Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Những đóng góp của Việt Nam vào sự phát triển Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Năm 2010, Việt Nam là Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Với vai trò mới Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của Cộng đồng kinh tế ASEAN, một trong những trụ cột cơ bản của tổ chức này.
1 - Những bước phát triển của Cộng đồng Kinh tế ASEAN
Ngày 15-12-2008, ASEAN chào mừng sự kiện Hiến Chương ASEAN chính thức có hiệu lực với tất cả 10 quốc gia thành viên. Kể từ thời điểm này, ASEAN đã trở thành một thực thể mang bản sắc rất riêng dựa trên sự gắn kết kinh tế, chính trị và mối bang giao văn hóa gần gũi giữa các nước. Hiến chương khẳng định mục tiêu xây dựng một Cộng đồng trên nền tảng ba trụ cột là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng An ninh - Chính trị và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Khát vọng của ASEAN về một Cộng đồng đoàn kết, năng động và thịnh vượng đã và đang trở thành hiện thực.
Là một trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN, sự hình thành AEC là kết quả của quá trình liên kết kinh tế, chính trị lâu dài của ASEAN. Khởi đầu, ý tưởng thiết lập AEC chỉ là một hoạt động tiếp nối, mở rộng các cam kết tự do hóa mà ASEAN đã thực hiện trong khuôn khổ Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) từ năm 1993. Năm 2003, một nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của ASEAN do Công ty Mc Kinsey và Ban Thư ký ASEAN đồng thực hiện đã cảnh tỉnh về một thực tế ASEAN đang mất dần lợi thế cạnh tranh tương đối so với các nền kinh tế mới nổi khác như Trung Quốc, Ấn Độ. Tình thế đó đặt ra cho ASEAN phải tìm kiếm một động lực phát triển mới dựa trên sự tập trung về lợi thế cạnh tranh của các thành viên thông qua các liên kết ngành. Chỉ khi ấy, một thị trường với 592 triệu dân và GDP là 1.499 tỉ USD (năm 2009) của ASEAN mới thực sự tạo ra một thế mạnh chung. Năm 2004, ý tưởng này được hiện thực hóa một bước với việc lãnh đạo các nước ASEAN nhất trí xây dựng AEC vào năm 2020 dựa trên kế hoạch kết nối 12 lĩnh vực ưu tiên mà ASEAN có lợi thế cạnh tranh. Đó là những lĩnh vực như nông nghiệp, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, điện tử, cao su, ô-tô, giày dép, du lịch, vận tải hàng không, dịch vụ logistics. Tuy đã có một kế hoạch chuẩn bị chi tiết cho 12 lĩnh vực, nhưng trong thời gian sau đó việc thực thi đơn lẻ đã không phát huy hiệu quả hợp tác mới và thu hút được rất ít sự quan tâm của các doanh nghiệp và cộng đồng. Vì vậy, mục tiêu kết nối ngành kinh tế đứng trước nguy cơ mất tác dụng. Do đó, hai năm sau, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ bảy tổ chức vào tháng 1-2007 tại Xê-bu (Phi-líp-pin), các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua việc xây dựng Kế hoạch tổng thể và lộ trình chiến lược thực hiện AEC. ASEAN nhất trí xây dựng một lộ trình chiến lược thực hiện AEC với các biện pháp chi tiết và một thể chế thực thi chặt chẽ cùng với việc đồng thời đẩy nhanh mục tiêu hoàn thành thiết lập AEC vào năm 2015, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu đã đặt ra trước đó. Đây được xem là cột mốc quan trọng nhất kể từ năm 2002 sau khi ASEAN hoàn thành một bước Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung để thực hiện Khu vực thương mại tự do ASEAN (CEPT/AFTA).
Là một trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN, sự hình thành AEC là kết quả của quá trình liên kết kinh tế, chính trị lâu dài của ASEAN.
