Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Xu hướng vận động, phát triển và một số giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu hiện nay

TCCSĐT - Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân (GCCN) là phạm trù cơ bản nhất của chủ nghĩa xã hội khoa học, là một trong những vấn đề chủ yếu nhất của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Ở Việt Nam, vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với cách mạng đã sớm được khẳng định cả về lý luận cũng như trong thực tiễn. Đó là một trong những bài học hàng đầu cho mọi thắng lợi của cách mạng nước ta.

Công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) ở nước ta hiện nay diễn ra trong bối cảnh gia tăng của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Do vậy, việc tiếp tục tăng cường xây dựng và phát triển GCCN, khẳng định vai trò lãnh đạo của GCCN đối với cách mạng Việt Nam là một vấn đề quan trọng. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát huy vai trò của giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam”.(1)
Để đưa ra những giải pháp nhằm xây dựng GCCN trong tình hình, điều kiện mới, việc nghiên cứu xu hướng vận động, phát triển của GCCN là cần thiết.
1- Những yếu tố tác động đến xu hướng vận động, phát triển GCCN Việt Nam
Tác động của toàn cầu hóa. Đây là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư của nước ngoài và mở rộng thị trường, qua đó công nhân Việt Nam có cơ hội, điều kiện tiếp cận với những thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; trao đổi, học hỏi kinh nghiệm tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh của các nước. Mặt khác, toàn cầu hóa đưa đến sự cạnh tranh trong và ngoài nước ngày càng gay gắt trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, đó chính là động lực thúc đẩy mạnh mẽ GCCN Việt Nam phát triển nhanh về số lượng, chất lượng, cơ cấu GCCN cũng từng bước chuyển đổi cho phù hợp với yêu cầu phân công lao động quốc tế.
Công cuộc đẩy mạnh CNH, HĐH ở Việt Nam. Công cuộc này sẽ tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế với tốc độ nhanh hơn, quy mô rộng lớn hơn và tính chất phức tạp, đa dạng hơn trên tất cả các bình diện như: cơ cấu kinh tế tổng hợp, cơ cấu ngành, cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu vùng địa lý kinh tế... Công nghiệp và dịch vụ sẽ tiếp tục phát triển, chiếm vị trí và vai trò ngày càng lớn trong khi khu vực nông nghiệp ngày càng thu nhỏ một cách tuyệt đối về lao động, cũng như trong tỷ lệ đóng góp cho thu nhập quốc dân.
Sự tác động của cơ chế kinh tế thị trường. Trong những năm tới, kinh tế thị trường không chỉ tác động, điều chỉnh các hoạt động kinh tế, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến mọi vùng thành thị, nông thôn, mọi lĩnh vực trong đời sống và hoạt động của con người.
Bên cạnh những tác động tích cực thì mặt trái của kinh tế thị trường làm cho nhiều người chỉ quan tâm đến lợi ích vật chất, lợi ích cá nhân. Nó sinh ra thói vụ lợi, thực dụng, vị kỷ và chủ nghĩa cá nhân cực đoan, đề cao một chiều các giá trị vật chất, lối sống tiêu dùng, tôn thờ đồng tiền, xem thường đạo đức, văn hóa tinh thần, dẫn đến tình trạng một số công nhân không tích cực tham gia các hoạt động xã hội, không quan tâm đến vấn đề chính trị, tư tưởng, chứa đựng những mầm mống phân hóa giàu nghèo, phân hóa lợi ích và trình độ... Điều này tác động không nhỏ đến tính thống nhất và sức mạnh của GCCN với tư cách là giai cấp ưu tú mang sứ mệnh lịch sử là giai cấp lãnh đạo.
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ và nền kinh tế tri thức. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã có những bước phát triển mạnh mẽ với thành tựu của các ngành công nghệ cao, mang lại những biến đổi to lớn đối với kinh tế thế giới. Đó là bước chuyển quan trọng từ nền kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức, từ văn minh công nghiệp sang văn minh trí tuệ, hay nói cách khác, đó là sự chuyển đổi từ nền sản xuất chủ yếu dựa vào tài nguyên, lao động là chính sang nền sản xuất dựa vào trí tuệ con người là chính.
2- Xu hướng vận động, phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam trong những năm qua
Dưới tác động của những yếu tố nêu trên, những năm qua GCCN nước ta phát triển, trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, không ngừng vươn lên thực sự xứng đáng với vai trò lãnh đạo xã hội, đồng thời xứng đáng là giai cấp giữ vị trí cơ bản trong cơ cấu xã hội - giai cấp.
