Trang tin "Manilatimes" vừa qua đăng bài phân tích với nhan đề “China’s post-bin Laden relationship with Pakistan” cho rằng, cái
chết của Bin Laden nhiều khả năng sẽ làm thay đổi thế chiến lược tại
khu vực Nam Á, đặc biêt là những mối quan hệ phức tạp và đầy những mưu
toan chiến lược của Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đối với Pakistan. Đối với
Trung Quốc, Pakistan là "con bài" không thể từ bỏ trong chiến lược kiềm
chế Ấn Độ và là bàn đạp tiến ra Ấn Độ Dương.
Ngày 3/5,
bà Khương Du, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phát biểu về
vai trò của Pakixtan trong việc tiêu diệt Osama Bin Laden và ca ngợi
những nỗ lực chống khủng bố của Ixlamabát. Những phát biểu trên nhằm đối
trọng với những chỉ trích việc Pakixtan không nhiệt tình và cam kết
chia sẻ thông tin tình báo, và minh họa sự gần gũi ngày càng tăng giữa
Trung Quốc và Pakixtan. Bắc Kinh sẽ phụ thuộc hơn vào Ixlamabát để chống
lại các hoạt động cực đoan tại khu vực biên giới phía Tây Trung Quốc,
cũng như đường ra Ấn Độ Dương, trong khi Pakixtan trông chờ vào sự hỗ
trợ tài chính và quân sự của Trung Quốc, khi những trợ giúp của Mỹ giảm
đi. Hai nước cũng sẽ ngày càng phụ thuộc lẫn nhau để đối trọng với Ấn
Độ.
Trong
phát biểu của mình, bà Khương Du đã lưu ý cam kết của Pakixtan rằng sẽ
không cho phép có các thiên đường dành cho những kẻ khủng bố trong lãnh
thổ nước này và nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Pakixtan
trong vấn đề chống khủng bố, trong khi cũng hợp tác với các nước khác
như Mỹ và Ấn Độ. Thông điệp của bà Khương phù hợp với phản ứng ban đầu
của Trung Quốc trước tin tức về cái chết của Bin Laden. Các nhà lãnh đạo
và các phương tiện truyền thông chính thức Trung Quốc và Pakixtan đã
gọi việc tiêu diệt Bin Laden là "mốc lịch sử" trong các nỗ lực quốc tế
chống khủng bố. Trung Quốc nhấn mạnh rằng họ cũng là một nạn nhân của
khủng bố và kêu gọi quốc tế hợp tác hơn nữa trong cuộc chiến này. Các
cuộc thảo luận trên Internet cho thấy công luận Trung Quốc ít có xu
hướng hoan nghênh Mỹ như Chính quyền Bắc Kinh, nhưng nhà nước Trung Quốc
vẫn duy trì quan điểm chính thức của họ, vừa do những quan ngại chính
đáng về khả năng tư tưởng cực đoan Hồi giáo xâm nhập biên giới phía Tây
nước này, vừa do điều này có thể bào chữa cho những phản ứng an ninh
mạnh mẽ ở trong nước và nước ngoài đối với bất kỳ kiểu hành động cực
đoan nào về chính trị, tôn giáo hay sắc tộc.
Những
tuyên bố của Trung Quốc là nhằm bác lại những chỉ trích ngày càng tăng
rằng Pakixtan không chia sẻ các thông tin tình báo, hay hoàn toàn cam
kết ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố. Mỹ đang chỉ trích Pakixtan bởi vì
tòa nhà của Bin Laden tọa lạc tại thị trấn Abbottabad, gần một học viện
quân sự nổi tiếng và cách thủ đô Ixlamabát không xa. Có tin rằng Bin
Laden đã sống tại đó trong vài năm. Cuộc tấn công đơn phương của Mỹ nhằm
vào Bin Laden trên đất Pakixtan đã minh họa sự thiếu lòng tin ngày càng
tăng giữa Oasinhtơn và Ixlamabát. Phản ứng của Bắc Kinh đối với sự xâm
phạm chủ quyền này của Pakixtan không gay gắt như trong các tình huống
tương tự, có thể là vì Bin Laden bị đông đảo mọi người coi là một trường
hợp đặc biệt. Nhưng phản ứng này cũng bao gồm thông điệp rằng Trung
Quốc sẽ giúp Pakixtan chống khủng bố dựa trên những điều kiện "tình hình
trong nước của họ" và phù hợp với luật pháp quốc tế. Bắc Kinh và
Ixlamabát là những đồng minh cũ và vừa kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập
quan hệ đối tác bằng việc nhắc lại cam kết hợp tác trong nhiều lĩnh vực,
sau một cuộc đối thoại chiến lược vừa kết thúc ngày 29/4.
