Như
chúng ta biết quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã trải qua chặng đường 30
năm, đó là một chặng đường không dài song quan hệ này đã phải đối mặt
với nhiều sóng gió và thử thách. Sự tiến triển của quan hệ này phụ thuộc
trước hết vào những tính toán trong chính sách
đối ngoại của mỗi nước trong từng thời kỳ khác nhau dựa trên thực lực,
nhu cầu của mỗi phía và những đổi thay trong chính sách đối ngoại của
mỗi nước.
Điều
lưu ý là, sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của một nước lớn có
tác động to lớn và thậm chí có thể làm "biến dạng" môi trường quốc tế
hoặc làm đảo lộn trật tự thế giới. Tất nhiên, sự điều chỉnh chính sách
đối ngoại của Nhật Bản thời gian qua chưa gây ra tác động ở mức độ như
vậy, song nó có nhiều ảnh hưởng tới các đối tác của Nhật Bản trên các
mức độ khác nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp. Việt Nam cũng là một đối tác
của Nhật Bản cho nên cũng chịu những ảnh hưởng như vậy, nhất là những
ảnh hưởng gián tiếp bởi chúng ta vẫn là một đối tác "rất khiêm tốn" của
"người khổng lồ" Nhật Bản. Nếu chúng ta xem xét mối quan hệ này từ phía
Nhật Bản, có thể thấy Việt Nam dường như không quan trọng trong chính
sách đối ngoại của nước này. Trong "Sách Xanh" do Bộ Ngoại giao Nhật Bản
công bố hàng năm, người ta không đọc thấy dòng nào đánh giá về Việt Nam
như một đối tác thực sự theo kiểu chúng ta đánh giá về họ. Đây là điều
dễ hiểu, bằng chứng sau đây sẽ là một ví dụ minh hoạ: Kim ngạch thương
mại Việt Nam - Nhật Bản thường chiếm xấp xỉ 0,6% tổng kim ngạch thương
mại quốc tế của Nhật Bản và tổng đầu tư trực tiếp của Nhật Bản tại Việt
Nam chỉ chiếm 0,9% tổng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Nhật Bản(4) .
Hơn nữa, quan hệ Việt Nam
- Nhật Bản đã trải qua chặng đường 30 năm nhưng thực sự "đơm hoa, kết
trái" chỉ hơn 10 năm kể từ 1992. Đương nhiên, xem xét quan hệ này từ
phía Việt Nam, không ai có thể phủ nhận được rằng, Nhật Bản là một đối tác rất lớn của Việt Nam.
Chỉ trong vòng 10 năm (1992-2002) Nhật Bản đã cung cấp một khoản tài
trợ ODA lớn cho Việt Nam, khoảng gần 8 tỷ USD, chiếm vị trí hàng đầu
trong các nhà tài trợ cho Việt Nam; đầu tư trực tiếp của Nhật Bản tại
Việt Nam với 369 dự án, có số vốn đăng ký 4,2 tỷ USD, xếp thứ ba trong
số các nhà đầu tư vào Việt Nam. Không những thế, Nhật Bản còn là bạn
hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam. Rõ ràng là những kết quả này gắn liền với chính sách đối ngoại ưu tiên Châu Á của Nhật Bản, trong đó có Việt Nam.
Giáo sư Kazuhiro Takanashi, Trường Đại học Keio, Tokyo, cho rằng "Việt
Nam sẽ ngày càng quan trọng hơn trong chính sách đối ngoại hướng về Đông
á của Nhật Bản bởi Việt Nam là chiếc cầu nối của sự hợp tác kinh tế
giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á"(5) .
Xét
về tổng thể, ảnh hưởng của những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại
của Nhật Bản tới Việt Nam tập trung ở khía cạnh tạo ra môi trường thuận
lợi thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển hơn nữa.
Như
đã nói ở trên, mục tiêu chính trong điều chỉnh chính sách đối ngoại của
Nhật Bản là tạo ra một môi trường ổn định cho sự phát triển của cả Nhật
Bản và đối tác. Trước hết là tạo ra một môi trường hoà bình và ổn định ở
Đông Á. Theo quan niệm của các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của
Nhật Bản thì việc Nhật Bản thực thi chính sách củng cố quan hệ với Mỹ là
họ muốn cùng với Mỹ và dựa vào ảnh hưởng của Mỹ để duy trì và giữ sự
cân bằng về chiến lược an ninh khu vực. Theo giáo sư Suehiro, Viện Khoa
học xã hội, Đại học Tokyo
"Sự có mặt về quân sự của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong
những thập niên qua là yếu tố then chốt tạo sự ổn định cho khu vực
này"(6). Ở Nhật Bản, nhiều người có quan điểm và nhận định như vậy.