Có thể khái quát những xu hướng vận động và biến đổi của GCCN như sau:
 Xu hướng tăng lên về số lượng cùng với sự phát triển các ngành công nghiệp trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
Nếu như năm 1985, số lượng lao động công nghiệp là 2,577 triệu, chiếm 6% dân số và 16% lực lượng lao động xã hội, thì đến nay, giai cấp công nhân nước ta có tổng số khoảng 9,5 triệu người, chiếm khoảng 11% dân số, 21% lực lượng lao động xã hội(2), bao gồm công nhân làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, số lao động Việt Nam đang làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, số lao động phổ thông trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể.
Lực lượng lao động của GCCN tăng lên còn thể hiện ở sự gia tăng trong từng địa phương. Có thể lấy ví dụ ở Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng - ba trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc. Theo số liệu thống kê, có thể thấy: Tại Hà Nội, tính đến cuối năm 2007, có 850.926 công nhân, trong đó, công nhân làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước là 340.247 người, trong các doanh nghiệp tư nhân là 423.229 người, trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 87.450 người. Số lượng công nhân tiếp tục tăng trong tất cả các loại hình doanh nghiệp. Số lao động làm việc trong các khu công nghiệp của Hà Nội năm 2006 gấp 5,6 lần so với năm 2001. Trong đó chủ yếu lao động trẻ, lao động nữ và lao động di cư. Hải Phòng: đến cuối năm 2006 có 238.115 công nhân, tăng 51.720 người so với năm 2002. Quảng Ninh: số lượng công nhân ngành than tăng từ 67.198 người năm 1997 lên 94.106 người năm 2006 (tăng 40%). Số công nhân khối doanh nghiệp của địa phương từ năm 2003 đến 2006, đã tăng gần 2 lần. Cụ thể năm 2003 có 62.259 người; năm 2004 có 69.580 người; năm 2005 có 78.104 người; năm 2006 có 95.561 người; đến nay có 102.546 công nhân, lao động(3).
Sự gia tăng số lượng GCCN trong những năm qua chủ yếu do phát triển các ngành công nghiệp của các thành phần kinh tế. Riêng ở khu vực kinh tế nhà nước, số lượng công nhân tăng không đáng kể. Trong khi đó, bộ phận công nhân ở các thành phần kinh tế khác (ngoài kinh tế nhà nước) có sự tăng lên nhanh chóng về số lượng. Gắn với quá trình này là sự chuyển dịch mạnh mẽ giữa các bộ phận công nhân ở các thành phần kinh tế, mà chủ yếu từ khu vực kinh tế nhà nước, trong đó có cả công nhân trẻ, công nhân lành nghề, thợ bậc cao chuyển sang hoạt động ở các thành phần kinh tế ngoài kinh tế Nhà nước.
 Xu hướng đa dạng hoá sự phát triển GCCN ở các thành phần kinh tế trong quá trình đổi mới
Chính sách phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và quá trình mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế làm cho GCCN nước ta phát triển đa dạng hơn. Do được khuyến khích phát triển nên khu vực kinh tế tư nhân nước ta có sự phát triển mạnh. Trong tổng số công nhân cả nước, số công nhân làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước khoảng 22%; doanh nghiệp tư nhân và tập thể 61,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 16,5%. Chưa kể, khoảng 0,5 triệu công nhân lao động ở nước ngoài dưới các hình thức khác nhau(4).
Các bộ phận công nhân hoạt động ở các thành phần kinh tế, các cơ sở có hình thức sở hữu khác nhau, sẽ khác nhau về tính chất lao động, trình độ sản xuất công nghiệp, môi trường chính trị - xã hội và về thu nhập. Tình trạng phân hoá giàu nghèo, phân tầng xã hội diễn ra ngay trong nội bộ GCCN. Điều này sẽ dẫn đến sự khác biệt, không thống nhất về ý thức làm chủ, trình độ và tác phong công nghiệp, tinh thần giác ngộ và đoàn kết giai cấp… Đó cũng là yếu tố làm tăng thêm quá trình phức tạp, đa dạng hoá đội ngũ công nhân nước ta hiện nay.
 Xu hướng ngày càng nâng cao trình độ văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ tay nghề, ý thức trách nhiệm lao động và tác phong công nghiệp
Nếu như trước Đổi mới, chỉ có 57,5% công nhân có trình độ phổ thông cơ sở, đa số không qua đào tạo nghề, thì đến năm 2008, theo kết quả điều tra trong các doanh nghiệp, 100% công nhân biết chữ, 80% có trình độ THCS và THPT, 37% lao động qua đào tạo, trong đó 25% đào tạo nghề.
