I. Quan niệm về dạy học liên môn:
- Dạy học liên môn là một
trong những nguyên tắc quan trọng trong dạy học nói chung và dạy học Lịch Sử
nói riêng, đây được coi là một quan niệm dạy học hiện đại, nhằm phát huy tính
tích cực của học sinh, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục.
- Dạy học liên môn là hình thức tìm
tòi những nội dung giao thoa giữa các môn học với môn Lịch Sử, những khái niệm,
tư tưởng chung giữa các môn học, tức là con đường tích hợp những nội dung từ
một số môn học có liên hệ với nhau “Từ
những năm 60 của thế kỉ XX, người ta đã đưa vào giáo dục ý tưởng tích hợp (
inte’gration, integration) trong việc xây dựng chương trình dạy học. Tích hợp
là một khái niệm của lí thuyết hệ thống, nó chỉ trạng thái liên kết các phần tử
riêng rẽ thành cái toàn thể, cũng như quá trình dẫn đến trạng thái này”[1].
“Tùy theo khoa học cụ thể
mà có thể tích hợp các môn khoa học khác lại với nhau như: Lí- Hóa- Sinh, Văn-
Sử- Địa. Ở mức độ cao, sự tích hợp này sẽ hình thành những môn học mới, chứ
không phải là một sự lắp ghép thông thường các môn riêng rẽ lại với nhau. Các
môn vẫn giữ vị trí độc lập với nhau, chỉ tích hợp những phần gần nhau. Ở mức độ
thấp, việc tích hợp được thực hiện trong mối quan hệ liên môn. Những môn được
học riêng rẽ nhưng cần chú ý đến những nội dung có liên quan đến các bộ môn
khác, không trình bày trùng lắp trong biên soạn sách giáo khoa và quá trình dạy
học mà chỉ khai thác, vận dụng các kiến thức có liên quan đến các bộ môn khác[2]
Theo Nguyễn Quang Vinh,
về phương diện dạy học, dạy học theo quan điểm liên môn có ba mức độ: ở mức độ
thấp, giáo viên nhắc lại tài liệu, sự kiện, kĩ năng các môn có liên quan, cao
hơn đòi hỏi học sinh nhớ lại và vận dụng kiến thức đã học của các môn học khác,
và cao nhất đòi hỏi học sinh phải độc lập giải quyết các bài toán nhận thức
bằng vốn kiến thức đã biết, huy động các môn có liên quan theo phương pháp
nghiên cứu[3]
Khoa học lịch sử thuộc
nhóm khoa học xã hội nên giữa chúng có quan hệ với nhau, giữa Lịch Sử- Văn Học,
giữa Lịch Sử- Triết học, kiến thức của các môn có thể bổ sung, hổ trợ cho nhau,
muốn hiểu được một tác phẩm văn học phải hiểu được hoàn cảnh sáng tác tức là
phải biết hoàn cảnh lịch sử, kiến thức của triết học sẽ giúp ta hiểu về lực
lượng sản xuất là gì, sự đấu tranh giữa các mặt đối lập là động lực cho xã hội
phát triển. Khi dạy bài “Bình Ngô đại cáo” giáo viên không thể không nhắc tới
cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, cũng như khi học bài “Ai tư vãn”, chúng ta có sự đồng
cảm với nỗi lòng của Công chúa Ngọc Hân với tình cảm của người vợ giành cho
chồng, và đó cũng chính là tình cảm của toàn dân tộc Việt Nam trước sự ra đi
quá đột ngột của vị anh hùng áo vải Quang Trung- Nguyễn Huệ. Vì vậy, vận dụng
nguyên tắc liên môn trong dạy học Lịch Sử là việc thực hiện tính kế thừa trong
nhận thức các khóa trình lịch sử dân tộc và thế giới từ cổ đến kim, làm cho học
sinh hiểu rõ sự phát triển của xã hội một cách thống nhất, liên tục, tránh nhận
thức rời rạc, tản mạn. Đồng thời học sinh có thể thấy mối liên hệ hữu cơ giữa
các lĩnh vực của đời sống xã hội, giữa các môn học, từ đó phát triển tư duy cho
hoc sinh.
