Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Quá trình thâm nhập tiếng Anh vào các cộng đồng dân cư Bắc Mỹ thời kỳ thuộc địa.

TRẦN THIỆN THANH


N
ăm 1607, Jamestown - khu định cư thường xuyên đầu tiên của người Anh ở Bắc Mỹ được thành lập. Từ đó, đất Bắc Mỹ đã chứng kiến sự mở đầu cơn sóng nhập cư từ Anh. Kéo dài suốt hai thế kỷ, dòng nhập cư này từ nhỏ giọt chừng vài trăm người lập nghiệp đến hàng vạn người mới tới. Bị thúc ép, bị bắt buộc bởi nhiều động cơ, lý do mạnh mẽ và khác nhau, họ tới Tân Thế giới và góp phần xây dựng một nền văn minh mới ở phần phía Bắc của lục địa này.
Trong quá trình đó, người Anh từ chỗ là cư dân thiểu số, đã dần dần chiếm ưu thế trong cộng đồng cư dân Bắc Mỹ. Ưu thế về mặt số lượng của người Anh so với dân cư bản địa và các nhóm di cư khác từ các nước châu Âu, châu Phi trong thời gian đầu chủ yếu nhờ tăng cơ học - những đợt di cư từ chính quốc. Nhưng, dưới tác động của một số nhân tố, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dần chiếm ưu thế. Đến cuối thế kỷ XVII, khoảng 90% dân định cư tại các thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ là người Anh và con cháu họ. Sau đó, do sự phát triển của những dòng nhập cư khác từ châu Âu và châu Phi, đến năm 1775, tỷ lệ này không còn cao như trước, nhưng so với những nhóm cư dân khác như: nô lệ và dân da đen tự do (20%), Scotch-Irish (7,8%), Đức (6,9%), Scotland (6,6%), Hà Lan (2,7%), Pháp (1,4%), Thụy Điển (0,6%) và một số nhóm người khác (5,3%), người Anh vẫn là thành phần dân cư đông nhất - chiếm 48,7%.
Với ưu thế về dân số, lại có trình độ phát triển kinh tế cao hơn nên ở Bắc Mỹ đã xảy ra quá trình đồng hoá của người nhập cư với cư dân bản địa. Trong cộng đồng người nhập cư, người Anh chiếm đa số, hơn nữa lại là người cai trị 13 thuộc địa, nên quá trình đồng hóa diễn ra trước hết giữa cộng đồng dân di cư mà hạt nhân là người Anh với cư dân bản địa, kế đến là giữa người Anh với các cộng đồng dân cư khác di cư từ các nước châu Âu, châu Phi - thể hiện rõ nét nhất trên phương diện ngôn ngữ. Tuy nhiên, phải khẳng định là quá trình này dù có diễn ra ở mức độ nào cũng không thể xác lập một cách tuyệt đối văn hoá Anh với các cộng đồng dân cư khác. Ở mỗi cộng đồng dân cư đó, trong chừng mực nhất định vẫn bảo lưu được những giá trị văn hoá truyền thống của mình. Hơn nữa, khi người Anh cũng như cư dân của các nước khác di cư sang Bắc Mỹ, những điều kiện địa lý, môi sinh, môi trường, xã hội khác rất nhiều so với nơi họ xuất cư, nên trong cộng đồng dân cư ở Bắc Mỹ, bên cạnh những nét văn hóa mang tính truyền thống đã tiếp nhận hoặc đã hình thành những thành tố văn hóa mới phù hợp với những thay đổi về môi trường tự nhiên xã hội ở vùng đất mới.