Riêng ngành than, nếu như năm 1997, số công nhân có trình độ văn hóa phổ thông trung học là 17.968 người, đến năm 2006 tăng lên 43.080 người; số công nhân kỹ thuật sơ cấp từ 46.268 người tăng lên 72.670 người; trung cấp và tương đương từ 7.876 lên 10.068 người; cao đẳng, đại học, trên đại học tăng từ 7.909 người lên 16.016 người, tăng gấp 2 lần. Tỷ lệ tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên trong tổng số công nhân (cán bộ, công nhân viên) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là 43,3%; Tập đoàn Điện lực Việt Nam: 28,58%; Tập đoàn Than - Khoáng sản: 16%; Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy: 17,9%; Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông: 26,5%; Tập đoàn Dệt - May: 5,6%...(5)
Đây là xu thế khách quan của quá trình phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, cạnh tranh theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế. Xu thế này được quy định trước hết bởi quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cơ chế thị trường với yêu cầu gay gắt về hiệu quả của quá trình sản xuất, kinh doanh được quan tâm hàng đầu, lợi ích của người lao động được đặt đúng vị trí của nó trong mối quan hệ với lợi ích của đơn vị sản xuất kinh doanh và của xã hội. Điều này trở thành động lực quan trọng thúc đẩy người lao động tự giác phấn đấu học tập, nâng cao trình độ văn hoá, chuyên môn và trình độ tay nghề, nâng cao ý thức, trách nhiệm lao động và tác phong công nghiệp.
Xu hướng này ngày càng nâng cao trên cơ sở nâng cao mặt bằng dân trí và những thành tựu đạt được của sự phát triển khoa học - kỹ thuật và công nghệ, quá trình đào tạo, sử dụng, bố trí, bồi dưỡng GCCN nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong nội bộ GCCN nước ta, xuất hiện ngày càng đông bộ phận công nhân có trình độ văn hoá, ngoại ngữ cao, có khả năng tiếp thu nhanh những tri thức tiên tiến, những công nghệ sản xuất hiện đại, có ý thức và tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc.
Xu hướng ngày càng đa dạng cơ cấu nghề nghiệp của GCCN ở các thành phần kinh tế
Cùng với sự phát triển khoa học - kỹ thuật và công nghệ mạnh mẽ của thời đại và xu hướng mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế là sự xuất hiện ngày càng tăng các ngành nghề mới trong công nghiệp, trong giao thông vận tải, trong xây dựng,… với kỹ thuật ngày càng cao, công nghệ ngày càng hiện đại. Điều này dẫn đến sự xuất hiện những bộ phận công nhân làm việc ở những ngành nghề mới này như: dầu khí, tin học, điện tử, viễn thông, chế tạo vật liệu mới,…
Nền kinh tế tri thức phát triển trên thế giới đã tác động mạnh đến nước ta và thực sự trở thành yêu cầu khách quan, đòi hỏi GCCN nước ta phải nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, nhiều ngành dịch vụ phát triển đa dạng như các ngành tài chính, ngân hàng, chuyển giao kỹ thuật, đầu ra cho các sản phẩm… đã tạo điều kiện, kích thích sản xuất phát triển. Do có nhu cầu phát triển lớn và thu nhập đem lại khá, nên bộ phận công nhân hoạt động ở khu vực các ngành dịch vụ sẽ tăng nhanh.
Những xu hướng biến đổi trên là khách quan và tất yếu của quá trình phát triển, và tiếp tục diễn ra trong những năm tới. Vấn đề đặt ra là cần phải có các chính sách phù hợp để hỗ trợ quá trình đó diễn ra thuận lợi và nhanh chóng đáp ứng sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của chúng ta.
Với mục tiêu trên, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI đưa ra quan điểm phát triển GCCN trong những năm tới là: “Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”(6). Trên cơ sở đó, xây dựng và phát triển GCCN Việt Nam cần tập trung vào những bước đột phá sau:
Thứ nhất, không ngừng tăng số lượng giai cấp công nhân để đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Thứ hai, có kết cấu các ngành nghề, phân bố khu vực cư trú, khu vực sản xuất hợp lý nhằm kết hợp tốt nhất kinh tế và chính trị, gắn chặt xây dựng và bảo vệ, phát triển tự chủ gắn liền với hội nhập quốc tế.
Thứ ba, không ngừng nâng cao chất lượng toàn diện giai cấp công nhân Việt Nam. Trong đó, bên cạnh ý thức chính trị, bản lĩnh chính trị vững vàng cần có trình độ học vấn và tay nghề ngày càng cao.
Thứ tư, cần chú ý phát triển về thể lực để bảo đảm hiệu quả cao trong sản xuất công nghiệp và hội nhập quốc tế.
Từ các bước đột phá nêu trên, chúng tôi đưa ra một số giải pháp cơ bản sau:  
Một là, tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với giai cấp công nhân cũng như công tác phát triển, giáo dục GCCN
Việc nhận thức rõ vai trò to lớn của GCCN Việt Nam trong sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế là quan trọng và cần thiết đối với sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt là vai trò của GCCN đối với xây dựng Đảng, Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong việc nâng cao cả về chất lượng và số lượng GCCN. Phải coi đây là một trong những nhiệm vụ kinh tế - chính trị hàng đầu của mỗi tổ chức Đảng, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúng ta đã có Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước”. Nhưng việc triển khai thực hiện Nghị quyết còn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong thời gian tới, cần quán triệt hơn nữa đến các cấp, các ngành, các địa phương. Ngoài ra, cần tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng, phát triển các tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp liên doanh hoặc 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần dân tộc, ý thức công dân, nâng cao tinh thần phấn đấu, rèn luyện, xây dựng tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và  ý chí quyết tâm vươn lên.
