Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

Phong trào Không liên kết: chia sẻ tầm nhìn 50 năm tới



TCCSĐT – Từ ngày 25 đến ngày 27-5, tại thủ đô Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a (Jakarta, Indonesia), đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Phong trào Không liên kết lần thứ 16 và Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Phong trào Không liên kết, thu hút trên 600 đại biểu bao gồm bộ trưởng và quan chức cấp cao của 118 nước thành viên và hai nước mới gia nhập là Phi-gi và A-dec-bai-dan; đại diện 28 nước và tổ chức quan sát viên; cùng nhiều khách mời khác. Đoàn đại biểu của Việt Nam do Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu, đã tham dự Hội nghị và Lễ Kỷ niệm.

Phong trào không liên kết (Non-Aligned Movement, gọi tắt là NAM) được thành lập vào tháng 9-1961, tại Bê-ô-grát (Nam Tư cũ) với tôn chỉ mục đích hoạt động là đấu tranh cho quyền tự quyết của các dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, thủ tiêu chủ nghĩa thực dân cũ và thực dân mới, theo năm nguyên tắc chỉ đạo: hoà bình, độc lập, phát triển, không liên kết và không tham gia khối, nhóm quân sự, chính trị nào.
Với bề dày lịch sử 50 năm tồn tại và phát triển, NAM trở thành một phong trào quốc tế ngày càng lớn mạnh, khẳng định vai trò và ảnh hưởng quốc tế sâu rộng trong nỗ lực đấu tranh cho mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Việc kết nạp hai nước Phi-gi và A-déc-bai-dan làm thành viên mới tại hội nghị lần này, đã nâng tổng số thành viên của NAM từ 25 thành viên sáng lập lên 120 thành viên (tổ chức có số thành viên đông thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Liên hợp quốc, chiếm trên 50% dân số thế giới).
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, ý nghĩa của NAM càng trở nên có giá trị hơn, bởi đây là diễn đàn rộng lớn để các nước cùng bàn luận các mục tiêu cao cả về hòa bình, độc lập dân tộc, hợp tác phát triển, tiến bộ và công bằng xã hội, tiến tới xây dựng các quan hệ quốc tế công bằng, lành mạnh, tôn trọng chủ quyền quốc gia, không có sự can thiệp, áp đặt của bên ngoài, dựa trên cơ sở phát huy những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
"Chia sẻ tầm nhìn về các đóng góp của NAM trong 50 năm tiếp theo"
Với chủ đề trên, các đoàn đại biểu đại diện cho các nước thành viên NAM, các nước quan sát viên và các tổ chức quốc tế, đã tổng kết 50 năm hoạt động của NAM và đề ra những định hướng cho NAM trong thời gian tới; đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường vai trò, vị trí của NAM trong việc tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, như khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng tài chính, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, làn sóng di cư và giải trừ quân bị; bảo vệ lợi ích chính đáng của các nước không liên kết đang phát triển, đồng thời thúc đẩy giải quyết hòa bình các cuộc xung đột trên thế giới.
Tổng thống In-đô-nê-xi-a Xu-xi-lô Bam-bang Yu-đô-yô-nô (Susilo Bambang Yudhoyono) đã kêu gọi giải giáp vũ trang hoàn toàn và khuyến khích các nước “giải quyết các tranh chấp, xung đột thông qua đối thoại, đàm phán và các biện pháp hòa bình khác”. Ông Xu-xi-lô tuyên bố, NAM đã thay đổi dòng chảy của lịch sử trong thế kỷ XX và sẽ là lực lượng thúc đẩy ổn định, hòa bình trong những thập niên tới; đồng thời nêu rõ các thách thức mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt đó là: sự mất cân bằng kinh tế, các điểm nóng xung đột, cạnh tranh nguồn tài nguyên, khủng bố, xung đột tôn giáo.