Lộ trình chiến lược và kế hoạch tổng thể thực hiện AEC đề cập hàng trăm biện pháp thuộc các lĩnh vực từ thuế quan, các biện pháp phi thuế, thủ tục hải quan, chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, dịch vụ, đầu tư đến các vấn đề môi trường, lao động, phát triển nguồn nhân lực. AEC dựa trên 4 nhóm biện pháp trụ cột như sau: (1) Nhóm biện pháp để tạo lập một thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất; (2) Nhóm biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các khu vực, ngành kinh tế; (3) Nhóm các biện pháp tạo sự phát triển công bằng và đồng đều; (4) Nhóm các biện pháp kết nối nền kinh tế ASEAN với bên ngoài. Mô hình dưới đây sẽ minh họa cấu thành các nhóm biện pháp để xây dựng AEC.
Điểm đặc biệt trong cấu trúc xây dựng AEC là ASEAN sẽ không chỉ chú trọng vào các biện pháp liên kết nội khối mà còn bao gồm cả nhóm các biện pháp hội nhập ASEAN với nền kinh tế toàn cầu. Cấu trúc này phản ánh một thực tế khách quan là ASEAN đang và sẽ luôn gắn kết vào nền kinh tế khu vực và thế giới. AEC là tâm điểm giao thoa của hàng chục thỏa thuận thương mại song phương và đa phương mà hiện ASEAN đang triển khai thực hiện hoặc tham gia đàm phán với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, ấn Độ, EU, thậm chí là các nước thuộc Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR). Trên thực tế, AEC đang xác lập ví trị trung tâm của mình trong cấu trúc kinh tế khu vực và toàn cầu. Sự thịnh vượng của AEC chỉ thực sự vững chắc khi AEC tạo được mối liên kết hài hòa giữa hợp tác nội khối và giữa ASEAN với các đối tác ngoài khối.
Như vậy, ý tưởng về AEC đã trở nên rõ ràng hơn. AEC sẽ là một thị trường chung, một không gian sản xuất thống nhất, nhằm phát huy lợi thế chung của khu vực ASEAN, từng bước xây dựng một nền kinh tế mang tầm khu vực năng động, có tính cạnh tranh cao trên thế giới, đem lại sự thịnh vượng chung cho người dân và tất cả các nước thành viên ASEAN. Hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và lao động có tay nghề sẽ được tự do lưu chuyển trong ASEAN mà không chịu bất cứ rào cản hay sự phân biệt đối xử nào giữa các thành viên. Tác động tích cực của AEC sẽ là hệ quả của sự vận động khách quan của các chủ thể và yếu tố sản xuất trong nền kinh tế khu vực. Người tiêu dùng ASEAN sẽ có nhiều lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ với giá cả hợp lý và chất lượng cao hơn. Thương mại nội khối có cơ hội phát triển. Các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhờ phát huy hiệu quả từ quy mô để tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, dẫn tới giá cả hàng hóa cạnh tranh. Thương mại và đầu tư nội khối được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhằm góp phần nâng cao năng lực sáng tạo, giải phóng tiềm năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó sản phẩm được sản xuất ra sẽ đa dạng hơn, chất lượng và hiệu quả cao hơn, có lợi cho người tiêu dùng. Điều mong đợi hơn cả là việc AEC có thể tạo nên sự liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp ASEAN, đóng góp vào tăng trưởng và thịnh vượng chung của khu vực. Cùng với sự di chuyển thuận lợi của lao động có tay nghề, AEC khuyến khích các lao động có chuyên môn trong ASEAN có thể đóng góp vào việc mở rộng tầng lớp có thu nhập khá, giảm khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm ổn định xã hội, bên cạnh việc thúc đẩy thiết lập thị trường tiêu dùng với sức mua hàng hóa và dịch vụ ổn định. Như vậy, AEC không đơn thuần chỉ là tập hợp của hàng loạt cam kết tự do hóa mà còn được xây dựng dựa trên sự thống nhất, hài hòa cao độ về hệ thống tiêu chuẩn, quy trình quản lý hoạt động thương mại, đầu tư và khả năng điều phối chặt chẽ các chính sách vĩ mô giữa các thành viên.
