http://antg.cand.com.vn/vi-VN/sukien/2011/5/75065.candTình hình biên giới Thái Lan -
Campuchia tạm lắng xuống sau hơn hai tháng, lại bùng phát căng thẳng trở
lại khi cuối tuần qua, quân đội hai bên đã có cuộc đấu súng hạng nặng
kéo dài nhiều giờ ở vùng biên giới trong lúc đang có những cố gắng
thương thảo ngừng bắn dưới sự quan sát của Indonesia trong Hiệp hội các
nước Đông Nam Á (ASEAN).
Bất
chấp lời kêu gọi ngưng bắn của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Tổ chức ASEAN,
giao tranh lần này giữa hai bên đã bước sang ngày thứ tư. “Bế tắc” là từ
được dùng để nói đến tình hình căng thẳng hiện nay và cả trong tương
lai gần giữa Campuchia và Thái Lan.
Thành phần vô can nhưng phải
chịu đựng thiệt hại khi chiến sự bùng nổ là dân cư đang sống ở hai bên
đường biên giới. Phía Thái Lan tại khu vực quận Prasat thuộc tỉnh Surin,
dân tản cư phải sống trong những túp lều dựng tạm. Somdee Suebnisai,
viên chức địa phương ở Phanom Dong Rak nói đã có 16 trại tạm cư được
dựng lên cho 18.000 dân tị nạn và tính đến chiều 24/4, con số người Thái
Lan tị nạn có thể lên đến 20.000 người.Ai cũng là người nổ súng trước! Cả hai bên đều tố giác nhau đã sử dụng trọng pháo bắn vào các ngôi đền tính đến trưa ngày 25/4. Đại tá Sansern Kaewkamnerd, người phát ngôn của quân đội Thái Lan nói: Hai bên đã sử dụng pháo, tên lửa cầm tay và cả đại liên lẫn tiểu liên. Trung tướng Chhum Socheat, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia thì cho biết, phía Campuchia có 3 lính tử thương và 17 lính bị thương. Cuộc giao tranh lần này diễn ra ở khu vực gần 3 ngôi đền cổ Ta Krabey, Ta Moan Thom và Ta Moan Touch trong địa giới tỉnh Oddar Meanchey của Campuchia đối diện tỉnh Surin của Thái Lan, khiến hàng nghìn người dân ở cả hai bên biên giới phải rời bỏ nhà cửa chạy đi lánh nạn. Phía Campuchia nói rằng, đạn trọng pháo rơi xuống làng dân và các khu vực khác ở những nơi sâu tới 21km trong lãnh thổ của họ. Vào tháng 9/2008, Thái Lan cũng đã cho quân đi vào khu vực ba đền cổ này vì cho rằng thuộc phần đất của Thái Lan. Cũng như lần trước, cả Campuchia lẫn Thái Lan đều cho rằng bên kia bắn trước khi có nổ súng. Trong khi Campuchia nói Thái Lan nã hàng trăm trái pháo lớn vào khu vực dân cư sống gần đền cổ Ta Krabey cũng như dùng hơi độc trên chiến trường, và cho máy bay thám thính đi sâu vào không phận Campuchia, thì giới chức quân sự Thái đáp trả lại là họ chỉ bắn pháo để chống lại cuộc tiến công của lính Campuchia, và không dùng hơi độc hay sử dụng máy bay. Trong khi Thái Lan nói hai bên chỉ đụng độ có khoảng một giờ đồng hồ, thì Đài Truyền hình CTN tại Phnom Penh trong bản tin trưa ngày 22/4 lại nói cuộc đụng độ diễn ra trong gần 5 tiếng đồng hồ, và Thái Lan xin ngừng bắn để lấy xác binh sĩ. Cách đây một tuần, chính quyền Campuchia đã gửi một đoàn văn nghệ gồm nhiều nam nữ ca sĩ và diễn viên hài nổi danh ở thủ đô lên khu vực gần đền cổ Preah Vihear phục vụ lính đồn trú trong dịp Tết cổ truyền Khmer, vì họ phải trực chiến không về thăm gia đình được. Trong lúc chính quyền Campuchia tăng cường phòng thủ tại đền Preah Vihear, thì chiến sự lại nổ ra ở đền Ta Krabey.
