Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Chống lạm phát cần có lộ trình rõ ràng và minh bạch

Ngày 24/2/2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tạp chí Kinh tế và Phát triển phỏng vấn Giáo sư Tiến sĩ Cao Cự Bội, chuyên gia tài chính – tiền tệ, về khả năng kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô trong năm 2011 cũng như các giải pháp đồng bộ cần thiết.

Giáo sư Cao Cự Bội: Theo tôi, đây là một nghị quyết đúng đắn và cần thiết nhưng được đưa ra quá muộn. Giá mà chúng ta đưa ra từ năm 2008 thì tình hình hiện nay đã khả quan hơn rất nhiều. Nhưng có còn hơn không. Quan trọng là phải thực hiện đồng bộ. Gần đây, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân đều có ý kiến về nghị quyết; tôi cho rằng những ý kiến ấy về cơ bản đều đúng cả nhưng đôi lúc có phần phiến diện. Ví dụ, các doanh nghiệp chỉ lo về lãi suất, người dân và doanh nghiệp chỉ quan tâm đến giá cả, các công ty xuất nhập khẩu thì chỉ nói đến tỷ giá hối đoái còn các cơ quan, đơn vị thì yêu cầu cân nhắc việc cắt giảm chi tiêu công… Nhìn một cách phiến diện như thế thì các chính sách cũng như tấm chăn, kéo bên này hở bên kia. Điều tối quan trọng là chính sách phải được thực hiện đồng bộ.

Hồi cuối năm 2010, giáo sư từng nhấn mạnh rằng lạm phát là căn bệnh kinh niên của nền kinh tế Việt Nam và để chống lạm phát, chúng ta cần chấp nhận hy sinh. Vậy, theo giáo sư, chúng ta có thể giảm lạm phát về mức một con số trong năm 2011 này không?

Tôi e rằng lạm phát hiện nay vẫn đang có xu hướng tăng phi mã và hầu như không thể giảm xuống mức một con số trong năm 2011. Hãy nhìn vào chính sách vĩ mô của chúng ta sẽ thấy.

Thứ nhất, về chính sách tài khóa: Chính phủ tuyên bố giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% và cắt giảm chi tiêu công 10%, bao gồm cả giảm chi tiêu của doanh nghiệp nhà nước và tín dụng nhà nước. Về nguyên tắc thì chúng ta phải tăng thu và giảm chi nhưng trên thực tế là phải chống thất thu và giảm chi ngân sách. Trong chi tiêu công thì cần lưu ý các vấn đề, đó là chi từ ngân sách, chi từ tín dụng nhà nước và chi tiêu của doanh nghiệp, kể cả tập đoàn nhà nước.

Lạm phát ở Việt Nam về căn bản bắt nguồn từ việc chi tiêu công vượt quá khả năng hấp thụ (trong đó phải tính đến thất thoát) cho nên giảm chi tiêu công là đúng. Nhưng về lượng mà nói thì như vậy (cắt giảm 10% chi tiêu công) vẫn chưa đủ để làm giảm lạm phát vì giá đầu vào đã tăng rất mạnh. Theo tôi, mức độ cắt giảm từ 30% trở lên mới có thể tác động hữu hiệu tới lạm phát. Điện, than, xăng dầu và nhập khẩu đều tăng giá trong khi lạm phát năm 2010 đã lên mức hai con số. Vả lại, như dư luận phàn nàn bấy lâu, có nhiều nhóm lợi ích đang chi phối chi tiêu công. Nói là giảm chi đầu tư nhưng rất có thể công trình thiết yếu lại bị cắt giảm, công trình cần cắt thì lại vẫn được đầu tư. Nếu không quản lý được điều này thì giảm lạm phát là rất khó. Hơn nữa, chỉ tiều đề ra là giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% cũng không dễ thực hiện. Bởi lẽ hệ thống kiểm soát của ta chưa nghiêm minh, quy chuẩn chưa rõ ràng.

Thứ hai, về chính sách thương mại: Nhà nước đang hết sức cố gắng nhưng nhập siêu năm 2010 là khoảng 12 tỷ đôla Mỹ, tương đương khoảng 16,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Sự mất cân bằng nghiêm trọng này đang ảnh hưởng trực tiếp tới cán cân thanh toán quốc tế. Dự trữ ngoại tệ quốc gia suy giảm là hệ quả tất yếu. Và, ai có thể đảm bảo trong một, hai, hay thậm chí ba năm tới sẽ lấy lại được cân bằng xuất nhập khẩu?

