Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Văn hóa Phù Nam

Trần Hưng
      Trong chín tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, thì An Giang là tỉnh tập trung nhất những di tích và di vật của nền văn hoá Óc Eo. Theo những kết quả điều tra, nghiên cứu và thống kê của ngành khảo cổ học trong nhiều chục năm qua (kể từ 1944) thì tại An Giang các di tích thuộc nền văn hoá nầy, thường phân bố trên nhiều địa hình đồi núi, đồng bằng cao thấp khác nhau, rải rác trên các triền núi, các chân núi như ở vùng Thất Sơn, núi Sam, núi Ba Thê, núi Sập.
Image
Bản đồ vương quốc cổ Phù Nam (TK I - VII)

Tổng quát về nền văn hoá Óc Eo
Liên kết các di tích, di vật ấy lại với nhau có hệ thống đường nước cổ, mà hình ảnh của chúng hoặc được ghi nhận dưới dạng những con lung lớn nhỏ, hay chỉ nhận biết bằng những nét đậm nhạt qua các bức ảnh chụp từ trên không xuống. Những đường nước ấy có khi dài tới gần 100 cây số nối liền từ thị xã Châu Đốc qua núi Sam - Thất Sơn - Ba Thê - Lung Giếng Đá - đến di tích nền Chùa (Kiên Giang), có khi hình thành một mạng lưới toả lan về nhiều hướng giao thông trên từng khu vực nhỏ. Những di tích của nền văn hoá Óc Eo ở An Giang bao gồm nhiều loại hình khá tiêu biểu và có quy mô lớn.
Ngoài những kiến trúc tường gạch đồ sộ của các kiểu đền đài, còn có các ngôi mộ cổ xây bằng đá và cát trên các gò đắp nện bằng đất sét, những kiến trúc dựng trên các cọc gỗ cắm đứng, những khu cư trú trên gò cao, trong ruộng thấp nằm ven những đường nước cổ.
Đáng chú ý nhất là trong khu vực Ba Thê - Óc Eo (Thoại Sơn), các loại di tích ấy có mật độ tập trung thật dày, đan xen với nhau, để họp thành một quần thế di tích khá đồng bộ, có tính chất và đặc điểm của một trung tâm cư dân lớn, một trung tâm văn hoá quy mô, một thị cảng có tầm cỡ và có thể là của một trung tâm chính trị quan trọng thời cổ.
Danh từ Óc Eo có nghĩa là gì?
Vài nhà khoa học người Pháp có nêu lên những giả thiết về ngữ nghĩa của địa danh Óc Eo. Theo nhà dân tộc học Pierre Bitard thì cho rằng: từ Óc Eo đồng âm với chữKhmer địa phương là "Ur Kev". Khi phát âm danh từ đó, thì gần âm với âm Ô kéo.
Từ ấy có nghĩa là rạch ngọc. George Coedes lạichi ra là cái tên "Ô Kéo" không phải là cổ lắm. Bởi lẽ, từ "Kéo", đá ngọc là một từ thuộc nhóm ngôn ngữ Thái, không hề có ở Kampuchia thời Angkor (thế kỷ VIII - XII), càng khó có thể xuất hiện ở thời Phù Nam (thế kỷ I - VI).
Câu chuyện ngữ nghĩa về từ Óc Eo hẳn còn tranh luân tiếp tục. Tuy nhiên, một điều chắc chắnlà, tên Óc Eo vốn từ là một địa danh đã tồn tại trong lịch sử cư dân trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày nay, gò đất mang tên ấy, đối với người dân địa phương không có gì khác lạ, không có gì gọi là thần bí so với các gò đất, gò đá nằm rải rác đó đây trên cánh đồng Giồng Cát, Giồng Xoài. Chỉ khi tìm hiểu một cách tỉ mỉ thì mới biết được, tại gò nầy, trong đất có chứa nhiều hạt cườm, nhiều đồ trang sức bằng đá, một ít đồ vàng. Có nghĩa gò nầy là nơi có nhiều vật lạ, đồ quý từ xưa để lại.
Như vậy, cái gò gắn liền với cái tên bí ẩn ấy có vẻ liên quan đến những dấu tích văn hoá của một thời kỳ lịch sử đã qua.
Công trình của L. Malleret:
Người đầu tiên có công trong việc phát quật đầu tiên di chỉ Óc Eo là L. Malleret, một nhà khảo cổ học người Pháp, đã lăn lộn ở đây trong vòng 7 năm trời (1938 - 1944).
Ông đã tìm thấy khoảng 150 di tích, vết tích văn hoá cổ trong vùng. Trong số đó theo ông có trên 10 địa điểm lả thuộc nền văn hoá Óc Eo có tuổi đưỡc xác định từ thế kỷ thứ II đế thế kỷ thứ VII sau Công nguyên. Ông cũng đã tổ chức một cuộc khai quật trong khu vực "đô thị Óc Eo" ở chân núi Ba Thê (thuộc tỉnh An Giang) vào tháng 2 năm 1944.
Tại đây đã tìm thấy nhiều phế tích gạch đá xây trên các gò đất, những cọc lỗ, nhiều đồ mỹ phẩm vàng, bạc, đồng, đá quý ngoại nhập hay làm tại chỗ, nhiều tiền cắt, tiền tròn và huy chương nước ngoài, các vật dụng sinh họat khác... Toàn bộ các di tích, di vật thu thập được đã được Malleret xếp vào nền văn hoá Óc Eo.
Ngoài ra, bằng những cuộc thám sát trên không, ông đã ghi nhận nhiều vết tích đường nước cổ đan xen ngang dọc trên mặt châu thổ, những đường thành bao quanh đô thị Óc Eo. 
Đặt tên:
Từ kết quả những cuộc nghiên cứu, khai quật, đào thám sát trên mặt đất và những cuộc quan sát từ trên không, L. Malleret - người chủ trì công trình nghiên cứu nói trên đã đưa ra nhận định, ngay trên cánh đồng Giồng Cát và Giồng Xoài (ông ta gọi là cánh đồng Óc Eo) - mà ngày nay vẫn định kỳ ngập nước hàng năm, vốn xưa (khoảng những thế kỷ đầu Công nguyên) có một đô thị cộ bị vùi lấp dưới lòng đất. Ông đặt tên cho đô thị nầy là Óc Eo, hay cũng được gọi là thị cảng (hải cảng) Óc Eo, với một tiền cảng có tên là Tà Keo, nằm cách Óc Eo về phía tây nam khoảng 12 cây số. Như vậy, với Malleret, từ cổ Óc Eo, nguyên để chỉ một gò đất - đá theo như tục truyền của dân chúng địa phương, thì nay đã hàm chứa một nội dung mới.
