Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Châu Âu với nỗi lo lạm phát

TCCSĐT - Trong lúc nợ công vẫn đang đeo bám thì châu Âu lại đang phải đối mặt với nguy cơ khác lớn hơn, đó là lạm phát. Định chế tài chính châu Âu coi lạm phát là mối đe dọa lớn nhất đối với kinh tế lục địa già, chứ không phải là vấn đề nợ công.




Lạm phát: Nỗi lo mới bên cạnh khủng hoảng nợ công
Không như các quốc gia và khu vực khác trên thế giới, châu Âu là khu vực có  cơ chế "cồng kềnh", có cả EU lẫn Khu vực đồng ơ-rô, có đồng tiền chung (ơ-rô) nhưng vẫn có đồng tiền riêng (Bảng Anh...), có "đầu tàu" Đức và Pháp nhưng cũng có những nước kém phát triển hơn... Tất cả những đặc điểm riêng đó đã góp phần "dẫn" kinh tế châu Âu đến một giai đoạn lịch sử đầy sóng gió, đầy nguy cơ và bất ổn như hiện nay. Những khó khăn hiện nay mà châu Âu cảm nhận được rõ nhất và "đau đầu" nhất lại vừa cũ (nợ công) và vừa mới (lạm phát).  Khó khăn của châu Âu đang bị “thổi bùng” lên do "cộng hưởng", "đan xen" giữa nợ công, lạm phát và giá dầu mỏ leo cao.
Vấn đề nợ công với "phiên bản" Hy Lạp và Ai-len từng làm "rung chuyển" châu Âu năm 2010 chưa giải quyết xong thì lạm phát lại "gõ cửa". Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã bộc lộ mâu thuẫn trong kết cấu nội tại của đồng ơ-rô - yêu cầu nhiều nền kinh tế có độ chênh lệch lớn sử dụng chung một đồng tiền và tuân thủ chung một tiêu chuẩn.
Lạm phát, chứ không phải vấn đề nợ công, là mối đe dọa lớn nhất đối với kinh tế châu Âu. Lạm phát tại 17 nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu tháng 5-2011 tăng 2,7%, vượt mục tiêu 2% mà ECB (Ngân hàng trung ương châu Âu) đặt ra trong dài hạn, và chưa có dấu hiệu ngừng tăng trong bối cảnh giá dầu mỏ, lương thực và nhiều loại hàng hóa khác đang trên đà đi lên. Lạm phát tăng nhanh tại các nước Đức, Ai-len, Tây Ban Nha, Ý, Lúc-xăm-bua, Phần Lan, nhưng chậm lại tại Bỉ và Hy Lạp. Anh đang chịu nhiều cú sốc do lạm phát gây ra, thuế gián tiếp tăng, giá dầu và lương thực ngày càng cao. Trong khi đó, thu nhập của người dân lại không được cải thiện và điều này sẽ làm nền kinh tế quốc dân tăng chậm lại. Là thành viên của EU nhưng nước Anh không phải là thành viên của Khu vực đồng ơ-rô mà kinh tế đã khó khăn như vậy thì các nước thuộc Khu vực đồng ơ-rô còn khó hơn nhiều. Giá dầu thô tăng 38% (tháng 5-2011) trong vòng 1 năm qua, hiện giao dịch ở mức 101,90 USD/thùng. Mặc dù từ giữa năm 2010 châu Âu đã đưa ra lộ trình giảm thâm hụt ngân sách và đặt mục tiêu đến năm 2016 giải quyết dứt điểm vấn đề này. Tác động của lạm phát đối với kinh tế châu Âu  được thể hiện trên những điểm sau:
Thứ nhất, lãi suất sẽ tăng để ngăn chặn lạm phát. Đây là giải pháp mà các nhà quản lý kinh tế thường áp dụng, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc... nhằm ngăn chặn lạm phát. Mặc dù, châu Âu đã khắc phục được nhiều hậu quả khủng khoảng tài chính kinh tế thế giới bằng nhiều giải pháp, trong đó có thực hiện lãi suất thấp 1% (thậm chí ở Anh còn thấp hơn, 0,5%). Tuy nhiên, với việc lạm phát đã cao hơn tăng trưởng kinh tế thì việc duy trì lãi suất thấp là điều khó được tiếp tục, nếu không nói là "tạo thuận lợi" cho lạm phát tràn ngập khắp châu Âu.
