Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Sở hữu nhà nước, kinh tế nhà nước ở Việt Nam hiện nay

http://www.ktpt.edu.vn/website/222_so-huu-nha-nuoc--kinh-te-nha-nuoc-o-viet-nam-hien-nay.aspx
GS.TS Trần Minh Đạo
Kể từ Đại hội lần thứ VIII của Đảng cộng sản Việt Nam, trong Văn kiện bắt đầu xuất hiện thuật ngữ kinh tế nhà nước để chỉ một thành phần kinh tế trong nền kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam. Thành phần kinh tế này được sử dụng để thay thế cho tên gọi của thành phần kinh tế quốc doanh, được xác định từ các Đại hội trước của đảng ta.Từ đó đến nay thuật ngữ thành phần kinh tế nhà nước được sử dụng phổ biến ở nước ta.Thành phần kinh tế nhà nước, được khẳng định, bao gồm bộ phận phi doanh nghiệp và hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Nhưng kinh tế nhà nước dựa trên nền tảng của chế độ và/hoặc hình thức sở hữu nào, trong khi nhiều đối tượng thuộc kinh tế nhà nước hiện nay lại thuộc sở hữu toàn dân( Được ghi trong Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam). Thêm vào đó, nhiều ý kiến đổ lỗi cho sở hữu toàn dân là căn nguyên của tình trạng vô chủ. Chính vì những điều này  nên nhiều công trình nghiên cứu đề nghị dùng thuật ngữ sở hữu nhà nước thay thế cho thuật ngữ sở hữu toàn dân. Điều đó có nên không? Bài viết này sẽ tham gia vào trả lời câu hỏi hóc búa đó.
Như chúng ta đã biết, cho đến nay trong văn kiện của Đảng đã chính thức sử dụng thuật ngữ sở hữu nhà nước, kinh tế nhà nước hàm ý thay thế cho sở hữu toàn dân và kinh tế quốc doanh. Việc dùng thuật ngữ sở hữu nhà nước hàm ý thay thế sở hữu toàn dân xuất phát từ 3 lập luận: Một là, trong suốt chặng đường xây dựng CNXH ở Việt Nam các đối tượng thuộc sở hữu toàn dân, không những không được quản lý chặt chẽ để bảo toàn mà, thậm chí còn bị hao tổn và thất thoát. Nguyên nhân của tình trạng trên được quy về là do thuật ngữ sở hữu toàn dân dẫn đến hậu quả là không có ai sở hữu, tức là vô chủ. Hai là, nhà nước của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước “ của dân, do dân, vì dân”, do đó nói sở hữu nhà nước, đã tất yếu bao hàm nghĩa toàn dân, đồng thời lại góp phần làm sáng tỏ hơn chủ thể sở hữu. Ba là, khi xác định chủ thế sở hữu là nhà nước, thì nhà nước ấy không có nghĩa chỉ có Chính phủ, mà nhà nước trong trường hợp này bao hàm cả Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội và Đảng. Cho nên, khái niệm nhà nước trong trường hợp này không hề chỉ là một chủ thể đại diện cho một nhóm người, hay cho một giai cấp, mà cho nhân dân lao động nói chung.

Thế nhưng, trên thực tế việc thay thế như trên chưa phải đã đạt được sự đồng thuận tuyệt đối, nhất là trong bối cảnh, các đối tượng vốn thuộc sở hữu toàn dân, nay quy về cho sở hữu nhà nước vẫn tiếp tục bị quản lý lỏng lẻo, bị lãng phí, chiếm đoạt làm của riêng của cá nhân hoặc của nhóm người. Chính vì thế trong giới khoa học cho đến nay vẫn tiếp tục tranh luận về chủ đề này và theo sự tổng kết của đề tài KX.01.02 “ Sở hữu nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ( Giai đoạn 2001 2005)” thì hiện vẫn tồn tại 4 loại ý kiến khác nhau:

  • Ý kiến thứ nhất, cho rằng, đây là hai khái niệm mặc dù tên gọi khác nhau nhưng thống nhất và đồng quy với nhau. Cơ sở của lập luận này, thực ra vẫn khẳng định rằng sở hữu XHCN là sở hữu toàn dân, nhưng hình thức để thực hiện chủ thể sở hữu phải thông qua chủ thể đại diện là Nhà nước, nên gọi sở hữu nhà nước về thực chất vẫn là sở hữu toàn dân thông qua Nhà nước mới có thể thực hiện được quyền quản lý và quyền định đoạt được.
