Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Chiến lược hai đại dương của Trung Quốc

“Thực ra, còn quá ư là vội vàng để cho rằng Trung Quốc đang thâu tóm sức mạnh hải quân như là phương tiện nhằm đạt được ngôi vị bá quyền khu vực hoặc có lẽ là cả thế giới. Các đế chế thường không đạt được một cách có chủ đích. Hơn nữa, khi các quốc gia trở nên mạnh hơn, họ có các nhu cầu gia tăng cũng như – một cách phản trực giác - một loạt các bất ổn an ninh mới dẫn đến các quốc gia này phải bành trướng một cách có hệ thống.”

 

Hồi tưởng lại, có lẽ nỗ lực của quân đội Hoa Kỳ giai đoạn từ tháng 12/2004 đến tháng 01/2005 ở ngoài khơi bờ biển Sumatra nhằm cứu trợ các nạn nhân của cơn sóng thần Ấn Độ Dương được xem là một trong những đỉnh điểm của sức mạnh hải quân Hoa Kỳ ở Châu Á. Hình ảnh các hàng không mẫu hạm và các đơn vị can thiệp tiền phương (expeditionary strike groups), cùng với các tàu tuần dương, khu trục hạm và khu trục hạm loại nhỏ - trực thăng kéo các thân tàu trong các cuộc tuần du đối bờ, và sự tham gia của các nhân viên cứu hộ và quân y – tạo nên hơi hướng mới về sức mạnh thống trị và đạo đức, hai yếu tố rất hiếm khi hòa hợp nhau. Trong khi mục tiêu của Chiến dịch Cứu trợ Thống nhất (Operation Unified Assistance) là nhân đạo, những kỹ năng được sử dụng – như việc triệu tập trên diện rộng các tàu chiến và máy bay vượt hàng trăm hải lý với “tốc độ tối đa” chỉ sau một thời gian báo động ngắn – đều là những kỹ năng cần có cho chiến tranh. Thông điệp thực sự đằng sau những nỗ lực cứu trợ chính là: Hãy coi chừng sức mạnh của Hải quân Hoa Kỳ!

Tuy nhiên, xu hướng đang ẩn giấu sau những cảnh tượng đơn thuần đó là sự mất dần Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương vốn được xem thực sự là những “cái hồ” quân sự của Mỹ sau hơn sáu mươi năm gần như thống trị hoàn toàn. Theo các nhà phân tích an ninh của nhóm chính sách tư nhân có tên là Dự báo chiến lược (Strategic Forecasting), tiếp tục một vài năm nữa người Mỹ sẽ không còn là người viện trợ chính ở mức độ giống như trước đây cho các thảm họa ở các cùng biển Đông Nam Á. Trong các trường hợp khẩn tiếp theo, tàu của chúng ta sẽ cùng phân chia các vùng biển (và cả vinh quang) với các “chiến hạm lớn” của Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và có thể là cả Trung Quốc. Điều này xảy ra cùng lúc với việc sản xuất và trang bị tàu ngầm của Trung Quốc nhanh gấp vài lần của Mỹ. Thực ra, Trung Quốc đang trong quá trình xây dựng và trang bị tàu chiến, điều sẽ giúp Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa vào một lúc nào đó trong thập niên tới sẽ sở hữu nhiều tàu chiến hơn Hải quân Hoa Kỳ. Số lượng chỉ nói lên một phần nhỏ của câu chuyện. Tuy nhiên chúng thực sự có ý nghĩa quan trọng.
  
Một điều không thể phủ nhận được là trong những thập niên gần đây, Hải quân Hoa Kỳ đang dần dần biến mất. Giai đoạn cuối chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ có 6 700 tàu chiến. Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, Mỹ chỉ còn 600 tàu chiến.


“Thực ra, còn quá ư là vội vàng để cho rằng Trung Quốc đang thâu tóm sức mạnh hải quân như là phương tiện nhằm đạt được ngôi vị bá quyền khu vực hoặc có lẽ là cả thế giới. Các đế chế thường không đạt được một cách có chủ đích. Hơn nữa, khi các quốc gia trở nên mạnh hơn, họ có các nhu cầu gia tăng cũng như – một cách phản trực giác - một loạt các bất ổn an ninh mới dẫn đến các quốc gia này phải bành trướng một cách có hệ thống.”


Vào những năm 1990, sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin, Mỹ có hơn 350 tàu chiến. Và bây giờ có chưa đến 280. Mặc dù Hải quân có kế hoạch gia tăng số lượng lên trên 310, theo như Văn Phòng Ngân sách Quốc hội và Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, chi phí vượt 34% cộng với các nhân tố khác khiến cho các kế hoạch trên có lẽ là khó thực thi. Trong thập niên tới và kể cả sau đó, nếu Hải quân tiếp tục xây dựng số lượng 7 tàu một năm với một hạm đội chỉ có thể hoạt động trong vòng 30 năm, tổng số tàu chiến của Mỹ có thể hình dung được là sẽ giảm đến mức thấp khoảng 200 tàu. Và vẫn cần phải xem xét cả cuộc khủng hoảng kinh tế hiện thời. Ngân sách của lầu năm góc sẽ chắc chắc bị cắt giảm, và việc triển khai xây dựng tàu, một hạng mục khá là tốn kém sẽ phải trả một cái giá rất đắt. 


Điều này không có nghĩa là Mỹ sẽ nhượng lại ưu thế ở các vùng biển ở Châu Á trong một tương lại gần. Tất cả những số liệu được đưa ra đều cho thấy những xu hướng chuyển dịch khá chậm, nhưng theo hướng ngược lại. Nhưng điều này càng chứng tỏ rằng, bảy thập kỷ trôi qua sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, những cường quốc hải quân khác – bao gồm các thế lực trong khu vực cũng như những nhân tố phi quốc gia như cướp biển – cuối cùng cũng đang bắt đầu có vị trí nhất định trong bức tranh tổng thể. Vị trí đơn cực của Mỹ ở các đại dương trên thế giới bắt đầu biến mất. Điều này xảy ra do Trung Quốc – đối thủ cạnh tranh có thể được xem là cân sức nhất của Mỹ trong thế kỷ 21 – đang ngày càng chuyển tiềm lực kinh tế của mình thành sức mạnh trên biển.


Có một điểm đã được nhắc lại thường xuyên và ngay đầu bài viết này đó là việc trỗi dậy của nền quân sự Trung Quốc không có gì là không chính đáng. Sự nổi lên của Trung Quốc có thể được so sánh một cách công bằng với sự trỗi dậy của Mỹ sau khi chúng ta củng cố quyền lực trên đất liền sau cuộc Nội Chiến và ổn định vùng Tây Mỹ, với đỉnh cao là việc xây dựng Kênh đào Panama vào đầu thế kỷ 20. Trong những năm cầm quyền của một số Tổng thống dễ bị lãng quên nhất của Mỹ - Hayes, Garfield, Arthur, Harrison, và vân vân — nền kinh tế Mỹ phát triển một cách lặng lẽ cũng với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm cao. Do đó, khi Mỹ giao thương nhiều hơn với thế giới bên ngoài, Mỹ đã lần đầu tiên phát triển những lợi ích chiến lược và kinh tế phức hợp ở những nơi xa xôi, dẫn đến việc phát triển hải quân và hàng hải của Mỹ ở Nam Mỹ và Thái Bình Dương, trong số rất nhiều hoạt động quân sự khác. Vậy thì sao Trung Quốc lại phải đi theo một con đường hoàn toàn khác?


Thực ra, còn quá ư là vội vàng để cho rằng Trung Quốc đang thâu tóm sức mạnh hải quân như là phương tiện nhằm đạt được ngôi vị bá quyền khu vực hoặc có lẽ là cả thế giới. Các đế chế thường không đạt được một cách có chủ đích. Hơn nữa, khi các quốc gia trở nên mạnh hơn, họ có các nhu cầu gia tăng cũng như – một cách phản trực giác - một loạt các bất ổn an ninh mới dẫn đến các quốc gia này phải bành trướng một cách có hệ thống.


