Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Nhật Bản: Mô hình "Đàn nhạn bay" đến mô hình "hai đầu tàu": Đông Á cần hợp tác phát triển

Mặc dù vai trò của Nhật Bản đang giảm, song trong tương lai Nhật Bản sẽ vẫn là cường quốc kinh tế hàng đầu ở Châu Á.
I. Mặc dù vai trò của Nhật Bản đang giảm, song trong tương lai Nhật Bản sẽ vẫn là cường quốc kinh tế hàng đầu ở châu Á.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, kinh tế Nhật Bản dần dần phục hồi và phát triển. Thập niên 1950 và 1960, Nhật Bản đã đạt được tăng trưởng kinh tế cao, đến thập niên 1970, GDP của Nhật Bản đã đứng hàng thứ hai trên thế giới, trở thành cường quốc kinh tế thứ hai sau Mỹ. Năm 1960, GDP bình quân đầu người của Nhật Bản là 477 USD bằng 1/6 so với Mỹ. Đến năm 2000, GDP bình quân đầu người của Nhật Bản đã đạt được 37578 USD vượt Mỹ (34796). Ban đầu, nguồn ngoại tệ của Nhật Bản thu được chủ yếu nhờ ngoại thương, sau nhờ áp dụng công nghệ dựa vào hệ thống nghiên cứu bao gồm tiêu thụ, thu hút và mở rộng công nghệ tiên tiến nhập khẩu. Kết quả là một loạt ngành của Nhật Bản - ngành nọ nối tiếp ngành kia cùng phát triển tạo động lực đưa toàn bộ nền kinh tế của Nhật Bản cất cánh. Đến thập niên 1970 và 1980, Nhật Bản cơ cấu lại các ngành có nhiều lợi thế so sánh, ban đầu sang các nước mới công nghiệp và sau đó sang các nước ASEAN và các nước châu á khác thông qua đầu tư và chuyển giao công nghệ. Mô hình tái cơ cấu và phát triển các ngành được biết đến với tên gọi "đàn nhạn bay" mà con chim đầu đàn là Nhật Bản, mà nền tảng là khoa học, công nghệ và kinh tế tạo đà cho kinh tế tăng trưởng nhanh trong khu vực thông qua việc cung cấp vốn, chiếm lĩnh thị phần và tái cơ cấu các ngành truyền thống.
Tuy nhiên, đến thập niên 1990, mặc dù đã chuyển hướng sự phát triển sang nền kinh tế tri thức, song Nhật Bản chưa kịp thay đổi chiến lược phát triển của mình từ chiến lược "rượt đuổi" sang chiến lược "đổi mới", chính vì vậy Nhật Bản không cạnh tranh được so với Mỹ trong các lĩnh vực có công nghệ và giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, do tác động của sự sụp đổ nền kinh tế "bong bóng" Nhật Bản và ảnh hưởng khủng khoảng tài chính châu Á., kinh tế Nhật Bản đã bị rơi vào trì trệ tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Từ năm 1991 đến năm 2000, Tỷ lệ tăng GDP bình quân của Nhật Bản chỉ là 1,38%(1) Tỷ lệ tăng GDP các năm 2000, 2001 và 2002 tương đương 2,8%, 0,4% và 0,3%(2). Đến ngày 18, tháng 5/2001, Nhật Bản đã xuất bản cuốn "Sách trắng về thương mại năm 2001" với nhan đề " đối mặt với những thách thức của thế kỷ 21 về chính sách kinh tế đối ngoại". Cuốn sách này cho thấy thời đại mô hình kinh tế "đàn nhạn bay" của châu á mà con chim đầu đàn là Nhật Bản đã chấm dứt, người ta dự đoán rằng châu á sẽ bước vào một thời đại cạnh tranh lớn thực sự(3). Nhưng mặc dù Nhật Bản đã và đang phải đối mặt với những khó khăn lớn về kinh tế song nếu xét toàn bộ nền kinh tế, Nhật Bản vẫn giữ được vị trí hàng đầu ở châu Á và đứng thứ hai trên thế giới bởi vì về cơ bản Nhật Bản có một nền tảng kinh tế vững chắc và vẫn là một cường quốc về kinh tế sau hơn 10 năm phát triển và tích luỹ vừa qua. Nhật Bản đã và đang giữ được vị trí này và có thể sẽ tiếp tục duy trì được như vậy trong một thời gian tương đối dài sau này.