Tuy
nhiên, Trung Quốc đang được lợi từ việc Mỹ hành động chống lại những kẻ
cực đoan tại Pakixtan. Các cuộc tấn công của Mỹ chống lại nhóm Abdul
Haq al-Turkestani tạo điều kiện để Pakixtan tuyên bố đã "đánh gãy sống
lưng" Phong trào Hồi giáo Đông Thổ đang đe dọa khu vực Tân Cương của
Trung Quốc. Bắc Kinh cần Pakixtan để duy trì sức ép đối với những kẻ cực
đoan trong khu vực. Vai trò của Trung Quốc trong 10 năm qua tại
Ápganixtan và Pakixtan là hỗ trợ các hành động của Pakixtan chống lại
những kẻ cực đoan, trong khi chỉ trợ giúp các nỗ lực quốc tế trong khu
vực đủ để được coi là đang hợp tác với Mỹ. Trung Quốc đã giúp đỡ
Pakixtan sau khi Ixlamabát thôi hỗ trợ Taliban vào năm 2001; giúp ổn
định hóa tình hình tài chính của Pakixtan và các quan hệ với Ấn Độ sau
khi các cuộc tấn công khủng bố tại Mumbai đe dọa dẫn tới chiến tranh; và
giúp Pakixtan tái thiết sau trận lụt lịch sử. Trung Quốc đang tiếp tục
tiến hành việc huấn luyện chống khủng bố với Pakixtan và hỗ trợ nước này
thông qua thương mại, đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trung
Quốc hiện chỉ cung cấp sự hỗ trợ thấp nhất cho Mỹ và Lực lượng trợ giúp
an ninh quốc tế (ISAF) tại Ápganixtan và Pakixtan. Bắc Kinh đang miêu
tả những khoản tiền đầu tư lớn của họ tại Pakixtan và Ápganixtan là để
hỗ trợ chính phủ dân sự và sự ổn định, nhưng trên thực tế, những khoản
đầu tư này là vì các lợi ích chiến lược của Trung Quốc như chống khủng
bố, tăng trưởng kinh tế, đường ra Ấn Độ Dương và đối trọng với Ấn Độ hơn
là phù hợp với các nỗ lực của quốc tế tại Ápganixtan và Pakixtan. Bắc
Kinh không tham chiến, cũng không cho phép sử dụng lãnh thổ của họ để tổ
chức các cuộc tấn công. Những hỗ trợ dân sự và huấn luyện của Trung
Quốc cũng hạn chế. Chiến lược của Trung Quốc là đứng ngoài chiến sự hoặc
những vai trò hỗ trợ quân sự có thể dẫn đến sự trả đũa của các nhóm cực
đoan, trong khi giữ cho Mỹ và các đồng minh phải bận rộn đánh lại những
nhóm có thể đe dọa Trung Quốc. Hơn nữa, với việc Mỹ đang ngày càng phụ
thuộc vào Pakixtan để hỗ trợ cuộc chiến tại Ápganixtan trong thập kỷ
qua, Oasinhtơn đang vấp phải những khó khăn trong quan hệ chiến lược Ấn
Độ-Mỹ mà Bắc Kinh quan ngại.