Mục tiêu xây dựng AEC đòi hỏi một thể chế tổ chức mới đủ khả năng triển khai thực hiện một số lượng lớn các biện pháp trong 12 lĩnh vực chuyên ngành trực thuộc 12 hội nghị cấp bộ trưởng trong khuôn khổ AEC. Theo quy định trong Hiến chương ASEAN, Hội đồng AEC được thành lập và chịu trách nhiệm điều phối 12 hội nghị cấp bộ trưởng trong việc triển khai kế hoạch tổng thể thực hiện AEC. Từ năm 2009, Hội đồng AEC bắt đầu họp những phiên đầu tiên với mục tiêu rà soát, đánh giá chất lượng hoạt động của các hội nghị cấp bộ trưởng chuyên ngành. Hội đồng AEC có quyền chất vấn và khuyến nghị các hội nghị bộ trưởng chuyên ngành cũng như yêu cầu báo cáo tiến triển thực hiện mục tiêu của AEC. Câu hỏi đặt ra là liệu ASEAN có thể đạt được mục tiêu AEC chỉ trong vòng 5 năm nữa hay không? Theo nhận thức chung, khả năng thành công của AEC chắc chắn phụ thuộc vào một số nhân tố quan trọng bao gồm: (1) Quyết tâm chính trị của các nước thành viên; (2) Năng lực phối hợp và huy động nguồn lực của ASEAN; (3) Tôn trọng và thực hiện đầy đủ, đúng hạn các cam kết của khu vực; (4) Xây dựng năng lực thực hiện và phát triển thể chế khu vực; (5) Sự tham gia của doanh nghiệp và người dân, trong đó nếu như quyết tâm chính trị là nhân tố đầu tiên, tiên quyết để khởi động các chương trình hợp tác giữa các nước ASEAN thì sự tham gia của doanh nghiệp và người dân ASEAN là nhân tố khẳng định hiệu quả và hướng đi đúng đắn của AEC khi AEC mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp ASEAN.
Năm 2010 là năm có nhiều dấu mốc trong chặng đường thực hiện mục tiêu AEC. Từ tháng 1-2010, có 99% tổng số dòng thuế đã được xóa bỏ trong thương mại nội khối ASEAN. Mức thuế quan trung bình đã giảm từ 4,4% năm 2000 xuống còn 0,9% trong năm 2009. Tất cả 12 lĩnh vực ưu tiên hội nhập của ASEAN đều đi vào giai đoạn hoàn thành. Để giảm chi phí giao dịch, ASEAN đang hướng tới thành lập “Cơ chế một cửa” ASEAN (ASW) để tăng tốc độ thông quan và giải phóng hàng hóa. Tất cả các thành viên ASEAN đang thực hiện “Cơ chế hải quan một cửa quốc gia” (NSW) ở những giai đoạn khác nhau và sẽ hoàn thành trước năm 2012. Hiệp định về thương mại hàng hóa mới của ASEAN có hiệu lực từ ngày 1-5-2010 thay thế cho Hiệp định CEPT/AFTA trước đây đã kịp thời khắc phục những hạn chế pháp lý và mở ra cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn nữa để thúc đẩy các chương trình thuận lợi hóa thương mại. Các luồng di chuyển vốn, dịch vụ được cởi mở thông thoáng theo định hướng của AEC. Theo thống kê của Ban Thư ký ASEAN, tính đến ngày 1-1-2010 có 91 trong tổng số 124 văn kiện pháp lý của AEC đã có hiệu lực. Con số này chiếm 73% của tất cả các văn kiện pháp lý liên quan tới AEC, so với 50% trong năm 2002. Các nước thành viên ASEAN đang rất nỗ lực để thông qua tất cả các văn kiện trong khuôn khổ AEC trong năm 2010. Trong năm này, ASEAN sẽ xây dựng cơ chế mới để đánh giá tiến độ thiết lập AEC, khởi đầu sẽ là Biểu đánh giá thực hiện AEC và tổ chức nhiều phiên tham vấn với các nước để rà soát chất lượng và tiến độ thực hiện AEC. Năm 2010, nhiều cam kết tự do hóa thương mại phù hợp với chuẩn mực của WTO về một khu vực thương mại tự do đầy đủ của ASEAN với một số đối tác lớn cũng sẽ hoàn tất bao gồm Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, Khu vực thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc. Năm 2010, ASEAN đang nghiên cứu và có thể đưa ra những quyết định quan trọng đối với việc mở rộng các liên kết giữa ASEAN với các đối tác ngoài khối. Nhìn chung, ASEAN đang bước đi một cách vững chắc trên con đường hướng tới AEC.
