Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Quá trình xâm lược của của nghĩa thực dân phương Tây ở châu Á

 Tác giả: Võ Minh Tập
Lịch sử chủ nghĩa thực dân là một nội dung lớn trong lịch sử tiến hóa của nhân loại. Đây là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và không ít những công trình với các góc độ nhìn nhận khác nhau.
Cho đến này ngay, mặc dù chủ nghĩa thực dân đã cáo chung nhưng nhìn nhận lại lịch sử của nó (chủ nghĩa thực dân) thật sự là vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Thật vậy, những gì của ngày hôm nay trong lịch sử nhân loại đều có những dấu ấn rất sâu sắc mà chủ nghĩa thực dân mang lại. 
  Trong bài viết này, về chủ nghĩa thực dân ở đây chỉ tập trung vào phạm vi các nước thực dân tiêu biểu là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, pháp và Mỹ đối với các nước thuộc địa, phụ thuộc ở châu Á và dĩ nhiên là không trình bày một cách cụ thể về một nước nào trong cùng một châu lục mà trên cơ sở từng nước riêng biệt để nói lên một cách tổng hợp, những đánh giá, so sánh về quá trình xâm lượccủa chủ nghĩa thực dân  ở châu Á. Về thời gian sẽ được tính trong khoảng từ thế kỉ XVI đến nửa đầu thế kỉ XX

I.             Khái quát về các nước châu Á trước khi bị chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm lược.

Châu Áchâu lục lớn nhất và đông dân nhất thế giới nằm ở Bắc bán cầuĐông bán cầu. Châu Á chiếm 8.6% tổng diện tích bề mặt Trái đất (chiếm 29.9% diện tích mặt đất) và có 4 tỉ người, chiếm 60% dân số hiện nay của thế giới.[1]
Trước khi chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm lược và thống trị, có thể nói lịch sử phát triển của nó khá cao. Nơi đây đã xuất hiện sớm những nền văn minh lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á…thậm chí sớm hơn cả Phương Tây hàng thiên niên kỉ.Tuy nhiên, sự phát triển của những quốc gia ở châu Á không đồng nhất. Chế độ phong kiến đạt đến trình độ phát triển cao và đần dần chuyển sang giai đoạn suy yếu. So với các nước ở Phi và Mỹ Latinh thì ở các nước châu Á trình độ phát triển kinh tế cũng tương đối cao hơn. Ở thời Trung đại, chế độ phong kiến đạt tới đỉnh cao cực thịnh, rực rỡ cũng không thua kém gì phương Tây, quan hệ sản xuất kinh tế chủ nghĩa cũng đã manh nha nhưng đã bị chế dộ phong kiến kìm hãm, mầm mống kinh tế TBCN không có điều kiện phát triển như ở phương Tây. Trong khi ở phương Tây chuyển sang giai đoạn cận đại hóa, CNTB chuyển sang giai đoạn phát triển nhanh chóng thì ở châu Á còn chìm đắm trong chế độ phong kiến lạc hậu.
Sự mâu thuẫn giữa giai cấp địa chủ và nông dân ở châu Á diễn ra gay gắt, làm bùng nổ nhiều phong trào đấu tranh có qui mô lớn. Chính yếu tố này đã làm tăng cường độ về sự sụp đỗ nhanh chóng của chế độ phong kiến, chế độ phong kiến suy yếu nghiêm trọng và mất sức sống đã đẩy các quốc gia ở châu Á vào vòng xoáy của sự khó khăn. Chính điều này, đã tạo nên những “mùi thơm” lan tỏa mạnh mẽ tạo cơ hội cho thực dân châu Âu tiến hành các cuộc chinh phục.
Tình hình đó, cho chúng ta khẳng định rằng, việc mất nước ở các nước châu Á không phải là một tất yếu. Bởi vì không phải một nước phong kiến lậc hậu, nhất thiết không có khả năng chống nổi các cuộc xâm lược của chủ nghĩa thực dân mà chính do những mặc tiêu cực trong các chính sách đối nội và đối ngoại của các vương triều phong kiến đã làm cho xã hội châu Á lâm vào tình trạng khủng hoảng, suy vong trầm trọng hơn. Sự suy yếu đó, về khách quan đã tạo điều kiện cho các cuộc xâm lược của thực dân phương Tây, chính sách đối nội của các triều đại phong kiến sai lầm nên không có khả năng tập hợp lực lượng quần chúng để chống ngoại xâm giành thắng lợi. Thậm chí bạc nhược, yếu hằn chỉ vì đặt quyền lợi dòng tộc lên trên quyền lợi dân tộc đã từng bước nhượng bộ, rồi đầu hàng và cuối cùng làm tay sai cho thực dân. Tình hình đó đã làm cho việc mất nước từ chỗ không tất yếu trở thành tất yếu như Trung Quốc, Việt Nam...Đặt vấn đề ngược lại, nếu giai cấp cầm quyền có những đối sách (đối nội và đối ngoại) tiến bộ, hợp lý, hợp thời thì yếu tố cấu kết toàn dân tộc, sức mạnh dân tộc làm cho nội lực cường thịnh ắt hẳn sẽ thoát khỏi số phận thuộc địa. Tiêu biểu cho điều này là Nhật Bản và Thái Lan cùng thời.