Hiện nay, Nhật Bản vẫn là nước sở hữu nhiều phát minh khoa học công nghệ hiện đại nhất  với tính cạnh tranh quốc tế cao như ngành điện tử, năng lượng, khoa học cuộc sống, vật liệu, viễn thông, chinh phục vũ trụ và đại dương, công nghệ phòng chống bệnh tật v.v...
Các ngành có vốn lớn, tri thức và công nghệ của Nhật Bản chiếm đa số tỷ trọng trong nền kinh tế của Nhật Bản và các sản phẩm của những ngành này có giá trị gia tăng và công nghệ cao. Đến năm 1998, các ngành chế tạo của Nhật Bản chiếm 24% GDP của toàn bộ nền kinh tế nước này, cao hơn so với Mỹ (22%) Trong số 25 công ty hàng đầu ở châu Á có tới 20 công ty là công ty của Nhật Bản. 
Đặc biệt, Nhật Bản hiện vẫn là nước sở hữu nguồn vốn khổng lồ, có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất trên thế giới. Năm 1998, thị trường vốn của Nhật Bản (tính giá trị thị trường trên thị trường chứng khoán) chiếm 9,09% thị trường vốn toàn thế giới. Tính đến cuối năm 2000, giá trị tài sản của Nhật Bản ở nước ngoài đạt khoảng 3204,6 tỷ USD chiếm hơn một nửa giá trị tài sản của toàn thế giới. Riêng năm 2000, giá trị tài sản của Nhật Bản ở nước ngoài lên đến 1157,9 tỷ USD đã biến Nhật Bản trở thành nhà tín dụng lớn nhất trên thế giới. Dự trữ ngoại tệ của Nhật Bản cũng đứng hàng đầu trên thế giới với 446,2 tỷ USD tính đến tháng 6/2001(4).
Có thể kết luận rằng  tiềm năng về kinh tế của Nhật Bản ở châu Á vẫn là lớn nhất, và trong một thời gian ngắn rõ ràng không một nước nào có thể thay thế được Nhật Bản.
II. Trung Quốc đang phát triển nhanh: Trung Quốc và Nhật Bản trở thành 2 đầu tàu ở châu Á.
Ngược lại với sự đi xuống của nền kinh tế Nhật Bản, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng sau 20 năm mở cửa và đổi mới, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 10% hoặc 5-6% cao hơn so với tỷ lệ tăng trưởng của thế giới và 5% cao hơn so với các nước đang phát triển cùng kỳ. Sức mạnh về kinh tế của Trung Quốc ngày càng được củng cố. Nếu tính về GDP, Trung Quốc đứng hàng thứ sáu trên thế giới theo đánh giá của IMF. Năm 2000, GDP của Trung Quốc đạt 1 tỷ USD .
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới ra ngày 03/04/2003, năm 2002 đánh dấu thời kỳ trì trệ của nền kinh tế Nhật Bản và sự giảm sút cầu của Mỹ, song Trung Quốc vẫn duy trì được tăng trưởng kinh tế, điều này góp phần thúc đẩy sự phục hồi của khu vực Đông Á. Với tốc độ tăng trưởng nhanh cùng với các chính sách thích kích của các nước khác đã tạo đà tăng trưởng của cả khu vực Đông Á từ 5,5% năm 2002 lên đến 6,7%. Đồng thời điều này đã góp phần đưa Trung Quốc trở thành đầu tầu kéo theo sự tăng trưởng kinh tế trong khu vực(5). Đầu thế kỷ 21, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục thực hiện chính sách cải cách và mở rộng cửa. Tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 16, Trung Quốc đặt ra mục tiêu tăng GDP lên gấp 3 lần trước năm 2002 và xây dựng một xã hội thịnh vượng. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn liên tục giữ ở mức trên 7-8%. Tại hội nghị hàng năm Diễn đàn phát triển Trung Quốc tổ chức vào tháng 3/2003, giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á  đã phát biểu rằng sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ mang lại những cơ hội bất ngờ cho xuất khẩu của Đông Á. Có thể nói rằng Trung Quốc sẽ trở thành nước thương mại lớn nhất ở Đông Á vào năm 2020, là nước xuất khẩu lớn nhất ở khu vực này vào năm 2010, và là nước nhập khẩu lớn nhất ở Đông Á vào năm 2005(6). Do đó, mô hình phát triển kinh tế "đàn nhạn bay" ở Đông Á sẽ dần được thay thế bởi mô hình tăng trưởng "hai đầu tầu" (Trung Quốc và Nhật Bản).
