Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với những nhiệm vụ chính trị, quân sự trước ngày tổng khởi nghĩa

Đầu năm 1941 tình hình cách mạng thế giới và trong nước ngày một khẩn trương. Tháng 2-1941, Hồ Chí Minh về nước triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng từ ngày 10 đến 19-5-1941 ở Pác Bó (Cao Bằng). Hội nghị quyết định thành lập mặt trận dân tộc thống nhất lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh hội (gọi tắt là Việt Minh). Quyết định xây dựng các tổ chức chính trị sâu rộng trong quần chúng, thành lập căn cứ địa cách mạng, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, tranh thủ thời cơ khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương để mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Sau một thời gian tập hợp và củng cố, ngày 14-2-1941 tại khu rừng Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, Bắc Sơn, đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Trung ương Đảng công nhận, trao nhiệm vụ cứu nước và cờ đỏ sao vàng cho Đội du kích Bắc Sơn. Đội gồm có 32 người, chia làm 3 tiểu đội do 2 đồng chí Lương Văn Tri và Chu Văn Tấn chỉ huy. Cán bộ tiểu đội được chọn trong các đảng viên dũng cảm, tháo vát và khỏe mạnh nhất, còn đội viên là đảng viên hoặc quần chúng cách mạng hăng hái đã từng chiến đấu trong cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn trong đó có nhiều đồng chí là con em các dân tộc Tày, Nùng, Dao và một số là cán bộ ở miền xuôi lên.... Vũ khí của Đội chỉ có 5 súng trường, còn lại là súng kíp và dao găm. Ngay sau khi thành lập, Đội bước vào hoạt động ngay nhằm củng cố phong trào, duy trì sức chiến đấu của quần chúng sau đợt khủng bố của thực dân Pháp. Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào du kích đã từ khu vực Bắc Sơn trung tâm của kháng chiến mở rộng xuống phía Đình Cả (Vũ Nhai) và một số vùng khác. Các tổ chức phản đế và đội tự vệ được phục hồi và phát triển, phong trào học tập quân sự lên khá mạnh, nhiều bản làng, cơ sở của quân du kích trở thành nơi huấn luyện cho du kích và tự vệ. Sau Hội nghị Trung ương 8, Trung ương Đảng cử đồng chí Phùng Chí Kiên - Ủy viên Trung ương về trực tiếp chỉ đạo căn cứ Bắc Sơn - Vũ Nhai. Một số cán bộ và vũ khí được bổ sung cho đội du kích Bắc Sơn. Đồng chí Trường Chinh - Tổng bí thư Đảng đã xuống và trực tiếp phổ biến Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 cho cán bộ, chiến sĩ của đội, đây là đợt học tập đầu tiên về chính sách, đường lối của Đảng trong lực lượng vũ trang cách mạng. Ngay sau đó, đội du kích Bắc Sơn được mang tên “Cứu quốc quân” cho phù hợp với nhiệm vụ mới. Nhằm ngăn chặn sự phát triển của lực lượng cách mạng, thực dân Pháp đã huy động 4.000 quân kéo đến càn quét căn cứ Bắc Sơn - Vũ Nhai hòng tiêu diệt đầu não cách mạng của Đảng, tìm diệt các đội du kích và trấn áp phong trào cách mạng. Trong trận càn quét đó 2 đồng chí Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri bị địch giết hại. Đội du kích cũng bị tổn thất nặng nề về lực lượng, chỉ một số thoát được vòng vây trở về Vũ Nhai tiếp tục xây dựng, củng cố lực lượng.
Chưa đầy 2 tháng sau, ngày 15-11-1941, Trung đội Cứu quốc quân II được thành lập ở Vũ Nhai gồm 47 đồng chí, hầu hết trong số đó là cán bộ và đảng viên thuộc chi bộ Vũ Nhai. Cứu quốc quân II còn ra một tờ báo lấy tên là “Bắc Sơn” để làm tài liệu giáo dục và hướng dẫn cho cán bộ, chiến sĩ. Cứu quốc quân II cùng với Đội du kích Bắc Sơn và Đội du kích Nam Kỳ tích cực tiến hành các hoạt động xây dựng tổ chức, trừng trị bọn phản động, tổ chức đánh đồn bốt và phục kích tiêu diệt địch. Những thắng lợi ban đầu của các đội du kích đã cổ vũ tinh thần chiến đấu, lấy được lòng tin của nhân dân, tập hợp được sức mạnh quần chúng đấu tranh dưới ngọn cờ của Đảng. Trải qua các đợt tuyên truyền và chiến đấu, lực lượng vũ trang cách mạng đã tăng lên nhanh chóng, căn cứ Cao - Bắc - Lạng trở thành trung tâm của kháng chiến, cơ sở cách mạng được mở rộng trên cả nước. Trước tình hình đó, tháng 12-1943, quân Pháp mở một đợt khủng bố trắng lên khu căn cứ Cao - Bắc - Lạng. Để đối phó với địch, Liên khu ủy Cao - Bắc - Lạng đã động viên quần chúng đấu tranh chống địch khủng bố, các đội du kích được phân chia về các làng, bản để chiến đấu, đồng thời tiến hành công tác tuyên truyền giữ vững tinh thần nhân dân. Các tiểu tổ bí mật được thành lập theo quyết định của Liên khu uỷ phát triển rất nhanh và hình thành một mạng lưới bao quanh các làng, bản, vừa chiến đấu vừa tuyên truyền, vận động để tập hợp thêm lực lượng, khi ẩn khi hiện làm cho quân địch hoang mang, rất khó đề phòng. Trong đợt khủng bố lần này, do đã có kinh nghiệm nên các Đội Cứu quốc quân đã biết bảo toàn lực lượng, đồng thời tiếp tục củng cố và phát triển cơ sở chính trị, giữ vững và mở rộng địa bàn hoạt động. Ngày 25-2-1944, Trung đội Cứu quốc quân III được thành lập ở Khuổi Kịch, châu Sơn Dương (Tuyên Quang).