1. Sự thâm nhập tiếng Anh vào cộng đồng người bản địa
Trước khi tiếp xúc với người Anh, cư dân bản địa Mỹ đã trải qua một thời gian dài chịu ảnh hưởng văn hoá Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp... Trong khi đó những gì các nhà xâm thực Anh biết về nền văn hoá xa lạ của họ hầu như chỉ giới hạn trong những cuốn sách viết về châu Mỹ và những kinh nghiệm từ quá trình xác lập thuộc địa ở Ireland. Trong thời gian đầu sau khi đặt chân lên Bắc Mỹ, những bất đồng về ngôn ngữ khiến các nhà xâm thực Anh không thể hiểu đầy đủ về cuộc sống và văn hoá của người bản địa. "Chưa được khai hóa và ngu ngốc", "Những con người lạ lùng", "Kỳ quặc" là quan niệm phổ biến của người Anh về cộng đồng cư dân đã sinh sống hàng ngàn năm trên mảnh đất Bắc Mỹ. "Lối sống của họ khác chúng ta hoàn toàn", "cả chúng ta và họ đều không thể hiểu thấu đáo suy nghĩ và thói quen của nhau" là kết luận được John Lawson rút ra sau tám năm nghiên cứu văn hóa của người bản địa sống tại Carolina. Trong khi đó, để phục vụ và củng cố nền thống trị Anh ở Bắc Mỹ, việc thiết lập địa vị độc tôn của tiếng Anh là hết sức cần thiết.
Song sự thâm nhập tiếng Anh vào cộng đồng cư dân bản địa là một quá trình lâu dài. Biện pháp được người Anh sử dụng ở đây cũng không giống với thuộc địa Anh tại một số nơi khác, tức là đưa tiếng Anh vào hệ thống giáo dục cho người bản địa1. Tại Bắc Mỹ, ban đầu người Anh tổ chức các buổi diễn kịch pantomime2 trong đó sử dụng tối đa cử chỉ, điệu bộ, lối biểu hiện trên nét mặt và bất cứ âm thanh nào có thể giúp người xem nắm được ý chính của vở kịch. Cách này đạt được hiệu quả nhất định. Nhờ đó, người Anh và người bản địa có thể đoán được ý nghĩa một số cử chỉ, điệu bộ của nhau. Chẳng hạn, điệu bộ vẫy lông thú của người Indian mỗi khi gặp tàu Anh có nghĩa là họ sẵn sàng tiến hành trao đổi hàng hoá. Ngược lại, người Indian cũng nhận ra rằng khi người Anh đặt một đống vỏ sò vào xuồng của mình có nghĩa là người Anh muốn kết bạn với họ.
Trong giai đoạn tiếp xúc đầu tiên, hệ thống biểu tượng của người bản địa khá đa dạng và người Anh phải học cách "đọc" và hiểu những biểu tượng này. Vào thế kỷ XVII, nhờ việc đếm số đá cuội, nút dây hoặc hạt ngô do các "lái buôn" bản xứ gửi từ vùng nội địa, người dân Virginia biết được khi nào là thời điểm thích hợp để tiến vào vùng đất của người Indian trao đổi buôn bán. Tương tự như vậy, người Anh có thể nhận biết được người của các bộ lạc bản địa thông qua việc nhìn hình xăm hoặc hình vẽ: hình con rắn là biểu tượng của người Occaneechi, quả dừa - người Susquehannock, ba mũi tên - người Nahyssan... Cách "giao tiếp" này của các thương nhân cũng được chính phủ thuộc địa chấp nhận. Dẫn chứng tiêu biểu là bang Nam Carolina đã gửi thông điệp tới các bộ lạc bản địa ở xa bằng các sợi dây có thắt nút, bang New York yêu cầu bộ lạc Iroquois sau khi nhận thông điệp bằng các chuỗi vỏ sò cũng phải trả lời theo cách đó...