Nó bao gồm một chỉnh thể các di tích hiện còn tồn lưu dưới lòng đất, nổi trên mặt đất nằm trong chu vi một đô thị cổ ở cách đồng Giồng Xoài, Giồng Cát, mà đã được phác dựng thành một một bình đồ khá sinh động, tức là bình đồ "đô thị cổ Óc Eo". hay nói một cách khác, với L. Malleret, Óc Eo thời xưa là một đô thị rộng lớn, một thị cảng phồn vinh, một trung tâm kinh tế sống động với mội quan hệ giao thương Âu - Á khá rộng rãi.
Ðồng thời, đô thị Óc Eo xưa cũng là một di tích tiên biểu cho nền văn minh của một quốc gia cổ hình thành vào loại sớm nhất trong vùng Ðông Nam Á. (Malleret).
                                                              Image

Tượng thần Vishnu phong cách Ấn Độ tìm thấy trong nên văn hóa Óc Eo
Ý nghĩa:
Nói chung những cuộc khai quật, khảo tả của Malleret đã tập trung vào một số địa điểm như gò Cây Thị, gò Óc Eo... Bảy năm sau, những báo cáo của ông đã gây một tiếng vang lớn, thu hút sự chú ý của nhiều giới nghiên cứu khảo cổ học, dân tộc học, cổ sinh vật học, Đông phương học. Các di tích được phát hiện trở thành những chứng cứ vật thể chắc chắn nhất giúp cho việc nghiên cứu nền văn minh Phù Nam trong giai đoạn giữa của thiên niên kỷ I sau Công nguyên.
 Tiếp sau những công bố của L. Malleret là những bài chuyên khảo của các nhà khoa học dười nhiều góc độ khác nhau như P. Paris, G. Coedes, J. E. Hall, P. Pelliot... mong làm sáng tỏ thêm một số vấn đề về lịch sử - văn hoá của khu "đô thị" bị vùi lấp nầy.
Những cuộc khai quật sau Malleret
Những công trình nghiên cứu dở dang về đô thị cổ Óc Eo quá hấp dẫn và lý thú, kích thích sự chú ý của nhiều giới trong khảo cổ học và dân tộc học.
Có người đã sớm cả tin những gì khai quật và giải lý, tuy nhiên, cũng không ít người còn hoài nghi và tỏ ra dè dặt. Nguyên nhân chính là phạm vi khai quật do L. Malleret trong thời kỳ ấy thực hiện tại vùng Óc Eo còn quá hạn hẹp; nhiều vết tích tại hiện trường chưa được khám phá, chưa được nghiên cứu toàn diện, nhiều dữ kiện khoa học chỉ mối được ghi nhận sơ bộ, nhưng lại chưa minh xác bằng phương pháp khảo cổ học, nhất là những phương tiện nghiên cứu mới ngày nay. Những hoài nghi và thái độ dè dặt ắt được chứng nghiệm là có cơ sở nhất định, khi trở lại hiện trường nghiên cứu của L. Malleret trước đây. Năm 1982, cuộc khai quật trong giai đoạn mới tiếp tục từ khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang) với những nhà khảo cổ học ngoài nước và trong nước.
Từ những nghiên cứu, họ cho rằng: Nhân định của Malleret về "một tiền cảng ở Óc Eo" còn nhiều điều mơ hồ. Lý do là vì, trên các gò nổi đều là di tích của những ngôi mộ cổ cùng thời với di tích Óc Eo. Năm 1983, tiếp theo đó, với những kết quả của cuộc khai đào một loạt gò nổi trên cánh đồng Giồng Cát trong khu di tích Ba Thê - Óc Eo, cũng trong bước đầu cho thấy các di tích kiến trúc ở trên và ở trong các gò nổi nầy khó có thể là bộ phận hợp thành chỉnh thể của một đô thị Óc Eo cổ kính như Malleret từng chủ trương trước đây. Nhìn chung, chúng có những đặc trưng riêng khác, có vẻ như thể hiện một tính chất văn hoá - xã hội khác hẳn.
Những hiện vật: Trong lòng đất của khu vực nầy và ở nhiều di tích khác trong tỉnh An Giang, qua những phát hiện của dân chúng tại chỗ, qua những cuộc điều tra, sưu tầm và khai quật, nhiều hiện vật quý giá, đẹp đẽ, tinh tế và độc đáo đã được thu lượm được.
Những hiện vật nầy có số lượng tới hàng ngàn chiếc với nhiều kiểu loại kích thước, nhiều chất liệu khác nhau. Có những hiện vật thật lớn như pho tượng thần Vishnu cao tới 3,3 mét hiện để thờ trong chùa Linh Sơn (Núi Ba Thê), pho tượng Đức Bà thờ tại miếu bà Chúa Xứ ở núi Sam.
Lại có những hiện vật nhỏ bé được chế tạo với trình độ kỹ thuật rất cao, như những chiếc nhẫn, bông tai, bùa đeo, những con dấu, những huy chương, những đồng tiền... bằng vàng, đồng, thiếc... Có những hạt đá quý, mã não, thủy tinh, lưu ly nhiều màu sắc. Ngoài ra, còn có những vật dụng, dụng cụ thủ công, bằng đồng, bằng đá, đất nung, đồ gốm... như những chiếc vòng tay, những lục lạc, giá kê, những loại búa, dùi đục, tượng, những khuôn đúc, những nồi nấu kim loại, cối, chày, bàn nghiền, bàn xoa, những dọi xe sợi, chì lưới, bếp lò, bình có vòi, nồi, vò, bát, điã, đèn, chậu...
Giá trị: Toàn bộ những di tích, di vật kể trên đã minh chứng đầy đủ vùng đất An Giang từng một thời, vào những thế kỷ đầu Công nguyên (thế kỷ II - VI) là trung tâm lớn của một nền văn hoá vừa đường bệ, hoành tráng trong quy mô, lại đặc sắc, tinh vi về phong cách.
Những nhà khảo cổ học thế giới đều xem những di tích nầy là tiêu biểu cho trình độ cao về kinh tế - kỹ thuật, cho sự phát triển phồn vinh về văn hoá - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long hồi đó.
