Bài đăng trên Tạp chí “Quan hệ quốc tế hiện đại” của Trung Quốc kỳ 10/2009, tổng kết 60 năm chính sách biên giới trong thực tiễn ngoại giao TQ, phân
tích những thách thức đối với chính sách biển và nêu cụ thể các đối
sách nhằm giành lại quyền lợi biển ở Biển Đông (Nam Hải).
Tạp chí “Quan hệ quốc tế hiện đại” của Trung Quốc kỳ 10/2009
đăng bài tổng kết 60 năm chính sách biên giới trong thực tiễn ngoại
giao TQ 60 năm qua của Viện trưởng và giảng viên Viện Nghiên cứu biên
giới TQ, Đại học Vũ Hán với tiêu đề “Chính sách biên giới của nước Trung Quốc mới: từ lục địa đến hải dương”.
Bài báo mang tính tổng kết nhưng đã dành phần lớn thời lượng đi phân
tích những thách thức đối với chính sách biển và nêu cụ thể các đối sách
nhằm giành lại quyền lợi biển lớn nhất ở Biển Đông (Nam Hải), tóm lược
nội dung như sau:
Về biên giới lục địa,
với chính sách thương lượng hòa bình, nhường nhịn và điều chỉnh lẫn
nhau, mục lân và an lân, ngay khi thành lập nước TQ đã triển khai đàm
phán phân định biên giới, đầu tiên là với Myanmar. Qua hai cao trào đàm
phán biên giới những năm 60’s và 90’s của thế kỷ trước, TQ cơ bản đã
giải quyết được 90% biên giới trên bộ. 10% còn lại là biên giới
Trung-Ấn. Tuy hai bên chưa đi vào phân định thực chất, Ấn Độ còn nhiều
động tác ở biên giới, nhưng việc phân định biên giới Trung Ấn không
thành trở ngại lớn của TQ. Điều này cho thấy hiệu quả và thành công to
lớn của chính sách đối với biên giới trên bộ.
Về biên giới trên biển,
theo Công ước luật biển LHQ năm 1982, Trung Quốc có khoảng 3 triệu km2
diện tích hải dương, trong đó hơn một nửa là diện tích có tranh chấp. Từ
những năm 1970’s, TQ đưa ra và luôn kiên trì chủ trương chính sách “chủ
quyền thuộc ta, gác tranh chấp và cùng khai thác”. Tuy nhiên trong thực
tiễn triển khai đến nay, khác với chính sách đối với biên giới trên bộ,
hiệu quả của chủ trương chính sách trên biển gặp nhiều hạn chế. Chủ yếu
đứng trước 3 thách thức lớn sau:
i)
Các nước tranh chấp xung quanh đã đẩy mạnh việc xâm chiếm biển đảo tại
vùng tranh chấp, đồng thời còn tăng cường việc khẳng định “chủ quyền”,
khiến cho chính sách “chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp” không thể đi
vào thực hiện. Đặc biệt là ở Biển Đông, 3 nước Việt-Phi-Mã đã xâm chiếm
bằng quân sự, trong đó nổi bật là VN. Từ 1984, VN đã cử quân đồn trú tại
8 đảo, xây dựng sân bay, đưa các đảo vào quản hạt của tỉnh lục địa và
trở thành nước có số quân đồn trú lớn nhất ở Biển Đông với con số là
trên 2000 người. Điều này khiến cho “đường lưỡi bò” (đường 9 đoạn) trở
nên hữu danh vô thực. Ngoài ra, các nước tranh chấp ở Biển Đông còn
không ngừng gia tăng chi phí quân sự, mua sắm lượng lớn vũ khí hiện đại,
xây dựng căn cứ hải quân và thậm chí còn liên tục tổ chức diễn tập quân
sự trên Biến Đông với Mỹ và Nhật.
ii)
“Cùng khai thác” trở thành việc cạnh tranh khai thác theo hướng “bài
xích Trung Quốc”, quyền lợi của TQ hoàn toàn bị bỏ qua. VN và
Philippines đã điên cuồng tranh cướp tài nguyên biển. Về dầu khí, các
nước xung quanh Biển Đông đã cùng 200 công ty phương Tây, khoan hơn 1000
mũi, hàng năm khai thác 50 triệu tấn dầu. Về ngư nghiệp, để khẳng định
chủ quyền, các nước xung quanh liên tục bắt giữ tàu cá TQ. Inđônêsia
thậm chí từ năm 2008 còn lập riêng cục bắt giữ với 30 tàu giám sát do
một thiếu tướng hải quân đứng đầu để bắt giữ tàu cá nước ngoài. Từ năm
2000 đến nay, TQ có 530 tàu cá và khoảng 6000 ngư dân bị các nước xung
quanh Biển Đông bắt giữ, tổn thất kinh tế rất nghiêm trọng.
iii)
Các nước xung quanh Biển Đông thôn tính về mặt pháp lý đối với lãnh thổ
hải dương của TQ. Một mặt, họ thông qua lập pháp ở trong nước để tăng
cường việc thôn tính lãnh thổ, mặt khác một số quốc gia còn lợi dụng các
quy định của Công ước luật biển LHQ năm 1982 nhằm hợp pháp hóa việc
thôn tính của mình. Nhất là ngày 6/5/2009, VN và Malaysia cùng đưa
phương án phân định thềm lục địa lên UB thềm lục địa LHQ, gần như phân
chia chọn vẹn phần phía Nam Biển Đông; 7/5, VN đơn phương trình phương
án phân định thềm lục địa 200 hải lý, đưa phần lớn vùng biển miền Trung
Biển Đông bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa) vào thềm lục địa của
mình; 11/5, Brunei cũng trình phương án của mình đưa một số đảo ở Trường
Sa vào thềm lục địa của họ.
