Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

Ảnh hưởng của Islam giáo đối với Inđônêxia thời kì trung đại

Phạm Văn Hổ
(Phân viện Đà Nẵng - Học viện CTQG HCM)
 ImageInđônêxia là đất nước có tỉ lệ người theo Islam giáo chiếm 90% dân số cả nước. Đây là một cộng đồng Islam giáo lớn nhất khu vực và thế giới. So với các tôn giáo khác như ấn Độ giáo, Phật giáo, v.v… quá trình cải đạo theo Islam giáo của cư dân ở đây diễn ra nhanh, rộng, sâu hơn rất nhiều. Quá trình này diễn ra chủ yếu vào thời kì trung đại từ thế kỉ XIII đến thế kỉ XVII, và cho đến hiện nay vẫn còn tiếp diễn ở một số đảo trên quốc đảo rộng lớn này.
Vào thế kỉ XIII, các vương quốc nhỏ ven biển đông Xumatơra như Đơly, Malayu (Giămbi), Péclai, Paxai đã tiếp thu Islam giáo. Sang thế kỉ XIX, Islam giáo lan nhanh sang vùng biển bắc Xumatơra vào Lamuri (Ramni), Xumađra… Từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVII Islam giáo du nhập mạnh mẽ vào Giava (Demac, Giaparan, Turan), vào Mulucca, Ache, Pagiang, Xulavixi… Bản chất của Islam giáo là có tính quần chúng, phổ cập hơn các tôn giáo khác, khi đến Inđônêxia, Islam giáo được xem là một tôn giáo đơn giản, bình đẳng, dễ thích ứng với các điều kiện địa phương, không cản trở các tín ngưỡng cổ xưa. Khi du nhập vào Inđônêxia Islam giáo: “Có xu hướng tha thứ các tập quán và những tín ngưỡng không hợp lệ với luật tục khắt khe của Islam giáo chính thống”(1). Với những ưu điểm đó, Islam giáo không gặp phải sự chống đối của những tôn giáo tín ngưỡng bản địa. Hơn nữa, vào thời điểm Islam giáo du nhập vào, ấn Độ giáo đã suy yếu, khủng hoảng bởi các cuộc đụng đầu, tranh chấp diễn ra giữa các vương quốc, và do sự suy tàn của các vương quốc ấn Độ giáo cũng là yếu tố quan trọng để Islam giáo lan toả nhanh hơn. Islam giáo đến với Inđônêxia chủ yếu do thương nhân theo Islam giáo người ấn Độ đưa vào, nó đã “mềm hoá” nhờ quá trình đồng hoá nhiều lễ  nghi ấn Độ và đặc biệt là bị quá trình “ấn Độ hoá”, chính vì vậy, được dân chúng chấp nhận dễ dàng. Islam giáo du nhập  vào Inđônêxia bằng con đường thương lượng, hoà bình, không phải bằng con đường chiến tranh “thần thánh” để áp đặt tôn giáo như ở một số nơi khác nên được giới cầm quyền cũng như cư dân trên quần đảo niềm nở đón tiếp. Có thể còn có nhiều nguyên nhân khác nữa, nhưng những gì chúng ta tiếp cận được, có nhân tố chủ quan, khách quan đã góp phần làm sáng tỏ vì sao Islam giáo lan nhanh, rộng, sâu vào Inđônêxia.
Quá trình cải đạo theo Islam giáo của đa số cư dân Inđônêxia đã làm thay đổi có tính toàn diện ở quần đảo này, nó tác động trực tiếp, sâu sắc tới đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, tín ngưỡng, ngôn ngữ, văn hoá, giáo dục.
