Khi tìm hiểu quan hệ Nhật Bản - Việt Nam
không thể không nghiên cứu những tác động của các sự kiện lịch sử chủ
yếu ở khu vực và thế giới đối với mối quan hệ này từ sau năm 1975 đến
nay. Nghiên cứu vấn đề này cho thấy ảnh hưởng to lớn của nó đối với tình
hình kinh tế, chính trị, xã hội hai nước, chi phối mạnh mẽ chiều hướng
phát triển của quan hệ Nhật Bản - Việt Nam, ảnh hưởng to lớn có khi có
tính quyết định thúc đẩy hoặc kìm hãm mối quan hệ nói trên.
Do
đó, đòi hỏi Chính phủ hai nước phải năng động, kịp thời và sáng tạo đưa
ra những quyết sách có tính chiến lược, sách lược đúng đắn, phù hợp với
đối tác của mình nhằm huy động mọi tiềm năng cho sự phát triển của đất
nước, chuẩn bị cho những dự báo về triển vọng của mối quan hệ Nhật -
Việt; nhằm thúc đẩy, phát triển hơn nữa mối quan hệ hai nước (vốn không
cùng chế độ chính trị - xã hội) đáp ứng nhu cầu đòi hỏi lợi ích lâu dài
của hai nước.
Giới
hạn của bài viết này chỉ phân tích các sự kiện Việt Nam thống nhất đất
nước vào năm 1976, sự ra đời học thuyết Fukuda của Nhật Bản; sự tan rã
và sụp đổ của trật tự thế giới hai cực tác động đến mối quan hệ Nhật Bản
- Việt Nam. Còn các sự kiện chủ yếu khác sẽ được trình bày ở những bài
viết tiếp theo.
1. Việt Nam thống nhất đất nước (1976); sự ra đời của học thuyết Fukuda Nhật Bản (1977) và tác động đến quan hệ Nhật Bản - Việt Nam
Với đại thắng mùa xuân năm 1975 của nhân dân Việt Nam, ngày 30/4/1975 miền Nam
được hoàn toàn giải phóng. Ngày 2/7/1976, Quốc hội khoá VI kỳ họp thứ
nhất, quyết định thống nhất đất nước, đặt tên là nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam.
Việc
thống nhất đất nước về mặt nhà nước đã tạo cơ sở pháp lý trên trường
quốc tế về một Việt Nam thống nhất và tạo mọi điều kiện cơ bản đến các
lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội... phát huy sức mạnh toàn
diện của đất nước, cho phép Việt Nam mở rộng quan hệ ngoại giao với các
nước, nâng cao vị trí và uy tín của Việt Nam ở khu vực và thế giới.
Đây
là sự kiện lịch sử quan trọng tác động mạnh mẽ đến mối quan hệ các nước
trong khu vực Châu Á, Đông Nam Á đặc biệt là mối quan hệ Nhật Bản -
Việt Nam. Đây được coi là sự kiện quan trọng nhất thời kỳ này ở khu vực
Đông Nam Á. Sự kiện này dẫn đến việc ổn định hoà bình khu vực, tác động
mạnh đến việc thay đổi chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với Đông
Dương và Đông Nam Á tăng nhanh số viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt
Nam: năm 1975 chỉ 17,3 triệu USD thì năm 1976 là 28,4 triệu USD(1).
Sự
kiện Việt Nam thống nhất tạo điều kiện thuận lợi cho việc ổn định hoà
bình phát triển kinh tế, là cơ hội để mở rộng tổ chức khu vực Đông Nam Á
(ASEAN) - địa bàn rất quan trọng của Nhật Bản, là nơi cung cấp nguyên
vật liệu, nhân công và là thị trường đầu tư, thương mại của Nhật Bản. Từ
khi ASEAN thành lập cho đến 1975 cả ASEAN và Việt Nam vẫn xem nhau là
phía đối địch. Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, tháng 7/1976, Philippin đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam; tháng 8/1976 Thái Lan đã đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Cả hai phía đã có những cố gắng tìm hiểu và cải thiện mối quan hệ với
nhau. Trong thời gian từ 1976 - 1978, các nhà lãnh đạo chính phủ các
nước Đông Nam Á đã có những cuộc đi thăm lẫn nhau. Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại với các nước trong tổ chức ASEAN, hai bên đã bắt đầu tìm hiểu và tiếp xúc với nhau.
