Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Sự xâm nhập đạo thiên chúa vào Việt Nam trong sự đối sánh với trung Quốc và Nhật bản

Sau khi tìm được con đường biển sang phương Đông, các nước phương Tây tăng cường các hoạt động giao lưu buôn bán với phương Đông trong đó có Nhật Bản, Việt Nam và Trung Quốc.
Trong số các nước thực dân phương Tây, Bồ Đào Nha là nước có mặt sớm nhất ở phương Đông nói chung và Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam nói riêng. Bắt đầu từ thế kỷ XVI, người Bồ Đào Nha đã đến Ma Cao thuộc tỉnh Quảng Đông để buôn bán. Năm 1535, người Bồ Đào Nha đã thuê Ma Cao với hai vạn lạng vàng mỗi năm để lập cứ điểm buôn bán. Ma Cao vì thế trở thành tô giới đầu tiên của người châu Âu ở Trung Quốc. Năm 1543, một chiếc tàu buôn của Bồ Đào Nha đã cập bến Tanêgasima, phía Nam đảo Kyushu. Ngay từ thế kỷ XVI, người Bồ Đào Nha cũng đến Việt Nam để tiến hành giao lưu buôn bán. Sau người Bồ Đào Nha là thương nhân các nước Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Nga, Mỹ lần lượt đến thiết lập mối quan hệ buôn bán với các nước Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Lúc bấy giờ, các thương nhân châu Âu bán sang Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam những mặt hàng như súng đạn, len, dạ, đồ pha lê và thủy tinh và mua của các nước này các mặt hàng mỹ nghệ, đồ gốm, tơ tằm, hàng dệt, trà, đường, vàng, bạc cùng các loại gia vị và hương liệu khác. Theo sau, các đoàn tàu buôn là các nhà truyền đạo phương Tây.
*          *
*
Đối với Việt Nam, năm 1553 một giáo sĩ phương Tây tên là Ingate đã đến các xã Ninh Cường (Nam Trực - Nam Định), xã Trà Lữ (Thái Bình) và xã Quân Anh (Hải Hậu - Nam Định) để truyền đạo(1). Từ thế kỷ XVII, các giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam ngày càng đông đặc biệt là các giáo sỹ trong hội truyền giáo Bồ Đào Nha và Pháp. Trong quá trình truyền đạo, các giáo sỹ phương Tây đã có những đóng góp nhất định trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục đối với nước ta, dù rằng mục tiêu chính của các hội truyền giáo phương Tây không phải là truyền bá và phát triển văn hóa mà sử dụng nó như là một công cụ để truyền đạo. Trong số các giáo sỹ phương Tây đáng chú ý nhất là Alécxăngđơ Rôt là người kế thừa thành quả của các giáo sỹ trước đó để hoàn thành cuốn “Từ điển Việt - Bồ - La tinh” đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Các giáo sỹ phương Tây đã sử dụng chữ Quốc ngữ để truyền bá đạo Thiên chúa thông qua việc giảng bằng tiếng Việt, viết sách giáo lý bằng Quốc ngữ. Các giáo dân không học chữ Nho mà chỉ học Quốc ngữ(2). Với cách thức truyền đạo đó cùng với những lý do chủ quan và khách quan mà đến đầu thế kỷ XIX, số lượng tín đồ theo đạo Thiên chúa ở Việt Nam đã lên đến 900.000 người.
Đối với Trung Quốc, năm 1580 một tu sĩ người ý (Italia) tên là Matteo Ricci thuộc phái Dòng tên của Đạo Thiên chúa đã đến Ma Cao truyền đạo. Ông ta đã dâng lên nhà vua Trung Quốc hình chúa Ki Tô, một bản kinh cựu ước, một cây thánh giá, hai đồng hồ quả lắc và một bản đồ thế giới. Cùng với giáo sỹ người ý là giáo sỹ các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Bỉ ... cũng đến Trung Quốc truyền đạo. Tại đây, các giáo sỹ phương Tây phổ biến các tri thức khoa học như thiên văn, trắc địa, toán pháp v.v... cho người Trung Quốc. Chính vì vậy, các giáo sỹ phương Tây được các nhà vua Trung Quốc như Vạn Lịch đời Minh  và Thuận Trị, Khang Hi đời Thanh trọng dụng, một số được phong chức quan và  cho phép truyền đạo cũng như lập giáo đường ở trên đất Trung Quốc, kể cả ở Bắc Kinh. Do vậy, đạo Thiên chúa ở Trung Quốc phát triển rất nhanh. Đến cuối thế kỷ XVII, trên toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc đã có 28 thành phố có nhà thờ đạo và số lượng tín đồ tới hơn 10 vạn người.