Về phương diện kinh tế, sự xuất hiện của Islam giáo phù hợp với sự phát triển kinh tế thương mại, những thương nhân ấn Độ theo Islam giáo có công lao to lớn trong việc thúc đẩy phát triển thương nghiệp. Những thương nhân ấn Độ theo Islam giáo khi đến quần đảo này mục đích chính không phải để truyền đạo mà là trao đổi buôn bán, làm giàu. Tuy nhiên, để đạt được tham vọng đó, họ đã kết hợp với “truyền đạo”, là cách thức, con đường tốt nhất để xâm nhập vào thế giới thị trường rộng lớn, giàu nguồn nguyên liệu, hương liệu, sản vật quý hiếm. Và trong thực tế, việc cải đạo của cư dân ở đây đã giúp cho việc trao đổi buôn bán dễ dàng, thực sự góp phần quan trọng thúc đẩy buôn bán. Đúng như nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh đã nhận xét rằng, “việc cải đạo sang Islam giáo của Xumađra-Paxai, Bắc Giava, và các vùng khác ở quần đảo Mã Lai đã góp phần thúc đẩy việc buôn bán với phương Tây và sự lớn mạnh của các quốc gia Islam giáo(2). Sự hưng thịnh của các cảng, trung tâm thương mại cũng được tác giả cho biết: là do sự cải đạo sang Islam giáo của các tiểu vương đó. Dưới tác động của các thương nhân ấn Độ theo Islam giáo kinh tế thương mại Inđônêxia phát triển mạnh, trở thành trung tâm trao đổi hàng hoá quốc tế, là nơi bán các sản vật của quần đảo như lương thực, muối, bông, thuốc nhuộm, đồng, chì, thiếc, sắt, đặc biệt là hồ tiêu. Những thương cảng, trung tâm thương mại trao đổi buôn bán như Ramni, Xumađra-Paxai, Demac, Môluca, Gia Paran, Tu Ran, Ban Tan, Ache làm cho Inđônêxia trở thành đại thị trường, một cầu nối quan trọng trong nền mậu dịch Đông Nam á với thế giới. ở đây có mặt thương nhân của nhiều nước như Bồ Đào Nha, Miến Điện, Hà Lan, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kì, Iran… và nhất là người ấn Độ, người Trung Quốc. Trong những thương cảng, trung tâm trao đổi buôn bán nổi tiếng, Xumađra-Paxai và Ache là hai trung tâm sầm uất, phồn thịnh, giàu có nhất. Xumađra- Paxai là hải cảng nằm ở biển bắc Xumatơra, vào thế kỉ XIII, đây là nơi dừng chân cho những thương nhân buôn bán giữa ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, vào giai đoạn sau nó phải chuyển sâu vào trong đất liền đến Paxai để tránh những cuộc tấn công của cướp biển. Quốc gia Islam giáo  Xumađra-Paxai được hình thành từ đó. Vị trí của Xumađra-Paxai được đánh giá rất quan trọng: “Là một trung tâm trao đổi buôn bán quốc tế lớn của khu vực… là trung tâm buôn bán sầm uất của đảo Xumatơra, là nơi thu gom hồ tiêu từ nơi khác tới”(3). Ngoài những mặt hàng xuất khẩu, Xumađra còn là nơi cung cấp những sản phẩm cần thiết không thể thiếu cho các thương nhân từ các nơi khác nhau đến đây, như lương thực, thực phẩm, nước ngọt. Quốc gia Islam giáo  - Trung tâm thương mại Ache xuất hiện muộn hơn Xumađra-Paxai, song thời gian hưng thịnh kéo dài, sầm uất hơn nhiều. Vào thế kỉ XV Ache trở thành trung tâm xuất nhập khẩu quan trọng nhất trong việc buôn bán của người ấn Độ và người theo Islam giáo khu vực Tây á với quần đảo. Bạn hàng đến đây ngày càng đông hơn, ngoài những bạn hàng truyền thống theo Islam giáo còn có thương nhân người Trung Quốc, người phương Tây.
