Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Dấu ấn trong quan hệ Việt -Nhật

Tháng 1 năm 1997, trong chuyến công du 5 nước ASEAN, Thủ tướng Nhật Bản Hashimoto đã đến thăm Việt Nam, thể hiện sự quan tâm to lớn của Nhật Bản đến Việt Nam khi nước ta mới gia nhập tổ chức ASEAN cách đó không lâu.
Cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Hashimoto và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đề cập đến chủ đề quan trọng mà cả hai bên đều quan tâm là vấn đề đảm bảo an ninh và sự ổn định chính trị trong khu vực. Một tư tưởng xuyên suốt được quán triệt và nhất trí ở các nguyên thủ Nhật Bản cho dù chức thủ tướng do những người khác nhau đảm nhận, đó là thái độ ủng hộ công cuộc đổi mới của Việt Nam. Sự ủng hộ đó được thể hiện cụ thể qua các khoản viện trợ, cho vay, qua việc mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, văn hoá, giao lưu... Nhân dịp thăm Việt Nam lần đó Thủ tướng Hashimoto đã hội đàm với Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ý kiến của Tổng Bí thư Đỗ Mười về “xúc tiến quan hệ hữu nghị giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản” đã được Thủ tướng Hashimoto đánh giá cao.
Một mốc mới được ghi nhận là chuyến đi thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Keizo Obuchi vào tháng 12 năm 1998. Là một vị Thủ tướng có nhiều thiện cảm với Việt Nam, ông Obuchi đã chia sẻ những cảm nghĩ chân thành của mình khi đến Việt Nam:  “Chuyến thăm này đã gây cho tôi những ấn tượng sâu sắc về sự phát triển của Việt Nam trong chính sách đổi mới. Với tư cách đã từng là Chủ tịch Liên minh nghị sỹ Nhật Bản- Việt Nam, Chủ tịch Hội Giao lưu Văn hoá Nhật Bản - Việt Nam, những năm qua tôi đã hết sức nỗ lực để thúc đẩy quan hệ Nhật Bản - Việt Nam”(1). Như vậy, chính sách đổi mới của Việt Nam vẫn tiếp tục là chủ đề quan trọng giành được sự quan tâm và ủng hộ của phía Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tăng tổng kim ngạch viện trợ cho Việt Nam trong năm tài chính 1998 lên 102,3 tỷ yên và đồng ý việc Việt Nam tham gia Quỹ Nhật Bản trị giá 30 tỷ USD hỗ trợ các nước trong khu vực khắc phục khủng hoảng tài chính xảy ra năm 1997(2).
Sau đó, liên tiếp vào các năm 1999, 2001 và 2003, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thực hiện các chuyến đi thăm và làm việc tại Nhật Bản.
Tháng 3 năm 1999 Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm Nhật Bản và đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Obuchi. Chủ đề quan trọng mà hai thủ tướng đề cập đến là trao đổi về phương hướng và triển vọng quan hệ hai nước. Các biện pháp và bước đi cụ thể cũng được bàn bạc nhằm tăng cường hợp tác và quan hệ hữu nghị Việt - Nhật theo hướng hiệu quả, thiết thực, cùng có lợi, vì sự phát triển và phồn vinh của nhân dân hai nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Đông Nam á và Châu Á - Thái Bình Dương. Phía Việt Nam đánh giá cao ODA của Nhật Bản trong việc giúp đỡ Việt Nam khắc phục khó khăn và tiếp tục phát triển đất nước. Mặc dù kinh tế Nhật Bản bị ngưng trệ và Nhật Bản phải cắt giảm ngân sách ODA 10%, song riêng ODA cho Việt Nam vẫn được tăng lên. Ngoài khoản ODA thường niên Việt Nam còn được đưa vào danh sách nhận tín dụng ưu đãi của Chương trình Miyazawa và những chương trình hợp tác khu vực khác.
