Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Ngoại giao và Quyền lực trên biển

Bài đăng trên Tạp chí "Thế giới đương đại", Trung Quốc, số 5/2010 về sự dẫn dắt và dọn đường của ngoại giao đối với việc thực hiện quyền lực trên biển của Mỹ, từ đó rút ra bài học cho ngoại giao Trung Quốc.
 
Quyền lực trên biển là sự vươn xa của nội hàm “quyền lực”, tức là sự mở rộng và vươn xa về quyền lực trên biển của các nước trong mối quan hệ quốc tế. Bước ngoặt của con đường quyền lực trên biển của Mỹ là chiến tranh Mỹ và Tây Ban Nha năm 1898. Trước chiến tranh, Mỹ đang dốc sức chiếm miền Tây làm thuộc địa, quyền lực trên biển phát triển chậm. Sau chiến tranh, cùng với sự tăng trưởng không ngừng của sức mạnh hải quân, Mỹ dần dần phát triển thành nước lớn có quyền lực trên biển mang tính toàn cầu.


I. Ngoại giao và quyền lực trên biển của Mỹ
 

Trong lịch sử, ngoại giao của Mỹ đóng vai trò là đá rải đường cho việc thực hiện quyền lực trên biển trên toàn cầu của Mỹ. Ngược lại, quyền lực trên biển không ngừng mở rộng đã đem lại sự đảm bảo về thực lực cho ngoại giao Mỹ.



1. Ngoại giao dọn đường cho quyền lực trên biển


Công lao của ngoại giao Mỹ đối với sự phát triển quyền lực trên biển của nước này là không thể kể hết . Mỹ đã chọn Thái Bình Dương làm phương hướng để mở rộng quyền lực biển, trên thực tế chính là xuất phát từ sự tính toán ngoại giao để tránh đối kháng với Anh. Nếu Mỹ cũng chọn Đại Tây Dương làm nơi phát triển quyền lực trên biển, chắc chắn sẽ nảy sinh sự chồng chéo về quyền lực trên biển với Anh, từ đó sẽ dẫn đến sự chống lại quyết liệt của nước này. Ngược lại, “nếu duy trì mối quan hệ ngoại giao tốt với Anh thì không có bất kỳ quốc gia mạnh nào ở châu Âu có thể vượt khỏi Đại Tây Dương, tạo nên những tổn thất nghiêm trọng cho Mỹ”. Nhận thấy điều đó, ngoại giao Mỹ đã thừa nhận lợi ích quyền lực trên biển của Anh, và để tránh sự chĩa vào của nước này, Mỹ đã chọn Thái Bình Dương làm nơi để mở rộng quyền lực trên biển.


Ngay từ tháng 7/1843, nhân triều đình nhà Thanh vừa mới thất bại trong cuộc Chiến tranh Nha Phiến, Mỹ đã kí với Trung Quốc “Điều ước Vọng Hạ”. Năm 1854, Mỹ ép Tokugawa Bakufu (là chính quyền quân sự ở Nhật Bản do Tokugawa Leyasu thành lập và trị vì năm 1603 đến 1868) kí “Hiệp định thân thiện Mỹ-Nhật” (tức là “Hiệp định Kanagawa”). Năm 1867, thông qua con đường ngoại giao, Mỹ đã mua được Alaska từ tay Nga, cùng năm đó Mỹ còn thôn tính được đảo Midway. Năm 1882, Mỹ và Triều Tiên kí hiệp định thương mại. Tháng 1/1887, Mỹ kí kết hiệp định với Hawaii , giành được quyền xây dựng căn cứ hải quân ở Trân Châu Cảng. Năm 1899, Mỹ và Đức đạt được hiệp ước, lấy 171 kinh độ tây làm ranh giới phân chia Samoa ở Nam Thái Bình Dương, Mỹ đã giành được Đông Samoa . Nửa sau của thế kỷ 19, hoạt động ngoại giao của Mỹ ở Thái Bình Dương rất phát triển, đến nỗi “Thái Bình Dương được coi như là ao nhà của Mỹ”.


Những hoạt động ngoại giao này của Mỹ vừa khai thông sự trao đổi thương mại qua lại, vừa giành được lãnh địa ở nước ngoài, đi tiền trạm cho hải quân và đội tàu buôn của Mỹ.


