Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Dỗi lên, dỗi xuống và dỗi ngang.

Tác giả: Hoàng Hồng Minh
Nguồn: Tia sáng, truy cập tại đây
Đăng ngày 17/05/2011

Các bạn trẻ, hay các bạn đã từng trẻ, hoặc các bạn cập kè sắp bước vào tuổi trẻ đi nữa, hẳn sẽ nao lòng khi nghe câu hát xưa đầy xao xuyến. 
 
"Đừng giận dỗi hỡi em yêu,
 Đừng trách móc anh nhiều,
 Chỉ vì lúc anh quay sang người bạn gái..."

Cái dỗi này đôi khi là nghệ thuật yêu của các bạn gái, và các chàng trai cũng nên biết tham gia vào môn nghệ thuật này, để cho cuộc sống càng thêm phần ý nhị vào một buổi chiều chủ nhật êm đềm gió thoảng ngây ngất hương sen.
Nhưng môn dỗi này thường được sử dụng quá đà trong rất nhiều trường hợp của đời sống xứ ta.
 

Ai cũng như có quyền dỗi, vào bất cứ lúc nào!

Bạn có một câu chuyện nghiêm túc phải giải quyết với một đối tác, một đối tác xã hội, hay có khi là một đối tác ngay trong gia đinh mình. Vậy mà đối tác này cứ dỗi dài, giờ qua  ngày, ngày qua tuần, tuần qua tháng, tháng qua năm... và bạn chịu cứng, không thể nào đẩy được công chuyện này cho ra ngô khoai ! Tục lệ thì ngầm bênh vực cho người dỗi: họ không bị bất cứ một sự ràng buộc cụ thể nào để giải quyết câu chuyện. Quá lên thì chỉ có quyền lực mới có cơ làm thay đổi tình hình.

Dỗi là trạng thái bất hợp tác phi lý, động thái "cắt cầu". Điều này dễ hiểu nếu như người ta còn sống trong một đời sống bèo dạt mây trôi, ở đó thời gian chưa bị cân đo hạch toán.

Dỗi ở nhiều trường hợp khác là cách để tự vệ trong một đời sống xã hội mà các luật lệ và qui tắc ứng xử được áp dụng tùy hứng theo "thế và lực" của các nhân vật trong các tình huống cụ thể của đời sống. Trong sự rối loạn này nhiều khi người ta không thể làm gì khác nữa ngoài không làm gì, tức là "dỗi".

Trong gần như mọi trường hợp, tính phi lý của dỗi được bản sắc hóa : không một lý do cắt nghĩa nào được trình bày, không một điều khoản thương nghị nào được làm sáng tỏ. "Để đấy", "kệ tôi", "không việc gì đến ông", "nào đã chết ai"... là tinh thần của nó.
---
Cái dỗi của bề dưới thì dẫu sao cũng giản đơn hơn : trước áp lực tăng dần lên của bề trên thông qua các sức ép về vật chất, tinh thần, quyền lực, bề dưới rồi sẽ  phải "nín dỗi" và trở về với thân phận. Trong trường hợp may mắn thì bề dưới sẽ được hưởng một vài chiếu cố, hoặc do sự thông cảm của bề trên, hoặc tốt hơn nữa là do sự hiểu biết qua lại của bề trên. Nhưng khi hai bên đi quá liều thì đại bi kịch có thể xảy ra : ông Khuất Nguyên nước Sở khi xưa dỗi đời, ôm phiến đá rồi trầm mình xuống dòng sông Mịch La.

Cái dỗi của bề trên
thì gay go hơn nhiều, có thể dẫn đến tình trạng bế tắc của một cộng đồng nhỏ hay lớn. Một gia đình muốn chuyển cái sập từ góc nhà bên trái sang góc nhà bên phải, nhưng cụ chủ nhà dỗi,  không cho ý kiến, và điều đó xưa có thể đòi hỏi một thế hệ con cháu sẽ phải qua đi trong một đời sống đợi chờ hoài điều vô vọng đó. Một ông vua xưa mà dỗi thì có thể sẽ để cho một đất nước chìm trong phiền muội suốt một đời.

Cái dỗi của bề ngang cũng cồng kềnh không kém. Cái dỗi này có thể không đến nỗi làm tê liệt toàn bộ một chương trình, nhưng đủ làm cho chương trình ấy không thể thành ra trọn vẹn, bị nhuốm vị đắng cay,  dở ương ương dở. Những gia đình mà hai vợ chồng luôn ở cái thế tát chum nước không cạn vì họ chỉ ngo ngoe mong sao làm trái cẳng nhau được cho thỏa cái chí bất tuân, là cái dỗi ngang như thế.
---
Hôm nay đời sống tăng tốc, mỗi người có biết bao việc phải làm từ lúc thức dậy cho tới khi gà lên chuồng, mà có khi gà đã gáy canh một cũng nên.

Xin mời chúng bạn, từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội, tiễn dần môn dỗi ra đi. Xã hội năng động không thể là cái kho đựng các đồ dỗi trì hoãn các tiến trình phải đi đến của đời sống.

Xin mời chúng bạn, từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội, hãy học thương nghị trong đời sống, để nó phải trở thành một kỹ năng, một phẩm hạnh bắt buộc của đời sống hôm nay.