Cơ sở của dạy học liên môn :
“Những người theo quan
điểm duy vật biện chứng khẳng định tính thống nhất vật chất của thế giới là cơ
sở của mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tuợng. Các sự vật, hiện tuợng tạo
thành thế giới, dù có đa dạng, phong phú, có khác nhau bao nhiêu, song chúng
đều chỉ là những dạng khác nhau của vật chất. Nhờ có tính thống nhất đó, chúng
không thể tồn tại biệt lập, tách rời nhau, mà tồn tại trong sự tác động qua
lại, chuyển hóa lẫn nhau theo những quan hệ xác định. Chính trên cơ sở đó,
triết học duy vật biện chứng khẳng định rằng, liên hệ là phạm trù triết học dùng
để chỉ sự quy định, sự tác động qua lại, sự chuyển hóa lẫn nhau giữa các sự
vật, hiện tượng hay giữa các mặt của một sự vật, của một hiện tượng trong thế
giới”[4]
Đối với lịch sử càng phải
có quan điểm toàn diện khi nhận thức các vấn đề, bởi một trong những nguyên lí
của triết học là nguyên lí về mối liên hệ phổ biến, các sự vật hiện tượng đều
có quan hệ với nhau. Vì vậy khi nhận thức một vấn đề cần phải đặt nó trong tọa
độ chiều dọc hoặc chiều ngang để thấy được mối quan hệ giữa chúng, không nên
xem xét hiện tượng, sự kiện một cách đơn lẻ.
Các sự vật, hiện tượng
tạo thành thế giới luôn có mối quan hệ gắn bó với nhau, tồn tại trong sự tác
động qua lại và chuyển hóa lẫn nhau theo những quan hệ xác định. Sự thay đổi sự
vật, hiện tượng này có thể bắt nguồn từ sự thay đổi sự vật hiện tượng khác, và
đồng thời nó sẽ ảnh hưởng đến một sự vật, hiện tượng khác nữa. Do đó, khi nhận
thức về một vấn đề, chúng ta phải có quan điểm toàn diện, tránh quan điểm phiến
diện chỉ xét sự vật, hiện tượng ở một mối liên hệ rồi vội vàng kết luận bản
chất và quy luật của chúng. Vì vậy, để nhận thức đúng đắn một vấn đềphải đặt
chúng trong mối liện hệ giữa các bộ phận, giữa các yếu tố, giữa các mặt của
chính sự vật, hiện tượng đó, trong sự tác động qua lại giữa sự vật đó với sự
vật khác, kể cả mối liên hệ trực tiếp và mối liên hệ gián tiếp, trên cơ sở đó
ta mới nhận thức đúng và đầy đủ một vấn đề.
Con người là tổng hòa của
các mối quan hệ xã hội. Trong cuộc sống, con người không ngừng hoàn thiện bản
thân mình, và để tồn tại trong xã hội con người phải có tri thức. Con người
tiếp nhận kiến thức thông qua quá trình học tập, học trong nhà trường, học ngoài
xã hội. Tri thức con người tiếp nhận bao gồm tri thức tự nhiên và tri thức xã
hội. Có như vậy, con người mới phát triển một cách toàn diện.
Trong quá trình học tập ở
nhà trường, chúng ta sẽ được học các môn
học bao gồm các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Khoa học tự nhiên gồm
các môn: Toán, Lí, Hóa, Sinh, và khoa học xã hội gồm: Văn, Sử, Địa. Giữa các bộ
môn trong nhóm có quan hệ với nhau. Ví như giữa Văn Học và Lịch Sử có liên hệ,
kiến thức môn này sẽ hỗ trợ cho môn kia, văn học sẽ cung cấp cho ta những tư
liệu lịch sử mà nhờ đó học sinh có thể nhận thức một cách rõ ràng, như đọc tác
phẩm Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, học sinh sẽ hiểu về những thuế, những sưu mà nhân
dân phải gánh chịu, hiểu được những chính sách áp bức, bóc lột của thực dân
Pháp, đặc biệt hiểu và thông cảm sâu sắc cho tình cảnh người nông dân Việt Nam,
làm việc cực nhọc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vẫn không đủ sống,
mà tôi nghĩ là bằng ngôn từ của mình giáo viên khó có thể khắc họa hết những
tủi nhục, những đắng cay mà người dân phải gánh chịu. Và cũng khó tìm thấy một
ngôn từ nào để diễn tả cho hết sức mạnh như vũ bão của quân ta trong cuộc kháng
chiến chống Minh xâm lược hơn những lời thơ của Nguyễn Trãi:
Đánh một trận sạch không
kình ngạc,
Đánh hai trận tan tác chim
muông
Cơn gió to trút sạch lá
khô
Tổ kiến hổng sụt toang đê
vỡ
( Bình Ngô đại cáo-
Nguyễn Trãi)
Nguợc lại, Lịch sử cũng
góp phần hiểu sâu sắc hơn về Văn Học, như phải hiểu hoàn cảnh tác phẩm đó ra
đời như thế nào mới hiểu hết được dụng ý nghệ thuật cũng như nội dung su sa mà
tác giả muốn gửi đến người đọc là gì. Hay như Địa Lí chẳng hạn, điều kiện tự
nhiên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của lịch sử các nước, hiểu được vị trí địa
lí, ta sẽ giải thích được vì sao quân dân ta lại ba lần đánh thắng quân xâm
lược trên sông Bạch Đằng. Nói về sự hỗ trợ của Lịch sử đối với các họ khác, G.