Tất cả điều này nói lên cái gọi là đi “khai hóa” của chủ nghĩa thực dân thực ra chỉ là sự biện hộ cho những công cuộc chinh phục của chúng.
Như vậy bước vào thời kì Cận đại, phần lớn các nước châu Á có đủ những tiền đề cho sự phát triển cao hơn cho tiến trình phát triển của nhân loại, song do những điều kiện chủ quan và khách quan những nước này lần lược bị thực dân Â-Mĩ xâm lược, biến thành thuộc địa hoặc nửa thuộc địa.

II.           Sự xâm lược của của nghĩa thực dân phương Tây ở châu Á

Các cuộc phát kiến địa lý đã mở ra thời đại xâm chiếm thuộc địa của chủ nghĩa thực dân châu Âu. Việc tìm ra co đường vòng quanh châu Phi sang châu Á của Bồ Đào Nha và con đường vượt Đại Tây Dương sang châu Mỹ của Tây Ban Nha đã mở ra thời đại này.
Đông Nam Á trở thành nạn nhân đầu tiên của các cuộc xâm lược của chủ nghĩa thực dân. Mốc mở đầu cho quá trình này là vào năm 1511, người Bồ Đào Nha xâm lược Malaca.  Nước tiếp theo bị xâm chiếm là Inđênôsia (1594), khi C.Houtam đặt chân lên nước này và thành lập công ty Viễn phương Hà Lan. Người Hà Lan nhanh chóng gạt bỏ vai trò của Bồ Đào Nha ở khu vực này. Hơn 20 năm sau (1619), người Hà Lan chiếm được Giacata và sau đó đổi thành Batavia. Cũng trong thời kì này bằng cuộc thám hiểm táo bạo, Tây Ban Nha đã phát hiện ra quần đảo Philippin và chính phục vào năm 1565. Năm 1898, do hậu quả của cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa đầu tiên (Mỹ-Tây Ban Nha) nên Mỹ chiếm quần đảo này từ tay Tây Ban Nha.
Từ cuối thế kỉ XVIII-nửa sau thế kỉ XIX, tiến trình xâm lược các nước châu Á được đẩy mạnh hơn. Ở Đông Dương, Việt Nam bị Pháp thôn tính (1858-1884), Camphuchia và Lào (1893) bằng Hiệp ước Pháp-Xiêm. Ở Miền Tây Đông Dương, thực dân Anh ra sức chạy đua với Pháp và chinh phục vùng nay. Miến  Điện (Mianma) trở thành một tỉnh của Ấn Độ thuộc Anh từ 1885. Mã Lai bị thực dân nhòm ngó từ sớm. Anh từng bước chinh phục và đặt ách bảo hộ các tiểu bang của Mã Lai (từ nửa sau thế kỉ XIX đến đầu XX). Đầu XX, Mã Lai hoàn toàn trở thành thuộc địa của Anh với 3 phần: Đất thực dân eo biển, Liên bang Mã lai và xứ bảo hộ ngoài Liên bang Mã lai[2]. Xiêm (Thái lan) do vị trí “nước đệm” giữa hai vùng thuộc địa Anh-Pháp, cùng với sự duy tân đất nước dưới triều Rama IV và Rama V (cuối XIX-đầu XX) nên giữ được độc lập về chính trị mặc dù vẫn phải kí với Anh-Pháp nhiều hiệp ước bất bình đẳng (1852).
