Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

Một kỷ nguyên mới của nước Mỹ?

GS. Vũ Đức Vượng
Khi tân Tổng thống Barack Hussein Obama giơ tay tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ vào trưa ngày 20 tháng 1 năm 2009, giây phút này khép một trang sử không được đẹp lắm của Mỹ và mở một kỷ nguyên mới cho nước Mỹ cũng như cho nhiều nơi khác trên thế giới.
Hình ảnh người Tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ giúp thay đổi hẳn cái nhìn về nước Mỹ, về con người Mỹ từ bên ngoài sau ròng rã suốt mấy trăm năm, người da đen ở Mỹ đã bị coi là nô lệ, là dân nghèo, là dân nhiều phạm nhân, là dân bất tài bất lực v.v…
Quan trọng hơn, về chính sách đối nội cũng như đối ngoại, nước Mỹ sẽ theo đuổi một con đường khác hơn con đường từ nhiều năm nay, sẽ đặt lại vai trò của Chính phủ, và sẽ liên kết chặt chẽ hơn với các nước trên thế giới, từ kinh tế tới môi trường, từ chiến tranh tới xóa đói giảm nghèo.
Giữa bầu không khí đầy hy vọng này, câu hỏi được đặt ra là liệu Chính phủ của tân Tổng thống có thể thực thi được các hứa hẹn từ mùa tranh cử hay không. Nếu thật sự thành công, Tổng thống Obama sẽ là một vĩ nhân mới trong thế kỷ mới này.
Hữu ư trung, tất hình ư ngoại
Màu da của Obama, tuy rất ấn tượng trên báo chí và truyền hình, chỉ là một biểu tượng của những thay đổi cục bộ căn bản trong xã hội Mỹ từ hơn nửa thế kỷ nay. Có thể nói, hàng triệu người Mỹ đã tranh đấu để thay đổi nước Mỹ và dọn đường cho Obama nhậm chức Tổng thống năm nay. Không ít người đã hy sinh tính mạng trong cuộc cách mạng không dùng vũ khí này.
Nước Mỹ, như ai ai cũng đã rõ, khởi đầu bằng một chế độ kỳ thị màu da cũng như kỳ thị về giới tính. Ngay từ thời còn bị đế quốc Anh đô hộ, cả hai đại lục Bắc và Nam Mỹ đã theo đuổi một chính sách diệt chủng đối với người dân địa phương, và sau đó lại mua người da đen từ Phi châu qua làm nô lệ. Khi lập quốc năm 1776, hiến pháp Mỹ đã rõ ràng loại ra khỏi các sinh hoạt chính trị ba loại người: người dân bản xứ còn sống sót, người da đen nô lệ, và phụ nữ. Nghĩa là đa số cư dân trên đất Mỹ thời đó đều đứng “chầu rìa” và mọi quyết định về cai trị đất nước đều do một thiểu số đàn ông da trắng điều hành.
Sau cuộc nội chiến ở giữa thế kỷ 19, người da đen mới được quyền công dân; và mãi đến năm 1920 phụ nữ ở Mỹ mới được quyền bầu phiếu. Nhưng cả hai nhóm này vẫn chưa đạt được ảnh hưởng nào quan trọng trong chính trường Mỹ vì hoàn cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, phong tục, và ngay cả tôn giáo nữa vẫn bảo vệ quyền lợi tối thượng của đàn ông da trắng.
Phải sau Thế chiến thứ hai, khi cả thế giới chuyển mình và song song với những biến đổi về xã hội, người da đen đi trước với phong trào cách mạng dân quyền (the Civil Rights Movement) giành được bình quyền về mọi phương diện. Rồi phụ nữ đi kế tiếp; và sau đó hầu như tất cả các nhóm khác trong xã hội Mỹ cũng nối gót: người già, người da màu đủ loại, người đồng tính, người di dân, người nghèo, người khuyết tật, v.v…
Những tiến triển về dân quyền tại Mỹ trong vòng 60 năm qua đã thay đổi xã hội Mỹ từ trong ra ngoài, từ căn bản tới hình thức, và nước Mỹ bước vào thế kỷ 21 này khác hẳn với nước Mỹ hồi đầu thế kỷ trước.
Một vài thí dụ điển hình:  luật pháp Mỹ hiện nay không cho phép kỳ thị dưới bất cứ hình thức nào: màu da, giới tính, đồng tính, tuổi tác, khuyết tật, nguồn gốc ngoại quốc, v.v…
Phụ nữ Mỹ hiện đang học ở bậc đại học đông hơn nam giới và tốt nghiệp mau hơn nam giới— thống kê năm 2005 cho thấy phụ nữ đạt được 57% các bằng cử nhân và 59% các bằng cao học trong toàn quốc.