Đối với Nhật Bản, năm 1549, giáo sỹ dòng Jêduýt Frăngxoa Xaviê từ Goa đến truyền đạo ở Nhật Bản. Chính quyền phong kiến Nhật Bản đã cho phép các giáo sỹ Bồ Đào Nha được phép truyền đạo lên các vùng xa xôi hẻo lánh như Tsugara và đảo Sađô. Trong quá trình truyền đạo, thành lập giáo hội, các giáo sỹ phương Tây còn mở nhà thương, trường học nên đã thu hút được một số lượng lớn tín đồ theo đạo Thiên chúa là 150.000 người, năm 1600 con số đó lên đến 300.000 và đến năm 1610 đã tăng lên 700.000 người.
Rõ ràng là trong thời kỳ đầu, đạo Thiên chúa được các nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp nhận một cách cầu thị, không có sự phân biệt với các lễ nghi, tín ngưỡng, tôn giáo khác. Song do trong quá trình truyền đạo, các giáo sỹ phương Tây bộc lộ âm mưu dọn đường cho sự xâm lược cho nên về sau cả 3 nước trên đều thực hiện chính sách cấm đạo.
ở Việt Nam, ngay từ thời các chúa Nguyễn đã nhận thấy công việc truyền đạo của các giáo sỹ gắn liền với chính sách bành trướng xâm lược của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Chính giáo sỹ Alécxăngđơ Rôt đã bộc lộ ý tưởng này như sau: “Đây là một vị trí cần phải chiếm lấy và chiếm được vị trí này thì thương gia châu Âu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên phong phú”. Vì vậy, các chúa Trịnh ở Đàng ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng trong đã nhiều lần ban hành lệnh “cấm tà đạo Gia tô” “phá hủy các nhà thờ đạo, kinh sách, trục xuất các giáo sỹ bắt giáo dân bỏ đạo, nhưng không nhất quán và kém hiệu quả vì giáo lý Thiên chúa ăn sâu vào đầu óc giáo dân”(3).
Bước sang thế kỷ XIX, tình hình xã hội Việt Nam có những bước chuyển mới. Năm 1802, triều Nguyễn được xác lập. Gia Long - người sáng lập vương triều Nguyễn - lên nắm quyền là nhờ sự ủng hộ và giúp đỡ của người Pháp. Vì vậy, trong thời gian trị vì Gia Long không thể gạt bỏ mọi ảnh hưởng của các Thừa sai Thiên chúa giáo và người Pháp trong đời sống tinh thần của một số cư dân Việt Nam. Trái lại Gia Long còn trả ơn Pháp bằng cách cho phép một số người Pháp được làm quan trong triều như Jean Baptiste Chaigneau, De Forsans, Philippe Vannier và Despiau. Tuy nhiên, đến khi Minh Mạng lên nắm quyền (1820) thì quan hệ giữa triều Nguyễn và thực dân Pháp bắt đầu trở nên căng thẳng. Thông qua các hoạt động truyền giáo, các giáo sỹ người Pháp đã thâm nhập sâu vào lãnh thổ Việt Nam tiến hành các hoạt động trái phép nhằm dọn đường cho sự xâm lược của thực dân Pháp. Trước tình hình đó, các vị vua triều Nguyễn đã ban hành các chỉ dụ cấm đạo bởi theo họ “đạo phương Tây là tà đạo làm mê hoặc lòng người và hủy hoại phong tục cho nên phải nghiêm cấm để dân noi theo đạo chính”. Năm 1825, Minh Mạng ban hành Dụ cấm đạo lần thứ nhất yêu cầu quan lại các địa phương phải tăng cường canh phòng cẩn mật các vùng duyên hải, các miền rừng núi để đề phòng bọn giáo sỹ lén lút đi sâu vào trong dân chúng “gieo rắc bóng tối trên đất nước”(4).