Đối
với Nhật Bản, sự kiện này đã tác động mạnh đến chính sách đối ngoại và
quan hệ Nhật - Việt. Trước ngày Việt Nam giành thắng lợi, trong chuyến
khảo sát Việt Nam ngày 4/4/1975, Ngoại trưởng Nhật Bản Miyazawa đã quyết
định đề ra chính sách Đông Dương tương lai theo quan điểm “lực lượng
giải phóng sẽ chiếm toàn bộ Nam Việt Nam” với ý định chú trọng chủ yếu
vào lĩnh vực chính trị và kinh tế.
Về
chính trị, như trên đã trình bày, kể từ sau Chiến tranh Thế giới (CCTG)
lần II đến khi Việt Nam thống nhất đất nước do nhiều lý do khác nhau,
bán đảo Đông Dương chưa bao giờ ngừng tiếng súng. Cuộc chiến tranh này
đã trở thành nhân tố thường xuyên gây mất ổn định và hoà bình ở Đông Nam
Á. Sau năm 1967, các nước ở Đông Nam Á bị phân chia thành 2 khu vực đối
đầu nhau: khối ASEAN và các nước Đông Dương, ASEAN coi Đông Dương (đặc
biệt là Việt Nam là khối cộng sản). Còn các nước Đông Dương coi ASEAN là
tổ chức thân phương Tây.
Trong
chiến lược đối ngoại của mình từ sau CTTG thứ II Nhật Bản muốn coi Đông
Nam Á (vốn là thị trường truyền thống của họ) đóng một vai trò đặc biệt
quan trọng. Quan hệ với các nước Đông Nam Á được Nhật Bản coi là một
trong những quan hệ đối ngoại quan trọng nhất. Vì đây là nơi cung cấp
nguyên liệu, nhiên liệu chủ yếu cho Nhật Bản, nơi đầu tư trực tiếp FDI
rất quan trọng được coi là “sân sau” của Nhật Bản trong chiến lược đối
ngoại “kinh tế trên hết”. Đông Nam Á là một khu vực rộng lớn và đông
dân, với tổng diện tích lãnh thổ 4,5 triệu km2, chiếm 3,3% diện tích
lãnh thổ toàn thế giới, với tổng dân số 460 triệu người (1992) chiếm gần
10% dân số toàn thế giới. Đồng thời, Đông Nam Á là một khu vực trù phú
của thế giới, tài nguyên thiên nhiên giàu có, trữ lượng lớn về khoáng
sản, lâm sản, hải sản, lực lượng lao động lớn cần cù, chịu khó thị
trường tiêu thụ rộng lớn.
Nhật
Bản mong muốn xây dựng quyền lợi lâu dài ở khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản
cần phải giữ quan hệ tốt đẹp với Đông Dương đặc biệt là với Việt Nam
sau khi Việt Nam thống nhất (1976). Đây là thời điểm thuận lợi để Nhật
Bản tăng cường vai trò chính trị của mình cho phù hợp với sức mạnh kinh
tế, muốn đóng vai trò cầu nối giữa Đông Dương và ASEAN. Ngày 8/7/1975,
Ngoại trưởng Nhật Bản Miyazawa tuyên bố: “Hiện nay Nhật Bản rất cần phải
duy trì quan hệ hiểu biết lẫn nhau với tất cả các nước Đông Nam Á để
duy trì hoà bình và ổn định Châu Á... tăng cường thúc đẩy sự hiểu biết
lẫn nhau và duy trì các quan hệ hữu nghị với tất cả các nước mặc dù một
số nước có chế độ chính trị khác với chúng ta”(2). Trong cuốn sách xanh
về ngoại giao của Nhật Bản xuất bản năm 1976 cũng nêu rõ: trong khi thúc
đẩy quan hệ với ASEAN, Nhật Bản nên không ngừng phát triển những mối
quan hệ với các nước Đông Dương. Do đó, Nhật Bản sẽ tiếp tục những cố
gắng ngoại giao lớn bao gồm cả hợp tác kinh tế với Việt Nam và Lào, khôi phục trở lại quan hệ ngoại giao với Campuchia(3).