Và người da màu, dù chỉ mới được di dân rộng rãi vào nước Mỹ từ năm 1965, nay đã tăng vọt lên hơn 30% dân số Mỹ và càng ngày lá phiếu của họ càng trở nên quan trọng hơn ở mọi tầng lớp trong Chính phủ, từ cấp phường, quận, huyện lên tới tiểu bang và liên bang. Trong cuộc bầu phiếu Tổng thống vừa qua, ông Obama chỉ chiếm được 43% số phiếu của người da trắng, nhưng ông được đa số phụ nữ da trắng ủng hộ. Tỉ lệ người da trắng trong cử tri đoàn toàn quốc cũng đã giảm từ 79% năm 2004 xuống còn 75% năm 2008. Đa số các cử tri da màu đã dồn phiếu cho liên danh Obama-Biden: 96% người da đen, 67% người gốc Latinh, và 62% người gốc Á châu ủng hộ (chỉ có cộng đồng người Mỹ gốc Việt còn nghiêng ngửa bầu cho McCain-Palin 52%-48%.)
Nhìn vào bối cảnh trên, tưởng cũng không lạ lùng lắm khi một người da đen nhậm chức Tổng thống Mỹ năm nay. Để có ngày lịch sử này, bao nhiêu người đã hy sinh, đã tận tụy tranh đấu cho quyền lợi của những người bị áp bức. Có nhiều người đã được tôn vinh trong lịch sử Mỹ, từ Susan B. Anthony tới Rosa Parks, từ W.E.B. Dubois tới Martin Luther King, Jr., từ  Mildred Loving tới Harvey Milk, và từ Abraham Lincoln tới Thurgood Marshall. Nhưng hàng triệu người khác đã đóng góp công sức trong phạm vi và khả năng của họ để tới ngày nay, xã hội Mỹ - dù vẫn còn nhiều bất công và trở ngại - đã thay đổi từ trong cốt lõi.
Và trong tương lai, ảnh hưởng của cuộc cách mạng này sẽ vang dội tới nhiều ngõ ngách, nhiều sắc dân, và nhiều trường hợp khác trên thế giới.
Một hòn sỏi dấy động mặt hồ
Trong hai năm qua, cuộc tranh cử của Thượng nghị sĩ Obama đã khơi động lên những hưởng ứng chưa từng thấy ở Mỹ cũng như tạo nên những hy vọng bất ngờ ở nhiều nơi trên thế giới.
Tại Mỹ, những con số đạt được đã làm mọi người sửng sốt. Chưa khi nào một ông nghị sĩ trong nhiệm kỳ đầu tiên ở Thượng viện đã có thể gây quỹ tới số tiền khổng lồ trên 750 triệu đôla. Bốn năm trước, khi Tổng thống Bush ra tranh cử lần thứ hai, ông cũng chỉ quyên góp được 250 triệu, khoảng 1/3 của Obama. Nhìn từ một khía cạnh khác, nếu ta coi cuộc tranh cử này như khởi đầu một công ty mới, thì không đầy hai năm, Obama đã gây dựng được một công ty trị giá hơn ¾ tỷ Mỹ kim.
Đặc biệt hơn là phe Obama đã từ chối không nhận tiền của các tập đoàn chuyên làm “chính trị hành lang” (lobbying groups) để tránh bị ngộ nhận là có thể để cho các nhóm này thao túng. Ngược lại, êkíp của Obama tranh thủ kêu gọi từng cá nhân, nhất là giới trẻ, đóng góp trực tiếp vào ngân quỹ tranh cử, dù là mỗi người chỉ đóng góp một con số khiêm nhường. Kết quả rất độc đáo: gần 4 triệu công dân Mỹ đã hưởng ứng đóng góp, và con số những người cho dưới 200 USD đã tổng cộng được hơn 300 triệu.
Số tiền khổng lồ này đã giúp cho Obama tranh cử mạnh mẽ trong hai tháng cuối: tháng Chín và tháng Mười, phe McCain và Đảng Cộng hòa đã chi 195 triệu, trong khi phe Obama và Đảng Dân Chủ tiêu 380 triệu. Hậu quả là McCain đã phải cắt bớt cuộc vận động ở vài tiểu bang then chốt vì không đủ tiền trang trải.