Do hoạt động của các giáo sỹ phương Tây ngày càng được tăng cường ở các địa phương nên ngày 6 - 1 - 1833 vua Minh Mạng lại ban hành Dụ cấm đạo lần thứ hai. Theo đó, bất kỳ người phương Tây nào bị bắt trên tàu ngoại quốc lúc vào nội địa đều bị xử tử và bất cứ địa phương nào để các giáo sỹ lén lút truyền giáo thì quan địa phương đó cũng bị xử tử. Đồng thời Minh Mạng cũng yêu cầu tất cả mọi người theo đạo phải thật lòng bỏ đạo, nếu những người dân nào vẫn còn theo đạo thì sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. Sau cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi ở Nam kỳ có sự tham gia của các giáo sỹ Pháp, Minh Mạng liền ban hành một loạt các Dụ cấm đạo cùng với việc tiến hành khủng bố, giam cầm, giết hại các giáo sỹ ngoại quốc. Điều đó làm cho mối quan hệ Pháp - Việt liên quan đến đạo Thiên chúa ngày càng trở nên phức tạp.
Sau khi Thiệu Trị lên ngôi (1841), thực dân Pháp phái một chiến hạm đến Đà Nẵng yêu cầu thả 5 giáo sỹ đang bị triều đình Huế giam giữ, thế nhưng sau khi được thả ra 5 giáo sỹ này lại quay lại Việt Nam lén lút hoạt động truyền giáo. Đồng thời với điều đó, các giáo sỹ Pháp ở Gia Định cùng với Giám mục Lefèbre âm mưu làm đảo chính lật đổ Thiệu Trị (1844). Sự việc không thành, Lefèbre bị bắt và được triều đình nhà Nguyễn trao trả lại cho Pháp vào tháng 7 - 1845. Thế nhưng Lefèbre vẫn ở lại Việt Nam lén lút hoạt động truyền giáo và bị bắt lại ngày 8 - 7 - 1846. Để tránh sự phiền phức trong quan hệ với Pháp, triều đình nhà Nguyễn đã thả Lefèbre vào đầu tháng 7 - 1847 và ra lệnh trục xuất y về nước. Về phía Pháp, sau sự kiện trên vẫn tiếp tục gây áp lực với triều đình nhà Nguyễn yêu cầu nhà Nguyễn phải bãi bỏ lệnh cấm đạo, cho phép nhân dân được tự do theo đạo và không được giết hại các giáo sỹ. Sự căng thẳng trong quan hệ Pháp - Việt đã dẫn đến vụ nổ súng của quân Pháp tại cửa biển Đà Nẵng làm chìm 5 tàu của triều đình Huế, phá hủy các pháo đài, công sự của nhà Nguyễn và làm cho hàng trăm binh lính và dân thường bị chết. Trước tình hình đó, vua Thiệu Trị ra lệnh nghiêm trị những người theo đạo và cấm các giáo sỹ ngoại quốc không được phép vào Việt Nam giảng đạo.
Đến thời Tự Đức (1847), việc cấm đạo lại càng gắt gao hơn. Trước sự gia tăng các hoạt động truyền giáo của các giáo sỹ Pháp, nhà vua Tự  Đức đã ban hành các Dụ cấm đạo vào các năm 1848 và 1851. Trong đó quy định khen thưởng cho những ai bắt được các giáo sỹ phương Tây sẽ được nhận 30 nén bạc. Các giáo sỹ phương Tây nếu bị tội nặng thì bị xử bằng cách buộc đá vào cổ rồi vứt xuống biển. Riêng đối với các đạo trưởng không chịu bỏ đạo thì thích chữ vào mặt rồi đày đi rừng thiêng nước độc.