 Image
Tượng Phật thuộc thời kỳ Bắc Ngụy của Trung Quốc tìm thầy trong nền văn hóa Óc Eo
Vị trí lịch sử:
Nền văn hoá Óc Eo thời đó đóng vai trò quan trọng trong lịch sử của vùng đất nầy. Nó hàm chứa trong mình những sáng tạo diệu kỳ của những lớp người đã khuất. Nó hội tụ những giá trị lớn về khoa học - kỹ thuật, về văn hoá - nghệ thuật, về kinh tế - xã hội của con người thuở trước trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Chúng ta có thể rút từ trong đó ra nhiều kinh nghiệm lịch sử bổ ích của những người cổ xưa đã mở đầu quá trình chinh phục đất đai sình lầy thấp trũng, dựng lên được cuộc sống văn minh bao quát toàn vùng rộng lớn và có quan hệ rộng rãi với nhiều miền đất ở Đông Nam Á, ở Viễn Đông và cả thế giới Địa Trung Hải.
Chúng ta có thể tìm thấy trong đó không ít điều hệ trọng, có lợi cho công cuộc phát triển kinh tế, dựng xây nền văn hoá mới. Vì thế, nền văn hoá Óc Eo, tuy cổ xưa, nhưng vẫn gắn quyện lại với dân chúng trong vùng hiện nay.
Trung tâm văn hoá:
Trên cơ sở nghiên cứu những nguồn tư liệu phong phú cho thấy rằng: Óc Eo là một trung tâm văn hoá cổ, mang tính chất phát triển tại chỗ, đồng thời có ảnh hưởng đậm nét từ ngoài vào, Óc Eo trước kia là trung tâm của một quốc gia cổ hình thành ở vùng sông Hậu.
Phải chăng đây là một bộ phận của đất nước Phù Nam hay không, đó lầ vấn đề cần được tiếp tục khai quật và nghiên cứu.
 
Phát hiện và nghiên cứu Óc Eo:
Ba Thê - Óc Eo là trên gọi của một miền đất thuộc vùng "Tứ giác Long Xuyên" ở miền Tây sông Hậu. Di tích Ba Thê - Óc Eo chứa đựng trong mình một trữ lượng tài liệu lịch sử vô cùng phong phú, minh chứng cho sự tồn tại của một bộ phận dân tộc trên con đường hoà nhập vào cơ thể Việt Nam, minh chứng cho sự tồn tại của một nền văn minh đã từng hiện hữu trên đất Việt Nam.
Bản thân di tích Ba Thê - Óc Eo tự bộc bạch ra những cái riêng, cái độc đáo, mà cho đến nay, đã hơn năm mươi năm trôi qua, các nhà khoa học chú tâm tìm kiếm mà vẫn chưa đưa ra một lời giải đáp cuối cùng nào thỏa đáng về xuất xứ, chủ nhân, cơ cấu tổ chức - xã hội, sinh hoạt văn hoá, sinh họat tôn giáo, môi trường thiên nhiên, mục đích của các kiến trúc và những gì xẩy ra sau cơn biến động vùi lấp đột ngột khu di tích có tầm cỡ đô thị nầy.
Ngay từ những năm đầu của thập niên 40 của thế kỷ XX, một số học giả nước ngoài đã khai quật, nhận định sơ khởi và điều nầy đã khiến cho giới nghiên cứu sửng sốt, vì sự xuất hiện ở đây những vết tích mà người ta đã gọi nó với cái tên đáng tự hào là "đô thị Óc Eo", một thành phố cảng
Phân tích di tích (sau 1982)
Qua những khảo sát sơ bộ, những gò nổi (bằng đất - đá - gạch) nằm rải rác trên hai cánh đồng Giồng Cát và Giồng Xoài có số lượng hiện biết là 31 cái nguyên vẹn. Đây là đối tượng di tích đã được khai quật, nghiên cứu tương đối nhiều và khá kỹ, so với các nhóm di tích khác trong phạm vi của đô thị Óc Eo, nói theo kiểu Malleret. Năm 1944, Malleret đã đào gò Óc Eo, gò Bà Chroun, gò Cây Thị, gò Ông Mang, gò Rssi Kap, gò Dê, đã thám sát gò Lớn (Giồng Cát), gò Cây Trôm, gò Cây Cóc.
Đến năm 1983, những cuộc khai quật được tiến hành một phần di tích ở gò Cây Trôm, gò Cây Cóc (được gọi là gò A1), gò Song Đôi (tức A2 và A3) và các gò nhỏ khác như gò A2, gò A5, gò A6 (Thma 1), gò A7 (Thma 7), gò Đôi (Thma 9, Thma 10) và đào thám sát gò Cây Da.
Kết quả những cuộc khai quật và đào thám sát các gò nổi nói trên cho thấy: Đó là những loại gò nhân tạo, được đắp cao hơn mặt ruộng ngày nay (và cả ngày xưa nữa) bằng các lớp đất sét mịn, chắc, xen lẫn những tảng đá lớn nhỏ, có tác dụng chống lún, chống ngấm nước và ngập nước.
Trong và trên mặt các gò đó, có những kiến trúc chìm hay nổi, bằng đá hay bằng gạch, với những chất kết dính là cát trắng. Dựa theo tính chất và đặc điểm của vết tích kiến trúc nầy, chúng ta có thể phân biệt được hai loại hình chính như sau:
Loại hình thứ nhất:
Đây là các kiến trúc nổi ở gò lớn (Giống cát), gò Cây Trôm, gò Mồ Côi, gò Cây Thị, gò Kam Náp.
Đặc điểm chung của chúng là: Những móng của gò rất kiên cố, dùng đất sét được nện thật chắc, lại cò gia cố thêm bằng những đá tảng lớn hay nhỏ, có mặt nền hình chữ nhật lát toàn gạch; có bờ tường rộng, ngăn chia nền thành nhiều ngăn, nhiều ô hình chữ nhật, hình vuông, theo sự phối trí có khác nhau. Chúng được kiến tạo bằng nhiều thứ vật liệu, mà chủ yếu là gạch màu đỏ, màu hồng và cát trắng, ngoại trừ loại đá khối, dùng để gia cố vào móng.
Đặc tính: Cách bố cục chia ngăn, phân ô của những kiến trúc theo loại nầy, hầu như chưa thấy trong các di tích kiến trúc cổ của Chiêm Thành và kiểu Angkor. Thậm chí, khó tìm được mối liên hệ gần gũi với những kiểu kiến trúc Ấn Độ thời cổ đại.