Nhìn chung, Đông Nam Á là khu vực trở thành “viên ngọc” có lực hút các nước châu Âu, khu vực có nhiều thực dân xâm chiếm nhất, do vị trí địa-chính trị của nó. Đồng thời, quá trình chinh phục của thực dân phương Tây đối với Đông Nam Á có thể nói là đa dạng, không đồng đều và phức tạp như quá trình chinh phục với những thời điểm khác nhau, tốn nhiều tiền bạc và của cải, thời gian chinh phục lúc kéo dài (như trên dưới 3 thế kỉ mới chinh phục được In-đê-nô-xia, Miến Điện…), có lúc chỉ tốn nửa thế kỉ  (như Pháp chiếm Đông Dương). Lý do là chúng vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân các nước này. Hay tạo ra vùng đệm đặc biệt đó là Thái Lan.
Ở khu vực Nam Á, Ấn Độ trở thành mục tiêu đầu tiên của các cuộc xâm lược  của thực dân châu Âu. Ấn Độ bị thực dân châu Âu nhòm ngó đầu thế kỉ XVI và trải qua 3 thế kỉ, họ mới hoàn thành công cuộc chinh phục nước này. Từng bước một từ thấp đến cao, chủ nghĩa thực dân đã hoàn thành cuộc xâm lược của mình ở Ấn Độ.
Bồ Đào Nha là cường quốc thực dân đến Ấn Độ sớm nhất. Vì Nước này có kinh nghiệm đi biển sớm và dài ngày. Chủ nghĩa thực dân đã thôi thúc người châu Âu đi tìm những vùng đất mới và Bồ Đào Nha rất thích hợp với vai trò tiên phong này. Năm 1498, V.G Gama sau khi đi vòng quanh ven biển châu Phi đã đặt chân lên Calicut (nay thuộc Kê-rê-la) miền Tây Nam Ấn Độ, theo chân nhà thám hiểm này, các thương nhân Bồ Đào Nha đến đây buôn bán và lập thương điếm từ năm 1510.
Sau Bồ Đào Nha là người Hà Lan. Năm 1602, Hà Lan thành lập công ty Đông Ấn. Mặc dù gạt bỏ được ưu thế của người Bồ Đào Nha và chiếm một số vùng đất làm thương điếm nhưng cả hai nước này đều không đứng vững được ở Ấn lý do là phải đối mặc với 2 địch thủ cạnh tranh mạnh hơn là Anh và Pháp.
Anh đến Ấn muộn hơn, nhưng quá trình xâm nhập lại hiệu quả hơn. Người Anh đầu tiên đến Ấn là Phô-mát Xphen năm 1578.  Sau khi trở về Anh, ông ta đã trình lên nữ hoàng Anh Ê-li-da-bét về Ấn – một vùng đất kim cương và tất cả những cái hay về đất nước này…Người Anh lập tức xúc tiến kế hoạch xâm lược Ấn Độ. Đến giữa thế kỉ XVII, Anh thông qua công ty Đông Ấn của mình đã lập nhiều căn cứ ở Ma-đrat, Cancutta, Bombay… Những địa điểm này đã trở thành trung tâm thương mại lớn ở vùng Viễn Đông. Đây chính là cơ sở để Anh gặt bỏ đối thủ của mình là Bồ Đào Nha và Hà lan, sau này là Pháp ở Ấn Độ.
Sau Anh, Pháp là nước tiếp theo đến Ấn (giữa thế kỉ XVII), Pháp sau khi đến Ấn cũng lập tức chiếm các căn cứ và thiết lập các thương điếm của mình. Tuy nhiên, các thương điếm của công ty Đông Ấn của Pháp (lập năm 1664) ở Ấn nhỏ và tổ chức kém chặt chẽ hơn Anh, lại bị sự trói buộc của chính quyền phong kiến ở Pháp nên các hoạt động thương mại không được khởi sắc (như Pông-đi-xê-ri và  San-đéc-na-go), hơn nữa Pháp gặp nhiều khó khăn bởi nhân dân ở đây thường xuyên nổi dậy đấu tranh.
Ngoài ra, Đan Mạch, Thụy Điển, Áo…cũng đặt chân lên mảnh đất phì nhiêu này thành lập các công ty Đông Ấn và lập căn cứ thương mại. Như vậy, đến thế kỉ XVII, hầu hết các nước thực dân đều có mặt ở Ấn Độ và đều thiết lập các thương điếm. Sự cạnh tranh gay gắt này ở Ấn vào thời kì đầu đều thông qua các công ty Đông Ấn mà đứng đằng sau là các chính phủ. So sánh với các nước Đông Nam Á,  cuộc xâm lược của thực dân phương Tây ở Ấn có những nét khác biệt. Nếu như Đông Nam Á các nước thực dân tiến hành xâm lược ồ ạt và ngay lập tức vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân ở đây thì tình hình ở Ấn lại khác. Ở Ấn, các nước thực dân không tiến hành xâm lược ồ ạt mà tiến hành xâm lược từ từ theo từng công đoạn và giai đoạn đầu tiên là lập các thương điếm.
