Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

An sinh xã hội đối với nông dân trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam


Chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam thời gian qua đã mang lại những thành tựu to lớn đối vói sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, cuộc sống của người nông dân còn gặp nhiều khó khăn bởi thu nhập thấp; việc làm không ổn định và thường xuyên phải gánh chịu tác động của thiên tai…

Sự phát triển của nền kinh tế thị trường làm cho hệ thống an sinh xã hội (ASXH) truyền thống dựa trên cơ sở cộng đồng có xu hướng bị xói mòn. Trong khi đó, với điều kiện ngân sách còn hạn hẹp nên khả năng đảm bảo ASXH cho các đối tượng nông dân còn gặp nhiều khó khăn…
 
Do thu nhập ít ỏi và thiếu hiểu biết về ASXH theo phương thức đóng - hưởng, nên người nông dân chưa mặn mà trong việc chủ động tham gia vào hệ thống ASXH hiện đại.

Những điều này làm cho người nông dân dễ phải đối mặt với những rủi ro về kinh tế, và những bức xúc về các vấn đề chính trị xã hội.

Luận án "An sinh xã hội đối với nông dân trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam" của ThS Mai Ngọc Anh là môt nghiên cứu khá toàn diện về hệ thống ASXH hiện đại đối với nông dân ở Việt Nam. Đây là một nghiên cứu mang hàm lượng giá trị khoa học cao:


  • Làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống ASXH đối với nông dân trong điều kiện kinh tế thị trường.
  • Tổng kết kinh nghiệm về xây dựng và hoàn thiện hệ thống ASXH đối với nông dân ở một số nước trên thế giới, rút ra những kinh nghiệm có thể vận dụng vào việc xây dựng hệ thống ASXH đối với nông dân ở Việt Nam.
  • Khái quát thực trạng hệ thống ASXH ở nước ta hiện nay, chỉ ra những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân hạn chế của hệ thống ASXH hiện hành đối với nông dân.
  • Sử dụng ma trận SWOT làm rõ những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức trên cơ sở đó, đề xuất việc lựa chọn các phương án xây dựng và hoàn thiện hệ thống ASXH đối với nông dân ở Việt Nam những năm tới.
  • Khuyến nghị các giải pháp xây dựng và hoàn thiện hệ thống ASXH đối với nông dân đảm bảo cho tính khả thi của các phương án chính sách đã đề xuất.

Kết cấu của nghiên cứu gồm 3 chương:

  • Chương I: Cơ sở lý luận về hệ thống an sinh xã hội đối với nông dân trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường.
  • Chương II: Đánh giá thực trạng hệ thống an sinh xã hội đối với nông dân Việt Nam.
  • Chương III: Phương hướng, giải pháp xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội đối với nông dân Việt Nam những năm tới.


Đáng chú ý là chương I về cơ sở lý luận về hệ thống an sinh xã hội đối với nông dân trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, nghiên cứu đã chỉ rõ được bản chất và vai trò của an sinh xã hội đối với nông dân trong điều kiện kinh tế thị trường. Theo Th.S Mai Ngọc Anh thì " An sinh xã hội đối với nông dân là một hệ thống các chính sách, các giải pháp mà trước tiên nhà nước, gia đình và xã hội thực hiện nhằm trợ giúp người nông dân thoát khỏi nghèo, rồi mới đối phó với những rủi ro gây ra bởi các cú sốc về kinh tế - xã hội làm cho người nông dân bị suy giảm hoặc mất nguồn thu nhập do bị ốm đau, thai sản, tai nạn, bệnh nghề nghiệp, già cả không còn sức lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác làm cho họ rơi vào cảnh nghèo khổ, bần cùng hoá. "

Từ đó, nghiên cứu đã chỉ ra các hợp phần cơ bản trong cấu trúc của hệ thống an sinh xã hội đối với nông dân trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam. Các hợp phần này bao gồm:

  • Thứ nhất: Bảo hiểm y tế tự nguyện cho nông dân.
  • Thứ hai: Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người nông dân. Từ ngày 1/1/2008 người nông dân Việt Nam mới có điều kiện để tham gia vào hệ thống BHXH tự nguyện để được hưởng hai chế độ: hưu trí và tử tuất.
  • Thứ ba: Trợ giúp xã hội cho nông dân gồm hai nhóm: Trợ giúp thường xuyên và và trợ giúp đột xuất.
  • Thứ tư: Xóa đói giảm nghèo.
  • Thư năm: Cung ứng dịch vụ xã hội cơ bản.

Cơ sở lý luận về hệ thống an sinh xã hội trong nghiên cứu này đã đề cập đến các điều kiện xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội đối với nông dân Việt Nam, đặc biệt là sự lượng hóa các chỉ tiêu đánh giá hệ thống ASXH đối với nông dân. Trên cơ sở đó chương II và III của nghiên cứu được luận giải một cách khoa học và logic.
Nguồn: Tạp chí Kinh tế và Phát triển