Ông Xu-xi-lô cũng nhấn mạnh, với tiềm lực của 120 nước thành viên như hiện nay, NAM sẽ có sức mạnh to lớn hơn nữa trong việc thúc đẩy hòa bình, công lý và thịnh vượng trên toàn thế giới trong thế kỷ XXI; đồng thời bày tỏ hy vọng, NAM sẽ tiếp tục trở thành một diễn đàn chính sách đối ngoại đa phương để xây dựng tình đoàn kết giữa các nước đang phát triển, bởi hiện tại, gần 60% thành viên của Liên hợp quốc là thành viên của NAM.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun (Ban Ki-Moon) cũng đã gửi thông điệp tới NAM-16, kêu gọi 120 nước thành viên NAM phối hợp với các nước thành viên Liên hợp quốc hành động khẩn cấp để chống các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. Ông Ban Ki-mun nhấn mạnh: việc chống biến đổi khí hậu, xây dựng một thế giới an toàn hơn và xóa đói nghèo là 3 lĩnh vực mà hành động chung giữa Liên hợp quốc và NAM có tầm quan trọng thiết yếu, trong đó, các mối đe dọa xuất phát từ biến đổi khí hậu đang cần có những hành động phối hợp toàn cầu. Các chính phủ cần thực hiện đầy đủ những thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo cấp cao 190 nước đã đạt được tại hội nghị Can-cun về biến đổi khí hậu, bao gồm tài trợ chống biến đổi khí hậu, thích nghi với biến đổi khí hậu, bảo vệ rừng và công nghệ xanh.
 Ông Ban Ki-mun cũng kêu gọi các nước nỗ lực đẩy nhanh cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời khẳng định Liên hợp quốc luôn sẵn sàng hỗ trợ những nỗ lực này, đặc biệt trong các lĩnh vực tiếp cận nguồn năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Ông ca ngợi các nỗ lực của NAM xây dựng một thế giới an toàn hơn thông qua phản ứng nhanh trước các cuộc khủng hoảng đang nổi lên và kêu gọi tăng cường hợp tác toàn cầu để phát triển.
“Tuyên bố chung Kỷ niệm Ba-li” - tăng cường vai trò của NAM  
Kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 16 của NAM, Ngoại trưởng các nước thành viên đã ra “Tuyên bố chung Kỷ niệm Ba-li” để bày tỏ lòng tôn kính đối với những người sáng lập NAM và các cựu lãnh đạo của các quốc gia thành viên; thông qua Văn kiện Hội nghị, Tuyên bố kỷ niệm 50 năm thành lập NAM và Tuyên bố về vấn đề người tỵ nạn Pa-le-xtin (Palestin).
Trong Tuyên bố Ba-li, các ngoại trưởng đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng cường vai trò của NAM như một động lực chính trong giải quyết các vấn đề quốc tế mà các nước thành viên cùng quan tâm. Tuyên bố khẳng định: NAM cần tập trung vào những vấn đề giúp tăng cường đoàn kết, giải quyết các vấn đề toàn cầu bằng việc củng cố hơn nữa quan điểm chung giữa các nước thành viên. Ngoại trưởng các nước thành viên cũng cam kết tăng cường các hoạt động tập thể của NAM, tăng cường vai trò lãnh đạo của phong trào này trong việc bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển.
Tuyên bố chung đưa ra một loạt mục tiêu và nguyên tắc mà NAM sẽ xúc tiến trong tương lai, trong đó có mục tiêu hướng tới một thế giới an toàn hơn, tạo ra một thế giới đa cực, loại bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương được áp đặt lên bất cứ quốc gia thành viên nào của NAM, phản đối mọi hành động nhằm làm thay đổi các chính phủ một cách vi hiến hoặc những âm mưu thay đổi chế độ. Tuyên bố cũng khẳng định sự ủng hộ quyền tự do của nhân dân Pa-le-xtin, phát triển sâu rộng hợp tác Nam - Nam và tăng cường sự phối hợp với Nhóm các nước đang phát triển G-7 và Trung Quốc, đấu tranh chống khủng bố và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Văn kiện dày 127 trang được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 16 của NAM đã phản ánh tầm nhìn và vị thế chung của Phong trào Không liên kết, đồng thời là thông điệp mạnh mẽ của hội nghị khẳng định NAM cần tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực cải cách Liên hợp quốc cũng như hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu. Văn kiện này cùng với Tuyên bố Kỷ niệm 50 năm thành lập NAM, cũng đưa ra các biện pháp giải quyết những thách thức nổi lên trong thế kỷ XXI, đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế trong những vấn đề mà từng quốc gia đơn lẻ không thể tự giải quyết. Dự kiến, Hội nghị Cấp cao lần thứ 16 của NAM sẽ được tổ chức tại thủ đô Tê-hê-ran (Tehran) của I-ran vào năm sau.
