Chúng
ta sẽ không thể hiểu rõ được thực trạng của nền kinh tế Nhật Bản năm
2002 nếu chỉ xét riêng nó trong bối cảnh trong nước và quốc tế năm 2002,
mà không đặt nó trong bối cảnh chung của sự chuyển biến căn bản của nền
kinh tế Nhật Bản suốt những năm 1990 và những năm tới đây.
1. Những nhân tố ngắn hạn
Tổng
cầu trong nước, một trong những động lực quan trọng lôi kéo nền kinh tế
đi lên, vẫn trong tình trạng yếu ớt suốt nhiều năm. Chẳng hạn, nếu
trong thời kỳ 1984 - 1993, tốc độ tăng tổng cầu nội địa thực tế là 3,8%
hàng năm thì trong những năm 1994 - 2003 trung bình chỉ tăng có 1,0%,
trong đó năm 2001 tăng 0,4% và năm 2002 giảm 1,3%. Trong tổng cầu nội
địa, chi tiêu tiêu dùng tư nhân, mặc dù vẫn tăng 1,0% song với tốc độ
tăng như vậy là thấp hơn so với 1,4% của năm 2001 và có thể nói là không
đủ mạnh để kích nền kinh tế vốn đã bị trì trệ kéo dài đi lên. Chi tiêu
tiêu dùng cá nhân tăng thấp như vậy một phần là do người dân Nhật vẫn có
tâm lý hạn chế chi tiêu do họ vẫn còn lo ngại trước triển vọng không
lấy gì làm sáng sủa của nền kinh tế cũng như của công ăn việc làm, phần
nữa là do thu nhập của người dân không tăng. Chẳng hạn, trong năm 2002,
thu nhập tính theo giờ của người công nhân Nhật giảm 0,1% so với mức
tăng 0,9% của năm 2001, và giảm 0,2% trong năm 2000. Một cấu thành quan
trọng khác của tổng cầu trong nước là tích luỹ và đầu tư cho sản xuất,
chỉ số tổng hình thành vốn cố định năm 2002 thật tồi tệ, giảm tới 5,2%,
giảm mạnh hơn cả năm 2001 (-2,3%) cũng như so với mức trung bình của
thời kỳ 1994-2003 (- 0,1%). Theo Bộ Tài chính, mức chi của các công ty
Nhật Bản cho máy móc thiết bị trong quý 3 đã giảm 13,9% so với cùng kỳ
năm trước sau khi đã giảm 15,5% trong quý 2. Việc đầu tư thấp đã dẫn đến
số đơn đặt hàng mua máy móc của khu vực tư nhân - một dấu hiệu về chiều
hướng đầu tư - đã giảm 4,1% trong tháng 10 sau khi tăng mạnh 12,9%
trong tháng 9. Nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút này là do số đơn đặt hàng
mua máy của khu vực viễn thông giảm mạnh tới 28,5% so với tháng 9. Nhận
định về hiện tượng này, ông S. Kuwahara, một quan chức của Văn phòng
Nội các, cho rằng: "Do tình trạng không ổn định về số đơn đặt hàng mua
máy, nên có thể nói đầu tư kinh doanh của chúng ta vẫn chưa đi vào giai
đoạn ổn định". Việc chỉ số đầu tư tư nhân giảm mạnh chứng tỏ giới kinh
doanh chưa tin tưởng vào các chính sách khắc phục khủng hoảng và cải tổ
cơ cấu kinh tế của Chính phủ, vào triển vọng phục hồi của nền kinh tế.