Nhưng
cái chết của Bin Laden đang dẫn đến triển vọng công chúng Mỹ muốn rút
quân khỏi Ápganixtan nhanh hơn, bất chấp những điều kiện cho việc rút
quân chưa chín muồi. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố bắt đầu rút
quân Mỹ khỏi Ápganixtan vào tháng 8 tới, và Trung Quốc đã chuẩn bị trong
nhiều năm cho việc Mỹ rút quân. Nhưng khả năng Mỹ rút quân sớm hơn làm
tăng những quan ngại của Trung Quốc rằng việc Mỹ rảnh tay về chính sách
quân sự và đối ngoại sẽ sớm cho phép Oasinhtơn thách thức Bắc Kinh một
cách xông xáo hơn tại các khu vực khác.
Việc
rút quân Mỹ tại Ápganixtan có thể phải mất vài năm. Mỹ cam kết bắt đầu
rút quân từ tháng 8 và kết thúc việc rút quân trong các năm 2014-2015,
nhưng nhắc lại rằng thời gian biểu còn phụ thuộc vào tình hình trên thực
địa. Trong thời gian đó, Mỹ sẽ tiếp tục trông cậy vào sự hỗ trợ tình
báo của Pakixtan để tạo ra những điều kiện rút quân tối ưu. Oasinhtơn
cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Pakixtan, quốc gia sẽ có trách nhiệm lớn hơn
nhiều trong việc kiểm soát tình hình sau đó. Các lực lượng cực đoan
thiện chiến Ápganixtan và Pakixtan sẽ bạo gan hơn nhiều. Mỹ sẽ khuyến
khích Pakixtan duy trì sức ép đối với những kẻ quá khích, nhưng việc
Pakixtan thích phát động một cuộc xung đột gây mất ổn định bên trong có
thể mở đường cho việc điều chỉnh và tạo ra một tầm ảnh hưởng tại
Ápganixtan. Sự tức giận tích tụ và những quan ngại về ngân sách của
Oasinhtơn có thể dẫn đến việc họ giảm bớt viện trợ cho Pakixtan.
Nếu
các quan hệ Mỹ và Pakixtan suy yếu, Ixlamabát sẽ cần thêm những hỗ trợ
tài chính và quân sự của Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc cần sự đảm
bảo lớn hơn của Pakixtan rằng họ có thể xử lý các hoạt động cực đoan tại
các tỉnh biên giới của quốc gia Nam Á này và Ápganixtan. Mặc dù
Pakixtan không có ảo tưởng rằng Trung Quốc có thể thay thế Mỹ, nhưng họ
không có người bảo trợ hùng mạnh nào khác và hy vọng ít nhất cũng giành
được sự hỗ trợ tài chính hào phóng. Trong khi đó, Trung Quốc không thể
nào từ bỏ được Pakixtan. Bắc Kinh cần hỗ trợ trong việc ổn định hóa môi
trường an ninh khu vực và trong nước của Pakixtan. Họ cũng nhằm mở rộng
những lợi ích kinh tế tại Thung lũng Indus và phát triển những kết nối
cơ sở hạ tầng, có thể trở thành cầu nối trên bộ với Ấn Độ Dương.
Sự
phụ thuộc nhiều hơn giữa Bắc Kinh và Ixlamabát sẽ mang lại nhiều căng
thẳng hơn trong mối quan hệ này. Hai nước là các đồng minh cũ, nhưng khi
những khó khăn biên giới của Pakixtan trở nên bị đe dọa hơn, như trong
các năm 1997 và 2003, hoặc khi Ixlamabát yêu cầu sự chú ý hơn để đối
trọng với Ấn Độ, như trong giai đoạn căng thẳng năm 1999, Pakixtan trở
thành một món nợ, hơn là một tài sản của Trung Quốc. Bắc Kinh không thể
dung thứ sự can thiệp cực đoan của Nam Á vào việc họ đang theo đuổi
những lợi ích quan trọng ở những nơi khác. Pakixtan sẽ tìm cách nâng tầm
quan trọng của họ để "moi" được càng nhiều tiền viện trợ và đầu tư càng
tốt, nhưng trước đây, các cuộc tấn công cực đoan nhằm vào các công dân
hoặc lợi ích kinh doanh của Trung Quốc đã gây khó khăn cho mối quan hệ
này. Trong khi đó, Bắc Kinh mong muốn hợp tác tập trung vào các lĩnh vực
chống khủng bố, kiểm soát biên giới, quan hệ quân sự, hải quân, thương
mại, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng (như việc xây dựng đường sắt và
các nhà máy thủy điện) và vận chuyển năng lượng (như đề xuất xây dựng
đường ống dẫn khí đốt Iran-Pakixtan-Trung Quốc). Bắc Kinh không muốn để
Ixlamabát lôi kéo vào các cuộc xung đột với Ấn Độ.