Về
kinh tế, ngay sau ngày đại thắng mùa xuân 1975 và thống nhất đất nước,
Việt Nam đã có những thuận lợi hết sức cơ bản để xây dựng và phát triển
đất nước mang lại hạnh phúc cho nhân dân, nhưng đồng thời cũng gặp vô
vàn những khó khăn. Sau hàng chục năm chiến tranh Việt Nam đứng trước
những thách thức to lớn: Nền kinh tế của cả hai miền trước đây đều dựa
cơ bản vào bên ngoài và phục vụ chủ yếu cho nhu cầu chiến tranh không
còn phù hợp nữa, hàng loạt các vấn đề tồn tại về kinh tế, xã hội, chính
trị, đời sống... thời kỳ trước chưa được giải quyết, thêm vào đó là sự
mất mùa, thiên tai... làm cho những khó khăn kinh tế càng tăng lên gấp
bội; Là một nước nông nghiệp lạc hậu và chậm phát triển lại phải trải
qua những năm tháng chiến tranh kéo dài, sau khi đất nước thống nhất,
Việt Nam lại phải đối mặt với những hậu quả của chiến tranh: 20 triệu hố
bom, 9000 trong số 15.000 làng mạc ở phía Nam bị tàn phá; hầu hết các
cơ sở nông nghiệp, đường sá và cầu cống đã bị phá huỷ ở miền Bắc; 16.000
hệ thống thuỷ lợi đã bị tàn phá chưa kể đến sự thiệt hại của con người
và những hậu quả về giáo dục, sức khoẻ, xã hội do hậu quả của chiến
tranh(4).
Trước
những khó khăn đó, Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo nhân dân Việt Nam tìm
mọi cách vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển kinh tế, tìm kiếm sự
hợp tác giúp đỡ của các nước XHCN của bạn bè và của tất cả các nước
trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi. “Sẵn
sàng thiết lập và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước
trong khu vực Đông Nam Á”(5). Đường lối này đã chỉ đạo quan hệ đối ngoại
của Việt Nam với các nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau nhằm
một mặt tăng cường vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế, mặt khác,
tranh thủ sự giúp đỡ, viện trợ, hợp tác kinh tế để nhanh chóng hàn gắn
vết thương chiến tranh, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Nam
là một thị trường rất hấp dẫn, còn hoang sơ và là thị trường đầy hứa
hẹn. Sau khi thống nhất đất nước với hơn 60 triệu dân (đứng thứ hai ở
Đông Nam Á sau Inđônêxia). Đây là một thị trường lớn, cung cấp nguồn tài
nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, thị trường tiêu thụ hàng hoá và
có nguồn nhân công đông đảo, cần cù, chịu khó. Sau hơn 30 năm bị chiến
tranh tàn phá Việt Nam rất cần sự cung cấp máy móc, thiết bị, công nghệ
của Nhật Bản (một nước có nhiều kinh nghiệm về phục hồi và phát triển
kinh tế) để phục hồi và phát triển kinh tế. Nhiều công ty của Nhật Bản
đã thấy được khả năng tiềm tàng của Việt Nam về tài nguyên thiên nhiên và dự báo nguồn dầu mỏ. Họ đều muốn có cơ hội làm ăn với Việt Nam.
Do đó trong phạm vi hoạt động của Hội Mậu dịch Nhật - Việt đã có từ 84
công ty cuối năm 1973 tăng vọt lên 140 công ty vào tháng 8/1976.
Sự
kiện đại thắng mùa xuân năm 1975, Việt Nam thống nhất đã tạo ra khoảng
trống quyền lực ở khu vực (Mỹ đã rút dần khỏi khu vực này) tác động mạnh
mẽ đến chính sách đối ngoại của Nhật Bản và mối quan hệ Nhật Bản - Việt
Nam. Nhật Bản đã rất nhanh chóng sử dụng sức mạnh kinh tế “với cường
quốc kinh tế thứ II thế giới” để ổn định tình hình Đông Dương và Đông
Nam Á. Nhật Bản đã thay đổi chính sách đối ngoại của mình muốn thay thế
vai trò của Mỹ ở Châu Á. Nhật Bản tuyên bố: “Chính sách của nước ta đối
với các nước Đông Dương là cố gắng thiết lập những mối quan hệ tốt đối
với họ dù chế độ chính trị của họ khác chế độ của chúng ta. Viện trợ
thích hợp của nước ta cho công cuộc tái thiết kinh tế của những nước này
phải đóng góp vào hoà bình và phát triển ở khu vực đó và cuối cùng ở
Đông Dương nói chung”(6). Ngày 12 tháng 1 năm 1976, Vụ trưởng Vụ Châu Á -
Bộ Ngoại Giao Nhật Bản cũng đã khẳng định là: “Mối quan hệ Nhật - Việt
chiếm một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối
với Châu Á”.
