Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Giáo dục văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ

Những thay đổi về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở nước ta trong những năm qua, nhất là quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường mở cửa hội nhập quốc tế, đã tạo nên những biến động mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của thế hệ trẻ. Những mặt trái của nền kinh tế thị trường đã có ảnh hưởng tiêu cực đến một bộ phận sinh viên, làm thay đổi các quan điểm của họ về giá trị truyền thống của dân tộc, ảnh hưởng không tốt đến lối sống, nếp sống của thanh niên sinh viên. Điều đáng lo ngại là sự sa sút về phẩm chất, đạo đức ở một bộ phận sinh viên, thể hiện ở xu thế chạy theo những giá trị vật chất đơn thuần, có tư tưởng sùng ngoại, văn hóa ngoại lai, từ đó coi thường những thuần phong mỹ tục, hoặc lãng quên các giá trị truyền thống của dân tộc.
Do đặc điểm tâm lý lứa tuổi, thanh niên sinh viên rất nhạy cảm với cái mới, chịu ảnh hưởng to lớn của những tác động từ bên ngoài, vì vậy, việc giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, trong đó có thanh niên sinh viên, là vấn đề rất cấp thiết, giúp họ nhận ra giá trị đích thực và sức sống lâu bền của các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Các giá trị đó, được ông cha ta hun đúc từ xưa đến nay, không chỉ là bản sắc, cội nguồn, sức mạnh nội sinh, mà còn là động lực cho sự phát triển của dân tộc ta lên một tầm cao mới.
Giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
Truyền thống yêu nước Việt Nam gắn liền với lịch sử dân tộc Việt Nam, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử dân tộc ta. Truyền thống đó biểu hiện rõ nhất trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Thật hiếm có một dân tộc nào trên thế giới lại có quá trình chống ngoại xâm kiên cường, dũng cảm, bất khuất như dân tộc Việt Nam. Tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập tự do” đã trở thành quyết tâm của cả dân tộc trong suốt thế kỷ qua. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, nâng lên tầm cao mới là chủ nghĩa yêu nước gắn liền với CNXH đưa dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chủ nghĩa yêu nước chính là tinh thần đấu tranh xóa bỏ áp bức bóc lột, là ý thức chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, vươn tới xã hội dân chủ, công bằng, bình đẳng, tổ quốc phồn vinh dân giàu, nước mạnh.
Vấn đề quan trọng hiện nay là giáo dục cho sinh viên kế thừa và phát huy giá trị truyền thống yêu nước trong lĩnh vực chống ngoại xâm bảo vệ đất nước, chống nghèo nàn lạc hậu, vươn tới văn minh hiện đại. Hơn lúc nào hết, sinh viên cần nhận thức rõ vai trò vô cùng quan trọng của chủ nghĩa yêu nước trong sự nghiệp CNH, HĐH, phải biết phát huy mạnh mẽ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong tình hình hiện nay, đó là chủ nghĩa yêu nước XHCN. Tuổi trẻ nói chung và sinh viên nói riêng luôn là người kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng. Lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Đó cũng là lý tưởng của thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau. Lý tưởng CNXH của sinh viên hiện nay phải được thể hiện bằng quyết tâm vươn lên trong học tập, lao động, nghiên cứu khoa học, ý chí tự lực tự cường, phấn đấu xây dựng một xã hội không còn áp bức, bóc lột, bất công, mọi người đều bình đẳng, có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Giáo dục truyền thống nhân ái khoan dung gắn liền với giáo dục đạo đức XHCN
Truyền thống nhân ái khoan dung là một truyền thống quý giá của dân tộc Việt Nam. Truyền thống nhân ái đó đã được đúc kết trong tục ngữ ca dao Việt Nam: “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Truyền thống nhân ái khoan dung của dân tộc Việt Nam có lòng từ bi của Phật, lòng nhân ái của Nho, có cả hệ tư tưởng nhân đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Truyền thống tốt đẹp đó luôn được các thế hệ con người Việt Nam kế thừa và phát huy.