Đứng
trước việc lãnh thổ bị chiếm đoạt, tài nguyên bị cướp bóc, chủ quyền và
tình hình an ninh biển bị uy hiếp, dư luận và một số chuyên gia học giả
TQ đã chỉ trích gay gắt chính sách biển của TQ, cho rằng lập trường
nguyên tắc “gác tranh chấp, cùng khai thác” không thể đi vào thực tế,
thậm chí là thất bại và không phải là kế sách lâu dài để giải quyết vấn
đề Biển Đông. Ý kiến khác cho rằng “gác tranh chấp” thực tế đã “trói
chân, buộc tay” chính phủ TQ, tạo nên cục diện “ta lùi họ tiến” ở Biển
Đông, hơn nữa chính sách hiện hành là quá yếu ớt khiến cho các nước láng
giềng trên thực tế đã đẩy mạnh việc “gác tranh chấp với TQ, cùng khai thác với phương Tây”.
Một số thành phần cấp tiến đòi CP/TQ từ bỏ chính sách hiện hành, thậm
chí là yêu cầu sẵn sàng bước vào chiến tranh. Tuy nhiên, khi xem xét lợi
ích từ nhiều mặt thì trong điều kiện hiện nay, chính sách “gác tranh
chấp, cùng khai thác” vẫn là lựa chọn chính sách duy nhất của TQ. Vấn đề
là thời gian tới, cần áp dụng đồng bộ các biện pháp có hiệu quả hơn để
đưa chính sách này thực sự đi vào thực tế, cụ thể bao gồm:
i)
Lợi dụng hợp lý, có hiệu quả việc lập pháp trong nước và quốc tế, lấy
vũ khí pháp luật để duy trì chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi hải dương.
Trong đó cố gắng lợi dụng các quy định của Công ước luật biển của LHQ
năm 1982 để khẳng định quyền lợi; hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải
dương liên quan; tích cực thúc đẩy đưa hệ thống luật hải dương vào hiến
pháp. Trên cơ sở này, khiến chủ trương của TQ có được sự hậu thuẫn pháp
luật vững chắc hơn.
ii)
Tích cực phát triển lực lượng trên biển. Lực lượng này không đơn thuần
chỉ là lực lượng quân sự mà là thực lực tổng hợp của quốc gia trong việc
khai thác và khống chế biển. Trong đó, để đưa TQ trở thành một trong
các bên chủ yếu “cùng khai thác” thì trọng điểm phải phát triển lực
lượng hải quân hùng mạnh và tăng cường thực lực khai thác dầu khí nước
sâu và đánh bắt cá xa bờ.
iii)
Xác định rõ lợi ích trọng yếu của mình tại khu vực tranh chấp, để tập
trung triển khai bảo vệ quyền lợi biển. Phải xác định rõ việc thu hồi
chủ quyền tuyệt đối với hơn 1,5 triệu km2 biển có tranh chấp là không
hiện thực, thậm chí sẽ khiến các nước xung quanh có “tiếng nói chung”
đối phó lại TQ. Trên cơ sở kiên trì nguyên tắc “chủ quyền thuộc ta, gác
tranh chấp, cùng khai thác”, xác định rõ hơn chiều hướng chính sách,
trên cơ sở đó tiến hành bảo vệ quyền lợi hợp lý, mức độ bảo vệ cần có
lý, có lợi và có bài bản. Trong khi tránh căng thẳng và sử dụng vũ lực,
thì việc cứng rắn có mức độ và thể hiện thực lực là cần thiết. Để bảo vệ
có hiệu quả quyền lợi biển, TQ cần đẩy mạnh: Một là, xây dựng chế độ
tuần tra biển định kỳ, cử tàu và máy bay tuần tra biển phối hợp giám sát
và quản lý nhằm thể hiện sự tồn tại của mình trong khu vực biển chủ
trương của TQ, thể hiện sự quản hạt thực tế có hiệu quả. Hai là, về cơ
chế và mô hình quản lý hiện nay cần phải thay đổi tình trạng đan xen,
chồng chéo, lực lượng chấp pháp quá phân tán, phải sớm sát nhập và điều
tiết hợp lý tài nguyên của các bộ phận quản lý hải dương, đẩy nhanh việc
xây dựng thống nhất đội ngũ chấp pháp trên biển.
iv)
Chú trọng dẫn dắt dư luận trong nước, khiến nhân dân hiểu và ủng hộ
chính sách biên giới của CP. Việc giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ
là lâu dài, đứng trước áp lực bên ngoài và chỉ trích, nghi ngờ từ bên
trong, CP cần chú trọng đến dư luận ở trong nước, kịp thời tiến hành dẫn
dắt. Thứ nhất là để dư luận hiểu là dù TQ hay nước liên quan khác khi
liên quan đến lợi ích hạt nhân của quốc gia đều không thể dễ dàng nhượng
bộ và xử sự manh động. Thứ hai là thuyết phục nhân dân phải có sự nhẫn
nại cần thiết, vì việc giải quyết vấn đề như vậy cần phải có thời gian
và nhất là thời cơ./.
http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/579-chinh-sach-bien-gii-ca-nc-trung-quc-mi-t-lc-a-n-hi-dng