Tác giả: Đỗ Sơn Hải
TS, Học viện Ngoại giao
Bài đăng trên Tạp chí Cộng sản, ngày 22/6/2010


TCCSĐT - Năm 1999, tại Ri-ô đờ Gia-nê-rô (Bra-xin), thỏa thuận về xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Liên minh châu Âu (EU), và các nước Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (LAC) đã được ký kết. Thỏa thuận này đã mở ra một giai đoạn phát triển lịch sử mới giữa EU và Mỹ La-tinh, đồng thời chấm dứt gần một thập kỷ “lãng phí” trong quan hệ song phương.
Hơn một thập kỷ qua, với sự nỗ lực của cả hai phía, mối quan hệ đối tác chiến lược EU - Mỹ La-tinh đã có những bước tiến dài so với thời kỳ “Chiến tranh lạnh” và hầu như toàn bộ thập niên 90 thế kỷ XX, thời kỳ mà mối quan hệ này gần như bị “đóng băng”.
Hiện nay, EU đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Mỹ) của Mỹ La-tinh và là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào khu vực (EU là đối tác thương mại lớn nhất của hai nền kinh tế hàng đầu của khu vực là Bra-xin (20%) và Ác-hen-ti-na (8,2%)(1). EU đã đầu tư vào Mỹ La-tinh hơn 450 dự án và chương trình ước tính trị giá hơn 3 tỉ ơ-rôEuro(2). Trong hơn 10 năm qua, quan hệ đối tác chiến lược EU-Mỹ La-tinh đã phát triển trong hầu hết mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến xã hội ở cả 3 cấp độ quan hệ: khu vực, tiểu khu vực và song phương.
Quyết tâm thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược lên một tầm cao mới được hai bên thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh EU - Mỹ La-tinh lần thứ năm tại Viên (Áo) tháng 5-2006. Tại cuộc gặp cấp cao này, các nhà lãnh đạo hai khu vực đã khẳng định lại Chương trình hợp tác chiến lược cho giai đoạn 2007-2013 (được Hội đồng, Ủy ban và Nghị viện châu Âu thông qua tháng 12-2005) cũng như các mục tiêu được đề ra trong “Những mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ: Triển vọng cho Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê” (Chương trình này được Liên hợp quốc in ấn và công bố tháng 6-2005). Nội dung cốt lõi của những thỏa thuận tại Viên là 3 ưu tiên hàng đầu trong chương trình hành động nâng tầm quan hệ EU-Mỹ La-tinh lên “đối tác chiến lược toàn cầu”: hợp tác đa phương; hợp tác xã hội; và hợp tác liên khu vực.
Nhằm đối phó với tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các cơ chế đối thoại EU - Mỹ La-tinh đa cấp đã được hình thành tại các hội nghị Li-ma (Pê-ru) năm 2008 và Pra-ha (Séc) tháng 6-2009. Ngoài những chủ đề hợp tác quen thuộc như xóa đói, giảm nghèo, chống tội phạm hay khủng bố quốc tế v.v., tại các cuộc đối thoại này, hai bên đã bắt đầu xây dựng những chương trình cụ thể nhằm giải quyết một trong những vấn đề đang nổi cộm và nhạy cảm, thường bị tránh né trước đó: vấn đề di trú từ LAC sang EU.
1. EU và LAC: Xích lại gần nhau
Xét về mặt lý thuyết, những bước phát triển trên đây giữa EU và LAC là hợp lý và đương nhiên bởi một số lý do chủ yếu sau:
Thứ nhất, cả EU và các nước Mỹ La-tinh đều rất cần đến sự hỗ trợ lẫn nhau để khắc phục hậu quả của cuộc chiến kéo dài gần 4 thập kỷ. Tuy cả hai khu vực ít chịu ảnh hưởng của các cuộc xung đột “nóng” như ở châu Á và Trung Đông, nhưng ảnh hưởng của “Chiến tranh lạnh” cũng không nhỏ. Thực tế là một số liên kết ở cả hai khu vực đã được hình thành từ ngay trong “Chiến tranh lạnh”, điển hình là hai khối kinh tế EEC và MERCOSUR (tính từ thời điểm năm 1985 khi Bra-xin và Ác-hen-ti-na tuyên bố về liên kết kinh tế), tuy nhiên, do bị cuốn vào các kế hoạch quân sự của Oa-sinh-tơn trong chiến lược ngăn chặn của Mỹ, thành quả thu được từ những liên kết này rất khiêm tốn. 34 quốc gia Mỹ La-tinh với số dân khoảng 542 triệu người và những nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú sẽ là một thị trường hết sức cần thiết cho công cuộc chấn hưng của EU. Trong khi đó, EU được các nước Mỹ La-tinh trông đợi như một nguồn đầu tư hợp lý nhất trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ suy yếu.
Thứ hai, sự kết thúc “Chiến tranh lạnh” đã tạo điều kiện thuận lợi để hai đối tác cải thiện quan hệ. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, khu vực Mỹ La-tinh luôn được coi là “sân sau” của Mỹ, vì thế các nước Tây Âu hầu như không có khả năng mở rộng quan hệ. Sự điều chỉnh chính sách đối với Mỹ La-tinh của các chính quyền của cựu Tổng thống B.Clin-tơn và G.Bu-sơ đã tạo cơ hội cho hợp tác EU - Mỹ La-tinh. Hơn thế, những biến động chính trị tại khu vực sau khi Tổng thống Hu-gô Cha-vét lên cầm quyền tại Vê-nê-xu-ê-la cũng thúc đẩy EU và Mỹ La-tinh xích lại gần nhau. Sự phát triển của phong trào cánh tả tại Mỹ La-tinh càng làm cho quan hệ giữa khu vực với Mỹ giảm sút bao nhiêu thì cơ hội cho EU lấn “sân sau” của Mỹ càng lớn thêm bấy nhiêu.
