PGS.TS.
Phan Thu Hiền - ThS. Đỗ Văn Đăng
[Bài đã đăng Kỷ yếu Hội thảo Khoa học
Quốc tế Relationship between India and
Southeast Asia. A strategic commitment or regional integration, Maulana
Abul Kalam Azad Institute of Asian Studies ( Makaias - Kolkata, India) và
Trường ĐHKHXHVNV, Đại học Quốc gia Tp. HCM phối hợp tổ chức, 5/2009. Đăng lại
trên Nguyệt san Giác ngộ, số Vu lan,
8/2009]
Khi
đến Đông Nam Á, nơi 4/5 dân số sống ở nông thôn, văn hóa truyền thống chủ yếu
là văn hóa dân gian, Jataka đã được
thế tục hóa, bình dân hóa, dung hợp với nguồn bản địa cũng như những nguồn
ngoại nhập khác để trở thành yếu tố quan trọng bồi đắp nền tảng đạo đức và lối
sống nhân ái, hiền hòa của cư dân trong khu vực. Bằng những cách thức như vậy,
chính Đông Nam Á đã hấp thụ sâu sắc tinh thần của Phật giáo Ấn Độ, nền tôn giáo
mà trong bản chất, là một triết học đạo đức, về cơ bản nhấn mạnh những cách
nghĩ và cách sống hơn là những hệ thống kinh điển, nghi lễ, tín điều chặt
chẽ.
Phần
lớn các quốc gia Đông Nam Á, cả hải đảo lẫn lục địa, đều chịu ảnh hưởng văn hóa
Ấn Độ, đặc biệt về tôn giáo và đạo đức. Ảnh hưởng Ấn Độ đã đến một cách hòa
bình, và được thẩm thấu qua sự tiếp nhận chủ động, sáng tạo của Đông Nam Á.
Vấn đề ảnh hưởng
của Jataka ở Đông Nam Á đã được không
ít nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đề cập, tuy nhiên, trong phạm vi tư liệu
mà chúng tôi bao quát được, chưa có những nghiên cứu thật chuyên sâu, có hệ
thống. Trong báo cáo này, chủ yếu với các phương pháp hệ thống - cấu trúc, so
sánh, và liên ngành, chúng tôi đi sâu khảo sát ảnh hưởng của Jataka ở Đông Nam Á nhằm làm sáng tỏ một
số nét đặc thù trong bản chất Phật giáo Ấn Độ cũng như một số nét đặc thù trong
tiếp biến văn hóa của Đông Nam Á.
* * *
Jataka, thuộc Tiểu bộ kinh, là một trong những tác
phẩm tiêu biểu của kho tàng kinh điển Phật giáo, được biên tập khá sớm, định
hình vào khoảng thế kỷ III tr CN.
Jataka bao gồm 547
Jataka, tức là 547 truyện liên quan đến những kiếp trước (Jati) của Đức Phật,
những kiếp trong vô số kiếp sống mà Người đã trải qua trước khi trở thành
Buddha (Đấng Giác Ngộ). Trong truyền thống Phật giáo, Đức Phật chứng được túc
mạng minh, thấu suốt những tiền kiếp của mình và khi cần thiết, Ngài đã kể lại
nhằm minh họa, nhấn mạnh những bài học đạo lý hoặc để làm sáng tỏ những tình
huống liên quan nhất định. Jataka, vì
thế, trở thành bộ kinh - truyện, dùng kể chuyện thuyết pháp: giảng triết lý
Nghiệp báo - Luân hồi (Karma - Samsara) cũng như phương thức tu tập căn bản
bằng pho truyện vĩ đại về một vị Bồ tát, qua các kiếp sống, không mệt mỏi, đã
thực hành những hạnh nguyện cao thượng, lập nguyện thành Phật hóa độ chúng sinh.
Ngay từ khi xuất hiện, Jataka
đã có vai trò quan trọng đối với Phật giáo Ấn Độ và sau đó tới hầu hết các nước
chịu ảnh hưởng Phật giáo, Tiểu thừa cũng như Đại thừa.
Quá trình ảnh hưởng của Jataka
nói riêng, Phật giáo nói chung ở Đông Nam Á, bên cạnh những đặc điểm chung, vẫn
có một số đặc trưng riêng so với ở Ấn Độ cũng như ở Đông Bắc Á.
Thứ nhất, xét về thời gian. Mặc dù chưa có tài liệu nào ghi
chép chính xác thời điểm song có thể xét đoán rằng Jataka đã đến Đông Nam Á đồng thời với sự có mặt của Phật giáo ở một
số quốc gia cổ của khu vực này vào quãng thế kỷ thứ II, thậm chí sớm hơn. Theo
bộ biên niên sử Mahavamsa của Sri
Lanka, vào thế kỷ thứ III tr CN, đại vương Asoka đã gửi chín phái đoàn truyền
giáo đến các nước, trong đó phái đoàn thứ tám do hai trưởng lão Sona và Uttara
dẫn đầu đến Suvannabhumi, được xem là Myanmar (có tài liệu cho là cả khu vực
Đông Nam Á) ngày nay. Ở Việt Nam,
từ thế kỷ II, Phật giáo đã có một vị trí nhất định trong lòng dân tộc (với các
truyền thuyết về Thạch Quang Phật và Phật Mẫu Man Nương cùng với nhà sư Khâu Đà
La...). Lục độ tập kinh và Cựu tạp thí dụ kinh ra đời thời kỳ này,
theo Lê Mạnh Thát (trong Tổng tập văn học
Phật giáo Việt Nam) là "những bản kinh đầu tiên của Việt Nam, hình thành
khoảng từ trước đến sau thời Hai Bà Trưng", do chính người Việt soạn tập và sư
Khương Tăng Hội dịch ra tiếng Hán vào đời Ngô - Tam quốc (Tk.III). Lục độ tập kinh và Cựu tạp thí dụ kinh kết tập những truyện tích Phật giáo, trong đó
khá nhiều truyện có nguồn gốc từ Jataka.