Có thể thấy được điều này qua những biến động của chỉ số lòng tin kinh
doanh và chỉ số chứng khoán. Về chỉ số lòng tin kinh doanh, mặc dù đã
được cải thiện chút ít qua các quý, song vẫn ở mức -5,9% trong quý 3, so
với -8,7% của quý 2. Điều đó có nghĩa là số người bi quan về tương lai
vẫn cao hơn nhiều so với số người lạc quan. Còn về chỉ số chứng khoán,
ngay từ tháng 9, chỉ số Nikkei trên thị trường chứng khoán Tokyo liên
tục nằm dưới mức 9.000 điểm, thấp nhất trong vòng 19 năm. Chỉ số chứng
khoán thấp còn gây tác động tiêu cực làm suy giảm giá trị cổ phần của
các ngân hàng cũng như các công ty, hạn chế khả năng sinh lời và tăng
thêm nợ xấu của chúng. Mặc dù với mục đích giúp các ngân hàng thương mại
có thể nhận được nhiều tiền hơn để cho vay cũng như để nâng giá tiêu
dùng lên mức tăng 1,2%/năm, đầu tháng 12, BOJ đã quyết định đặt ra mục
tiêu nâng lượng tiền mặt trong tài khoản vãng lai của mình từ 15.000 tỉ
Yên lên 20.000 tỉ Yên, song hầu hết các nhà phân tích đều không tin là
động thái này sẽ giúp được nền kinh tế đang phải vật lộn với nhiều khó
khăn. Bởi vì, như ông Kiyotaka Ishikawa, nhà giao dịch tiền tệ của Ngân
hàng Mizuho, đã nhận định: "Hiện nay nhu cầu vay tiền đã ở mức quá thấp
khiến cho hành động này của BOJ chẳng gây được tác động nào". Về chi
tiêu công cộng, do chính sách thắt lưng buộc bụng, hạn chế chi tiêu của
Thủ tướng J. Koizumi để kiềm chế các khoản nợ quá lớn của Chính phủ đã
lên tới 140% GDP, cao nhất trong số các nước công nghiệp phát triển, so
với 62% cách đây 10 năm, và thiếu hụt ngân sách hàng năm lên tới 6-8%
GDP, nên tiêu dùng công cộng cũng chỉ tăng có 2,0%, thấp hơn mức 2,9%
năm 2001 và bằng chưa đầy một nửa mức tăng 4,4-4,5% của các năm 1999 và
2000. Với mức độ như vậy, nên chi tiêu công cộng không bù đắp được nhiều
cho sự thiếu hụt của nhu cầu tư nhân và kết quả là đã không phát huy
được vai trò kích cầu để phát triển kinh tế như trước.
Về
nhu cầu đối ngoại, đặc biệt là xuất khẩu, vốn là một trong những nguyên
nhân lâu nay vẫn góp phần đáng kể vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh
tế, trong năm 2002 vẫn gây được những tác động tích cực đối với nền kinh
tế, nhờ tăng 7,1% so với mức giảm 7,0% của năm 2001. Chính vì thế mà
các chuyên gia của Văn phòng Nội các Nhật Bản đã dự kiến là, xuất khẩu
thực tế đã góp phần nâng GDP của Nhật Bản trong năm tài chính 2002 thêm
0,5%, cao hơn so với mức dự đoán trước đó là 0,2%. Tuy vậy, những tác
động này không đều và không bền vững, nó có tác dụng mạnh nhất vào nửa
đầu năm 2002, song đáng tiếc là vai trò tích cực lại giảm dần trong
những tháng cuối năm. Chẳng hạn, chỉ số hoạt động kinh tế đối ngoại nói
chung trong tháng 10 đã bắt đầu có biểu hiện cho thấy triển vọng mờ mịt
do nhu cầu giảm ở cả trong lẫn ngoài nước. Ngay cả Văn phòng Nội các
cũng như BOJ đều thừa nhận rằng, "xuất khẩu đã mang lại sức bật mới đây
nhất cho nền kinh tế Nhật Bản sau thời kỳ suy thoái trước đó trong năm
nay, nhưng vào cuối năm nhu cầu ở nước ngoài đã chững lại do những bất
chắc về kinh tế toàn cầu, và chiều hướng tương lai sẽ phụ thuộc vào nước
Mỹ, hiện đang phát ra những tín hiệu hết sức lẫn lộn và có vẻ không mấy
khả quan lắm". Do đó, không ít người cho rằng, trong năm tài chính
2003, GDP có lẽ sẽ giảm 0,1% do xuất khẩu. Vì thế, ngay cả các công ty
lớn như Sony và NEC, mặc dù dự đoán lợi nhuận của mình sẽ phục hồi trong
nửa đầu năm tài chính tới nhờ sự hỗ trợ của nhu cầu bên ngoài và những
nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế, song vẫn không dám chắc lắm về triển vọng
của họ do những bất ổn trên thế giới hiện nay.