Thứ ba, quá trình toàn cầu hóa đã góp phần đưa các nhà đầu tư nước ngoài tới khu vực Mỹ La-tinh đầy tiềm năng. Sự có mặt của các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và thậm chí cả các nền kinh tế mới như Hàn Quốc, Xin-ga-po... buộc các nước EU phải đẩy nhanh tiến trình hợp tác với khu vực. Trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng tại đây, EU đang là đối tác có lợi thế bởi sự gần gũi về văn hóa. Lịch sử gắn kết Tây Âu với Mỹ La-tinh đã có một bề dày, chí ít là từ những phát kiến địa lý từ thế kỷ XV (điều này đã được thể hiện rất rõ tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 cộng đồng các quốc gia sử dụng tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tại Sa-la-man-ca (Tây Ban Nha) tháng 10-2005).
2. Trở thành đối tác chiến lược: những trở ngại trên con đường hiện thực hóa
Tuy nhiên, tiến trình hiện thực hóa Tuyên bố Li-ma về nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu EU - Mỹ La-tinh vẫn còn rất nhiều trở ngại.
Trở ngại đầu tiên lại chính là từ phía EU. Hiện tại, EU vẫn chỉ coi Mỹ La-tinh như một thị trường đơn thuần chứ không phải là một tổng thể chiến lược. Ưu tiên hàng đầu của EU hiện nay vẫn là các vấn đề nội khối. Hiệp ước Li-xbon 2009 cho thấy EU sẽ chú trọng đến việc củng cố các cơ chế của Liên minh và vì thế, để có thể định hình một chiến lược hợp tác toàn diện hơn với Mỹ La-tinh sẽ còn phải chờ đợi một thời gian nữa. Hơn nữa, do còn không ít các vấn đề nội khối nên EU sẽ càng không muốn dính líu sâu hơn các vụ việc phức tạp của Mỹ La-tinh. Đặc biệt, EU sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong mối quan hệ tam giác với Mỹ và Mỹ La-tinh. Trong nhiều tình huống, Mỹ được coi là sự lựa chọn ưu tiên hơn so với Mỹ La-tinh.
Thách thức thứ hai đến từ sự không ổn định và khó lường từ các nền kinh tế Mỹ La-tinh. Dù vẫn đang có được một tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng (gần 4% năm 2009 và dự báo đạt khoảng 4,1% năm 2010) trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng khu vực này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Bởi lẽ, để có được sự tăng trưởng trong gần hai thập kỷ qua, các nước Mỹ La-tinh chủ yếu dựa vào các nguồn năng lượng và nguyên liệu thô. Chênh lệch giàu nghèo quá lớn đã dẫn đến các vấn đề xã hội, khiến chính trường của nhiều nước trong khu vực đứng trước thách thức. Thêm vào đó, một số cải cách của Tổng thống Hu-gô Cha-vét không nhận được sự đồng thuận của tất cả các nước. Thí dụ, Liên minh Bô-li-va chỉ thích hợp đối với những nước sở hữu các nguồn năng lượng dồi dào... Hệ quả tất yếu của điều này là tồn tại những chính sách khác nhau của từng nước với đối tác EU.
Nếu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Nga với EU được coi là trở ngại không nhỏ đối với hợp tác EU - Mỹ La-tinh thì sự cản trở từ phía Mỹ phải được coi là thách thức hết sức to lớn. Chính quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma đã tỏ rõ ý chí khắc phục những “khiếm khuyết” của những người tiền nhiệm trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Mỹ vào năm 2009. Chính sách được coi là “mềm dẻo” của chính quyền Ô-ba-ma đối với phong trào cánh tả tại Mỹ La-tinh khiến ông H. Cha-vét phải cân nhắc những ưu tiên của mình. Dù sao, về mặt địa-chính trị, EU khó có thể cạnh tranh với Mỹ. Đó là chưa tính đến chính sách “cân bằng quan hệ” mà các nước Mỹ La-tinh có thể đẩy mạnh trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong một cuộc cạnh tranh sòng phẳng với các nền kinh tế mạnh như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, không phải lúc nào EU cũng chiếm ưu thế.
Quan hệ EU - Mỹ La-tinh đang bị những tình huống “mới nảy sinh” đe dọa. Trong số đó phải kể đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp hiện nay. EU khó có thể cùng một lúc thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ là khắc phục hậu quả tại Hy Lạp, tổng thể là cả cuộc khủng hoảng kinh tế, và tăng cường đầu tư vào Mỹ La-tinh. Vì thế, thị trường Mỹ La-tinh đối với EU có lẽ chỉ đang ở mức tiềm năng thì chính xác hơn.


Tóm lại, quan hệ đối tác chiến lược EU - Mỹ La-tinh đã được định hình do sự nỗ lực và quyết tâm của cả hai phía, tuy nhiên, để có thể đạt được những kết quả như mong đợi, EU và Mỹ La-tinh còn rất nhiều việc phải làm, nhiều trở ngại phải vượt qua trong thời gian tới./.


_____________________________________________
(1) Nicole Gnesoto, Giovanni Grevi: Thế giới năm 2025, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2008


(2) The European Union and LatinAmerica: Global Player in Patnership, Documents of Commission to the European Parlament and the Council