An
Giang là vùng đất dung hợp nhiều tôn giáo bản địa đã một thời in dấu ấn
mạnh mẽ trong cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân
Hiếu Nghĩa và một số tín ngưỡng dân gian khác cũng đã từng nảy sinh tại
nơi này. Theo dòng chảy của lịch sử, những giáo phái ấy dần dần nhạt
phai theo năm tháng, duy chỉ có Phật giáo Hòa Hảo là còn tồn tại và ảnh
hưởng sâu rộng đến đời sống tinh thần của người dân cho đến ngày nay.
Đã
có nhiều bút mực tô vẽ nên sự ly kỳ của tôn giáo này, thần bí hóa nó và
đặt nó vào một không gian riêng, mang tính chất huyền hoặc. Là một
trong 6 tôn giáo lớn của Việt Nam, Phật giáo Hòa Hảo đã có một sức hấp
dẫn đặc biệt, không chỉ đối với vùng đất An Giang, mà còn mở rộng ra ở
một số vùng khác trong cả nước.
Có
thể nói rằng, tôn giáo là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống
tinh thần con người, nó hình thành rất sớm và phát triển theo thời gian,
theo sự tiến bộ của xã hội. Tôn giáo nào chứa đựng những giá trị nhân
văn, tiến bộ thì sẽ trường tồn, có ảnh hưởng rộng lớn đến đời sống con
người. Phật giáo Hòa Hảo cũng không vượt ra khỏi những quy luật chung
ấy. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, dưới
sự lãnh đạo của đảng bộ An Giang, đồng bào Phật giáo Hòa Hảo đã chung
tay góp sức góp phần làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng. Chính vì thế,
Phật giáo Hòa Hảo, cũng như một số tôn giáo yêu nước thời bấy giờ đã
thổi một luồng sinh khí vào cuộc sống tăm tối, bần cùng của người nông
dân Nam Bộ, hun đúc lòng yêu nước, tạo nên sự cố kết cộng đồng mạnh mẽ.
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng nhận định: “Không địa phương nào có nhiều
đạo như An Giang - đạo ở đây không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo hay mê tín
dân gian, mà còn là nơi nuôi dưỡng hồn nước qua hàng thế kỷ”(1). Trong
phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn bàn về một trong những đặc trưng
nổi bật, khiến cho Phật giáo Hòa Hảo trở nên gần gũi đối với con người,
đó là tính nhập thế của nó.
Như
chúng ta biết, trong khi tín đồ của đạo Phật được chia làm hai hạng:
xuất gia và tại gia thì tất cả tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đều thuộc hạng
tại gia cư sĩ “vì cảm thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ quốc, với
gia đình, với đồng bào xã hội nên chưa thể làm như các nhà sư hay ni cô
đặng”(2). Sớm kệ chiều kinh không phải là mục tiêu hướng tới duy nhất
của hạng tại gia cư sĩ. Bởi lẽ, “giáo lý đặt xa cuộc đời thì chỉ là giáo
lý mà không phải là sự thực hiện đạo Phật. Mà đạo Phật không phải chỉ
là giáo lý: đạo Phật là sự thực hiện giáo lý, là kết quả của sự thực
hiện giáo lý trong bản thân cuộc đời”(3). Để thực hiện phương châm “đời
đạo liên quan rạng chói ngời”(4), trong quá trình tu hành, người tín đồ
Phật giáo Hòa Hảo phải biết dấn thân vào đời sống. Nhập thế nghĩa là đem
những gì mình học hỏi áp dụng vào cuộc đời. Nhập thế còn là một hình
thức thể hiện tinh thần từ, bi, hỉ, xả của nhà Phật một cách trực tiếp.