Sang đầu những năm 50 của thế kỷ XIX, thực dân Pháp liên tiếp phái các tàu chiến đến Đà Nẵng bắn phá các đồn lũy, đưa yêu sách đòi thông thương và cho phép các giáo sỹ được tự do đi lại truyền đạo. Đáp lại những yêu cầu trên, vua Tự Đức lại ban hành thêm một Dụ cấm đạo mới vào tháng 7 - 1857 và tiến hành tàn sát các giáo dân. Với việc làm đó đã tạo thêm nguyên cớ để cho thực dân Pháp phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam vào ngày 1 - 9 - 1858 mở đầu cho thời kỳ mở cửa của Việt Nam trong quan hệ với các nước thực dân phương Tây.
ở Trung Quốc, do các giáo sỹ phương Tây lợi dụng quá trình truyền đạo để lôi kéo quần chúng, điều tra binh mã, lương thực và vẽ bản đồ ở các tỉnh cho nên các vua nhà Thanh trong khi sử dụng các giáo sỹ trong việc soạn lịch, vẽ bản đồ, đúc súng đại bác đã tiến hành theo dõi những hoạt động của họ và hạn chế việc truyền giáo. Năm 1704, nhân việc Giáo Hoàng La Mã ra lệnh cho các giáo sỹ ở Trung Quốc không được cho phép các tín đồ đạo Thiên chúa thờ cúng Khổng Tử và tổ tiên nên vua nhà Thanh lúc bấy giờ là Khang Hi đã ban hành sắc lệnh cấm hẳn việc truyền đạo. Các vua kế vị Khang Hi tuân thủ một cách triệt để sắc lệnh trên đã làm cho quan hệ giữa nhà Thanh với các nước phương Tây trở nên căng thẳng.
Năm 1757, vua Càn Long đã ra lệnh đóng tất cả các cửa biển mà trước đây Trung Quốc cho phép thuyền buôn các nước phương Tây đến trao đổi hàng hoá trừ cửa biển Quảng Châu. Thời kỳ đóng cửa của Trung Quốc trong quan hệ với các nước phương Tây kéo dài cho tới năm 1840, khi thực dân Anh tiến hành cuộc chiến tranh với Trung Quốc mà lịch sử gọi là cuộc chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất.
ở Nhật Bản, việc cấm đạo được bắt đầu từ thời Hiđêyôsi nhưng do nhu cầu mở rộng và phát triển quan hệ buôn bán với nước ngoài nên chính quyền Mạc Phủ đôi lúc cũng làm ngơ. Tuy nhiên, đến năm 1613 chính quyền Mạc Phủ mới thực hiện chính sách cấm đạo gắt gao. Một loạt các dụ cấm đạo được ban hành, các giáo sỹ bị trục xuất và thậm chí còn bị xử tử. Năm 1624, chính quyền Mạc Phủ trục xuất các giáo sỹ Tây Ban Nha và đã xử thiêu 50 tín đồ đạo Thiên chúa. Đặc biệt, sau sự kiện chống đối của 20.000 nông dân theo đạo Thiên chúa và võ sĩ thất nghiệp ở Shimabara miền Tây Kyushu năm 1637, chính quyền Mạc Phủ thực thi chính sách cấm đạo triệt để. Đến năm 1639, lệnh đóng cửa chính thức được ban hành; mọi quan hệ giao lưu buôn bán với nước ngoài đều bị cấm, các lái buôn và giáo sĩ nước ngoài đều phải rời khỏi Nhật Bản, trừ người Trung Quốc và Hà Lan được phép buôn bán ở Deshima, một hòn đảo nhỏ nằm trong hải cảng Nagasaki.
Như vậy, chính sách cấm đạo của Nhật Bản đã mở đầu cho thời kỳ đóng cửa của Nhật Bản và làm cho Nhật Bản quay lưng lại với thế giới trong suốt hơn 200 năm từ năm 1639 cho đến khi Mỹ đến gõ cửa Nhật Bản vào năm 1853.