Trong khi đó bên Campuchia đã có trên 2.000 gia đình bỏ làng quê chạy xa khỏi vùng giao tranh. Họ dùng đầu xe máy kéo trong sản xuất nông nghiệp, gắn thêm phía sau một cái thùng rơ moóc tự tạo, rồi chất của cải, vợ con lên chạy tránh đạn pháo, còn hoa màu, trâu bò, gà vịt phải bỏ lại. Hội Chữ thập đỏ Campuchia do bà Hun Sen làm chủ tịch đã có biện pháp giúp đỡ dân tị nạn như ổn định chỗ ở tạm, khám bệnh, cấp thuốc, giúp một ít quần áo, thực phẩm, tiền mặt. Trong khi chiến sự nổ ra tại tỉnh Oddar Meanchey thì các thương binh hay dân bị trúng đạn pháo được chuyển xuống phía nam, vào bệnh viện tỉnh Siêm Riệp cách đó gần 100km để chữa trị. Xung đột chồng xung đột Cuộc tranh chấp liên quan đến chủ quyền ở khu vực có các đền thờ Hindu như Preah Vihear, Ta Moan và Ta Krabey, cũng như khu rừng ở rặng núi Dangrek quanh đó đã có từ khi Pháp rút khỏi Campuchia vào thập niên 50 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, quan hệ Thái Lan-Campuchia bắt đầu leo thang căng thẳng từ cuối năm 2010 đến nay vẫn chưa cho dấu hiệu lắng dịu. Trước khi bước qua năm mới 2011, quan hệ Thái Lan và Campuchia đột ngột căng thẳng trở lại với việc phía Campuchia bắt giữ một nhóm chính khách Thái Lan, vì tội danh xâm phạm lãnh thổ và làm gián điệp. Cụ thể, ngày 29/12/2010, chính quyền Campuchia bắt giữ 7 người Thái gồm 5 đàn ông, 2 phụ nữ về tội danh đi vào đất Campuchia bất hợp pháp khi đoàn người này đang thực hiện công vụ do Dân biểu Panich Vikitsreth trong đảng đương quyền Thái hướng dẫn, đó là mở cuộc điều tra về khu vực phân ranh trên tuyến biên giới trong phạm vi huyện Ban Nong Chan tỉnh Sa Kaew của Thái và tỉnh Banteay Meanchey của Campuchia. Báo Bangkok Post số ra ngày 12/1/2011 cho biết, Thủ tướng Abhisit đã bổ nhiệm một dân biểu có vị thế quan trọng tại Quốc hội là ông Panich Vikitsreth đi thu thập các dữ kiện về dân Thái sống tại vùng biên giới, tuy nhiên không rõ lý do gì ông Panich đã cùng ông Veera Somkwamkid, một người cầm đầu phe Áo Vàng nổi tiếng chống Campuchia và 5 người nữa đi vào lãnh thổ Campuchia. Trong tình hình đang nóng lên như thế, thì phía Thái Lan đã bất cẩn hay theo thói quen của họ khiến cho quan hệ hai bên xấu thêm khi lính biên phòng nổ súng bắn 11 người dân Campuchia đang đi kiếm củi tại biên giới, làm cho một người chết và một bị thương. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia, Koy Kuong, nói vụ bắn chết dân xảy ra vào ngày 6/1. Ngày 6/1, bảy người Thái bị mang ra tòa án Phnom Penh lần thứ hai để xét xử kể từ khi bị bắt. Đến ngày 1/2, hai cựu lãnh đạo của phe Áo Vàng đã bị kết án tù và hiện vẫn bị giam giữ tại Phnom Penh, trong khi 5 người còn lại đã được thả về Thái Lan.
Bế tắc Trong lần leo thang căng thẳng giữa Campuchia và Thái Lan hôm 22/4, LHQ đã phải lên tiếng kêu gọi hai nước ngừng bắn. ASEAN cũng đã vào cuộc làm trung gian dàn xếp ngừng chiến. Cuộc chạm súng lần này diễn ra trong lúc hai bên đã nhất trí gửi các nhóm quan sát viên quốc tế đến vùng biên giới đang tranh chấp, và các cố gắng hòa giải của Hiệp hội các nước Đông Nam Á có chiều hướng tiến triển tốt. Indonesia, với tư cách là Chủ tịch luân phiên của Tổ chức ASEAN ngay lập tức đã lên tiếng kêu gọi hai bên "Ngừng ngay lập tức các hành động thù địch và giải quyết bất đồng bằng các cách thức hòa bình".
Trước tình hình này, với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN trong năm 2011, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa dự kiến lần lượt tới thăm cả hai nước trong hôm 25/4 để thảo luận giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới. Tuy nhiên, chuyến thăm đã bị hoãn lại vào phút chót và chưa biết khi nào sẽ được nối lại. Người phát ngôn chính quyền Thái Lan, ông Panitan Wattanayagorn nói chuyến đi bị hủy bỏ bởi vì cả Thái Lan và Campuchia chưa ấn định được thời hạn của các quan sát viên Indonesia. Ngoại trưởng Indonesia là người bảo trợ thỏa thuận ngừng bắn ngày 22/2/2011 có sự hậu thuẫn của LHQ theo đó sẽ gửi các quan sát viên không vũ trang người Indonesia đến khu vực tranh chấp gần đền cổ Preah Vihear. Tuy nhiên thỏa thuận này có thể không bao giờ được thi hành do vì Thái Lan nhấn mạnh không cần các quan sát viên quốc tế và vấn đề tranh chấp chỉ được giải quyết song phương. Trong khi đó Campuchia cần một bên thứ ba làm trung gian để giải quyết tranh chấp, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia, ông Koy Kuong. Nhìn chung, quan điểm của hai bên từ trước đến giờ vẫn còn khác xa rất nhiều |
||||||
Mộc Thạch - Văn Bôl (tổng hợp |