  • Ý kiến thứ hai, cho rằng, có sự khác nhau giữa sở hữu toàn dân và sở hữu nhà nước, nhưng trong thời kỳ phát triển hiện nay của nước ta,chỉ nên sử dụng khái niệm sở hữu nhà nước là đủ, còn sở hữu toàn dân chưa có điiều kiện thực hiện. Cơ sở sâu xa của lập luận này bắt nguồn từ chỗ cho rằng, chắc chắn tồn tại phạm trù sở hữu toàn dân, nhưng phạm trù đó chỉ xuất hiện hay đúng hơn chỉ đầy đủ các tiền đề để xuất hiện khi xây dựng xong CNXH.
  • Ý kiến thứ ba, cho rằng, sở hữu toàn dân hoàn toàn khác với sở hữu nhà nước. Ở đây tác giả ( Nguyễn Quốc Tuấn- trích dẫn từ cuốn sách” Sở hữu nhà nước và doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trương định hướng XHCN của các tác giả Nguyễn Cúc và Kim Văn Chính”) lập luận “ chiếm hữu công cộng có hai hình thức cơ bản là sở hữu toàn dân và sở hữu nhà nước. Toàn dân và nhà nước là hai khái niệm khác nhau nên sở hữu toàn dân và sở hữu nhà nước cũng là hai khái niệm có nội hàm và ngoại diên khác nhau, chúng có sự thống nhất chứ không đồng nhất…Nó thay mặt cho nhân dân nhưng không phải nhân dân. Nó quản lý xã hội nhưng không phải xã hội. Nhà nước nhân danh toàn dân chứ không phải toàn dân”. Theo chúng tôi, ý kiến này đã đồng nhất khái niệm chiếm hữu với sở hữu, trong khi lý luận khoa học kinh tế khẳng định chiếm hữu là một khía cạnh của sở hữu. Hơn thế nữa, ý kiến này lại đem chia nhỏ thuật ngữ ra nhằm hàm ý thay cho thuật ngữ để vạch ra sự khác nhau giữa chúng. Sở hữu toàn dân và toàn dân là khác nhau. Sở hữu nhà nước và nhà nước đương nhiên không phải là một, tương tự như vậy, thay mặt nhân dân đương nhiên là khác nhân dân, quản lý xã hội đương nhiên không phải là xã hội…
  • Ý kiến thứ tư, theo như các tác giả của cuốn sách đã trích dẫn, vừa muốn phân biệt sở hữu toàn dân với sở hữu nhà nước, nhưng lại vừa muốn đồng nhất chúng. Từ đó, các tác giả của cuốn sách đã đi đến khẳng định: đây là loại ý kiến hàm chứa mâu thuẫn nội tại. Để tăng tính thuyết phục của phê phán này các tác giả của cuốn sách đã đưa ra hàng loạt trích dẫn liên quan đến loại ý kiến này:” Sở hữu nhà nước là hình thức sở hữu mà chủ thể sở hữu là nhà nước và đối tượng sở hữu là toàn bộ của cải vật chất thuộc chủ quyền của một quốc gia của một nước”. Về mặt lý luận, sở hữu toàn dân là một loại hình sở hữu cơ bản của xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa…”.” Nhà nước ta là nhà nước của dân, vì dân và do dân lập nên, do bản chất ấy nhà nước ta đủ tư cách đại diện cho toàn dân và trở thành chủ sở hữu quan trọng của quốc gia. Nói sở hữu toàn dân cũng có nghĩa là đối tượng sở hữu ( tài sản, vật dụng, tư liệu sản xuất…) là của chung, trừu tượng không thuộc về ai cả, ai cũng có quyền, ai cũng có thể chiếm hữu, sử dụng, cũng tức là vô chủ”. Thực ra, loại ý kiến thứ tư này không phải hàm chứa mâu thuẫn nội tại như cách hiểu của các tác giả cuốn sách đã trích dẫn. Theo chúng tôi, ý kiến thứ tư này trùng với loại ý kiến thứ hai, tức là: ý kiến này cho rằng sở hữu toàn dân là hình thức sở hữu phù hợp với giai đoạn phát triển cao của xã hội loài người- giai đoạn xã hội chủ nghĩa đã chin muồi và xuất hiện tiền đề của chế độ cộng sản chủ nghĩa. Dùng hình thức sở hữu này đối với “ toàn bộ của cải vật chất thuộc chủ quyền của một quốc gia, của một nước” hay đối với “ tài sản, vật dụng, tư liệu sản xuất…” trong giai đoạn đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, như Việt Nam hiện nay và thậm chí như ở các nước thuộc hệ thống XHCN cũ trước đây là nguyên nhân của tình trạng vô chủ và lãng phí tài sản quốc gia. Từ đó, các đai biểu của loại ý kiến này đi đến đề xuất: dùng khái niệm sở hữu nhà nước thay cho khái niệm sở hữu toàn dân là sự lựa chọn phù hợp cho Việt Nam hiện nay. Chúng tôi cho rằng, đây cũng chính là quan điểm chính thống của Đảng ta hiện nay. Chỉ có điều trong loại ý kiến này việc xác định đối tượng sở hữu  là chưa đủ rõ và cơ chế thực hiện quyền sở hữu của chủ thể sở hữu là chưa được đề cập đến.