Như vậy, về thời gian, chắc hẳn Jataka
đã đến Đông Nam Á tương đối sớm hơn so với Đông Bắc Á. Bởi vì như chúng ta đã
biết, trung tâm Phật giáo Luy Lâu (thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay) hình
thành vào nửa đầu thế kỷ I, trong khi trung tâm Phật giáo đầu tiên của Trung
Quốc là Bành Thành (nay thuộc tỉnh Giang Tô) nửa sau thế kỷ I mới xuất hiện và
chỉ trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng vào nửa sau thế kỷ II. Nhiều nhà
sư Ấn Độ trước khi vào Trung Quốc truyền giáo hay ngược lại, nhiều nhà sư Trung
Quốc trước khi vào Ấn Độ tu học Phật pháp đã lưu trú một thời gian ở những
trung tâm Phật giáo cổ xưa ở Đông Nam Á. [theo Nguyễn Lang 1994: Việt Nam Phật giáo sử luận, T.1, NXB.
Văn học, tr. 26 và 31-33].
Thứ hai, xét về tông phái. Đông Nam Á chủ yếu theo Phật giáo
Tiểu thừa (chỉ Việt Nam
ngoại lệ do giai đoạn sau chịu ảnh hưởng Trung Quốc) trong khi Đông Bắc Á lại
theo Phật giáo Đại thừa. Trong tương quan, Jataka
thể hiện vai trò có phần quan trọng hơn ở những nước Tiểu thừa, nơi Sakyamuni
Buddha là tiêu điểm của niềm tin và thực hành Phật giáo (khác với những nước
Đại thừa còn thờ phụng nhiều vị Phật và Bồ tát khác bên cạnh Đức Phật lịch sử).
Thứ ba, xét về vị thế văn hóa của Phật
giáo. Ở Ấn Độ, sau khoảng 15 thế kỷ
thịnh đạt, Phật giáo gần như biến mất trong khi Hindu giáo dần lấy lại vị trí
thống lĩnh. Ngày nay, chưa đầy 1% dân số Ấn Độ theo đạo Phật trong khi đến 83%
theo đạo Hindu. Trung Quốc có thời kỳ chịu ảnh hưởng Phật giáo sâu đậm nhưng về
cơ bản vẫn là nền văn hóa với ảnh hưởng thống lĩnh của Nho giáo. Còn ở Đông Nam
Á có thể phân biệt hai tiểu khu vực với ảnh hưởng Phật giáo ngắn ngủi / lâu
dài, đậm / nhạt khác nhau:
(1) Các nước đến ngày hôm nay về cơ bản vẫn là các nước Phật giáo (với tín
đồ chiếm trên 50% dân số) bao gồm Campuchia (88,4%), Thái Lan (92,1%), Myanmar (87,2%), Lào (58%) và Việt Nam. Trong đó,
Campuchia là quốc gia cổ sớm tiếp thu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, lúc đầu là Bà La
Môn, sau là Phật giáo. Myanmar, Thái Lan, Lào là các quốc gia hình thành tương
đối muộn, tiếp nhận ảnh hưởng Ấn Độ muộn hơn và thông qua các quốc gia trung
gian, với Phật giáo sâu đậm. Việt Nam sớm tiếp nhận trực tiếp ảnh hưởng Ấn Độ
(ảnh hưởng Phật giáo ở Luy Lâu, ảnh hưởng Bà La Môn và Phật giáo ở Champa, Phù
Nam) đồng thời là nước duy nhất ở Đông Nam Á chịu ảnh hưởng sâu sắc của Trung
Hoa (ở phía Bắc từ thế kỷ II, ở phía Nam từ sau sự sụp đổ của vương quốc Champa
vào thế kỷ XV).
(2) Các nước đến ngày hôm nay ảnh hưởng Phật giáo tương đối mờ nhạt bao
gồm Brunei (13,1%), Singapore (8,6%), Malaysia
(6,4%), Indonesia
(6,4%). Trong đó, Indonesia
và Malaysia
từng rất sớm chịu ảnh hưởng Ấn Độ (Phật giáo và Bà La Môn), từ thế kỷ XIV-XV
chuyển sang Hồi giáo.
Tất cả các yếu tố nói trên khiến cho cách thức ảnh hưởng của
Jataka ở Đông Nam Á có những khác
biệt so với ở Ấn Độ, ở Đông Bắc Á.