Việt Nam với Phong trào không liên kết
Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ với Phong trào Không liên kết. Năm 2009, khi tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 15 của NAM được tổ chức tại Sam En-sếch (Sharm el-Sheikh, Ai Cập), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khẳng định: "Phong trào là một trong những lực lượng hòa bình lớn nhất của thời đại".
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NAM-16, Thứ trưởng Thường trực Phạm Bình Minh đã nêu bật ý nghĩa lịch sử của NAM trong 50 năm qua với vai trò là một tập hợp lực lượng chính trị không thể thiếu của các nước đang phát triển, bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, đoàn kết chống lại các chính sách cường quyền, phấn đấu xây dựng các mối quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các nước thành viên.
Thứ trưởng cho rằng, NAM cần tiếp tục giữ vững các nguyên tắc cơ bản vốn được coi là kim chỉ nam hoạt động trong suốt 50 năm qua, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia. Phong trào cũng cần nâng cao vai trò và tăng cường đoàn kết để chủ động xử lý các thách thức toàn cầu hiện nay, đồng thời thúc đẩy cải tổ Liên hợp quốc, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và tham gia giải quyết các điểm nóng thông qua các biện pháp hòa bình, góp phần tích cực duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, vì sự phát triển bền vững và phồn vinh của các dân tộc. NAM cần có lập trường thống nhất và mạnh mẽ hơn chống lại các hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của các nước dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền hay đơn phương áp đặt các biện pháp bao vây, cấm vận đối với một số nước thành viên của Phong trào.
Thứ trưởng Phạm Bình Minh cũng khẳng định, xuyên suốt sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước 25 năm qua, Việt Nam luôn tích cực tham gia vào các hoạt động của NAM, đồng thời đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng các văn kiện cũng như các khuyến nghị cụ thể nhằm góp phần nâng cao vai trò của Phong trào. Với việc thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ có những đóng góp thiết thực hơn nữa cho các mục tiêu cao cả của NAM, nhằm xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng.
Bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Phạm Bình Minh đã có các cuộc trao đổi với Trưởng đoàn các nước Cu-ba, Vê-nê-xu-ê-la, Lào, Căm-pu-chia, Ấn Độ, Bê-la-rút, Xri Lan-ca, En Xan-va-đo, Cô-lôm-bi-a, Ca-dắc-xtan, Niu Di-lân, Bu-tan, Xlô-vê-ni-a để thảo luận về các nội dung của Hội nghị cũng như các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương./.
 Năm 1955, Việt Nam đã tham dự Hội nghị Á - Phi ở Băng-đung (In-đô-nê-xi-a). Tại hội nghị, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy tình đoàn kết giữa các nước mới giành độc lập, góp phần xác lập những nguyên tắc cơ bản, sau này trở thành các nguyên tắc chỉ đạo cho hoạt động của NAM.
Từ năm 1970 đến năm 1973, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam là quan sát viên tại Hội nghị Giooc-giơ-thao (Georgetown), được tổ chức ở Guy-a-na (năm 1972); và làm thành viên Phong trào tại Hội nghị cấp cao lần thứ 4 được tổ chức tại An-giê-ri (năm  1973).
Năm 1976, nước Việt Nam thống nhất chính thức gia nhập Phong trào tại Hội nghị cấp cao lần thứ năm, được tổ chức tại Cô-lôm-bô, Xri Lan-ca. Từ khi tham gia, Việt Nam đã tham dự tất cả các Hội nghị Cấp cao và Hội nghị Ngoại trưởng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tích cực tăng cường đoàn kết, đề cao vai trò của Phong trào, nỗ lực đấu tranh cho mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
                                                                                               
 
Thanh Thúy tổng hợp
http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Thoi_su_chinh_tri/2011/320/Phong-trao-Khong-lien-ket-chia-se-tam-nhin-50-nam-toi.aspx