Thứ ba, về chính sách tiền tệ: Hiện nay, tôi cho rằng tình hình có vẻ như đã bắt đầu đi vào quỹ đạo nhờ chính sách thắt chặt tiền tệ nhưng mục tiêu tăng trưởng tín dụng dưới 20% và tăng tổng phương tiện thanh toán 15%, tức là vẫn có tăng. Trong khi đó, nên nhớ rằng vẫn còn có lượng tiền lưu thông cũng như một lượng tiền và vàng rất đáng kể trong nhân dân. Liệu Chính phủ đã tính đến lượng tiền đó chưa, đã cân nhắc khả năng tự điều chỉnh của thị trường bằng vốn tự có chưa, đã tính tới nạn đầu cơ chưa? Những vấn đề đó sẽ gây ra sức ép rất lớn. Ngoài ra, chống lạm phát, như tôi đã nói, phải hy sinh tạm thời mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Liệu tư duy này đã được quán triệt chưa khi mà Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2011 tới 7,5% và tăng trưởng giai đoạn 2011 – 2020 trung bình từ 7 đến 8%/năm ?!

Với những chính sách vĩ mô như vậy, tôi lo ngại sâu sắc về khả năng đưa lạm phát xuống dưới hai con số trong năm nay. Đó là chưa kể nếu không cẩn thận thì diễn biến lạm phát sẽ còn phức tạp hơn chúng ta tưởng.

Chúng ta có lối thoát nào không, thưa giáo sư?

Thật ra, lạm phát tác động lên đời sống của toàn thể nhân dân, từ trẻ tới già, từ thành thị đến nông thôn, không trừ một ai; trong đó, người lao động chịu ảnh hưởng nặng nhất. Vì vậy, theo tôi, việc đầu tiên phải làm là xoa dịu cơn “bão giá” bằng một cụm giải pháp về an sinh xã hội. Phải “khoan thưa sức dân”, dân không yên thì không làm được việc gì cả.

Trước mắt, có hai vấn đề: Thứ nhất, cần trợ cấp ngay cho người dân nghèo, người có thu nhập thấp. Đây là điều Chính phủ đang bắt đầu thực hiện. Thứ hai, “bão giá” cũng tác động mạnh đến hơn 11 triệu người làm công ăn lương ở nước ta. Tôi cho rằng cần trao ngay cho họ một trái quyền thông qua tài khoản ở ngân hàng hoặc kho bạc. Ví dụ, lạm phát của quý này là 15% thì họ được hưởng trái quyền 15%; nhưng trái quyền ấy họ không được rút ra ngay mà phải đợi đến khi đồng tiền ổn định giá trị. Giải pháp này có tác dụng là làm tăng niềm tin của người dân đối với Chính phủ và quan trọng hơn là thực hiện công bằng xã hội. Trong lúc này, nếu chỉ tăng lương để bù vào giá thì chỉ càng thổi bùng ngọn lửa lạm phát lên cao hơn.

Bên cạnh đó, phải giúp người dân hiểu được chính sách vì cần sự hợp tác của cả hai phía (Chính phủ và doanh nghiệp). Chính sách tiền tệ là chính sách ngắn hạn nên điều chỉnh phải linh hoạt. Doanh nghiệp phải nhận thức được điều này, nếu không thì Chính phủ cứ điều chỉnh lãi suất là doanh nghiệp lại kêu ca. Đôi lúc, cần phải áp dụng cả trần lãi suất và hạn ngạch tín dụng nhưng không được để người dân coi đó là biện pháp cấm. Giới đầu cơ đặc biệt hay kêu ca chính sách tiền tệ. Người điều hành phải tỉnh táo và kiên định, nhất quyết không được chạy theo dư luận nhất thời. Nếu Chính phủ không có lập trường, doanh nghiệp cũng không có lập trường thì chính sách sẽ bất ổn. Chính sách tiền tệ hướng tới phục vụ toàn dân, ổn định giá trị đồng tiền, không thiên về một nhóm đối tượng nào. Khi mà người già, trẻ em, người bệnh chịu ảnh hưởng của lạm phát thì doanh nghiệp cũng phải chia sẻ khó khăn. Họ kêu ca về lãi suất cao nhưng chính lãi suất cao sẽ giúp kiềm chế lạm phát và sau đó đến lượt mặt bằng lãi suất sẽ giảm.