Elton đã nói “Nhà sử học cũng có thể dạy cho các khoa học khác rất nhiều điều.
Anh ta có thể giúp các khoa học này hiểu thế giới quan của nhiều phương án xây
dựng sơ đồ, vạch rõ những mối quan hệ tương hỗ mà một chuyên môn hẹp khó nhận
thấy, giúp các khoa học xã hội hiểu rằng đối tượng mà chúng có quan hệ là những
con người. Trong khi tiếp nhận các khoa học khác tính chính xác và tầm rộng của
sự khái quát, đồng thời Lịch Sử có thể hoàn thành nghĩa vụ của mình bằng cách
xây dựng một thái độ nghiêm túc đối với các tài liệu và tránh những khái quát
không có cơ sở vững chắc”[5]
Giữa khoa học tự nhiên và
khoa học xã hội cũng có quan hệ gắn bó với nhau, như môn Vật Lí bằng phương
pháp phóng xạ cacbon đã giúp xác định niên đại các di vật cổ xưa, còn Hóa Học
giúp bảo quản các tài liệu thành văn.
Lịch sử xã hội loài người
là một tổng thể thống nhất bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn
hóa, xã hội. Chức năng của bộ môn là cung cấp những kiến thức cơ bản về quá
trình phát triển của xã hội loài người ( thế giới và dân tộc), việc nắm vững
những sự kiện, quá trình lịch sử đòi hỏi phải nắm kiến thức liên quan đến khoa
học tự nhiên và khoa học xã hội. Do đó, việc nghiên cứu và trình bày lịch sử xã
hội loài người không thể trình bày một cách phiến diện. Sử dụng mối liên hệ
giữa các môn học tạo cho học sinh một tư duy phong phú, một cách suy nghĩ vận
động bằng con đường tích hợp những nội dung của một số môn học có liên quan góp
phần hình thành ở học sinh hệ thống thống nhất những quan điểm về xã hội hiện
đại, hiểu sâu hơn về sự phát triển biện chúng của lịch sử.
II. Thực trạng vận dụng dạy học liên môn trong dạy học Lịch Sử ở trường phổ thông hiện nay
Từ lâu, vai trò của bộ
môn lịch sử trong việc giáo dục thế hệ trẻ đã được thừa nhận là vô cùng to lớn,
thể hiện ở cả ba mặt: trí tuệ, nhân cách, và năng lực tư duy,nhận thức. Vì vậy
vấn đề dạy học lịch sử hiện nay khiến cho nhiều người phải trăn trở, suy nghĩ.
Việc đổi mới nội dung giáo dục cũng nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục. Sách giáo
khoa lịch sử lớp 10 hiện nay có nhiều đổi mới về hình thức và nội dung so với
sách giáo khoa lịch sử lớp 10 cải cách giáo dục.
Thực trạng của vấn đề dạy
học liên môn hiện nay có những nét chính
sau
Hiện nay giáo viên rất
tích cực trong việc đổi mới phương pháp, vận dụng quan điểm dạy học liên môn
vào giảng dạy lịch sử để nâng cao hơn nữa hiệu quả giáo dục. Giáo viên đã nêu
ra những thuận lợi cũng như khó khăn khi vận dụng quan niệm dạy học này là số
học sinh có hứng thú tìm hiểu lịch sử ngày càng nhiều hơn, sách giáo khoa được
trình bày theo hướng “ mở”.Tuy nhiên, việc vân dụng quan niệm dạy học này cũng
gặp phải những khó khăn nhất định như điều kiện dạy học còn nhiều hạn chế,
thiếu thốn, do lượng kiến thức nhiều song thời gian cho môn lịch sử không
nhiều; đời sống của giáo viên còn thấp.
Mặc dù, quan niệm dạy học
liên môn đã được vận dụng vào giảng dạy lịch sử, song hiệu quả đạt được là chưa
cao. Do đó phần lớn học sinh hiện nay có thái độ bình thường, chưa phát huy
được tính tích cực trong học tập.