Sự lan toả của Islam giáo, kinh tế thương mại phát triển, đã tác động sâu sắc tới lĩnh vực kinh tế nông nghiệp và bộ mặt đời sống nông thôn. Hồ tiêu, một nguyên liệu quý hiếm, trở thành một mặt hàng xuất khẩu có giá trị, đem lại nhiều lợi nhuận, nên đa số nông dân đã chuyển đổi giống cây trồng sang “chuyên canh” trồng cây hồ tiêu. Và do hồ tiêu do rất giá trị và quý hiếm nên thương nhân các nước không chỉ đến trao đổi buôn bán ở các thành thị, hải cảng mà còn vào vùng nông thôn, nơi trực tiếp sản xuất để trao đổi buôn bán. Vì vậy, quá trình thương mại hoá ở nông thôn cũng được diễn ra, từ đó đời sống của nông dân không ngừng được nâng cao. Khi hồ tiêu trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng, vị trí nông nghiệp được nâng lên, do đó các tiểu quốc đã quan tâm hơn đến những công việc liên quan đến thuỷ lợi phục vụ nhu cầu trồng trọt. Đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông, các tiểu quốc đã chú trọng đến việc làm đường, để thuận tiện việc vận chuyển nông phẩm. Như vậy cùng với sự du nhập Islam giáo một cách rộng rãi các thương nhân đã trao đổi buôn bán, làm giàu trên nguồn hương liệu và ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Inđônêxia, từ nền kinh tế sản xuất nông nghiệp lạc hậu, về cơ bản trở thành một nền kinh tế thương mại phát triển khắp cả nước.
Về chính trị, Islam giáo du nhập vào, Nhà nước-quốc gia Islam giáo ra đời, đứng đầu vừa là vua, vừa là giáo chủ, có quyền lực rất lớn, là người điều hành lãnh đạo đất nước, tôn giáo. Để cai quản đất nước, nhà vua chia quốc gia thành nhiều đơn vị hành chính do các viên chức dưới quyền cai quản.
Trong quan hệ đối ngoại, các quốc gia Islam giáo chú trọng việc mở rộng quan hệ giao hảo, buôn bán với các nước trên thế giới, ngoài những nước là bạn hàng quen thuộc như Thổ Nhĩ Kì, ấn Độ, các nước Tây á, các quốc gia Islam giáo còn mở rộng quan hệ với các nước Châu Âu như: Hà Lan, Anh, Pháp, v.v… Trong bức thư gửi Nữ hoàng Êlidabet nước Anh của Sultan Alandin, Quốc vương Ache đã viết: “Tôi coi người Anh là bạn và đối xử tốt với họ… trong việc buôn bán mọi người Anh đều được phép không phải e dè gì… Những người Anh muốn có sự bảo trợ ở đất nước tôi, tôi sẽ chấp nhận những gì họ muốn”(4). Đây là một trong những bằng chứng thể hiện mối liên hệ khăng khít trong quan hệ bang giao của hai quốc gia. Khi các quốc gia Islam giáo đã đủ mạnh, việc mở rộng lãnh thổ, xâm chiếm thị trường được họ quan tâm. Cuộc chiến tranh giữa Liên minh Islam giáo do vương quốc Islam giáo Ache đứng đầu với người Bồ Đào Nha diễn ra liên tục từ thế kỉ XVI cho đến nửa đầu thế kỉ XVII để tranh giành vùng đất rộng lớn Malắcca là một ví dụ. Kết quả, Liên minh Islam giáo thất bại. Mãi đến khoảng giữa thế kỉ XVII liên minh Ache-Hà Lan phối kết hợp mới đuổi được người Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, sau khi chiếm được Malắcca chính người Hà Lan đã thế chân ở đó.