Chính
sách của Nhật Bản với Đông Dương và Đông Nam Á chính thức có sự thay
đổi dưới tác động mạnh mẽ của sự kiện Việt Nam đại thắng mùa xuân 1975
và thống nhất đất nước. Từ chính sách đối ngoại “kinh tế trên hết” sau
chiến tranh, lệ thuộc hầu như hoàn toàn vào Mỹ bằng “hiệp ước an ninh Mỹ
- Nhật” đến chỗ đứng về phía Mỹ và các nước ASEAN đối đầu với 3 nước
Đông Dương. Sau khi Việt Nam thống nhất 1976, Nhật Bản thấy rõ vị trí
chính trị, kinh tế và quân sự của Việt Nam nên đã chủ động nối lại đàm
phán viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam và tiến tới lập Đại sứ quán,
thúc đẩy tiến trình bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Mục đích của
Nhật Bản là vừa tạo cơ hội làm ăn với Việt Nam vừa kiềm chế Việt Nam,
mặt khác tìm mọi cách ủng hộ và hỗ trợ hơn nữa cho ASEAN vì quân Mỹ đã
rút dần khỏi khu vực Đông Nam Á.
Như
vậy, rõ ràng sự kiện Việt Nam thống nhất đã tác động đến chính sách đối
ngoại của cả hai nước và do mối quan hệ cả 2 phía đã có sự tác động
tích cực tìm kiếm những chiều hướng phát triển mới. Cả Nhật Bản và Việt Nam
đều đã gặp nhau ở ý muốn tạo lập mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhau
trên cơ sở cùng tồn tại hoà bình trong khu vực và trên thế giới. Nhất
là Nhật Bản rất muốn sau sự kiện Việt Nam thống nhất Nhật Bản sẽ làm cầu
nối giữa Đông Dương và ASEAN tạo nên sự hợp tác hữu nghị, hoà bình, hoà
hợp giữa Đông Dương và ASEAN. Nhật Bản muốn nâng cao ảnh hưởng chính
trị trong khu vực cho ngang tầm với vị thế cường quốc kinh tế, muốn Châu
Á đặc biệt là Đông Nam Á là “sân sau” ổn định hoà bình để an tâm phát
triển kinh tế vì Nhật Bản là nước đảo không có những điều kiện thiên
nhiên phong phú như nước Mỹ.
Vào
nửa cuối những năm 1970, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến
chuyển quan trọng, so sánh lực lượng trên thế giới và các nước tư bản
chủ nghĩa đã có sự chuyển biến to lớn. Nền kinh tế Mỹ bị suy thoái
nghiêm trọng, cán cân kinh tế Mỹ-Nhật đã thay đổi, Nhật Bản đã vươn lên
thành “cường quốc kinh tế”. Mỹ đã giảm sự có mặt của mình ở Châu Á do sự
thảm bại trong chiến tranh Việt Nam
(1975). Lúc này Xô-Mỹ vẫn đối đầu, Trung Quốc chuyển hướng đi vào 4
hiện đại và ký hoà ước với Nhật. Chính trong bối cảnh lịch sử đó Nhật
Bản bắt đầu có sự thay đổi về ý thức vai trò chính trị của mình và tìm
mọi cách gây dần ảnh hưởng trong khu vực.
Ngày 18/8/1977, Thủ tướng Fukuda đã trình bày tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN (ở Manila)
chính sách đối ngoại của Nhật Bản, về sau gọi là “học thuyết Fukuda”.
Đây có thể được xem là một cố gắng của Nhật Bản để làm rõ ý đồ vai trò
của mình ở Đông Nam Á(7). Nội dung cơ bản của học thuyết cho thấy Nhật
Bản có mối quan hệ bè bạn và tin cậy trong nhiều lĩnh vực chính trị,
kinh tế, văn hoá và xã hội với các nước ASEAN và các nước khác; tăng
cường mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau với các nước Đông Dương góp phần
vào việc xây dựng hoà bình và thịnh vượng trên toàn khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra Thủ tướng Fukuda cũng đã hứa cho các nước ASEAN vay một khoản
tiền Yên tương đương 1 tỷ USD cho 5 nước thành viên ASEAN để xây dựng 5
đề án công nghiệp lớn.