1. Từ Jataka
kinh điển, nguyên gốc đến Jataka
phóng tác, "ngoại kinh"
Trung Quốc là nền
văn hóa kính trọng kinh điển, kính trọng chữ viết nên khi tiếp thu ảnh hưởng
Phật giáo cũng bắt đầu trước nhất bằng việc dịch kinh. Hệ thống kinh Chuyện
tiền thân (bổn duyên, bổn sinh - Phạn tạng) đã được dịch sang tiếng Hán từ rất
sớm, như Tạp bảo tạng kinh (Sanyakta-ratna-pitaka-sutra)
từ thế kỷ IV-VI, Hiền ngu kinh (Damamuka-nidana-sutra)
thế kỷ IV-VI, Bản sinh man / Bồ tát bản sinh man luận (Jatakamala) thế
kỷ X-XII...
Dù tiếp nhận ảnh hưởng Phật giáo sớm hơn, Đông Nam Á nhìn
chung lại hoàn thành các bản dịch Jataka
muộn hơn khá nhiều so với Trung Quốc. Bản Jataka
dịch từ tiếng Pali sang tiếng Myanmar
chẳng hạn được nhà sư U Aw Batha thực hiện vào thế kỷ XVIII, mà cũng chỉ là bản
dịch một số truyện. Ở Việt Nam,
trọn bộ Jataka được dịch và xuất bản
năm 1993. Tại Hội nghị Phật giáo lần thứ 6 (1954-1956, ở Myanmar), nhiều nhà sư
và học giả uyên bác của Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia đã cùng nhau khảo sát
lại các kinh điển, trong đó có các bản Jataka
đã được dịch và sau đó xuất bản những kinh này.
Trong khi không mạnh về dịch kinh, Đông Nam Á có xu hướng
biên soạn tuyển tập với số lượng các truyện ít hơn nhiều so với Jataka nguyên gốc. Điển hình như Pannasa Jataka (Năm mươi Jataka) ở các
nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar, chỉ có số truyện chừng
1/10 so với bộ Jataka 547 truyện. Nhà
nghiên cứu Bunnary, trên cơ sở tham khảo nhiều học
giả đi trước, cho rằng vào thế kỷ XV-XVI, khoảng 25 nhà sư từ khắp Đông Nam Á,
trong đó, nổi bật là từ bốn nước nói trên, sau khi tu học tại Ceylon trên đường
về nước, đã cùng dừng ở một ngôi chùa gần Chiang Mai (nay là miền Bắc Thái
Lan), tuyển tập và soạn thảo Pannasa
Jataka, chép trên lá cọ. Cũng có ý kiến cho rằng Pannasa Jataka đã được biên soạn không phải do một nhóm mà chỉ nhờ công lao
của một nhà sư Lào, sau đó được phổ biến sang Campuchia, Myanmar
và Thái Lan. [Chea Bunnary 2004: 17-18].
Tiếp tục tinh tuyển, các nước Đông Nam Á tập trung vào Dasa Jataka (Mười Jataka), nghĩa là 10 tiền thân cuối cùng trước kiếp sinh của
Sakyamuni Buddha (10 penultimate lives of the Buddha). Thái Lan gọi là Thosachat (Mười hóa thân). Myanmar phân biệt 10 Đại Jataka này so với những
tiểu Jataka khác trong tổng số 550 Jatakas (theo bản Ceylon). Mọi tín đồ Phật giáo Myanmar đều
quen thuộc với "Tey-Za-Thu-Ney-Ma-Bu-San-Ni-Wei" (tập hợp những chữ đầu trong
tên của Mười Đại Jataka).
Thậm chí, trong số 10 Jataka cuối đó, nhiều nước Đông Nam Á
đặc biệt hướng về một Jataka cuối cùng: Vessantara Jataka ("Wetsandon" trong
bản Thái Lan, "Vissandara" trong bản Myanmar...).
Những truyện Jataka được biên soạn, kể lại ở Đông Nam Á có
thể biến đổi đôi chút tên đất, tên người; sửa đổi hay thêm vào những tình tiết
khiến câu chuyện được "bản địa hóa" phù hợp hơn với bối cảnh địa lý, lịch sử -
xã hội cũng như tâm lý, tính cách mỗi dân tộc. Và kể cả không thiếu những
truyện Jataka mới được tạo ra. Những Jataka phóng tác, dù cách này hay cách
khác như vậy, mang tính "ngoại kinh" (extra-canonical / apocryphal), phi chính
thống (non-official). Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn có thể chấp nhận bởi ngay
chính bộ Jataka nguyên gốc, kinh điển
của Ấn Độ cũng ôm trùm cả những thành tố vốn phi Phật giáo trong ngọn nguồn,
bao gồm nhiều những truyện dân gian (cổ tích, ngụ ngôn...). Tất cả đã được tích
hợp vào di sản văn chương-kinh điển Phật giáo: "bất cứ câu chuyện truyền thống
nào đều có thể được chuyển thành Jataka, đơn giản bằng cách biến một trong
những nhân vật của nó thành tiền thân Đức Phật", miễn là câu chuyện trở thành
phương tiện thuyết Pháp [Robert E. Buswell 2003: 401].
