Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Sự ra đời Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam-Một sáng tạo của Đảng

Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20-12-1960- 20-12-2010) :

Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTTGPMNVN) ra đời, một hình thức tập hợp lực lượng sáng tạo của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 50 năm sau kể từ khi ra đời, bài học kinh nghiệm về việc tập hợp lực lượng một cách sáng tạo, độc đáo của MTTGPMNVN dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn còn nguyên giá trị. Kinh nghiệm, bài học quý giá đó đã và đang được phát huy trong một hình thức mặt trận rộng rãi - Đó là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay.

1. Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành TƯ Đảng và sự ra đời của MTTGPMNVN
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai chế độc chính trị khác nhau. Từ năm 1954 đến 1959, Mỹ – Diệm đã tiến hành cuộc “chiến tranh một phía”, hòng biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, đồng thời đàn áp và dập tắt phong trào đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam.
Trong thời gian đó, Đảng từng bước tìm tòi, hoạch định đường lối cách mạng miền Nam, trong đó có chủ trương xây dựng một mặt trận dân tộc thống nhất chống Mỹ - Diệm. Chỉ thị của Bộ Chính trị tháng 9-1954, Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 6-1956Về tình hình, nhiệm vụ và công tác miền Nam, đường lối cách mạng miền Nam” (12-1956) là những cơ sở đầu tiên hình thành đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và chủ trương xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất ở miền Nam của Đảng.
Đáp ứng yêu cầu của cách mạng miền Nam, Hội nghị Ban Chấp hành TƯ Đảng lần thứ 15 (1-1959) và Đại hội III của Đảng (9-1960) đã vạch ra nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là “giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh[1].
Quán triệt quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin về bạo lực cách mạng, đồng thời căn cứ vào thực tiễn cách mạng miền Nam, để tập hợp lực lượng, thực hiện nhiệm vụ cách mạng đề ra, trên cơ sở Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành TƯ Đảng, Nghị quyết Đại hội III của Đảng (9-1960) khẳng định, ở miền Nam phải “thực hiện một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi chống Mỹ - Diệm lấy liên minh công-nông làm cơ sở”[2]. Mặt trận phải đoàn kết được các giai cấp và các tầng lớp yêu nước, các dân tộc đa số và các dân tộc thiểu số, các đảng phái và tôn giáo yêu nước, và tất cả những người có khuynh hướng chống Mỹ - Diệm; đoàn kết tất cả những lực lượng có thể đoàn kết, tranh thủ bất cứ lực lượng nào có thể tranh thủ, trung lập những thế lực cần phải trung lập, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân vào phong trào đấu tranh chung chống Mỹ - Diệm, giải phóng miền Nam, hoà bình thống nhất Tổ quốc.
Thực hiện Nghị quyết 15 và Nghị quyết Đại hội III, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, ngày 20-12-1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, đại biểu các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo và các đảng phái đã họp Đại hội, quyết định thành lập MTDTGPMNVN. Đại hội đã thông qua Tuyên ngôn, Chương trình hành động “10 điểm” với nội dung cơ bản là đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và bọn tay sai Ngô Đình Diệm, xây dựng một miền Nam độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc.
2. MTDTGPMNVN-một hình thức tập hợp lực lượng sáng tạo của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
MTDTGPMNVN đã đoàn kết được mọi lực lượng yêu nước ở miền Nam, làm cho khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng củng cố và tăng cường.

Ngay khi mới ra đời, MTDTGPMNVN chủ trương: đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo và thân sĩ yêu nước không phân biệt xu hướng chính trị, để đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, thực hiện độc lập, dân chủ, hoà bình trung lập, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc. “Hoà bình trung lập”, “tiến tới hoà bình thống nhất” là một chủ trương sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cách mạng miền Nam. Vì vậy, Mặt trận đã “tập hợp đông đảo các đảng phái, các đoàn thể, các nhân sĩ đại diện cho mọi khuynh hướng chính trị, tôn giáo, dân tộc và các tầng lớp nhân dân ta”
[3]. Lực lượng của Mặt trận bao gồm đủ mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi, mọi giới, mọi dân tộc, tôn giáo và hàng chục vạn kiều bào ta ở nước ngoài sống xa Tổ quốc luôn hướng về Mặt trận, hướng về ngọn cờ cứu nước. Mặt trận còn liên hiệp với nhiều tổ chức và cá nhân có khuynh hướng khác nhau (kể cả những lực lượng không thích cộng sản). Mặt trận thực sự là người làm chủ tình hình miền Nam, là người đại diện chân chính duy nhất cho nhân dân miền Nam.