Bất
chấp khả năng căng thẳng tăng lên khi sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng
tăng, nhưng Pakixtan và Trung Quốc không có sự lựa chọn nào khác là phải
xử lý và duy trì các mối quan hệ của họ. Không nước nào có thể từ bỏ
nước nào. Pakixtan vẫn coi Ấn Độ là nguy cơ chiến lược hàng đầu của họ,
còn Trung Quốc vẫn coi Pakixtan là một bàn đạp quan trọng trong khu vực.
Trung Quốc sẽ cần Pakixtan trở thành một đối tác hàng hải và để duy trì
sức ép với Ấn Độ, nhất là khi Trung Quốc dự đoán rằng Ấn Độ sẽ trở
thành một nước láng giềng khó chịu hơn do những quan hệ ngày càng phát
triển của họ với Mỹ, Nhật Bản, Ôxtrâylia và sự can dự của Niu Đêli tại
Tây Tạng và Đông Nam Á. Việc làm vừa lòng Trung Quốc, cũng như làm vừa
lòng Mỹ, sẽ đòi hỏi Pakixtan phải chứng tỏ những nỗ lực chống lại các
trại huấn luyện cực đoan, những hoạt động tài chính và những di chuyển
mà Trung Quốc coi là nguy cơ, trong khi vẫn duy trì việc lợi dụng các
hoạt động cực đoan để chống lại Ấn Độ. Nhưng Bắc Kinh sẽ tin rằng sự lợi
dụng này không phải là một nguy cơ đối với Trung Quốc. Bắc Kinh không
muốn phải đấu tranh chống lại những cuộc nổi dậy tại địa phương hay thu
hút sự chú ý thù địch, vì thế Ixlamabát sẽ có lợi thế trong việc duy trì
các mạng lưới cực đoan có lợi cho mình.
Nói
chung, sự can thiệp của Mỹ trong khu vực đang làm lợi cho Trung Quốc
khi ISAF tập trung đấu tranh chống lại các hoạt động cực đoan và không
chú ý được đến các mục tiêu tiềm tàng của Trung Quốc. Điều này cũng
khiến Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc phải giữ cho Pakixtan khỏi bị sụp
đổ và duy trì cán cân quyền lực giữa Ấn Độ và Pakixtan. Khi sự có mặt
của Mỹ giảm đi, mặc dù sẽ không biến mất, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với
khả năng xuất hiện khoảng trống quyền lực ở khu vực biên giới phía tây
của họ và việc nhiều lực lượng cực đoan mong muốn và có khả năng lấp đầy
khoảng trống này.
Đồng
thời, Trung Quốc cũng sẽ có ảnh hưởng tích cực hơn đối với cán cân
quyền lực Pakixtan-Ấn Độ nhằm tăng cường sự có mặt kinh tế của họ, cũng
như đường ra Ấn Độ Dương và không châm ngòi cho một cuộc xung đột có thể
mang lại kết quả ngược sự mong đợi của Bắc Kinh. Ngay cả khi những quan
ngại của Trung Quốc tại Đông Nam Á bắt đầu tăng lên, nguy cơ lớn nhất
đối với Trung Quốc là khả năng Mỹ sẽ tập trung vào việc tìm cách ngăn
chặn Trung Quốc làm gián đoạn sự chi phối của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái
Bình Dương. Sau khi cuộc chiến chống các hoạt động thánh chiến Hồi giáo
cực đoan kết thúc, thách thức lớn nhất của Mỹ có thể là kiềm chế sự
trỗi dậy của Trung Quốc.
http://nghiencuubiendong.vn/tin-quoc-te-tong-hop/1436-quan-h-trung-quc-pakixtan-thi-hu-bin-laden
Theo Manilatimes
Đinh Anh (gt)