Trong hơn 50 năm duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ, Nhật Bản đã dựa vào
chiếc ô bảo trợ này một cách toàn diện, trong đó phải nhấn mạnh đến yếu
tố đảm bảo an ninh, để thúc đẩy sự phát triển của quốc gia này. Sự bảo
trợ về an ninh, kể cả kinh tế của Mỹ đối với Hàn Quốc, Singapore, Thái
Lan, Philippin... cũng đã tạo ra nhiều cơ hội cho các nền kinh tế này.
Đây cũng là những quốc gia chấp nhận và đánh giá cao vai trò của Mỹ đối
với sự ổn định của khu vực. Kể từ sau Chiến tranh lạnh đến nay, môi
trường phát triển ở khu vực Đông Á, nhìn chung là ổn định và hoà bình,
cho dù còn ẩn chứa nhiều nguy cơ bất ổn. ở đó phản ánh hiện trạng an
ninh đảm bảo khôngcó xung đột quân sự, hoà hoàn, phần lớn các quốc gia
trong khu vực sẵn sàng đối thoại với thiện chí hướng tới xây dựng lòng
tin, gia tăng hợp tác kinh tế và giao lưu quốc tế. Xu hướng mở rộng liên
kết kinh tế khu vực mang tính tất yếu. Liên kết ASEAN từ 6 nước lên 10
nước và Diễn đàn ASEAN + 3 là những thí dụ điển hình minh họa cho xu
hướng đó. Trong điều chỉnh chính sách đối ngoại của Nhật Bản, người ta
đã ủng hộ xu hướng này và tái khẳng định chính sách ưu tiên thúc đẩy đối
thoại và gia tăng hợp tác với ASEAN nói riêng và với cả khu vực Đông á
nói chung. Và bằng chính sách này, Nhật Bản hướng tới việc duy trì và
củng cố hiện trạng hoà bình và ổn định ở khu vực Đông Á.
Bối cảnh này là cơ hội thuận lợi cho quan hệ Việt Nam
- Nhật Bản phát triển. Việc hai nước tăng cường trao đổi các cuộc tiếp
xúc cấp cao, mở rộng các cuộc giao lưu, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương
mại, ưu tiên tài trợ ODA cho Việt Nam... trong những năm gần đây là
những ví dụ có sức thuyết phục. Điều lưu ý là một cơ hội thuận lợi, một
cơ hội tốt vẫn có thể bị bỏ qua nếu người ta thiếu một sự chuẩn bị cần
thiết để có thể nắm bắt. Trên thực tế, Việt Nam
đã phần nào nắm bắt được cơ hội thuận lợi đó song vấn đề đặt ra là
chúng ta đã khai thác cơ hội này có hiệu quả chưa? Cho dù khu vực Đông á
còn tiềm ẩn những nguy cơ xung đột song giả định rằng môi trường khu
vực trong thập kỷ tới vẫn sẽ được duy trì như trong thập kỷ vừa qua. Giả
định này là có lý bởi những nhân tố chi phối tình hình khu vực này vẫn
giống với thập kỷ trước và sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn
trong đó có Nhật Bản đều nhằm tới duy trì một môi trường hoà bình và ổn
định để phát triển. Và Việt Nam
phải làm gì để khai thác tốt hơn cơ hội này? Phải chăng cần xây dựng
một chương trình cấp nhà nước để điều tra, đánh giá, tổng kết các quan
hệ song phương với các nước lớn trong đó có quan hệ Việt Nam - Nhật Bản
kể từ khi chúng ta chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường và mở cửa nền
kinh tế để từ đó có những khuyến nghị làm cơ sở cho việc hoạch định
chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Những
vấn đề đặt ra trong chương trình nghiên cứu này cần phải tìm lời giải
đáp đó là vai trò, vị trí, ảnh hưởng (cả tích cực và tiêu cực), những
thời cơ, những thách thức và đối sách của Việt Nam trong quan hệ với các
nước lớn, trong đó có quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Trên cơ sở đó, hoạch
định các chiến lược phát triển quan hệ song phương với một số nước lớn
trong đó có những chiến lược ưu tiên với những nước có ảnh hưởng lớn đến
Việt Nam. Chẳng hạn chiến lược phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thập niên tới là một chiến lược ưu tiên. Có như vậy Việt Nam
mới chủ động khai thác tốt hơn các cơ hội thuận lợi do môi trường quốc
tế mang lại. Và trong trường hợp này là khai thác có hiệu quả hơn những
lợi thế mà ở đó một phần quan trọng được tạo ra là từ những điều chỉnh
trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.