Song, phương thức giao tiếp này có nhiều điểm hạn chế, dễ gây hiểu lầm và khó trao đổi những vấn đề phức tạp. Vì vậy, yêu cầu phá vỡ rào cản ngôn ngữ một lần nữa được đặt ra. Trao đổi bằng lời đã xuất hiện nhưng hết sức hạn chế. Chẳng hạn, cuộc tiếp xúc giữa William Hilton và một bộ lạc ở Carolina vẫn diễn ra với rất nhiều cử chỉ ra hiệu, trao đổi bằng lời chỉ gồm hai từ "Bonny" (tốt, vui mừng, xinh đẹp) và "Skerry" (đá). Dần dần, tiếng Anh "bồi"3 xuất hiện. Động lực quan trọng nhất sự ra đời của kiểu ngôn ngữ này là nhu cầu trao đổi buôn bán. Cả người Anh và người bản địa đều có những mặt hàng mà người kia cần. Đối với người bản địa, hoạt động trao đổi thường mang ý nghĩa nghi thức nhằm thiết chặt quan hệ giữa người này với người kia. Trong các nghi lễ đó, hàng hoá trao đổi được coi như một món quà. Quan niệm của thương nhân Anh lại hoàn toàn khác, giá cả và lợi nhuận là những điều họ nghĩ tới đầu tiên. Ban đầu, việc trao đổi buôn bán ở Bắc Mỹ có sự kết hợp hai quan niệm này, nhưng dần dần ý nghĩa thương mại được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, hoạt động trao đổi buôn bán chỉ được tiến hành thuận lợi khi hai bên thông hiểu ngôn ngữ của nhau. Tiếng Anh "bồi" ra đời từ chính nhu cầu đó. Ở đây cần nhấn mạnh rằng, trong thời gian đầu, nhiều người bản địa đã cản trở quá trình này hoặc tìm cách duy trì ngôn ngữ của họ ở vị trí trội vượt hơn. Nhưng, với sự kiên trì và đòi hỏi của nhu cầu giao tiếp khi mật độ tiếp xúc trở nên thường xuyên hơn, "những chuyên gia về ngữ pháp bản địa" (Indian grammarians) đã vượt qua điều đó để mở rộng phạm vi sử dụng của ngôn ngữ này. Hơn nữa, quá trình truyền giáo và quan niệm của người Anh coi việc học và sử dụng tiếng Anh là biểu hiện của sự tuân phục nền thống trị của họ tại đây đã đóng góp vào việc làm cho tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ có vị trí quan trọng ở Bắc Mỹ. Một số quy định bắt buộc sử dụng tiếng Anh xuất hiện. Vào những năm 1670, những người đứng đầu vùng đất ven sông Potomac (Virginia) đề ra quy định: tại các cuộc gặp chính thức, người Indian phải tự dịch nội dung trao đổi. Quy định tương tự cũng lặp trên trong phạm vi toàn bang Virginia. Kết quả là, vào năm 1710, tức là sau thời điểm thành lập khu định cư Nam Carolina 40 năm, thanh thiếu niên bản địa được sinh ra sau khi người Anh định cư ở vùng đất này đã nói thành thạo tiếng Anh4. Năm 1734, người bản địa ở Virginia "hiểu và có thể nói tiếng Anh rất tốt"5. Một vài người bản địa đã học cách đọc và viết bằng tiếng Anh6.
2. Sự thâm nhập tiếng Anh vào các cộng đồng dân nhập cư khác
Quá trình thâm nhập tiếng Anh vào các cộng đồng dân nhập cư khác vừa mang tính tự nhiên, vừa mang tính áp đặt.
Tính tự nhiên thể hiện ở chỗ, với vị trí hàng đầu về dân số, kinh tế, người Anh luôn chiếm ưu thế trong quan hệ tài chính, thương mại với các cộng đồng khác và buộc họ khi quan hệ với người Anh phải sử dụng tiếng Anh. Hơn nữa, ngay trong cộng đồng dân nhập cư khác đã có không ít người sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trước khi họ di cư sang Bắc Mỹ. Đây chính là kết quả của quá trình tiếp xúc, nghiên cứu và truyền bá tư tưởng, văn hoá Anh ra thế giới thời kỳ trước đó.
Tính áp đặt thể hiện ở chỗ, với vị trí là chủ nhân của thuộc địa Bắc Mỹ, người Anh tìm mọi cách làm cho tiếng Anh trở nên phổ biến ở tất cả các bang thuộc địa. Bằng quyền lực thống trị, người Anh đã áp đặt ngôn ngữ và lối sống của họ tại các bang thuộc địa và rõ ràng họ đã đạt được phần nào ý đồ của mình. Hơn nữa, với đặc điểm được hình thành từ nhiều nguồn7, tiếng Anh trở nên gần gũi với người Đức, người Pháp và các dân tộc vốn đã từng chinh phục và để lại dấu ấn văn hoá trên lãnh thổ của người Anh. Điều đó cùng với ưu thế về ký tự, cách phát âm đã tạo cho tiếng Anh lợi thế để có thể được truyền bá rộng rãi khắp các thuộc địa. Kết quả là, số lượng người Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha... nói tiếng Anh ngày càng đông. Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức và phổ biến tại tất cả các bang thuộc địa, trừ những cộng đồng nước ngoài biệt lập.