Sau chiến tranh Mỹ và Tây Ban Nha, Mỹ lần lượt xây dựng thuộc địa và căn cứ hải quân tại Hawaii , Pago Pago của Đông Samoa, Philíppin và đảo Guam . Dưới sự dẫn dắt của ngoại giao, sau Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, hệ thống quyền lực trên biển do hải quân Mỹ, đội tàu buôn, thuộc địa và căn cứ hải quân tạo thành cơ bản đã bao phủ toàn Thái Bình Dương. Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Mỹ lại thông qua biện pháp ngoại giao thúc giục Anh chấp nhận nguyên tắc dân tộc tự quyết, nguyên tắc này sẽ được Mỹ đưa vào “Hiến chương Liên hợp quốc”. Cùng với sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống thực dân trên toàn cầu, quyền lực trên biển của Anh trên toàn cầu cũng không thể khôi phục sự tồn tại. Thừa kế ngôi vị quyền lực trên biển của Anh, dựa vào ngoại giao, Mỹ đã cùng với các nước khác kí kết nhiều hiệp định liên minh nhằm vào Liên Xô, và nhân cơ hội này mở rộng quyền lực trên biển của mình ra toàn vùng biển thế giới.


2. Quyền lực trên biển hộ tống cho ngoại giao



Quyền lực trên biển đem lại sự ủng hộ về thực lực cho ngoại giao Mỹ. Trong thời đại tàu sân bay hiện nay, hiểu được động thái của việc Mỹ cử các tàu sân bay đồn trú ở các nơi trên thế giới, sẽ có thể biết rõ nguyên nhân quan tâm của ngoại giao Mỹ. Có sự ủng hộ rất lớn của quyền lực trên biển, Mỹ mới có thể chiếm thế thượng phong trên bàn đàm phán ngoại giao.


Trong chiến tranh Mỹ và Tây Ban Nha năm 1898, hải quân Mỹ đánh bại hải quân Tây Ban Nha ở Philíppin, thực tế Mỹ đã khống chế được Philíppin. Dựa vào thắng lợi của hải quân trong cuộc chiến tranh này, năm 1899, Ngoại trưởng Mỹ John Hay đã đề xuất chính sách ngoại giao “mở cửa” nhằm vào Trung Quốc.  Sau chiến tranh Nhật-Nga, chiến thắng của Nhật Bản đã tạo thành thách thức nghiêm trọng đối với chính sách “mở cửa” của Mỹ. Dưới tình hình này, tháng 10/1908, Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt đã cử “Hạm đội Great White” nhanh chóng đến Yokohama, Nhật Bản. Mỹ phô trương quyền lực trên biển, khoe khoang hải quân hùng mạnh với Nhật Bản, dùng thực lực để ủng hộ chính sách ngoại giao “mở cửa” của mình.


Năm 1962, cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba xảy ra đã đẩy thế giới đến bờ vực của chiến tranh hạt nhân. Trong các loại dự án quyết sách có khả năng, Tổng thống John F. Kennedy đã chọn quyết sách phong tỏa hải quân đối với Cuba . Hành động này của Mỹ vừa phát huy ưu thế quyền lực trên biển tương đối so với Liên Xô trên biển Caribê, vừa tránh được sự đối kháng hạt nhân rất dễ bùng nổ giữa hai nước, đem lại khả năng giải quyết khủng hoảng bằng ngoại giao. Nhưng hiện nay, vấn đề hạt nhân ở Iran, cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, và cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan các lần trước đều có hình bóng của các tàu sân bay Mỹ.


Trên thực tế, sự ủng hộ của quyền lực trên biển đối với ngoại giao Mỹ là rất lớn, một khi khủng hoảng ngoại giao nảy sinh, phản ứng đầu tiên của nhà quyết sách Mỹ thường là cử tàu sân bay ở gần nhất lập tức đến nơi xảy ra sự việc để răn đe. Điều đó cho thấy, quyền lực trên biển đã đem lại sự hỗ trợ về thực lực cho ngoại giao Mỹ.


Trong hơn 200 năm phát triển quyền lực trên biển, ngoại giao Mỹ đã không ngừng chỉ dẫn và dọn đường cho quyền lực trên biển mở rộng trên phạm vi toàn cầu. Ngược lại, quyền lực trên biển không ngừng mở rộng đã tăng thêm những con bài cần thiết cho Mỹ trên bàn đàm phán ngoại giao. Ngoại giao và quyền lực trên biển đã hình thành sự trao đổi qua lại tích cực.

II. Con đường quyền lực trên biển của Mỹ đem lại gợi ý cho Trung Quốc


Một số kinh nghiệm phát triển quyền lực trên biển của Mỹ, ít nhiều có chút gợi ý đối với sự phát triển quyền lực trên biển của Trung Quốc.

 
Trước tiên, từ độ cao chiến lược Trung Quốc nên soạn ra việc quy hoạch phát triển quyền lực trên biển, con đường phát triển quyền lực trên biển do ngoại giao chủ đạo. Trung Quốc còn tồn tại tranh chấp chủ quyền và phân chia ranh giới phức tạp với các nước láng giềng trên biển ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Trải qua 30 năm cải cách mở cửa, công cuộc xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc đã giành được những thành tựu khiến cả thế giới phải thán phục, sự phát triển của quyền lực trên biển đang bước vào một thời kỳ thời cơ chiến lược. Trong các yếu tố của quyền lực trên biển, sức mạnh của hải quân rất là yếu ớt. Để giải quyết hiện trạng này, Trung Quốc đóng tàu sân bay là quyết sách chiến lược mang tính then chốt của sự phát triển quyền lực trên biển. Khi Trung Quốc có tàu sân bay, không chỉ có thể làm kinh động những hành vi xâm phạm quyền lợi trên biển của Trung Quốc, mà còn làm cho vấn đề điều chuyển binh lực hải quân viễn dương cũng được giải quyết dễ dàng, quyền lực trên biển của Trung Quốc mới thực sự có khả năng vươn xa và mở rộng.



Thứ hai, sự phát triển quyền lực trên biển của Trung Quốc nên ưu tiên lựa chọn phương hướng Ấn Độ Dương. Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ. Đến năm 2030, lượng dầu mỏ tiêu thụ mỗi ngày của Trung Quốc đạt 12 triệu thùng, trong đó có 9,9 triệu thùng phải dựa vào nhập khẩu. Sự tồn tại của sức mạnh hải quân Trung Quốc ở khu vực này, một mặt có thể bảo đảm chắc chắn một cách có hiệu quả an ninh và sự thông suốt của tuyến vận chuyển dầu mỏ, mặt khác còn có thể hình thành sự kiềm chế rất mạnh mẽ trên biển đối với tinh thần chống Trung Quốc kịch liệt, và đối với các nước mạnh ở Nam Á còn tồn tại tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc cần phải tích cực triển khai những hoạt động ngoại giao có hiệu quả đối với các quốc gia hữu nghị (như: Pakixtan, Xri Lanca, Bănglađét và Mianma), dựa vào nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, thúc giục các quốc gia này đem lại cho hải quân quyền được cập bến.


Một vai trò lớn khác của ngoại giao đối với sự phát triển của quyền lực trên biển là xóa đi sự hiểu lầm, Trung Quốc nên thông qua ngoại giao (trong đó có ngoại giao quân sự) để mở rộng sự giao lưu toàn diện với các nước xung quanh (đặc biệt là các nước Đông Nam Á), tăng thêm sự tin cậy lẫn nhau, xóa bỏ sự lo lắng trong họ.


Thứ ba, Trung Quốc phát triển quyền lực trên biển nên tìm kiếm những điểm chung lợi ích, cũng như tránh nảy sinh đối kháng với các nước lớn có quyền lực trên biển. Trung Quốc phát triển quyền lực trên biển, cần phải đặc biệt thận trọng xử lý quan hệ với Mỹ. Không còn nghi ngờ, dưới cục diện thế giới “nhất siêu đa cường” hiện nay, bất kỳ quốc gia nào cũng đều không thể thách thức nổi thực lực vượt trội của Mỹ. Trên thực tế, nước yếu sẽ lựa chọn không đối kháng với nước mạnh, nguyên nhân không phải vì nước yếu công nhận tính hợp pháp sự bá quyền của nước mạnh, mà chẳng qua vì nước yếu cạnh tranh với nước mạnh, dẫn đến sự đối kháng vốn có thể tránh, đó không phải là hành động khôn ngoan.


Trên con đường mở rộng quyền lực trên biển, Trung Quốc cần phải tìm thấy những điểm chung lợi ích với Mỹ, chẳng hạn như bảo vệ sự thông suốt của đường giao thông dầu mỏ, tấn công cướp biển, tạo dựng bầu không khí hài hòa trên biển. Lấy lợi ích chung làm cơ sở để mở rộng hợp tác, tăng thêm sự tin cậy, tránh sự xô xát không cần thiết với Mỹ.


Thứ tư, Trung Quốc phát triển quyền lực trên biển nên duy trì trạng thái tâm lí nước lớn, không cần phải quá để ý đến những phản ứng quá khích của phương Tây. Trung Quốc là một nước lớn đang trỗi dậy. Trong mắt của người phương Tây, sự trỗi dậy của Trung Quốc chí ít có hai đặc trưng lớn. Thứ nhất là, tốc độ phát triển nhanh của Trung Quốc, làm cho thế giới kinh ngạc. Trong mấy chục năm ngắn ngủi, Trung Quốc đã đi hết con đường phát triển mà mấy trăm năm phương Tây mới đi hết. Thứ hai là, một điểm quan trọng hơn chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc được thực hiện bằng phương thức mà phương Tây không muốn công nhận, tức là trên thực tế, sự trỗi dậy đó chính là những thành tựu to lớn mà các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giành được trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sự lo sợ của phương Tây đã giải thích nguyên nhân của “Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc” đang được bàn tán rùm beng ở phương Tây. Tương tự, việc Trung Quốc phát triển quyền lực trên biển rất tự nhiên sẽ dẫn đến sự cảnh giác, tô vẽ bừa bãi, thậm chí là phản đối quyết liệt của phương Tây. Do vậy, Trung Quốc cần phải bình tĩnh xử lí vấn đề, không nên có những phản ứng thái quá.


Cuối cùng, Trung Quốc mở rộng quyền lực trên biển nên tập trung phát triển kinh tế trong nước, theo tuần tự tiệm tiến, đi con đường mang tính phòng ngự. Ngày nay, trong thời kỳ toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc, sự phát triển của kinh tế Trung Quốc còn phải dựa vào môi trường bên ngoài lành mạnh. Không còn nghi ngờ gì, trong tình hình kinh tế Trung Quốc với kinh tế thế giới dựa vào nhau cùng tồn tại không ngừng tăng, sự phát triển của quyền lực trên biển sẽ có tính nhạy cảm rất cao. Nhận thấy điều đó, ngoại giao Trung Quốc cần phải dốc sức tuyên truyền rộng rãi bản chất mang tính phòng ngự quyền lực trên biển của mình. Một mặt, chiến lược phân giai đoạn trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc đã quyết định sự phát triển quyền lực trên biển cũng nên là quá trình mở rộng dần dần. Mặt khác, sự tăng trưởng của kinh tế đã mở rộng lợi ích ở nước ngoài của Trung Quốc, chủ thể trong việc phòng ngự hải quân cũng cần phải tăng thêm những nội dung mới. Nhưng bản chất mang tính phòng ngự của hải quân cũng không hoàn toàn làm nảy sinh những thay đổi mang tính căn bản. Mặc dù, sau này có hùng mạnh, Trung Quốc cũng không thể xưng bá trên biển như Mỹ, nhưng Trung Quốc cũng quyết không thể dựa vào nước khác trong vấn đề bảo vệ quyền lợi biển quốc gia.

Con đường quyền lực trên biển của Mỹ có ý nghĩa là tấm gương rất lớn đối với sự phát triển quyền lực trên biển của Trung Quốc. Một nhân tố rất quan trọng để Mỹ thực hiện được quyền lực trên biển là -- sự dẫn dắt và dọn đường của ngoại giao, rất đáng để ngoại giao Trung Quốc học tập. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội 60 năm của Trung Quốc, đặc biệt là cuộc cải cách mở cửa gần 30 năm đã đem lại cơ sở vững chắc cho sự phát triển quyền lực trên biển. Sự gia tăng của mối quan hệ kinh tế đối ngoại đã làm cho quyền lợi trên biển của Trung Quốc rơi vào cảnh cần được bảo vệ gấp. Với tình hình như vậy, trong năm 2006 và năm 2008, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã từng hai lần nhấn mạnh, với tư cách là một cường quốc biển, Trung Quốc cần phải thúc đẩy việc xây dựng hải quân vừa tốt lại phát triển nhanh, xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh. Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tất sẽ có ý nghĩa tích cực quan trọng đối với sự phát triển quyền lực trên biển của Trung Quốc sau này./.

Bài đăng trên Tạp chí Thế giới đương đại, Trung Quốc, số 5/2010