2. Nợ khó đòi vẫn lớn và cản trở sự phục hồi của nền kinh tế.
Do
nền tài chính Nhật Bản dựa chủ yếu vào các ngân hàng vốn được điều tiết
rất chặt chẽ của Chính phủ và do chính sách cho vay ồ ạt thiếu cẩn
trọng từ nhiều năm trước, khiến cho các khoản vay từ các ngân hàng bị sử
dụng rất kém hiệu quả, nên sau khi nền kinh tế bong bóng bị đổ vỡ vào
đầu những năm 1990, được thể hiện bằng tình trạng rơi tự do của giá bất
động sản và chứng khoán, khiến rất nhiều công ty bị phá sản không thể
trả được cả vốn lẫn lãi, nên các ngân hàng Nhật Bản đã bị đẩy vào tình
trạng không thể thu hồi được nợ. Hậu quả là tình trạng nợ xấu, nợ khó
đòi lên tới hàng trăm hàng ngàn tỉ USD. Mặc dù trong 10 năm qua, trước
sự thúc ép cũng như khuyến khích của Chính phủ, và sự nỗ lực của bản
thân, các ngân hàng Nhật Bản cũng đã giải quyết được 85.100 tỉ Yên các
khoản nợ này. Tuy vậy cho đến nay, tình trạng nợ khó đòi của hệ thống
ngân hàng Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng và trở thành vấn đề bức xúc không
chỉ của riêng các công ty và các ngân hàng mà của toàn bộ nền kinh tế,
thành vật cản không dễ vượt qua của quá trình khắc phục suy thoái và
phục hồi kinh tế. Mặc dù, những ước tính về các khoản nợ xấu và cho vay
khó đòi của các ngân hàng Nhật Bản là hết sức khác nhau, song theo những
đánh giá chính thức, tính đến giữa tháng 10 năm 2002, tổng các khoản nợ
khó đòi của các ngân hàng Nhật Bản là 43.200 tỉ Yên (chừng 376 tỉ USD),
tương đương với gần 10% GDP của Nhật Bản, song nhiều ý kiến (trong đó
có cả IMF) đều cho rằng các con số thực tế phải cao hơn thế tới 10 lần.
Các điều tra cũng cho thấy, hiện hơn 40% số tiền cho vay chưa thanh toán
của các ngân hàng là khó đòi. Tình trạng nợ xấu nghiêm trọng như vậy,
một mặt, đã khiến cho các công ty mắc nợ không thể thoát ra khỏi tình
trạng nợ nần, luôn trong tình trạng lo làm để trả nợ, không thể có điều
kiện để đổi mới thiết bị và phát triển sản xuất; mặt khác, về phía các
ngân hàng, do không thu hồi được nợ, nên cũng không có vốn để kinh doanh
và cũng do rất sợ bị mất vốn thêm nữa, nên càng không muốn cho các
doanh nghiệp vay tiếp. Hậu quả là vốn bị đóng băng, khó chu chuyển từ
nơi có vốn đến nơi cần vốn, hạn chế quá trình đầu tư sản xuất, gây ra
tình trạng trì trệ cho nền kinh tế.
Ngoài
việc phải gánh chịu sự chậm lại của nền kinh tế và khả năng sinh lời
thấp của các công ty, các ngân hàng còn chịu tác động tiêu cực của tình
trạng giá bất động sản và chứng khoán vẫn tiếp tục hạ thấp tới những mức
thấp kỷ lục bất chấp các biện pháp khắc phục của Chính phủ. Giá các mặt
hàng này giảm xuống đã đẩy các công ty vào tình trạng khó trả được nợ
các ngân hàng và khiến cho tài sản của các doanh nghiệp do các ngân hàng
nắm giữ như là vật thế chấp bị giảm giá, cũng như khiến cho các cổ
phiếu của các ngân hàng càng mất giá, làm giảm khả năng sinh lời của các
ngân hàng. Tình trạng này càng khiến cho việc cải tổ nhằm nâng cao hiệu
quả hệ thống ngân hàng và giải quyết tình trạng nợ khó đòi của Nhật Bản
ở lên khó khăn. Mizuho Holdings Inc., ngân hàng lớn nhất thế giới xét
về mặt tài sản, và Mitsubishi Tokyo Financial Group (MTFG) đã cho biết
họ sẽ phải chịu lỗ ròng trong 12 tháng tính đến tháng 3/2003, trái ngược
với dự đoán về lợi nhuận trước đây. Còn hai ngân hàng khổng lồ khác là
Sumitomo Mitsui Banking Corp và UFJ Holdings Inc., mặc dù cho đến cuối
năm 2002 vẫn hy vọng duy trì được lợi nhuận cả năm tài chính 2003 (tính
đến tháng 3/2003), song các nhà phân tích lại dự đoán rằng tất cả các
ngân hàng này sẽ mắc nợ sau khi có các đánh giá thuế chặt chẽ hơn của
Chính phủ.