Tóm lại, tôi cho rằng chống lạm phát là công việc lâu dài, đòi hỏi phải có một lộ trình mà theo tôi là từ 3 đến 5 năm, phải công khai và minh bạch với người dân. Lộ trình ấy, theo tôi, Chính phủ đã rõ và đang bắt đầu thiết kế rồi. Nó bắt đầu từ việc tái cấu trúc nền kinh tế, phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô nhịp nhàng, đồng bộ và quan trọng hơn là từng bước tiến tới triệt tiêu dần các nhóm lợi ích đang can thiệp thô bạo vào nền kinh tế nước nhà.

Tôi cũng muốn khuyến nghị là chính vào thời điểm này, hơn bao giờ hết, cần phải cổ phần hóa ngay những doanh nghiệp nhà nước còn lại với phương châm đại chúng hóa hàng loạt các công ty nhà nước này.  Nếu làm gấp được thì đây cũng là một giải pháp ban đầu góp phần kìm giữ lạm phát. Vì như trên tôi đã nói, càng lạm phát thì tiền trong nhân dân càng đổ sang vàng và bất động sản. Nếu tiền hành cổ phần hóa hàng loạt doanh nghiệp nhà nước thì tiền cũng sẽ chạy sang lĩnh vực này. Như vậy sẽ vừa có lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh vừa có lợi cho tăng thu ngân sách nhà nước và góp phần chống lạm phát. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể hy vọng phá dần được thế độc quyền của các nhóm lợi ích và kinh tế ngầm vốn đang can thiệp đằng sau hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Theo tôi, đã đến lúc phải thực sự cổ phần hóa, trong đó, để đại chúng nắm cổ phần tương đối đông đảo và nhà nước không cần nắm cổ phần quá lớn nếu như doanh nghiệp được cổ phần hóa không phải là huyết mạch của nền kinh tế.

Bình ổn giá cũng là một giải pháp được Chính phủ nhắc tới. Xin giáo sư cho biết quan điểm?

Nên nhớ là mặt bằng giá mới đã hình thành rồi, giá đầu vào đã tăng rồi nên rất khó có thể quay về mặt bằng giá cũ được. Nếu chúng ta tăng lương thì chỉ “đổ thêm dầu vào lửa”, làm cho lạm phát trầm trọng hơn. Để bình ổn được giá thì chúng ta cần lập quỹ bình ổn giá đầu vào. Quỹ này phải có quy mô đủ lớn, tương đương với quỹ kích cầu của năm 2008. Trước đây, chúng ta đã huy động được nguồn vốn lớn đề kích cầu, tại sao nay lại không khai thác được? Có thể dùng vốn nước ngoài hoặc các nguồn khác nhưng quỹ phải đủ lớn chứ không thể “tay không bắt giặc”. Đó sẽ là tiền đề để thực hiện các giải pháp. Có nghĩa là chúng ta phải tăng được dự trữ ngoại tệ và giải quyết triệt để tình trạng đôla hóa theo một lộ trình minh bạch.

Theo giáo sư thì làm thế nào để chống đôla hóa hiệu quả?

Người Việt tiêu tiền Việt chỉ là kỳ vọng. Vì nền kinh tế của chúng ta què quặt từ lâu rồi và đồng tiền mất giá quá nhanh. Hơn nữa, đồng tiền Việt Nam vẫn chưa được tự do chuyển đổi trên thị trường quốc tế. Theo tôi, giải quyết vấn đề đôla hóa cũng cần lộ trình. Chừng nào chúng ta còn mất cân đối nghiêm trọng về cán cân thương mại và cán cân vốn còn lủng củng thì chừng đó vẫn rất khó cải thiện tình hình cán cân thanh toán. Nguồn dự trữ ngoại tệ của ta sẽ còn quá mỏng. Từ đó, lộ trình chống đôla hóa phải thận trọng từng bước và có kỷ cương, được kiểm soát chặt chẽ. Cần phân biệt quản lý với cấm đoán. Chúng ta chủ trương quản lý ngoại hối có bài bản.

