Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

Già hóa dân số ở Việt Nam - thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội

TCCSĐT - Dân số Việt Nam đang già hóa một cách nhanh chóng, tuổi thọ bình quân ngày càng tăng trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm. Khuynh hướng nhân khẩu học này cho thấy Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc cải thiện đáng kể về y tế, dinh dưỡng và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo kết quả báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), già hóa dân số nhanh chóng cũng sẽ tạo ra những thách thức to lớn đối với Việt Nam.

Già hóa dân số - thực tế và những con số
Bà No-bu-ki Ho-ri-be, Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của UNFPA nhấn mạnh: “Già hóa dân số là hiện tượng toàn cầu ảnh hưởng đến tất cả mọi người, từ nam giới tới phụ nữ và trẻ em. Đối với mỗi quốc gia, sự gia tăng nhanh chóng cả về số lượng cũng như tỷ lệ của nhóm dân số cao tuổi so với nhóm dân số trong độ tuổi lao động sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp đến tính công bằng và sự kết nối trong một thế hệ và giữa các thế hệ, điều này chính là nền tảng của xã hội”.
Số liệu từ cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 cho thấy: số lượng người cao tuổi đang tăng nhanh hơn bất kỳ nhóm dân số nào khác nên chỉ số già hóa cũng gia tăng nhanh chóng, trong khi đó tỷ số hỗ trợ tiềm năng lại giảm đáng kể. Thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ cơ cấu dân số “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn. Chẳng hạn như Thụy Điển phải mất tới 85 năm, Nhật Bản là 26 năm và Thái Lan là 22 năm, trong khi dự báo ở Việt Nam chỉ là 20 năm. Điều này có ảnh hưởng lớn đối với tăng trưởng kinh tế cũng như các chương trình an sinh xã hội cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của nhóm dân số cao tuổi được coi là nhóm thiệt thời và dễ bị tổn thương nhất.
Hiện tượng nữ hóa dân số cao tuổi
Số lượng phụ nữ cao tuổi chiếm ưu thế so với nam giới cao tuổi. Cụ thể, xét theo nhóm tuổi, số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 cho thấy, tương ứng với 100 nam giới cao tuổi ở độ tuổi 60-69 thì có 131 nữ giới cao tuổi cùng ở nhóm tuổi này; tương tự, ở nhóm 70-79 có 149 nữ giới cao tuổi và từ 80 trở lên có 200 nữ giới cao tuổi. Đây chính là biểu hiện của hiện tượng “nữ hóa dân số cao tuổi” ở Việt Nam. Phụ nữ cao tuổi thường phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với nam giới cao tuổi xét về thu nhập, tình trạng khuyết tật, và khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế.
Thay đổi cách sống
Tỷ lệ người cao tuổi sống chung với con cái mình đã giảm khiến số lượng người cao tuổi sống cô đơn hoặc sống cùng bạn đời của mình ngày càng tăng. Số lượng người cao tuổi sống ở nông thôn cao gấp 3,5 lần so với số người cao tuổi sống ở các khu vực đô thị. Dòng di cư từ nông thôn ra thành thị là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự phân bố lệch của dân số cao tuổi này, đồng thời, cũng làm tăng số hộ gia đình “khuyết thế hệ” – những gia đình mà chỉ có ông, bà đang sống với các cháu. Sự phân bố không đồng đều của người cao tuổi giữa các tỉnh với các điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau cũng mang lại một số tác động, ảnh hưởng nhất định.