Nhiều nước Đông Nam Á đã chuyển thành Jataka không chỉ một
số câu chuyện dân gian bản địa mà cả truyện tích sử thi Bà La Môn giáo họ vốn
đã tiếp nhận trước ảnh hưởng Phật giáo. Reamker ("Ramayana" của Campuchia) kể
rằng Riem (tức "Rama) sau khi chiến thắng quỷ vương đã trở thành Phật. Riem là
Pút Theng Cô, mầm non của Đức Phật, tiền thân của Đức Phật. Tương tự trong
Ramakien ("Ramayana" của Thái Lan), Phra Ram (tức "Rama") là avatar (hóa thân) of Phra Narai (tức
thần Bảo vệ "Narayan-Vishnu") và cũng được xem là tiền thân của Đức Phật. Suốt
200 năm qua, chín nhà vua Thái Lan đã mang tên Rama và tự xem như hóa thân của
Visnu với trách nhiệm bảo vệ Phật Pháp.
Rõ nét nhất là trong Phra
Lak Phra Lam của Lào, tác phẩm đồng thời vừa là một "Ramayana" vừa là một Jataka,
nơi Đức Phật kể cho tăng chúng chuyện về tiền thân Phra Lam (tức "Rama") của
Ngài. Phra Lak Phra Lam là "Ramayana" duy nhất ở Đông Nam Á có kết
cấu của một Jataka với 3 phần:
(1) Phần cơ duyên: ở Vat
Savathi, một ngày kia Đức Phật kể cho tăng chúng câu chuyện Phra Lak Phra Lam,
một trong những tiền thân của Người.
(2) Phần câu chuyện tiền thân:
chuyện Phra Lak Phra Lam.
(3) Phần nhận diện tiền thân:
sau khi kết thúc chuyện Phra Lak Phra Lam, Đức Phật giảng cho tăng chúng: Phra
Lam trong kiếp trước chính là Người trong kiếp này, Hapkhanasouane trong kiếp
trước chính là Thevathad (Devadatta), kẻ luôn thù oán và âm mưu hãm hại Đức
Phật.
Như
vậy, ở những nước Đông Nam Á chịu ảnh hưởng Bà La Môn trước ảnh hưởng Phật giáo
và sau đó trở thành nước Phật giáo đã có quá trình "Jataka hóa" một số sử thi,
truyện tích Bà La Môn, "Phật hóa" thần Visnu của Bà La Môn giáo. Ở Ấn Độ thì
sau khi Phật giáo ra đời như phản đề và sự hoàn thiện Bà La Môn giáo, đạo Bà La
Môn đã tự cải biến thành đạo Hindu trên cơ sở thu nạp một số yếu tố của Phật
giáo và chính Đức Phật được xem như hóa thân thứ chín của thần Visnu, nghĩa là Hindu
giáo đã "Visnu hóa" Đức Phật để đưa Đức Phật vào thần điện của mình.
2. Từ Jataka
tự sự ngôn từ đến các hình thức Jataka
tự sự hình ảnh, tự sự vật thể
Trong khi ở Trung Quốc, Jataka
chủ yếu được lưu giữ, tụng đọc trong hình thức kinh điển thì ở Đông Nam Á, Jataka thường xuyên hơn lại được kể như
những câu chuyện. Nhiều Jataka đi vào quần chúng, trở thành truyện kể dân gian.
Những thí dụ về loại này rất phong phú. Chẳng hạn như trong truyện cổ Lào, các truyện "Sự tích hình thỏ trên mặt trăng" và "Sự tích của rượu" vốn bắt nguồn từ
các truyện Tiền thân Sasa (Jataka 316)
và Tiền thân Kumbha (Jataka 512). Trong truyện cổ Thái Lan, chùm truyện "Gà
gô trở thành thầy giáo như thế nào"; "Gà gô thông thái, hiền hậu", "Ông sư độc
ác và con hổ" có kết cấu và nội dung giống với truyện Tiền thân Tittira (Jataka 438). Trong
truyện cổ Campuchia, chùm truyện "Thỏ Phéa làm
vua", "Thỏ kết bạn với voi", "Thỏ lừa cá sấu" dựa trên truyện Tiền thân Daddabha (Jataka 322)... Trong
truyện cổ Việt Nam
có truyện "Vụ kiện châu chấu" cũng dựa theo truyện Tiền thân Daddabha này. Đặc
biệt, ở nội dung, tình tiết của nhiều truyện đố, truyện Trạng (kiểu truyện chú
bé thông minh) Việt Nam ta thấy dấu ấn rõ nét từ truyện Tiền thân Mahà-Ummagga (Jataka 546, một Jataka có kết cấu xâu chuỗi với truyện khung và 30 tiểu truyện), trong đó
nhân vật chính Osadha-Kumara, Tiền thân của Đức Phật, là một vị Đại sĩ chỉ mới
bảy tuổi, luôn chiến thắng nhờ những mưu mẹo của mình. Chẳng hạn Kumara đã dùng
một sợi len nhúng mật để nhử bầy kiến kéo sợi đó chui qua lỗ của viên ngọc quý
kết lại dây chuỗi bị đứt cho vua Kusa. Hoặc khi người ta đưa đến một khúc cây
đẽo nhẵn, bắt chỉ đầu nào gốc, đầu nào ngọn, Kumara đã thả khúc gỗ xuống nước,
nhờ vậy mà phân biệt được đầu gốc bao giờ cũng nặng hơn...