Từ
việc xem xét một số nội dung chủ yếu trong điều chỉnh chính sách đối
ngoại của Nhật Bản và những tác động tới quan hệ Việt Nam - Nhật Bản,
cho phép rút ra ba nhận xét sau đây.
Thứ
nhất, điều chỉnh chính sách đối ngoại của Nhật Bản là một quá trình
mang tính kế thừa và căn cứ vào những đòi hỏi mang tính nội tại của Nhật
Bản. Sự điều chỉnh này vừa là kết quả vừa là nguyên nhân của những thay
đổi trong môi trường quốc tế và khu vực. Chính sự thay đổi của tình
hình quốc tế và khu vực tạo ra những "sức ép"
buộc Nhật Bản phải điều chỉnh chính sách đối ngoại của họ để thích ứng
với sự thay đổi đó. Đồng thời sự điều chỉnh này, đến lượt nó lại trở
thành yếu tố tác động tới tình hình này. Những ưu tiên lớn hơn cho Đông
á, củng cố quan hệ với Mỹ và tham gia sâu hơn vào các định chế quốc tế là sự tiếp nối
chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời kỳ trước Chiến tranh lạnh nhưng
với qui mô, mức độ, và phương thức thực hiện to lớn hơn, sâu sắc hơn và
phức tạp hơn.
Thứ
hai, điều chỉnh chính sách đối ngoại của Nhật Bản theo hướng ưu tiên
trên nhận được sự đồng thuận của nhiều chính giới cả bên trong và bên
ngoài Nhật Bản, bởi người ta cho rằng, sự điều chỉnh đó sẽ mang lại
nhiều lợi ích cho cả Nhật Bản và đối tác của nước này. Tuy nhiên vẫn còn
có những ý kiến không tán đồng sự điều chỉnh đó, nhất là ở khía cạnh
củng cố quan hệ với Mỹ. Một số chính đảng ở Nhật Bản tin rằng đó là sự
lựa chọn sai lầm của giới hoạch định chính sách đối ngoại bởi vì Chiến
tranh lạnh kết thúc là thời cơ để Nhật Bản tìm kiếm sự độc lập hơn trong
chính sách đối ngoại với Mỹ. Những người có cùng quan điểm này cũng
không coi việc gia tăng lực lượng quân đội Nhật Bản tham gia gìn giữ hoà
bình ở nước ngoài và chính sách toàn cầu hoá ODA của Nhật Bản là những
chính sách khôn ngoan bởi nó làm phương hại đến hình ảnh và lợi ích của
Nhật Bản. Có một số chính giới ở ngoài Nhật Bản cũng lo lắng về những
thay đổi trong chính sách đối ngoại của nước này. Trung Quốc là một thí
dụ. Nhiều nhà nghiên cứu của Trung Quốc không cho rằng Nhật Bản củng cố
quan hệ với Mỹ trong bối cảnh Chiến tranh lạnh chấm dứt là một sự lựa
chọn hợp lý, nhất là trên phương diện gia tăng hợp tác an ninh. Thậm chí
sự lựa chọn này sẽ làm tích tụ thêm các nguy cơ gây mất ổn định ở khu
vực.
Và
thứ ba, Việt Nam cần phải hoạch định một chiến lược phát triển quan hệ
với Nhật Bản theo hướng giành cho Nhật Bản những ưu tiên, trên cơ sở đó
chúng ta mới có thể chủ động khai thác những cơ hội, phòng ngừa những
tác động tiêu cực và thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển lên một tầm cao mới.
Ngô Xuân Bình
(Lược trích từ Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á số 4 (2003))