Nhưng, cũng phải khẳng định rằng, trong khi việc sử dụng tiếng Anh ảnh hưởng lớn đến các ngôn ngữ khác và tạo sự biến đổi dần về vốn từ vựng cho những ngôn ngữ đó, thì bản thân tiếng Anh của người Anh cũng dần biến đổi và trở thành "tiếng Anh Mỹ" (American English). "Tiếng Anh Mỹ" có đặc điểm:
ŸVay mượn từ vựng của ngôn ngữ bản địa (barbecue, canoe, chocolate, cocoa, maize, potato, tomato, caribou, tamahawk,... nhưng thay đổi cách phát âm); hình thức rút ngắn của từ bản địa (hominy từ rockahominy, squash từ asquutasquash, hickory từ pawcohiccora...); biến thể của từ bản địa (muskrat từ muskwessu hoặc muscassus, woodchuck từ otchek hoặc odjik...); kết hợp với tiếng Anh (shunk cabbage, shunk bear, Indian pony, Indian mallow...)...
ŸVay mượn từ vựng của các ngôn ngữ châu Âu và châu Phi, chẳng hạn từ tiếng Pháp (portage, prairie), tiếng Hà Lan (boss, cookie), châu Phi (cooter-turtle, goober-peanut, juke-immoral, disorderly, juju-amulet)...
ŸChịu ảnh hưởng cách phát âm của các ngôn ngữ khác.
ŸPhục hồi nhiều từ và cách phát âm những từ không được sử dụng ở nước Anh trên hai thế kỷ trước đó, chẳng hạn: adze, andiron, bay-window, greenhorn, home-spun, jeans, loophole, molasses...
ŸSự khác biệt trong cách phát âm của cư dân các vùng khác nhau ở nước Anh trải qua quá trình định cư lâu dài ở Bắc Mỹ có xu hướng bị xóa mờ. Trong khi đó, cách phát âm "tiếng Anh Mỹ" ở các thuộc địa lại nổi lên.
Chính sự ra đời ngôn ngữ chung - tiếng Anh là một trong những nền tảng cho sự hình thành nền văn hoá Bắc Mỹ tách ra khỏi ảnh hưởng văn hoá chính quốc. Cùng với những tác động khác của quá trình nhập cư và định cư (chủ yếu từ Anh), sự hình thành nền văn hoá này đã góp phần gắn bó những cộng đồng có nguồn gốc khác nhau, ý thức là người Bắc Mỹ dần hình thành. Đây chính là một trong những tiền đề quan trọng cho sự hình thành một dân tộc mới - dân tộc Bắc Mỹ và cho sự ra đời của nước Mỹ cuối thế kỷ XVIII.
_______________
Chú thích:
[1]) Trên thực tế, người Anh cũng có ý định lập ra một số trường phục vụ việc khai hóa cho người bản địa nhưng vì nhiều nguyên nhân đã không thành lập được. Cũng có trường hợp, tại một số trường đã được thành lập, mục tiêu ban đầu là cải đạo cho người bản địa không được thực hiện đầy đủ.
2) Pantomime là loại kịch có nhạc, múa, trò hề dựa trên truyện cổ tích, thần thoại.
3) Tiếng được chuyển hóa từ tiếng Anh và các thứ tiếng của người bản địa.
4) Philip D. Morgan (1993), Diversity and Unity in Early North America, Routledge, London & New York, tr.85
5) Sđd, tr. 86
6) Sđd, tr. 87
7) Tiếng Angles - Saxon (tức tiếng Anh cổ) có nền tảng là phương ngữ Germanic do những người Angles, Saxons và Jute áp đặt vào thế kỷ X. Từ thế kỷ VIII đến thế kỷ IX, từ vựng được phong phú lên nhờ vốn từ Bắc Âu do người Viking đem lại. Sau đó, với sự chinh phục của người Noocmandi, tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ chính thức ở Anh. Việc sử dụng tiếng Pháp đã ảnh hưởng lớn đến tiếng Anh cổ và tạo sự biến đổi dần về vốn từ vựng cho tiếng Anh hiện đại.
http://www.vias.com.vn