Về văn hoá xã hội, Islam giáo du nhập vào Inđônêxia đem lại cho nhân dân Inđônêxia thời bấy giờ một cuộc cách mạng về tư tưởng. Họ tin vào Thượng Đế, tượng trưng là Allah, chứ không phải như trước đây họ tin rằng: “Vạn vật hữu linh”, vô số thần thánh, ma quỷ đã chi phối cuộc sống sinh hoạt của con người. Chủ nghĩa đa thần nhường chỗ cho chủ nghĩa độc thần-Thánh Allah tồn tại duy nhất trong tâm thức của mỗi người dân. Tín đồ Islam giáo tuyệt đối tin tưởng vào Allah - Thượng Đế tối cao, tụng niệm 5 lần trong ngày, ăn chay tháng Ramadan, hành hương và bố thí… Tuân theo giáo luật nghiêm ngặt này, đó là sợi dây liên kết các dân tộc khác nhau vào một cộng đồng chung - cộng đồng Islam giáo - cộng đồng Inđônêxia. Tuy nhiên, quá trình Islam giáo hoá Inđônêxia với những nghi thức giản đơn, với tính dễ dung hoà, đặc biệt kết hợp với những tín ngưỡng bản địa, do đó, Islam giáo ở đây có tính mềm mại, không khắt khe như Islam giáo ở các quốc gia khác, chế độ đẳng cấp cũng dần dần bị xoá bỏ, trước Thánh Allah mọi người được xem là bình đẳng, đối với phụ nữ không bị coi là ô uế, không cần chết theo chồng theo lễ Sulti như trước đây. Những thương nhân - nhà truyền đạo có vai trò đem Islam giáo đến khắp quần đảo rộng lớn, góp phần quan trọng làm cho các dân tộc khác nhau ở quần đảo tiếp xúc, giao lưu, hiểu biết về nhau nhiều hơn. Sự phát triển của Islam giáo làm cho quá trình di cư diễn ra dễ dàng hơn, mạnh hơn trong vùng quần đảo, ngôn ngữ Mã Lai cùng với Islam giáo lan toả, trở thành tiếng nói phổ biến cho hầu hết các dân tộc Inđônêxia.
Tóm lại, Islam giáo đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá Inđônêxia. Nó đã chi phối trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, đóng vai trò là sợi dây tín ngưỡng đoàn kết cư dân Inđônêxia vào một cộng đồng thống nhất.
Song song với những tác động có tính tích cực, quá trình Islam giáo du nhập vào Inđônêxia cũng để lại những hậu quả, hạn chế nhất định. Islam giáo tràn vào quần đảo Inđônêxia dẫn đến các cuộc tranh chấp, xung đột lẫn nhau để xây dựng căn cứ, một số quý tộc tự lập các tiểu vương quốc, làm cho Inđônêxia rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng và phân liệt thành hàng loạt nước nhỏ. Mặc dù sau khi du nhập vào Inđônêxia Islam giáo đã được “mềm hoá”, nhưng giáo luật và một số quy định khắc nghiệt của nó ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống tâm lí của người dân. Chính điều này đã được chính quyền phong kiến ở Inđônêxia lợi dụng, sử dụng như một công cụ để cai trị, bắt buộc người dân - tín đồ phải trung thành với giai cấp thống trị, với nền quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền, chấp nhận chế độ chiếm hữu tư nhân, cam chịu sự bóc lột dã man về kinh tế, áp bức hà khắc về chính trị. Trong giáo lí của Islam giáo nêu cao thuyết tiền định để giáo dục người dân tin vào sứ mệnh, để mong điều hoà giai cấp, thủ tiêu tinh thần đấu tranh của quần chúng, chính điều này đã làm cho người dân cam chịu, an phận thủ thường trong một trật tự xã hội mà không dám đấu tranh.
Hiện nay, Islam giáo không được xem là quốc giáo, nhưng vị trí, vai trò của nó trong đời sống xã hội Inđônêxia không hề bị giảm đi mà ngược lại, ngày càng được nâng cao. Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, Inđonêxia là nước đứng đầu về xuất bản các tài liệu về Islam giáo, nhất là tài liệu giáo dục dành cho trẻ em. ở Inđônêxia tín đồ Islam giáo sau khi tốt nghiệp đại học đa số được nắm giữ các chức vụ trọng yếu của đất nước như làm việc trong các bộ nội vụ, tư pháp, ngoại giao, tài chính… Các học giả Islam giáo Inđônêxia tham gia tích cực vào cải cách giáo dục Islam giáo và hài lòng nhận thấy vị trí của người Islam giáo trong nền kinh tế Inđônêxia ở khu vực kinh tế truyền thống cũng như khu vực kinh tế hiện đại ngày càng cao(5)./.
Chú thích:
1. DGC. Hall. Lịch sử Đông Nam á. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1997, tr. 336.
2. Xem: Ngô Văn Doanh. Indonexia – Những chặng đường lịch sử. Nxb. CTQG, Hà Nội 1995, tr. 96.
3. Ngô Văn Doanh. Sđd, tr. 96.
4. Ngô Văn Doanh. Sđd, tr. 101.
5. Xem: Nghiên cứu Đông Nam, Số 4, năm 1992.