Hai là, tăng quy mô đào tạo, dạy nghề và nâng cao chất lượng nghề nghiệp của công nhân theo yêu cầu của thị trường lao động
Nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề cho công nhân là giải pháp vừa cơ bản, lâu dài, vừa then chốt, đột phá nhằm phát triển thể lực, trí lực, khả năng nhận thức và tiếp thu kiến thức, kỹ năng, tay nghề, tác phong làm việc công nghiệp, tính năng động và sức sáng tạo của công nhân. Muốn vậy, phải phát triển, đổi mới giáo dục, đào tạo và dạy nghề, coi đó là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và phải đi trước một bước. Trong đó, cần ưu tiên dạy nghề cho thanh niên nông thôn, trước khi bổ sung vào đội ngũ GCCN.
Vấn đề việc làm của người lao động trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hết sức quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động và gia đình họ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và an ninh chính trị.
Ba là, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện nghiêm chính sách, pháp lut, tạo động lực để GCCN phát triển. Cụ thể là:
- Cải cách chính sách tiền lương theo cơ chế thị trường. Tiền lương và thu nhập trả cho người lao động phải bảo đảm đủ sống. Phải bảo đảm nguyên tắc công bằng trong phân phối tiền lương và thu nhập trong doanh nghiệp, đồng thời phải tương xứng với sự đóng góp của lao động, tức là trả đúng giá trị của lao động.
- Đổi mới chính sách an toàn - vệ sinh lao động trong kinh tế thị trường theo hướng xây dựng văn hoá an toàn trong lao động tại nơi làm việc . Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn - vệ sinh và môi trường lao động. Nhất là tăng cường thanh, kiểm tra an toàn và vệ sinh lao động, đổi mới hoạt động thanh tra,...
- Hoàn thiện và phát triển hệ thống an sinh xã hội, mở rộng phúc lợi xã hội cho công nhân , như: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội; thực hiện chương trình phát triển nhà ở, các dịch vụ xã hội công cho công nhân, nhất là ở các khu công nghiệp tập trung.
-  Tập trung xây dựng quan hệ lao động hài hoà, đồng thuận, ổn định và tiến bộ trên cơ sở thực hiện cơ chế thỏa thuận giữa các bên ở cấp doanh nghiệp, cấp ngành theo đúng nguyên tắc thị trường.
- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để người lao động được mua và giữ được cổ phần nhằm bảo đảm quyền lợi về kinh tế, chính trị, tạo sự gắn bó giữa công nhân, lao động với doanh nghiệp.
Bốn là, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội  
Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội cũng có vai trò trực tiếp trong giáo dục, vận động, bảo vệ quyền lợi và nâng cao ý thức chính trị công nhân. Cần xây dựng và ứng dụng trong thực tiễn những mô hình về hoạt động công đoàn, những mô hình về hoạt động văn hóa tinh thần của công nhân... Công đoàn cơ sở ngoài việc bảo vệ quyền lợi công nhân, cần phối hợp với doanh nghiệp tuyên truyền pháp luật lao động, giáo dục cho công nhân biết về quyền lợi và trách nhiệm của mình; nhắc nhở phê bình những trường hợp không chấp hành nội quy; động viên những công nhân thực hiện tốt các quy định của pháp luật.
Năm là, xây dựng, củng cố khối liên minh giữa GCCN với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Trong quá khứ, liên minh công - nông - trí luôn là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, và phát huy sức mạnh của mình trong các giai đoạn khác nhau của cách mạng. Hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước GCCN Việt Nam cần được củng cố hơn nữa để làm tốt vai trò của mình trong khối liên minh này, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn xã hội trong thời kỳ mới./.
----------------------------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 241
(2) Bài phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của đồng chí Đặng Ngọc Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN: Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh, xứng đáng là giai cấp tiên phong trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH - HĐH, Báo Lao động, ngày 15-1-2011
(3) TS. Nguyễn Văn Giang: Đảng lãnh đạo xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay, Nxb CTQG, H. 2009, tr. 87-100
(4) Tài liệu nghiên cứu các Nghị quyết Trung ương 6 khoá X, Nxb CTQG, H. 2008, tr. 18
(5) TS. Nguyễn Văn Giang, Sđd, tr. 43
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 240
Phạm Việt DũngTS, Tạp chí Cộng sản