III. Dạy học liên môn Sử- Hội họa
a) Ngôn ngữ hội họa:
Thuộc
nhóm nghệ thuật không gian tĩnh, tạo hình sự vật một cách cụ thể, đứng yên,
hình ảnh được xây dựng theo ấn tượng thị giác. Hội họa là hình thức không gian
phẳng, phải tìm cáh tạo ảo giác về chiều sâu, về không gian ba chiều dựa vào
thấu thị học và sắc độ. Hội họa sử dụng ngôn ngữ riêng của mình như:
- Dựng
hình: diễn tả cảm xúc của họa sĩ
- Đường
nét: vừ là yếu tố đường viền, vừa là yếu tố tạo hình, dựng hình đi với màu sắc,
có khả năng miêu tả và biểu hiện.
- Màu
sắc: là yếu tố ngôn ngữ cực kì phong phú của hội họa. Sự biến hóa của màu sắc
trong hội họa không đủ từ ngữ để miêu tả vì vốn từ về màu sắc của con người là
có hạn còn sự phong phú về màu sắc là vô hạn. Màu sắc là đặc trưng ngôn ngữ của
một cá tính, một trường phái, một dân tộc. Từ chỗ lựa chọn một màu thích hơp
đến kết hợp các màu thành hòa sắc cho bức tranh là cả một sự sáng tạo. màu sắc
giữ một vai trò quan trọng như một yếu tố nội dung.
Ví dụ:
Bức tranh Logiocon: màu sắc không lòe loẹt, chỉ một màu xanh thẫm, có cảm giác
bức tranh đang đẫm hơi nước, hơi sương, đàng sau bức tranh là thiên nhiên,
khiến cho ta có cảm giác con người như đang hòa mình với thiên nhiên
Nhắc
đến màu sắc trong hôi họa, chúng ta không thể không nhắc tới Le Titian- ông
được mệnh danh là bậc thấy về màu sắc “Với ông màu sắc là sức mạnh chủ yếu”.
Điều này được thể hiện rất rõ trong các họa phẩm của ông. Ví như trong tranh
“Lễ thăng thiên và gia miện của Đức Mẹ”
“ Có
rất nhiều ý kiến nhận định về bức tranh bàn thờ Frari, đã cho thấy rõ bố cục
màu sắc: vòng thiên đường ở bên trên và một khối hình chữ nhật ở dướ gồm các
tông đồ (hình tượng gợi ý là cái quách của Đức Mẹ) ông dung khuôn màu duy nhất
của hai ranh giới tạo thành tam giác tiêu biểu là màu đỏ: áo của hai tông đồ ở
dưới, ở giữa áo của Đức Mẹ và trên cùng là áo choàng của Đức Chúa Trời- dẫn con
mắt người xem từ dưới lên cao của tấm
trnh. Ông dung màu nguyên chất kề bên nhau, tạo thành sự tương phản nhưng vẫn
được cân nhắc cẩn thận gợi ý cho người xem trong ánh sáng tự nhiên
- Bố
cục: chi phối đặc điểm về thị giác, điểm khi xem tranh, sự sắp xếp hình, màu và
sự kiện chính, phụ, nhấn mạnh trọng điểm, làm lu mờ điểm phụ…đó là những nguyên
tắc thông thường trong hội họa. Trong hội họa thế giới có phép bố cục cân xứng
trong hội họa phục hưng, lối tả thực chính xác trong hội họa hiện thực, chủ
nghĩa cổ điển, lối đảo lộn trật tự truyền thống của hội họa hiện đại
Ví như
bức tranh “Bữa tiệc cuối cùng của Chúa”
Bố cục
và đường nét đặc biệt, có nhiều đường nét song song, không phải là một bàn ăn
tròn mà tất cả các thành viên đều quay về một hướng, tạo điều kiên cho người xem
thuận tiện trong việc quan sát rõ từng
khuôn mặt của từng nhân vật một và sắc thái của mỗi người. Bàn ăn được chia làm
ba nhóm, Chúa ngồi giữa vững chãi, tự tin, tay xòe ra. Những người khác có
những cử chí khác nhau: một ngườu chìa tay ra, ý nuốn nói không có gì, một
người giãi bày, sắc thái ngạc nhiên, trầm tư. Nhóm hai với người đầu có vẻ như
đang nghe ngóng, người kia vẻ như đang thề thốt ” thề có Chúa không phải con”,
nhóm ba có Juda- được tạo hình với khuôn mặt tối, ở đây màu sắc được dung là
rất có dụng ý nghệ thuật, Chúa mặc áo nổi nhất- màu đỏ, trong khi Juda với màu
sắc đen tối
b) Tầm quan trọng của dạy học liên môn Sử- Hội họa.