Giữa năm 1944, tình hình thế giới có những chuyển biến mau lẹ. Hồng quân Liên-Xô chuyển sang phản công và giành thắng lợi trên nhiều mặt trận. Tháng 8-1944, Trung ương Đảng ra Lời kêu gọi nhân dân “cầm vũ khí, đuổi thù chung”. Không khí khởi nghĩa sôi sục khắp nơi. Cuối năm 1944, nhân dân vùng Cao - Bắc - Lạng đã sẵn sàng phát động khởi nghĩa. Đúng vào lúc ấy, Hồ Chí Minh về nước sau khi ra khỏi nhà tù của Tưởng Giới Thạch, nhận thấy điều kiện khởi nghĩa chưa chín muồi, Người đã kịp hoãn cuộc khởi nghĩa ở 3 tỉnh. Người nói: “Thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua nhưng thời kì toàn dân khởi nghĩa chưa tới ... Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay, chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới đẩy mạnh phong trào tiến lên”. Trên cơ sở phân tích tình hình các lực vũ trang, du kích và trước nhu cầu của cách mạng. Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với các nội dung sau:
1. Tên: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của Đoàn thể sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những đội du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực. Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cùng phải động viên toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt các đội vũ trang các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.
2. Đối với các đội vũ trang địa phương: đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.
3. Về chiến thuật: vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay đông mai tây, lai vô ảnh, khứ vô tung. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong có những đội đàn em khác.
Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta.
Chỉ thị rất ngắn gọn, súc tích, bao gồm nhiều vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Đảng như: Vấn đề kháng chiến toàn dân, nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, phương châm xây dựng ba thứ quân, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng vũ trang, nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của lực lượng vũ trang.
Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Tại một khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức lãnh đạo và chỉ huy, tuyên bố thành lập Đội và vạch rõ nhiệm vụ của Đội đối với Tổ quốc. Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh Đội đã long trọng tuyên đọc 10 lời thề danh dự, thể hiện lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc, với Đảng, tinh thần chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp cách mạng, kiên quyết tiêu diệt quân thù cướp nước, hết lòng hết dạ phục vụ nhân dân, tinh thần đoàn kết và ý thức tổ chức, kỷ luật cao của một quân đội cách mạng.
Lúc mới thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gồm có 34 người, 31 nam và 3 nữ, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm (tức Trần Văn Kỳ) làm đội trưởng và đồng chí Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên. Chỉ có 34 người với 34 khẩu súng nhưng đây là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm đã được chọn lựa kĩ càng trong các đội du kích Cao - Bắc - Lạng và trong số người đi học quân sự ở nước ngoài về, hầu hết đã trải qua chiến đấu và có kỹ thuật, kinh nghiệm quân sự. Họ là con em của các dân tộc bị áp bức, có lòng yêu nước, chí căm thù giặc rất cao. Tất cả đều mang hận thù với đế quốc như nhà bị đốt, của cải bị tịch thu, người thân bị bắt, bị bắn, còn bản thân hầu hết trải qua lao tù hoặt bị truy nã, đầu bị treo hàng vạn đồng, hàng trăm đấu muối. Nợ nước, thù nhà, oán hờn dân tộc, căm thù giai cấp đã siết chặt họ thành một khối đồng lòng và rắn chắc.
Với sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tại Cao - Bắc - Lạng đã xuất hiện ba hình thức tổ chức của lực lượng vũ trang nhân dân gồm Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, các đội vũ trang ở các châu và đội tự vệ nửa vũ trang ở xã. Chấp hành chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu”, ngay sau ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, giả làm quân địch bất ngờ đột nhập vào đồn Phay Khát (chiều ngày 25-12-1944) và ngay sáng hôm sau đột nhập đồn Nà Ngần cách đó 15 km, tiêu diệt gọn hai đồn địch, giết chết 2 tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính và thu tất cả vũ khí, quân trang, quân dụng. Thực hiện chiến thuật “lai vô ảnh, khứ vô tung”, và để giữ thế hợp pháp cho quần chúng, sau khi thực hiện chu đáo chính sách đối với tù binh, chia chiến lợi phẩm cho nhân dân địa phương, bàn với địa phương cách đối phó khi địch kéo đến. Đội đã bí mật chuyển về căn cứ mới, trong cuộc hành quân một ngày một đêm, mỗi người chỉ ăn một bữa cơm nhưng ai nấy đều tự hào là “ăn một ngày một bữa, đánh một ngày hai trận”. Hai trận đánh Phay Khát và Nà Ngần thắng lợi đã mở đầu truyền thống đánh chắc, thắng chắc của quân đội ta.