Là
một đệ tử trung thành của đức Phật Thích Ca, đức Huỳnh Giáo chủ luôn
tìm cách hướng các tín đồ về con đường đạo đức. Mỗi nẻo đường Ngài đi
qua là mỗi đóa hoa đạo pháp lại nở rộ. Giáo lý của Ngài hay đề cao đức
tính hiếu thuận trong gia đình, tính nhẫn - hòa ở ngoài xã hội. Trong
gia đình, phải làm thế nào để: Đạo cha con chặt chẽ chữ miên trường/ Đạo chồng vợ thuận hòa cho đến thác (5).
Khác với quan niệm “phu xướng phụ tùy” khắt khe của Nho giáo, xướng tùy trong
Phật giáo Hòa Hảo mang ý nghĩa vợ chồng bình đẳng: “Phận xướng tùy
chồng vợ nhịn nhau”(6). Chữ hiếu trong Phật giáo Hòa Hảo cũng được nhìn
nhận dưới nhiều góc độ. Mặc dù: Mẹ cha là kẻ trọng ân/ Dưỡng nuôi báo hiếu lúc thân yếu già, nhưng hiếu thảo không có nghĩa là phải nhất nhất nghe lời cha mẹ mà phải "rán hết sức tìm cách khuyên lơn ngăn cản", nếu cha mẹ “có làm điều gì lầm lẫn trái với nhân đạo”. Ngoài
việc báo đáp ơn sâu nghĩa nặng đối với cha mẹ, đạo hiếu cũng có nghĩa
là phải "gây sự hòa hảo trong đệ huynh, tạo hạnh phúc cho gia đình". Gia
đình con có đầm ấm, vui vầy thì cha mẹ mới có thể hạnh phúc được, vì
hạnh phúc của cha mẹ bao giờ cũng gắn liền với hạnh phúc của con cái. Đó
là cách thực hiện đạo hiếu thiết thực và trọn vẹn nhất.
Ngoài xã hội, đức Huỳnh Giáo chủ căn dặn các tín đồ: Dương trần phải rán làm hiền/ Đừng trọng bạc tiền bỏ nghĩa bỏ nhân (7). Ngài phê phán gay gắt những người sống không có mục đích, sống phó thác cho số phận: Tằm sức nhỏ còn làm nên kén/ Người không lo có thẹn hay chăng? (8). Trong mối quan hệ với mọi người xung quanh, chữ nhẫn - hòa phải được đặt lên hàng đầu: Ai
chửi mắng thì ta giả điếc/ Đợi cho người hết giận ta khuyên/ Chữ nhẫn
hòa ta để đầu tiên/ Thì đâu có mang câu thù oán/ Việc hung ác hễ vừa
thấp thoáng/ Chữ từ bi ta diệt nó liền/ Sự oán thù đáp lại chữ hiền/ Thì
thù oán tiêu tan mất hết (9). Vì vậy, tu theo Phật giáo Hòa Hảo không có nghĩa là thoát tục, bi quan, yếm thế mà gắn liền với cuộc sống nhân sinh, chữ tu phải liền với chữ hành.
Mỗi cách ứng xử trong đời thường dường như có một câu giảng chi phối.
Đức Huỳnh Giáo chủ đã đơn giản hóa giáo lý của nhà Phật dưới hình thức
những lời văn súc tích, nhiều hàm ý, những câu thơ dễ truyền miệng, dễ
ngâm nga. Những câu giảng ấy làm lay động tâm hồn con người, nó trở nên
gần gũi và thân thiết không chỉ vì sự giản đơn, dễ hiểu, mà vì nó ẩn
chứa trong đó đạo lý truyền thống của dân tộc đã tồn tại qua bao đời
nay. Nó khơi dậy ở con người lòng nhân ái bao dung, trọng tình trọng
nghĩa, hình thành nên lối ứng xử khéo léo nhưng chân tình. Nó hạn chế
bớt tính tham lam, lòng vị kỷ... thường xô đẩy con người vào những hành
động bỉ ổi, xấu xa. Giá trị của đạo chính là tính nhập thế. Ở Phật giáo
Hòa Hảo, chữ đạo bao giờ cũng gắn liền với chữ đời. Đạo mà
không có đời thì chỉ là đạo suông. Đời mà không có đạo soi đường thì
đời cũng mất đi ý nghĩa, bởi con người ít nhiều cũng không thể thoát
khỏi sự ràng buộc của khía cạnh tâm linh. Đạo chính là con đường, là
nguyên lý sống, là nguồn ánh sáng thiêng liêng soi rọi trong đêm tối,
nâng đỡ chúng ta mỗi khi vấp ngã. Đạo hướng chúng ta đến những giá trị
nhân bản hơn, cao đẹp hơn, góp phần hoàn thiện nhân cách con người.