Học
thuyết Fukuda ra đời đánh dấu bước chủ động của Nhật coi trọng hàng đầu
thị trường Đông Nam Á và Châu Á. Từ đây, tư tưởng chiến lược của Nhật
Bản là đảm bảo an ninh thông qua việc sử dụng mạnh mẽ hơn công cụ kinh
tế, chính trị, coi trọng Châu Á, Đông Nam Á cùng phát triển. Học thuyết
này lần đầu tiên đánh dấu sự chuyển hướng rõ rệt của Nhật Bản trong quan
hệ đối ngoại từ sau CCTG thứ II nhằm tăng cường vai trò chính trị của
Nhật Bản thông qua đòn bẩy kinh tế ở khu vực Đông Nam Á. Chuyển từ chính
sách đơn thuần bồi thường chiến tranh và bành trướng mậu dịch sang sử
dụng mạnh mẽ hơn các hoạt động kinh tế đối ngoại và là sự mở màn cho
việc phát triển các quan hệ kinh tế, văn hoá với các nước Châu Á mà chủ
yếu là các nước ASEAN.
Học
thuyết Fukuda và khoản cho vay bằng đồng Yên thể hiện sự cam kết của
Nhật Bản đối với sự phồn vinh và ổn định của ASEAN. Tuyên bố này đã tạo
nên khuôn khổ để Nhật Bản can dự vào nền chính trị khu vực Đông Nam Á và
Nhật Bản muốn làm chất xúc tác, tạo cầu nối giữa Đông Dương và các nước
ASEAN, mở đường cho việc tăng cường quan hệ với các nước trên bán đảo
này thời kỳ sau Việt Nam.
Song, Đông Dương xảy ra cuộc xung đột Campuchia, kế hoạch này đã bị trở
ngại. Mặt khác sự liên kết chặt chẽ của Mỹ - Nhật trong Hiệp ước An
ninh Nhật - Mỹ được gia hạn vĩnh viễn từ 1970 đã hạn chế phần nào tính
chủ động của Nhật Bản, cùng với nhiều lý do khác đã khiến cho mối quan
hệ Nhật Bản - Việt Nam cũng chỉ mới ở giai đoạn có bước phát triển ban
đầu.
Học
thuyết Fukuda ra đời cho thấy Nhật Bản có tầm nhìn xa trông rộng về một
tiềm năng phát triển to lớn của khu vực Đông Nam Á còn chứa nhiều bất
ổn do bầu không khí Chiến tranh Lạnh mang lại. Tuy nhiên, do những khó
khăn của Nhật Bản ở Tây Âu và Bắc Mỹ, Nhật Bản đã sớm nhận ra vị trí
quan trọng của Đông Nam Á và muốn quay trở lại củng cố vị trí của mình
tại miền đất còn hoang sơ này. Học thuyết Fukuda là nhân tố cơ bản của
chính sách đối ngoại của Nhật Bản ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Cho đến nay, mặc dù trải qua nhiều đời thủ tướng với nhiều tên gọi khác
nhau: học thuyết Anbe, học thuyết Curamari, học thuyết Kaifu... nhưng đó
chỉ là sự phát triển thêm học thuyết Fukuda trong tình hình mới tức là :
“Nhật Bản sẽ triển khai ngoại giao kinh tế với các nước Châu Á và đặt
trọng tâm vào Châu Á - Thái Bình Dương và coi Đông Nam Á có vị trí đặc
biệt” như lời khẳng định của Thủ tướng Miyazawa ngày 12/12/1992.
Sự ra đời của học thuyết Fukuda thúc đẩy mạnh hơn vai trò của Nhật Bản ở khu vực, Nhật Bản bắt đầu chú ý đến Việt Nam. Trong 2 năm 1977 - 1978 Chính phủ hai nước đã tiếp tục tiến hành cuộc đàm phán về viện trợ cho Việt Nam
và vấn đề giải quyết nợ tồn đọng của Chính phủ Sài Gòn cũ. Các cuộc
thương lượng kéo dài gần 2 năm đến ngày 28/4/1978, hai bên đã ký hiệp
ước trong đó Việt Nam sẽ trả nợ món nợ cũ của Chính phủ Sài Gòn (lúc đó
lên đến 20,8 tỷ yên) từ 1978 đến 2004, đổi lại Chính phủ Nhật Bản sẽ
viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 16 tỷ yên trong 4 năm 1978-1981 và
cho vay 20 tỷ yên (70 triệu USD) trong 2 năm 1978-1979 với lãi suất
2,75% trả trong 30 năm trong đó có 10 năm ân hạn(8).