Nhưng quan trọng hơn cả tiền bạc là ảnh hưởng tâm lý trong quần chúng. Xin đơn cử một vài thí dụ: Mỗi Tổng thống mới nhậm chức đều có quyền thay đổi chừng 8,000-10,000 chức vụ trong Chính phủ liên bang. Tính cho tới đầu tháng 12, đã có 300,000 người nộp đơn xin làm việc trong Chính phủ Obama. Để tiện so sánh, tám năm trước đây, khi ông Bush nhậm chức, chỉ có khoảng 90,000 người đệ đơn xin việc; và 40 năm trước, khi ông Nixon vào Nhà Trắng, thay thế Tổng thống Johnson giữa cuộc chiến tại Việt Nam, họ phải gửi ra 70,000 thư mời những nhân vật tai mắt “giới thiệu” những người có khả năng phục vụ.

Phản đối cuộc chiến Irắc ở thủ đô Oasinhtơn
Nước Mỹ ấn định ngày giờ trao đổi chức Tổng thống vào trưa ngày 20 tháng giêng, khoảng 10 tuần lễ sau khi kết thúc cuộc vận động, tại tiền đường Quốc hội ở Washington, D.C. Tháng Giêng là giữa mùa đông, và Washsington là vùng lạnh, thường hay có bão tuyết. Thế nhưng năm nay, chính quyền đã tiên liệu sẽ có khoảng 4 triệu người từ khắp nơi đổ về để chứng kiến lễ nhậm chức lịch sử này. Đủ mọi hạng người, từ những người lính da đen có công trong thế chiến thứ hai, thuộc phi đoàn Tuskegee, nay đã đều ngoài 80, hoặc chín học sinh da đen dũng cảm khi họ bước chân vào trường trung học da trắng năm 1957 ở Little Rock, Arkansas và cần có vệ binh quốc gia bảo vệ … cho tới những tình nguyện viên trong cuộc tranh cử cam go, hoặc ngay những em bé mới chào đời trong một nước Mỹ “có hồn” hơn trước. Còn mấy tuần nữa mới tới ngày nhậm chức, nhưng không khí của một ngày hội đã lan tràn khắp nước; nhiều người đã mời thân hữu, đồng nghiệp cùng tham dự xem buổi lễ qua truyền hình, như một buổi chung kết giải bóng tròn thế giới.
Các bậc phụ huynh và giáo chức cũng đã bắt đầu dùng tân Tổng thống Obama như một mẫu gương chung cho con cái và học sinh.
Bà Avis Jones-DeWeever có hai đứa con đã mua sách về Obama để động viên chúng theo gương chăm chỉ của ông. Bà dùng một ví dụ vào những ngày cuối của cuộc vận động: bữa đó, cả hai ứng cử viên McCain và Obama mỗi người đều có tổ chức mít tinh ngoài trời riêng rẽ với cử tri ở bang Pennsylvania; trời trở mưa lớn. Ông McCain hủy bỏ cuộc họp trong khi Obama vẫn tới gặp, và đứng dưới mưa dầm dề, đầu không đội mũ, và tiếp chuyện với hàng ngàn cử tri cũng đứng dưới mưa. Bà nói thêm: “Lúc đó, tôi biết là Obama sẽ thắng; ông ta có một quyết tâm sắt đá, và tôi cũng muốn dạy cho con tôi tinh thần đó. Thông minh thôi cũng chưa đủ; tôi muốn hai đứa con tôi học bài học đó.”

Quân bộ binh Israel tiến vào Gaza
Bà Sherry Jones lái xe chở Malcolm, cậu con trai 13 tuổi tới trường. Bỗng dưng Malcolm bất bình chuyện gì đó và cằn nhằn với mẹ. Bà quay sang và nói ngay với con: “Con hãy xem gương Barack đó!  Trong cuộc vận động, ông ta luôn từ tốn, bình tĩnh… ngay cả trong các buổi tranh luận với John McCain và ông McCain đối xử không đẹp, Obama vẫn bình tĩnh… không hạ mình xuống như vậy.”
Ngay chính ông Obama, trong cuốn hồi ký đầu tiên, “ Mơ ước từ cha tôi”  (Dreams From My Father), cũng đã mô tả lúc nhỏ, mẹ ông đánh thức ông dậy lúc 4 giờ sáng, bắt ông ăn sáng rồi dạy cho ông Anh văn trong ba tiếng trước khi bà đi làm và ông đi h. Ông cũng chống cự mãi, nhưng vô hiệu vì bà mẹ có câu trả lời không cãi được: “mẹ cũng chẳng vui gì khi phải dậy sớm như thế này đâu, con.”