Hơn nữa, Trung Quốc không phải là Iran dưới thời Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Trung Quốc không phải đang đe dọa bất kỳ nước nào và đang có một mối quan hệ kinh tế và ngoại giao phát triển tương đối mạnh với Mỹ. Ngoài ra cũng cần tính đến cuộc khủng hoảng toàn cầu, điều thậm chí càng gắn kết lợi ích của Mỹ và Trung Quốc gần nhau hơn, bởi vì chúng ta đang phải phụ thuộc vào họ về các loại hàng hóa giá cả phải chăng, cũng như để ổn định đồng tiền của chúng ta bằng các khoản ký gửi của họ, và họ cũng đang dựa vào chúng ta như là thị trường tiêu thụ chính. Thực ra, quan hệ song phương đang phát triển mạnh Mỹ - Trung không những hợp lý mà có lẽ còn là viễn cảnh tốt nhất cho hệ thống toàn cầu trong thế kỷ 21, cho phép định hình một sự quản trị toàn cầu thực sự.
  
Tuy nhiên, một viễn cảnh có thể xảy ra hơn là một điều gì đó có sắc thái hơn: chúng ta sẽ cạnh tranh với Trung Quốc ngay cả khi chúng ta đang hợp tác với họ. Sự cạnh tranh giữa Mỹ - Trung Quốc trong tương lai có thể mang lại một nghĩa mới cho từ “tinh tế” (“subtlety”), đặc biệt trong các cơ chế ngoại giao và kinh tế. Tuy nhiên mối quan hệ này cũng có những khía cạnh gai góc riêng, và một trong số đó có lẽ là nơi mà hải quân hai nước tương tác với nhau.


Trong khi quá trình chế tạo thêm tàu của Mỹ được xem như là thất bại, và Mỹ đang nỗ lực để duy trì Hải quân ở số lượng hiện có khi đang phải đối mặt với tỷ lệ tăng trưởng GDP là 0% - trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cơn Đại Khủng hoảng trở lại đây – ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng trưởng ở mức hai chữ số kể từ hai thập kỷ trở lại đây, ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn tăng trưởng hơn 8% vào năm 2009 bất chấp những tác động tiêu cực của cơn khủng hoảng toàn cầu. Kho vũ khí dưới biển của Trung Quốc bao gồm các tàu ngầm tấn công tên lửa được điều khiển chạy bằng động cơ diesel hệ 12 kilo (12 Kilo-class diesel-electric guided-missile attack submarines), được trang bị  ngư lôi loại wake-homing; các tàu ngầm hệ 13 Song, tương đương với hệ kilo; hai tàu ngầm tấn công hạt nhân hệ Shanang, và một tàu ngầm hạt nhân chống tên lửa đạn đạo hệ Jinin, và thêm ba tàu nữa đang được xây dựng.


Rõ ràng rằng, số lượng trên không thể so sánh được với 74 tàu ngầm chống tên lửa đạn đạo và tàu ngầm tấn công hạt nhân đang hoạt động của Hải Quân Mỹ. Mỹ tự hào với 11 trong tổng số 21 tàu hàng không mẫu hạm trên thế giới; Trung Quốc không có tàu nào (nhưng đang triển khai xây dựng một hoặc hai tàu). Những thống kê như thế sẽ vẫn tiếp diễn. Nhưng con số không thể nói hết được toàn bộ câu chuyện: thay vào đó, câu chuyện là về những xu hướng tiềm tàng, những khả năng bất cân xứng và sự kết hợp sáng tạo của sức mạnh lãnh thổ, kinh tế và hải quân nhằm tạo ra phạm vi ảnh hưởng trên toàn Châu Á.


“Trong khi Iraq cho người Mỹ thấy mặt bất xứng về khoa học kỹ thuật lạc hậu và thô sơ với những loại bom vỉa hè, người Trung Quốc, với việc phát triển các chương trình vũ trụ và tên lửa, sẽ cho người Mỹ thấy một mặt bất xứng khác về khoa học kỹ thuật phát triển cao và tinh vi thông qua nghệ thuật làm nản lòng và từ chối tiếp cận.”


Trung Quốc đang đuổi kịp, chậm nhưng cũng đủ nhanh để cảnh báo Mỹ rằng giai đoạn thống trị của Mỹ không phải là mãi mãi. Trong khi Iraq cho người Mỹ thấy mặt bất xứng về khoa học kỹ thuật lạc hậu và thô sơ với những loại bom vỉa hè, người Trung Quốc, với việc phát triển các chương trình vũ trụ và tên lửa, sẽ cho người Mỹ thấy một mặt bất xứng khác về khoa học kỹ thuật phát triển cao và tinh vi thông qua nghệ thuật làm nản lòng và từ chối tiếp cận, khiến cho việc di chuyển các đơn vị xung kích hàng không mẫu hạm của chúng ta đến gần với khu vực đất liền Châu Á bất kỳ khi nào và bất kỳ nơi đâu mà chúng ta muốn trở nên rủi ro hơn trong tương lai. Cuối cùng, chính vị trí địa lý trung tâm của Trung Quốc ở Châu Á cùng với hải quân đang ngày càng lớn mạnh và sức mạnh kinh tế đang đâm chồi nảy lộc của nước này sẽ là nguyên nhân làm cho Mỹ tiếp tục mất đi tầm ảnh hưởng ở khu vực này.


“Trong khi các quốc gia-thành phố duyên hải và các đảo quốc lớn nhỏ theo đuổi sức mạnh trên biển như là một điều tất yếu, một quốc gia lục địa và mang đặc điểm của đảo xét về mặt lịch sử như Trung Quốc làm như vậy một phần như là để phô trương: dấu hiệu của một cường quốc đang lên. Bằng việc tiến ra biển trên diện rộng như đã từng làm, Trung Quốc chứng minh được sự thống trị của mình trên đất liền ở trung tâm của Châu Á.”
Vì vậy, việc phác thảo cái có thể là chiến lược hải quân đang được phát triển của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Cần phải lưu ý rằng chúng ta sẽ ngày càng nhìn nhận thế giới biển từ phía Đông Châu Phi đến Indonesia, và sau đó lên phía Bắc đến Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản theo tính liên tục tổng thể: nhờ rất nhiều dự án xây cầu trên đất liền và các kênh đào có lẽ trong tương lai gần sẽ giúp kết nối hai đại dương, điều mà hiện giờ chỉ giới hạn ở các eo biển Malacca và Lombok.[1]


Mặc dù sẽ sớm trở thành một thế giới biển hợp nhất, nhưng hiện thời vẫn đang là hai thế giới khác nhau. Eo biển Malacca vẫn là điểm kết thúc một nền văn minh đại dương vĩ đại và điểm khởi đầu của một thế giới khác. Và trong khi Trung Quốc tiến ra Ấn Độ Dương với tư cách là một cường quốc đất liền bị chặn đường ra biển, đang kiếm tìm các thỏa thuận cập cảng với các quốc gia ven biển như Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, và Miến Điện — do đó rơi vào xung đột tiềm tàng với Ấn Độ - Trung Quốc có đường bờ biển dài bao quanh Thái Bình Dương – do đó rơi vào xung đột tiềm tàng với Mỹ. Do vậy, phân tích này sẽ bắt đầu ở Thái Bình Dương, sau khi đã nghiên cứu những lợi ích chiến lược và kinh tế phức tạp đang diễn tiến ở Trung Quốc liên quan đến các chính sách biển của nước này, dù là tương đối mờ nhạt so với các chính sách của Mỹ hơn một thế kỷ trước. 