Số
liệu trên cho thấy từ sau 1975, nhất là sau học thuyết Fukuda, Nhật Bản
là nước sẵn sàng nhất trong số các nước thuộc tổ chức DAC (Uỷ ban Tài
trợ và Phát triền) cung cấp viện trợ cho Việt Nam. Việt Nam
là nước XHCN đầu tiên được nhận viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản,
điều này rất quan trọng đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế của
Việt Nam.
Nhật Bản "muốn là quốc gia Châu Á đầu tiên thực hiện vai trò độc lập
tích cực trong việc làm cho Đông Dương ổn định sau khi các lực lượng
quân Mỹ rút khỏi Đông Dương”(9).
Quan
hệ thương mại giữa 2 quốc gia cũng tăng nhanh chóng trong đó Việt Nam
chủ yếu xuất sang Nhật Bản nông sản, hải sản, gỗ, cao su, khoáng sản...
và nhập từ Nhật Bản lương thực, máy móc, hoá chất và hàng tiêu dùng. Đến
năm 1988, Nhật Bản đã trở thành bạn hàng lớn thứ 2 của Việt Nam sau Liên Xô. Hai bên cũng đã ký hiệp định cho Việt Nam
vay tiền bằng cách mua hàng hoá của Nhật Bản trong 2 năm 1977 - 1978.
Những đoàn nghiên cứu của các cơ quan kinh tế cấp cao Nhật Bản sang Việt
Nam để nghiên cứu cơ hội làm ăn ngày càng nhiều: Bộ Ngoại Thương, Bộ
Điện than... các công ty cung ứng vốn, công nghiệp khai thác đá, dầu
lửa, công ty điện thoại... Các chuyến viếng thăm trên chứng tỏ chính
quyền và giới kinh doanh Nhật Bản đã nắm rất đúng thời cơ, có tầm nhìn
khá sớm đến tiềm năng của Việt Nam “thị trường khai phá cuối cùng của Châu Á”.
Như vậy trong giai đoạn 1975-1978, quan hệ Việt Nam
- Nhật Bản do tình hình khu vực và quốc tế có nhiều thay đổi nên đã có
điều kiện phát triển. Dưới tác động của các sự kiện lịch sử chủ yếu ở
khu vực Châu Á và Đông Dương (như trình bày ở trên) đã góp phần khai
thông quan hệ Nhật Bản - Việt Nam nhưng do nhiều lý do chủ quan và khách
quan khác nhau mối quan hệ này mới chỉ là bước đầu và còn rất nhiều khó
khăn, hạn chế và khúc mắc dưới tác động của Chiến tranh Lạnh, của mối
quan hệ Mỹ - Nhật trong các vấn đề về lợi ích an ninh, chính trị, kinh
tế của hai quốc gia.
2. Sự sụp đổ của trật tự thế giới hai cực và tác động đến mối quan hệ Nhật - Việt
Đầu
thập kỷ 1990, tình hình thế giới và khu vực có những biến động sâu sắc.
Liên Xô và Đông Âu tan rã, trật tự thế giới hai cực đã bị sụp đổ, Chiến
tranh Lạnh chấm dứt mở ra một cục diện mới trong tình hình quốc tế nói
chung và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng. Tình hình thế giới
và khu vực đã có những đặc điểm cơ bản sau đây:
1. Xu
thế hoà bình, hợp tác và phát triển cùng tồn tại hoà bình chiếm vị trí
chủ yếu. Các nước trong khu vực tăng cường tìm kiếm sự ổn định hợp tác,
phân chia phạm vi ảnh hưởng vì lợi ích mọi mặt của quốc gia mình.
2. Xu thế vừa hợp tác vừa cạnh tranh trở thành xu thế quan trọng và có hiệu quả ở khu vực và thế giới.
3.
Nhiều vấn đề của toàn cầu hoá, quốc tế hoá tác động mạnh đến liên kết
kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Các nước tận dụng mọi điều
kiện vốn có ở khu vực, tăng cường sự hợp tác vì lợi ích phát triển bền
vững, vì hoà bình ổn định và phát triển; Tăng cường mở rộng quan hệ, đổi
mới đường lối đối ngoại.