Trong thập niên 1970 và 1980, phát triển kinh tế của Nhật Bản đóng vai trò "con chim đầu đàn" ở Đông Á. Ban đầu Nhật Bản chuyển các ngành sản xuất cần nhiều lao động sang các nước Hàn Quốc, Singapo, Hồng Công, Đài Loan, và một số nước mới công nghiệp hoá khác, rồi sau sang các nước như Malaysia, Thái Lan, Inđônêsia, Philíppin và các nước Đông Á khác và cuối cùng là sang Trung Quốc. Mô hình "đàn nhạn bay" đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Đông Á một cách đáng kể, tạo ra điều kỳ diệu của sự tăng trưởng kinh tế nhanh. Vào thập niên 1990, do sự sụp đổ nền kinh tế bong bóng, cơ cấu kinh tế của Nhật Bản đã trở nên không ổn định và trì trệ trong một thời gian dài, tác động dây chuyền đến nền kinh tế Đông Á và đánh mất vai trò "con chim đầu đàn" của mình.
Tại hội nghị được tổ chức vào tháng 3/2003 ở Nhật Bản, Ngô Tắc Đông - Thủ tướng Singapo cho biết sau 10 năm nữa cả Trung Quốc và Nhật Bản sẽ trở thành "hai đầu tầu" phát triển kinh tế ở Đông Á. Điều này rất quan trọng đối với ASEAN. Nhật Bản vẫn là cường quốc kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, và vẫn chiếm một tỷ trọng lớn nhất về kinh tế ở Đông Á và ảnh hưởng của nó đối với khu vực này không thể không bỏ qua được. Nhưng bởi vì nền kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng trì trệ trong một thời gian dài, do đó vai trò thúc đẩy của nó dần dần bị giảm tương đối trong khi đó Trung Quốc sẽ ngày càng lớn mạnh hơn với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh.
III. Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN là đối tác kinh tế thương mại của nhau
Trong những năm gần đây, mối quan hệ kinh tế thương mại của Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN ngày càng được tăng cường, đặc biệt trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư và viện trợ.
1 Thương mại
Nhật Bản đã và đang trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong 9 năm liên tiếp. Năm 2002, Trung Quốc đã thay thế Mỹ và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản với giá trị thương mại lên tới 101,5 tỷ USD, tăng 13,8% trong đó Trung Quốc đã xuất khẩu sang Nhật Bản trị giá 61,7 tỷ USD và ngược lại Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc trị giá 39,8 tỷ USD.
Thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN tăng đáng kể trong những năm gần đây với tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 20%. Năm 1991, thương mại hai chiều mới chỉ có 7,9 tỷ đôla Mỹ, đến năm 2000 đã đạt 52,7 tỷ USD tăng 32% trong đó xuất khẩu từ ASEAN sang Trung Quốc tăng 34,4%. Đồng thời tốc độ tăng trưởng thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN xếp thứ hai trong danh sách tăng trưởng thương mại của Nhật Bản với các đối tác thương mại khác. ASEAN đã và đang trở thành đối tác thương mại lớn thứ năm của Trung Quốc trong suốt 10 năm. Cùng với việc tạo ra khu vực tự do thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN, Trung Quốc sẽ trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của ASEAN trong tương lai gần. Trong khi đó như đã biết, Nhật Bản và ASEAN vẫn là đối tác thương mại chính của nhau nhiều năm qua và thời gian tới.