Từ xa xưa, Trung Quốc luôn bị ám ảnh bởi những đe dọa xâm chiếm đất đai. Vạn lý trường thành được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên nhằm ngăn chặn sự xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ; vào giữa thế kỷ 20, Trung Quốc lo lắng về một sự xâm lược khác từ phía bắc, từ Liên bang Xô – Viết sau sự phân liệt Trung - Xô. Do đó, dưới thời Mao Trạch Đông (Mao Zedong), Trung Quốc tập trung ngân sách quốc phòng vào quân đội và cố tình bỏ qua các vùng biển. Nhưng sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, những lo lắng đó bị xua tan. Thêm vào đó, các nhà Ngoại giao Trung Quốc trong những năm gần đây đang nỗ lực giải quyết những tranh chấp biên giới còn tồn tại với các nước cộng hòa Trung Á và các nước láng giềng khác. Trên thực tế, một xu hướng xâm lược ngược đang diễn ra, với việc những người di cư Trung Quốc đang dần dần chiếm ưu thế về nhân khẩu học ở vùng Siberia. Do đó, việc theo đuổi sức mạnh biển của Trung trước tiên là dấu hiệu cho thấy biên giới đất liền lần đầu tiên trong một thời gian rất dài không hề bị đe dọa. Trong khi các quốc gia-thành phố duyên hải và các đảo quốc lớn nhỏ theo đuổi sức mạnh trên biển như là một điều tất yếu, một quốc gia lục địa và mang đặc điểm của đảo xét về mặt lịch sử như Trung Quốc làm như vậy một phần như là để phô trương:  dấu hiệu của một cường quốc đang lên. Với việc tiến ra biển trên diện rộng như đã từng làm, Trung Quốc chứng minh được sự thống trị của mình trên đất liền ở trung tâm Châu Á. Một điều chắc chắn rằng Trung Quốc không an tâm về vùng lân cận của mình như Mỹ đã từng vào cuối thế kỷ 19, xét vị trí của Mỹ như là một quốc đảo thực thụ. Tuy nhiên, Trung Quốc bây giờ an tâm hơn nhiều về biên giới đất liền so với những gì đã từng trải qua trong lịch sử của mình.


Hướng Trung Quốc ra biển là một bước đột phá lớn trong nền kinh tế của Trung Quốc, điều đã mang lại một sự bùng nổ về mậu dịch, và do đó dẫn đến sự bùng nổ đồng thời của thương mại ở các vùng duyên hải của nước này. Ngày này, dù là thời đại công nghệ thông tin và máy bay phản lực, 90% thương mại và 2/3 tổng nguồn cung dầu khí vận chuyển bằng đường biển. Năm 2007, các cảng ở Thượng Hải đã vượt qua Hong Kong trở thành cảng lớn nhất trên thế giới căn cứ vào số lượng hàng hóa qua cảng. Và đến năm 2015, Trung Quốc sẽ trở thành nơi đóng tàu nhiều nhất trên thế giới, vượt qua cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Sức mạnh trên biển một phần được xác định dựa trên vận tải thương mại biển, và Trung Quốc sẽ dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này.


Trên hết là nhu cầu năng lượng của Trung Quốc: nhu cầu về một dòng hydrocarbon liên tục và ngày càng tăng để duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Trung Quốc bất chấp sự tập trung ngày càng mạnh vào than đá, sinh chất, năng lượng hạt nhân và các nguồn nhiên liệu thay thế khác, vẫn cần nhiều hơn nữa dầu mỏ và khí thiên nhiên. Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Đồng thời, các quan chức Trung Quốc nhận thấy việc Trung Quốc phụ thuộc vào các sản phẩm dầu khí nhập khẩu có thể là một áp lực mà các đối thủ của Trung Quốc trong tương lai có thể tận dụng.  Nhu cầu đa dạng hóa các nguồn năng lượng giúp giải thích vì sao Trung Quốc quan hệ một cách công khai với các chế độ khó chịu như Sudan. Mức sử dụng hydrocarbon của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong vòng hai thập kỷ qua, ngay cả khi sản xuất dầu mỏ nội địa vẫn rất trì trệ kể từ năm 1993, khi Trung Quốc trở thành một nhà nhập khẩu dầu mỏ ròng. Mức sử dụng hydrocarbon của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi trong vòng một hay hai thập kỷ tới. Và lượng khí ga tự nhiên và dầu mỏ đó phần lớn có nguồn gốc - khoảng 85% - từ Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca đến các cảng biển ở Thái Bình Dương của Trung Quốc. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ trở nên ngày càng phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ của Ả Rập Xê-út và nguồn khí ga tự nhiên hóa lỏng của Iran. Do đó, các đường thông tin trên biển chủ yếu (“SLOCs”) xung quanh khu vực rìa Âu Á ở phía Nam phải được bảo vệ. Và xét trong bối cảnh lịch sử Trung Quốc là một cường quốc văn minh từ cổ xưa và lịch sử thời tương đối gần đây như là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân phương Tây, tại sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại muốn tin tưởng trao những thông tin quốc phòng quan trọng như vậy vào tay Hải quân Hoa Kỳ, một quốc gia tự coi là người bảo vệ cho của chung biển trên toàn thế giới? Nếu bạn quản lý Trung Quốc, với trách nhiệm đưa hàng trăm triệu người Trung Quốc vào một lối sống trung lưu đang thèm khát năng lượng, bạn cũng sẽ phải kiếm tìm một lực lượng hải quân tin cậy để bảo vệ các đoàn thương gia của bạn qua Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. 


Nhưng vấn đề là các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn còn rất nhiều năm để có thể có được một lực lượng hải quân như thế. Do đó, hiện nay, theo nhà phân tích James Mulvenon, Trung Quốc có lẽ hài lòng để “hưởng ké” (“free ride”) “dịch vụ chung” (“public good”) mà Hải quân Hoa Kỳ cung cấp.[2]  Tuy nhiên, do Hải quân Trung Quốc đang ngày càng có khả năng đảm nhiệm thêm nhiều trách nhiệm, việc hưởng ké đó sẽ trở nên ít cần thiết và thời đại của cạnh tranh hải quân Mỹ - Trung có lẽ sẽ bắt đầu một cách nghiêm túc, đặc biệt nếu số lượng của các phi đội hải quân của Mỹ suy giảm, dẫn đến sự tương đương về mặt khả năng của hải quân hai nước.


Ở Thái Bình Dương, Hải quân Trung Quốc không thấy gì nhiều ngoài những rắc rối và thất vọng ở Chuỗi đảo đầu tiên, trải dài từ Bắc xuống Nam bao gồm Nhật Bản, đảo Ryuku, Bán đảo Triều Tiên, Đài Loan, Philippines, Indonesia, và Úc.[3] Tất cả những nơi này ngoại trừ Úc là những điểm bùng nổ xung đột tiềm tàng. Những viễn cảnh này bao gồm cả sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên hay một cuộc chiến tranh liên triều, một cuộc đấu tranh có thể xảy ra với Mỹ về vấn đề Đài Loan và những hoạt động cướp biển hay khủng bố đều có thể cản trở các đoàn thương gia của Trung Quốc đến eo biển Malacca và các eo biển khác của Indonesia. Cũng có cả những tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc đối với những vùng đáy biển được cho là giàu năng lượng ở biển Hoa Đông và biển Đông. Ở biển Hoa Đông, Trung Quốc và Nhật Bản đã có xung đột về yêu sách chủ quyền đối với các đảo Senkaku/Điếu Ngư; còn ở biển Đông, Trung Quốc cũng có xung đột về yêu sách chủ quyền với Philippines và Việt Nam về một số/tất cả các đảo ở Trường Sa. Cụ thể trong vụ các đảo Senkaku/Điếu Ngư, tranh chấp đã giúp ích cho Trung Quốc bằng cách tạo đòn bẩy cho Trung Quốc khơi dậy chủ nghĩa dân tộc bất kỳ khi nào Trung Quốc cần. Nhưng mặt khác, đây cũng chính là một viễn cảnh khó khăn đối với các nhà chiến lược hải quân Trung Quốc.

“Một khi Trung Quốc thống nhất được Đài Loan, không chỉ hải quân Trung Quốc đột nhiên có một vị trí chiến lược vô cùng thuận lợi đối với chuỗi đảo đầu tiên mà các nguồn năng lượng quốc gia cũng sẽ được tung ra đáng kể nhằm tăng cường sức mạnh ra bên ngoài đến một mức độ mà cho đến giờ vẫn chưa thực hiện được.”


Nếu nhìn ra bên ngoài từ bờ biển Thái Bình Dương đến Chuỗi đảo đầu tiên này, Trung Quốc sẽ trông thấy một kiểu “Vạn Lý trường thành đảo ngược,” theo như cách diễn đạt của các giáo sư trường Cao đẳng Hải chiến James Holmes và Toshi Yoshihara: một đội hình gồm các đồng minh của Mỹ được tổ chức tốt với sự sắp xếp đều các tháp canh ở Nhật Bản, Ryukus, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, và Australia, tất cả đều ngăn chặn sự tiếp cận của Trung Quốc đến với đại dương rộng lớn hơn. Các nhà chiến lược Trung Quốc nhìn vào bản đồ này và hoảng hốt vì hải quân của mình đang bị bao vây.


