động giảng dạy và học tập ở phổ thông. Đặc biệt, góp phần giải tỏa nỗi lo của nhiều thí sinh và gia đình trong việc ôn thi ĐH. Giờ đây, nhiều học sinh ở địa bàn nông thôn, ở những nơi khó khăn, có thể yên tâm tự học, vẫn thi đỗ ĐH, chứ không phải cậy cục, đua chen trong các lò luyện thi đông đúc chật chội và kém hiệu quả, thậm chí không ít trường hợp “tiền mất tật mang” như từng xảy ra trong nhiều năm trước đây.
Hơn nữa, việc sử dụng đề thi chung, còn giúp chúng ta xác lập mặt bằng “kiến thức, kỹ năng” tối thiểu của thí sinh có thể tiếp cận giáo dục đại học, đồng thời giúp các trường xác định vị trí, mặt bằng “đầu vào” của mình trong  hệ thống giáo dục ĐH, để từ đó có bước đi và giải pháp cần thiết. Ở một khía cạnh khác, việc sử dụng đề thi chung sẽ giảm bớt đáng kể chi phí của các trường cho công tác làm đề thi.
Việc “chung đề thi, chung đợt thi” chỉ có ý nghĩa khi có cái chung thứ ba, đó là “sử dụng chung kết quả để xét tuyển”. Theo giải pháp ba chung, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội vào ĐH, CĐ. Bởi, ứng với mỗi đợt thi, thí sinh có thể có 3 cơ hội được tuyển chọn. Như vậy, với 3 đợt thi, các thí sinh có tới 9 cơ hội được tuyển chọn. Đó là chưa kể, nhiều trường (như năm nay là hơn 140 trường) không tổ chức thi, nhưng vẫn có quyền tuyển chọn thí sinh thông qua kết quả của kỳ thi chung.
Sở dĩ “cỗ máy ba chung” - qua hành trình 10 năm vẫn chạy tốt và  ngày càng phát huy được tác dụng, là bởi hàng năm nó không ngừng được bảo dưỡng, nâng cấp, thông qua việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện qui chế thi. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, trong khi chưa tìm được giải pháp nào tích cực hơn “ba chung”, việc giữ ổn định cách thức tuyển sinh như hiện nay là sự lựa chọn khôn ngoan và khả dĩ hơn cả.
… Và nhiều điều chưa ổn
Nói như vậy, không có nghĩa giải pháp ba chung đã hoàn hảo. Hạn chế dễ nhận thấy nhất của “ba chung” là sự phụ thuộc, thậm chí lệ thuộc lẫn nhau giữa các trường trong hệ thống ĐH, CĐ, nhất là các trường thuộc tốp dưới, các trường ngoài công lập, các trường mới thành lập. Tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của trường, ít nhiều bị ảnh hưởng. Thực tiễn những năm qua cho thấy, nhiều trường rơi vào trạng thái bị động trong công tác tuyển sinh, thậm chí hết thời hạn tuyển sinh vẫn loay hoay không tuyển đủ chỉ tiêu. Không ít trường đã vi phạm qui chế, để rồi bị phê bình, thậm chí bị phạt hành chính, chỉ vì tự ý xé rào tuyển sinh dưới chuẩn qui định hoặc tuyển vượt quá chỉ tiêu.
Xét ở góc độ nào đó, việc áp dụng “ba chung” cho toàn bộ hệ thống giáo dục ĐH, từ ĐH Quốc gia, trường ĐH trọng điểm đến các trường ĐH cộng đồng, từ các trường có tiếng tăm, có truyền thống đào tạo lâu đời, đến các trường mới thành lập, dân lập, tư thục, vẫn có cái gì đó không ổn và không công bằng cho lắm. Hơn nữa, với tính chất ngành nghề và mục tiêu đào tạo rất khác nhau giữa các trường ĐH, CĐ, việc qui định cứng các khối thi A,B,C,D như hiện nay cũng là chưa phù hợp.
Một hạn chế nữa, mà trong suốt 10 năm qua các trường đều thấy và cả xã hội đều biết, là tỷ lệ hồ sơ ảo, thí sinh ảo quá lớn. Năm nào cũng có vài trăm nghìn bộ hồ sơ ảo, như năm nay chẳng hạn, cả nước có gần 400.000 bộ hồ sơ ảo. Thử nhân số này với lệ phí mà các gia đình phải chi cho con em mình là 80.000 đồng/1 bộ hồ sơ, mới thấy sự lãng phí như thế nào. Đó là chưa kể, do không dự báo được số thí sinh ảo, nên hầu hết các trường vẫn phải chuẩn cơ số phòng thi, cán bộ coi thi, số lượng đề thi, cho toàn bộ số thí sinh đăng ký, cho nên việc phải bù lỗ cho công tác tuyển sinh là điều khó tránh khỏi. Trường ít cũng cả trăm triệu, còn trường nhiều thì kinh phí này lên tới cả tỉ đồng. Rồi tình trạng quá tải ở các thành phố lớn trong những ngày diễn ra kỳ thi. Cho dù, có sự ra quân và hỗ trợ đắc lực của lực lượng công an, giao thông, cùng những hoạt động “tiếp sức mùa thi” rất hiệu quả của hàng chục nghìn thanh niên sinh viên tình nguyện, nhưng hiện tượng ùn tắc giao thông, nỗi vất vả, căng thẳng của hàng triệu gia đình và toàn xã hội mỗi mùa thi đến, vẫn là những điều trăn trở…
Lâu nay, kỳ thi tuyển sinh ĐH vẫn được xã hội tin tưởng, đánh giá là kỳ thi nghiêm túc và thực chất nhất. Hai đợt thi tuyển sinh ĐH năm nay, với những tiến bộ rõ nét trong công tác chỉ đạo của ngành Giáo dục, các nhà trường và sự tham gia tích cực của các lực lượng xã hội, tiếp tục được đánh giá là thành công và đạt được các mục tiêu đề ra. Giải pháp ba chung, thêm một lần nữa khẳng định tính ưu việt và hiệu quả.
Tại cuộc họp báo ngay sau khi kết thúc 2 đợt thi ĐH năm nay được tổ chức vào chiều 10-7, khi trả lời câu hỏi của báo chí về chủ trương đổi mới thi cử tới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Bùi Văn Ga, Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 cho biết, để thực hiện nhiệm vụ đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đào tạo theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, ngành sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó sẽ tiến hành song song việc đổi mới cách dạy, cách học, với đổi mới cách đánh giá, thi cử. Dự kiến, đến năm 2015 sẽ thực hiện đổi mới thi cử và sự đổi mới này có lộ trình. Bộ GD&ĐT sẽ từng bước công bố lộ trình này.
Chúng ta cùng chờ đợi và hy vọng về một giải pháp khả thi và khoa học hơn cho công tác tuyển sinh ĐH, CĐ trong tương lai, nhưng thiết nghĩ, “giải pháp ba chung” với hiệu quả mà nó mang lại sau 10 năm vận hành, cũng cần được nhìn nhận, phân tích, đánh giá một cách nghiêm túc trên cơ sở khoa học và thực tiễn, để hoạt động thi cử, đánh giá, thực sự trở thành động lực - thúc đẩy hoạt động giảng dạy, học tập thực chất và có chất lượng./. 

Theo: VOVNews