Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

Mục đích chuyến thăm của Phó Thủ tướng Nga tới vùng đảo tranh chấp với Nhật Bản

Báo Asahi ngày 15/5 đăng bài viết "Russian visit to Northern Territories draws anger from Japan" về chuyến thăm của đoàn Phó Thủ tướng Nga Sergei Ivanov tới quần đảo Nam Kuril). Chuyên gia Nhật cho rằng với tư cách là một nước lớn về chính trị và quân sự, Nga thể hiện thái độ cứng rắn tạo sức ép đối với Nhật Bản để thực sự chiếm ưu thế trong tranh chấp với nước này, nhất là sau khi Nhật xử lý "dưới cơ" vụ Senkaku với Trung Quốc năm ngoái.

 
 Đây là chuyến đi đầu tiên tới khu vực này của một quan chức cấp cao trong Chính phủ Nga kể từ khi thảm họa thiên nhiên xảy ra hôm 11/3 tại Nhật Bản.
Asashi dẫn nguồn tin từ Interfax cho biết cùng đi với Phó Thủ tướng Ivanov có sự góp mặt của hầu hết các thành viên chủ chốt trong chính phủ như Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Elvira Nabiullina, Bộ trưởng Phát triển Khu vực Viktor Basargin, Bộ trưởng Giao thông Igor Levitin và Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Yury Trutnev. Chuyến đi này được thông báo là nhằm thúc đẩy chương trình phát triển kinh tế tại quần đảo Kuril giai đoạn 2007-2015. Tại đây, sau khi đi thị sát sân bay và cầu cảng, Phó Thủ tướng Ivanov đã bày tỏ sự không hài lòng với tình hình phát triển kinh tế và đời sống người dân tại đảo Kunashiri và Etorofu, đồng thời cho biết Mátxcơva quyết tâm đầu tư thêm hàng trăm triệu USD để đưa vùng đảo này phát triển về thực chất. Ông Ivanov đã nêu ra 3 trọng điểm để phát triển quần đảo Kuril là hạ tầng giao thông, phát triển năng lượng và cải thiện đời sống xã hội. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trutnev thì nhấn mạnh tới khả năng thúc đẩy xây dựng các nhà máy địa nhiệt và khai thác tài nguyên khoáng sản tại khu vực rộng lớn này. 
Theo báo "Asahi", Nhật Bản và Nga đều muốn tránh xảy ra các cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề chủ quyền tại vùng Lãnh thổ phương Bắc trong bối cảnh Nhật Bản phải tập trung khắc phục hậu quả trận thiên tai vừa qua. Tuy nhiên, rõ ràng chuyến đi của Phó Thủ tướng Ivanov ngày 15/5 lại một lần nữa chứng minh ý định tăng cường quản lý thực chất của Nga đối với khu vực tranh chấp này. Còn theo báo "Yomiuri", chuyến đi của ông Ivanov cho thấy rõ ràng rằng việc viện trợ cho Nhật Bản trong trận thiên tai vừa qua và các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ là hoàn toàn riêng biệt, và rằng Tôkiô không nên hy vọng nhiều vào việc Mátxcơva sẽ thay đổi thái độ cứng rắn của họ.
Kể từ khi Tổng thống Medvedev đi thăm quần đảo Nam Kuril hồi tháng 11/2010, hàng loạt quan chức cấp cao trong Chính phủ Nga như Phó Thủ tướng thứ nhất Igor Shuvalov, Bộ trưởng Phát triển Khu vực Viktor Basargin, Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov đều đã tới thăm các đảo này để thúc đẩy phát triển kinh tế. Kể từ đầu năm 2011, Nga đã triển khai tên lửa đối hạm Yahont tầm bắn 300 km và tên lửa đối không Tor M2 nhằm tăng cường sự hiện diện về quân sự. 
Theo đánh giá của một chuyên gia phân tích Nhật Bản, rõ ràng Nga muốn tạo ra sự ổn định về chính trị và quân sự tại Nam Kuril để bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng điều này có phần lỗi thuộc về Chính quyền Naoto Kan sau vụ va chạm với Trung Quốc trên biển Hoa Đông hồi tháng 9/2010. Vụ việc trên cho thấy Tôkiô thiếu các kỹ năng phòng vệ và đối phó với sức ép từ bên ngoài. Và rõ ràng, với tư cách là một nước lớn về chính trị và quân sự, Nga cũng hoàn toàn có thể có thái độ cứng rắn và tạo ra sức ép đối với Nhật Bản để thực sự chiếm ưu thế trong tranh chấp với nước này.
Theo Asashi
TT (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/1442-mc-ich-chuyn-thm-ca-pho-th-tng-nga-ti-vung-o-tranh-chp-vi-nht-bn