Việc thống nhất của hai nước Triều Tiên cũng sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc ít nhất là về mặt địa chính trị. Tách ra xa khỏi lục địa châu Á, bán đảo Triều Tiên kiểm soát toàn bộ giao thông biển ở Đông Bắc Trung Quốc và, cụ thể hơn nữa, khóa chặt biển Bột Hải (Bohai) là nơi chứa trữ lượng dầu mỏ xa bờ lớn nhất của Trung Quốc. Hơn nữa, một nước Triều Tiên thống nhất sẽ có khả năng trở thành một đất nước theo chủ nghĩa dân tộc, với những cảm giác lẫn lộn rõ rệt đối với các quốc gia lớn láng giềng là Trung Quốc và Nhật Bản, 2 quốc gia trong lịch sử đã nỗ lực để kiểm soát và thậm chí là chiếm đóng đất nước này. Một đất nước Triều Tiên bị chia cắt cũng tạm thời hữu ích cho Trung Quốc bởi Bắc Triều Tiên – mặc dù là chế độ khép kín của nước này đã gây ra bao nhiêu rắc rối cho Bắc Kinh - đã giúp tạo ra một vùng đệm giữa Trung Quốc và nền dân chủ thành công và đầy sức sống là Hàn Quốc.


Tình hình của Triều Tiên là minh chứng cho một điều rất cơ bản trong chính trị thế giới: rằng những vấn đề đạo đức thường ẩn sau các vấn đề quyền lực. Trung Quốc có thể tuyên bố rằng về mặt lý thuyết Trung Quốc muốn một bán đảo Triều Tiên thống nhất nhằm tỏ ra là đúng đắn về mặt đạo đức ngay cả khi Trung Quốc rất sợ điều đó sẽ xảy ra. Đài Loan cũng được các bên thảo luận chỉ đơn thuần về các khía cạnh đạo đức, ngay cả khi việc Đài Loan có tuyên bố độc lập hay không sẽ dẫn đến những hậu quả địa chính trị trọng yếu.


Trung Quốc nói về Đài Loan trên khía cạnh thống nhất di sản của quốc gia, một Trung Quốc thống nhất vì lợi ích của các dân tộc Trung Quốc. Chúng ta nói về Đài Loan trên khía cạnh bảo tồn một nền dân chủ kiểu mẫu. Nhưng Đài Loan lại là một cái gì khác: nói như Tướng Douglas MacArthur đã khuất, Đài Loan là một “tàu hàng không mẫu hạm không thể nào chìm” thống trị tâm điểm của vùng ven biển nhô ra của Trung Quốc, từ đó những thế lực bên ngoài như Mỹ có thể “phong tỏa” sức mạnh dọc chu vi bờ biển của Trung Quốc.[4] Vì thế, không có gì có thể gây phiền não cho các nhà hoạch định hải quân Trung Quốc như việc độc lập của Đài Loan. Trong số các tháp canh dọc vạn lý trường thành đảo ngược trên biển, nói một cách ẩn dụ, Đài Loan là tháp cao nhất và có vị trí trung tâm nhất. Với việc Đài Loan trở về với Trung Quốc đại lục, đột nhiên Vạn lý trường thành và sự kiềm chế trên biển mà Đài Loan là một mắc xích quan trọng sẽ bị đứt đoạn. 


Trung Quốc đang khát khao một lực lượng hải quân biển xanh hay đại dương đích thực như Mỹ đã từng có. Để làm được điều đó, đầu tiên Mỹ đã phải thống nhất lục địa thông qua việc mở rộng và bình định miền Tây. Một khi Trung Quốc thống nhất đươc Đài Loan, không chỉ hải quân Trung Quốc đột nhiên có một vị trí chiến lược vô cùng thuận lợi đối với chuỗi đảo đầu tiên mà các nguồn năng lượng quốc gia cũng sẽ được tung ra đáng kể nhằm tăng cường sức mạnh ra bên ngoài đến một mức độ mà cho đến giờ vẫn chưa thực hiện được. Nếu vấn đề Đài Loan được giải quyết theo ý của Trung Quốc, thì như Holmes và Yoshihara khẳng định, Trung Quốc có thể tự do hơn để theo đuổi một chiến lược hải quân rộng lớn ở cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Việc thống nhất được sự kiểm soát của dân tộc Hán đối với các dân tộc Turkic Ngô Duy Nhĩ theo Hồi giáo ở tỉnh miền tây xa xôi Tân Cương tạo thêm một yếu tố kích thích những nỗ lực hải quân liên đại dương của Trung Quốc.


Việc Trung Quốc chinh phục được Đài Loan cũng sẽ có tác động tương tự với trận chiến cuối cùng của chiến tranh với người da đỏ, cuộc thảm sát Wounded Knee năm 1890. Sau sự kiện tang tóc đó, quân đội Mỹ bắt đầu thực sự tập trung hướng ra biển, và khoảng hơn một thập kỷ sau kênh đào Panama được xây dựng. Mặc dù tính từ “đa cực” thường được sử dụng rộng rãi để mô tả tình hình thế giới, chính sự hợp nhất giữa Đài Loan và đại lục sẽ đánh dấu sự xuất hiện thật sự của thế giới đa cực đó.


Trung Quốc đang hết sức nỗ lực bằng nhiều cách, chủ yếu là về phương diện kinh tế nhằm thay đổi động lực của Chuỗi đảo đầu tiên do Mỹ thống trị này. Những nước như là  Philippines và Úc sẽ có Trung Quốc là đối tác thương mại số một. Đối với trường hợp Philippines — một di sản của Mỹ hơn 100 năm trở về trước bao gồm chiến tranh, xâm lược, can thiệp chính trị kéo dài trong nhiều thập kỷ và các khoản viện trợ kinh tế khổng lồ – Trung Quốc đã làm tất cả những gì có thể để tăng cường các mối quan hệ song phương, ngay cả việc đề nghị ký một hiệp ước quốc phòng với Philippines một vài năm trước bao gồm cả thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo. Tương lai có thể bao gồm một Nhật Bản tái vũ trang, một Triều Tiên thống nhất theo chủ nghĩa dân tộc, một Đài Loan hợp nhất với đại lục, và một Philippines và Úc về danh nghĩa là đồng minh của Mỹ nhưng sẽ trở nên trung lập về thương mại và những thực tiễn khác liên quan đến sự tiếp tục trỗi dậy về quân sự và kinh tế của Trung Quốc. Kết quả sẽ là một Tây Thái Bình Dương ít ổn định hơn cùng với sự suy giảm của sức mạnh Mỹ và sự bùng nổ của Trung Quốc trên tất cả các mặt trận hải quân.


Về phía Đông, trong viễn cảnh đó, Trung Quốc bắt đầu có các kế hoạch đối với Chuỗi đảo thứ hai, do các vùng lãnh thổ của Mỹ thống trị như các đảo Guam và Marianas. Thực ra, toàn thể Châu Đại Dương là khu vực mà Trung Quốc đang phát triển các lợi ích ở các lĩnh vực như du lịch, ngay cả khi Trung Quốc đang tăng cường mở rộng quan hệ kinh tế và ngoại giao với rất nhiều quốc đảo nhỏ và có vẻ như ít được biết đến này.