4.
Lợi ích kinh tế ngày càng trở thành nhân tố quan trọng hàng đầu trong
quan hệ các nước, vì nhu cầu phát triển quốc gia đã chi phối chính sách
đối ngoại các nước nhất là dưới sự tác động ngày càng mạnh mẽ của cuộc
cách mạng khoa học - công nghệ.
5.
Xu hướng cải cách kinh tế và các cải cách trong các lĩnh vực khác của
nhiều nước trong khu vực cho phù hợp với tác động mới của xu hướng toàn
cầu hoá nền kinh tế, xu hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá dưới tác
động của cách mạng khoa học - công nghệ. Chiến tranh Lạnh chấm dứt tình
hình ở Đông Nam Á càng được cải thiện. Điều đó có nghĩa là chấm dứt đối
đầu giữa hai siêu cường Xô - Mỹ và chấm dứt, các mối quan hệ căng thẳng
thường xuyên nguy hiểm giữa Trung Quốc và Liên Xô. Nói cách khác, Chiến
tranh Lạnh chấm dứt, đã tạo cơ hội để các quốc gia lớn nhỏ ở khu vực
Đông Nam Á và các đối tác của họ điều chỉnh lại chiến lược đối ngoại
tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy mối liên kết chính trị, an ninh và
văn hoá tạo môi trường thuận lợi cho sự tăng trưởng bền vững. Cùng vớí
những diễn biến của tình hình quốc tế, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
đặc biệt Đông Nam Á cũng có những chuyển biến tích cực như: việc giải
quyết vấn đề Campuchia, quan hệ Việt Nam với ASEAN, Việt Nam với Trung
Quốc đã tạo nên những nhân tố quan trọng cho việc khai thông và phát
triển quan hệ mọi mặt giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời kỳ này.
Trong
bối cảnh đó, Việt Nam đã thực hiện đổi mới xã hội bắt đầu từ đổi mới
kinh tế và đổi mới đường lối đối ngoại theo định hướng mới: “Đa phương
hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế nhằm chủ động tạo ra những điều
kiện thuận lợi để dần dần phá bỏ thế bị bao vây và cấm vận”(10). Kế thừa
những thành quả đối ngoại có hiệu quả đã được Đảng ta đề ra một cách
sáng suốt trước khi Liên Xô tan rã, góp phần đưa đất nước thoát khỏi
khủng hoảng kinh tế, xã hội, phát triển đất nước, Đại hội Đại biểu toàn
quốc lần thứ VII tháng 7/1991 đã đề ra phương châm “đa phương hoá, đa
dạng hoá” “đưa hoạt động đối ngoại lên một tầm cao mới với chính sách
đối ngoại rộng mở”, chúng ta tuyên bố “Việt Nam muốn là bạn bè với tất
cả các nước trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hoà bình, độc lập và
phát triển”. Trong xu thế hoà bình và phát triển ở khu vực sau Chiến
tranh Lạnh, Việt Nam có điều kiện thuận lợi thực hiện chính sách đối
ngoại của mình nhằm “tạo ra những chuyển biến căn bản trong quan hệ với
các nước lớn và thúc đẩy quan hệ với các nước trong khu vực vì những mục
tiêu phát triển đất nước”(11).
Đầu những năm 1990, Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên mà Việt Nam
hướng tới khi triển khai chính sách đối ngoại theo định hướng của mình.
Còn Nhật Bản sau Chiến tranh Lạnh kết thúc cũng thấy cần có những điều
chỉnh trong chính sách đối ngoại của mình đối với các nước lớn như Hoa
Kỳ, Nga và Trung Quốc, theo hướng tự tin và chủ
động ở mức độ lớn hơn trong khu vực. Từ sau Chiến tranh Lạnh, vị thế của
Nhật Bản trên thế giới và đặc biệt trong khu vực ngày càng được nâng
lên rõ rệt vì nhân tố kinh tế đã trở thành quan trọng hơn trong quan hệ
quốc tế với tiềm lực kinh tế của mình*. Nhật Bản có tiếng nói trọng
lượng hơn trong các diễn đàn khu vực và quốc tế. Sau khi Liên Xô và Đông
Âu sụp đổ, nước Nga (kế thừa Liên Xô) không đủ mạnh để trở thành một
lực lượng đáng lo ngại ở khu vực. Mỹ cũng không còn có điều kiện quan
tâm và tham gia vào các hoạt động khu vực như trước đây nữa.