2.Đầu tư
Trung Quốc đã mở cửa hơn 20 năm và Đông Á trở thành nguồn cung cấp FDI lớn nhất của Trung Quốc chiếm khoảng 70% tổng số FDI hàng năm đổ vào Trung Quốc. Nhật Bản là nước cung cấp  các khoản đầu tư chính cho Trung Quốc và là một trong những nước cung cấp FDI quan trọng nhất cho Trung Quốc Cho đến năm 2001, trên thực tế giá trị đầu tư của Nhật Bản lên đến 32,7 tỷ USD xếp thứ ba sau Hồng Kông, Trung Quốc và Mỹ.
Nhật Bản đầu tư nhiều hơn cho các nước thành viên ASEAN. Từ năm 1996 đến năm 2001, đầu tư của Nhật Bản cho 5 nước ASEAN  bao gồm Singapo, Malaysia, Thái Lan, Inđônêsia, và Philippin trung bình mỗi năm gần 4 tỷ USD hơn một nửa dành cho Trung Quốc (1,5 tỷ USD một năm) cùng kỳ.
3.Viện trợ
Về lĩnh vực viện trợ, bắt đầu từ thập kỷ 1970, Nhật Bản đã thay thế Mỹ và trở thành nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho ASEAN, tập trung dành cho các nước có thu nhập thấp và kém phát triển.

    Đáng lưu ý, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh có một vị trí vai trò quan trọng trong hợp tác Nhật Bản -ASEAN. Tháng 10/2002,  Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đã đến thăm Nhật Bản - một đối tác quan trọng của Việt Nam trong các lĩnh vực đầu tư, viện trợ và thương mại. Tính đến tháng 10, 2002,  tổng số dự án đầu tư của Nhật Bản ở Việt Nam là 360 dự án với tổng số vốn đăng ký lên tới 4,2 tỷ đôla Mỹ. Về viện trợ, Nhật Bản là nước viện trợ lớn nhất của Việt Nam trong những năm gần đây. Từ năm 1999 đến 2002. Nhật Bản cam kết viện trợ với tổng giá trị 750 tỷ yên cho Việt Nam, chiếm 40% tổng viện trợ của các nước cho Việt Nam. Nhật Bản cung cấp viện trợ cho Việt Nam chủ yếu trong các lĩnh vực như: nhân lực, và xây dựng dân sự, viễn thông và điện tử, nông nghiệp và các thiết bị về nông nghiệp, giáo dục, y tế và bảo vệ môi trường. Rất nhiều dự án quốc gia trọng yếu của Việt Nam được xây dựng bởi sự trợ giúp của Nhật Bản. Về thương mại, Nhật Bản thường xuyên là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt trong các hoạt động có liên quan đến xuất nhập khẩu. Năm 1991, thương mại hai chiều giữa Nhật Bản và Việt Nam trị giá 0,877 tỷ USD trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản trị giá 0,719 tỷ USD và nhập khẩu là 0,158 tỷ USD. Nhưng đến năm 2001, con số này đã tăng lên 4,725 tỷ USD tăng gấp 4 lần trong 10 năm, trong đó xuất khẩu của Việt Nam  trị giá 2,51 tỷ USD và nhập khẩu là 2,215 tỷ USD.
