Cộng
đồng ASEAN quyết tâm “chuyển sự đa dạng về văn hóa và sự khác biệt của
ASEAN thành thịnh vượng và các cơ hội phát triển công bằng trong một môi
trường đoàn kết, tự cường khu vực và hòa hợp”. Mục tiêu mà ASEAN đang
hướng tới là một gia đình các dân tộc Đông Nam Á đùm bọc, giúp đỡ lẫn
nhau cùng phát triển.
Tầm nhìn 2020
Tầm
nhìn 2020, đưa ra đúng vào lúc cơn bão khủng hoảng tài chính châu á
1997 tấn công dữ dội nhiều nước ASEAN, là văn kiện đánh dấu bước chuyển
mình của ASEAN từ ý tưởng xây dựng cộng đồng sang mục tiêu hướng tới
Cộng đồng. Khi Cộng đồng ASEAN được hình thành, Đông Nam Á sẽ là một khu
vực hòa bình, tự do và trung lập, các tranh chấp về lãnh thổ cũng như
các khác biệt khác sẽ được giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Liên kết
kinh tế ASEAN sẽ chặt chẽ hơn qua việc thành lập Khu vực Mậu dịch tự do
ASEAN (AFTA), Khu vực đầu tư (AIA); các mạng lưới đường bộ, năng lượng
trong ASEAN được hình thành; sẽ có sự hợp tác chặt chẽ hơn về thị trường
vốn và tiền tệ; khoảng cách phát triển giữa các thành viên được thu
hẹp. ASEAN sẽ trở thành một khu vực kinh tế phát triển năng động, bền
vững, có sức cạnh tranh cao và sẽ trở thành một tổ chức có khuôn khổ
pháp lý chặt chẽ hơn. Bên cạnh bản sắc riêng của mỗi dân tộc được gìn
giữ, bản sắc chung của ASEAN sẽ hình thành. ASEAN sẽ có quan hệ rộng mở
với bên ngoài, có vai trò quan trọng trên các diễn đàn quốc tế, có quan
hệ ngày càng tăng với tất cả các bên đối thoại, các tổ chức quốc tế và
khu vực khác.
Cộng đồng Chính trị - An ninh
(APSC) hoạt động dựa trên nguyên tắc "tôn trọng độc lập, chủ quyền,
bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các quốc gia
thành viên" và được duy trì như là nền tảng của hợp tác chính trị - an
ninh. Khi APSC hình thành sẽ đưa hợp tác an ninh - chính trị ASEAN tới
giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, ASEAN chưa thể chuyển sang giai đoạn
trưởng thành của một cộng đồng an ninh trong đó có sự hiện diện thể chế
hóa cao và ở cấp độ hình thành một chính phủ siêu quốc gia. Nội dung
chính của cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN được các thành viên ASEAN
thống nhất tại Hội nghị cấp cao Viêng Chăn năm 2009, bao gồm: Thứ nhất,
thúc đẩy khái niệm an ninh toàn diện với các khía cạnh về chính trị,
kinh tế, văn hóa - xã hội, nhưng không nhằm hình thành một khối quân sự
hoặc liên minh quân sự. Thứ hai, tôn trọng các nguyên tắc chủ đạo
của ASEAN như ra quyết định bằng đồng thuận, tôn trọng độc lập, chủ
quyền, không đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp. Thứ ba,
tiếp tục đề cao và phát huy các cơ chế và công cụ sẵn có của ASEAN về
hợp tác chính trị - an ninh, sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác với các
nước bè bạn và các bên đối tác nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong
khu vực. Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN sẽ nhằm đưa hợp tác chính
trị - an ninh ASEAN lên tầm cao mới, hướng tới bảo đảm hòa bình lâu dài
và vững chắc cho nhân dân các nước thành viên, qua đó góp phần tạo dựng
môi trường khu vực và thế giới hòa bình, công bằng và hòa hợp.