Ở Việt Nam, tuổi thọ trung bình là 60 tuổi đối với cả nam giới và nữ giới - con số này tương đương với các quốc gia khác trong khu vực có mức phát triển cao hơn Việt Nam. Tuy nhiên, tuổi thọ khỏe mạnh của Việt Nam lại chưa cao, trung bình mỗi người cao tuổi ở Việt nam phải chịu 14 năm bị bệnh tật trong tổng số 72,2 năm trong cuộc sống của mình. Những người cao tuổi Việt Nam phải chịu gánh nặng kép trong chăm sóc sức khỏe, trong đó, đã có sự thay đổi từ bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và các bệnh mãn tính, đồng thời, các bệnh mới đang xuất hiện cùng với sự thay đổi trong cách sống đang ngày càng trở nên phổ biến như ung thư, căng thẳng và trầm cảm về tâm thần. Những xu hướng thay đổi này đòi hỏi nhiều chi phí chăm sóc y tế hơn đồng thời cũng có nghĩa là rủi ro dẫn tới khuyết tật cho người cao tuổi sẽ cao hơn. Chi phí điều trị trung bình cho một người cao tuổi cao gấp 7-8 lần chi phí điều trị cho một một đứa trẻ. Độ tuổi càng cao, rủi ro về khuyết tật càng tăng hoặc số ngày nằm trên giường bệnh càng cao.
Có một sự khác biệt lớn giữa các nhóm người cao tuổi trong việc tiếp cận dịch vụ y tế - người cao tuổi sống ở nông thôn, các khu vực miền núi và người cao tuổi có thu nhập thấp chỉ có thể tiếp cận với các dịch vụ chất lượng thấp. Tỷ lệ người cao tuổi có bảo hiểm y tế đã tăng, nhưng số tiền phải thanh toán từ tiền túi của người bệnh cho cả điều trị nội trú và điều trị ngoại trú vẫn còn cao và điều này phần nào là do thực tế tổng chi phí chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam hiện nay chỉ chiếm 5% - 6% tổng GDP – tương đương khoảng 46 đô-la Mỹ mỗi đầu người/năm, đây là mức thấp hơn các quốc gia khác trong khu vực. Thách thức quan trọng nhất là hệ thống y tế mới chỉ thay đổi với một tốc độ khá chậm trong việc thích ứng với tỷ lệ dân số cao tuổi dự kiến: chỉ một vài tỉnh và thành phố có Khoa Lão khoa;  việc giáo dục, đào tạo lão khoa tại các trường Y còn hạn chế; chăm sóc tại cộng đồng còn chưa phát triển và việc chăm sóc tại nhà mới đang manh nha.
Vấn đề nghèo đói và bảo trợ xã hội đối với người nghèo
Số liệu từ Điều tra mức sống hộ gia đình ở Việt Nam thực hiện năm 2008 cho thấy: khoảng 43 % người cao tuổi hiện vẫn đang làm việc, tỷ lệ người cao tuổi ở vùng nông thôn và phụ nữ cao tuổi tham gia vào lực lượng lao động cao hơn đáng kể so với người cao tuổi sinh sống tại các khu vực đô thị và nam giới cao tuổi. Tuy nhiên hầu hết người cao tuổi đang tự tạo công ăn việc làm trong nông nghiệp với thu nhập thấp và không ổn định. Một số người cao tuổi đang sống ở cận mức nghèo đói và như vậy chỉ cần những cú sốc kinh tế nhỏ cũng đẩy họ xuống mức nghèo đói một cách dễ dàng. Phụ nữ cao tuổi, phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số dễ rơi vào nghèo đói hơn so với nam giới cao tuổi, so với người cao tuổi sinh sống ở thành thị và những người cao tuổi là người Kinh, và tuổi càng cao thì họ càng dễ rơi vào cảnh nghèo đói. Hơn nữa, trợ cấp hưu trí và trợ cấp xã hội hằng tháng được coi là nguồn thu nhập chính cho người cao tuổi, tuy nhiên mức độ bao phủ của các chương trình này đối với người cao tuổi chưa cao. Thậm chí, những người thụ hưởng các chương trình này cho biết mức trợ cấp còn thấp và chỉ chiếm một phần nhỏ trong chi tiêu của hộ gia đình. Các chương trình bảo trợ xã hội hiện thời nhìn chung chưa dành cho người cao tuổi, đặc biệt là những người cao tuổi dễ bị tổn thương, vì lý do họ không thể tham gia vào các chương trình này do các quy định nghiêm ngặt hoặc do các mức lợi ích đưa ra thấp. Chương trình hưu trí dựa trên đóng góp với cơ chế tài chính đóng đến đâu hưởng đến đấy đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa các thế hệ, giới tính, và bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Ông Bruc Cam-beo, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng: “Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa một cách nhanh chóng, chính vì lẽ đó thời gian là vô cùng quan trọng. Để các chính sách và chương trình quốc gia được thiết kế và thực hiện rộng rãi, đáp ứng được nhu cầu về chăm sóc y tế và bảo trợ xã hội cho nhóm dân số cao tuổi thì Việt Nam cần phải có các chính sách và chiến lược thực tế và phù hợp được xây dựng dựa trên bằng chứng từ các nghiên cứu định tính và định lượng. Những nghiên cứu này phải phân tích mối tương quan giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế cũng như các nhu cầu về dịch vụ xã hội giành cho người cao tuổi”.
