Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Biển Đen-thêm một “điểm nóng” nữa ở châu Âu

TCCSĐT - Ngày 17-5-2011, Tư lệnh Bộ Chỉ huy vận tải quân sự của Mỹ, Tướng Đun-can Măc-nap (Duncan McNabb), đến thăm Ru-ma-ni. Chuyến thăm này có ý nghĩa quyết định “số phận” của Biển Đen vì kể từ đây Mỹ đưa vùng biển này vào danh mục các "chiến trường" trong "bàn cờ lớn" trong thế kỷ XXI, còn Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước nguy cơ đánh mất vị thế độc quyền có tính truyền thống ở Biển Đen.

Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đen
Đến thăm Ru-ma-ni, Tướng Đun-can Măc-nap (Duncan McNabb) đề nghị nhà cầm quyền ở Bu-ca-ret cho Mỹ sử dụng hai cơ sở hạ tầng của quốc gia này làm trạm vận tải trung gian để chuyên chở lực lượng và thiết bị quân sự từ châu Âu và I-răc tới Ap-ga-ni-xtan và ngược lại. Trước đó, ngày 02-05-2011, Hội đồng tối cao về quốc phòng của Ru-ma-ni đã thông qua chủ trương cho phép Mỹ sử dụng sân bay mang tên Mi-kha-in Cô-gan-ni-xi-nu (Mihail Kogalniceanu) và hải cảng ở thành phố Côn-xtan-ta (Constanta) để phục vụ hoạt động chuyên chở của Mỹ. Ngày 17-5-2011, Tướng Mỹ đến Ru-ma-ni để ký kết thoả thuận này.
Các căn cứ chuyển tải ở Ru-ma-ni sẽ là động lực để Mỹ tiếp tục xây dựng tuyến vận tải từ Ap-ga-ni-xtan đi qua Gru-gi-a, A-dec-bai-dan và Thổ Nhĩ Kỳ, nghĩa là không đi qua lãnh thổ Nga. Điều này sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào mạng lưới vận chuyển để bảo đảm hậu cần đi qua Nga. Tuyến vận tải này còn là “con đường tơ lụa” mới để Mỹ tiếp cận khu vực Trung Á. Điều đáng lo ngại hơn là sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đen sẽ khống chế Hạm đội của Nga ở đây.
Các căn cứ quân sự của Mỹ ở Ru-ma-ni có tác động đến tình hình địa chính trị ở Biển Đen, trước hết, ảnh hưởng tới các nỗ lực của Nga phát triển mối quan hệ năng lượng với Tây Âu và các nước Ban-căng. Đồng thời, sẽ làm thay đổi nội dung hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Biển Đen. Trong bối cảnh đó, các quốc gia trong khu vực Biển Đen như Bun-ga-ri, Gru-di-a, Môn-đô-via, U-crai-na nhận thấy họ cũng có thể đóng vai trò đối trọng chiến lược với Nga.
Trong bối cảnh các sự kiện diễn ra nhanh chóng trong quan hệ giữa Mỹ và Ru-ma-ni, sự hợp tác giữa hai nước đang vượt ra khỏi khuôn khổ bảo đảm hậu cần cho các cuộc chiến tranh ở I-răc và Ap-ga-ni-xtan. Ngày 03-5-2011, Chính phủ Ru-ma-ni tuyên bố cho phép Mỹ bố trí căn cứ tên lửa đánh chặn thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại căn cứ không quân Đe-ve-xe-lu (Deveselu). Ngày 05-05-2011, Bộ ngoại giao Ru-ma-ni tuyên bố rằng hiệp định mà theo đó quốc gia này cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ của họ đã được hoàn tất và sẽ được lãnh đạo chính trị của hai nước phê chuẩn vào cuối năm 2011. Sắp tới đây, để bảo đảm an ninh cho các thành phần thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Ba Lan và Ru-ma-ni, Mỹ sẽ tăng cường hiện diện quân sự trên lãnh thổ các quốc gia này, cùng với các lực lượng đã từng bố trí sẵn từ trước ở châu Âu trong khuôn khổ NATO.
Đe dọa tiến trình “cài đặt lại” quan hệ Mỹ - Nga
Ngay lập tức, Nga đã có phản ứng trước quyết định của Mỹ bố trí các thành phần thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ru-ma-ni. Ngày 04-5-2011, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xec-gây La-vrôp tuyên bố: "Phía Nga chăm chú theo dõi sự phát triển tình hình liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ vì nó có thể tạo ra nguy cơ đe dọa lực lượng hạt nhân răn đe chiến lược của Nga trong tương lai. Trong tình hình đó, một vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết là Mỹ cần công khai và chính thức khẳng định những cơ sở pháp lý bảo đảm rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu không nhằm vào các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga".
Rõ ràng, việc mở rộng toàn diện mối quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Ru-ma-ni đã ảnh hưởng đến quá trình “cài đặt lại” quan hệ giữa Mỹ và Nga. Giới nghiên cứu chiến lược của Nga đang nghiên cứu khả năng sẵn sàng đáp trả kế hoạch của Mỹ. Cựu Tham mưu trưởng Hải quân của Nga, đô đốc Vich-to Crap-chen-cô (Viktor Kravchenko) cho rằng: các trận địa phòng thủ tên lửa mới của Mỹ ở Ru-ma-ni sẽ làm mất cân bằng lực lượng ở Biển Đen. Do đó, Nga sẽ phải tăng cường củng cố tiềm lực quân sự của Hạm đội Biển Đen.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán ở cấp chuyên gia về việc ký kết giữa Mỹ với Nga về việc Nga tham gia xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa chung ở châu Âu đang tiến triển hết sức chậm chạp. Nếu các cuộc đàm phán này thất bại do liên quan đến những mâu thuẫn giữa Nga với Mỹ, Ba Lan và Ru-ma-ni, thì quá trình “cài đặt lại” quan hệ Mỹ - Nga sẽ chấm dứt. Nga sẽ phải áp dụng các biện pháp đáp trả như nghiên cứu chế tạo tên lửa đường đạn xuyên lục địa thế hệ mới có khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ trong tương lai.
Như vậy, cùng với việc gánh nặng cuộc chiến tranh ở I-răc và Ap-ga-ni-xtan được giải tỏa, Mỹ bắt đầu quay trở lại thực hiện chiến lược toàn cầu của họ. Việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đen nói riêng và châu Âu nói chung diễn ra đồng thời với các cuộc “cách mạng” đang diễn ra ở châu Phi và Trung Đông mà thực chất là các hành động đã được lên kế hoạch của Mỹ nhằm hạn chế ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc trên toàn bộ khu vực Trung Đông Lớn. Chính vì thế, Mat-xcơ-va cũng như Bắc Kinh tuyên bố hết sức lo ngại và chú ý theo dõi diễn biến chiến lược của Mỹ giành giật ưu thế trên toàn bộ khu vực Trung Đông Lớn, trong đó, có cả khu vực Trung Á, nơi được coi là không gian có các lợi ích sống còn của Nga và là “sân sau” của Trung Quốc./. 
Lê Minh Quang