Chuyến đi tiếp theo của Thủ tướng Phan Văn Khải sang Nhật Bản là vào tháng 6 năm 2001 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Koizumi. Cũng như các Thủ tướng tiền nhiệm, Thủ tướng Koizumi đã có những đánh giá tích cực về công cuộc đổi mới của Việt Nam và khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam thông qua viện trợ ODA và sự hợp tác nhiều mặt.
Tiếp đó là chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Koizumi vào tháng 4/2002 và chuyến thăm Nhật Bản của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 10/2002
Chuyến đi gần đây nhất của Thủ tướng Phan Văn Khải sang Nhật Bản diễn ra vào tháng 4 năm 2003, sau chuyến đi thăm có ý nghĩa lịch sử của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh cuối năm 2002. Thủ tướng Koizumi đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Phan Văn Khải và các thành viên trong đoàn. Các vấn đề hợp tác song phương và các vấn đề quốc tế mà cả hai bên cùng quan tâm là chủ đề bàn luận của hai thủ tướng. Những thành tựu của công cuộc đổi mới, phương hướng xây dựng và phát triển Việt Nam theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã tiếp tục được phía Nhật Bản ghi nhận và ủng hộ. Thủ tướng Phan Văn Khải đã cảm ơn sự hợp tác và giúp đỡ hiệu quả của chính phủ và nhân dân Nhật Bản đối với Việt Nam. Hai bên đều nhất trí phải có những biện pháp và bước đi cụ thể hơn nữa để thúc đẩy quan hệ hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, trong thời gian tới, sao cho quan hệ này được phát triển theo phương châm “đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” đã được nhất trí trong năm 2002. Trong thời gian qua quan hệ kinh tế giữa hai nước được đẩy lên thêm một bước mới. Riêng vốn ODA của Nhật Bản cho Việt Nam đã chiếm 40% tổng vốn ODA của quốc tế cho Việt Nam. Nhật Bản hiện là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam cả về quy mô  vốn vay ưu đãi lẫn viện trợ không hoàn lại. Sự giúp đỡ to lớn này đã giúp Việt Nam phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường, hỗ trợ Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế. Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam- Nhật Bản nghiên cứu môi trường đầu tư ở Việt Nam đã được thành lập nhân dịp này chứng tỏ Việt Nam đang rất nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thể làm ăn lâu dài và ổn định ở Việt Nam.
Như đã nói ở trên, trong năm 2002 quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã có một mốc quan trọng khi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sang thăm chính thức Nhật Bản vào tháng 10. Chính trong dịp này lãnh đạo của hai nước đã đưa ra phương châm hợp tác theo tinh thần “ổn định lâu dài và tin cậy lẫn nhau” trên cơ sở đối tác bình đẳng. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Koizumi đã hội đàm cùng nhau, bàn bạc nhiều vấn đề liên quan đến quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thế kỷ XXI: Hai bên đều nhất trí phải tăng cường đối thoại chính trị để giúp cho hai nước với tư cách là những đối tác khu vực hiểu biết nhau sâu sắc hơn, phải đẩy mạnh quan hệ kinh tế, trong đó chú trọng đến việc cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam, đến việc sử dụng có hiệu lực và hiệu quả hơn nữa ODA của Nhật Bản, phải tăng cường giao lưu song phương, mở rộng sự giao lưu đó ở các cấp. Về lĩnh vực đối ngoại, cả hai bên đều khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc các bên hợp tác chặt chẽ hơn tại các diễn đàn song phương và đa phương, khu vực và quốc tế.
Tháng 9 năm 2003 vừa tròn 30 năm thiết lập chính thức quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Sự kiện này có một ý nghĩa lịch sử to lớn đối với cả hai nước. Xuất phát từ ý nghĩa đó, lãnh đạo hai nước đã nhất trí chọn tháng 9 làm “tháng Nhật Bản tại Việt Nam và tháng Việt Nam tại Nhật Bản”.
