Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

Ngoại giao văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Trong hoạt động ngoại giao, không thể không kể tới vai trò của ngoại giao văn hóa, được coi là một trong ba trụ cột của ngoại giao Việt Nam cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế. Nhiệm vụ đặt ra cho ngoại giao văn hóa là giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Ngoại giao văn hóa có vai trò hết sức quan trọng vì nó vừa là nền tảng tinh thần, vừa là biện pháp và mục tiêu của chính sách đối ngoại Việt Nam, bổ trợ hữu hiệu cho các trụ cột ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế tạo thành một chỉnh thể chính sách đối ngoại. Sự trân trọng các giá trị văn hóa trong công tác ngoại giao trở thành nhịp cầu nối để vượt qua những khác biệt, đưa các dân tộc xích lại gần nhau, và cùng chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Ngoại giao
Các tác giả Từ điển ngoại giao Liên Xô đã đưa ra một khái niệm khá đầy đủ, toàn diện và khoa học: "Ngoại giao là công cụ thực hiện chính sách đối ngoại của quốc gia; là tổng thể những biện pháp phi quân sự; nhiều phương pháp thủ thuật được sử dụng có tính đến điều kiện cụ thể và đặc điểm của yêu cầu nhiệm vụ; là hoạt động chính thức của người đứng đầu nhà nước, chính phủ, bộ ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, các đoàn đại biểu tại các hội nghị quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ chính sách đối ngoại của quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia, pháp nhân và công dân nước mình ở nước ngoài. Đồng thời ngoại giao là nghệ thuật đàm phán nhằm ngăn chặn, hoặc dàn xếp những xung đột quốc tế, tìm cách thỏa hiệp và những giải pháp có thể được các bên chấp nhận, cũng như mở rộng và củng cố hợp tác quốc tế"(1).
Những phương pháp ngoại giao chủ yếu thông dụng nhất trong thực tế là trao đổi đại diện, thư tín, văn kiện ngoại giao, thăm viếng lẫn nhau; tham dự các cuộc họp, các cuộc gặp gỡ song phương, đa phương; hoạt động tại các tổ chức quốc tế; đàm phán, ký kết điều ước quốc tế song phương, đa phương...
Về khái niệm văn hóa, người đầu tiên đưa thuật ngữ culture vào trong khoa học là nhà pháp luật học người Đức S.Pupendoor. Ông sử dụng thuật ngữ này để chỉ toàn bộ những gì do con người sáng tạo ra khác với những sản phẩm trong thế giới tự nhiên, tựa như con người được giáo dục khác với con người không được giáo dục.
Trên thế giới hiện nay có hàng trăm định nghĩa khác nhau về văn hóa. Tại sao lại có hiện trạng như vậy.
Phải chăng do văn hóa là lĩnh vực gắn liền với xã hội (kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao...), vì vậy mỗi sự thay đổi của nó dẫn đến sự khác nhau về văn hóa; do văn hóa gắn liền với con người mà con người ở mỗi thời đại lịch sử khác nhau, ở mỗi dân tộc khác nhau có những cái nhìn khác nhau về văn hóa...
Từ các quan điểm về văn hóa, chúng ta có thể hiểu bản chất của văn hóa bao gồm toàn bộ hoạt động sáng tạo của con người sản sinh ra các giá trị vật chất và giá trị tinh thần (không có văn hóa nằm ngoài con người) và nói đến văn hóa phải nói đến dân tộc, một dân tộc tồn tại nhờ có văn hóa, mất văn hóa tức là mất dân tộc. Và văn hóa mang tính nhân loại, vì văn hóa là sáng tạo của con người mà nhu cầu cơ bản của con người là giống nhau, chính vì thế mà chúng ta mới có thể xem phim Mỹ, đọc thơ Puskin... Vì vậy đây là cơ sở để giao lưu văn hóa giữa các dân tộc.