Trước đây, Malleret có nêu nhiều giả thiết khác nhau về tính chất của di tích kiến trúc trong vùng gò Cây Thị; trong đó, ông chú ý nhiều đến mối quan hệ của nó với các kiến trúc "Dakhma" của Ba Tư trong thời Cổ đại.
Nhưng nếu dựa vào đặc điểm, bố cục kiến trúc và đối chiếu với các di tích, di vật có liên hệ, thí các di tích ở Gò Cát, gò Cây Trôm, gò Cây Thị, gò Mồ Côi, gò Sali... có khả năng là những kiến trúc trong việc thờ phượng.
Chẳng hạn như phân tách di tích kiến trúc gò Lớn, còn lưu giữ vết tích của một bệ thờ khá lớn, gồm những tảng đá phẳng có dấu đục, có mộng, có chốt; hoặc ở sườn phía nam của gò Cây Trôm nguyên xưa còn có một hình Linga rất lớn (cao khoảng 1,83 mét); ở phía đông gò Mồ Côi hiện vẫn còn một mu Linga.
Sự hiện diện của những di tích nầy đã chứng tỏ kiến trúc của những nơi thờ phượng, nơi tổ chức những nghi lễ tôn giáo.
Loại hình thứ hai:
Lọai di tích nầy được xây dựng trên các gò: A1, gò Song Đôi ( A3, A3'), gò Đôi và các gò A2, A5, A6, A7... Khác với loại thứ nhất, những di tích ở các gò nầy đều được xây chìm trong lòng đất gò. Vật liệu xây dựng trong vùng nầy chủ yếu là đá và cát trắng; gạch không được sử dụng nhiều. Dựa theo bố cục kiến trúc, dễ dàng phân biệt thành hai nhóm:
Nhóm thứ nhất: Nhóm nầy gồm các di tích ở gò A5, A7, gò Đôi có cơ cấu đơn giản. Chúng được xây thành khối hình vuông hay gần vuông. Giữa lòng có hộc nhỏ đổ cát và đất cục nhỏ, thường được các nhà tôn giáo học xem là "nơi thoát hồn" con người sau khi chết. Dưới đáy hộc trống thường chôn một ít đồ vật, như vài viên đá quý, đôi ba lá vàng mỏng. Bề mặt các gò của loại kiến trúc nầy thường có một ít đá tảng nằm rải rác, mà ngày nay khó nhận biết được vị trí ban đầu của chúng.
Nhóm thứ hai: Nhóm nầy có cấu trúc phực tạp và đa dạng hơn. Nhóm nầy gồm các di tích ở gò Óc Eo, gò Ba Chroun, gò Rssi Kap, gò Đế, gò Song Đôi, gò Cây Cóc - tức gò A1. Nhóm di tích nầy khác với nhóm di tích trên, chủ yếu ở chỗ có xây thêm phần kiến trúc trên mặt. Về phần nầy, ngày nay chỉ còn lại một nền lát gạch hay nền rải đá mà thôi.
Ngoài ra, ở mỗi di tích trong nhóm cũng có bố cục cấu trúc khác nhau; trong đó di tích A1 là một công trình xây cát quy mô bằng đá khối có dáng như một kim tự tháp; di tích gò Song Đôi lại được kiến tạo một khối đá lớn hình vuông.
Các di tích ở gò Óc Eo, Ba Chroun, Rssi Kap, gò Dê, có lẽ cũng được xây thành hình khối, nhưng vì những vụ đào trộm để tìm vàng hay lấy đá đã phá hủy đi nhiều, cho nên những dấu tích cũ cũng khó nhận biết được. Bên cạnh những đặc điểm khác nhau cụ thể ấy của mỗi loại kiến trúc, hầu như các di tích ở nhóm nầy có một đặc trưng thống nhất: trong lòng khối kiến trúc vững chắc đều có một hộc hình vuông, được chứa đầy cát, dùng để làm "nơi thoát hồn" theo kiểu Ấn Độ Giáo.
Dưới đáy của các hộc cát đó thường chôn cất một số đồ vật tùy táng hay tro than. Chẳng hạn, tại di tích A3 có chôn những xương động vật (gia súc, gia cầm), một số đồ đất nung (chì lưới, thơi đất hình trụ hay hình chóp nón).
Nhìn chung, cấu trúc của "nơi thoát hồn" trong khu lăng mộ nầy là đặc trưng cơ bản nhất của hai nhóm di tích trong loại hình thứ 2 của các gò nổi ở khu di tích Ba Thê - Óc Eo. Nó cũng là chứng tích quan trọng nhất, cho phép nhìn nhận những kiến trúc nói trên là di tích của những ngôi mộ cổ, những lăng tẩm xưa.
Nhìn chung lại, những gò đất nằm rải rác đó đây trên cánh đồng Giồng Cát, Giồng Xoài thuộc khu vực Óc Eo có thể xem là những di tích thờ cúng những lăng mộ cổ xưa. Những kiến trúc nầy gắn liền với sinh họat tôn giáo thời đó; những vùng nầy trước đây là những nơi trang nghiêm, nhiững chốn linh thiêng để những tín đồ, đệ tử thường xuyên lui tới hành hương, cúng viếng các vị thần linh, tưởng niệm những người quá cố.
Nhận định: Phải chăng Óc Eo là một thị cảng. vấn đề gây những tranh luận không nhỏ. Với những đặc điểm và tính chất như đã nêu trên, sự hiện diện khá phổ biến và rộng rãi của những di tích "gò nổi" ở đây quả là sự trái ngược với cảnh tượng của một đô thị, một thị cảngh, nơi mà quanh năm thuyền bè đi lại tấp nập, những lái buôn lui tới trao đổi hàng hoá, những cảnh sinh họat lao động ồn ào.
Những nhà nghiên cứu lớp sau nầy (từ 1982) khó chấp nhập các di tích "gò nổi" là bộ phận của chỉnh thể đô thị Óc Eo. Mặt khác, nếu nhìn vào bình đồ đo thị mà L. Malleret đã phác hoạ trước đây, chúng ta cũng ghi nhận cụ thể hơn các di tích ấy hầu như không ăn nhập với cảnh trí chung toàn vùng, với sự bố trí hài hoà của các đường thành, các đường lối đi lại trong khu vực nội thành. Có những gò nằm ngay trên đường hào thành, như gò Đôi (Thma 9, Thma 10) gò Thma 11, gò Cây Đế. Những gò khác, có cái nằm ngay trên trục giao thông chính của đô thị như gò Óc Eo, Giồng Cát.