Trong
tiến trình thành lập APSC, các nước ASEAN đã lập ra các cơ chế hợp tác,
trước hết là hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Không có
quốc gia nào có thể một mình giải quyết được các vấn đề phát sinh trong
thảm hoạ mà không có hợp tác. Hợp tác đa phương là khuôn khổ tốt nhất để
giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống, như cứu hộ cứu nạn
hay khắc phục thảm họa. Các nước thành viên ASEAN đang hợp tác hướng tới
thành lập một cộng đồng chung. Vì vậy, cần nỗ lực, phối hợp với nhau để
có một cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả.
Cộng đồng Kinh tế
(AEC) nhằm mục tiêu hướng tới cả ba mô hình liên minh thuế quan, thị
trường chung và liên minh kinh tế. Tuy nhiên, AEC lại không đáp ứng được
hoàn toàn tất cả các tiêu chuẩn của các mô hình này. AEC chưa thể hiện
xu hướng tiến đến mô hình cao nhất của hội nhập kinh tế là liên minh
kinh tế. ASEAN đang phối hợp và xây dựng các chính sách chung cho khu
vực như hướng tới thành lập Cửa ngõ Hải quan trực tuyến ASEAN (ASEAN
e-Customs), Hiệp định Bao quát về đầu tư ASEAN (ACIA)... AEC đang bước
tắt từ hình thành liên minh thuế quan sang thành lập thị trường chung.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN nhằm hướng tới xây dựng thị trường duy nhất, cơ
sở sản xuất thống nhất của ASEAN, trong đó hàng hóa, dịch vụ, nhân lực
và vốn lưu thông tự do. ASEAN đã đưa ra một kế hoạch tổng thể bao gồm
nhiều biện pháp hợp tác để xây dựng AEC, trong đó có hướng tới xây dựng
thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung; tạo dựng khu vực kinh tế
cạnh tranh; bảo đảm phát triển kinh tế cân đối và hội nhập thành công
với kinh tế toàn cầu.
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội
(ASCC) chiếm một vị trí đặc biệt trong tiến trình xây dựng cộng đồng
của ASEAN. Kế hoạch Tổng thể về lĩnh vực này hướng tới xây dựng một cộng
đồng ASEAN lấy nhân dân làm trung tâm, xây dựng một ASEAN đùm bọc,
tương thân tương ái, vượt qua những khó khăn và thách thức của quá trình
toàn cầu hóa. Mục tiêu quan trọng nhất của ASCC là thúc đẩy tiến bộ xã
hội và xây dựng bản sắc chung ASEAN. Tuy nhiên, kế hoạch tổng thể ASCC
chủ yếu tập trung vào các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức và
hiểu biết về sự đa dạng về văn hóa, lịch sử, thể chế... của các quốc gia
ASEAN. Trong khi đó, bản sắc chung ASEAN vẫn chưa được xây dựng thành
khái niệm rõ ràng. Vì vậy, mục tiêu "hòa nhập trong đa dạng" của ASCC
thì mặt "đa dạng" vẫn rõ nét hơn mặt "hòa nhập".
Triển vọng
Triển
vọng hình thành Cộng đồng ASEAN phụ thuộc vào quá trình thành lập ba
trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN. Quá trình xây dựng APSC đang gặp
nhiều khó khăn: Thứ nhất, những vấn đề cơ bản, phần nào mang tính
quyết định quá trình xây dựng Cộng đồng an ninh, như thay đổi nguyên
tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tiến hành đăng kiểm
vũ khí ASEAN, lập lực lượng gìn giữ hòa bình thường trực của ASEAN...
vẫn gây nhiều tranh cãi và đe dọa tình đoàn kết, hợp tác trong ASEAN. Thứ hai,
các nước thành viên vẫn lo ngại tác động của APSC đến quan hệ với các
nước đối thoại, đặc biệt là các nước lớn. Hiện các nước ASEAN đang đứng
trước những thách thức về an ninh phi truyền thống như khủng bố, cướp
biển, đối phó sự biến đổi khí hậu, dịch bệnh...