- Đây
là một phương pháp dạy học đại trong dạy học Lịch Sử, giúp học sinh phát triển
toàn diện về mọi mặt
- Giờ
học sẽ trở nên sinh động hơn, vì không chỉ có giáo viên là người trình bày mà
học sinh cũng tham gia vào quá trình tiếp nhận kiến thức, từ đó phát huy tính
tích cực của học sinh.
- Dạy
học liên môn cũng góp phần phát triển tư duy liên hệ, liên tưởng ở học sinh.
- Tạo
cho học sinh một thói quen trong tư duy, lập luận tức khi xem xét một vấn đề
phải đặt chúng trong một hệ quy chiếu, từ đó mời có thể nhận thức vấn đề một
cách thấu đáo.
- Rèn luyện cho học sinh khả năng “ đọc” ngôn ngữ hội
họa, hiểu được nội dung cũng như tư tưởng mà tác giả muốn đề cập đến.I Ứng dụng dạy học liên môn Sử- Hội họa vào giảng dạy bài “Phong trào Văn hóa Phục hưng”
1 Lí do chọn bài:
Thứ nhất, đây là bài nằm
trong phần Tây Ậu hậu kì trung đại. Trước khi học về phong trào văn hóa Phục
Hưng thuộc phần Tây Âu hậu kì trung đại, học sinh đã được học thời kì hình
thành và phát triển chế độ phong kiến Tây Âu và bài các quốc gia cổ đại phương
Tây. Sau khi học xong bài phong trào Văn hóa Phục Hưng, học sinh sẽ chuyển sang
học về Tây Âu thời cận đại.
Những bài học trước sẽ là cơ sở để các em hiểu bài học mới. Các
sự kiện xảy ra cùng thời với sự kiện phong trào văn hóa Phục Hưng cũng có mối
quan hệ chặt chẽ với sự kiện đang học. Đồng thời đây cũng là cơ sở để học sinh
có nền tảng khi tiếp nhận nguồn kiến thức thời Tây Âu cận và hiện đại.
Thứ hai, đây là bài lịch
sử thuộc phần văn hóa, nó sẽ bổ sung kiến thức một cách toàn diện cho học sinh,
giúp học sinh hiểu rằng lịch sử không phải chỉ có những cuộc đấu tranh, biểu
tình mà lịch sử còn là những nét về văn hóa, kiến trúc, điêu khắc của các nước.
Từ đó tạo hứng thú học tập ở học sinh.
Thứ ba, học xong bài này
sẽ giúp học sinh giải thích được những vấn đề liên quan đến các môn học khác,
ví như học sinh có thể hiểu được tại sao nội dung văn học, hội họa thời kì này
lại khẳng định quyền con người và cái “tôi” của mỗi người được đề cao. Đồng
thời học sinh hiểu được những thành phố lớn trên thế giới có các di tích lịch
sử văn hoá thời kì Phục Hưng khi các em học phần địa lí văn hóa thế giới. Đặc
biệt, đây là một nội dung thuộc phần lịch sử thế giới, học sinh sẽ có một nhận
thức đầy đủ hơn đối với lịch sử dân tộc trong quan hệ đối sánh với lịch sử thế
giới.
2 Nội dung bài:
Ø Mục tiêu bài học:
ü
Về
kiến thức:
- Giai cấp tư sản đang
lên trong khi các giáo lý của nhà thờ Thiên Chúa đã lỗi thời. Họ cần có một hệ
tư tưởng riêng trên cơ sở một nần văn hóa phù hợp với đời sống và lợi ích giai
cấp của họ.
- Phong trào Văn hóa Phục
hưng lên án Giáo hội, tấn công vào trật tự phong kiên, đề cao giá trị con người
và tự do cá nhân.
- Phong trào Văn hóa Phục
hưng có giá trị nhân văn sâu sắc, tính phản phong mạnh mẽ, song chưa thật triệt
để.
ü
Về
tư tưởng, tình cảm:
- Giúp học sinh hiểu rõ
những giá trị văn hóa của loài người trong thời kì Phục hưng, từ đó có ý thức
trân trọng và giữ gìn những giá trị văn hóa đó.
ü
Về
kĩ năng:
- Rèn học sinh kĩ năng
phân tích, phê phán thấy rõ sự lạc hậu của giai cấp phong kiến và giáo hội.
- Kĩ năng khai thác tranh
ảnh về văn hóa Phục hưng.
Bài gồm có ba phần:
Vấn đề 1: Hoàn cảnh ra đời của phong trào Văn
hóa Phục Hưng
- Hậu kì trung đại, bộ
mặt kinh tế Tây Âu có nhiều thay đổi, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa hình
thành, sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật.
- Những quan điểm lỗi
thời của xã hội phong kiến kìm hãm sự phát triển của giai cấp tư sản.
- Giai cấp tư sản có thế
lực về kinh tế, song chưa có địa vị về xã hội tương ứng, vì vậy họ muốn xóa bỏ
chướng ngại phong kiến.
Vấn đề 2: Những thành tự chính của Văn hóa
Phục Hưng:
- Phong trào Văn hóa Phục
Hưng là khôi phục tinh hoa văn hóa xán lạn cổ đại Hy Lạp, Rôma, đấu trnh xây
dựng một nền văn hóa mới, một cuộc sống tiến bộ.
- Thành tựu:
+ Khoa học kĩ thuật có
tiến bộ vượt bậc về y học, toán học.
+ Văn học nghệ thuật phát
triển phong phú với những tài năng như: Leonard de Vinci, Sech- xpia.
- Nội dung của phong trào
Văn hóa Phục hưng:
+ Phê phán xã hội phong
kiến và giáo hội.
+ Đề cao giá trị con
người.
+ Đòi quyền tự do cá
nhân.
Vấn đề 3: Ý nghĩa của phong trào Văn hóa Phục
Hưng:
- Lên án giáo hội Kito,
tấn công vào trật tự phong kiến, đánh bại tư tưởng phong kiến lỗi thời.
- Đây là cuộc đấu tranh
đầu tiên của giai cấp tư sản chống lại chế độ phong kiến trên mặt trận văn hóa
tư tưởng.
- Đề cao tự do, xây dựng
thế giới quan tiến bộ.
ÆSơ đồ cấu trúc vấn đề phong trào Văn hóa Phục Hưng
Hoàn cảnh ra đời Cái nôi xuất hiện
Các sự kiện đương đại
Chủ
nghĩa nhân văn
Nội dung Thái độ với giai cấp thống trịs
Thái độ với
ngườu lao động
Tình cảm
dân tộc
Nhân vật lí
tưởng của thời đại
Ý nghĩa Giải phóng tư tưởng
Làm phong phú
kho tàng văn hóa nhân loại
3 Ứng dụng vào bài: Phong trào Văn hóa Phục Hưng
Giáo
viên đưa ra những tranh, ảnh thể hiện hiện nội dung của phong trào văn hóa Phục
Hưng, sau đó sẽ giải thích về những nội dung được thể hiện trong tranh. Cuối
cùng, đặt một số câu hỏi giúp học sinh nhận thức vấn đề và rút ra kết luận cần
thiết.
Tranh
Mona Lisa của Leonard de Vinci
“ Điều
khiến ta sửng sốt trước tiên là mức độ sống động đến lạ lung của Lisa. Nàng
thực sự như đang nhìn ta và có một tâm tư riêng. Nàng như thay đổi mỗi lần ta trở lại với nàng. Đôi lúc
nàng như chế giễu ta và rồi có khi như bắt gặp một điều chi buồn bã nơi nụ cười
của nàng”[1]. Đây
là bức chân dung vẽ nửa người, lớn gần bằng người thật được diễn tả rất sống
động, đầy sinh khí với thế giới nội tâm phức tạp. Mona Lisa mặc chiếc áo màu
sẫm, cổ mở tương đối rộng, hai bàn tay đặt hờ hững lên nhau ở phía trước, nét
mặt hiền hậu, thông minh và nụ cười mỉm khó tả, nụ cười phảng phất dường như
gợn sóng thoảng nhẹ trên mặt hồ, đượm vẻ xúc động của tâm hồn, làm cho nhân vật
trở nên sống động, huyền bí. Nền tranh là phong cảnh bao la man mác với con
đường, những lùm cây êm đềm, nhịp cầu nho nhỏ, dòng nước uốn quanh,… không gian
êm đềm đó đã tôn vẻ đạp của nàng Mona Lisa lên, đồng thời như quyện lấy người
đẹp, tạo nên một sự hài hòa tuyệt diệu giữa người và cảnh.