Hoạt động xã hội từ thiện là sinh hoạt cộng đồng có ý nghĩa sâu sắc đối với tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Với nguyên tắc: Giúp đời đừng đợi trả ơn/Miễn tròn bổn phận hay hơn bạc vàng (10),
các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã chung tay góp sức thực hiện các công
việc thiết thực và cụ thể như: xây cầu nông thôn, làm đường, cất nhà
tình thương, nhà tình nghĩa, cứu trợ lũ lụt, thành lập tổ cơm cháo tình
thương phục vụ các bệnh viện, hỗ trợ bệnh nhân nghèo đi phẫu thuật mắt,
chế biến thảo dược và khám chữa bệnh miễn phí, sưu tầm dược liệu cấp cho
các phòng thuốc từ thiện, hỗ trợ thực phẩm tươi cho bếp ăn tại An Hòa
tự phục vụ những ngày đại lễ và đồng đạo về chùa lễ Phật... Tín đồ Phật
giáo Hòa Hảo có thể nghèo vật chất nhưng không nghèo tấm lòng. Dù gia
cảnh có khó khăn, nhưng họ lúc nào cũng mở rộng vòng tay, sẵn sàng sẻ
chia với những mảnh đời khốn khó. Tinh thần nhường cơm sẻ áo ấy thật
đáng trân trọng, nó là một phần nhỏ của việc báo đáp Tứ ân theo
lời dặn dò của đức Thầy (cách gọi thân thương của tín đồ đối với vị Giáo
chủ). Là những cư sĩ tại gia, không xa lánh thế tục mà luôn biết dung
hòa giữa đạo và đời, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo luôn có một niềm tin rất
mãnh liệt vào cuộc sống. Họ tìm đến Phật giáo Hòa Hảo không chỉ muốn tìm
kiếm sự bình an cho tâm hồn mà còn mong muốn tìm kiếm sự bình an cho
đồng bào, nhân loại. Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo phần lớn là nông dân, sinh
hoạt theo nếp sống nông nghiệp. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, người
nông dân lại dành riêng những phút giây tĩnh lặng để lắng lòng mình theo
những lời sấm giảng thấm đẫm tình người. Cuộc sống bình dị nơi thôn dã
đã hình thành nên những con người hồn hậu, chất phác, thuần lương, dễ
hướng tâm mình về nơi đất Phật. Phật đối với họ không cao siêu, không
thần bí mà rất gần gũi, giản dị. Theo Phật không chỉ đơn thuần là thờ
Phật, là lý tưởng hóa những gì đã qua, đã thuộc về quá khứ, mà còn phải
biết nhìn nhận và trân trọng thời khắc hiện tại, bởi lẽ, trong mỗi chúng
ta vốn dĩ đã tồn tại một vị Phật sống rồi: Phật tại tâm chớ có đâu xa/ Mà tìm kiếm ở trên non núi (11).