Không chỉ được ghi chép, tụng kể bằng ngôn từ (verbal
narrative), những truyện Jataka còn được truyền đạt qua những bức tranh, những
bức phù điêu... Sớm nhất cho hình thức này ở Ấn Độ là tranh trần của tháp Phật
(stupa) Bharhut (thế kỷ III tr CN) vẽ tràng hoa sen hình chữ S mà mỗi bông hoa
kể một Jataka tạo nên Jataka-mala (Tràng hoa Jataka). Các Jataka cũng được thể
hiện qua các tác phẩm điêu khắc ở Sanchi (thế kỷ II tr CN), Bodh Gaya (thế kỷ I
tr CN), Amaravati (thế kỷ II), Nagarjunakonda (thế kỷ III). Phức hợp chùa -
hang Ajanta nổi tiếng với những bích họa
Jataka trong các điện thờ (chaitya) số 1 và số 17 (thế kỷ V). Ở Trung Quốc thì
cả trước khi hệ thống kinh truyện này được chuyển ngữ, vào thế kỷ thứ III, nhiều bích họa Jataka đã xuất hiện tại các hang động Tân Cương, Đôn Hoàng... Thời
Bắc Ngụy, những đề tài từ Jataka đã
trở nên phổ biến đối với mỹ thuật Trung Hoa.
Những tác phẩm điêu khắc, hội họa Jataka đặc biệt nở rộ tại các quốc gia Đông Nam Á. Tiêu biểu như ở
Indonesia trong ngôi chùa Borobudur lừng danh (thế kỷ IX); ở Myanmar trong các
chùa Shwezigon, Ananda, Kucha (thế kỷ XI), Gubyaukgyi, đền Pagan (thế kỷ XIII);
ở Campuchia là các ngôi đền Tanei, Prah Khan (thế kỷ XI) và đền Bayon (thế kỷ
XII) thuộc quần thể Angkor Wat; ở Thái Lan có chùa Sukhodaya (thế kỷ XIII),
chùa Wat Yai Intharam (thế kỷ XVIII-XIX); ở Lào với các chùa Wat Mai
Suwannaphumaham (thế kỷ XVIII) và Wat Si Saket (thế kỷ XIX)... Lào có động Nang Kan-maag gắn với truyện
Tiền thân mà dân tộc này say mê là "Pra Rot Meree".
Ở một số nước Đông Nam Á, những câu chuyện Jataka còn được
vẽ trên những tấm vải dày mà người ta có thể mang theo. Ở Campuchia có tranh
trên vải Prah Bad. Còn ở Đông Bắc
Thái Lan, tranh cuộn thể hiện câu chuyện Jataka thường rộng 3,5 feet và dài có
thể đến trên 30 feet, được các nghệ sĩ vẽ rất công phu. Do điều kiện khí hậu,
khó có thể treo một bức tranh cuộn đến hơn 50 năm mà tranh không hư hỏng, nên
theo tục lệ, người ta thường định kỳ dỡ bỏ, đôi khi đốt đi và thay bằng những
bức tranh mới được cung tiến. Ở Thái Lan, tranh vẽ những câu chuyện Jataka cũng
còn được thể hiện trên gỗ tếch, giấy koi...
Những hình thức tự sự hình ảnh (visual narrative), tự sự vật
thể (physical narrative) như vậy không đơn thuần là minh họa cho tự sự ngôn từ
(verbal narrative) khiến các câu chuyện trở nên hiển hiện cụ thể, trực tiếp,
sống động, gây ấn tượng mạnh mẽ với người xem mà quan trọng hơn, bầu khí quyển
linh thiêng trong đền chùa khiến các câu chuyện được tin tưởng, sùng mộ một
cách đặc biệt và chúng "dẫn dắt tín đồ hành hương theo dấu chân Đức Phật bằng
cách đi qua những kiếp sống kế tiếp nhau của Người" [Robert E. Buswell 2003:
402]. Những tranh, phù điêu như vậy còn hỗ trợ cho phần tụng kể, thuyết giảng Jataka của các nhà sư, và cũng giúp cho
mục đích thiền định.
Không chỉ dừng trong phạm vi của nghệ thuật tạo hình, ở
nhiều nước Đông Nam Á, những câu chuyện Jataka còn được thể hiện trong nghệ
thuật biểu diễn. Nghĩa là không chỉ tự sự thị giác mà còn hơn thế nữa, phát huy
năng lực sân khấu như một nghệ thuật tổng hợp - nghệ thuật không gian và nghệ
thuật thời gian, nghệ thuật thị giác và nghệ thuật thính giác...
Rối bóng Wayang Kulit ở Indonesia,
rối bóng Meleyu ở Malaysia
thể hiện một số câu chuyện phóng tác từ
Jataka bên cạnh những tích truyện sử thi Ramayana, Mahabharata. Và sau này, ngay cả khi chịu ảnh hưởng Hồi
giáo, kịch rối kể những câu chuyện ấy vẫn tiếp tục được người bình dân yêu mến.
Ở Thái Lan, những câu chuyện Jataka được diễn kể, cả trong múa
dân gian Manohra (miền Trung), sân
khấu dân gian Lakhon Chatri hoặc Nohra Chatri (miền Bắc và miền Trung)
lẫn trong kịch múa cung đình Lakhon Nai,
sân khấu cung đình. Múa và kịch cung đình thường biểu diễn các truyện Jataka
cùng với những truyện tích sử thi "Ramayana"
(Ramakien), "Mahabharata".