Một trong những bản chất của văn hóa là có tính giao lưu và tiếp xúc. Các nền văn hóa dân tộc tiếp xúc, ảnh hưởng lẫn nhau làm phong phú cho nhau và có thể làm tổn hại cho nhau nếu như không có nội lực.
Giao lưu văn hóa làm phong phú đa dạng nền văn hóa của các dân tộc, tạo điều kiện cho văn hóa dân tộc được phát huy ra bên ngoài.
Để giao lưu văn hóa được tiến hành tốt, chúng ta cần phát huy nội lực trong bảo tồn, tôn tạo, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, coi đó là nền tảng, là cơ sở để mở rộng giao lưu với văn hóa bên ngoài; mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Văn hóa ngoại giao là sự biểu lộ các giá trị văn hóa Việt Nam đã thấm sâu vào tư tưởng, trí tuệ, phong cách của các tổ chức và các cá nhân làm công tác ngoại giao, kể cả ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân.
Các giá trị văn hóa Việt Nam và môi trường văn hóa tốt đẹp là nguồn gốc tạo ra và phát triển đội ngũ cán bộ ngoại giao có tài năng, có bản lĩnh chính trị, hiểu sâu về văn hóa Việt Nam và văn hóa thế giới, nắm vững chính sách đối ngoại, giỏi về kỹ năng chuyên môn, nhuần nhuyễn về nghệ thuật ứng biến, xử trí trong quan hệ xã hội, đặc biệt trong giao dịch quốc tế. Tất cả những điều đó tạo lên phong thái ngoại giao. Những con người làm ngoại giao, đối ngoại thấm đậm văn hóa ngoại giao, phong thái ngoại giao là thực lực, điều kiện cơ bản của ngoại giao văn hóa. Hàm lượng văn hóa trong hoạt động ngoại giao cao hay thấp là thước đo chất lượng ngoại giao văn hóa.
Văn hóa ngoại giao thiên về cách ứng xử có trình độ cao, biểu hiện văn minh, đồng thời thể hiện thuần phong mỹ tục. Đó là một yêu cầu trước hết đối với cán bộ ngoại giao trong ngoại giao văn hóa.
Nội hàm của ngoại giao văn hóa rất rộng.
Các cường quốc triển khai ngoại giao văn hóa với mục tiêu hàng đầu là mở rộng ảnh hưởng và thể hiện vị thế cường quốc của mình trên thế giới. Ví dụ, Mỹ mở rộng những giá trị về dân chủ và nhân quyền ra bên ngoài nhằm tạo lập sự thống trị và ảnh hưởng rộng khắp trên thế giới. Trung Quốc xác định văn hóa là một cấu phần của sức mạnh quốc gia để vươn ra bên ngoài, thiết lập hàng trăm viện Khổng giáo giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa tại khắp các châu lục. Pháp chủ trương mở rộng không gian văn hóa Pháp ra bên ngoài thông qua việc truyền bá văn hóa, ngôn ngữ Pháp.
Các nước bậc trung có xu hướng coi trọng như nhau mục tiêu tăng cường ảnh hưởng và phát triển thông qua ngoại giao văn hóa. ấn Độ thông qua văn hóa để vừa thể hiện giá trị văn hóa lâu đời vừa kết hợp với ngoại giao kinh tế. Hàn Quốc coi TK XXI là thế kỷ của văn hóa, vừa sử dụng ngoại giao văn hóa để vươn ảnh hưởng lên tầm toàn cầu, vừa khai thác ngành công nghiệp văn hóa và khai thông, thúc đẩy hợp tác chính trị kinh tế. Mêxico sử dụng văn hóa để nâng cao ảnh hưởng trong khu vực phát triển kinh tế (công nghiệp văn hóa đóng góp 6,7 GDP quốc gia, khoảng 55 tỷ, đứng sau dầu lửa và công nghiệp).
Các nước nhỏ lấy mục tiêu phát triển làm trọng tâm trong triển khai ngoại giao văn hóa. Các nước này có xu hướng gắn việc quảng bá văn hóa với phát triển du lịch, nổi bật là Singgapo thường tiếp thu văn hóa, văn minh bên ngoài để làm giàu bản sắc văn hóa bản địa.