Xin mời chúng bạn, từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội, hãy đưa việc học thương nghị trong đời sống vào ngay trong các chương trình giáo dục bắt buộc trẻ nhỏ ở nhà cũng như ở trường lớp.

Các đối tác trong đời sống, dù là một cá nhân hay một tổ chức, hãy kiểm kê và đưa ra các đòi hỏi của sự tồn tại và của sự vận động của mình trong khuôn khổ đồng thuận luật pháp. Và một khi những tranh chấp xảy đến, hãy ngồi vào bàn và thương nghị. Nếu hệ thống luật pháp tỏ ra bất lực, phải thiết kế,  thay đổi, kiện toàn chúng.

Công việc học thương nghị hôm nay trở thành một sứ mệnh bắt buộc của các bên đối tác trong đời sống văn minh.

Sự lạm "dỗi" hôm nay trở thành sự ương ngạnh không tôn trọng đời sống xã hội, cản trở sự tiến triển của đời sống xã hội, và sớm muộn xã hội phải có các công cụ luật pháp để quyết giải nó phi trì hoãn.

---------------------

LỜI BÀN

Bài viết trên tác giả đã đề cập đến một vấn đề, đúng hơn là một căn bệnh xã hội - căn bệnh "dỗi". Qua cách viết hóm hỉnh, gần gũi như đang trò chuyện với bạn đọc, cùng cách diễn đạt ngắn gọn nhưng sâu sắc, tác giả đã chỉ ra được những biểu hiện, tác hại và cả những khuyến nghị nhằm đẩy lùi lối làm việc bất hợp tác một cách phi lý, động thái "cắt cầu", cũng như thói làm việc ích kỉ, chỉ nghĩ đến bản thân trong xã hội hiện nay. 

Chỉ có một điều nhỏ tôi vẫn băn khoăn khi cuối bài viết tác giả đề xuất: "Và một khi những tranh chấp xảy đến, hãy ngồi vào bàn và thương nghị. Nếu hệ thống luật pháp tỏ ra bất lực, phải thiết kế,  thay đổi, kiện toàn chúng." Ở luận điểm này, phải chăng tác giả đã quá cường điệu hóa vai trò của pháp luật?

Đây là một đề xuất đúng và cần, nhưng tôi nghĩ vẫn chưa đủ, nhất là câu thứ hai khi tác giả cho rằng "nếu luật pháp bất lực thì phải thiết kế, thay đổi, kiện toàn chúng". Cách viết đó khiến độc giả hiểu rằng luật pháp dường như là công cụ duy nhất để điều chỉnh hành vi con người và điều chỉnh các quan hệ xã hội, kể cả khi luật pháp đã bất lực vẫn mong thiết kế, kiện toàn chúng.

Những thứ thuộc về căn bệnh của xã hội, thì thực tế luôn cần nhiều liều thuốc hơn tác giả nhận định. Đành rằng hành xử theo luật pháp, tôn trọng tự do định đoạt, thỏa thuận là biểu hiện của một xã hội văn minh (tôi cũng đã thấy và cảm nhận điều đó ở Đức và hoàn toàn đồng ý với tác giả luận điểm này), tuy nhiên luật pháp dù có hoàn thiện đến đâu, ở bất cứ đâu đi nữa thì không phải là công cụ vạn năng, là thứ vắc-xin chữa lành mọi căn bệnh xã hội kể cả căn bệnh "dỗi" mà tác giả đề cập cũng không phải ngoại lệ. 

Ví dụ luật pháp nước nào chẳng có rất nhiều điều luật qui định trách nhiệm của bác sĩ đối với bệnh nhân, nhưng luật pháp là một chuyện, thử hỏi có luật nào cấm được việc bác sĩ tiêm nhưng tiêm đau cho bệnh nhân, có luật nào cấm được việc bác sĩ làm việc nhưng với một thái độ ráo hoảnh với bệnh nhân không nhỉ? Xin khẳng định rằng không. Cũng như khi bạn gái "dỗi", đàm phán cũng không được chẳng bạn trai nào dại gì dở luật ra cả, mất người yêu như chơi. ;-) Trong trường hợp này, ngoài luật pháp tôi cho rằng muốn giải quyết được căn bệnh mà tác giả nói, còn cần đến rất nhiều công cụ khác tác động là những yếu tố ngoài luật, cả những công cụ mang tính qui phạm và không mang tính qui phạm, trong đó có một công cụ đặc biệt quan trọng, ở một tầng sâu rộng hơn cả luật pháp đó là đạo đức nhà nghề mà tôi đã trình bày ở bài viết về mối quan hệ giữa pháp luật và y đức hay bài viết luật pháp: cần, rất cần nhưng chưa đủ từ khá lâu.

Tóm lại, tôi vẫn rất thích cách diễn đạt, cách đặt vấn đề của tác giả Hoàng Hồng Minh và thừa nhận cách tiếp cận vấn đề mới mẻ cũng như thừa nhận sự cần thiết, có ích của bài viết đối với Việt Nam hiện nay. 
 
Trân trọng cảm ơn Tia sáng và tác giả!

NMT