Giáo dục truyền thống nhân ái khoan dung cho sinh viên sẽ có tác dụng giáo dục sinh viên kính thày, yêu bạn, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, sinh hoạt, quý trọng của công, quan tâm đến nỗi bất hạnh của người khác. Tình yêu thương con người phải gắn với lòng căm thù các thế lực thù địch con người. Ngày nay sinh viên phải biết ngăn chặn cái ác, cái xấu đang len lỏi vào cuộc sống của họ. Nhiệm vụ đặt ra cho sinh viên là trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều phải nêu cao tinh thần đấu tranh, chống mọi cám dỗ, thấp hèn, chống lại sự lây lan của tệ nạn xã hội. Sinh viên ngày nay phải đấu tranh kiên quyết để nhanh chóng loại trừ ra khỏi cuộc sống của mình tệ nạn ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác đang xâm hại nghiêm trọng tư cách đạo đức, phẩm giá và sức khỏe của tuổi trẻ. Bên cạnh thái độ dứt khoát tránh xa các tệ nạn xã hội, sinh viên đồng thời phải biết khuyến khích cái thiện, noi gương người tốt việc tốt, có tinh thần đoàn kết, nhiệt tình tham gia các phong trào của thanh niên, sinh viên cả nước, góp phần vào các hoạt động xã hội như chiến dịch ánh sáng văn hóa, mùa hè xanh, phong trào hiến máu nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng... Sinh viên Việt Nam cũng phải sát cánh cùng sinh viên thế giới chống chiến tranh, chống phân biệt chủng tộc, chống chủ nghĩa khủng bố... Tính tích cực của sinh viên trong các phong trào trên chẳng những đem lại hiệu quả kinh tế xã hội mà còn là môi trường rèn luyện của người sinh viên, nâng cao vị thế của người sinh viên trong xã hội.
Giáo dục truyền thống nhân ái khoan dung cho sinh viên sẽ giúp sinh viên không ngừng nâng cao nhận thức, tự giác sống tốt đẹp hơn, biết lấy lợi ích tập thể, lợi ích dân tộc làm định hướng cho cuộc sống của mình, góp phần hình thành và phát triển toàn diện nhân cách sinh viên và khắc phục sự tha hóa của con người.
Giáo dục truyền thống đoàn kết cộng đồng gắn liền với đoàn kết quốc tế
Truyền thống đoàn kết cộng đồng là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó được biểu hiện qua các mối quan hệ cộng đồng lớn nhỏ khác nhau như gia đình, gia tộc, họ hàng, làng xã và lớn hơn là cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, truyền thống đoàn kết cộng đồng của người Việt Nam đã tạo nên sức mạnh to lớn, góp phần đưa dân tộc ta vượt qua biết bao thử thách gian nguy, giành và giữ vững quyền độc lập, tự do. Nối tiếp truyền thống của cha ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam dựa trên nền tảng liên minh công, nông, trí thức vững chắc. Người đã kết hợp sức mạnh của thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa cách mạng Việt Nam giành những thắng lợi to lớn. Ngọn cờ tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ chính là sức mạnh để dân tộc ta hội nhập và phát triển, mở rộng và nâng khối đại đoàn kết lên một tầm cao mới. Người nêu tấm gương sáng chói trong việc kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc.