IV. Đông á cần hợp tác phát triển
1. Những khó khăn của Nhật Bản và ASEAN
1.1 Kinh tế Nhật Bản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi khả quan
Hơn 10 năm đã trôi qua kể từ khi nền kinh tế bong bóng của Nhật Bản sụp đổ. Một quan chức cấp cao của Nhật Bản đã dự đoán rằng: Khi hoa anh đào nở là lúc nền kinh tế Nhật Bản sẽ phục hồi. Nhưng thật đáng tiếc, thời gian cứ trôi đi, mỗi độ xuân về hoa anh đào lại nở song nền kinh tế Nhật Bản vẫn chưa hồi phục. Xét về mặt kinh tế, có một số nguyên nhân cơ bản của tình trạng này như sau:
Thứ nhất, các ngân hàng rơi vào tình trạng nợ chồng chất, và Chính phủ Nhật Bản đã thất bại trong việc tìm ra cách giải quyết cho vấn đề lớn này. Trong giai đoạn từ năm 1985 đến năm 1990, giá bất động sản và giá chứng khoán tăng vọt tạo ra sự thịnh vượng giả tạo của nền kinh tế bong bóng ở Nhật Bản. Nhưng từ năm 1991, giá bất động sản và chứng khoán bắt đầu giảm, liên tục, nền kinh tế "bong bóng" bị đổ vỡ, khiến cho các công ty lớn, vừa và nhỏ và các nhà đầu tư tư nhân không có khả năng trả các khoản nợ của họ và gây ra tình trạng những khoản nợ khó đòi của các tổ chức tài chính ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ Nhật Bản cũng đã phát hành một số lượng lớn trái phiếu để huy động vốn giúp ngành ngân hàng và các tổ chức tài chính song thất bại bởi vì các khoản nợ khó đòi quá lớn.
Thứ hai là giá trị đồng yên bất ổn dẫn đến sự chao đảo nền kinh tế Nhật Bản. Dưới sức ép của 5 nước lớn, giá trị đồng yên đã bắt đầu tăng vọt vào năm 1985, từ 242 yên/1 USD vào mùa xuân năm 1985 xuống chỉ còn 78 yên/1 USD vào mùa xuân năm 1995. Những năm gần đây, đồng yên thường xuyên giao động lớn mặc dù Chính phủ Nhật Bản đã có các biện pháp nỗ lực cải thiện tình hình này và điều này đã có ảnh hưởng xấu đến các cuộc cải cách kinh tế  và sự phát triển kinh tế của Nhật Bản.
Thứ ba là tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm cao gây cản trở cho tiêu dùng. Trong số các nước phát triển, tỷ lệ tiết kiệm của Nhật Bản là cao nhất. Bởi vì chi phí cho giáo dục con em và y tế của Nhật Bản rất cao, dân số ngày một lão hoá, lo sợ sự bất ổn định trong tương lai nên người dân Nhật Bản không dám tiêu tiền nhiều. Vậy làm thế nào để khuyến khích tiêu dùng trong nước và giảm lạm phát đã và đang trở thành câu hỏi thức thách trong quá trình phục hồi kinh tế của Nhật Bản.
1.2. Kinh tế ASEAN vẫn chưa đạt được tốc độ tăng trưởng của thời kỳ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính khu vực
Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997, Đông Nam Á là một trong những khu vực đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trên thế giới trong giai đoạn từ năm 1970 đến giữa những năm 1990. Nhưng đến năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính đã như một cơn lốc ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn khu vực và cho đến bây giờ ảnh hưởng của nó vẫn còn chưa khắc phục hết.
 1.3. Những khó khăn trong việc phát triển quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và ASEAN
Trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, ASEAN khó có thể mở rộng mối quan hệ thương mại với Nhật Bản. Đã từ lâu Nhật Bản theo đuổi thặng dư thương mại vốn ở vị trí hàng đầu trên thế giới trong nhiều năm và đạt 116,6 tỷ USD vào năm 2000. Và trong tình hình kinh tế mờ mịt, Nhật Bản sẽ không dành nhiều ưu tiên cho các thị trường nước ngoài, do đó, đối với ASEAN khó có thể tăng xuất khẩu sang Nhật Bản.
Bên cạnh đó, do nền kinh tế thế giới cũng rơi vào tình trạng trì trệ, nên tổng giá trị đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới cũng giảm. Nhiều nhà đầu tư rất thận trọng trong việc lựa chọn địa điểm kinh doanh, họ thích những địa điểm an toàn với môi trường đầu tư tốt. Cuộc điều tra do Hiệp hội xúc tiến thương mại tiến hành ở 2567 công ty của Nhật Bản đã chỉ ra rằng 49,1% các nhà đầu tư sẽ tăng đầu tư của họ ở nước ngoài trong giai đoạn từ 2002 đến 2004 mà chủ yếu là đầu tư vào Trung Quốc (chiếm 95,7%), sau đó là vào Mỹ (39,7%), Thái Lan (31%), Inđônêsia (15%), và Hồng Công (14,3%). Năm 2002, Trung Quốc đã trở thành nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất  trên thế giới với tổng giá trị đầu tư là 50 tỷ USD.