Ở Myanmar,
từ chỉ kịch là Zat, xuất phát từ
Jataka. 10 Đại Jataka là những truyện kịch thường xuyên được trình bày. Chương
trình biểu diễn, với diễn viên cùng những con rối, thường tổ chức ở đền chùa, có
thể kéo dài hàng tuần, mỗi đêm bắt đầu lúc 9h và kết thúc khi bình minh: đêm
thứ nhất diễn Zat (truyện Jataka),
đêm thứ hai - Thamaing (một truyền
thuyết lịch sử hoặc huyền thoại về ngôi đền), đêm thứ ba - Pon pyin (một truyện ngụ ngôn / truyện luân lý). Trong những lễ hội
đền chùa ở Mandalay
còn có kịch câm về đề tài Jataka. Truyền thống biểu diễn Jataka kéo dài đến tận
ngày nay và từ năm 1993 bắt đầu những cuộc thi diễn kịch Jataka hàng năm, một trong
số 10 Đại Jataka được chọn để đua tài (thí dụ năm 1997 chọn Jataka thứ 3 -
Suvannasama, năm 2000 chọn Jataka thứ 5 - Mahothada...).
Qua những hình thức phong phú, đa dạng của truyện kể (từ
kinh-truyện đến truyện dân gian), truyện tranh (cả hội họa lẫn điêu khắc, trong
đền chùa), truyện diễn kể (kịch múa, kịch rối... trong cung đình cũng như ngoài
dân gian), ở Đông Nam Á, các Jataka đã tìm được nhiều con đường hơn (so với ở
Đông Bắc Á) để đến với đông đảo người dân, vượt qua mọi ngăn cách giàu - nghèo,
người trí thức - kẻ thất học, trẻ - già, nam - nữ...
3. Jataka
từ đền chùa vào đời sống
Trong đời sống cư dân nhiều nước Đông Nam Á, nhất là các
quốc gia Phật giáo Theravada, Jataka
có ảnh hưởng sâu rộng, từ các nghi lễ tôn giáo đến các nghi lễ vòng đời, phong
tục, tập quán...
Hàng năm, hầu hết các nước Phật giáo Theravada đều tổ chức
những buổi lễ tụng đọc và diễn giảng Jataka,
thường diễn ra vào dịp Vesak, tháng Tư âm lịch.
Ở Campuchia, sau mùa mưa là lễ Tesnamohajict, tức là lễ Tụng đọc, Thuyết giảng Đại Jataka cuối
cùng - Vessantara Jakata. Nghi lễ này có tên là Thet Mahachat ở Thái Lan, thường tổ chức vào dịp đầu năm trong hầu
như tất cả các chùa. Một tu sĩ tụng đọc bằng tiếng Pali, phần đông người Thái
không hiểu ngôn ngữ này nên có thêm phần kể tóm tắt câu chuyện bằng tiếng Thái,
sau đó, một hoặc nhiều tu sĩ sẽ diễn giảng ý nghĩa truyện - kinh. Tương tự là Tang-Tham-long ở Myanmar, Bun Pha Wet ở Lào. Ở Lào, không chỉ
những dịp nghi lễ tôn giáo mà hàng ngày, các tu sĩ đều giảng Pháp bằng các câu
chuyện Jataka.
Nhà sư, ở nhiều nước Đông Nam Á, nhất là các nước Phật giáo
Therevada, được tôn kính như lãnh tụ tinh thần, như người thầy, có vai trò quan
trọng trong gìn giữ luật lệ, từ phép tắc hành xử đến luật pháp quốc gia, quy
định hành chính... Khi những câu chuyện Jataka được các nhà sư tụng kể, diễn
giảng, dân chúng đều xem là thực, là thiêng liêng, lắng nghe với tất cả sự kính
trọng và tin tưởng.
Với người Lào cũng như người Thái Lan thì hầu như trong mọi
nghi lễ vòng đời đều có tụng kể Jataka. Đó là một phần quan trọng của nghi thức
kwan trong lễ quy y cho một chú tiểu cũng như trong hôn lễ...Trong giai đoạn
người vợ giữ gìn, kiêng cữ sau khi sinh (nếu sinh con đầu lòng thời kỳ này có
thể là 30 ngày hoặc lâu hơn), người chồng cũng đọc hoặc nhờ người đọc kể Jataka cho vợ mình nghe. Trong tang lễ,
hàng đêm đều có tụng đọc Jataka, cho
linh hồn người chết; cho thân nhân, họ hàng được an ủi; dân làng cũng thích
nghe mà chủ nhà thì xem là đã làm việc tích đức [Pranee Wongthet 1989: 21-30].
Cần nhấn mạnh là tất cả những điều đó vẫn còn sống động cho
đến tận ngày hôm nay ở các nước Phật giáo Theravada. Có thể nói rằng Jataka
đã đi vào đời sống Đông Nam Á với ảnh hưởng ở tầm rộng, bề sâu và chiều dài
thời gian lớn hơn nhiều so với Đông Bắc Á.