Truyền thống đoàn kết hiệp lực vì nghĩa lớn là nét đẹp truyền thống độc đáo nhất của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, giáo dục truyền thống đoàn kết cộng đồng cho sinh viên phải được xem là một nội dung quan trọng. Nhiệm vụ chủ yếu của công tác này là từng bước xây dựng cho sinh viên ý thức tập thể, đoàn kết cá nhân với tập thể hòa chung vào các phong trào của tập thể từ lớp, khoa đến trường và rộng ra toàn xã hội, qua đó trang bị cho sinh viên phương pháp hữu hiệu để giải quyết mối quan hệ cá nhân với tập thể, cá nhân với xã hội, biết đặt lợi ích tập thể, lợi ích xã hội lên trên lợi ích cá nhân, biết hy sinh cái riêng để phục vụ cái chung. Đây không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm cao quý của sinh viên. Nó thể hiện mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa sinh viên với tổ chức Đoàn, tổ chức Hội, trong tập thể và trong xã hội, đoàn kết bên nhau, giúp đỡ nhau trong khó khăn hoạn nạn với ý thức tình nguyện. Chính sự đoàn kết thống nhất này là động lực quan trọng để sinh viên từng bước trưởng thành, là cơ sở để gắn kết họ với tập thể và với xã hội trong học tập và trong công tác sau này. Trong thời đại ngày nay, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế trở thành nhân tố của sự ổn định, động lực của sự phát triển. Xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và quốc tế trên lập trường của giai cấp vô sản là định hướng giá trị và lý tưởng sống của tuổi trẻ.
Giáo dục truyền thống lao động cần cù, thông minh, sáng tạo
Truyền thống lao động cần cù, thông minh sáng tạo là một truyền thống quý giá của dân tộc Việt Nam. Trải qua biết bao thế hệ, nhờ được phát huy, dân tộc Việt Nam đã tạo ra nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần phong phú. Nhờ đó, dân tộc ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách khắc nghiệt của tự nhiên để xây dựng và phát triển đất nước.
Ngày nay, sinh viên cần phải được giáo dục truyền thống quý báu đó. Cần có các biện pháp giúp sinh viên nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của lao động trong sự phát triển xã hội, giúp họ có thái độ đúng đắn và tình yêu đối với lao động. Lao động là niềm vui, niềm hạnh phúc của tuổi trẻ, lao động với tinh thần hăng say, sáng tạo. Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật sáng tạo, hăng say chịu thương chịu khó, không ngại gian khổ làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt. Những trí thức trẻ luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ vì lợi ích chính đáng của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.
Quá trình học tập của sinh viên trong những năm học đại học là quá trình hình thành sự hiểu biết về nghề nghiệp mà mình đảm nhận trong tương lai. Sinh viên cần phải nhận thức được rằng bản chất của chế độ ta là tôn vinh người lao động và mọi giá trị của lao động, kể cả lao động trí óc và lao động chân tay. Xuất phát từ nhận thức sâu sắc về giá trị của lao động, về vai trò và trách nhiệm của mình trong tình hình hiện nay, mỗi sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phải nung nấu cho bản thân một hoài bão lớn, trong sáng, chuẩn bị tốt hành trang vào đời. Họ là người có đủ bản lĩnh để trong bất cứ hoàn cảnh nào, phân công đi bất cứ nới đâu, làm bất cứ việc gì, cũng sẵn sàng cống hiến một cách xứng đáng. Họ là những người tình nguyện cống hiến sức trẻ cho mọi miền đất xa xôi, cho những công trình lớn của tổ quốc. Hơn lúc nào hết, sinh viên cần phấn đấu trở thành người lao động giỏi, lực lượng xung kích quan trọng trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, chuyển giao, làm chủ và sáng tạo ra công nghệ mới. Bài học kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy không thể trở thành một quốc gia giàu mạnh với một nền sản xuất hiện đại nếu ở đó thiếu những con người trẻ tuổi yêu lao động và lao động sáng tạo, có ý thức tập thể, phấn đấu vì lợi ích chung.
Giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo
Hiếu học, tôn sư trọng đạo là truyền thống quý giá của dân tộc ta. Truyền thống hiếu học đã tạo ra nhiều vùng đất học nổi tiếng, với những con người nỗ lực, quyết tâm vươn lên bằng con đường học hành. Đó cũng chính là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, ông cha ta đặc biệt đề cao vai trò của giáo dục đối với việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Lê Quý Đôn, nhà bác học lớn của dân tộc đã nhận thấy 5 yếu tố dẫn tới họa mất nước, trong đó có hai yếu tố thuộc lĩnh vực giáo dục. Đó là “trò không trọng thầy”, “sĩ phu ngoảnh mặt”. Từ đó, ông đã đi đến kết luận: “Phi trí bất hưng”. Nhiều ông vua đã lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Thân Nhân Trung đời vua Lê Thái Tông đã viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”.