Chăm sóc người cao tuổi là một chính sách quan trọng mà Chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh trong tất cả các giai đoạn phát triển của đất nước. Kể từ khi Hiến pháp đầu tiên được ban hành năm 1946, vấn đề người cao tuổi đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách và các chương trình kinh tế và xã hội của Việt Nam. Tiến sỹ Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình đã phát biểu: “Vấn đề già hóa dân số đã được coi là một trong những vấn đề ưu tiên trong Chiến lược dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020. Trong giai đoạn tới, số lượng và tỷ lệ người cao tuổi sẽ tiếp tục tăng cao, Việt Nam cần phải có những chính sách để phát huy và chăm sóc người cao tuổi ngày một tốt hơn”.
Tuy nhiên, các chính sách và chương trình này còn chưa được thực hiện một cách đầy đủ, dẫn tới các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi chưa thực sự phát triển; khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng giành cho người cao tuổi còn thấp; quỹ hưu trí giành cho lực lượng lao động cao tuổi chưa thực sự ổn định và còn có nhiều bất cập liên quan tới bất bình đẳng giới và bất bình đẳng giữa các thế hệ; vẫn còn có nhiều bất cập liên quan tới việc thụ hưởng các chương trình an sinh xã hội khác.
Nếu già hóa dân số chưa được coi là một vấn đề phát triển kinh tế - xã hội thì các nghiên cứu, chính sách và chương trình thích hợp để đáp ứng vấn đề già hóa dân số sẽ không được xúc tiến.
Ông Bruc Cam-beo cũng kết luận: “Chúng ta đang ở thời khắc duy nhất trong lịch sử, các bài học kinh nghiệm dựa trên các nghiên cứu chính sách được xây dựng một cách cẩn trọng từ các quốc gia khác sẽ gợi ý cho chúng ta một số chính sách và can thiệp giúp tạo ra tác động tích cực và sâu rộng tới cuộc sống và sức khỏe của nhóm dân số cao tuổi đang càng ngày càng gia tăng ở Việt Nam”.
Dự báo dân số năm 2010 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ dân số cao tuổi (những người từ 60 tuổi trở lên) sẽ đạt ngưỡng 10 % tổng số dân vào năm 2017 - hay nói cách khác dân số Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn được gọi là “thời kỳ già hóa dân số” sau năm 2017 và bước vào giai đoạn “dân số già” trong hai thập kỷ tiếp theo. Những xu hướng và tốc độ biến động dân số theo hướng già hóa đang đặt ra những cơ hội và thách thức lớn cho Việt Nam trong việc chuẩn bị nguồn lực để đón nhận số lượng dân số cao tuổi ngày càng tăng.
Một số gợi ý các vấn đề chính sách
Chăm sóc người cao tuổi cả về đời sống vật chất và tinh thần là một nội dung quan trọng trong chính sách mà Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh trong tất cả các giai đoạn phát triển của đất nước. Kể từ khi Hiến pháp đầu tiên được ban hành năm 1946, người cao tuổi đã trở thành một phần quan trọng trong chính sách và các chương trình xã hội và chương trình kinh tế trên con đường phát triển của Việt Nam. Những chính sách và chương trình này được xây dựng nhằm mục đích bảo vệ người cao tuổi khỏi những rủi ro khác nhau và cải thiện việc tiếp cận với các dịch vụ kinh tế và xã hội (ví dụ: Luật Bảo hiểm Y tế liên quan tới dịch vụ y tế và tài chính, Luật Bảo hiểm Xã hội liên quan tới vấn đề nghỉ hưu; Nghị định số 13 về các chương trình xã hội dành cho người cao tuổi).
Tuy nhiên, trước dự báo về dân số người cao tuổi, các chính sách và chương trình này mới chỉ được được điều chỉnh một cách từ từ và chính điều này có thể tạo ra một số thách thức ví dụ như hệ thống chăm sóc lão khoa chưa được phát triển đầy đủ; tỷ lệ người cao tuổi được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chăm sóc người cao tuổi có chất lượng còn thấp; Quỹ hưu trí với hình thức đóng tới đâu hưởng tới đó chưa thực sự hỗ trợ người lao động là người cao tuổi và còn có nhiều sự mất công bằng giữa các thế hệ và mất cân bằng về giới; còn có nhiều vướng mắc khi xét tham gia hoặc không cho phép tham gia vào các chương trình hỗ trợ xã hội.
Để khắc phục thực tế trên, chúng tôi gợi ý một số chính sách sau:
Một là, nâng cao nhận thức và thái độ của các nhà hoạch định chính sách và của toàn xã hội về các thách thức liên quan đến vấn đề già hóa dân số một cách nhanh chóng, bao gồm cả sự khác biệt đáng kể trong mức sống của người cao tuổi và sự căng thẳng mà hệ thống chăm sóc sức khỏe phải đương đầu. Nâng cao vai trò của các hiệp hội, tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp trong xây dựng và tuyên truyền để các chính sách và các chương trình được thiết kế phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu cụ thể của người cao tuổi.
Hai là, tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội cùng với tăng trưởng và phát triển kinh tế nhằm bảo đảm và nâng cao thu nhập cho người cao tuổi thông qua tạo việc làm và phúc lợi hưu trí.
Ba là, tăng cường dịch vụ y tế và mở rộng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi với sự tham gia tích cực của mọi ngành nhằm mục tiêu nâng cao năng lực quốc gia trong việc chăm sóc người cao tuổi. Kết hợp chăm sóc người già tại cộng đồng và chăm sóc tại nhà với chăm sóc tại cơ sở theo yêu cầu. Đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức và kiến thức về tuổi già khỏe mạnh. Tăng cường quản lý và kiểm soát các bệnh mãn tính lão khoa với mục đích tăng số năm sống mạnh khỏe. Dần dần phát triển và quản lý một mạng lưới thống nhất các cán bộ xã hội, các nhà cung cấp chăm sóc lão khoa và các viện dưỡng lão dựa trên nhu cầu và điều kiện thực tế của từng địa phương. Đưa các nguyên tắc cơ bản và cách tiếp cận chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi vào chương trình đào tạo cho sinh viên y khoa, điều dưỡng viên và các nhân viên y tế khác. Về lâu dài, Việt Nam có thể theo đuổi việc cấp nguồn nhân lực chăm sóc hỗ trợ cho người cao tuổi ở các quốc gia khác.
Bốn là, cải thiện hoạt động nghiên cứu chính sách và xây dựng các số liệu có chất lượng về dân số cao tuổi nhằm đưa ra các bằng chứng khoa học cho các nhà hoạch định chính sách nhằm thiết kế các kế hoạch chiến lược một cách có hiệu quả với chi phí hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi trong nhiều hoàn cảnh khác nhau./.

Huy Tuấn
http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2011/265/Gia-hoa-dan-so-o-Viet-Nam-thach-thuc-doi-voi.aspx