Như
vậy, có thể thấy rằng, Phật giáo Hòa Hảo không phải là sự cóp nhặt từng
mảnh ghép rời rạc từ giáo lý của đạo Phật, mà là tổng thể sống động
những nguyên lý sống hàng ngày của nhân gian, hình thành nên một bức
tranh huyền diệu. Phật giáo Hòa Hảo đã khơi dậy bản tính thiện nằm ẩn
khuất trong tâm hồn mỗi con người, mà có khi những cơm áo, gạo tiền,
những lo toan bộn bề của cuộc sống đã khiến cho chúng ta vô tình quên
đi, không còn nhớ đến nữa. Phật giáo Hòa Hảo đã dần dần xóa đi được lớp
bụi trần gian ấy, gạn đục khơi trong, đưa con người trở về bản tính
nguyên thủy của mình, sống chan hòa với thiên nhiên, đồng loại, sống với
cái tâm trong sáng, với tâm hồn rộng mở không vị kỷ. Từ đó, sợi dây
nhân ái, nhân văn của Phật giáo Hòa Hảo đã kéo mỗi con người xích lại
gần nhau hơn, trở về với cuộc sống thường ngày của họ.
Ra
đời trong hoàn cảnh đất nước đang lâm vào cảnh nồi da xáo thịt, chiến
tranh, dịch bệnh, đói kém, đạo đức con người ngày càng xuống cấp..., Phật giáo Hòa Hảo đã
có một sức hấp dẫn đặc biệt. Sự bần cùng, khốn khổ và bất mãn ở cõi đời
đã kéo con người ta xích lại gần hơn với tôn giáo. Không cần phải ly gia cát ái, không cần phải đầu tròn áo vuông
mà chỉ cần từ tâm hướng thiện, thì không có gì là quá khó đối với những
ai muốn một lòng thờ đạo. Trong thời điểm ấy, Phật giáo Hòa Hảo giống
như dòng nước cam lồ tưới mát tâm hồn của những con người đang hụt hẫng,
chơi vơi trong cuộc sống. Trong quá trình phát triển, dù có những lúc
thăng trầm, nhưng cuối cùng Phật giáo Hòa Hảo cũng vượt lên trên những
định kiến để mà tồn tại, để khẳng định con đường chánh đạo do đức Huỳnh
Giáo chủ lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn. Đạo bắt rễ từ cuộc đời. Tư
tưởng của người khai đạo được trao truyền cho những thế hệ kế tiếp,
không phải là những ông đạo mà là những cư sĩ tại gia tuy sống trong
cảnh cháo rau đạm bạc nhưng tính tình thuần hậu. Họ đem tôn giáo của
mình thực hành ngay trong cuộc đời, gởi gắm vào đó niềm tin yêu nồng ấm.
Tính thiêng liêng của đạo không vì thế mà mất đi, trái lại, nó hòa
quyện vào tâm hồn của mỗi tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, trở thành một thành
trì vững chắc không sao lay chuyển nổi.
Nghiên
cứu Phật giáo Hòa Hảo, đặc biệt trên phương diện văn hóa là góp phần tô
điểm thêm nét đẹp văn hóa dân tộc, khắc phục việc lợi dụng tôn giáo,
làm nổi bật những giá trị nhân văn, để nhìn nhận Phật giáo Hòa Hảo một
cách đầy đủ hơn, không phải với những biến tướng của nó mà xem xét nó
dưới lăng kính của một tôn giáo lưu tâm hết mực đến nhân sinh, thể hiện
sâu sắc mối quan hệ giữa đạo và đời trên cơ sở những viên ngọc trí tuệ
của Phật giáo. Nghiên cứu Phật giáo Hòa Hảo cũng góp phần tạo nên sắc
thái văn hóa của vùng đất An Giang, vùng đất của những con người nhân
hậu, quả cảm với những bước chân không mỏi ngay từ những ngày đầu tiên
đi mở cõi.
_______________
1. UBND Tỉnh An Giang, Địa chí An Giang (Lưu hành nội bộ), tập 1, An Giang, 2003, tr.15.
2, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11. Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Sấm giảng thi văn toàn bộ của đức Huỳnh Giáo chủ, Ban Phổ thông Giáo lý Trung ương ấn hành, 1966, tr.145, 254, 340, 49, 118, 104, 84, 61.
3. Nhất Hạnh, Đạo Phật ngày nay, Sài Gòn, 1969, tr.118, 119.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 312, tháng 6-2010
Tác giả: Võ Văn Thắng - Đỗ Anh Thư