Nhưng chính là ở phía nam, tại các vùng biển phức tạp của biển Đông và biển Java, thống trị bởi Singapore, bán đảo Malaysia, và hàng ngàn đảo khác ở nam Philippines và quần đảo  Indonesia – là nơi mà những lợi ích của hải quân Trung Quốc được biểu hiện rõ nhất – và nơi mà SLOCs của Trung Quốc đến khu vực Trung Đông dồi dào dầu mỏ và đến Châu Phi gặp nhiều rủi ro nhất. Ở đây có những phần tử hồi giáo cực đoan, cướp biển và sự trỗi dậy của hải quân Ấn Độ, cùng với những nút thắt cổ chai về mặt địa lý của eo biển Malacca và Lombok, nơi mà một số lượng lớn các đoàn thương gia và tàu chở dầu Trung Quốc phải đi qua. Cũng có một trữ lượng lớn dầu mỏ mà Trung Quốc mong muốn khai thác, làm cho biển Đông là “vịnh Péc-xích thứ hai”.[5] Việc kết hợp tất cả những yếu tố này với những cơ hội, vấn đề và những cơn ác mộng mà chúng mang lại cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc khiến cho khu vực này, nơi giao nhau giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, trở thành một trong những viễn cảnh về biển căng thẳng nhất trong những thập kỷ tới. Cũng như việc hải quân Mỹ một thập kỷ trước đến kiểm soát Vùng vịnh Caribbe, hải quân Trung Quốc cũng phải dịch chuyển, nếu không kiểm soát thì ít ra cũng trở thành thế lực nổi bật như người Mỹ ở những biển này: bởi vì eo biển Malacca có thể được coi là giống với kênh đào Panama, một cánh cửa mở ra một thế giới rộng lớn hơn.[6]

Trung Quốc đã đầu tư mạnh tay tại cảng biển nước sâu Gwadar ngoài khơi tỉnh Baluchistan của Pakistan
Trung Quốc đã đầu tư mạnh tay tại cảng biển nước sâu Gwadar ngoài khơi tỉnh Baluchistan của Pakistan


Hãy thử tượng tượng xem người Trung Quốc sẽ như thế nào khi chứng kiến cảnh các đơn vị xung kích hàng không mẫu hạm và các đơn vị can thiệp tiền phương của Hải quân Hoa kỳ đi lại tùy ý qua sân sau của Trung Quốc. Nỗ lực cứu trợ sóng thần của Hải quân Hoa Kỳ ở ngoài khơi Indonesia là nhằm chứng minh cho người Trung Quốc thấy được sự bất lực của họ trong vùng biển sân sau của mình, bởi Trung Quốc không hề có các tàu hàng không mẫu hạm để cứu trợ. Nỗ lực giải cứu còn dấy lên một cuộc tranh luận đang tiếp diễn trong các nhóm quyền lực ở Trung Quốc về việc liệu Trung Quốc có nên xây dựng một hoặc hai tàu hàng không mẫu hạm của riêng mình, hơn là tập trung vào các phương tiện chỉ phục vụ mục đích chiến tranh như tàu ngầm và tàu khu trục, những phương tiện rất ít hữu dụng trong các nỗ lực viện trợ. Trong con mắt của người Trung Quốc, thống trị hải quân ở những vùng biển này trong tương lai là một quyền tự nhiên. Nỗ lực cứu trợ sóng thần chỉ làm mãnh liệt thêm quyết tâm của Trung Quốc trong lĩnh vực này. 
Khi xem xét vùng biển Đông Nam Á, điều gây ấn tượng ngay lập tức là sự phát triển của các phần tử hồi giáo cực đoan ở một phần quần đảo không thể kiểm soát được ở phía Nam Philippines, Malaysia, và Indonesia. Đối với người Trung Quốc, hồi giáo cực đoan là xấu vì đã tạo điều kiện cho quân đội Mỹ tiến gần hơn đến bờ biển của Trung Quốc nhằm truy tìm khủng bố. Tôi đã trực tiếp chứng kiến điều này trong khi quan sát Chiến dịch Tự do lâu dài (Enduring Freedom) ở Philippines năm 2004 và thêm một lần khác vào năm 2006. Trong nỗ lực truy tìm al-Qaeda- và nhóm khủng bố liên kết với Jemaah Islamiya, Abu Sayyaf, Lực lượng Hành quân đặc biệt Hoa kỳ (“American Special Operations Forces”) đã thành lập một căn cứ ở phía nam Mindanao, nhằm hỗ trợ các chiến binh và các chiến dịch chống khủng bố trên biển của Philippines ở quần đảo Sulu ở phía nam. Kết quả là quân đội Mỹ lần đầu tiên được đưa trở lại kể từ sự kiện đóng cửa căn cứ không quân Clark và Trạm hải quân Vịnh Subic năm 1992, và lần đầu tiên triển khai lực lượng quân đội Mỹ ở phía nam đảo chính của Philippines là Luzon kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là tin tức làm nhụt chí các nhà chiến lược Trung Quốc. Một số người Mỹ được tôi phỏng vấn bày tỏ công khai về những hệ quả địa chính trị của sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Philippines và cho hay rằng vấn đề hôm nay là hồi giáo cực đoan, nhưng việc triển khai quân đó đặt quân đội Mỹ vào một vị thế tốt hơn trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc trong tương lai.


Cướp biển cũng gây phiền phức cho người Trung Quốc bởi nhiều lý do khá rõ ràng. Cướp biển có khả năng đe dọa cuộc sống từ trên biển đến cả lục địa của Trung Quốc ở những vùng nước quần đảo nhỏ nhưng đông dân cư. Trong những năm gần đây, hợp tác của hải quân các nước Singapore, Malaysia, và Indonesia đã giảm đáng kể tội phạm cướp biển, vì vậy cướp biển không còn là tai họa như tình trạng hiện tại ở Vịnh Aden, ở phía bên kia của Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, tính đến những hậu quả của việc trở lại của nạn cướp biển ở Đông Nam Á, nơi mà cướp biển đã từng là đặc điểm chung của chiến tranh trên biển trong nhiều thế kỷ,  hải quân Trung Quốc không thể tự hài lòng được.


Cướp biển là nỗi lo thường trực và Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào eo biển chật hẹp Malacca đến nỗi mà tất cả những đe dọa được hình dung đối với eo biển này đều phải được tính đến một cách nghiêm túc. Theo như một báo cáo, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã than phiền về sự dễ bị tổn thương của tuyến đường biển Trung Quốc, nhắc đến tuyến đường này như là “Thế tiến thoái lưỡng nan Malacca,” (“Malacca Dilemma”) của đất nước ông, vấn đề mà Trung Quốc bằng cách nào đó cũng phải thoát ra được.[7] Một nhà phân tích Trung Quốc thậm chí lo lắng rằng 244 đảo cấu thành nên quần đảo Andaman-Nicobar của Ấn Độ có thế được sử dụng như một “sợi xích kim loại” để khóa lối vào phía tây bắc của eo Malacca. Nhà phân tích Zhang Ming, lập luận thêm rằng “một khi Ấn Độ kiểm soát Ấn Độ Dương, quốc gia này sẽ không hài lòng với vị thế của mình và sẽ tiếp tục nỗ lực mở rộng ảnh hưởng và chiến lược đông tiến của Ấn Độ sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với Trung Quốc.” Ming kết luận bằng câu nói rằng “Ấn Độ có lẽ là đối thủ cạnh tranh chiến lược thực tế nhất của Trung Quốc”.[8] Tất nhiên, đây có thể là tiếng nói của một chuyên gia lo xa của Trung Quốc tương tự như người thuộc tầng lớp lý luận của Washington. Nhưng những chuyên gia chính sách luôn lo lắng vì một mục đích nghiêm túc, và ngay cả nếu Ming ở một mức độ nào đó phóng đại mức độ đe dọa từ Ấn Độ, thì những lo lắng của ông chứng minh mức độ nghiêm túc mà Bắc Kinh cần xem xét New Delhi với tư cách là một cường quốc biển và sao lại phải phụ thuộc vào Malacca nhiều đến thế.