2. Đông Á cần hợp tác phát triển
Chúng ta có thể kết luận rằng, rất khó cho Nhật Bản tự giải quyết các vấn đề kinh tế của mình, đồng thời Nhật Bản sẽ càng gặp khó khăn hơn khi giúp các nước ASEAN giải quyết các khó khăn của họ. Sau cuộc khủng hoảng tài chính, ASEAN hy vọng nhận được sự trợ giúp từ phía Nhật Bản, nhưng do đồng yên không ổn định trong khi đó các ngân hàng của Nhật Bản nợ khó đòi chồng chất, đã làm cho tình trạng này ngày càng  trầm trọng hơn và Nhật Bản đứng dậm chân tại chỗ. Kết quả là cuộc khủng hoảng tài chính ở Nhật Bản đã kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế lan rộng ra toàn châu Á, đó cũng là lý do tại sao người ta không còn cảm thấy tự tin khi chỉ dựa vào Nhật Bản. Trước làn sóng toàn cầu hoá kinh tế và hội nhập khu vực hiện nay, các nền kinh tế chính ở Đông á, đặc biệt là các nền kinh tế như Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN cần bắt chặt tay hơn nữa thúc đẩy hợp tác để vượt qua khó khăn, thánh thức, cùng phát triển.
Thứ nhất là Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN cần cùng nhau hành động để xây dựng một khu vực tự do thương mại Đông Á.
Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN  mỗi nước đều có những lợi thế riêng để phát triển kinh tế. Chẳng hạn như Nhật Bản có nguồn vốn lớn, công nghệ tiên tiến và trình độ quản lý cao trong khi đó Trung Quốc lại là một thị trường mới phát triển,  các cuộc cải cách đang được thực hiện, và nền kinh tế vẫn đang phát triển nhanh chóng. Trung Quốc cần đầu tư nước ngoài và các thị trường nước ngoài rộng lớn, nhưng đồng thời với năng lực của mình, Trung Quốc cũng cần tăng đầu tư của mình sang các nước ngoài  và xuất khẩu các sản phẩm của mình. Trung Quốc là một thị trường rộng lớn thu hút sự quan tâm của các nước khác. Công nhân Trung Quốc có tay nghề cao, và nguồn lao động của Trung Quốc rất rẻ. Sự phát triển của Trung Quốc là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của thế giới, đặc biệt là của châu Á. So với Nhật Bản và Trung Quốc, thì ASEAN rất dồi dào về tài nguyên thiên nhiên và giá lao động rẻ, tiềm năng thị trường lớn và nhu cầu đầu tư lớn. Nếu Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN phối hợp tốt và thực hiện hợp tác thành công thì các nước này có thể phát huy các lợi thế của mình, khai thác các tiềm năng của mỗi nước, mở rộng thương mại và đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống của người dân vì lợi ích và phát triển chung.
Quá trình hình thành khu vực tự do thương mại Đông Á có thể được chia thành 3 giai đoạn: khu vực tự do thương mại ASEAN; khu vực tự do thương mại Trung Quốc-ASEAN; và khu vực tự do thương mại Đông Á. Giai đoạn 1: khuôn khổ khu vực tự do thương mại được thực hiện tốt, tạo tiền đề cho các giai đoạn tiếp theo. Giai đoạn 2: Thông qua các vòng đàm phán chính thức, đã đạt được hiệp định về khu vực thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN và hiện nay vẫn đang trong quá trình thương lượng và hy vọng sẽ hoàn thành vào năm 2010. Giai đoạn 3: người ta hy vọng khu vực tự do thương mại Đông Á sẽ được thực hiện trước năm 2015, sớm hơn dự định. Nếu cả ba bên hợp tác tốt, sẽ thúc đẩy việc xây dựng và hoàn chỉnh khu vực tự do thương mại ASEAN và khu vực tự do thương mại Trung Quốc - ASEAN để rồi đến năm 2010 hoàn tất khu vực tự do thương mại Đông Á. Tất nhiên, khu vực tự do thương mại Đông Á cần thu hút cả Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Công.