Trước
tình trạng nợ nần nan giải như vậy của các ngân hàng và công ty, Chính
phủ đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ cũng như có nhiều thúc ép buộc các
ngân hàng phải sớm giải quyết dứt điểm và tích cực cho vay đầu tư. Mới
đây nhất, vào tháng 11, sau khi cử ông Heizo Takenaka, nguyên là một
giáo sư kinh tế Đại học Keio danh tiếng và nổi tiếng là người có quan
điểm cải cách cứng rắn, làm Bộ trưởng phụ trách Chính sách Kinh tế và
Tài chính kiêm luôn chức đứng đầu Cơ quan dịch vụ tài chính (FSA), để
thúc đẩy cải cách nhất là để sớm giải quyết dứt điểm các khoản nợ khó
đòi của các ngân hàng, Chính phủ đã công bố một Chương trình cải cách
ngân hàng, theo hướng sẽ rót thêm công quỹ cho những ngân hàng nào tích
cực xoá các khoản nợ khó đòi và dự kiến đến tháng 3/2005, sẽ giảm số nợ
khó đòi hiện nay xuống còn 1/2.
3. Sự biến dạng của chu kỳ kinh doanh
Suốt
trong thời kỳ kinh tế bong bóng những năm 1980, do được vay vốn một
cách quá dễ dãi và quá rẻ (tức lãi suất thấp), và ảo tưởng là nền kinh
tế Nhật Bản sẽ tiếp tục phình to ra mãi mãi, nên các doanh nghiệp Nhật
Bản không những đã hăng hái tự bỏ vốn mà còn tích cực đi vay để đầu tư,
không những ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Giai đoạn 1987 - 1990, đầu
tư cho thiết bị máy móc của Nhật Bản đạt mức rất cao, lên đến 13-14%
hàng năm, trong khi sản xuất chỉ tăng trung bình có 4-5%. Điều này tất
yếu dẫn đến chỗ dư thừa tư bản cố định, tỉ lệ công suất sử dụng thấp.
Tình trạng dư thừa này càng trở lên nghiêm trọng trong điều kiện nền
kinh tế bị giảm phát kéo dài, nhu cầu tiêu thụ thấp xa so với khả năng
cung cấp của nền kinh tế. Điều đó đã khiến cho quá trình thu hồi vốn và
đổi mới thiết bị của các công ty bị chậm lại và hậu quả là nền kinh tế
rất khó phát triển. Phần lớn các nước tư bản Âu, Mỹ khác cũng phải trải
qua khủng hoảng chu kỳ đầu những năm 1990, song các nước này đã nhanh
chóng phục hồi tăng trưởng kinh tế nhờ các biện pháp nới lỏng tài chính,
giảm thuế, tăng chi tiêu và giảm lãi suất. Nhật Bản cũng đã tiến hành
nhiều biện pháp kích thích kinh tế, nhưng hiệu quả rất hạn chế, tỉ lệ
công suất sử dụng vẫn rất thấp, nền kinh tế vẫn tiếp tục trì trệ kéo
dài. Nếu trong những đợt khủng hoảng chu kỳ trước kia, kinh tế Nhật Bản
chỉ giảm sút trong vòng từ một đến hai hoặc ba tháng, sau đó nhanh chóng
phục hồi theo hình chữ V và các giai đoạn tăng trưởng thường khá dài,
song ngược lại, lần này nền kinh tế Nhật Bản lại tiến triển theo hình
chữ U, tức nằm trong khủng hoảng quá lâu và phục hồi lại hết sức chậm
chạp và khó khăn. Chính vì thế mà trong 11 năm qua (1992-2002), tốc độ
tăng trưởng thực tế trung bình hàng năm của GDP chỉ có 0,7%, thấp xa so
với các thập kỷ trước và so với các nước công nghiệp phát triển khác. Do
vậy, ngoài những nhân tố mang tính chu kỳ, rõ ràng sự biến dạng của chu
kỳ kinh tế lần này còn ẩn những vấn đề về cấu trúc của nền kinh tế Nhật
Bản, mà muốn giải quyết được chúng đòi hỏi phải có thời gian và cả
những giải pháp cải tổ rất căn bản.