Có dự đoán cho rằng người Trung Quốc trong tương lai gần sẽ giúp tài trợ xây dựng một kênh đào qua Kra Isthmus ở Thái Lan để kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương – một dự án công trình có quy mô lớn như kênh đào Panama và dự kiến chi phí là 20 tỷ đô la Mỹ. Cần phải qua Kra Isthmus thì hàng hóa của Trung Quốc ngày xưa mới đến được Ấn Độ Dương và quay trở lại.[9] Đối với Trung Quốc, một kênh đào ở Kra sẽ có vai trò quan trọng như là Kênh đào lớn ngày xưa nối liền Hàng Châu ở miền trung Trung Quốc với Bắc Kinh ở phía Bắc. Một kênh đào ở Kra sẽ cho phép Trung Quốc có những trang thiết bị cho cảng mới và các nhà máy tinh lọc dầu, nhà kho cho việc chuyển tải, và nói chung là bàn đạp giúp Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở Đông Nam Á. Một nơi không xa xôi như Isthmus Kra là đảo Hải Nam ở biển Đông, nơi mà Trung Quốc đang tăng cường khả năng phát triển sức mạnh hải quân và không quân từ các căn cứ quân sự ở đó.[10]


Trong khi đó, Dubai Ports World đang tiến hành một nghiên cứu về tính khả thi để xây dựng một cây cầu trên đất liền cạnh đó, với các cảng ở hai bên bờ kênh Isthmus Kra, được nối liền bởi đường ray và đường cao tốc. Và Chính phủ Malaysia đang quan tâm đến hệ thống ống dẫn đông – tây nối liền các cảng ở Vịnh Bengal và biển Đông. Vào một lúc nào đó, tâm điểm chiến lược của thế giới biển không còn là Bắc Đại Tây dương mà thay vào đó là khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tuy nhiên xu hướng sẽ tăng mạnh với việc xây dựng ít nhất một hoặc hai, nếu không phải là ba trong số các dự án này: điều mà đến lượt nó sẽ có ảnh hưởng lớn tương tự đến các mô hình triển khai hải quân. Đối với hai xu hướng song song về một châu Á đang trỗi dậy về mặt kinh tế và một vùng Trung Đông đang tan vỡ về mặt chính trị sẽ dẫn đến việc tập trung chiến tranh hải quân ở Ấn Độ Dương và các vùng biển lân cận, nơi mà những nút thắt là những nơi dễ bị khủng bố và cướp biển.


“Cũng như việc hải quân Mỹ một thập kỷ trước đến kiểm soát Vùng vịnh Caribbe, hải quân Trung Quốc cũng phải dịch chuyển, nếu không kiểm soát thì ít ra cũng trở thành thế lực nổi bật như người Mỹ ở những biển này: bởi vì eo biển Malacca có thể được coi là giống với kênh đào Panama, một cánh cửa mở ra một thế giới rộng lớn hơn.”


Trung Quốc sẽ đạt được những lợi ích vô vùng lớn từ những dự án này. Những đe dọa tiềm tàng do cướp biển và sự trỗi dậy của hải quân Ấn Độ sẽ tan đi một khi những vùng biển Đông Nam Á này trở nên ít dồn nén và ít tập trung hơn vào chỉ một kênh đào. Cũng có quan ngại về tình trạng tắc nghẽn, ô nhiễm và các hàng hóa nguy hiểm mà rồi cũng sẽ được xoa dịu. Quan trọng hơn, hải quân Trung Quốc muốn có sức mạnh không chỉ ở một đại dương mà là hai đại dương, với rất nhiều các đường tiếp cận khác nhau giữa Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương để giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào eo biển Malacca.


“Ấn Độ Dương, trong những năm và thập kỷ tới sẽ giúp xác nhận xem liệu Trung Quốc có trở thành một cường quốc quân sự hay duy trì hiện trạng là một cường quốc khu vực ở Thái Bình Dương.”


Thách thức về Malacca của Trung Quốc có hai giải pháp lâu dài. Thứ nhất đơn giản là tìm ra các con đường thay thế từ đại dương này sang đại dương kia. Thứ hai là lấy nhiều hơn nữa các nguồn cung năng lượng của Trung Quốc trên đất liền, từ Trung Đông và Trung Á, do đó, giảm khối lượng hydrocarbon cần được vận chuyển từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương như ban đầu. Điều đó có nghĩa là sử dụng các cảng ở Ấn Độ Dương để vận chuyển dầu mỏ và các sản phẩm năng lượng khác qua đường bộ và đường ống dẫn dầu hướng lên phía Bắc đến miền trung Trung Quốc.


Chiến lược được gọi là chuỗi ngọc trai của quân đội Trung Quốc tại Ấn Độ Dương bao gồm việc xây dựng một căn cứ hải quân rộng lớn và điểm nghe ngóng hoạt động của đối phương tại cảng Gwadar của Pakistan trên Biển Ả Rập, nơi mà Trung Quốc có lẽ đã kiểm soát giao thông tàu biển qua eo Hormuz. Có một cảng khác đang được Trung Quốc tận dụng ở Pakistan, tại Pasni, cách Gwadar 75 dặm về phía đông và nối liền với Gwada bằng một đường cao tốc. Ở Hambantota, bờ biển phía Nam của Sri Lanka, Trung Quốc đang xây dựng công trình có chức năng tương đương với  một trạm tiếp than cho tàu của mình. Ở phía bên kia của Ấn Độ, tại cảng Chittagong của Bangladesh trong Vịnh Bengal, Trung Quốc đang xây dựng một cảng công-ten-nơ và đang nỗ lực mở rộng sự tiếp cận về hàng hải và thương mại. Ở Miến Điện, nơi Trung Quốc viện trợ quân sự hàng tỷ đôla cho chính phủ quân sự cầm quyền, Bắc Kinh đang xây dựng và nâng cấp các căn cứ quân sự và thương mại, cũng như xây dựng đường xá, đường thủy và đường ống dẫn dầu từ Vịnh Bengal đến tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, ngay cả khi Trung Quốc đang vận hành các trang thiết bị theo dõi ở các đảo sâu trong Vịnh  Bengal.[11] Nhiều trong số các cảng này gần với các thành phố ở miền trung và tây Trung Quốc hơn khoảng cách giữa các thành phố này đối với Bắc Kinh và Thượng Hải . Những cảng ở Ấn Độ Dương, với đường sắt và đường bộ bắc-nam sẽ giúp giải phóng về mặt kinh tế đối với Trung Quốc. Một điều quan trọng là 90% doanh số bán vũ khí của Trung Quốc là cho các quốc gia ven biển Ấn Độ Dương, bao quanh Ấn Độ ở cả ba phía.[12]


Tất nhiên, cần phải cẩn trọng khi đánh giá những hành động của Trung Quốc trong khu vực. Cơ quan Cảng biển Singapore chứ không phải Trung Quốc, sẽ điều hành hoạt động của cảng ở Gwadar. Rất nhiều đường ống dẫn đi qua những khu vực bất ổn về chính trị, vì thế Trung Quốc không vội vàng xúc tiến một số kế hoạch. Ý tưởng ở đây không phải để có các căn cứ chính thức được trang bị toàn diện - điều đó là quá lộ liễu và Trung Quốc thì thích sự kín đáo hơn. Thực ra, các triều đại Tống và Minh sơ từ thế kỷ thứ 10 đến đầu thế kỷ thứ 15 đã chứng kiến Trung Quốc đòi cống nạp và duy trì thỏa thuận vào cảng với các quốc gia ven biển Ấn Độ Dương, nhưng lại không thiết lập các căn cứ lâu dài như những gì người Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp và Anh sau này đã làm. Điều mà Trung Quốc dường như muốn bây giờ là các cảng nước sâu hiện đại ở các quốc gia hữu nghị dọc bờ biển phía nam Á Châu mà các tàu chiến và các đoàn thương gia Trung Quốc có thể cập cảng, trong khi có một sự hiện diện lớn hơn nữa của các SLOCs ở Ấn Độ Dương. Bảo vệ những SLOCs này tạo ra cuộc tranh luận vận động chủ yếu tại Bắc Kinh cho việc xây dựng lực lượng biển xanh.[13] Vấn đề mấu chốt là ngoài những quan ngại tức thời đã được thể hiện rõ về vấn đề Đài Loan và Chuỗi đảo đầu tiên, Trung Quốc dường như có một mối quan tâm thứ yếu đối với Ấn Độ Dương.