ở nước ta, ngoại giao văn hóa đã được kết tinh trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Có thể thấy chất văn hóa trong tư tưởng ngoại giao cốt lõi của cha ông ta thể hiện chủ yếu ở tinh thần hòa hiếu, trong đó nổi bật là tư tưởng ngoại giao thêm bạn bớt thù, văn hóa ứng xử và giao tiếp đối ngoại mang đậm chất nhân văn Hồ Chí Minh...
Ngoại giao văn hóa có thể hiểu là việc vận dụng văn hóa để làm tốt công tác ngoại giao, và sử dụng ngoại giao để tôn vinh văn hóa.
Ngoại giao văn hóa là một lĩnh vực hay hình thức ngoại giao thông qua công cụ văn hóa để thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại nhằm đạt dược các mục tiêu lợi ích cơ bản của quốc gia là phát triển, an ninh và mở rộng ảnh hưởng quốc tế.
Ngoại giao văn hóa là một hoạt động đối ngoại, được nhà nước tổ chức, ủng hộ hoặc bảo trợ. Hoạt động này được triển khai trong một khoảng thời gian nhất định, nhằm đạt được những mục tiêu chính trị, đối ngoại được xác định, bằng các hình thức văn hóa như: nghệ thuật, lịch sử, tư tưởng, truyền thống, ẩm thực, phim, ấn phẩm, văn học... Không nhằm lợi nhuận, ngoại giao văn hóa quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của đất nước, dân tộc. Mục tiêu của ngoại giao văn hóa là góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế và phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Cùng ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột của ngoại giao Việt Nam.
Trong quan hệ quốc tế không phải chỉ sức mạnh quân sự hay kinh tế mới có thể tạo nên vị thế quốc gia mà sức mạnh của mỗi quốc gia sẽ được xác định bằng nhiều nhân tố, trong đó có vai trò của văn hóa, một trong những công cụ để thực hiện quyền lực mềm. Có thể nói, các quốc gia đều vận dụng ngoại giao văn hóa như một công cụ hữu hiệu để khẳng định hình ảnh của đất nước mình trong cộng đồng quốc tế. Ví dụ, sự kiện tháng 2-2008, khi Dàn nhạc giao hưởng New York tới trình diễn tại thủ đô Bình Nhưỡng của CHDCND Triều Tiên, những pano, áp phích chống Mỹ trên đường phố đã được dỡ bỏ. Người dân Triều Tiên đã tạm quên đi những bất đồng, căng thẳng giữa hai nước, nồng nhiệt đón chào các nghệ sĩ Mỹ bằng những điệu múa và màn đánh trống truyền thống. Chương trình biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng New York đã sưởi ấm mối quan hệ đang khủng hoảng giữa hai nước để hướng tới sự hàn gắn và cải thiện. Đây chỉ là một sự kiện trong “sứ mệnh” của dàn nhạc Giao hưởng New York, vốn đảm trách việc “phá băng” những mối quan hệ không thân thiện với Mỹ. Rõ ràng văn hóa có thể làm nên rất nhiều điều kỳ diệu.
Trong hoạt động chính trị, ngoại giao văn hóa là một công cụ quan trọng để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, là chất keo dính làm bền chặt quan hệ chính trị với các nước. Ngoại giao văn hóa góp phần củng cố quan hệ chính trị tốt đẹp với các nước đối tác, từ đó góp phần vào hòa bình, ổn định và nâng cao vị thế của của đất nước; quảng bá đất nước Việt Nam tươi đẹp, giàu tiềm năng phát triển, con người Việt Nam thân thiện, giàu lòng mến khách, từ đó tranh thủ thiện cảm của thế giới đối với Việt Nam và đấu tranh chống lại những âm mưu chống phá của các lực lượng cơ hội chính trị; kết nối kiều bào ở nước ngoài hướng về quê hương đất nước và đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước, từ đó xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc.