Mặt trận đã xây dựng được lực lượng chính trị hùng hậu, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ.
Trên cơ sở tập hợp lực lượng, Mặt trận tiến hành xây dựng và phát triển lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Với hệ thống tổ chức của mình từ Trung ương đến cơ sở, Mặt trận đã vận động, tổ chức được một đội quân chính trị và phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi, đều khắp trên tất cả các địa bàn. Chỉ tính từ năm 1961-1969, “đã có hơn 140 triệu lượt đồng bào đã tham gia đấu tranh chính trị”[4]. Phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam không những phát triển ở nông thôn, mà còn phát triển mạnh mẽ rộng khắp ở các đô thị miền Nam. Các cuộc đấu tranh của công nhân, lao động, học sinh, sinh viên, trí thức, đồng bào Phật giáo và các tầng lớp nhân dân khác ở các thành thị dường như không lúc nào chấm dứt với những đỉnh cao như phong trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo cuối năm 1963, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ của công nhân và học sinh, sinh viên Sài Gòn năm 1970... Phong trào đấu tranh đó làm cho ngụy quyền tay sai bị lung lay đến tận gốc rễ, làm rối loạn ngay tận sào huyệt của Mỹ - ngụy, tập hợp đông đảo đồng bào ta tiến lên diệt ác ôn, phá kìm kẹp, giành quyền làm chủ, hình thành mặt trận đoàn kết rộng rãi thu hút cả sĩ quan, binh sĩ, nhân viên thuộc ngụy quyền Sài Gòn đấu tranh đòi hoà bình, đòi lật đổ ngụy quyền hiếu chiến và ngoan cố Thiệu - Kỳ - Hương, đòi thành lập nội các hoà bình, nghiêm chỉnh thương lượng với MTDTGPMNVN. Phong trào vận động binh sĩ ngụy của đồng bào miền Nam cùng giành được những thắng lợi to lớn…
Căn cứ vào tương quan lực lượng trên mỗi địa bàn, mỗi vùng chiến lược, Quân giải phóng và các tầng lớp nhân dân miền Nam tiến hành chống đế quốc Mỹ và tay sai bằng nhiều hình thức, vận dụng linh hoạt và kết hợp các hình thức đấu tranh “hai chân, ba mũi, ba vùng”, kết hợp đấu tranh trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao; kết hợp tiến công và nổi dậy, tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tổng tiến công và nổi dậy… tạo ra sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân, đánh bại từng chiến lược chiến tranh, tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.
Mặt trận đã làm chủ những vùng giải phóng rộng lớn xây dựng hậu phương tại chỗ, làm bàn đạp tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Thắng lợi to lớn của quân và dân miền Nam đã dẫn đến sự hình thành những vùng giải phóng rộng lớn từ bờ Nam sông Bến Hải đến tận mũi Cà Mau, tạo một thế đứng mạnh mẽ cho quân và dân ta đánh địch khắp mọi nơi. Trong vùng giải phóng, Mặt trận có đủ tư cách là một chính phủ, có ảnh hưởng đối với nhiều người ở nông thôn hơn chế độ Sài Gòn và củng có uy tín rộng lớn ở các thành thị. Ở các vùng giải phóng, nhân dân thực sự được sống tự do, được làm chủ cuộc đời mình. Đồng bào ở vùng giải phóng đã tăng gia, sản xuất, xây dựng ấp, làng chiến đấu, phát triển chiến tranh du kích, xây dựng, phát triển văn hoá - giáo dục... hăng hái đóng góp nhân tài, vật lực cho kháng chiến chống Mỹ. Khả năng tiềm tàng về chính trị, vật chất và tinh thần của cách mạng miền Nam trong vùng giải phóng là một nhân tố quan trọng, góp phần không nhỏ cho thắng lợi của các phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang. Vùng giải phóng thực sự là hậu phương trực tiếp vững chắc của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Mặt trận tăng cường các hoạt động đối ngoại, nhằm đoàn kết, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, hình thành 3 tầng mặt trận chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Hoạt động ngoại giao Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mang nét đặc thù “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Bên cạnh những hoạt động ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, hoạt động đối ngoại của MTDTGPMNVN đã góp phần hết sức quan trọng vào việc đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Xuyên suốt trong quá trình hoạt động của mình, Mặt trận đã quán triệt chủ trương của Đảng: kết hợp được lực lượng trong nước và quốc tế vào cuộc kháng chiến chống Mỹ chính là cách thức tốt nhất để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng miền Nam, từ đó Mặt trận đã có những chính sách thiết thực để biến chủ trương của Đảng thành hiện thực.