Mục tiêu lâu dài của Trung Quốc nhằm có được sự hiện diện ở Ấn Độ Dương để tăng cường quyền lực và bảo vệ các đoàn thương gia và năng lượng của mình được chứng mình bởi lễ kỷ niệm rất trọng thể và công khai nhân vật lịch sử Trịnh Hòa, một đô đốc hải quân và nhà thám hiểm triều Minh đầu thế kỷ 15, người đã qua lại các vùng biển giữa Trung Quốc và Indonesia, Sri Lanka, Vịnh Péc-xích, và vùng sừng Châu Phi. Là một hoạn quan theo đạo hồi có gốc Mông Cổ, người đã bị bắt và bị thiến khi còn là một cậu bé để vào phục vụ ở Tử Cấm Thành, được thăng quan tiến chức, Trịnh Hòa nhận một đoàn gồm hàng trăm con tàu với 30,000 người đến các bờ biển Trung Đông để giao dịch, thu cống nạp và để phô trương cờ Trung Quốc.[14] Việc Trung Quốc tập trung nhiều vào nhà thám hiểm Ấn Độ Dương này và cuộc đời của ông đã nói lên rằng những vùng biển này luôn luôn là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc, và Trung Quốc chỉ là đang quay trở lại với những con đường truyền thống của mình mà thôi. Trên thực tế, thật đáng ngạc nhiên là bằng cách nào Trung Quốc đã bỏ qua cơ hội để triển khai hai tàu khu trục và một tàu cung ứng đến vịnh Aden để bảo vệ các tàu Trung Quốc khỏi cướp biển. Ngoài việc mang lại những kinh nghiệm đường dài, ngoài khu vực và thực hành tại chỗ cho các thủy thủ của mình, điều này lại càng hỗ trợ Trung Quốc trong việc yêu sách toàn bộ Ấn Độ Dương là khu vực hợp pháp cho các hoạt động hải quân của Trung Quốc.
Tuy nhiên cuộc thảo luận này bàn về một tương lai có thể xảy ra; hiện tại, các quan chức Trung Quốc đang tập trung vào Đài Loan và Chuỗi đảo đầu tiên, và Ấn Độ Dương không phải là ưu tiên quan tâm của Trung Quốc. Vì thế, Ấn Độ Dương trong nhiều năm và nhiều thập kỷ tới sẽ giúp xác nhận xem liệu Trung Quốc có trở thành một cường quốc quân sự hay là duy trì hiện trạng là một cường quốc khu vực ở Thái Bình Dương.


Một viễn cảnh tương lai rất có khả năng xảy ra đó là sự hiện diện hải quân và đoàn thương gia Trung Quốc ở một hình thức nào đó từ bờ biển của Châu Phi đi qua hai đại dương đến bán đảo Triều Tiên – bao quát trên thực tế tất cả các vùng biển Châu Á trong khu vực nhiệt đới và ôn đới, và hệ thống biển toàn cầu nơi diễn ra các lợi ích đó. Trong viễn cảnh đó, Ấn Độ, Hàn Quốc, và Nhật Bản có lẽ sẽ bổ sung tàu ngầm và các tàu chiến khác để tuần tra trong khu vực Châu Phi-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (“Afro-Indo-Pacific”). Những trường hợp này có thể cho thấy Mỹ hiện vẫn là bá chủ với lực lượng bảo vệ bờ biển và hải quân lớn nhất thế giới, nhưng khoảng cách giữa Mỹ và hải quân các nước khác sẽ dần bị thu hẹp hơn so với ngày nay.


Chắc chắn rằng Mỹ sẽ hồi phục từ cơn khủng hoảng lớn nhất của chủ nghĩa tư bản kể từ sau cơn Đại khủng hoảng, nhưng khoảng cách giữa Mỹ và các nước khổng lồ ở Châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ dần co lại, và điều đó sẽ ảnh hưởng đến quy mô hải quân. Tất nhiên, sự suy giảm về quân sự và kinh tế của Mỹ không phải là một lập luận của thuyết định mệnh. Chúng ta không thể biết trước được tương lai. Khái niệm suy giảm cũng bị thổi phồng quá mức. Hải quân Hoàng gia Anh bắt đầu sự suy giảm tương đối vào những năm 1890, ngay cả khi Anh tiếp tục cứu giúp phương Tây trong hai cuộc chiến tranh thế giới trong vòng hơn nửa thế kỷ tiếp theo.[15] Tuy nhiên, một mô hình mới đã nổi lên. Mỹ đã thống trị nền kinh tế thế giới trong các thập kỷ chiến tranh lạnh. Trong khi các cường quốc khác phải gánh chịu sự tàn phá về cơ sở vật chất trên lãnh thổ của mình trong chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ thoát khỏi chiến tranh một cách bình an vô sự. Trung Quốc, Nhật Bản, và Châu Âu bị thiệt hại nhiều người trong những năm 1930 và 1940, trong khi Ấn Độ vẫn đang còn dưới ách thực dân. Thế giới đó nay không còn, các quốc gia khác đã bắt kịp, và câu hỏi đặt ra là làm thế nào Mỹ có thể ứng phó một cách có trách nhiệm với thế giới đa cực mà có lẽ sẽ trở thành một điểm nổi bật của hệ thống thế giới trong vài năm tới.


Sức mạnh hải quân sẽ là dấu hiệu chính xác cho trật tự quyền lực toàn cầu đang ngày càng phức tạp như bất kỳ dấu hiệu nào khác. Thực ra, sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc có thể giúp Mỹ có thêm các cơ hội. Một lần nữa, thật là may mắn khi mà hải quân Trung Quốc đang trỗi dậy một cách hợp pháp, để bảo vệ các lợi ích an ninh chính đáng cũng như lợi ích kinh tế như Mỹ đã từng làm, hơn là tạo ra một lực lượng nổi dậy liều chết trên biển như hải quân bảo vệ cách mạng hồi giáo của Iran có vẻ rất quyết tâm để thực hiện.[16] Điều này mang lại cho Trung Quốc và Mỹ một vài giao điểm để hợp tác. Cướp biển, khủng bố và thiên tai đều là những vấn đề trong khu vực nơi mà hải quân hai nước có thể cùng phối hợp, bởi vì lợi ích của Trung Quốc ở cả ba vấn đề này không hề khác của Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc có lẽ sẽ không hoàn toàn thoải mái để hợp tác với Mỹ về các khía cạnh hải quân liên quan đến vấn đề năng lượng: cùng tuần tra SLOCs. Cuối cùng, cả Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục phụ thuộc vào hydrocarbon từ Trung Đông (đặc biệt là Trung Quốc trong những năm tiếp theo), vì vậy những lợi ích của chúng ta ở khu vực này dường như đồng quy. Do đó, việc hai cường quốc không hề có các tranh chấp về lãnh thổ và đều cùng có nhu cầu nhập khẩu năng lượng lớn, sống ở hai bán cầu khác nhau của thế giới, hai nước mà hệ thống thống trị về mặt tư tưởng, dù khác nhau, vẫn không thể cách biệt nhiều như Mỹ đã từng với Liên bang Xô Viết không nhất thiết sẽ  trở thành đối thủ của nhau.


Do đó, việc lôi kéo các đồng minh như Ấn Độ và Nhật Bản cùng chống lại Trung Quốc thể hiện trách nhiệm ở một khía cạnh duy nhất: giúp tạo ra cơ chế cho Mỹ có thể dần dần và nhẹ nhàng chuyển giao các trách nhiệm cường quốc cho các cường quốc khác cùng có cách tư duy như vậy khi mà khả năng của họ tăng lên, như là một phần rút lui có tính toán khỏi thế giới đơn cực. Nhưng theo đuổi chiến lược biệt lập đó sẽ gây rủi ro không đáng có và không cần thiết là cô lập Trung Quốc. Do vậy, tập hợp đồng minh phải là một phần của một chiến lược quân sự lớn hơn mà tìm cách lôi kéo Trung Quốc là một phần của hệ thống liên minh lấy châu Á làm trung tâm, trong đó quân đội các nước hợp tác về vô số các vấn đề.


Thực ra, Đô đốc hải quân Michael Mullen, Chủ tịch của Hội các chỉ huy trưởng đã nói năm 2006 (khi ông là Chỉ huy trưởng các chiến dịch) rằng “nơi mà ‘chiến lược biển’ cũ tập trung vào kiểm soát biển,”  “chiến lược mới phải nhận ra rằng làn sóng kinh tế của tất cả các quốc gia tăng lên không phải khi các vùng biển bị một quốc gia kiểm soát mà là khi các vùng biển đó đã trở nên an toàn và tự do cho tất cả.”