Ngoại giao văn hóa ngày nay còn là việc lồng ghép các hoạt động văn hóa trong các chuyến thăm cấp cao, ví dụ Nhật Hoàng đã đánh giá cao khi xem chương trình Nhã nhạc cung đình Huế trong hoạt động nhân chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 11-2007), sự nhìn nhận tích cực của truyền thông Anh về Việt Nam sau chương trình Duyên dáng Việt Nam 20 trong chuyến thăm chính thức Anh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 3-2008), tổ chức các ngày văn hóa, các hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam tại các nước…
Trong hoạt động kinh tế, ngoại giao văn hóa có thể có những cách thức đóng góp khác nhau tuy thầm lặng nhưng không kém phần hiệu quả cho sự phát triển của đất nước. Đó là thông qua mối quan hệ chính trị bền chặt với các đối tác quan trọng mà ngoại giao văn hóa góp phần tạo dựng nhiều cơ hội hợp tác kinh tế giữa ta với các đối tác. Hoạt động ngoại giao văn hóa như quảng bá hình ảnh đất nước đã thu hút được số lượng lớn khách du lịch và củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư tại Việt Nam ví dụ như cuộc thi bắn pháo Hoa Quốc tế tại Đà Nẵng, cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ tại Khánh Hòa, Cuộc thi Hoa hậu Quý bà tại Vũng Tàu…
Ngoại giao văn hóa đã và đang trở thành một trụ cột hữu hiệu của ngoại giao Việt Nam hiện đại cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế trong mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ, bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Trong đó ngoại giao văn hóa tạo nền tảng tinh thần làm bền chặt quan hệ chính trị và kinh tế. Ngoại giao kinh tế tạo tạo cơ sở vật chất để củng cố và làm sâu sắc ngoại giao văn hóa, ngoại giao chính trị. Ba trụ cột này tạo ra sức mạnh cộng hưởng cho ngoại giao Việt Nam, góp phần tạo dựng và phát triển các mối quan hệ đối ngoại theo hướng ổn định, bền vững và hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc XHCH, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với vai trò là một trụ cột của ngoại giao Việt Nam, ngoại giao văn hóa có những nội dung chủ yếu sau: Xây dựng sự hiểu biết và chấp nhận lẫn nhau giữa nước ta với các nước qua đó tăng cường hòa bình, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển; Quảng bá hình ảnh và thương hiệu đất nước, con người và bản sắc dân tộc Việt Nam, làm cho thế giới hiểu biết đúng về Việt Nam, có thiện cảm và ủng hộ Việt Nam. Nói cách khác là đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam; Làm nền tảng tinh thần cho việc triển khai nền ngoại giao mở rộng, tranh thủ sự hợp tác rộng rãi hơn trên các lĩnh vực khác nhất là kinh tế. Nhằm phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam; Khơi dậy và củng cố lòng yêu nước của người Việt Nam ở trong và ngoài nước; Thông qua giao lưu văn hóa tiếp thu những tinh hoa của văn hóa nhân loại để làm phong phú hơn, tiến bộ hơn nền văn hóa dân tộc, đồng thời vẫn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp đã được hun đúc lên qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Những nội dung ấy được thực hiện thông qua tuyên truyền đối ngoại; qua giao lưu, trao đổi đoàn văn hóa, nghệ thuật; xây dựng các cơ sở, công trình văn hóa, lịch sử Việt Nam ở nước ngoài; hợp tác với nước ngoài tổ chức chung các sự kiện văn hóa; tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa, tham gia các hoạt động liên ngành về văn hóa, tham gia các cơ chế hợp tác quốc tế về văn hóa, nghệ thuật; các hoạt động văn hóa đối ngoại ở trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài,... tuần, ngày Việt Nam ở nước ngoài...
Để làm tốt công tác ngoại giao trong bối cảnh mới cần quan tâm một số vấn đề sau.
Kết hợp nhuần nhuyễn bản sắc văn hóa dân tộc với sự đa dạng của văn hóa thế giới, giữa tính truyền thống và tính hiện đại. Bản sắc văn hóa Việt Nam có nhiều nét độc đáo, vấn đề đặt ra là phải biết chọn lọc những gì là điển hình nhất, tinh túy nhất để giới thiệu với thế giới. Mặt khác không thể chuyển tải một cách máy móc những giá trị đó ra nước ngoài, không tính đến những chiều hướng phát triển hiện đại của văn hóa thế giới, bản sắc văn hóa của các nước, những nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân các nước.
Kết hợp thế mạnh và nỗ lực của mọi ngành, mọi địa phương, mọi thành phần kinh tế và của cả cộng đồng người Việt thành sức mạnh tổng hợp trong việc triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa. Hơn thế mỗi người dân Việt Nam dù sống ở trong nước hay nước ngoài đều là sứ giả của nền văn hóa Việt Nam, nếu họ hành xử không có văn hóa thì có thể xóa toàn bộ những cố gắng của chúng ta.
Đa dạng hóa chủ thể và phương thức làm công tác ngoại giao văn hóa. Ngày nay các chủ thể chuyển tải các giá trị văn hóa được mở rộng hơn nhiều không chỉ các cơ quan nhà nước mà kể cả các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân, các cá nhân người Việt Nam ở trong và ngoài nước đều có thể làm được việc này. Các đối tượng mà chúng ta hướng tới rộng lớn và đa dạng hơn nhiều, với phương châm Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Bên cạnh đó các nhà doanh nghiệp, các khách du lịch vào thăm Việt Nam, cộng đồng người Việt ở nước ngoài đều là những đối tượng ta cần quan tâm.
Đầu tư thích đáng từ nhiều nguồn, tiến hành có trọng tâm trọng điểm về nội dung, hình thức, địa bàn, đối tượng, chú trọng tính hiệu quả thiết thực. Không thể làm tốt công tác ngoại giao văn hóa nếu không đầu tư thích đáng. Tuy nhiên, khác với kinh tế có thể thu hồi vốn ngay nhưng văn hóa sẽ thu hồi vốn dưới dạng vô hình, do đó phải chấp nhận sự đầu tư tốn kém, kiên trì, lâu dài không nên nóng vội. Trong các nguồn lực thì nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo.
Gắn kết chặt chẽ ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Cụ thể các hoạt động ngoại giao văn hóa cần được tiến hành trong sự liên kết với các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, vận tải... Và những hoạt động ngoại giao văn hóa có thể đem lại hiệu quả nhiều hơn nếu gắn kết với các sự kiện chính trị.
Phát triển ngoại giao văn hóa trên cơ sở tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; giáo dục, nâng cao ý thức của mọi người dân. Làm ngoại giao văn hóa rất khó trong khi đó cán bộ ngoại giao thường không thông thạo về văn hóa, ngược lại cán bộ văn hóa lại ít biết về ngoại giao. Cần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ ngoại giao giỏi ngoại ngữ và chuyên môn, chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng, bổ sung những mặt còn thiếu để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Và mỗi người dân Việt Nam là một sứ giả của nền văn hóa Việt Nam, nếu không quan tâm giáo dục, bồi dưỡng ý thức người dân ở trong nước và ở nước ngoài thì hiệu quả truyền bá các giá trị văn hóa dân tộc sẽ bị hạn chế.
Năm 2010 là năm của nhiều sự kiện quan trọng đối với đất nước nói chung và đối ngoại nói riêng, nhiệm vụ của ngoại giao văn hóa là quảng bá mạnh mẽ hơn nữa hình ảnh Việt Nam, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu chung, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế


_______________
1. Từ điển ngoại giao, Nxb Khoa học, Matxcơva 1984, tập 1, tr.237 (tiếng Nga).
2. Tạp chí Thông tin của UNESCO, tháng 11-1998, tr.5.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.431.


Nguồn: Tạp chí VHNT số 311, tháng 5-2010
Tác giả: Nguyễn Thị Thùy Yên