Thứ hai, lạm phát tăng làm cho vấn đề xử lý nợ công sẽ gặp nhiều khó khăn. Nợ công của Hy Lạp và kế hoạch giải cứu của IMF, ECB và Khu vực đồng ơ-rô trị giá 600 tỉ ơ-rô (khoảng 1.000 tỉ đô-la) đã "vực dậy" được Hy Lạp, nhưng khủng khoảng nợ công lại tiếp tục bùng phát tại Ai-len, mặc dù IMF và EU đã giúp quốc gia nhỏ bé này khoản tín dụng trị giá khoảng 100 tỉ ơ-rô (136,7 tỉ đô-la) để xử lý các khoản nợ mà Ai-len không thể giải quyết được, song hậu quả là gánh nặng không chỉ cho Hy Lạp, Ai-len mà cả châu Âu và Khu vực đồng ơ-rô. Trong bối cảnh lạm phát cao như hiện nay, giải pháp khủng khoảng nợ công lại càng khó khăn đối với EU.
Thứ ba, tăng trưởng của châu Âu sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2010, trong khu vực châu Âu chỉ có nước Đức là đạt tốc độ tăng trưởng nổi trội hơn cả, với mức tăng cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây (GDP tăng khoảng 3,6%/năm). Vì vậy, Đức được xem là đầu tàu của kinh tế không chỉ trong khu vực đồng ơ-rô mà cả châu Âu. Tuy nhiên, trong bối cảnh phải hỗ trợ Hy Lạp và Ai-len trong khuôn khổ đa phương và lạm phát tăng cao như hiện nay, khó có thể nói rằng kinh tế Đức tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2011.
Triển vọng
Trong báo cáo triển vọng kinh tế châu Âu, IMF dự báo kinh tế khu vực châu Âu nói chung, đặc biệt là các nước Đông Âu, sẽ tăng trưởng vững chắc bất chấp những nguy cơ do tình hình lạm phát và căng thẳng ở những nước lân cận. Tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Khu vực đồng ơ-rô dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng 1,6% trong năm 2011 và 1,8% trong năm 2012, lạm phát ở mức lần lượt 2,3% và 1,7%. Tăng trưởng kinh tế của các nước Đông, Trung và Đông Nam Âu (trừ những nước tham gia Khu vực đồng ơ-rô, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và Thổ Nhĩ Kỳ) ước tính đạt 4,3%  giai đoạn 2011-2012. Sự chênh lệch về tốc độ tăng trưởng kinh tế ở các nước châu Âu sẽ bị thu hẹp do những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính -kinh tế toàn cầu đang giảm dần và nhu cầu tiêu thụ trong nước sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, IMF dự báo hai nền kinh tế bị khủng hoảng nợ công là Hy Lạp và Bồ Đào Nha sẽ tiếp tục suy thoái trong năm 2011 và lạm phát của cả khu vực châu Âu sẽ lên tới 3,8% do các hoạt động kinh tế phục hồi và giá hàng hóa tăng. Lạm phát sẽ giảm xuống còn 3,0%  năm 2012. IMF cảnh báo, mặc dù các chính sách kinh tế đã giúp ngăn chặn khủng hoảng nợ công lan rộng ở Khu vực đồng ơ-rô, song nguy cơ "nợ công" lây lan sang các nền kinh tế trụ cột và các nền kinh tế mới nổi trong khu vực vẫn hiện hữu.
Trong khi tăng trưởng của châu Âu và Khu vực đồng ơ-rô ở mức thấp (khoảng 1,5%)  năm 2010 với sự hỗ trợ lãi suất thấp 1% của ECB, thì lạm phát lại vượt quá quy định cho phép (khoảng 2,6%). Khi tăng trưởng thấp cần phải lãi suất thấp và nới lỏng tiền tệ... Khi lạm phát tăng cao, lãi suất lại ở chiều ngược lại. Điều này giải thích tại sao kinh tế châu Âu và Khu vực đồng ơ-rô khó đạt được mức tăng trưởng cao. Chủ trương tăng lãi suất từ 1% lên 1,25% (4-2011) của  Ngân hàng trung ương châu Âu khẳng định mục tiêu ngăn chặn lạm phát cao hơn mục tiêu tăng trưởng. Bởi vì, đối với châu Âu và Khu vực đồng ơ-rô, lạm phát là vấn đề nguy hiểm và nghiêm trọng nhất và cần phải giải quyết triệt để. Mức tăng lãi suất lên 1,25% chưa phải là cuối cùng, châu Âu và Khu vực đồng ơ-rô sẽ phải làm quen với việc tăng lãi suất trong tương lai./.
                                                                                                       
Hà Nam