Đến thế kỉ XVIII, cả Anh cà Pháp đều đẩy mạnh xâm lược Ấn. Đến thời kì này, Anh đã tìm cách gạt bỏ các đối thủ cạnh tranh của mình ở Ấn, nạn nhân đầu tiên là Bồ, Hà Lan. Sau đó, đối thủ tiềm tàng và ngang ngửa là Pháp. Hai kẻ thực dân hàng đầu này không thể tồn tại trong cùng một mảnh đất. Thế là cuộc chiến tranh Anh – Pháp diễn ra (1746 – 1763) ở Ấn. Bằng ưu thế vượt trội của mình (Anh là nước tiến hành cách mạng tư sản sớm, nước đầu tiên tiến hành cách mạng công nghiệp, hải quân đứng đầu thế giới…) Anh đã nhanh chóng đánh bại Pháp, độc chiếm Ấn Độ (1763) và không còn đối thủ nào nhòm ngó nữa. Từ giữ thế kỉ XVIII đến giữa thế kỉ XIX, gần như 100 năm Anh bình tĩnh một mình chinh phục Ấn Độ, lần lượt tiêu diệt các tiểu quốc ở đây theo kiểu “tằm ăn lá dâu”. Bằng sự kiên trì, mánh khóe, Anh từng bước chinh phục toàn bộ Ấn (1849). Từ một nước đế quốc đến sau, Anh đã vươn lên và trở thành đế quốc duy nhất thống trị Ấn Độ.
Sỡ dĩ Anh gạt bỏ lần lược đối thủ của mình để chinh phục và thống trị Ấn Độ là do những nguyên nhân sau:
+ Triều đại Mô-gôn ở Ấn suy yếu và bất lực về nhiều mặt như kinh tế, chính trị, mâu thuẫn xã hội sâu sắc … đã tạo điều kiện thuận lợi cho Anh xâm lược Ấn.
+ Thủ đoạn xâm lược của Anh khác với các nước khác ở chỗ như khôn khéo, mánh khóe hơn. Để tiến hành xâm lược, Pháp dùng giáo sĩ đi trước, gươm súng đi sau, giữa giáo sĩ với thực dân gắn bó mật thiết như hình với bóng. Còn Anh, phương cách tiến hành xâm lược thường theo kiểu thương nhân đi đầu trong quá trình xâm lược – những thương nhân tỏ ra hiền lành, vô hại với tình hình chính trị bản địa, họ mang đến nhiều điều có lợi lớn hơn có hại, những món quà làm hài lòng dân bản địa”. Vì vậy, quá trình xâm lược của Anh nhiều khi không phải tiến hành bằng chiến tranh ào ạt mà bằng hình thức “tằm ăn lá dâu”. Nhận xét về sự thành công của người Anh, J.Nê-ru nói: “ Trong số các nước thực dân đến Ấn Độ, người Anh và khi ấy chỉ có người Anh thôi có nhiều tính cách nhất cho sự thành công”.
+ Trong các nước thực dân lúc bấy giờ, Anh là nước có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh nhất. Chính tiềm lực ấy là cơ sở vững chắc để thực dân Anh chinh phục được nhiều miền đất khắp hành tinh mà không một nước thực dân nào bằng.
Cùng với quá trình xâm lược các nước phương Đông nói chung và Ấn nói riêng, thực dân Anh đã thiết lập nền thống trị của mình ở Ấn lâu dài, Ấn Độ bị Anh cai trị trực tiếp, phải hát Quốc ca Anh…Ấn Độ là một bộ phận quan trọng nhất trong hệ thống thuộc địa của Anh, nhờ đó Anh trở nên cường thịnh vào cuối thế kỉ XIX đầu XX.
Ở vùng Tây Nam Á, tình hình chính trị, kinh tế…của các nước ( Thổ Nhĩ Kì, Ba Tư (Iran)…khủng hoảng và suy yếu nghiêm trọng. Điều kiện đó, các nước thực dân phương tây có cơ hội xâm lược, song do cạnh tranh gay gắt và quyết liệt giữa các nước với vùng có vị trí địa –chính trị, địa - kinh tế quan trọng nên các nước này giành được độc lập về hình thức nhưng trên thực tế các nước này vẫn là những nước phụ thuộc.