2 - Nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy AEC
AEC là một lựa chọn chính sách mang tầm chiến lược của ASEAN với xuất phát điểm là mong muốn hội nhập của mỗi thành viên, trong đó có Việt Nam. Xét trên phương diện chính trị, kinh tế và thương mại, ASEAN là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của nước ta và là động lực giúp nền kinh tế nước ta duy trì tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu trong nhiều năm qua. Với lợi thế là một khu vực phát triển năng động, gần gũi về địa lý, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và ASEAN có mức tăng trưởng cao. So với năm 2002, thương mại hai chiều giữa các nước ASEAN và Việt Nam đã tăng hơn 3 lần, đạt gần 30 tỉ USD vào năm 2008, chiếm 25% tổng kim ngạch của nước ta. Cũng trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang ASEAN là 28,4% và nhập khẩu là 27%. ASEAN giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, vượt trên cả EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN tăng từ 2,9 tỉ USD năm 2003 lên tới 8,9 tỉ USD năm 2009. Năm 2009, Việt Nam đã xuất khẩu sang Xin-ga-po, Thái Lan, Phi-lip-pin, Cam-pu-chia và kim ngạch với từng nước đều đã đạt trên 1 tỉ USD. Cơ cấu xuất khẩu của nước ta sang ASEAN đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực, được nâng cao cả về chất lượng và giá trị. Từ những mặt hàng nông sản sơ chế và nguyên nhiên liệu như gạo, cà phê, cao su, dầu thô có hàm lượng chế tác thấp, đến nay nước ta đã xuất khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp như linh kiện máy tính, dệt may, nông sản chế biến, mỹ phẩm với giá trị cao và ổn định. Việt Nam và các nước ASEAN khác cùng gia nhập các câu lạc bộ các nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới về gạo, cao su, cà phê, hạt điều, hàng dệt may, hàng thủy sản. Trong quan hệ về đầu tư trực tiếp nước ngoài, ASEAN là nguồn cung ứng FDI lớn vào Việt Nam, trong đó bao gồm cả nhiều khoản đầu tư do các công ty đa quốc gia có trụ sở tại ASEAN. Những thành viên ASEAN có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Ma-lai-xi-a (18 tỉ USD), Xin-ga-po (trên 16 tỉ USD), Thái Lan (5,6 tỉ USD), Bru-nây (4,6 tỉ USD) (số liệu năm 2009).
Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia xây dựng AEC với thái độ chủ động và tích cực. Đến năm 2010, nước ta đã giảm thuế nhập khẩu cho 10.054 dòng thuế xuống mức 0% -5% theo CEPT/AFTA, chiếm 97,8% số dòng thuế trong biểu thuế, trong đó có 5.488 dòng thuế ở mức thuế suất 0%. Nước ta cũng tham gia hợp tác một cách toàn diện cùng các nước ASEAN khác từ các lĩnh vực truyền thống như thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, giao thông vận tải, viễn thông, đến các lĩnh vực mới như bảo hộ sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng. Dù trình độ phát triển chưa bằng một số nước trong khu vực, nhưng Việt Nam là một trong 4 thành viên ASEAN có tỷ lệ hoàn thành tốt nhất các cam kết trong lộ trình tổng thể thực hiện AEC.
Dù trình độ phát triển chưa bằng một số nước trong khu vực, nhưng Việt Nam là một trong 4 thành viên ASEAN có tỷ lệ hoàn thành tốt nhất các cam kết trong lộ trình tổng thể thực hiện AEC.
Từ ngày 1-1-2010, Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN của năm 2010. Chúng ta không chỉ tham gia với tư cách là một quốc gia thành viên mà còn tham gia dẫn dắt tiến trình hợp tác chung của ASEAN. AEC vẫn được Việt Nam lựa chọn là một trong các nội dung quan trọng nhất trong Chương trình nghị sự của ASEAN trong năm 2010. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Việt Nam, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ra “Tuyên bố về phục hồi và phát triển bền vững” khẳng định quyết tâm củng cố và xây dựng AEC vào năm 2015. AEC không đơn thuần là vấn đề một “thương hiệu” nhằm thu hút các nhà đầu tư, kinh doanh trong khu vực mà thực sự cho phép ASEAN đóng vai trò ngày một lớn hơn, “vai trò trung tâm” trong quan hệ với các đối tác ngoài khối.
Một trong những trở ngại trên con đường đến với AEC là tình trạng chậm thực hiện của khá nhiều hiệp định quan trọng liên quan đến AEC. Trong năm 2010, Việt Nam cùng với các thành viên ASEAN đã thúc đẩy mạnh mẽ việc sớm khắc phục tình trạng này, nhằm tạo một hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho AEC. Ngày 1-5-2010, sau gần 8 tháng chậm chễ, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã chính thức có hiệu lực, thay thế Hiệp định về thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung để thực hiện CEPT/AFTA. Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), Gói cam kết thứ bảy trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về thương mại dịch vụ (AFAS), Hiệp định đa phương về tự do hóa hoàn toàn vận tải hàng không, Hiệp định khung ASEAN về hàng quá cảnh... cũng đang trong quá trình rà soát lần cuối trước khi chính thức có hiệu lực. Để có cơ sở đánh giá mức độ thực hiện của các thành viên, Hội đồng AEC nhất trí xây dựng công cụ mới là Biểu đánh giá thực hiện AEC là một cơ chế giám sát minh bạch và chặt chẽ tiến độ thực hiện AEC của từng thành viên. Năm 2010, lần đầu tiên, Biểu đánh giá AEC cho giai đoạn 2007 - 2010 đã được hoàn thành.
Một hoạt động rất có ý nghĩa khi thiết lập AEC là việc thay đổi và nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ASEAN về AEC. Quảng bá về AEC và mở rộng đối thoại với doanh nghiệp về AEC sẽ có tác động tích cực đến lợi ích lâu dài của AEC với cộng đồng. Việt Nam là một trong những nước ASEAN đi đầu trong việc nâng cao quảng bá và thực thi một cách chủ động Chương trình truyền thông của ASEAN về AEC cả trên cấp độ quốc gia và khu vực. Theo sáng kiến của Việt Nam, các nước ASEAN sẽ lần lượt tổ chức các diễn đàn thảo luận về hiệu quả của AEC đối với 12 lĩnh vực ưu tiên hội nhập. Với tư cách là nước điều phối thực hiện lộ trình hội nhập nhanh trong lĩnh vực dịch vụ logistics, Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp về dịch vụ logistics tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN dự kiến vào tháng 8-2010 tại thành phố Đà Nẵng.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang tạo ra những cơ hội và cả thách thức chưa có tiền lệ đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân nước ta. Khi không còn những ngăn cách về không gian kinh tế, hàng hóa, dịch vụ và vốn được lưu chuyển tự do trong ASEAN thì bất cứ doanh nghiệp hay nhà đầu tư ASEAN nào đều có cơ hội như nhau trong việc tận dụng và phát huy ưu thế của thị trường chung của 10 nước ASEAN. Nhưng thách thức và cơ hội luôn vận động, biến đổi rất nhanh trong bối cảnh hội nhập của khu vực. Hệ quả của quá trình đó là sự thay đổi dần cơ cấu kinh tế theo hướng thích nghi. Trong quá trình đó, vai trò của các cơ quan hoạch định chính sách định hướng vĩ mô là hết sức quan trọng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để mọi doanh nghiệp nước ta có được sự định vị chắc chắn vị trí của mình trong chuỗi sản xuất chung của khu vực. Với sự chung sức của cộng động, sự quan tâm thỏa đáng của các nước thành viên, AEC chắc chắn sẽ mang lại lợi ích đối với ASEAN và nền kinh tế Việt Nam./. 
http://www.nciec.gov.vn/index.nciec?2253Vũ Huy Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương