Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý TRONG QUÁ TRÌNH DẠY - HỌC MÔN LỊCH SỬ LỚP 12


MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý
TRONG QUÁ TRÌNH DẠY - HỌC MÔN LỊCH SỬ LỚP 12
(CHƯƠNG TRÌNH CHUẨN)
(Dùng cho GV-HS giáo dục Trung học phổ thông)





 
                                                                                                                 
Võ Minh Tập
Giáo viên THPT, Tp.Hồ Chí Minh

I. SÁCH GIÁO KHOA LỚP 12 HIỆN NAY.
Nội dung chương trình gồm hai phần lớn: Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam.
1. Phần Lịch sử thế giới:
- Về thời gian: tập trung nghiên cứu lịch sử thế giới hiện đại tiếp theo chương trình lớp 11  là từ năm (1945 – 2000) là 55 năm.
- Về không gian: hầu hết các châu lục, khu vực và các nước trên thế giới.
- Về phạm vi nghiên cứu: Quan hệ quốc tế; Phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới; Các tổ chức khu vực và thế giới; Hệ thống các nước tư bản hiện đại và các nước xã hội chủ nghĩa....
2. Phần lịch sử Việt Nam:
- Về thời gian: từ năm (1919 – 2000) là 81 năm thuộc phần lịch sử Việt Nam Cận và Hiện đại.
- Về phạm vi nghiên cứu: chủ yếu là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc (cách mạng dân tộc DCND và cách mạng XHCN) chống chủ nghĩa thực dân cũ (Pháp) và chủ nghĩa thực dân mới (Đế quốc Mỹ) dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam nhằm giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước...
Như vậy, SGK Lịch sử lớp 12, nội dung chương trình rất gần với chúng ta. Tuy nhiên, nó chứa đựng nhiều nội dung phong phú nhưng khá phức tạp, có những nội dung mang tính nhạy cảm. Mối quan hệ giữ lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc luôn gắn bó, ảnh hưởng lẫn nhau nên trong quá trình giảng dạy và học tập giáo viên phải hướng dẫn cho HS những nội dung phong phú, phức tạp và nhạy cảm, tác động của lịch sử thế giới đối với lịch sử dân tộc và ngược lại là vấn đề cần thiết và tuân thủ.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ GIÁO VIÊN CẦN LƯU Ý
1. Phần nội dung trong SGK và phương pháp dạy học
Như trên đã đề cập, nội dung chương trình rất phức tạp, đa dạng và có phần mang tính nhạy cảm.
- Giáo viên phải chủ động chú ý đến những vấn đề trọng tâm, lướt qua những nội dung không quan trọng, nhất là những vấn đề nhạy cảm (đặt biệt là phần lịch sử thế giới như cải tổ ở Liên xô và Đông Âu, Trung Quốc…)
- Không dạy ôm đồm, nhồi nhét, áp đặt kiến thức mà phải khai thác những nội dung trọng tâm, ngắn gọn, súc tích, chủ trương dạy “đủ”, cung cấp cho HS những kiến thức cơ bản nhất.
- Khai thác triệt để hình ảnh, lược đồ, phim ảnh ở trong SGK và internet…trong quá trình giảng dạy nhằm tạo hứng thú, phát huy tính tích cực cho HS.
- Tổ chức dạy học nêu vấn đề, dạy học theo nhóm, truyết trình, khả năng tự học cho HS.
- Tổ chức ôn tập hiểu quả theo bài, chương, một thời kì hay một giai đoạn… theo kiểu hệ thống hóa kiến thức.
- Hướng dẫn cách đọc SGK, tài liệu, cách ôn tập, ghi nhớ sự kiến lịch sử, phương pháp học tập và ôn thi có hiệu quả.
2. Về kiểm tra, đánh giá kết quả HS.
Để đảm bảo cho kì thi cuối cấp (thi học kì, thi tốt nghiệp…) được tốt, giáo viên phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Kiểm tra thường xuyên nội dung các kiến thức đã học bằng hình thức như kiểm tra miệng, kiểm tra 5 phút, 10 phút…cá nhân HS hay tập thể HS hay theo phản ứng dây chuyền. Các hình thức này đảm bảo kiểm tra được nhiều em trên một đơn vị kiến thức, rút ngắn được thời gian. Điểm được tính theo thể lệ Trung bình cộng.
- Nội dung kiểm tra phải bám sát kiến thức cơ bản cả “phần sử” lẫn “phần luận”.
- Bài kiểm tra 1 tiết (45 phút), kiểm tra học kì (60 phút)…phải đảm bảo cấu trúc đề thi hợp lý, phù hợp với hình thức và nội dung thi tốt nghiệp của Bộ giáo dục và Đào tạo.
III. HỌC SINH CẦN LƯU Ý MỘT SỐ VẤN ĐỀ SAU
Trong quá trình ôn tập môn lịch sử ở bậc THPT, học sinh cần chú ý một số điểm như sau:
·          Mỗi sự kiện hoặc quá trình lịch sử đều gắn với một hoàn cảnh nhất định, tức là nó chịu sự chi phối của những điều kiện cụ thể.
·          Các sự kiện, các khía cạnh của mỗi sự kiện hoặc quá trình lịch sử không diễn ra độc lập bên cạnh nhau, hoặc kế tiếp nhau, mà có liên quan với nhau trong không gian và thời gian nhất định.
·          Một sự kiện lịch sử có thể diễn ra trong một thời điểm, nhưng cũng có thể diễn ra trong một khoảng thời gian dài, được trình bày trong những bài khác nhau của SGK.
·          Mỗi sự kiện lịch sử đều có nguyên nhân, nội dung, kết quả, ý nghĩa riêng. Có sự kiện bao gồm nội dung, nhưng cũng có những nội dung bao gồm nhiều sự kiện.
1. HS cần ôn tập như thế nào?
Hiểu biết, khám phá và sáng tạo là phong cách học lịch sử. Khi ôn tập môn lịch sử, các bạn phải luôn tự đặt và trả lời ba loại câu hỏi cơ bản:
- “… như thế nào?” (trình bày, nêu, khái quát, tóm tắt)
- “Tại sao?” (giải thích)
- “Phân tích” (vừa trình bày, vừa giải thích, chứng minh, so sánh, đánh giá, phê phán)
Học sinh cần nói lại, hoặc viết ra giấy nội dung trả lời, không nên chỉ hình dung đại khái trong đầu. Khi viết, không được sử dụng tài liệu. Sau khi viết cần so sánh với các tài liệu để bổ sung những chỗ sai sót. Nếu sai sót nhiều thi cần học lại và viết lại.
Điều đáng chú ý là học sinh không bắt buộc phải trình bày mọi vấn đề lịch sử một cách máy móc, giống từng câu, từng chữ như SGK, mà có thể thay đổi câu chữ và bố cục, miễn là đảm bảo đúng nội dung. Mặt khác, có thể trình bày cả những kiến thức không có trong SGK.
+ Cần học đủ nội dung chương trình. Nội dung đề thi học kì và thi tốt nghiệp được bám sát cụ thể trong SGK và đề thi có thể rơi vào bất kỳ nội dung nào trong SGK. 
+ Phải hiểu được kiến thức cơ bản. Kiến thức cơ bản (bao gồm những sự kiện, nhân vật, thuật ngữ, khái niệm...) cần được phân biệt với kiến thức không cơ bản. Làm được điều này sẽ tránh được lối học nhồi nhét, ôm đồm mà không hiểu. Đã có lần đề thi yêu cầu trình bày "những chiến thắng lớn" hay "những sự kiện lịch sử tiêu biểu", tức là phải chọn lọc kiến thức, nhưng rất nhiều thí sinh nhớ gì viết nấy theo tinh thần "thừa hơn thiếu" mà không có sự phân biệt nào. Như thế thì mất thêm thời gian; nhiều khi cái đáng viết thì không viết (và ngược lại). 
+ Phải nhớ được những nội dung đã học. Nhớ theo cách học thuộc từng câu, từng chữ thì rất vất vả, mau quên mà ít hiệu quả. Vì vậy, nên chuẩn bị đề cương và tập "nói" theo đề cương đó... Nếu có thêm bạn cùng trao đổi thì tốt hơn. Khi học cần lưu ý:  
- So sánh những câu có nội dung dễ nhầm lẫn với nhau. Ví dụ: Khi học nội dung Cương lĩnh tháng 2.1930 của Đảng Cộng sản Việt Nam, so sánh luôn với Luận cương tháng 10.1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương, sẽ thấy sự khác nhau chủ yếu ở nhiệm vụ và sự sắp xếp lực lượng cách mạng; so sánh nội dung Hội nghị Trung ương 6 (11.1939) và Hội nghị Trung ương 8 (5.1941); chiến dịch Việt Bắc (1947) với chiến dịch Biên giới (1950); Hiệp định Genève (1954) và Hiệp định Paris (1973)... 
Một số thủ thuật ghi nhớ là các em có thể lấy ngày sinh, hay những kỹ niệm quan trọng của mình để làm móc ghi nhớ sự kiện lịch sử. Cũng có thể lấy những sự kiện lịch sử thế giới đã nhớ làm mốc để nhớ sự kiện lịch sử của dân tộc và ngược lại. Ghi nhớ bằng việc thống kê lại những sự kiện trong cùng một thời kỳ hay một giai đoạn có, ngày, tháng giống nhau, hay số cuối cùng của năm giống nhau, những sự kiện diễn ra trên cùng một địa phương... và suy nghĩ sáng tạo ra những cách nhớ mới cho riêng mình.
Sau khi đã đi từ việc ghi nhớ các sự kiện cụ thể, chúng ta phải tìm cách ghi nhớ theo hướng ngược lại là đi từ hệ thống khái quát trở về cụ thể bằng việc xem lại mục lục của sách giáo khoa xem trong chương trình đã học có bao nhiêu chương (hay giai đoạn lịch sử), nội dung xuyên suốt của mỗi giai đoạn là gì, sự kiện nào thể hiện tiêu biểu cho nội dung đó. Công đoạn này giúp các em nắm một cách bao quát những nội dung và giai đoạn lịch sử trách được viện lẫn lộn các giai đoạn và sự kiện lịch sử với nhau. Ngoài ra trong quá trình học các em cũng có thể tự mình lập ra các bảng, biểu, sơ đồ... để ghi nhớ được tốt hơn. Trong quá trình học tập nếu thấy có một số khái niệm thuật ngữ chưa hiểu thì hỏi ngay thầy cô giáo để hiểu sâu hơn những vấn đề lịch sử.
- Phát hiện bố cục SGK và học theo bố cục của SGK: Nội dung SGK thường viết theo một trật tự nhất định. Ví dụ, ý nghĩa thắng lợi của một cuộc cách mạng hay một cuộc kháng chiến thường được trình bày theo 2 ý lớn: một là, đối với dân tộc (gồm 2 ý nhỏ là thắng lợi đó kết thúc cái gì và mở ra cái gì) và hai là, đối với quốc tế (cũng gồm 2 ý nhỏ là đối với các lực lượng cách mạng và đối với các lực lượng phản cách mạng). Phát hiện sự so sánh này các em rất dễ nhớ sau khi đã học.  
 - Khi học diễn biến các chiến dịch, cần sử dụng lược đồ. Dễ dàng tái hiện các cánh quân dù, quân bộ, quân thủy, đường 4, sông Lô của chiến dịch Việt Bắc 1947. Tương tự như thế, các em sẽ nhớ ngay được hành lang Đông - Tây; đường 4 với các cứ điểm Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê... án ngữ biên giới Việt Trung trong chiến dịch Biên giới 1950. 