Lâu nay khi bàn về bản chất của sở hữu chúng ta thường đề cặp đến: khái niệm sở hữu, xác định chủ thể sở hữu và đối tượng sở hữu, phân biệt sở hữu kinh tế và sở hữu về mặt pháp lý, nội dung của sở hữu ( trong đó có, phân biệt quyền sở hữu và quyền sử dụng), hình thức, loại hình và chế độ sở hữu,…Dưới đây chúng tôi muốn đề cập đến hai khía cạnh đã được bàn đến ở trên là chủ thể sở hữu và đối tượng sở hữu, đồng thời đưa thêm chủ đề về cơ chế thực hiện quyền sở hữu. Theo chúng tôi, đây là những khía cạnh có liên quan trực tiếp đến việc xác định phạm vi hay đối tượng của sở hữu nhà nước.

Chúng tôi cho rằng, khi nói đến sở hữu toàn dân thì đối tượng sở hữu phải là tất cả những thứ, những cái có giá trị do tự nhiên tạo ra thuộc về nhân dân của một quốc gia. Đối với Việt Nam đối tượng thuộc sở hữu toàn dân bao gồm: đất đai, rừng, tài nguyên, khoáng sản, vùng trời ,vùng biển ( thuộc phạm vi chi phối của Luật biển Quốc tế). Cơ chế định đoạt đối với những đối tượng trên phải thuộc về toàn bộ nhân dân, được thừa nhận trong hiến pháp và được thể chế hóa bằng hệ thống luật pháp của quốc gia và  luật pháp quốc tế, tùy từng đối tượng. Đối với những đối tượng thuộc sở hữu toàn dân, cơ chế thực hiện quyền sở hữu- quyền định đoạt đối với chúng, về nguyên tắc phải thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền đó có thể bằng cơ chế trực tiếp hoặc cơ chế đại diện hoặc kết hợp cả hai, quyền này thì bằng cơ chế trực tiếp, quyền kia bằng cơ chế đại diện. Tất nhiên, dù dùng cơ chế nào thì cũng phải thông qua việc thực thi quyền lực của nhà nước. Với cơ chế trực tiếp thì trước khi sử dụng quyền lực nhà nước để thi hành mệnh lệnh của nhân dân, thì nhân dân phải có quyền bàn bạc kỹ lưỡng để thông qua quyết định định đoạt tài sản- đối tượng sở hữu của mình. Còn khi đã dùng cơ chế đại diện thì chắc chắn phải đảm bảo thay mặt nhân dân thực sự chứ không phải hình thức. Nhưng nói chung, đối với Việt Nam không nên dùng cơ chế đại diện. Nhân đây chúng tôi cũng cho rằng, không thể chỉ dựa vào câu chữ để tuyên bố rằng, nhà nước của chúng ta là “ nhà nước của dân, do dân và vì dân”, thì trên thực tế nhà nước ấy đã đủ thẩm quyền, uy tín, năng lực và phẩm chất đại diện cho toàn dân trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh khi chúng ta chưa có nhà nước pháp quyền, chưa phải là nhà nước tam quyền phân lập, chưa có đủ hệ thống luật pháp đầy đủ, rõ ràng, có quy chế dân chủ cơ sở nhưng việc thực thi còn yếu kém… Đây mới chính là những nguyên nhân sâu sa làm cho những thứ, những cái thuộc về nhân dân được quản lý, bảo vệ, khai thác kém hiệu quả, chứ hoàn toàn không phải do chúng thuộc sở hữu toàn dân. Tuy nhiên, tùy vào từng quốc gia và từng giai đoạn phát triển của mỗi quốc gia mà phạm vi các đối tượng thuộc sở hữu toàn dân bị thu hẹp hay mở rộng trong số các đối tượng kể trên.