Qua những chứng tích như vừa nói, sự kiến tạo các di tích "gò nổi" đã không phù hợp với sơ đồ sinh họat của một đô thị cổ, thường có quy củ với đường đi, lối lại ngang dọc thẳng hàng.
Di tích những gò:(Quần thể)
Cuộc khai quật trong thời gian 1938 - 1944 đã xác nhận gò Óc Eo là một di tích văn hoá cổ nổi tiếng trung toàn vùng nầy. tại đây, người ta đã tìm thấy một loại di tích kiến trúc gạch đá có nền hình vuông, không có mái ngói. Có vài hạt chuỗi và ít mảnh vàng được thu lượm ở những lớp đất trên mặt.
Cũng trong năm 1944, người ta còn khai quật được nhiều gò đất, đá trong vùng. Trên những gò như gò Cây Thị, gò bà Chruon Kap, Rssi, gò Dế, gò ông mang, gò cát... người ta cũng phát hiện được những dấu tích kiến trúc đá - gạch có cùng cách thức kiến tạo, cùng loại nguyên vật liệu gàn giống như kiến trúc ở gò Óc Eo.
Ngoài ra trên bề mặt cánh đồng, trong những hố khai quật hay thám sát, người ta đã tìm ra những vết tích của các lớp cu trú cổ, những cọc nhà sàn, những đường nước cổ... nhiều đồ dùng sinh họat, đồ trang sức nhiều kiểu, những bán thành phẩm, những vật lịêu, những vật thải bằng vàng, thiếc, dồng, sắt, đá quý...
Từ những không ảnh, người ta biết được vết tích của những đường nước cổ đan xen ngang dọc trên vùng đất trũng miền tâu sông Hậu. Tính chất đặc thù của những gò nổi: Trên nhận định nầy, chúng ta thấy: các di tích nầy trên thực tế đã quy tụ vào 2 cụm lớn,dọc theo lưng Giếng Đá và lung Krapi: Cụm thứ nhất: lấy Giồng Cát, gò Cây Trôm làm tâm điểm; cụm thứ 2 có tâm điểm là gò Cây Thị. Trên những gò nầy có xây những thể loại đền đài dùng trong những việc tế tự thần linh; chung quanh lại có thêm những lăng mộ lớn hay nhỏ khác nhau.
Trên một bình diện khác, chúng ta thấy rõ các di tích "gò nổi" đó hầu như không có quan hệ gắn bó một cách hài hoà với các loại hình di tích khác chung quanh đó. Thậm chí, trong một vài nơi, những di tích được kiến tạo ngay trên bề mặt, hay là đã phá hủy các di tích khác.
Ví dụ: dưới di tích kiến trúc gò bà Chroun, ởđộ sâu khoảng 1,7 mét, là một lớp đất cư trú cổ, có chứa nhiều mảnh gốm Óc Eo, nhiều than và xương của động vật, cộng thêm những xỉ sắt và quặng đồng. Tại những di tích tại gò A5, A7, trong lớp đất dùng đắp nện trên gò cũng thấy nhiều mảnh gốm Óc Eo.
Xem như vậy, những di tích "gò nổi" trong vùng Óc Eo không những đã không ăn nhập gì với cảnh trị chung của vùng đô thị xưa, mà còn gần như không được kiến tạo cùng một thời gian với các nhóm di tích khác trong phạm vi chính của vùng đô thị cổ nầy. Có thể đây là những di tích muộn màng hơn và có quan hệ với nhiều cụm di tích khác trên một bình diện rộng rãi hơn rất nhiều.
                                                                     Image 
                                                                                       Tượng Phật gỗ Óc Eo
Ảnh hưởng Bà La Môn giáo
Một điều không thể chối cãi được là những di chỉ mộ táng hay tín ngưỡng trong vùng Óc Eo - Ba Thê chịu ảnh hưởng của Bà La Môn Giáo.
Chẳng hạn như những di tích ở những vùng thuộc đồng bằng sông Hậu, như ở Nền Chùa, Tà Keo, ở Tráp Đa, Đá Nổi, Cạnh Đền, những di tích trong vùng chân núi Ba Thê; tại đây, suốt dọc theo sườn phía đông, đã ghi nhận ít nhất là 14 gò nổi có vết tích kiến trúc gạch đá.
Ðồng thời, trên những gò nổi đó, người ta còn tìm thấy những tượng thần Brahma, Vishnu, Siva, Surya, Harihara, Linga, Mukhalinga, Yoni, Nandin; ngoại trừ, một số tượng Phật kích cỡ khác nhau. Ðặc biệt trong khu vực của chuà Linh Sơn ngày nay, hiện còn lộ ra những phần đoạn thành, đoạn tường gạch, chạy dài từ sườn núi xuống chân núi, lan rộng ra suốt đường chạy đến mặt ruộng, những loại nền lát gạch còn chìm dưới lòng đất sâu.
Tín ngưỡng:
Những công trình khai quật vào năm 1944 của Malleret cho thấy rõ nhiều di tích tín ngưỡng khác.
Chẳng hạn như những di chỉ, di vật khai quật tại gò Cây Trôm, gò Rssi Kap, gò Óc Eo, đều là những điểm tập trung nhiều nhất các di tích kiến trúc thờ cúng và lăng mộ. Những di tích nầy được phân bố trên phạm vi rộng lớn, nằm dọc theo sườn và chân núi Ba Thê, ở những thế đất cao.
Tại những trung tâm nầy, người ta tìm thấy nhiều tượng thần Brahma, Siva, Harihara, Surya. trong đó có một tượng thần Vishnu khổng lồ, cao tới 3 mét, với 9 đầu rắn Naga (Ananta) xoè như cái tán che trên đầu tượng; đây là hình ảnh lộng lẫy nhất, tráng lệ nhất của trung tâm tôn giáo - tín ngưỡng, trung tâm văn hoá nầy. Tâm điểm của trung tâm nầy hẳn là khu vực mà nay đã xây cất lên một ngôi chùa có tên là Linh Sơn. Nơi đây, các kiến trúc được xây dựng với quy mô lớn, có nhiều vết tích về tường thành dài và khá dày; có nhiều nền gạch rộng cùng với nhiều chân tảng lớn, nhiều phiến đá có đục chạm trang trí khá tinh vi.
Ngoài tâm điểm đó là những cụm di tích khác có tính chất riêng của từng nơi khác nhau. Trong đó, vùng sườn phía đông bắc của núi Ba Thê được xem là cụm di tích tôn giáo, chính là nơi khai quật được nhiều loại tượng thần Bà La Môn giáo nhất trong vùng nầy. Những lăng mộ tìm thấy được trong những gò Lóng, gò Cây trôm, gò Mồ Côi, gò Cây Thị, toàn bộ trên cánh đồng Giồng Cát...
                                          Image 
                        Gương đồng Trung Quốc, niên đại thời kỳ Tây Hán tìm thầy trong nên văn hóa Óc Eo
Khu cổ mộ: Kết quả những khai quật địa điểm nền Chùa mà trước kia được Malleret gọi là Tà Keo, tiền cảng của Óc Eo, hai đột khai quật đã được thực hiện trong những năm 1982 và 1983. Tại đây, những nhà khảo cổ tưởng là sẽ gặp được những dấu tích liên hệ đến môt tiền cảng Óc Eo xa xưa. Nhưng trong thực tế, tại tát cả những gò đất nổi cao trên mặt ruộng thấp, đều là di tích và phế tích của những ngôi mô cổ to lớn và kiên cố. Có đến hàng chục ngôi đã được đào lên và nghiên cứu chi tiết; thậm chí, ngay cả di tích kiến trúc Nền Chùa, chẳng qua chỉ là bộ phận phụ thuộc vào một ngôi mô lớn có chôn theo nhiều là vàng vẽ hình y người, hoa, động vật...
Hình bóng của một cảng khẩu Óc Eo xưa vẫn chưa được tìm thấy hay còn bị chôn vùi dưới những tầng đất sâu, hay cũng có thể đã bị những ngôi mộ của người đời sau phá hủy đi, Ngược lại, qua những cuộc khai quật, với kết quả thu thập được, thì di tích Nền Chùa được xác nhận là một khu mô cổ quy mô lớn. Đây là lần đầu tiên khảo cổ học trong nước tìm được một loạt hình di tích mới trong tổng thể văn hoá Óc Eo.
Khu đền đài Óc Eo:
Thế là hơn 13 thế kỷ (niên đại thế kỷ V - VII theo Malleret), lần đầu tiên mọi người lại được tiếp cận diện mạo của một nền văn minh đã bị vùi lấp trong quá khứ. Các di tích kiến trúc, đền đài, nhà cửa, lăng mộ, kênh rạch, hồ nước, các di vật văn hoá, gốm, đồng, thiếc, vàng, bạc, đá quý... của một nếp sống "đô thị' đã minh chứng hùng hồn cho sử tồn tại của một bộ phận dân cư mà trước đó người ra quen gọi là nước Phù Nam.
Với kích thước cỡ 3,000 X 1,500 mét bên hữu ngạn của con sông Hậu ngày nay, hàng năm chịu một mùa úng ngập, "đô thị" Óc Eo có quy mô tương đối khá lớn, với các công trình kiến trúc bằng đá, đất, gạch hay bằng gỗ. Có di tích rộng 800 - 900 mét vuông như gò Cây Trôm, có một kênh đào theo trục dọc, chạy suốt từ Óc Eo đến Angkor Borei ở phía bắc.
Từ cuộc phát quật của L. Malleret 1944 cho đến 1975, vì hoàn cảnh chiến tranh liên miên, việc tiến hành nghiên cứu tiếp tục di chỉ, di vật nầy bị đứt đoạn. Di chỉ nầy đã rơi vào tình trạng hoang tàn. Gần đây, những cuộc khai quật mới được thực hiện; quan trọng hơn hết là khảo tả vùng gò Cây Trôm, một di tích kiến trúc cổ, diện tích khai quật là 480 mét vuông và diện tích kiến trúc nầy có thể lên đến 800 - 900 mét vuông được mang những ký hiệu A1 đến A7 tùy theo giá trị khác nhau.
Trong 7 địa điểm gò một khai quật có các loại hình cấu trúc khác nhau: loại mộ huyệt hình chữ nhật, loại một huyệt hình vuông, loại mộ huyệt hình phễu. bên cạnh đó cũng đã phát hiện thêm những vết của kiến trúc ở phía bắc di tích và chung quanh núi Ba Thê, chùa Linh Sơn.
Những công trình nầy đã củng cố thêm những nhận thức đã có và đưa đến nhiều nhận thức mới về nền văn minh Óc Eo, về khu di tích Ba Thê - Óc Eo. Ngoài ra, những đợt khai quật kế tiếp đó cũng khám phá thêm được nhiều di tích văn hoá Óc Eo, đặc biệt là khu di tích kiến trúc và khu mộ táng ở địa điểm nền Chùa (Kiên Giang) và khu di chỉ cư trú ở chân núi Sam (An Giang). Như vậy, việc nghiên cứu nền văn hoá Óc Eo không chỉ tập trung quanh vùng chân núi Ba Thê, mà lan toả nhiều hướng khác. Ngoài ra, theo hướng khám phá, cũng không còn thu hẹp phạm vi nghiên cứu trong tỉnh An Giang mà thôi. Ngoài ra, còn có thêm nhiều nhận thức mới về khu vực Ba Thê - Óc Eo và về khu Nền Chuà (Kiên Giang).
Vương quốc Phù Nam
So với những di tích, di vật trong vùng Đông Nam Phần, thì nền văn hoá Óc Eo thuộc thời kỳ muộn hơn Theo Malleret, nền văn hoá nầy có phạm vi phân bố chủ yếu là ở vùng trũng miền tây sông Hậu, gồm địa bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Minh Hải và một phần đất đông nam Kampuchia. Các di tích của nền văn hoá nầy có quy mô khá lớn, trong đó có hai thị trấn Trăm Phố và Óc Eo. Riêng Óc Eo có diện tích rộng tới 450 ha, là một đô thị mang đặc điểm của một thành phố ven biển với tiền cảng Tà Keo cách đấy 15 cây số.
Xã hội Óc Eo là một xã hội đã phát triển với nhiều ngành nghể thủ công, như nghề gốm, nghề luyện đồng, luyện thiếc, nghề kim hoàn. Đặc biệt về nông nghiệp và thương nghiệp, vào lúc nầy, đã khá phát triển với một loạt những chứng cớ như những công trình thủy lợi cổ, vừa tưới tiêu, vùa giao thương, nhưng kênh rạch, những sản phẩm thủ công đã được chuyên hoá, những đồng tiền cắt tư, cắt tám, các loại tiền tệ và con dấu của nước ngoài, những vật phẩm ngoại nhập...