Có thể nói chuyến đi thăm Nhật Bản của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã đạt được kết quả rất tốt đẹp. Dấu ấn đậm nét của chuyến đi là đã cho công bố một “Thông cáo báo chí chung"(3), tạo khuôn khổ cho quan hệ hai nước Việt Nam và Nhật Bản trong thế kỷ XXI.
Một điều rõ ràng là chính sách đối ngoại hiện nay của Nhật Bản đang rất coi trọng khu vực Châu á - Thái Bình Dương, đặc biệt là ASEAN. Đối với ASEAN, Nhật Bản tiếp tục là nước viện trợ ODA quan trọng, đứng đầu về đầu tư trực tiếp và là đối tác thương mại lớn nhất. Thủ tướng Koizumi đã thực hiện chuyến đi thăm 5 nước ASEAN vào tháng giêng năm 2002 và đưa ra sáng kiến về mở rộng hợp tác kinh tế với các nước này trên cơ sở một hiệp định buôn bán tự do. Mục tiêu của Nhật Bản như Thủ tướng Koizumi tuyên bố là “tạo ra một cộng đồng cùng hành động và cùng tiến bộ như những đối tác cởi mở và chân thành”(4). Tháng 4 năm 2002 ông đã đến Việt Nam và nhắc lại sáng kiến trên, đồng thời nhấn mạnh việc Nhật Bản chú trọng đến quan hệ với Việt Nam. Qua các cuộc hội đàm của Thủ tướng Koizumi với các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể thấy Nhật Bản đặt nhiều hy vọng vào Việt Nam, vào sự đóng góp của đất nước chúng ta cho sự ổn định và phát triển của khu vực.
Như vậy, nằm trong dòng chảy tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam đã được thúc đẩy từ lợi ích của hai phía. Việt Nam đặt nhiều hy vọng vào sự hợp tác, giúp đỡ kinh tế từ Nhật Bản để phục vụ cho công cuộc đổi mới, tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định kinh tế - xã hội ở Việt Nam và quan hệ Việt - Nhật phát triển sẽ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong phạm vi khu vực và trên thế giới. Đối với Nhật Bản, một Đông Nam Á hoà bình, ổn định và hợp tác để cùng phát triển có ý nghĩa to lớn trong việc đảm bảo các lợi ích của Nhật Bản tại đây. Chính sách Đông Nam Á của Nhật Bản coi trọng đến Việt Nam bởi đây là một nước có tiềm năng trong khu vực, lại có trùng nhu cầu và lợi ích với Nhật Bản là duy trì hoà bình, ổn định trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực, là đầu mối giao thông, có nhiều cửa ngõ thông ra biển thuận lợi và các hải cảng có ý nghĩa về mặt quân sự. Quyết định về việc sử dụng các hải cảng của Việt Nam trong tương lai cũng có thể được xem như một nhân tố tác động đến chiến lược an ninh của Nhật Bản. Về mặt kinh tế, Việt Nam là nước có nguồn tài nguyên tương đối phong phú, có nguồn lao động dồi dào, thị trường giàu tiềm năng và môi trường chính trị ổn định.
Quan hệ giữa hai nước đã có bước phát triển thực sự từ sau chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào tháng 3 năm 1993 và có những bước tiến mới vững chắc sau những chuyến đi thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Nhật Bản. Đặc biệt, một khuôn khổ quan hệ cho hai nước trong thế kỷ XXI đã được xác định sau chuyến đi của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh sang Nhật Bản vào tháng 10 năm 2002. Chúng ta hy vọng trong thế kỷ mới quan hệ truyền thống lâu dài giữa hai quốc gia sẽ tiếp tục phát triển tích cực, mối quan hệ song phương Việt - Nhật sẽ được nâng lên tầm cao mới theo phương châm “ổn định lâu dài và tin cậy lẫn nhau”, vì lợi ích của nhân dân hai nước, phù hợp hoà bình, ổn định của khu vực.

Nguyễn Thanh Hiến
(Lược trích từ Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á số 4 (2003))