Tranh
“Ginerva Benci”
Chủ đề chân dung mĩ nhân “Ginerva Benci” trong tranh
thoáng nhìn chúng ta với một vẻ hờn dỗi yêu kiều tuyệt vời. Môi nàng cong lên,
hầu như tỏ vẻ bất bình, hoặc một niềm tự hào và mái tóc đẹp, hoàn hảo, đầy tự
tin vươn trên chiếc cổ cao trắng ngần. Đôi mắt nàng dường như hơi nheo lại. Cặp
chân mày nàng thanh mảnh, đáng yêu, uốn cong từ vầng tráng sáng sủa, thông
minh. Những nét này được lặp lại ở các nhánh tóc xoăn, xòe xuống đôi má yêu
kiều của nàng
Giáo
viên hỏi: Các em quan sát bức tranh và cho cô biết chân dung của nàng “Mona
Lisa” và “ Ginerva Benci” chiếm bao nhiêu phần của bức tranh? Điểu đó nói lên
điều gì?
Trả
lời: Hình ảnh nàng “Mona Lisa” và “ Ginerva Benci” chiếm gần hết bức tranh, thể
hiện con người là trung tâm của vũ trụ, con người cần được ca ngợi, cần được
tôn vinh.
Tranh
“Đức Mẹ ngồi trên ghế bành”
Vòng tay âu yếm, cái nhìn trìu mến
yêu thương, cái áp dịu dàng ấm áp…Tình mẫu tử của Thánh thần hay con người tỏa
ra từ bức tranh khiến ta lưu luyến không muốn rời xa
Tranh
“Đức bà Si-xtin”
Bức
tranh kể chuyện Thánh nhưng hình ảnh Madona toát lên tâm trạng người mẹ trẻ bên
đứa con thơ. Thánh Si-xtin kính cẩn đặt mũ xuống sàn, tay chỉ về phía muôn
người nói: “Theo lệnh Chúa cha, xin Đức bà hãy trao chúa hài đồng cho cuộc
thế”. Người mẹ môi run lên như đắn đo: “Cuộc đời đầy giông bão, ta trao con ta
cho trần thế không biết nó có trụ lại nổi cõi đời không”[2]
Tranh
“Người làm vườn xinh đẹp” của Rafael
Tranh “Người làm vườn xinh đẹp” có bố cục cân đối với ba nhân vật- một cô gái
với hai cháu bé trong một không gian rộng lớn. Cô gái với một vẻ hiền dịu làm
ta liên tưởng đến khuôn mặt ngời sáng của Đức Mẹ trong bức tranh “Đức bà
Si-xtin”. Hai em bé bụ bẫm, vui tươi làm người xem nghĩ đến Chúa hài đồng với
khuôn mặt đầy ánh hào quang, như đang hướng về Chúa. Bức tranh diễn tả một
khung cảnh đời thường- cô gái săn sóc các em bé, như chăm bón cho cây non trong
vườn cây tràn đầy sức sống. Những hình ảnh rất thân thương, rất đời thường lại
mang hình ảnh rất tôn nghiêm, kết hợp hài hòa với bức tranh “Đức bà Si-xtin” diễn
tả cảnh rất trang nghiêm- Đức Mẹ Đồng trinh đang bế chúa Hài đồng nhưng lại rất
gần gũi và đời thường[3]
Giáo
viên hỏi: Các nhân vật trong tranh đều là các Thánh, nhưng nội dung được thể
hiện trong tranh hướng tới điều gì?
Trả lời:
Các bức tranh trên tuy có hướng về tôn giáo, hướng về chúa, song điều nổi bật
là tình mẹ con, tình người đẹp đẽ mãi mãi sống với nhân loại.
(Giáo viên yêu cầu học sinh nhìn kĩ vào trung tâm bức
tranh)
Giáo viên mô tả: trường học Aten là bức
họa lớn mô tả sự rực rỡ của thời đại hoàng kim lịch sử văn hóa nhân loại, đề
cao tư tưởng triết học Hy Lạp. Bức tranh vẽ cuộc tranh luận về vũ trụ và tâm
linh của các nhà hiền triết và bác học của thế giới cổ đại có quan niệm khác
nhau về nhân sinh, về vũ trụ nhưng là những người đại diện cho trí tuệ của loài
người. Ở diện sau của tranh, trên nền cao của một ngôi đền đồ sộ, lộng lẫy là
hai nhân vật chính đang vừa đi vừa thảo luận, đó là Platon ( tay chỉ lên trời,
tượng trưng cho niềm tin nơi thượng đế) và Arittot ( tay chỉ xuống đất, nơi
cuộc sống diễn ra hằng ngày)
Giáo
viên hỏi: đây được coi là tuyên ngôn nghệ thuật của các nghệ sĩ thời Phục Hưng.
Vì sao?