Trung Quốc là một nước rộng lớn và đông dân nhất thế giới, giàu tài nguyên…đã trở thành mục tiêu xâm lược của thực dân châu Âu, nhưng vì Trung Quốc là một nước lớn nên không một nước thực dân nào có thể một mình chinh phục. Do đó, Trung Quốc đã bị nhiều nước thực dân tranh nhau sâu xé từ giữa thế kỉ XIX. Đi đầu là Anh. Anh đã gây ra cuộc chiến tranh Nha Phiến (hay chiến tranh Thuốc phiện) từ năm 1840 – 1842, buộc triều đình phong kiến Mãn Thanh kí Hiệp ước Nam Kinh (1842), chịu nhiều điều khoảng rất nặng nề. Với Hiệp ước này, đã mở đầu và biến Trung Quốc từ một quốc gia độc lập có chủ quyền trở thành nước nửa thuộc địa nửa phong kiến. Đây cũng là mốc mở đầu thời kì Cận đại trong lịch sử Trung Quốc.
Theo chân Anh, các nước thực dân khác cũng lần lược chinh phục Trung Quốc và cũng như Anh, các nước thực dân cũng ép triều Thanh phải kí lần lược các Hiệp ước bất bình đẳng. Trên cơ sở những hiệp ước được kí, các nước phương Tây đã từng bước xâm nhập vào thị trường Trung Quốc, đẩy Trung Quốc vào tình trạng phụ thuộc.
Quá trình xâm lược của Anh và các nước châu Âu khác ở Trung Quốc có những nét khác biệt so với quá trình xâm lược các khu vực khác trước đó. Sỡ dĩ có tình hình này bởi Trung là một nước rộng lớn, đông dân, không một nước thực dân nào có thể chiếm trọn đất nước này một mình và bằng những biện pháp thông thường như các nước khác. Khác với các khu vực khác, ở Trung Quốc, các nước thực dân đã dùng biện pháp mua hoặc thuê đất để lập tô giới. Về thực chất đây là vùng thuộc địa nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, hoàn toàn thuộc về đế quốc bên ngoài.
Tiếp theo hoạt động mua và thuê đất để lập tô giới, các nước thực dân đã tiến hành các cuộc chiến tranh quyết liệt như chiến tranh Trung – Pháp (1884 – 1885), chiến tranh Trung – Nhật (1894 – 1895) và tiếp tục Mãn Thanh rơi vào thất bại phải kí Hiệp ước mất chủ quyền. Với Hiệp ước Mã Quan, Nhật trở thành đế quốc duy nhất ở châu Á có thể sánh vai với các nước lớn trên thế giới. Đây là tiền đề để Nhật bước vào thế kỉ XX thuận lợi.
Đến cuối thế kỉ XIX đầu XX, cơ bản các nước đế quốc đã phân chia xong thế lực của mình ở Trung Quốc. sau cùng là Mỹ, đã thực hiện chính sách “mở cửa” (1889) để chen chân vào thị trường Trung Quốc và lần lược buộc các nước đế quốc phài công nhận thế lực của Mỹ.
Như vậy, đến cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, Trung Quốc trở thành nước nửa thuộc địa nửa phong kiến, trở thành một miếng bánh khổng lồ để các nước đế quốc xâu xé và chia nhau.
Lý giải như thế nào vào cuối thế kỉ XIX đầu XX, hầu hết các nước châu Á (trừ Nhật và Xiêm) đều trở thành thuộc địa hoặc nửa thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc thực dân? Thảm cảnh này có nhiều lý do giải thích nhưng khái quát lại có hai điểm đáng lưu ý sau đây:
Thứ nhất, nguyên nhân cơ bản chính là sự khủng hoảng, sụp đổ của chế độ phong kiến, chế độ này đã làm mất dần vai trò lịch sử của nó.
Thứ hai, phương cách giữ nước và chống xâm lược của các nhà cầm quyền của các nước châu Á đều là “đóng cửa” coi đó là phương cách tốt nhất để tự vệ. Rõ ràng đây là cách bảo vệ đất nước thụ động, không kịp thời và làm giảm sức mạnh dân tộc, gạt đi những cái tiến tiến ở bên ngoài mà đáng lẽ ra cần phải tiếp thu. Sự mở cửa và đón nhận yếu tố bên ngoài, kết hợp với cuộc cải cách, duy tân (như Nhật, Xiêm) đã đem lại kết quả là những nước này thoát khỏi số phận thuộc địa. Đó là phương cách tự vệ chủ động và cũng là hội nhập chủ động vào tiến trình phát triển của thế giới.