Đô đốc Mullen tiếp tục bàn luận: “Ai cũng biết là tôi đang chỉ huy một lực lượng hải quân với 1000 tàu chiến – một hạm đội có thật, nếu bạn muốn, bao gồm tất cả các quốc gia yêu chuộng tự do, đứng ngắm nhìn các vùng biển, đứng ngắm nhìn nhau.”


Mặc dù những lời lẽ của tướng Mullen nghe có vẻ hơi khoa trương và vô vị, nhưng trên thực tế đó là phản ứng đối với nguồn tài nguyên đang cạn dần của chúng ta. Mỹ sẽ ngày càng ít có khả năng hành động đơn phương và do đó sẽ ngày càng phải dựa vào các liên minh. Hải quân quốc gia có xu hướng hợp tác tốt hơn quân đội quốc gia, bởi vì các thủy thủ thường đoàn kết bởi tinh thần đồng đội trên biển do họ phải cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm đối mặt với các thế lực tự nhiên hung dữ. Cũng như một cuộc chiến tranh lạnh ngầm trên biển là có thể xảy ra giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc, xu hướng hải quân hợp tác tốt hơn quân đội cũng có nghĩa ngược lại rằng hải quân hai nước có thể đi đầu trong việc hợp tác giữa hai cường quốc, cùng phối hợp hướng tới sự thành lập một hệ thống đa cực phồn thịnh và bền vững. Xét những xung đột văn minh của chúng ta với chủ nghĩa hồi giáo cực đoan và những căng thẳng về mặt chính sách với Châu Âu đang có xu hướng theo chủ nghĩa hòa bình và một nước Nga ngoa ngoắt và hung hăng, chúng ta sẽ phải làm tất cả những gì có thể để tìm được điểm chung với Trung Quốc. Hoa Kỳ không thể nắm lấy toàn bộ thế giới bằng sức lực của chỉ riêng mình.


Hơn nữa, chính quyền Obama sắp lên sẽ ngay lập tức chấm dứt thời kỳ thờ ơ mà chính quyền Bush dành cho các nước khu vực Đông Nam Á. Trong nhiều năm nay, Bộ Ngoại giao của chính quyền Bush, qua việc tập trung quá nhiều vào Iraq và Afghanistan và thất bại đi kèm trong việc giao một số nhiệm vụ của ngoại trưởng cho các đặc phái viên do đó đã bỏ lỡ các cuộc hop khu vực có ý nghĩa quan trọng và các cơ hội đại diện khác. Hậu quả là, Trung Quốc đã thiết lập được các con đường ngoại giao quan trọng vào các nước  Philippines, Thái Lan và Indonesia. Chính phủ Mỹ phải hành động ngay lập tức để giương cao ngọn cờ Mỹ và điều chỉnh tình hình ở các nước này. Vấn đề cũng tương tự đối với các khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.



Quá trình thâm nhập của phương Tây vào Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương bắt đầu một cách đẫm máu khi người Bồ Đào Nha đến đây vào cuối thế kỷ 15. Việc người Hà Lan hất cẳng người Bồ Đào Nha, người Anh hất cẳng người Hà Lan cũng gây ra sự đổ máu đáng kể. Sau đó là người Mỹ hất cẳng người Anh ở vùng biển cả của Châu Á, cũng thông qua các trận chiến đẫm máu của Chiến tranh thế giới thứ hai. Do vậy, việc chuyển dịch một cách hòa bình từ thế đơn cực trên biển của Mỹ hướng đến một cơ chế quản lý chung của Mỹ-Trung Quốc-Ấn Độ sẽ là lần đầu tiên. Không phải là một sự thoái thác trách nhiệm, mà thay vào đó là trao Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương vào tay của những quốc gia bản xứ có trách nhiệm và tự do lần đầu tiên trong vòng 500 năm qua. Điều tiết những uy thế của Trung Quốc trên biển trong khi bảo tồn danh tiếng và sức mạnh của Mỹ trong khu vực sẽ là yếu tố quyết định nhằm đạt được mục tiêu đó./.




Người dịch: Trần Hoàng Yến
Hiệu đính: Đỗ Thị Thủy

Đây là 1 Chương trong "China’s Arrival: A Strategic Framework for a Global Relationship,” chủ biên  Abraham Denmark và Nirav Patel, Center for a New American Security, 9/2009. Thành viên có thể đọc bản gốc: "CHINA'S TWO-OCEAN STRATEGY"




(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ)






[1]  Lối tư duy của tôi phụ thuộc phần lớn vào một nhóm các học giả tại trường Cao đẳng Hải chiến của Mỹ, những người mà nghiên cứu của họ về chiến lược biển của Trung Quốc là toàn diện, sáng tạo và rất ôn hòa. Họ là: Gabriel B. Collins, Andrew S. Erickson, Lyle J. Goldstein, James R. Holmes, William S. Murray, and Toshi Yoshihara. Cụ thể, tôi rất biết ơn ba bài phân tích: James R. Holmes and Toshi Yoshihara, Chinese Naval Strategy in the 21st Century: The Turn to Mahan (Routledge, New York, 2008); Toshi Yoshihara and James Holmes, “Command of the Sea with Chinese Characteristics,” Orbis (Fall 2005); Gabriel B. Collins, Andrew S. Erickson, Lyle J. Goldstein, and William S. Murray, eds., China’s Energy Strategy: The Impact on Beijing’s Maritime Policies (Annapolis: Naval Institute Press, 2008); and Andrew Erickson and Gabe Collins, “Beijing’s Energy Security Strategy: The Significance of a Chinese State-Owned Tanker Fleet,” Orbis (Fall 2007).
[2] Gabriel B. Collins, Andrew S. Erickson et al., China’s Energy Strategy.
[3]  Yoshihara và Holmes, “Command of the Sea with Chinese Characteristics.”
[4] Như  trên.
[5]  Andrew Erickson và Lyle Goldstein, “Gunboats for China’s New ‘Grand Canals’?” Naval War College Review (Spring 2009).
[6] Holmes và Yoshihara, Chinese Naval Strategy in the 21st Century: 52-53.
[7]  Juli A. MacDonald, Amy Donahue và Bethany Danyluk, “Energy Futures in Asia: Final Report” (Washington, D.C.: Booz Allen Hamilton, November 2004). Câu trích nguyên gốc do chuyên gia Trung Quốc Ross Munro tường thuật.
[8] Holmes và Yoshihara, “China and the United States in the Indian Ocean: An Emerging Strategic Triangle?” Naval WarCollege Review (22 June 2008). Từ các bài báo của Ming, “The Indian Navy Energetically Steps toward the High Seas” và “The Malacca Dilemma and the Chinese Navy’s Strategic Choices.”
[9]   Donald B. Freeman, The Straits of Malacca: Gateway or Gauntlet (McGill: QueensUniversity Press, 2003), tr. 77.
[10] MacDonald, Donahue, và Danyluk, “Energy Futures in Asia.”
[11] Trung Quốc cũng đang xây dựng những thiết bị tương tự ở Campuchia trong vịnh Thái Lan và biển Đông. MacDonald, Donahue và Danyluk, “Energy Futures in Asia.”
[12]  Mohan Malik, “Energy Flows and Maritime Rivalries in the Indian Ocean Region,” (Honolulu: Asia-Pacific Center for Security Studies, 2008).
[13] Erickson và Goldstein, “Gunboats for China’s New ‘Grand Canals’?”
[14]  Louise Levathes, When China Ruled the Seas: The Treasury Fleet of the Dragon Throne (New York: Oxford University Press, 1994); Thant Myint-U, The River of Lost Footsteps: A Personal History of Burma (New York: Farrar, Straus and Giroux, 2006), tr. 66.
[15]  Aaron L. Friedberg, The Weary Titan: Britain and the Experience of Relative Decline, 1895-1905 (Princeton: Princeton University Press, 1988).
[16] Fariborz Haghshenass, “Iran’s Asymmetric Naval Warfare” (Washington, D.C.: Washington Institute for Near East Policy, September 2008).