4. Sự thất bại của những chương trình cải cách và cải tổ cơ cấu kinh tế.
Một
thất vọng lớn nhất nữa chính là ở hy vọng, mà người ta đặt vào Thủ
tướng J. Koizumi. Người ta đã hy vọng, người đàn ông hào hoa và dám nói
dám làm này, sau khi lên cầm quyền vào tháng 4 năm 2001, sẽ có thể giải
quyết thành công các vấn đề kinh tế lớn đã đeo đẳng và làm khổ nước Nhật
nhiều năm qua. Đáng tiếc là, những hy vọng này lại là phải thực tế và
uy tín của cá nhân J. Koizumi và cũng như của Chính phủ của ông đã dần
dần bị sa sút, và tương lai chính trị của ông cũng đã nhiều lần được đặt
lên bàn cân. Khách quan mà nói, Chính phủ Koizumi cũng đạt được đôi
chút tiến bộ trong một vài cải cách cơ cấu, như cải cách các công ty nhà
nước và hệ thống tiết kiệm bưu điện, song kết quả chung lại hết sức hạn
chế. Nhìn lại, ta thấy, giống như những đời thủ tướng trước, ông
Koizumi vẫn tiếp tục đưa ra những lời hứa nhiều hơn là những cải cách
thực sự trong thực tế. Người ta cho rằng, Nội các của ông vẫn chưa có
được một hệ thống những chính sách và biện pháp rõ ràng, cụ thể và kiên
quyết để thực hiện một chương trình cải cách cơ cấu toàn diện. Trong
thực tế, Chính phủ của ông vẫn bị chi phối bởi quan điểm "lấy ước mơ làm
hiện thực" (wishful thinking). Họ vẫn tin rằng, những khó khăn kinh tế
của Nhật Bản chủ yếu là do những yếu tố chu kỳ, do vậy, "hết mưa là nắng
hửng lên thôi", nền kinh tế trước sau rồi cũng sẽ sớm đi vào phục hồi
như vẫn thường xảy ra trong những năm sau chiến tranh, rằng tăng trưởng
kinh tế sẽ giải quyết được hết mọi vấn đề, do vậy chẳng cần phải tốn sức
để tiến hành những cải cách cơ cấu quan trọng và căn bản. Với lối suy
nghĩ như vậy, họ cho rằng quan điểm cải cách tốt nhất là "dần dần" và
chính sách tốt nhất là "cố gắng chịu đựng và chờ đợi". Trong thực tế, họ
đã không dám hoặc không kiên quyết đóng cửa các ngân hàng yếu kém, hoặc
buộc chúng phải loại bỏ các khoản nợ khó đòi mà chỉ đưa ra những giải
pháp nửa vời như giãn nợ, còn các công ty chỉ cần áp dụng những biện
pháp tiết kiệm chi phí để trụ vững trong khủng hoảng hoặc cùng lắm là
cải tổ cơ cấu tí ti và kết quả là, chỉ có thể tạo ra sự thay đổi chút
ít, không đáng kể so với nguyên trạng. Đồng thời, họ không tin là tình
trạng khủng hoảng kinh tế hiện nay là do những nguyên nhân sâu xa bắt
nguồn từ chính sự lỗi thời của mô hình kinh tế cũ, mà họ vẫn cho là do
những tác động của sự sa sút tạm thời của nhu cầu trong nước và thế
giới, nên thay vì phải kiên quyết có những cải cách và cải tổ kinh tế
căn bản, trong năm 2002, Chính phủ của ông J. Koizumi, cũng như các đời
thủ tướng khác trong hơn 10 năm qua, chủ yếu vẫn đi theo chính sách
"kích cầu" như cũ nhằm kích thích tiêu dùng và sản xuất bằng các biện
pháp như "nới lỏng chính sách tiền tệ", trợ cấp cho người tiêu dùng, và
"tăng chi tiêu chính phủ cho các nhu cầu công cộng". Chẳng hạn, như lời
hứa hạn chế phát hành trái phiếu chính phủ ở mức 30.000 tỉ yên của ông
đã không được thực hiện. Hậu quả là gì? Hàng trăm tỉ đô la vẫn được bơm
vào nền kinh tế, bị lãng phí cho các công trình công cộng thuộc cơ sở hạ
tầng hoặc rơi vào túi của các ngành và các công ty kém hiệu quả, còn
sản xuất vẫn bị giảm phát ngày càng nghiêm trọng, người tiêu dùng vẫn
ngày càng thắt lưng buộc bụng chặt hơn, núi nợ chính phủ tiếp tục cao
lên không ngừng, và nền kinh tế thì vẫn bị trì trệ triền miên và không
sao ngóc đầu lên được. Tình trạng trên của Nhật Bản cũng đã được chính
Thủ tướng J. Koizumi thừa nhận trong Diễn văn "Nhật Bản và ASEAN ở Đông Á
- Một mối quan hệ đối tác chân thành và cởi mở" tại Viện Nghiên cứu
Đông Nam Á (Singapore) ngày 14/1/2002: "Lý do nền kinh tế Nhật Bản trì