Để
Cộng đồng ASEAN trở thành hiện thực, ASEAN cần sự đồng thuận và nỗ lực
của tất cả các nước thành viên, từng bước đưa Tầm nhìn vào chương trình
hành động cụ thể.
|
Quá trình xây dựng AEC cũng phải đối mặt với ba trở ngại lớn. Một là,
vấn đề khoảng cách phát triển. Vấn đề khác biệt về định lượng (GNP, GDP
bình quân đầu người...) có thể khắc phục theo thời gian, nhưng những
khác biệt về chất (thể chế, chính sách...) thì không dễ dàng. Hai là,
thị trường ASEAN là một thị trường “cộng” chứ không hoàn toàn “hòa
nhập” của tất cả thị trường các nước thành viên, với những chính sách
kinh tế không công khai, phát triển ở nhiều cấp độ, lại chủ yếu hướng ra
bên ngoài chứ không phải vào thị trường nội khối. Ba là, ASEAN
không có một nền kinh tế đầu tàu và một đồng tiền mạnh để dẫn dắt khu
vực. Trong khi đó, viễn cảnh một "Cộng đồng kinh tế Đông á" lại tỏ ra
hấp dẫn hơn AEC do khu vực này có hai nền kinh tế lớn là Nhật Bản và
Trung Quốc.
Quá trình xây dựng ASCC cũng đang gặp phải những thách thức không nhỏ. Thứ nhất,
sự khác biệt về chế độ chính trị và hệ tư tưởng giữa các nước ASEAN là
một trở ngại không dễ gì vượt qua. Điều này có thể tạo ra phân cực chính
trị hay duy trì tình trạng lỏng lẻo trong liên kết các xã hội ASEAN. Thứ hai,
sự tồn tại nhiều cấp độ dân chủ và sự quá đa dạng về tôn giáo, sắc tộc
sẽ ít nhiều cản trở liên kết văn hóa - xã hội trong ASEAN.
Các
thách thức này không thể giải quyết bằng nỗ lực của mỗi quốc gia riêng
lẻ mà đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước trong khu vực và cộng
đồng quốc tế. Để tiến tới được Cộng đồng ASEAN là khó khăn, nhưng với
quyết tâm, ASEAN hiểu rõ rằng không có sự lựa chọn nào khác là phải gắn
kết, dùng sức mạnh tập thể đối trọng lại các sức ép bên ngoài. Bên cạnh
những khó khăn, thách thức, ASEAN cũng có nhiều điểm thuận lợi để thực
hiện ước mơ tiến tới Cộng đồng. Thứ nhất, về kinh tế, các chương
trình hợp tác kinh tế đã có là những nền tảng tốt cho những bước tiến xa
hơn trong tiến trình liên kết kinh tế. Thứ hai, về an ninh -
chính trị, các tranh chấp song phương và đa phương giữa các nước thành
viên đã được giải quyết phần nào, và các quy tắc ứng xử được trải nghiệm
trong thực tế phát triển của Hiệp hội là những cơ sở vững chắc tiến tới
một liên kết an ninh. Thứ ba, các chương trình hợp tác và liên
kết đã tạo điều kiện để các quốc gia thành viên hiểu biết sâu sắc hơn về
bản sắc và truyền thống văn hóa của các dân tộc, đó là thuận lợi căn
bản cho việc xây dựng liên kết văn hóa - xã hội ASEAN. Thứ tư,
ASEAN đã có các cơ chế thúc đẩy hợp tác và không ngừng được hoàn thiện.
Hiến chương ASEAN đã ra đời, các hội đồng Cộng đồng đã được thành lập,
và các Kế hoạch tổng thể và Đề cương cụ thể xây dựng APSC, AEC và ASCC
đang được triển khai, đó là những nền tảng cơ bản cho niềm tin vào hiện
thực.