Ngoài ra, trong nền văn hoá nầy còn có những điệu thức kiến trúc khác nhau, như những vết tích nhà sàn để ở, những kiến trúc gạch đá lẩn lộn, thể hiện một trình độ cao trong kỹ thuật xây dựng; nghệ thuật tạo hình và tạc tượng ở đây cụng đã khá phát triển, gòm có hai nhóm hình tượng Ấn Độ Giáo và Phật Giáo.
Nghệ thuật làm đồ kim hoàn cũng đã đến trình độ khá cao. Đặc biệt trong nền văn hoá Óc Eo còn tìm thấy chữ viết trên những hiện vật, như nhẫn, con dấu... Những chữ ấy có dạng chữ Phạn (Brami) ở thế kỷ thứ V vào thời đại Goutta của Ấn Độ Cổ đại. Theo nhận định của Malleret thì nền văn hoá nầy là sản phẩm văn hoá cuả một nước lớn trong vùng tồn tại từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VII, từng được sử cũ Trung Hoa ghi chép nhiều lần. Đó là vương quốc Phù Nam.
Những thay đổi diện mạo
Từ những phát hiện, khai quật của L. Malleret cho đến những nghiên cứu tìm tòi trong những năm gần đây đã có được những tiến bộ đáng kể.
Diện mạo của khu di tích đã thay đổi khá nhiều, do trước đây việc bảo vệ đất đai di tích đã không được đặt ra đúng đắn. Di tích lại nằm trong khu vực "tứ giác Long Xuyên" ở bờ phải sông Hậu, mỗi năm chịu một mùa nước ngập làm cho khu di tích đã hoang tàn lại càng thêm u tịch. Ngoài ra, còn có sự phá hoại vô ý thức của con người trong vùng.
Những cuộc khai quật sau nầy đã tìm ra được di chỉ gò Điền Điển (đã san bằng làm sân phơi) di chỉ vùng gò "Thma 9" (đã trở thành đất ruộng trồng lúa). Một số gò quan trọng khác trong việc khai quật như Óc Eo, Cây Trôm, Ông Mảng Đông, gò Ông Phi, gò Rssi Kap, gò Đa... thì trở thành vùng đất trồng như loại hoa màu phụ.
Ngoài ra, cũng có một số vùng bị đào xới tung lên để "tìm vàng” như gò Rssi Kap, gò Cây Dủi, gò Tre, gò Cây Trôm, gò Mồ Côi (Dwl Tà rọt)... Trong số những địa danh kể trên thì gó cát bị đào bới, phá hoại nghiêm trọng nhất và cũng là nơi có nhiều di vật quý giá nhất.
Những vùng khá như gò Mồ Côi, gò Cây Trôm sau nầy cũng bị dân chúng trong vùng đào bới lên để lấy gạch hay để tìm vàng, hư hại khá nặng nề. Như vậy toàn bộ bề mặt các gò nầy trong những năm qua đã bị đào xới, phá hoại xáo trộn rất nghiêm trọng, lấy mấy nhiều dấuvết dùng trong nghiêm cứu. Nhất là trong khu vực Gò Lớn được xem là một trong những trọng điểm nghiên cứu thì hay hầu như mất sạchhết dấu vết cổ.
Di tích kiến trúc "K" ở đây (do Malleret đặt tên) bị đào đến tận móng, do nông dân lấy gạch đá về làm nhà. Các tấm đá có kích thước to lớn, có đục chốt và mộng của di tích cũng bị vỡ nát, bị di chuyển, nằm ngổng ngang trên mặt đất. Di tích kiến trúc ở gò Mồ Côi gồm những ngăn có tường gạch cao cũng bị phá hoại gần như toàn bộ công trình.
Việc khai quật hai di tích vừa nói trên, để dựng lại vết tích kiến trúc gạch đá đã gặp nhiều khó khăn hay không tực hiện được nữa. Đó là một tổn thất lớn về văn hoá và khoa học, bởi hai di tích nầy có quy mô khá lớn, nằm trong cụm đền đài, lăng mộ thuộc khu phía bắc của đô thị Óc Eo trước đây.
Những di tích khác như Lung Prapi, kinh Cậu Tho được ghi trên bản đồ đô thị Óc Eo đã mắt hẳn trên thực địa; Lung Giếng và Lung Lớn (tức là đường nước trung tâm của đô thị Óc Eo) cũng đã khô cạn, được bồi tụ gần phẳng, phần lớn dòng chảy đã trở thành khu ruộng lúa sạ; ngoại trừ vài đoạn đào thành đìa thả cá, chứa nước ngọt. Vết tích đường thành trong, thành ngoài đều khó xác định được.
Hình ảnh bình đồ của đô thị xưa thật khó để nhận ra được, nếu không có những nõ lực nghiên cứu mới trong lòng đất cũng như trên không. Mới chỉ qua những điều tra nghiên cứu trong bước đầu ở phần phía bắc của đô thị Óc Eo, chúng ta đã thấy những tổn thất lớn lao đếnnhư vậy. nếu nhìn rộng ta trên toàn bộ khu di tích Óc Eo, chắc hẳn còn xẩy ra nhiều điều đáng tiếc hơn.
Sở dĩ có hiện tượng trên xẩy ra gây thiệt hại cho khu di tích lịch sử nầy, một phần là dođiều kiện lịch sử của nước ta trong vòng năm mưoi năm qua có quá nhiều biến động trong vùng đất nầy, gây nên những thiệt thòi lớn trong việc đào tìm, nghiên cứu.
Vấn đề khu di tích Ba Thê - Óc Eo hiện nay đang đứng trước hai thực tế lớn: (a) trước hết khu vực nầy chứa đựng một nội dung văn hoá và lịch sử rất lớn, rất đặc biệt, có tầm quan trọng lớn trong việc nghiên cứu lịch sử nước nhà, lịch sử trong vùng Đông Nam Á và rộng ra là lịch sử thế giới; (b) mặt khác, khu di tích nầy bị phá hoại, gây nên những tổn thất lớn, dẫn đến tình trạng có nguy cơ làm mất đi bộ mặt thực của di tích đô thị cổ, như các nhà khoa học từng báo động.
Những tồn tại:
Những cuộc khai quật chung quanh nhưng di tích di vật của nền văn hoá Óc Eo từ năm 1938 (của Malleret) cho đến nay, thì bộ mặt của nền văn hoá nầy cũng đã được tô đậm nét hơn, rõ ràng hơn và cũng được soi sáng thêm nhiều vấn đề căn bản.