2. Mấy điểm cần lưu ý về kĩ năng làm bài

a- Phân tích câu hỏi trong đề thi
Phải đọc hết và hiểu chính xác từng chữ trong câu hỏi. Trong đề thi, một câu hỏi chặt chẽ sẽ không có từ nào là “thừa”. Đọc kĩ câu hỏi để xác định thời gian, không gian, nội dung lịch sử và yêu cầu của câu hỏi (trình bày, so sánh, giải thích, phân tích, đánh giá…)
b- Phân bố thời gian cho hợp lí. Hãy căn cứ vào điểm số của từng câu mà tính thời gian, mỗi điểm khoảng 15 phút là phù hợp. Không nên dừng lại quá lâu ở những câu tạm thời chưa tìm ra phương án giải quyết, nên chọn những câu dễ hơn để làm trước. Tránh tình trạng dành quá nhiều thời gian cho câu này nhưng lại không đủ thời gian cho câu khác. Cần tận dụng hết thời gian thi, không nên ra về sớm. Vì khi đã ra khỏi phòng thi thì có muốn cũng không thể quay vào để sửa bài được nữa.
c- Lập dàn ý
Sau khi nhận đề thi, nhiều thí sinh viết một mạch mà bỏ qua khâu làm nháp. Cần bỏ thói quen này vì đề cương tóm tắt trên giấy nháp giúp ta sắp xếp kiến thức theo trình tự, biết được các ý thiếu đủ ra sao, tránh trùng lặp và chủ động phân phối thời gian hợp lý cho mỗi câu. Hãy coi mỗi câu hỏi như một bài viết ngắn, lập dàn ý, xác định những ý chính và trình tự của các ý. Sau đó hãy “mở bài”, đừng mất nhiều thời gian suy nghĩ về “mở bài”. Khi đã xác định đúng nội dung sẽ biết mở bài thế nào, và nên mở bài trực tiếp, ngắn gọn. Sau khi viết hết nội dung, khắc sẽ biết kết luận. Đừng nghĩ trước kết luận, và cũng chỉ nên kết luận thật ngắn gọn.
d)- Đề hỏi gì trả lời đó. Cần trả lời thẳng vào câu hỏi với lượng kiến thức đủ, được trình bày rõ ràng. Không ít thí sinh chỉ viết ra những điều mình nhớ mà không cần biết đề hỏi gì. Cần lưu ý rằng, đề thi có câu dễ và có câu khó. Câu khó là những câu có tầm khái quát cao, thí sinh phải tự thiết kế câu trả lời, tổng hợp kiến thức chọn lọc ở nhiều bài, thậm chí ở cả sử VN lẫn sử thế giới mới giải quyết được. Do đó, trong quá trình học và ôn thi, thí sinh cần chuẩn bị trước để tránh bị động và có thể sử dụng kiến thức linh hoạt trong việc giải quyết các dạng đề khác nhau.  
Về hình thức, không phải ai cũng viết được chữ đẹp, câu hay, nhưng hãy cố gắng viết cho rõ ràng, đúng câu, đúng chính tả, đừng dùng từ sáo rỗng, dài dòng, đừng viết tắt. Hãy luôn nhớ: Đúng, đủ, rõ ràng, thế là đã tốt; lời văn giản dị, thế đã là hay.

3. Những lỗi cần tránh

a- Lạc đề, thừa hoặc thiếu kiến thức cơ bản. Đây là lỗi khá phổ biến. Ví dụ, khi trả lời câu hỏi: Trình bày những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài trong những năm 20 của thế kỷ XX, đã có những trường hợp sai như sau: (1)Trình bày lại hoạt động tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1911 đến năm 1920 (lạc đề, sai kiến thức cơ bản, vì không xác định đúng thờì gian; (2) chỉ trình bày hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Pháp và Liên Xô từ năm 1920 đến năm 1924 (sót kiến thức cơ bản, thiếu các sự kiện trong những năm 1924-1929); (3) Trình bày cả những sự không cần thiết từ năm 1917 đến năm 1919 (thừa).
Cũng có khi đề thi yêu cầu “giải thích” hoặc “phân tích”, nhưng bài làm chỉ “trình bày”.
Để khắc phục tình trạng trên, cần đọc kĩ đề thi, xác định rõ yêu cầu của đề và chuẩn bị dàn ý sơ lược trước khi viết bài.
b- Lẫn lộn sự kiện giữa các thời kì, giai đoạn lịch sử khác nhau. Có thí sinh viết: “Một trong những điều kiện bùng nổ của phong trào cách mạng Việt Nam năm 1930 là có sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch” (Lúc đó chưa có Chính phủ, Hồ Chí Minh chưa làm chủ tịch). Hoặc là: “Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công”. “Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công là nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Lao động Việt Nam” (năm 1951 Đảng mới có tên này).
Nguyên nhân chính là thiếu sự tỉnh táo, hoặc mất bình tĩnh, không suy xét trước khi viết. Cũng có khi do thói quen chủ quan, dẫn tới sai một cách vô thức.
c- Mặc định cái sau phải hoàn thiện hơn cái trước. Có thí sinh viết: Luận cương chính trị tháng 10/1930 đã “phát triển và hoàn chỉnh” so với Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Hội nghị thành lập Đảng thông qua (đúng ra phải viết là “có hạn chế”). Nguyên nhân của lỗi này là chưa hiểu bài.
d- Ngoài ra, trong các bài làm, thí sinh thường hay mắc lỗi diễn đạt, viết sai chính tả, sai ngữ pháp. Nguyên nhân chính là do thiếu sự rèn luyện trong quá trình học.
BÀI VIẾT CÓ THAM KHẢO CỦA CÁC THẦY:
1. PGS.TS Ngô Minh Oanh (Nguyên trưởng khoa Lịch sử ĐHSP TP.HCM, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục).
2. PGS.TS Vũ Quang Hiển (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội)
3. Ths. Tưởng Phi Ngọ (ĐHSP TP HCM)


--------------HẾT---------------