Để
Cộng đồng ASEAN trở thành hiện thực, ASEAN cần sự đồng thuận và nỗ lực
của tất cả các nước thành viên, từng bước đưa Tầm nhìn vào chương trình
hành động cụ thể. Việc xây dựng Cộng đồng đánh dấu giai đoạn phát triển
mới của hợp tác trong ASEAN. Hiệp hội đã sẵn sàng cho một bước tiến cao
hơn bởi xây dựng Cộng đồng sẽ giúp ASEAN có nội lực mạnh mẽ để mở rộng
hội nhập và liên kết với ngoài ASEAN, giúp ASEAN có tiếng nói và tự tin
hơn trong đối thoại và hợp tác với các nước đối tác, trở thành một nhân
tố không chỉ hấp dẫn mà còn quan trọng, không chỉ ở khu vực Đông Nam Á
mà cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, xây dựng Cộng đồng
ASEAN chưa phải là bước tiến cao nhất và chưa phải là điểm dừng của liên
kết ASEAN.
Vai trò của Việt Nam
Việt
Nam là một thực thể quan trọng có vai trò ngày càng tăng trong cộng
đồng ASEAN. Trong ba trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN, thì ý tưởng
thành lập Cộng đồng Văn hóa - Xã hội là sáng kiến của Việt Nam.
Ngay
sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN (năm 1995), ASEAN đã có những chuyển
biến lớn cả về chất và lượng. Việc Việt Nam tham gia tổ chức này đã kéo
theo Lào, Cam-pu-chia và Mi-an-ma, giúp ASEAN trở thành một hiệp hội
hùng mạnh với 10 thành viên. Sự tham gia của Việt Nam cũng làm thay đổi
bản chất lẫn phương hướng phát triển của ASEAN, khiến tổ chức này trở
thành một diễn đàn hữu nghị và hợp tác thực sự. Các nỗ lực của Việt Nam
đã góp phần biến ASEAN thành một nhân tố quan trọng đối với hòa bình, ổn
định, hợp tác, và phát triển ở khu vực và thế giới. Việt Nam cũng đã
giúp biến Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC) thành một bộ luật hành vi
ứng xử, không chỉ phục vụ cho các quan hệ trong nội bộ ASEAN mà còn với
cả các thành viên ngoài hiệp hội này.
Mục
tiêu của Việt Nam năm 2010 là thúc đẩy đối thoại, xây dựng nguyên tắc
ứng xử, xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp. Tất cả những điều đó sẽ
góp phần xây dựng nền tảng cho một Cộng đồng Chính trị - An ninh, trụ
cột chính trong quá trình hình thành một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Với vai trò là Chủ tịch ASCC, Việt Nam cùng với các nước trong cộng đồng
đã đưa ra các sáng kiến nhằm thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện Kế hoạch
tổng thể của ASCC. Đó là tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên: đối phó với
thách thức toàn cầu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phục hồi và
phát triển kinh tế; thúc đẩy phát triển phúc lợi xã hội cho phụ nữ và
trẻ em ASEAN.
Trong
15 năm tham gia Hiệp hội, Việt Nam đang nỗ lực hết mình để góp phần đẩy
nhanh việc hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN như đã đề ra.
Với tư cách nước Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đóng vai trò quan trọng
trong việc đề xuất định hướng hợp tác và hoạt động của ASEAN trong suốt
năm 2010. Việt Nam tập trung vào các ưu tiên như thúc đẩy đoàn kết và
hợp tác ASEAN, đẩy mạnh liên kết khu vực nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây
dựng Cộng đồng ASEAN, hoàn tất việc đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc
sống; mở rộng và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện giữa ASEAN
với các bên đối tác; củng cố và duy trì vai trò quan trọng của ASEAN
tại các khuôn khổ hợp tác khu vực, đóng góp cho hòa bình, ổn định và
phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Việt
Nam không chỉ đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN trên các diễn đàn
đối thoại toàn cầu mà còn đóng góp rất nhiều thành công trong việc tổ
chức các hội nghị cấp cao của ASEAN, các hội nghị chuyên ngành và nhiều
hoạt động cộng đồng có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao tầm ảnh
hưởng và uy tín của Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung trên
toàn thế giới.