Thứ hai là cần xây dựng một mô hình trong đó vốn của Nhật Bản, tài nguyên và lao động của ASEAN và thị trường là thị trường Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), do đó thuế quan giảm và thị trường sẽ ngày càng được mở rộng, còn ASEAN thì tự hào về nguồn tài nguyên và Nhật Bản cần thúc đẩy nguồn vốn của mình. Các công ty Nhật Bản có thể kết hợp những nhân tố này bằng cách rót tiền của mình để phát triển nguồn nhân lực, tài nguyên và nông nghiệp nhiệt đới của các nước ASEAN, và quá trình xử lý các sản phẩm nông nghiệp để bán ra thị trường Trung Quốc.
Thứ ba là cần xây dựng mô hình đầu tư của Nhật Bản ở Trung Quốc để tái đầu tư ở ASEAN.
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quyết định đầu tư vào Trung Quốc - hiện là nước có sức hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài. Một loạt các khu vực ở Trung Quốc, đặc biệt là các khu vực phía Đông của Trung Quốc đã mọc lên các khu công nghiệp. Nhiều công ty hy vọng phát triển hơn nữa ở thị trường quốc tế hơn mức ở trong nước. Cách tốt nhất để tiếp cận thị trường nước ngoài là đi qua  đại lục phía trung nam, đặc biệt là các nước có biên giới với Trung Quốc ở phía Nam. Các khu vực phát triển nhất của Trung Quốc nằm ở phía Nam và phía Đông Trung Quốc - nơi mà đại đa số các công ty lớn mạnh đang sản xuất kinh doanh đa dạng các sản phẩm và tạo ra triển vọng phát triển ở Đông Á.
Thứ tư là mô hình đầu tư của Nhật Bản, các dự án du lịch của ASEAN và khách du lịch Trung Quốc.
Đông Nam á đang muốn thúc đẩy tiềm năng du lịch của mình với nhiều cảnh đẹp phong phú, đây là cơ sở để xây dựng và thu hút các dụ án du lịch nhằm thu hút một lượng lớn khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch từ Trung Quốc. Nếu như trước đây, khách du lịch từ các nước ASEAN thường đến Trung Quốc thăm quan thì nay, xu hướng này ngược lại: ngày càng nhiều khách du lịch Trung Quốc đến thăm quan các nước ASEAN. Đông Nam Á đã trở thành điểm du lịch đầu tiên của người Trung Quốc khi họ quyết định thực hiện một chuyến du lịch nước ngoài. Nhân dịp Tết âm lịch truyền thống năm 2002, các công ty du lịch lớn ở Quảng Đông đã phục vụ hơn 40000 khách du lịch Trung Quốc đi thăm quan ở nước ngoài, đây là lần đầu tiên số lượng khách du lịch ở nước ngoài  vượt số lượng khách đi du lịch trong nước (30000 người). Điểm đến chính của các khách du lịch Trung Quốc là Đông Nam Á. Năm 2002 đã có đến 70000 người Trung Quốc, chiếm khoảng 30% số lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam trong năm đó.
Trước làn sóng toàn cầu hoá kinh tế và hội nhập khu vực ngày càng lớn mạnh, mặc dù các quốc gia Đông Á phải cạnh tranh với nhau song các nước này cần hợp tác nhiều hơn nữa. Các nước cần tay trong tay, phối hợp hơn nữa để hợp tác phát triển vì lợi ích chung.

Tháng 9/2003
(Dịch từ tiếng Anh: Kim Huế)

GS.TS. Cổ Tiểu Tùng
Viện Khoa học xã hội Quảng Tây, Trung Quốc
Lược trích từ tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á