Mặt trận đã hướng mọi hoạt động đối ngoại vào việc cô lập triệt để đế quốc Mỹ, phân hoá hàng ngũ kẻ thù; tăng cường đoàn kết với các lực lượng dân tộc, dân chủ, xã hội chủ nghĩa và hoà bình thế giới, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào đế quốc Mỹ. Mặt trận ngoại giao đã đạt được những kết quả to lớn. Một phong trào đoàn kết và ủng hộ nhân dân Việt Nam đã dấy lên mạnh mẽ trên thế giới. Ảnh hưởng và uy tín của Mặt trận không ngừng được mở rộng. Từ năm 1961 đến 1967, đã có 139 đoàn đại biểu của MTDTGPMN đi dự các hội nghị quốc tế và khu vực hay quốc gia; cũng trong thời gian đó, có tất cả 191 đoàn đại biểu nhân dân miền Nam đi thăm hữu nghị các nước, trong số đó có 12 nước XHCN, 52 nước TBCN, 3 nước dân tộc chủ nghĩa.
Bằng những hoạt động tích cực đó, Cu-ba, Vê-nê-zu-ê-la, U-ru-guay, Pooc-to Ri-cô, Nhật, Triều Tiên, Lào, In-đô-nê-xi-a đã ủng hộ MTDTGPMN và nhân dân miền Nam Việt Nam bằng cách thành lập những “Uỷ ban quốc tế đoàn kết với nhân dân miền Nam Việt Nam” trong Liên hiệp công đoàn thế giới, Thanh niên quốc tế, Hội đồng đoàn kết Á-Phi, Sinh viên quốc tế, Phụ nữ quốc tế...
Có thể nói, chủ trương đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt của Mặt trận, đã góp phần khơi dậy phong trào cách mạng thế giới “chống Mỹ, ủng hộ Việt Nam” và “ủng hộ Việt Nam chống Mỹ”. Đây là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao, góp phần vào thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
MTTGPMNVN đã ra đời, với những hình thức tập hợp lực lượng theo ngành nghề, giới tính, lứa tuổi… và bằng những chủ trương, chính sách đoàn kết của mình, Mặt trận đã tập hợp được mọi lực lượng yêu nước ở miền Nam, trên cơ sở đó Mặt trận đã xây dựng được được lực lượng chính trị, vũ trang. Mặt trận thực hiện chức năng là chính quyền cách mạng xây dựng hậu phương tại chỗ, làm bàn đạp tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bên cạnh đó, Mặt trận còn có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể và mở rộng hoạt động đối ngoại nhằm tăng cường đoàn kết quốc tế, hình thành một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược. Những thành công của Mặt trận đã góp phần quyết định vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam và thống nhất nước nhà.
50 năm sau kể từ khi ra đời, bài học kinh nghiệm về việc tập hợp lực lượng một cách sáng tạo, độc đáo của MTDTGPMNVN dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm và bài học thực tiễn của Mặt trận Việt Minh trước đó vẫn còn nguyên giá trị. Kinh nghiệm, bài học quý giá đó đã, và đang được thực hiện, được phát huy trong một hình thức mặt trận rộng rãi - Đó là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay. Và hơn bao giờ hết, chúng ta càng thấm thía rằng, không có sức mạnh của khối toàn dân đoàn kết, không có sức mạnh của mọi tầng lớp, mọi lực lượngg yêu nước được tổ chức lại và đấu tranh cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tất sẽ không có thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng một nước Việt Nam XHCN giàu mạnh và phát triển.
[1] ĐCSVN, Văn kiện Đảng, Nxb CTQG, tập 20, tr.81. [2] ĐCSVN, Văn kiện Đảng, Nxb CTQG, tập 21, tr.920. [3] Năm năm chiến đấu anh dũng thắng lợi vẻ vang của MTDTGPMN, Nxb Sự thật, 1966, tr.40. [4] Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời, Nxb Giải phóng, Sài Gòn 1969, tr.9.
Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo
http://www.xaydungdang.org.vn/Home/Lyluan-Thuctien-Kinhnghiem/2010/3188/Su-ra-doi-Mat-tran-dan-toc-giai-phong-mien-Nam-Viet.aspx