Những tài liệu nầy đã tạo tiền đề cho sự hình thành nhiều nhận thức mới về đặc trưng kinh tế - văn hoá cổ ở đây, về tiến trình đầu tiên trong việc chinh phục đồng bằng miền Tây Nam Phần và về mối liên hệ văn hoá Đồng Nai, văn hoá Óc Eo và toàn vùng.
Riêng về nền văn hoá Óc Eo, thực ra chỉ mới bắt đầu đi vào ngưỡng cửa của sự khám phá, xác minh hiện trường cũ, chỉ mới soi chiếu làm sáng tỏ được vài phần trong bức tranh cấu trúc kinh tế - văn hoá - xã hội rộng lớn, nhưng cũng khá phức tạp. Nhìn chung, nền văn hoá Óc Eo trên đại thể là đề tài khoa học lớn, còn có nhiều điều bí ẩn còn chôn vùi dưới những tầng đất sâu. Mọi việc đoán định không thể rồi xa những công trình khai quật trong tương lai; điều nầy không dễ môt lúc có thể soi sáng đủ mọi thứ. Văn hoá Óc Eo là hội tụ của nhiều yếu tố văn hoá lớn khác nhau.
Đặc trưng đó đòi hỏi những công trình nghiên cứu vùng nầy cũng phải hội đủ nhiều ngành khoa học, nhiều kiến trúc chuyên biệt. Từ những công trình thu tập được và cả những mặt còn hạn chế như đã nói, việc nhận định cơ bản để định giá trị là điều cần thiết.
Đối với nền văn hoá Óc Eo, cho đến nay, những nhà khảo cổ học trong nước chỉ có thể làm quen với các di tích qua những công trình khai quật của hai nhà khảo cổ học L. Malleret và G. Coedes. Tại Bảo tàng viện Sàigòn hiện nay, chỉ có vỏn vẹn 13 hiện vật của Óc Eo, gồm có hai nồi quặng, 1 hiện vật gồm hình mõn lợn, 1 chiếc vò nhỏ, 1 nồi đồng, 3 nắp vung, 2 bát gốm, 2 chân đế gốm và1 thỏi đất nung.
Dĩ nhiên những hiện vật nầy không thể nào phản ảnh đầy đủ bộ mặt của nền văn hoá Óc Eo, môt nền văn hoá đa dạng về mặt loại hình hiện vật, phong phú về mặt chất liệu và phát triển cao về mặt kỹ thuật, nếu đem so với nền văn hoá Đông Sơn ở miền bắc và nền văn hoá Sa Huỳnh ở miền trung Việt Nam.
Những di tích ở Óc Eo thật hấp dẫn, nhưng hiểu được nó, giải mã được nó, không phải là công việc làm đơn giản. Tính chất thiếu ổn định của địa tầng, quá trình bồi tụ phức tạp và sự xáo trộn của bề mặt do canh tác và đào xới tự do trước đây trên vùng cánh đồng Óc Eo là những trổ ngại lớn đối với công cuộc khảo cổ.
Ngoài ra, trên miền đất nầy, không phải chỉ có nền văn minh Óc Eo, mà còn không ít những bằng chứng về sự cư trú của con người trên bình diện rộng lớn hơn, diễn ra ở những thời điểm cổ hơn sovới xã hội thời Óc Eo. Ðó là những di tích có niên đại hậu kỳ thời đại đồ đá mới và thời đại đồ đồng; nhiều nhà khảo cổ học và dân tộc học đã coi nhón văn hoá nầy thuộc ngoại vi của trung tâm văn hoá Đồng Nai. Trong số đó phải kể đến những di chỉ của khu kinh tế mới Lê Minh Xuân, gò Canh Nông, gò Tháp xã Lộ Giang, ở Lý Tây (Châu Thành), Tân Hội, rạch Cây Cui (Cai Lậy), ở khu di tích An Sơn, địa điểm Rạch Núi...
Như vậy là trước khi nền văn minh Óc Eo được khởi dựng lên, đã có những nhóm cư dân khác thuộc hậu kỳ thời đại đồ đá mới (đá mài) và thời đại đồ đồng cư trú trên miền đất nầy; và cùng với những di tích ở vùng Đồng nai, Sông Bé tạo thành môt trong những trung tâm phát triển văn hoá thời cổ của nước ta, ít ra là từ hậu kỳ thời đại đồ đa mới đến thời đại đồ đồng thau phát triển.
Người ta thường nói đến nền văn hoá Phước Tân, nền văn hoá Cù Lao Rùa, chính là những tên gọi của nền văn hoá nầy. Cho đến nay, những di tích như vậy đã thấy có mặt ở vùng Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Sông Bé, đặc biệt là Đồng Nai.
Bằng những đặc trưng chung về mặt loại hình và kỹ thuât, căn cứ trên phạm vi phan bố trong toàn vùng, đồng thời căn cứ theo mức độ tập trung và sự phát triển có tính chất liên tục của những di tích, di vật, dưới góc độ văn hoá, những nhà nghiên cứu đã khái quát bằng danh từ chung: văn minh sông Đồng Nai.
Thực ra, cho đến nay, những nhà nghiên cứu mới chỉ biết được Óc Eo với tính chất của một đô thị cổ, một đô thị có dáng dấp với những di tích kiến trúc, với những nền gạch, đường đi, đường nước, những cột nhà sàn, những loại đá quý, đồ vàng, bạc, đồng thiếc... nghĩa là mới chỉ nhận biết được văn minh Óc Eo ở thời kỳ hưng thịnh của nó; những thời khai sinh hay nguồn gốc của vùng đô thị cổ nầy vẫn chưa tìm ra rõ ràng. Vì những điều lý giải nầy, cho nên đã chưa tìm thấy được gạch nối liền của nền văn minh Đồng Nai với nền văn minh Óc Eo, như danh xưng thường dùng đến.
Môt số nhà khảo cứu nghĩ đến việc tạo dựng nền văn minh Óc Eo là môt quá trình xây dựng từ nhiều tuyến, và trong trường hợp nầy thì nền văn minh Đồng nai đã đóng góp một phần không nhỏ vào buổi bình minh của nền văn minh Óc Eo. Công việc đòi hỏi những khám phá, khai quật thêm, để tìm hiểu Óc Eo thời khai sinh.
(Nguồn: http://huongdao.de.index)