Sau chiến thắng Phay Khắt và Nà Ngần, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiến hành chấn chỉnh, cũng cố và phát triển lực lượng. Lúc ấy trong các đội tự vệ và du kích các châu đang có phong trào rầm rộ yêu cầu được đi giải phóng. Những người tình nguyện đều phải qua chọn lựa kỹ càng và những ai được cấp trên chuẩn y đều coi đây là một vinh dự đặc biệt. Chỉ sau một tuần thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã phát triển thành một đại đội gồm ba trung đội. Công tác chính trị trong Đội được chú trọng. Ban công tác chính trị được thành lập do chính trị viên đại đội phụ trách, tập trung tuyên truyền, huấn luyện về đường lối quân sự, cách mạng của Đảng qua mười lời thề danh dự và năm bài huấn luyện về nhiệm vụ đội tuyên truyền. Các tài liệu còn được dịch ra tiếng Nùng, Dao để dạy cho các đồng chí chưa thạo tiếng phổ thông. Công tác chính trị đã chú trọng duy trì đều đặn các buổi sinh hoạt tổ hay toàn đội để động viên tinh thần học tập, công tác, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ giúp đỡ và chăm sóc lẫn nhau. Chấn chỉnh lại quân ngũ, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã ra sức tuyên truyền và vận động quần chúng hiểu để tập trung thêm sức mạnh, đồng thời mở các trận đánh tiêu diệt địch khi đã nắm rõ tình hình và thời cơ.
Đêm ngày 5-2-1945, Đội tổ chức đánh đồn Đồng Mu, tiêu diệt khoảng 20 tên địch và thu nhiều vũ khí, đến ngày 25-2-1945 phục kích đánh địch trên đường từ Nà Ngần đi Ben-le (BelAir) thu được kết quả lớn, bắt sống gần một trung đội cùng với nhiều vũ khí và lương thực. Sau mỗi lần chiến đấu thắng lợi, Đội lại đưa cán bộ và phân phối vũ khí thu được về các châu để xây dựng thêm những trung đội tuyên truyền giải phóng quân mới. Chấp hành chỉ thị “chính trị trọng hơn quân sự”, Đội luôn chú trọng công tác vũ trang tuyên truyền. Đi đến đâu, trước tiên là tuyên truyền đường lối, chính sách của mặt trận sau đó bắt tay vào tổ chức cơ sở chính trị và lực lượng của địa phương. Tiến hành lựa chọn các thanh niên trung kiên để huấn luyện, bồi dưỡng kinh nghiệm rồi giao nhiệm vụ về địa phương hoạt động. Bằng công tác vũ trang tuyên truyền Đội đã tạo nên một khu vực có cơ sở cách mạng rộng khắp nhiều tỉnh phía Bắc làm bàn đạp để tiến về phía Nam. Chỉ với một thời gian ngắn sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đảm đương xuất sắc nhiệm vụ của mình và trưởng thành nhanh chóng. Những thắng lợi đầu tiên về chính trị và quân sự đã góp phần tích cực vào việc củng cố và mở rộng khu căn cứ Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, động viên và cổ vũ nhân dân tin tưởng vào tương lai của cách mạng.
Đầu năm 1945, tình hình quốc tế có nhiều biến động và tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Cuộc chiến tranh chống phát-xít bước sang giai đoạn mới, Hồng quân Liên-Xô liên tiếp giành thắng lợi và tiến đánh Beclin, đầu não của chủ nghĩa phát-xít, nhân dân nhiều nước châu Âu, châu Á vùng dậy. Ở trong nước, ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp hòng độc chiếm và cai trị Đông Dương, nhân dân ta bắt đầu một thời kì mới - thời kì cao trào chống Nhật cứu nước. Thời cơ đã đến, Đảng và nhân dân gấp rút chuẩn bị cho sứ mệnh cách mạng giải phóng dân tộc, giải thoát nhân dân khỏi ách áp bức, bóc lột, giành độc lập và tự do cho Tổ quốc.
Quá trình hình thành của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay và những nhiệm vụ về chính trị, quân sự đầu tiên được tiến hành trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trước ngày Tổng khởi nghĩa đã cho thấy sự sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhiệm vụ xây dựng đội quân vũ trang cách mạng. Chúng ta vô cùng tự hào với chặng đường vẻ vang 66 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, không ngừng trưởng thành về mọi mặt để đánh thắng kẻ thù xâm lược trước đây cũng như trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.                                                    
Phạm Ngọc,Khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Huế
http://www.xaydungdang.org.vn/Home/Lyluan-Thuctien-Kinhnghiem/2010/3193/Viet-Nam-tuyen-truyen-giai-phong-quan-voi-nhung-nhiem-vu-chinh.aspx