Một tiếng chuông âm vang trong thung lũng
Hầu như trên khắp thế giới, ở nước nào cũng có người theo dõi cuộc tranh cử ở Mỹ năm nay. Khoảng đầu năm 2008, khi ông Obama bắt đầu qua mặt đối thủ chính trong Đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton, nhiều người bắt đầu để tâm đến cuộc tranh tài này, như một trận đấu giữa hai đối thủ hi hữu: một người là phụ nữ, một người là dân da đen trong một xã hội với nhiều thành tích đã từng kỳ thị cả hai nhóm.
Nhưng từ khi Obama đoạt được chức ứng cử viên của Đảng Dân chủ hồi cuối tháng tám ở Denver, và Thượng nghị sĩ John McCain làm đại diện cho Đảng Cộng hòa, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng bỗng thú vị hẳn lên: cuộc so tài này có thêm nhiều góc độ: giữa một người da trắng và một người da đen; giữa thế hệ già và thế hệ trẻ (McCain 71 tuổi – Obama 47); giữa một người chủ trương đánh tới cùng ở Iraq và một người coi cuộc chiến ấy là sai lầm lớn của Mỹ; giữa một người có tính nóng nảy, “cao bồi”, hay quyết định “bốc đồng” và một người chín chắn, bình tĩnh, không để cho tình cảm chi phối lý trí; giữa một người thức thời về các phương tiện truyền thông hiện đại và một người còn chưa biết dùng Email; v.v. .. tóm lại giữa thế kỷ 20 và 21.
Không những người ở các quốc gia có dính líu tới Mỹ, như Kenya nơi xuất xứ của thân phụ Obama, hoặc Iraq hay Âu châu, Nga, Trung Quốc,v.v… mà ngay những người thoạt tiên không có vẻ gì liên quan đến chính trường Mỹ, người da màu ở Nam Mỹ, hoặc người Tây Tạng, người Uighur bên Trung Quốc, người thổ dân ở Úc châu, v.v… cũng theo dõi rất kỹ tiến trình của Obama.
Ngay sau khi thắng cử, từ khắp thế giới đã có phản ứng nhanh và tích cực.
Cựu Tổng thống Nam Phi, người hùng Nelson Mandela, đã gửi thư chúc mừng với một câu tóm lược được ý nghĩa của chiến thắng: “ông đã chứng minh hùng hồn rằng bất cứ ai trên thế giới này cũng đều có quyền mơ ước xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.”
Tại Âu châu, nơi mà từ khoảng nửa thế kỷ nay đã có nhiều người từ các thuộc địa cũ di dân qua lập nghiệp và thường bị ngược đãi, chiến thắng của Obama gây tiếng vang rõ ràng. Cô Nadia Azieze, một y tá sinh trưởng ở Algerie và lớn lên ở Pháp, coi việc Obama thắng cử như là một “cuộc cách mạng nhỏ” về vấn đề đối xử với người da màu. “Tình hình sẽ phải thay đổi.”  Em cô ta, Cherine, một kỹ sư điện toán, thì cho rằng “Obama đã thể hiện được Giấc mơ của nước Mỹ - nếu bạn chăm chỉ, bạn sẽ thành công. Đó cũng là hy vọng cho toàn thế giới.”
Ở Ý, nghị viên da đen duy nhất trong Quốc hội Ý, ông Jean-Leonard Touadi, sinh quán tại Cộng hòa Congo, lại coi chiến thắng của Obama như là một “thách thức đối với cả châu Âu”, và ông hy vọng một ngày nào đó, Âu châu cũng sẽ có một Tổng thống da màu.

Những người ủng hộ cuộc chiến bảo vệ môi trường toàn cầu
Tại Đức, nơi mà trong những thập niên 60 và 70 Chính phủ Tây Đức đã mở cửa mời người lao động từ Thổ Nhĩ Kỳ sang làm việc và hiện nay con số người Thổ Nhĩ Kỳ  đã lên tới khoảng 3 triệu, trên tổng số 82 triệu dân Đức thống nhất, người Thổ Nhĩ Kỳ  hầu hết vẫn còn đứng ngoài  sinh hoạt chính trị. Quốc hội Đức gồm 613 ghế, trong số này chỉ có 5 ghế do các công dân gốc Thổ Nhĩ Kỳ nắm. Bà Mely Kiyak, 32 tuổi, gốc Thổ Nhĩ Kỳ, sinh và lớn lên ở Đức, nghĩ là thắng lợi của Obama sẽ làm cho nhiều người di dân ở châu Âu xét lại về tình cảnh của chính họ: “những người thiểu số ở đây, khi họ nhìn thấy những thành quả của người thiểu số các nước khác, họ sẽ ganh tị chứ.”  Ngay chính Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Abdullah Gul, cũng đã từng khuyên người Đức gốc THổ NHĨ Kỳ  là họ nên tham gia vào chính trường Đức và đừng nhìn về dĩ vãng nữa.