4. Từ tôn giáo - triết học tới đạo đức
Trong Jataka, triết học Phật giáo được trình bày không phải bằng những
giáo lý cao siêu, trừu tượng mà qua những câu chuyện cụ thể, sinh động về Bồ tát.
Điều có ý nghĩa là khi chưa trở thành Đức Phật, Người đã từng thuộc về những
đẳng cấp tầm thường, thậm chí từng trong kiếp chim chóc, muông thú... Để trở
thành một con người toàn hảo, một đấng Giác ngộ, trải vô số kiếp tiền thân, Bồ tát
đã nỗ lực, kiên trì thực hành mười hạnh nguyện cao thượng (Paramita), bao gồm:
Bố thí (Dana), Trì giới (Sila), Xuất ly (Nekkhamma), Trí tuệ (Panna), Tinh tấn
(Viriya), Nhẫn nhục (Khanti), Chân thật (Sacca), Kiên định (Adhitthana), tâm Từ
(Metta), tâm Xả (Upekkha). Jataka, vì
thế, là những câu chuyện về cuộc đời bình thường của muôn loài chúng sinh với
đủ mọi quan hệ trần tục: tất cả đều ở trong nhân quả đạo đức - "gieo gì gặt
nấy", tất cả đều có Phật tính, tất cả đều có thể Giác ngộ. Những nhân vật, cảnh
ngộ, xử sự trong các Jataka không hiếm khi đã đi vào trong hội thoại hàng ngày
ở nhiều nước Đông Nam Á khi người ta đánh giá, bàn bạc, nêu lên bài học đạo lý.
Mười Jataka cuối
cùng mà nhiều nước Đông Nam Á lựa chọn để tập trung nhấn mạnh như Mười Đại
Jataka chính là những câu chuyện cảm động thể hiện mười hạnh nguyện cao thượng
của Bồ tát, đúc kết mẫu mực đạo đức sáng ngời cho không chỉ bậc tu hành xuất
gia mà đông đảo những tín đồ tại gia noi theo.
Jataka cuối cùng - Vessantara Jataka, truyện phổ biến nhất, được yêu mến
nhất ở nhiều nước Đông Nam Á, đề cao hạnh Bố thí. Hoàng tử Vassantara hào phóng
nổi tiếng đến mức người ta từ đủ mọi nơi đổ xô đến cửa nhà chàng xin xỏ và
chàng không từ chối bất kỳ ai. Khi chàng tặng nhà vua láng giềng con ngựa
thiêng của quốc gia khiến cho sau đó trong nước bị hạn hán thì dân chúng không
chịu đựng nổi nữa, buộc đức vua phải lưu đày Vessantara vào rừng. Lang thang
trong rừng, chàng lại tiếp tục biếu con ngựa, cỗ xe, hai đứa con rồi cả người
vợ yêu quý của mình. Cảm động về hạnh Bố thí của Vassantara, sau các thử thách,
Thiên Đế Indra đã cho chàng đoàn viên cùng vợ con, quay trở về vương quốc trong
sự hân hoan chào đón của tất thảy mọi người. Câu chuyện Tiền thân Vessantara đã
góp phần bồi đắp truyền thống sẵn lòng làm từ thiện, tích đức ở nhiều nước Đông
Nam Á.
Bên cạnh Vessantara Jataka, người Campuchia cũng tôn sùng ngang thế đối
với Mahosatha Jataka (tức Mahà-Ummagga, Jataka số 546). Đại sĩ Mahosatha có trí
thông minh và tài năng tuyệt đỉnh, bảy tuổi đã trở thành một kiến trúc sư nổi
tiếng. Trải qua nhiều thử thách, Mahosatha được nhà vua tin cẩn mời vào cung để
thỉnh vấn những vấn đề đạo đức và triều chính, quý mến và thương yêu như con. Nhờ
trí tuệ và phước đức, chàng đã thoát khỏi sự mưu hại của bốn vị đại thần, không
những giúp vua thoát nạn mà còn tạo được tình hòa hiếu với các nước lân bang.
Vợ chàng là nàng Amara vừa xinh đẹp vừa thông minh và đủ đầy đức hạnh. Người
đàn ông Campuchia mong ước thông minh như Mahosotha, phụ nữ thì muốn được khôn
ngoan như vợ của Mahosatha.
Được yêu thích gần như
Vessantara Jataka, đối với người Thái và người Lào là Pra Rot Meree (còn có các
tên khác như Nang Sib Song, Phra Rodasan trong tiếng Thái). Jataka gốc Ấn Độ đã
được Thái và Lào biến đổi trong một số chi tiết. Ở Thái, câu chuyện được biểu
diễn trên sân khấu Lakhon, gần đây được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh và
trở thành một trong những bộ phim thành công nhất từng được dựng. Truyện kể về
hoàng tử Phra Rodasan có người mẹ chột mắt. Bà hoàng hậu xấu tính của vua cha
chàng thực ra là một yêu tinh khổng lồ cải trang. Phra Rodasan đã đến xứ sở
khổng lồ, chàng biết được những bí ẩn đằng sau số phận mẹ và người dì mù của
mình, quan hệ giữa họ với yêu tinh khổng lồ. Tình cảm của chàng với Meree, con
gái của yêu tinh khổng lồ giúp chàng tỉnh ngộ về thù hận và yêu thương: cha mẹ
là cừu thù nhưng những đứa con đã đến với nhau trong tình ái. Câu chuyện tiền thân này tô đậm đồng thời hai
hạnh Trí tuệ và tâm Xả - hiểu biết sâu sắc chân lý giúp người ta xả bỏ định
kiến, hận thù để tha thứ, thương yêu.