*
*          *
Nhìn lại thái độ của các nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản trước sự xâm nhập của đạo Thiên chúa phương Tây từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX chúng ta thấy rằng các triều đại phong kiến Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản trong thời kỳ đầu quan hệ với các nước phương Tây đã tỏ rõ thái độ khoan dung, không kỳ thị đối với đạo Thiên chúa. Thế nhưng do mục đích của các nước phương Tây là thông qua việc truyền đạo để thực hiện âm mưu thôn tính nên cả 3 nước trên cuối cùng đều phải thực thi chính sách cấm đạo và đóng cửa nhằm bảo toàn an ninh và chủ quyền dân tộc. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách đóng cửa chỉ là giải pháp bắt buộc cho nên cả 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn mở cửa cho các nước phương Tây đến buôn bán ở Đà Nẵng, Quảng Châu và Deshima. Rõ ràng cả 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn tỏ thái độ thiện chí với các nước phương Tây, song các nước phương Tây lại không đáp ứng thiện chí đó mà trái lại càng lấn tới chẳng khác nào như phương ngôn người ta thường nói “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”. Thực tế đã xảy ra là, đến giữa thế kỷ XIX cả 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản đều phải mở cửa trong quan hệ với các nước phương Tây. Tuy nhiên, điều cần nhận thấy ở đây là việc mở cửa của 3 nước trên hoàn toàn không giống nhau: Việt Nam mở cửa bằng súng đạn, Trung Quốc bằng con đường buôn bán thuốc phiện, còn Nhật Bản bằng con đường “hoà bình”.
Thời gian đóng cửa liên quan đến chính sách cấm đạo cho đến khi mở cửa ở Việt Nam là trên 50 năm, ở Trung Quốc gần 100 năm còn ở Nhật Bản kéo dài trên 200 năm. Trong khoảng thời gian đó, Nhật Bản thực thi chính sách cấm đạo triệt để nhưng lại cho phép Hà Lan được tự do buôn bán ở Deshima, Trung Quốc thì chỉ cấm đạo đối với những ai loại trừ việc thờ Khổng Tử và tổ tiên nhưng đồng thời vẫn cho phép các thuyền buôn phương Tây chủ yếu là các thương nhân Anh đến giao lưu buôn bán ở Quảng Châu. Còn ở Việt Nam do có “duyên nợ” với Pháp từ trước cho nên mặc dù trong khi thực hiện chính sách cấm đạo gắt gao nhưng vẫn phải miễn cưỡng cho phép Pháp đến trao đổi hàng hoá ở cửa biển Đà Nẵng. Điều nghịch lý ở đây là thực dân Pháp coi đạo Thiên chúa là công cụ chủ yếu để xâm nhập Việt Nam cho nên bằng mọi giá phải khai thông con đường này. Chính sự bế tắc trong phương sách giải quyết đã làm cho Việt Nam đối mặt với sự xâm nhập ngày càng gia tăng của đạo Thiên chúa, dẫn đến việc thực hiện chính sách cấm đạo một cách cực đoan, tạo điều kiện cho thực dân Pháp dựa vào đó “hợp thức hoá” cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Có lẽ đây là điểm mở để chúng ta hiểu rõ lý do tại sao 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản cùng thực thi chính sách cấm đạo như nhau nhưng rốt cuộc chỉ có Việt Nam phải đối mặt với đạo Thiên chúa và trở thành đối tượng xâm lược của thực dân Pháp trong khi Trung Quốc và Nhật Bản tránh được hiểm hoạ đó từ phía Pháp.

Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thế Anh: Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, NXB Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1971.
2. Phan Ngọc Liên (chủ biên): Lịch sử Nhật Bản, NXB Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1995.
3. Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý: Lịch sử Trung Quốc, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001.
4. Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn: Đại cương lịch sử Việt Nam (toàn tập), NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001.
5. Vĩnh Sính: Nhật Bản cận đại, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1991.
6. Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 3, năm 2001.

PGS, TS. Nguyễn Văn Tận
Trường Đại học Huế
Lược trích từ tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á