trệ trong một khoảng thời gian dài như thế vào những năm 1990 là rõ
ràng. Thành công trước đó của Nhật Bản đã làm cho chúng tôi tự mãn. Mặc
dù đã có những thay đổi quan trọng đang diễn ra trong nền kinh tế toàn
cầu, nhưng Nhật Bản lại không hưởng ứng kịp thời bằng việc tiến hành cải
cách các cơ cấu kinh tế và chính trị của mình. Công nghệ thông tin và
truyền thông đã tạo ra một thị trường toàn cầu thống nhất, duy nhất. Sự
cạnh tranh đã trở lên khốc liệt hơn rất nhiều. Để thành công được trong
những điều kiện như thế, mỗi quốc gia cần một thị trường tự do và có
hiệu quả có thể được các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng toàn cầu
tin cậy. Nước đó cần một thị trường tài chính mạnh mẽ và lành mạnh. Song
đáng tiếc là chúng tôi lại chưa thấy hết được điều đó".
Tại
sao các đời thủ tướng Nhật Bản, và cả Thủ tướng J. Koizumi, được coi là
người có tư tưởng cấp tiến nhất, lại không thể cải cách được nền kinh
tế đang gặp rất nhiều vấn đề này? ít nhất có thể có hai vấn đề sau:
4.1. Vấp phải sự chống đối quyết liệt của các nhóm lợi ích.
Như
chúng ta đã thấy, tình trạng khủng hoảng kéo dài của nền kinh tế và cả
xã hội Nhật Bản hiện nay chủ yếu bắt nguồn từ những nhân tố bên trong
(như khủng hoảng mô hình phát triển) hơn là từ những sức ép bên ngoài.
Do đó, việc cải cách và cải tổ cơ cấu kinh tế lần này nếu làm triệt để
sẽ gây ra những khó khăn hết sức to lớn trước mắt cho cả xã hội Nhật
Bản, sẽ đụng chạm đến mọi ngành, mọi tầng lớp và mọi giới trong xã hội,
ai cũng phải trả giá, thậm chí rất đau đớn. Giới chính trị, mà tiêu biểu
là Đảng Dân chủ - Tự do (LDP) đang cầm quyền, sẽ bị mất quyền điều hành
đất nước hoặc ít ra là cũng bị giảm mất số ghế trong Quốc hội và phải
chia xẻ quyền điều hành chính phủ, đất nước (và kèm theo đó là lợi ích
về tiền bạc) với các đảng phái khác. Giới quan chức không còn được quyền
tham gia hoạch định các chính sách kinh tế và điều tiết các khoản chi
ngân sách và các hợp đồng kinh tế có lợi cho các ngành và các công ty
cánh hẩu của mình. Giới kinh doanh lớn thì sẽ không còn được hưởng những
được hợp đồng kinh doanh béo bở do các chính khách và các quan chức câu
kết với mình mang lại, còn người lao động thì sẽ bị mất việc làm hoặc
sẽ bị giảm thu nhập, Chính vì thế, nên không phải ai cũng đồng tình với
những đề nghị cải cách và cải tổ của Chính phủ, và do vậy Nhật Bản đã
không thể nào tạo ra được "sự nhất trí quốc gia" (national consensus),
không thể nào huy động được mọi nguồn lực cho cải cách và đổi mới, như
họ đã từng đạt được trong hai lần cải cách và mở cửa trước đây. Có thể
nói rằng, ở Nhật, bây giờ có ba quan điểm và ba nhóm người khác nhau:
Một số người thì tích cực ủng hộ cải cách dù biết phải trả giá, một số
người thì thờ ơ không quan tâm, còn một số không nhỏ nữa thì chống phá
quyết liệt, rất muốn duy trì nguyên trạng. Chính trong bối cảnh đó mà
hầu hết các ứng cử viên thủ tướng khi tranh cử thì rất hăng hái ủng hộ
và tỏ rõ quyết tâm cải cách đến cùng, nhưng khi cầm quyền thì lại thoái
chí và chỉ đưa ra những cải cách nửa vời, còn về cơ bn vẫn đi theo phong
cách điều hành nền kinh tế như cũ, để đảm bảo được sự bằng lòng và chấp
nhận của tất cả các bên có liên quan nhằm duy trì được chiếc ghế của
mình. Đúng như Lincoln, một nghiên cứu viên cao cấp của Viện Brookings,
đã nhận định, có quá nhiều người Nhật đang được hưởng lợi từ hệ thống
hiện hữu, do đó, "Không một ai trong số họ có lý do để tin rằng hệ thống
này đã tha hoá đến mức không còn có thể hoạt động hiệu quả được nữa cần
phải cải cách hoặc cải tổ để loại bỏ "những công việc ngồi mát ăn bát
vàng của họ" (Newsweek, May, 13, 2002, tr. 16).