Trong khi đều tập trung vào 10
hạnh thể hiện qua 10 Jataka cuối, đều đặc biệt nhấn mạnh hạnh bố thí trong Jataka
cuối cùng thì tùy tính cách, khí chất tinh thần từng dân tộc mà mỗi nước Đông
Nam Á có thể lựa chọn để đề cao những đức hạnh cao thượng gắn với những Jataka
nhất định nào đó khác nhau.
Vessantara cũng là một trong bốn truyện Jataka phổ biến ở Trung Quốc
được vẽ nơi động Tân Cương và Đôn Hoàng. Nhưng truyện mà Trung Quốc nhấn mạnh
hơn cả lại là Shyama / Samaka / Sama Jataka (Jataka số 540). Shyama là người
con trai tận tụy phụng dưỡng cha mẹ mình - một đôi vợ chồng ẩn sĩ mù lòa và già
cả. Một ngày kia khi ra suối lấy nước về cho cha mẹ, chàng bị chết do trúng tên
của một nhà vua đi săn. Cảm động về tâm Từ đối với cha mẹ của Shyama, Thiên Đế
Indra đã cho chàng sống lại. Người Trung Quốc coi trọng đạo Hiếu đã đặc biệt
xưng tụng tiền thân này của Đức Phật. Shyama được chuyển ngữ thành San tử
(Shanzi), nghĩa là được xem như bậc thánh, giống Khổng tử, Mạnh tử... vậy;
truyện Shyama đạt đến địa vị cao quý của San
tử kinh (Shanzi Jing). [M.C.
Joshi & R. Benerjee]. Có thể thấy truyện Jataka này đã được "Trung Quốc
hóa" trong khí quyển của văn hóa Nho gia.
***
Tóm lại, khi đến Đông Nam Á,
nơi 4/5 dân số sống ở nông thôn, văn hóa truyền thống chủ yếu là văn hóa dân
gian, Jataka đã được thế tục hóa,
bình dân hóa, dung hợp với nguồn bản địa cũng như những nguồn ngoại nhập khác
để trở thành yếu tố quan trọng bồi đắp nền tảng đạo đức và lối sống nhân ái,
hiền hòa của cư dân trong khu vực. Bằng những cách thức như vậy, chính Đông Nam
Á đã hấp thụ sâu sắc tinh thần của Phật giáo Ấn Độ, nền tôn giáo mà trong bản
chất, là một triết học đạo đức, về cơ bản nhấn mạnh những cách nghĩ và cách
sống hơn là những hệ thống kinh điển, nghi lễ, tín điều chặt chẽ.
Tp. Hồ Chí Minh,
tháng 5 năm 2009
P.T.H - Đ.V.Đ
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1.
Ahir, D.C.
2000: The Influence of Jatakas on Art and
Literature, B.R. Publishing Corporation, Delhi.
2.
Banerjee, P. 1994:
"The Spread of Indian Art and Culture to Central Asia and China", Indian Horizons, Vol.43, No.1-2, http://ignca.nic.in/pb0013.htm.
3.
Bunnary, C. 2004: Buddhist
Ethics in the Paññāsa Jātaka (Apocryphal
Birth-Stories), Royal University of Phnom
Penh.
4.
Buswell, R. E. 2003: Encyclopedia
of Buddhism, Vol.1, Macmillan reference USA.Cowell, E. B. 1973- 1979: The Jātaka
or Stories of the Buddha's Former Births (Vol. I - VI), Cosmo Publications,
Delhi.
5.
Kapoor, S. 2001: The
Buddhist - Encyclopedia of Buddhism, Vol.3, Cosmo Publications, New Delhi.
6.
Phan Thu Hien 2006: "Indian substratum in South East Asian Cultural
Identity". Transactions of 2nd International conference on South
East Asian Culture Values: Exchange and Cooperation, Cambodia.
7.
Phan Thu Hiền 2006: "Đôi nét bản sắc văn hóa Lào qua quá
trình bản địa hóa sử thi Ramayana
trong Phra Lak Phra Lam". Kỷ yếu Hội thảo Văn học Lào. Trường ĐHKHXHVNV TP.
HCM.
8.
Phan Thu Hien 2007: "Buddhism in Vietnam
and Buddhism in Thailand:
Some similarities". Transactions of conference on Korean and Southeast Asian
Studies. Burapha University,
Thailand.
9.
Phan
Thu Hiền 2008: "Nghệ thuật kể chuyện - thuyết pháp trong Jataka". TC Văn
học số 8.
10.
Rhys Davids, T. W. 2004: Buddhist
Birth-Stories, Winsome Books India,
Delhi.
11.
Sahkar, H.B.1985: Cultural
relations between India
and SouthEast Asian countries. Indian council for cultural relations. New
Dehli.
12.
Wongthet, P. 1989: "The Jataka
Stories and Laopuan worldview". Asian
Folklore Studies, Vol.48, Silpakorn
University, Bangkok, Thailand.
|