Chính
những thay đổi của tình hình quốc tế và khu vực cho phép Nhật Bản tiến
tới điều chỉnh một chính sách đối ngoại nhằm thích ứng với những thay
đổi của tình hình mới và bảo vệ những lợi ích sống còn của mình.
Trong
chuyến viếng thăm chính thức các nước ASEAN từ ngày 27 tháng 4 đến ngày
6 tháng 5 năm 1991 tại Singapo, Thủ tướng Kaifu của Nhật Bản đã đọc bài
phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại của Nhật Bản: “Cam kết
không trở thành cường quốc quân sự, Nhật Bản đóng góp tích cực hơn trong
các vấn đề chính trị Châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường sự hợp tác
khu vực thông qua đầu tư chuyển giao công nghệ, chương trình viện trợ
chính thức ODA đóng vai trò thúc đẩy sự hợp tác để các nước ASEAN và
Đông Dương cùng phát triển và trở thành bạn hàng tốt của nhau. Như vậy
hai sự kiện với hai tuyên bố “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước”
và “Nhật Bản muốn trở thành bạn hàng tốt của nhau” đã đưa mối quan hệ
Nhật Bản - Việt Nam lên tầm cao mới. Năm 1992, Nhật Bản chính thức nối
lại viện trợ cho Việt Nam. Kể từ đó quan hệ Nhật Bản - Việt Nam
đã bước vào giai đoạn phát triển mới trên tất cả các lĩnh vực với cam
kết của Thủ tướng Miyazawa: ".. . Nhật Bản sẽ đi đầu trong việc giúp đỡ
Việt Nam”(12)
đặc biệt trong lĩnh vực viện trợ ODA. Thực tiễn cũng đã cho thấy, cho
đến năm 2003 vừa qua, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao
Việt Nam - Nhật Bản, tổng kết lại cho thấy Nhật Bản luôn là nước dẫn đầu
về viện trợ ODA cho Việt Nam, trong giai đoạn 10 năm (1992-2002) với
tổng số tiền đã viện trợ là 8,2 tỷ USD. Không những thế, Nhật còn là bạn
hàng thương mại lớn nhất và là nhà đầu tư lớn thứ 3 ở Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
1. Pierre Antonet “Nước Nhật mua cả thế giới” NXB Thông tin lý luận, TP. Hồ Chí Minh, 1991
2. Nguyễn Mạnh Cầm, Trên đường triển khai chính sách đối ngoại theo định hướng mới, Tạp chí Cộng sản, số 1, 1992.
3. Diplomatic Blue Book for 1976 Review of Recent Development in Japan's foreign Relation. Foreign press centre-Japan 1976.
4.
Hoàng Thị Minh Hoa, Từ thuyết Đại Đông á đến học thuyết Fukuda của Nhật
Bản, TBKH của các trường ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội (HN),
1-1993.
5.
Dương Phú Hiệp, Ngô Xuân Bình, Trần Anh Phương (đồng chủ biên), 25 năm
quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 1973-1998, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội,
1999.
6. Luận án Tiến sĩ của Mai Thị Thu Phương, Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản từ 1973 đến nay, HN, 1997.
7. Ianda Juichi: Japan Aids Freeze to VietNam Historical process and its Diplomantic in polications (Japanese Review 2.1990).
8. Keesing, 1993 Record World events, Tokyo - 39.
9. Masaya Shiraishi, Quan hệ Nhật Bản - Việt Nam 1951-1987, Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, HN, 1995.
10. Nhà xuất bản Thế giới, 188 nước trên thế giới, HN - 2001.
11. Quan hệ ASEAN - Nhật Bản: Tình hình và triển vọng, Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam , Viện Châu Á - Thái Bình Dương, HN, 1989.
12. Tư liệu về Chính phủ Nhật bồi thường chiến tranh cho Việt Nam, Tài liệu của Vụ Đông Bắc á, Bộ Ngoại giao.
12. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV, NXB Sự thật -HN, 1976.
13. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, NXB Sự thật, HN, 1987.
PGS. TS. Hoàng Thị Minh Hoa
Trường Đại học Huế
Nguồn tin Vien NC Dong Bac A