4.2. Tính trì trệ cố hữu của hệ thống.
Dù
sao chăng nữa thì những thể chế, những cấu trúc kinh tế của Nhật Bản
này đã tồn tại ít ra là hàng chục năm nay, đã ăn sâu vào suy nghĩ và lối
sống của cả một đất nước, nên việc thay đổi và loại bỏ chúng trong một
sớm một chiều là rất khó. Hơn nữa, tình trạng này lại tồn tại trong một
dân tộc (Nhật Bản) vốn nổi tiếng với phong cách làm việc và quyết sách
rất thận trọng, từ từ, vừa làm vừa nghe ngóng và điều chỉnh, nên việc có
được những chính sách cải cách và cải tổ mang tính cách mạng và nhanh
chóng là rất khó. Đúng như ông Ichiro Ozawa, Chủ tịch Đảng Tiền phong
Mới, tách ra thành đảng đối lập từ LDP, đã thừa nhận, "Đối với chúng ta
(Nhật Bản), không có lựa chọn nào khác ngoài việc lần thứ ba phải mở cửa
Nhật Bản - mở cửa các thị trường của chúng ta rộng hơn cho cộng đồng
quốc tế, loại bỏ những quy chế và quy tắc đang kiềm chế sáng kiến, sáng
tạo và tăng trưởng kinh tế. Song tôi không hề ảo tưởng về tính khó khăn
và lâu dài của nhiệm vụ này. Bởi vì, Nhật Bản luôn là một xã hội được
điều tiết từ hơn 1000 năm nay". Đồng thời, cũng theo ông, "hầu hết người
Nhật Bản vẫn cảm thấy không thoải mái và mất phương hướng trước triển
vọng phải sống trong một xã hội có quá ít quy định và trong đó mỗi người
sẽ phải tự lực cánh sinh nhiều hơn và phải có trách nhiệm hơn trước mỗi
hành động của riêng mình".
Hơn
nữa, ở bất cứ nước nào cũng vậy, những cải cách và cải tổ do các đời
thủ tướng Nhật Bản, nhất là Thủ tướng J. Koizumi, đưa ra, vốn đã hết sức
khó khăn dù được tiến hành trong những hoàn cảnh hết sức thuận lợi (cả
về kinh tế, chính trị lẫn xã hội), thế mà trong bối cảnh nền kinh tế,
chính trị và xã hội đang trì trệ và có quá nhiều vấn đề như Nhật Bản
hiện nay, thì việc tiến hành chúng chắc chắn sẽ càng trở nên chậm chạp
và khó khăn hơn nhiều lần. Bởi vì, mỗi một cải cách, một chính sách đổi
mới dù nhỏ, đều đồng nghĩa với việc xã hội sẽ bị đảo lộn, nền kinh tế sẽ
bị đẩy sâu thêm vào tình trạng trì trệ, cuộc sống của người dân sẽ bị
khó khăn thêm, hậu quả là sẽ có nguy cơ vấp phải sự chống đối quyết liệt
và có lẽ người phải trả giá trước hết có lẽ là các nhà cải cách, cho
nên họ càng phải thận trọng hơn.
PGS. TS. Lưu Ngọc Trịnh
Viện Kinh tế thế giới
(Lược trích từ Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 1 - 2003)