Khi nói đến sở hữu nhà nước thì đối tượng sở hữu phải là những thứ, những cái có giá trị do lao động của những con người của một quốc gia hoặc sinh sống ở quốc gia đó đã và đang tạo ra được tích lũy trong suốt quá trình tồn tại của đất nước do nhà nước quản lý,  toàn quyền định đoạt và được thừa nhận bởi hệ thống luật pháp của quốc gia. Đối với Việt Nam hiện nay những thứ đó, theo chúng tôi, bao gồm: Các tài sản công ( cả hữu hình và vô hình hay vật thể và phi vật thể), Ngân sách quốc gia ( cả của Trung ương và địa phương), dự trữ quốc gia, tài chính-tín dụng nhà nước, hệ thống doanh nghiệp nhà nước, hình ảnh quốc gia. Cơ chế thực hiện quyền định đoạt đối với những thứ, những cái thuộc quyền sở hữu của nhà nước cũng có thể thông qua hai con đường: trực tiếp và đại diện. Khi thực hiện cơ chế trực tiếp thì nhà nước, theo chúng tôi trong tình huống của Việt Nam đó là Chính phủ, có toàn quyền định đoạt đối với các đối tượng thuộc quyền sở hữu của mình, nhưng vẫn phải đặt dưới sự giám sát của Quốc hội, của Chủ tịch nước, của bộ máy nhà nước . Còn đối với những đối tượng mà Chính phủ thông qua chủ thể đại diện để thực hiện quyền sở hữu của mình thì Chính phủ có toàn quyền xây dựng cơ chế đại diện chủ sở hữu, nhưng điều đó không có nghĩa là đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm trực tiếp trước Quốc hội, Chủ tịch nước và Đảng về việc bảo tồn, khai thác và sử dụng hiệu quả các đối tượng sở hữu mà người chịu trách nhiệm cuối cùng vẫn là Chính phủ. Với những phân tích như trên có thể rút ra một số kết luận sau:

  • Một là, không nên dùng thuật ngữ sở hữu nhà nước thay thế và làm đồng nghĩa với sở hữu toàn dân. Ở Việt Nam luôn luôn song song tồn tại cả sở hữu toàn dân và sở hữu nhà nước. Về điều này chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc. Trung Quốc, hình như, dùng thuật ngữ quốc hữu để phản ánh các đối tượng thuộc sở hữu của toàn dân và sở hữu của nhà nước. Theo kinh nghiệm đó Việt Nam nên dùng thuật ngữ sở hữu quốc gia để chỉ các đối tượng thuộc sở hữu toàn dân và sở hữu nhà nước. Chúng tôi cho rằng, sở hữu quốc gia và sở hữu nhà nước là khác nhau. Sở hữu quốc gia bao hàm cả sở hữu toàn dân và sở hữu nhà nước, nhưng sở hữu nhà nước thì không thể bao gồm cả sở hữu toàn dân. Chủ thể của sở hữu quốc gia suy cho cùng là toàn thể nhân dân, còn chủ thể của sở hữu nhà nước là hệ thống nhà nước. Nhân dân có thể trao cho nhà nước làm chủ thể sở hữu đại diện  một bộ phận hay một số đối tượng thuộc sở hữu quốc gia. Cái gì nhân dân không giao nhà nước không được tùy tiện định đoạt.
  • Hai là, cũng cần phải xem lại, có nên dùng khái niệm kinh tế nhà nước hay không? Ở nhiều nước họ dùng khái niệm kinh tế nhà nước trong điều kiện, hình như, phần lớn các đối tượng do tự nhiên tạo ra đều thuộc sở hữu tư nhân. Còn ở Trung Quốc cũng không tồn tại khái niệm kinh tế nhà nước, mà họ dùng khái niệm kinh tế quốc hữu. Đây là khu vực hay bộ phận kinh tế được xây dựng trên nền tảng của tài sản quốc hữu. Việt Nam nên dùng khái niệm kinh tế thuộc sở hữu quốc gia chứ không nên dùng khái niệm kinh tế nhà nước. Khái niệm kinh tế nhà nước được dùng ở nước ta hiện nay và được giải thích bao gồm cả bộ phận doanh nghiệp và bộ phận phi doanh nghiệp. Trong bộ phận phi doanh nghiệp lại bao gồm cả những yếu tố, những đối tượng chưa hoặc không huy động vào sản xuất kinh doanh là phi lý. Những đối tượng như thế, theo chúng tôi, chúng thuộc sở hữu quốc gia nhưng chưa tham gia vào vận hành kinh tế, thì chưa thể gọi là “ kinh tế” được. Nhưng nếu chúng được dùng để cho thuê hoặc khai thác kinh doanh dưới các hình thức khác nhau thì khi đó chúng đã là yếu tố tham gia vào bộ phận kinh tế thuộc sở hữu quốc gia. Các đối tượng thuộc sở hữu toàn dân chỉ tạo ra tiềm năng về kinh tế, chứ không hoặc chưa tạo ra sức mạnh về kinh tế, thậm chí có những đối tượng mà sự tồn tại của nó còn tiềm ẩn cả những tổn thất kinh tế.