Lịch sử dân tộc chứng minh rằng, từ một ngàn năm nay, giáo dục đại học không chỉ là thước đo trình độ văn minh, văn hiến của dân tộc mà còn là cơ sở đào tạo ra các thế hệ hiền tài - nhân tố quyết định sự hưng thịnh của các triều đại phong kiến Đại Việt. Những nhà giáo xuất sắc như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trở thành tấm gương về tài trí, khí phách và văn hóa của một dân tộc hiếu học, giàu truyền thống tôn sư trọng đạo.
Ngọn lửa truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam lại được thắp sáng lên trong tất cả mọi người dân yêu nước, nhất là thế hệ trẻ. Họ đang ngày đêm rèn đức luyện tài vì ngày mai tươi sáng, vì hạnh phúc của tuổi trẻ. Sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đòi hỏi con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, phát huy truyền thống hiếu học. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã tập trung mọi cố gắng, dành ưu tiên cao nhất cho phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ.
Sự nghiệp CNH, HĐH đất nước ngày càng đòi hỏi nhân tài nhiều hơn trên tất cả các lĩnh vực. Đó là những con người có tri thức, có phẩm chất đạo đức cao đẹp. Người lao động phải có trí tuệ cao, óc sáng tạo và bàn tay vàng để có năng suất chất lượng hiệu quả cao.
Vấn đề đặt ra là phải giáo dục cho sinh viên nhận thức rõ vai trò không thể thay thế của tri thức, tầm quan trọng sống còn của tri thức với sự tồn tại và phát triển của cả loài người và của từng cộng đồng quốc gia, dân tộc. Phải khơi dậy trong sinh viên tinh thần hăng say miệt mài học tập, học tập với động cơ và thái độ đúng đắn, với tinh thần kiên trì và tích cực nhất để có được tay nghề cao trong công việc của mình, từ đó phấn đấu vươn lên làm chủ khoa học và công nghệ tiên tiến. Hơn ai hết, sinh viên ngày nay phải học tập, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh: “Học để phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh tức là để làm tròn nhiệm vụ người làm chủ nước nhà”.
Kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là vinh dự lớn lao của người sinh viên, góp phần làm giàu tiềm năng trí tuệ cho đất nước. Đây là một trong những nhân tố đảo bảo cho sự nghiệp đổi mới đất nước đi đến thắng lợi.
Những giá trị văn hóa truyền thống quý giá của dân tộc ta có một vị trí và vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục, dào tạo thế hệ trẻ, nhất là thanh niên sinh viên hiện tại và tương lai. Do vậy, giáo dục giá trị văn hóa truyền thống dân tộc cho sinh viên là trách nhiệm của các cấp, các ngành trong đó ngành giáo dục và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có vai trò nòng cốt.
Giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho sinh viên, suy cho cùng chính là thực hiện chiến lược con người, xây dựng con người mới với những phẩm chất mới nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước. Làm tốt công tác giáo dục giá trị văn hóa truyền thống dân tộc cho sinh viên trong các trường đại học sẽ có tác dụng chuyển hóa sức mạnh tinh thần, năng lực trí tuệ của tuổi trẻ thành sức mạnh vật chất, để phát huy tối đa sức mạnh nội sinh của dân tộc, vừa tiến lên văn minh hiện đại, vừa giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc, tạo lập con đường phát triển ổn định và bền vững cho đất nước trong thế kỷ mới.





Nguồn: Tạp chí VHNT số 309, tháng 3-2010
Tác giả: Lê Cao Thắng