Tóm lại, quá trình chủ nghĩa thực dân xâm lược châu Á là tương đối sớm. Tuy nhiên cấp độ tiến hành xâm lược lại rất khác nhau về thời gian và cách thức…Sự khác nhau đó tùy thuộc vào khu vực, tùy thuộc vào tiềm lực của từng nước đế quốc thực dân.

Trong suốt quá trình tồn tại của mình, chủ nghĩa thực dân có một vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử nhân loại. Việc xâm chiếm thuộc địa có ý nghĩa sống còn đối với chủ nghĩa thực dân. Dĩ nhiên quá để đi đến sự thống trị các nước thuộc địa ở châu Á có hiệu quả thì chủ nghĩa thực dân phải tốn không ít những thách thức về người và của. 
Khi đã trở thành thuộc địa, nửa thuộc địa nhân dân các nước châu Á bị thống trị trở thành đối tượng bóc lột dã man của các nước thực dân. Nền thống trị mà các nước thực dân áp đặt ở thuộc địa là hà khắc và toàn diện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Ray-mông Bac-bê (1963), Đặc điểm của chủ nghĩa thực dân Pháp, Nxb Sự thật, Hà Nội.
2.    Đỗ Thanh Bình (Chủ biên, 1999), Con đường cứu nước đấu tranh giải phóng dân tộc ở một số nước châu Á, Nxb. ĐHQG, Hà Nội.
3.    Đỗ Thanh Bình (2006), Lịch sử phong trào giải phóng dân tộc thế kỉ XX – Một cách tiếp cận mới, Nxb.ĐHSP, Hà Nội.
4.    Võ Kim Cương (2004), Việt Nam và châu Phi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc (Sách tham khảo), Nxb CTQG, Hà Nội.
5.    D.G.E.Hall (1997), Lịch sử Đông Nam Á (sách tham khảo), Nxb CTQG, Hà Nội.
6.    Lê Phụng Hoàng (2009), Các bài giảng về Lịch sử chế độ thực dân, khoa Lịch sử, ĐHSP TP.HCM.
7.    Nguyễn Văn Hồng, Vũ Dương Ninh, Võ Mai Bạch Tuyết (1987,1985), Lịch sử cận đại thế giới, quyển 2, 3, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
8.    Võ Nguyên Giáp (Chủ biên, 1996), Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb.CTQG Hà Nội.
9.    Trịnh Nam Giang (2003), Chủ nghĩa thực dân Anh và chủ nghĩa thực dân Pháp-sự giống nhau và khác nhau về vấn đề thuộc địa, Công trình dự thi năm 2003, ĐHSP Hà Nội.
10. Nguyễn Văn Hồng (2001), Mấy vấn đề lịch sử châu Á và Lịch sử Việt Nam một cách nhìn, Nxb.Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
11. Ủy ban KHXH (1985), Lịch sử Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội.
12. V.I.Lê nin (1963), Toàn tập, tập 3, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
13. Hồ Chí Minh (2001), Toàn tập, tập 1, tập 11, Nxb.CTQG, Hà Nội.
14. C.Mác và Ăng-ghen (1970), Tuyển tập, tập 1, Nxb.Sự thật, Hà Nội.
15. C.Mác (1960), Bàn về lịch sử, Tư bản, quyển 1, tập 2, Nxb.Sự Thật, Hà Nội.
16. Vũ Dương Ninh (Chủ biên, 1995), Lịch sử Ấn Độ, Nxb.GD, Hà Nội.
Nguyễn Khắc Viện (1985), Bàn về “thế giới thứ ba”, Nxb.Thông tin lí luận, Hà Nội.


[1] Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%A2u_%C3%81
[2]  Từ năm 1874 đến 1888, Anh lần lược thôn tính các bang ở Mã Lai. Năm 1895, Liên bang Mã lai được hợp nhất từ 4  bang (Pê-rắc, Xê-lan-go, Xem-bi-lan và Pahang). Đến năm 1909, Anh ép Xiêm kí Hiệp ước Băng Cốc nhường cho Anh 4 bang (Xê-da, Kê-lan-tan, Tơ-ren-ga-nu và Pec-li-xơ), rồi đặt nền bảo hook của Giô-hô , sau đó hợp nhất thành xứ bảo hộ ngoài liên bang Mã Lai.