Pháp cũng có một quá trình dài với người từ các thuộc địa cũ, kể cả người Việt Nam bị đi lính cho “mẫu quốc” từ thời thế chiến thứ nhất, sang thế chiến thứ hai, và gần đây nhất là những làn sóng di cư, tỵ nạn từ Đông Dương.
Từ khoảng nửa thế kỷ nay, Pháp cũng đón nhận nhiều di dân từ các nước Hồi giáo từ Bắc Phi. Nhưng chính sách của Pháp vẫn là không nhìn nhận sự khác biệt của người da màu, và trên nguyên tắc coi họ như là dân Pháp. Thực tế thì khác hơn, và hai năm trước đây, người di dân Bắc Phi đã nổi loạn trong mấy tuần liền để chống chính sách mà họ cho là kỳ thị.
Ông Yazid Sabeg, một triệu phú gốc Algerie, đã lên tiếng đòi chính quyền Pháp áp dụng chính sách tương tự như của Mỹ để giảm sự kỳ thị màu da ở nước này. Ông còn nói thêm: “Việc ông Obama thắng cử thể hiện rõ hơn khoảng cách giữa chúng ta với một xã hội mà người dân đã biết cách vượt qua khỏi vấn đề màu da.”  Ngay cả phu nhân Tổng thống Pháp, bà Carla Sarkozy, phát biểu trên tờ Journal du Dimanche, cũng đồng ý là “sự kỳ thị trong nước ta còn gian truân lắm.” 
Ở Mexico, cựu ngoại trưởng Jorge Castaneda, phản ảnh hy vọng chung, viết trên tờ Reforma như sau: “Obama thắng cử, thay đổi hẳn bản đồ nước Mỹ, và mở một cơ hội ngàn vàng cho Mexico… vì từ nay nước Mỹ với Obama sẽ là một láng giềng, một cộng sự và một người bạn tốt hơn rất nhiều.”
Cả những nước không thân thiện với Mỹ cũng hy vọng một cơ hội mới. Tổng thống Iran, Mahmoud Ahmadinejad, viết thơ chúc mừng tân Tổng thống Obama và mong liên hệ giữa hai nước sẽ cải thiện trong tương lai . Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Iran chúc mừng tân Tổng thống Mỹ kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Mới chỉ là hứa hẹn
Lạc quan mấy đi nữa, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng phải chờ tới ngày 20 tháng giêng ông Obama mới bắt tay vào việc. Và những khó khăn còn đang chồng chất chờ đợi: một nền kinh tế toàn cầu đang thoái hóa; hàng mấy triệu người Mỹ đang thất nghiệp; bao nhiêu công ty đang phá sản;  nhà cửa mất giá; địa cầu vẫn tiếp tục hâm nóng; chưa kể đến hai cuộc chiến đang kéo dài sang năm thứ tám mà vẫn chưa có giải đáp.
Phải đợi vài tháng nữa, có lẽ chúng ta mới có thể lượng định được phần nào khả năng cũng như những thành quả sớm của Tổng thống và nội các Obama.  Đương nhiên là chúng ta chúc ông thành công vì chính sách và kinh tế Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến cả thế giới.
Nhưng trong lúc này, ít nhất ta cũng có thể nhìn lại thành quả đã đạt được để giữ niềm tin vào tương lai.
Hồi đầu năm 2007, trước khi Obama quyết định ra tranh cử, bà Michelle Obama, trong một buổi họp với tám người cộng sự thân tín nhất, có đặt cho chồng một câu hỏi then chốt: “Anh cần tự hỏi, tại sao anh muốn ra tranh cử?  Điều anh mong muốn nhất là gì?”
Barack Obama suy nghĩ một lát rồi mới trả lời: “Anh biết điều này: khi anh giơ tay lên tuyên thệ nhậm chức, anh nghĩ rằng cả thế giới sẽ nhìn nước ta với một cặp mắt khác đi, và hàng triệu trẻ con cũng sẽ tự nhìn chúng với đôi mắt mới.”
Sau hai năm chứng minh là ông có đủ bản lãnh, đủ tài, và đủ may mắn để thành công như thế này, tôi nghĩ Barack Hussein Obama sẽ có nhiều triển vọng tiếp tục thành công trong bốn năm tới.
Nguồn: Tia sáng