Đầu tiên, có thể quy định tất cả mọi người trong phạm vi đất nước Việt Nam phải tiêu tiền Việt. Người từ nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam phải đổi sang tiêu tiền Việt. Nhưng quyền sở hữu ngoại tệ là quyền cá nhân, phải được tôn trọng. Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần khống chế đều phải kết hối. Tuyệt đối không dùng ngoại tệ thanh toán trong nước. Nhưng trong ngắn hạn hiện nay thì vẫn tạm thời cho vay ngoại tệ trong xuất nhập khẩu để doanh nghiệp thanh toán. Khi tình hình cho phép thì tất cả các khoản vay ngoại tệ trong nước đều phải chấm dứt và chỉ cho vay bằng tiền Việt Nam.

Để làm được điều này thì phải có dự trữ ngoại hối đủ mạnh và dịch vụ đổi ngoại tệ hữu hiệu. Ngân hàng nhà nước phải điều hành các tổ chức tín dụng có uy tín thực hiện nhiệm vụ này, để khắp các bến cảng, sân bay đều có dịch vụ đổi ngoại tệ. Yếu tố tối thượng là hệ thống kiểm soát hiệu quả, chặt chẽ. Chúng ta đã có pháp lệnh về quản lý ngoại hối rồi, cần bổ sung thêm những thể lệ chi tiết và thông dụng hơn.

Nhân bàn đến vấn đề ngoại tệ, liệu giáo sư có thể cho biết quan điểm về kiểm soát giá vàng?

Thị trường vàng cũng liên quan đến vấn đề bình ổn giá. Nói đến vàng, chúng ta phải hiểu một nguyên lý: vàng sinh ra vốn dĩ không phải là tiền, nhưng tiền sinh ra ở mức độ hoàn chỉnh lại vốn dĩ là vàng. Vàng vốn là một hàng hóa nhưng khi tiền được cố định bằng vàng thì vàng lại thành một loại hàng hóa đặc biệt.

Vàng có vai trò tiền tệ phổ quát, bao gồm ba chức năng chính là thanh toán quốc tế, lưu thông quốc tế và dự trữ quốc tế. Trải qua thời kỳ phát triển công nghiệp và hậu công nghiệp, người ta đã nhiều lần muốn loại bỏ vàng và vai trò của nó nhưng vẫn không thành công. Vì vậy, thế giới vẫn khai thác và chế biến vàng. Và khi vàng tăng giá là lúc kinh tế và đồng tiền có vấn đề. Nhất là trong tình hình hiện nay, lạm phát tăng thì việc mua vàng cất trữ là tất yếu. Không chỉ Việt Nam mà cả thế giới cũng vậy. Đó là quy luật.

Ở Việt Nam, vàng vẫn có vai trò tiền tệ của nó trong điều kiện tiền giấy mất giá. Thứ hai, người Việt cũng có truyền thống cất trữ vàng như một loại của cải. Vì vậy, khi làm gì chúng ta cũng phải tôn trọng tính chất tiền tệ, tính chất truyền thống lịch sử và vai trò cất trữ của vàng. Nhà nước chỉ có thể quản lý để vàng không trở thành đồng tiền thứ hai, không để vàng đi vào lưu thông và thanh toán nhưng phải tôn trọng vai trò cất trữ của nó. Và Nhà nước cũng phải tính đến việc huy động nguồn lực này để phục vụ cho phát triển kinh tế.

Để quản lý được thì Nhà nước phải tạo hành lang pháp lý minh bạch. Ngân hàng Nhà nước, vừa là ngân hàng mẹ lại vừa là cơ quan quản lý nhà nước. Ngân hàng Nhà nước sẽ tự đứng ra hoặc ủy thác chức năng của mình cho các tổ chức tín dụng uy tín để mua bán vàng với nhân dân trong tầm kiểm soát và quản lý minh bạch, không kể đến việc mua bán vàng trang sức. Cần phải có các hình thức mua bán, cung ứng vàng bạc với nhân dân và theo tôi, đó là chức năng của Ngân hàng Trung ương. Trước đây, mua bán vàng thông qua sàn vàng. Nếu tôi nhớ không nhầm thì trước đây có tới gần năm chục sàn vàng nhưng lại là của những tổ chức không có uy tín. Không thể để cho ngân hàng cổ phần nào cũng đứng ra mở sàn vàng. Nếu cần, có thể có sàn vàng nhưng Ngân hàng Nhà nước phải quản lý chặt chẽ, giao quyền cho các tổ chức tín dụng uy tín và không để quá nhiều sàn vàng hoạt động tràn lan như trước đây.

Xin cảm ơn giáo sư!

http://www.ktpt.edu.vn/website/251_chong-lam-phat-can-co-lo-trinh-r%C3%B5-rang-va-minh-bach.aspx