Trả
lời: đây được coi là tuyên ngôn nghệ
thuật của các nghệ sĩ thời Phục Hưng, họ không còn tin ở những gì được nêu ra
trong kinh thánh mà bắt đầu đi tìm hiểu, quan sát để tìm ra sự thật.
Dạy học
liên môn là một nguyên tắc quan trọng trong dạy học nói chung và trong dạy học
Lịch Sử nói riêng. Tuy nhiên để thực hiện tốt và có hiệu quả đòi hỏi sự nỗ lực
ở cả thấy và trò. Và việc thực hiện nó không phải bài nào, không phải phần nào
cũng thực hiện được.
Tuy
nhiên theo ý kiến chủ quan của tôi, để khắc phục tình trạng dạy- học Sử như
hiện nay, không chỉ đổi mới phương pháp mà phải thay đổi cả cách suy nghĩ của
mọi người, của xã hội về vị trí của môn Sử trong việc đào tạo con người. Hơn
nữa, để cải thiện chất lượng dạy và học môn Sử hiện nay không phải chỉ có giáo
viên cố gắng mà học sinh cũng phải ý thức hơn trong việc học tập. Thử hỏi giáo
viên dạy hay, tiết học sinh động, hấp dẫn nhưng học sinh không học bài, không
chuẩn bị bài, không đọc sách giáo khoa, vậy thì kết quả sẽ vẫn là….
Vì vậy để nâng cao chất lượng dạy- học môn Sử cũng như
chất lương giáo dục cần có sự quan tâm của tất cả mọi người, của cả xã hội.
1. Phạm Thanh Bình, 3/1995, Đổi mới mạnh mẽ
phương pháp dạy học ở trường phổ thông- yêu cầu cấp bách của sự nghiệp giáo dục
hiện nay, Tạp chí NCGD
2.
Bộ
Giáo dục và Đào tạo, 2006, Giáo trình triết học Mác- Lenin, NXB Chính trị quốc
gia.
3.
Nguyễn
Thị Côi, 2/2002, Kênh hình, một nguồn kiến thức quan trọng trong dạy học Lịch
sử, Tạp chí nghiên cứu giáo dục
4.
Trần
Văn Cường, 7/1997, Vận dụng nguyên tắc liên môn trong dạy học lịch sử ở PTTH,
Tạp chí NCGD.
5.
N.A.ÊROPHEEP,
1981, Lịch sử là gì, NXBGD.
6.
E.H
Gombrich, Lê Sĩ Tuấn dịch, Câu chuyện nghệ thuật, NXB Văn nghệ HCM.
7.
Trần
Bá Hoành, 1/1994, Dạy học lấy học sinh làm trung tâm, Tạp chí nghiên cứu giáo
dục.
8.
Phan
Ngọc Liên- Trần Văn Trị, 2004, Phương pháp dạy học lịch sử, NXBGD.
9.
Mai
Ngọc Luông, 10/2005, Đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn lịch sử bậc trung
học- một yêu cầu bức thiết, Tạp chí Dạy và học ngày nay
10. Trần Đức Minh, 4/1999, Một yếu tố
nâng cao tính tích cực học tập của học sinh, Tạp chí NCGD.
11. Ngô Minh Oanh- Nhữ Thị Phương Lan-
Đào Thị Mộng Ngọc, 2006, Tài liệu bồi dưỡng giáo viên cốt cán trường THPT, môn
Lịch Sử
12. Lê Vinh Quốc, 2007, Đề cương tóm tắt
chuyên đề phương pháp dạy học lịh sử, ĐHSPTPHCM
13. Vũ Văn Tảo, 4/1995, Yêu cầu mới đối
với mục tiêu- nội dung- phương pháp giáo dục: xu thế và hiện thực, Tạp chí
NCGD.
14. Trần Viết Thụ, Góp thêm ý kiến về
phương pháp giảng dạy các nội dung văn hóa trong môn Lịch sử PTTH, Tạp chí
NCGD.
15. Trần Viết Thụ, 12/1997, Vận dụng
nguyên tắc liên môn khi dạy học các vấn đề văn hóa trong SGK lịch sử PTTH, Tạp
chí NCGD.
16. Trịnh Tiến Thuận- Nguyễn Xuân Trường-
Nguyễn Nam Phóng- Lê Hiến Hương- Phan Ngọc Huyền, 2007, Hướng dẫn sử dụng kênh
hình trong sách giáo khoa Lịch Sử lớp 10, NXBHN
17. Đào Vĩnh, 9/1995, Lối dạy” Đọc-
chép”- những nguyên nhân và cách khắc phục, Tạp chí NCGD.
Trang web: google.com/ hội họa phục hưng