|
Hiến
chương ASEAN (có hiệu lực từ ngày 15-12-2008) đã đánh dấu bước chuyển
mình của ASEAN, từ một tổ chức khu vực có mức độ hợp tác lỏng lẻo thành
một tổ chức liên chính phủ, hoạt động dựa trên các quy tắc, nguyên tắc
pháp lý và cơ cấu tổ chức bộ máy chặt chẽ; là cơ sở đóng góp hữu hiệu
vào quá trình xây dựng Cộng đồng của ASEAN, tăng cường đoàn kết, thúc
đẩy hợp tác giữa các nước trong khu vực. Theo Hiến chương ASEAN, mục
tiêu ưu tiên trước mắt của Hiệp hội là xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn
kết, vững chắc, dựa trên các luật lệ quy tắc chung, làm động lực cho
gia tăng liên kết khu vực, nâng cao vai trò của ASEAN trong các tiến
trình khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Đóng góp của Việt Nam vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN được thể hiện rõ trên những khía cạnh chính sau: Thứ nhất,
có vai trò quan trọng đưa hai nhóm nước ASEAN xích lại gần nhau nhờ vị
trí địa - chính trị và quá trình lịch sử của Việt Nam tạo ra. Việt Nam
đã đóng góp lớn trong việc xây dựng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở
Biển Đông (DOC) và thúc đẩy sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông
(COC). Thứ hai, giúp ASEAN duy trì đoàn kết, hợp tác và củng cố
vị thế quốc tế trong lúc Hiệp hội ở những thời điểm khó khăn do tác động
của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 1997 và cuộc khủng hoảng
kinh tế toàn cầu năm 2008; thông qua Chương trình Hành động Hà Nội (HPA)
để thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2020. Thứ ba, về tầm cỡ kinh tế, so
với các quốc gia khác trong khu vực,Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng
trưởng kinh tế cao, luôn xác định có trách nhiệm trong việc hoàn thành
các cam kết của mình. Việt Nam đã vượt lên nhóm các nước Cam-pu-chia,
Lào, Mi-an-ma trong ASEAN 4 tạo nên một mức mới trong ASEAN. Việt Nam đã
trải qua giai đoạn khó khăn và đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị
trường với không ít thành công đã đạt được. Việt Nam cũng là quốc gia
thoát nghèo nhanh nhất nên dễ thuyết phục nước khác.
Cùng
với những thành tựu phát triển kinh tế, sự tích cực, chủ động hội nhập
khu vực và thế giới, vị thế Việt Nam đang lên. Việt Nam đang là một
trong những quốc gia tiên phong, đi đầu trong ASEAN. Trong vai trò Chủ
tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã và đang thực hiện tốt vai trò Chủ tịch
của mình khi tham gia các diễn đàn quốc tế quan trọng như Hội nghị Bộ
trưởng ngoại giao ASEAN - EU, Hội nghị ASEAN - Hội đồng hợp tác vùng
Vịnh, Diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á. Việt Nam không chỉ đảm nhiệm tốt
vai trò Chủ tịch ASEAN trên các diễn đàn đối thoại toàn cầu mà còn đóng
góp rất nhiều thành công trong việc tổ chức các hội nghị cấp cao của
ASEAN, các hội nghị chuyên ngành và nhiều hoạt động cộng đồng có ý nghĩa
quan trọng góp phần nâng cao tầm ảnh hưởng và uy tín của Việt Nam nói
riêng và các nước ASEAN nói chung trên toàn thế giới.
Để
Cộng đồng ASEAN hoàn thành mục tiêu đề ra đòi hỏi sự chung tay đóng góp
sức của cả Hiệp hội trong một quá trình dài lâu. Với vai trò của mình,
Việt Nam đang cố gắng đóng góp thiết thực và hiệu quả nhằm tạo thêm xung
lực đẩy guồng quay của ASEAN chuyển động mạnh hơn, tiến gần hơn đến mục
tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015./.
Phạm Thị Thanh Bình (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới)