Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Chủ quyền trong ASEAN và vấn đề hợp tác tại Biển Đông

Bài viết của học giả Malaysia J.N.Mak phân tích nguyên nhân của các thất bại trong việc hợp tác tại Biển Đông. Khác với tình hình Vịnh Thái Lan, nơi có nhiều thỏa thuận hợp tác cùng phát triển, nhân tố chính của các  nỗ lực hợp tác bất thành tại Biển Đông là vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, đá. Chừng nào chưa giải quyết xong vấn đề chủ quyền thì các kêu gọi về thúc đẩy hợp tác chỉ là câu chữ chính trị. 

Nhiều học giả đã lấy cơ chế ASEAN là một ví dụ về cơ chế khu vực không chỉ thành công trong việc làm giảm căng thẳng, mà còn giúp tạo nên “hòa bình lâu dài” trong khu vực.[1] Kivimaki và các học giả khác gồm Amitav Acharya và Nikolas Busse khi viết theo phương pháp kiến tạo, đã cho rằng mặc dù khu vực này có nhiều mâu thuẫn tiềm ẩn trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp khác giữa các quốc gia, sự phát triển của các quy tắc căn bản của ASEAN về việc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và nhấn mạnh việc tôn trọng độc lập chủ quyền của các quốc gia thành viên là nhân tố cơ bản mang lại thành công trong sự thiết lập hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á.[2]
Những quy tắc này có trong Hiệp định Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á năm 1976 của ASEAN (Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia, (TAC)). Ngoài nhấn mạnh vấn đề chủ quyền và không can thiệp, khoản 2 của TAC còn kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Không chỉ nhấn mạnh việc không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, TAC còn kêu gọi các thành viên ASEAN rút lại lời đe dọa sử dụng vũ lực. Mặc dù Nischalke coi ASEAN như “một cộng đồng hình thành dựa trên các quy định chứ không phải dựa trên bản sắc chung” (như Acharya, Kivimaki và Busse gợi ý), Nischalke cũng coi TAC là trụ cột của ASEAN và là nguồn gốc của các chuẩn mực, quy định dẫn dắt hành vi của khu vực này từ khi hình thành.[3] Các học giả này coi cách tiếp cận “ASEAN way”[Phương cách ASEAN] đối với các mối quan hệ nội khối dựa trên đối thoại ôn hòa và xây dựng đồng thuận là chìa khóa thành công trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định và trật tự ở Đông Nam Á.[4] Tuy nhiên “ASEAN way” và TAC có vẻ chắc chắn giữ được hòa bình lâu dài ở khu vực đất liền hơn là ở khu vực biển. Các chuẩn mực của ASEAN dường như không đóng góp nhiều cho trật tự khu vực ở biển.

Câu hỏi chính
Theo quan sát của Kivimaki, trong thời gian “hòa bình lâu dài”, ASEAN vẫn còn rất nhiền tranh chấp “tiềm ẩn”, đặc biệt là tranh chấp biển.

Trong thời gian hòa bình lâu dài có một số tranh chấp về lãnh thổ chưa được giải quyết như tranh chấp giữa Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po (Pedra Branca), In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a (Sipadan và Ligitan), In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin (Đảo Miatan), Ma-lai-xi-a và Phi-líp-pin (Sabah), và Ma-lai-xi-a, Việt Nam và Phi-líp-pin (Spratly Islands, quần đảo Trường Sa - nd).[5]

Kivimaki cũng nhấn mạnh rằng tranh chấp biển đã bị quân sự hóa. Tuy nhiên Kivimaki tranh luận rằng dù bị quân sự hóa, các tranh chấp này cũng sẽ không dẫn đến chiến tranh hay thương vong, do đó càng củng cố được sự hiểu biết kiến tạo về vai trò của ASEAN trong việc bảo đảm hòa bình và ổn định khu vực. Nhưng cho dù các tranh chấp biển đó không dẫn đến chiến tranh hay tình thế đối đầu, sự thật là chúng đã bị quân sự hóa và  đây là vấn đề rất quan trọng, không thể làm ngơ. Tôi định nghĩa quân sự hoá là những động thái có liên quan đến đe dọa sử dụng vũ lực, phô trương quân sự, và triển khai và các “va chạm” hay đụng độ quân sự nhỏ chưa đến mức công khai đối đầu hay chiến tranh. Những hành động này vi phạm các chuẩn mực đã và đang giúp gìn giữ hòa bình ổn định hay thậm chí một chút ít trật tự của ASEAN như các nhà theo chủ nghĩa kiến tạo hay thậm chí một vài nhà hoài nghi hiện thực đã thừa nhận. Đặc biêt, trong một thời gian dài, đã hiếm khi xảy ra các động thái phô trương và  đe dọa quân sự tương tự trong tranh chấp nội bộ ASEAN, không liên quan đến khu vực biển.

Do đó, câu hỏi đặt ra là tại sao ASEAN có thể duy trì “hòa bình lâu dài” ở trên đất liền, và còn có các phát triển đáng kể về mặt kinh tế và các hình thức hợp tác thiết thực khác, trong khi tranh chấp Biển Đông và một số nơi khác đã dẫn đến các hành vi hiếu chiến của một quốc gia ASEAN chống lại các thành viên khác. Nhiều nhà phân tích cho rằng nguyên nhân của tranh chấp biển ở khu vực này là do cuộc đua giành tài nguyên biển quý giá, quyền kiểm soát các đường giao thương chiến lược trên biển (SLOCs), nỗ lực kiểm soát khu vực biển có tầm quan trọng chiến lược, và xu hướng gia tăng của tình cảm dân tộc chủ nghĩa, đặc biệt ở Trung Quốc. Nhìn chung, nhiều người cho rằng một trong những nguyên nhân chính của các tranh chấp là do cuộc đua giành nguồn tài nguyên kinh tế, đặc biệt là khí ga, dầu mỏ, và cá. Do đó, các nỗ lực thúc đẩy hợp tác đã tập trung vào việc bảo đảm các quốc gia nhận thức được về những lợi ích chung chỉ có thể đạt được từ hợp tác trên biển.Tuy nhiên, điều mà hầu hết các tài liệu nghiên cứu về việc thúc đẩy sự hợp tác ở Biển Đông hay thiết lập các tổ chức và các quy tắc hợp tác không giải thích được là tại sao hầu hết các nỗ lực hợp tác trên biển này đều thất bại, chỉ trừ các công ty liên doanh khai thác và phát triển ở Vịnh Thái Lan. Ngoài ra, các tài liệu này cũng không giải thích được tại sao, dù tuân theo khá chặt chẽ các quy tắc chính của TAC các nước thành viên ASEAN đã không hành động theo các quy tắc này khi giải quyết tranh chấp biển.

Trong phần còn lại của chương, tôi sẽ giải thích nghịch lý này bằng lập luận rằng chúng ta cần phân biệt giữa hai lĩnh vực khác biệt trong ASEAN – biển và lãnh thổ - nơi mà các chuẩn mực khác nhau được áp dụng do các quan niệm khác nhau về chủ quyền ở hai lĩnh vực này là hoàn toàn khác nhau. Nói cách khác, chuẩn mực của ASEAN trong lĩnh vực an ninh trên đất liền khác với các chuẩn mực trên Biển Đông. Bằng chứng là dù đã có TAC 1976, nhưng từ những năm 1990, các nước thành viên ASEAN đã dành rất nhiều thời gian và công sức trong việc phát triển các quy tắc ứng xử riêng trên Biển Đông, điều đó ám chỉ rằng để giải quyết các tranh chấp hay các tranh chấp tiềm ẩn ở biển cần phải có một “công cụ rõ ràng”.[6] Trong phần tiếp theo, tôi sẽ chỉ ra các tranh chấp biển trong nội khối ASEAN trở nên quân sự hóa như thế nào, đặc biệt trong suốt những năm 1990. Sau đó, tôi sẽ bàn đến các nguyên nhân dẫn đến việc tại sao các quy tắc về an ninh trên biển và trên đất liền ở ASEAN lại khác nhau. Có sự khác nhau đó là vì ASEAN đã thông qua nguyên tắc [uti possidetis juris] nên biên giới lãnh thổ được coi là bất khả xâm phạm, trong khi đó “trạng thái tự nhiên” vẫn tồn tại ở biển, nơi mà các ranh giới biển được phân định rõ ràng hay đuợc chấp thuận vẫn chưa được thiết lập, và việc tạo nên các ranh giới vẫn là mối bận tâm chính của các nước tuyên bố chủ quyền, trong đó có cả ASEAN.

Theo đó, chương này lập luận rằng, hai loại chủ quyền khác nhau – một loại gắn với đất liền và loại còn lại gắn với biển – cùng tồn tại trong ASEAN. Do có đặc tính này, các quy định của ASEAN về tránh xung đột, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực không được áp dụng đối với biển. Thực trạng biển được coi là nơi để tạo lập ranh giới sẽ được bàn trong phần sau. Cuối cùng, tôi vận dụng nhận thức này để giải thích tại sao từ trước đến nay khó có được sự hợp tác thực sự ở Biển Đông và sự hợp tác đó sẽ tiếp tục khó có thể đạt được, trái ngược với Vịnh Thái Lan. Trong Vịnh, các vấn đề chủ quyền chính đã được giải quyết, và do đó việc mở rộng khu vực biển thuộc về vấn đề kĩ thuật hơn là về vấn đề chủ quyền chính trị.

Quân sự hóa tranh chấp biển ở ASEAN

Tranh chấp đất liền trong nội khối ASEAN có xu hướng tập trung vào các vấn đề an ninh “mềm” như kinh tế, nhân quyền, quản trị và cấm vận chống lại các nước thành viên ngoan cố như Mi-an-ma. Theo đó thuật ngữ “tranh chấp” được sử dụng vì nó ám chỉ trạng thái không hòa hợp giữa lợi ích bất tương xứng của các nước thành viên. Mặt khác, hợp tác trong các vấn đề an ninh “mềm” thiết thực trong khối ASEAN như tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán thuốc phiện, buôn người và chủ nghĩa khủng bố quốc tế phát triển đều trong những năm qua. Hơn nữa, hợp tác về an ninh (hay quân sự) “cứng” dọc biên giới của các nước ASEAN cũng liên tục phát triển đặc biệt khi liên quan đến nguyên tắc không can thiệp. Mặc dù, năm 2001 Thái Lan đã gây nên một trận giao tranh ngắn ở biên giới với Mi-an-ma về việc lực lượng nổi dậy li khai sử dụng Thái Lan làm căn cứ, nhưng vấn đề đã được giải quyết một cách nhanh chóng.[7] Thực ra, vì lợi ích kinh tế bất di bất dịch nên mối quan hệ giữa Thái Lan và Mi-an-ma trở nên bền chặt đến nỗi vấn đề về đường biên giới đất liền không còn quan trọng, với một thoả thuận cho phép doanh nghiệp Thái Lan “canh tác hàng nghìn mẫu đất không phải chịu thuế trong khu vực biên giới của Mi-an-ma”.[8] Thái Lan và Mi-an-ma cũng đã bắt đầu thực hiện dự án nhà máy thủy điện chung dọc biên giới Thái Lan và Mi-an-ma.[9] Tương tự như vậy, tranh chấp đường biên giới giữa Thái Lan và Căm-pu-chi-a cũng không dẫn đến quân sự hóa đường biên giới chung của hai nước. Thay vào đó, cả Thái lan và Căm-pu-chi-a đều đồng ý xin cho đền Preah Vihear, biểu tượng chính của tranh chấp, được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.[10]

Ma-lai-xi-a đã thành lập Ban Biên giới chung (GBCs) với tất cả các nước láng giềng nhằm giải quyết các vấn đề xuyên biên giới. Đưa ra ví dụ cho việc này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Malaisia, ông Mohamed Najib đã làm rõ rằng vấn đề người li khai ở phía Bắc Thái Lan chỉ là “vấn đề nội bộ của nước Thái và Ma-lai-xi-a tôn trọng nguyên tắc chính không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước láng giềng”.[11] Tương tự, Kuala Lumpur cũng không công nhận những người Aceh chạy sang Ma-lai-xi-a để tránh cuộc chiến giữa In-đô-nê-xi-a và phong trào li khai của Gerakan Aceh Merdeka (Free Aceh Movement - phong trào giải phóng Aceh - nd) là những người tị nạn, vì Ma-lai-xi-a không muốn can thiệp vào công việc nội bộ của In-đô-nê-xi-a.[12] Trái với đối đầu ở biển, gần đây Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a đã cùng tham gia phân định biên giới đất liền quốc tế ở Sabah và Đông Kalimantan, giữa Sarawak và Tây Kalimantan.[13] Thực ra, sau khi lật đổ tổng thống Sukarno và chấm dứt chính sách đối đầu Konfrontasi, quân đội Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a đã cùng tuần tra ở biên giới Sarawak – Kalimantan và thực hiện triển khai quân đội chung tấn công nơi ẩn ẩn náu của cộng sản.[14] Do đó chúng ta có thể thấy rằng các thành viên của ASEAN thường tuân theo các nguyên tắc về giải quyết xung đột một cách hòa bình, không sử dụng vũ lực và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác liên quan đến các vấn đề an ninh trên đất liền.

Trái lại, căng thẳng về đường biên giới biển tiếp tục phá hỏng hợp tác biển. Tuy những căng thẳng này chưa dẫn đến chiến tranh thực sự giữa các nước thành viên ASEAN, nhưng đã xảy ra rất nhiều cuộc phô trương quân sự hung hăng, đe dọa bằng quân sự, đối đầu, và các cuộc chiếm đóng các đảo nhỏ và bãi Biển Đông. Hành động phô trương quân sự này là một “tiến trình nguy cơ_xung đột” đi ngược lại điều 2 của TAC, điều khoản này công khai bác bỏ “việc đe dọa sử dụng hay sử dụng quân sự”.

Việc chiếm đóng quần đảo Trường Sa (Spratly Island –nd) xảy ra vào những năm 1960 và 1970 trước khi TAC được kí. Tuy nhiên, tháng 12 năm 1979, lực lượng đặc nhiệm hải quân Ma-lai-xi-a đã chiếm đóng Đảo Hoa Lau (Swallow Reef – nd), hòn đảo cũng được Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Động thái gây nhiều tranh cãi nhất có lẽ là việc Ma-lai-xi-a chiếm đóng Bãi Thám Hiểm (Investigator Shoal – nd) và Đá En ca (Erica Reef – nd) năm 1999. Như một học giả nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên một thành viên của ASEAN “có động thái chống lại tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông của các thành viên khác như Phi-líp-pin và Việt Nam”.[15] Việc chiếm đóng Bãi Thám Hiểm (Investigator Shoal – nd) là một “hoạt động quân sự lớn” có sự tham gia của 6 tàu trục và hàng không mẫu hạm hiện đại nhất của Ma-lai-xi-a.[16]Manila trở nên khó chịu khi phát hiện Ma-lai-xi-a đã chiếm đóng và xây dựng một công trình kiến trúc 2 tầng ở một phần khác, Đá En ca, vào tháng 7 năm 1999. Năm 1999 căng thẳng lên cao hơn khi hai máy bay chiến đấu lực lượng hàng không của Ma-lai-xi-a đã chặn và đuổi hai máy bay quân sự của Phi-líp-pin gần Bãi Thám Hiểm (Investigator Shoal – nd).[17]

Ngoài ra, cũng có nhiều cuộc xung đột hiếu chiến giữa lực lượng vũ trang của In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a trong khi tuần tra chủ quyền quanh đảo tranh chấp Sipadan và Ligitan trên biển Celebes ngoài bờ biển phía đông Sabah vào những năm 1990. Nhận thấy rằng những xung đột hiếu chiến có thể dễ chuyển thành xung đột mở, hải quân của In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a cùng với sự giúp đỡ từ Viện Hàng hải của Ma-lai-xi-a về tài liệu đã tìm ra phương án và kí kết Hiệp định Ngăn chặn Đụng độ trên biển giữa Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a (MALINDOINCSEA) vào tháng 1 năm 2001.  Điều thực sự đáng chú ý là Hiệp định Ngăn chặn Đụng độ trên biển (INCSEA) được kí kết giữa hai hải quân “thân thiện” mà không kể đến các quy tắc của TAC.

Một biểu hiện khác về căng thẳng ở mức cao trong nội khối ASEAN về vấn đề biển là khi tàu chiến của In-đô-nê-xi-a và tàu hàng hải của Ma-lai-xi-a đâm vào nhau trong một “cuộc gặp gỡ đầy tính đối đầu” ở khu vực tranh chấp Ambalat ngoài bờ biển phía Đông Nam của Sabab tháng 4 năm 2005.[18] Sự kiện này khiến cho nhiều quan chức và dân chúng In-đô-nê-xi-a kêu gọi “sử dụng lực lượng quân sự” và tái áp dụng chính sách đối đầu (Konfrontasi) chống lại Ma-lai-xi-a[19] Kết quả là, cả hai nước đều tăng cường điều các đơn vị quân sự đến khu vực này. Cơ quan thông tấn quốc gia In-đô-nê-xi-a Antara cũng thông báo về các vụ đụng độ của tàu In-đô-nê-xi-a, năm 2007 đã ba lần ngăn chặn và đuổi được tàu hải quân Ma-lai-xi-a ra khỏi Ambalat, lãnh thổ của In-đô-nê-xi-a bị tàu này “xâm phạm”.[20] Rõ ràng đây là trường hợp  tiến hành phô trương quân sự và gián tiếp đe dọa sử dụng vũ lực để củng cố tuyên bố chủ quyền của mỗi nước. Trong khi trường hợp của Ambalat không hoàn toàn là vấn đề về chủ quyền, nhưng chủ quyền lại là nguyên nhân chính dẫn đến xung đột vì hai lí do: thứ nhất, In-đô-nê-xi-a cảm thấy bị lừa dối về chủ quyền của nước này đối với Sipadan và Ligitan sau khi Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) trao hai đảo này cho Ma-lai-xi-a vào năm 2002;[21] thứ hai, cảm giác chống Ma-lai-xi-a cũng liên quan đến quan điểm cho rằng Ma-lai-xi-a đã ngạo mạn trong việc đối xử tàn bạo, bất công với lực lượng lao động di cư người In-đô-nê-xi-a “thuộc chủ quyền” (của Indonesia - nd).[22]

Ngoài Ambalat, Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a cũng đến tranh chấp ở ngoài bờ biển phía Tây của Sarawak-Kalimantan thuộc khu vực Gosong Niger. In-đô-nê-xi-a đã buộc tội tàu hải quân của Ma-lai-xi-a về việc tuần tra thường xuyên ở khu vực này, khu vực mà In-đô-nê-xi-a đã tuyên bố chủ quyền.[23]Thêm vào đó, căng thăng tiếp tục tăng xung quanh vấn đề về quần đảo Trường Sa (Spratlys – nd) giữa các nước thành viên ASEAN. Ví dụ,tháng 11 năm 1999 rõ ràng quân đội Việt Nam ở Đảo Tiên Nữ (Pigeon Reef–nd tên Phi-líp-pin ) đã bắn máy bay do thám của Philippin .[24]

Đáng chú ý là, trong 5 năm tới Ma-lai-xi-a có các động thái nhằm thuyết phục các nước láng giềng của ASEAN thông qua các hiệp định INCSEA song phương do việc hiện đại hóa hải quân của tất cả các nước ASEAN. Quan chức chính phủ Ma-lai-xi-a nhấn mạnh rằng hiện đại hóa và mở rộng hải quân của các nước ASEAN cùng với tranh chấp biển ở các khu vực như Ambalat, khiến tương lai của hiệp định INCSEA trở nên cần thiết.[25]Với bối cảnh này, tại sao một số nước thành viên ASEAN lại sẵn sàng tăng nguy cơ xung đột biển dù đã có TAC? Có sự khác biệt nào trong các chuẩn mực của ASEAN về biển và việc tuân theo các quy tắc đó trên đất liền không? Trong chương này, tôi lập luận rằng lãnh thổ và các khu vực biển của ASEAN được áp dụng các khái niệm chủ quyền riêng biệt. Điều này giải thích tại sao cư xử trong  tranh chấp biển sẽ khác trên đất liên đồng thời đưa ra các gợi ý cho triển vọng hợp tác biển.

Hai lĩnh vực khác nhau: trên biển và trên đất liền

Rõ ràng rằng các chuẩn mực của ASEAN đóng vai trò rất nhỏ đối với lợi ích quốc gia trong lĩnh vực biển. Một ví dụ về địa vị tối cao của lợi ích quốc gia được đề cập trong phần giới thiệu của MALIDO Hướng dẫn Hợp tác Ngăn chặn đụng độ trên biển:

Cả hai bên [ hải quân In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a ] đều nhận thấy rằng dù có cùng quan niệm tuy nhiên thỉng thoảng định hướng về lợi ích quốc gia của từng nước có thể xung đột nhau…cần đặc biệt  quan tâm các sự kiện có thể phát sihh  từ quá trình hành động – phản ứng của lực lượng hải quân  hai nước trong khi triển khai việc bảo vệ chủ quyền của quốc gia mình.[26]

Lập luận cho rằng hai loại quy tắc riêng biệt tồn tại trong ASEAN mâu thuẫn với phương pháp tiếp cận kiến tạo, phương pháp này cho rằng các quy tắc của ASEAN có thể áp dụng cho tất cả các lĩnh vực. Các nhà hiện thực cũng không nhận thấy sự tồn tại của hai lĩnh vực an ninh riêng biệt này. Theo họ thì Trung Quốc là chủ thể ngoan cố nhất ở Biển Đông vì Trung Quốc là nước mạnh nhất trong khu vực này. Tuy nhiên, Ma-lai-xi-a, Việt Nam và In-đô-nê-xi-a cũng đều rất cương quyết trong việc khẳng định tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.  Do vậy, theo một định nghĩa nào đó, lĩnh vực biển vẫn ở trong trạng thái tự nhiên (chưa có luật lệ - nd). Vì các quy tắc áp dụng với biển khác với các quy tắc hợp tác được áp dụng cho đất liền, cho nên thời gian qua các nỗ lực thúc đẩy hợp tác biển theo các cách khác nhau đều thất bại.

Có nhiều lí do tại sao tôi cho rằng hai lĩnh vực này là các thực thể an ninh riêng biệt. Lí do đầu tiên là di sản của uti possidetis juris, theo đó các nước thành viên ASEAN mới độc lập thừa kế, và hợp nhất các biên giới thuộc địa thành biên giới của họ. Lí do thứ hai là, trong khi ranh giới đất liền được phân chia một cách rõ ràng cùng với việc thừa nhận nguyên tắc của uti possidetis juris, thì ranh giới biển lại không được phân định một cách rõ ràng, và ít được các nước Anh, Hà Lan và Pháp phân chia hơn. Do đó, ngày nay, ASEAN vẫn vướng vào các hoạt động tạo đường ranh giới biển cơ bản. Đổi lại, điều này có hàm ý đối với chủ quyền của ASEAN. Một nước độc lập được xác định bởi các đường biên giới lãnh thổ rõ ràng. Tuy nhiên, từ khi phải phân định các đường ranh giới biển ở các khu vực biển lớn ở Đông Nam châu Á, chủ quyền biển vẫn rất mơ hồ nên xảy ra nhiều tranh chấp. Cuối cùng, phải kể đến các quy tắc liên quan của ASEAN về không can thiệp vào nội bộ nước khác. Theo tôi, khái niệm không can thiệp không chỉ đơn thuần ám chỉ lãnh thổ có đường biên giới, quan trọng hơn nó còn ám chỉ con người sinh sống ở bên trong lãnh thổ đó. Vì Biển Đông hầu như không có dân sinh sống thường xuyên (permanent constituency), ví dụ như không có dân số, hay cũng không có đường biên giới được phân định rõ ràng, quy tắc không can thiệp của ASEAN và sự tôn trọng chủ quyền quốc gia không được áp dụng cho hầu hết các khu vực biển ở Đông Nam Á.

Uti possidetis juris

Ngoại trừ chính sách đối đầu Konfrontasi của In-đô-nê-xi-a chống Ma-lai-xi-a năm 1963 – 1966, từ trước đến nay chưa có cuộc xung đột nghiêm trọng về đường biên giới biển nào trong khu vực ASEAN.

Tuy việc Phi-líp-pin tuyên bố chủ quyền đối với Sabah có xu hướng trở nên nghiêm trọng, nhưng thực sự Manila chưa bao giờ thúc đẩy yêu sách đó. Thực ra, ai đó có thể tranh luận rằng hầu như các nước ở Đông Nam Á sau khi độc lập không cố gắng sử dụng vũ lực để thay đổi các đường biên giới mà họ thừa kế. Theo nghĩa này,  các đường biên giới chính trị ở Đông Nam Á đều dựa vào các đường biên giới thuộc địa được thừa kế, phần lớn là đường biên giới đất liền và các lãnh hải trực tiếp.[27] Khác với Mỹ La Tinh và châu Phi, mặc dù khái niệp hợp pháp của uti possidetis juris (quyền đối với lãnh thổ - “ vì bạn sở hữu chúng nên bạn sẽ sở hữu chúng”) không chính thức được ASEAN thông qua, việc các nước Đông Nam Á ngầm chấp nhận uti possidentis juris chưa bao giờ bị bất kì nước nào trong khu vực thách thức. Vì vậy, nguyên tắc uti possidetis juris là nguyên tắc cơ bản về chủ quyền và hòa bình ở Đông Nam Á. Như ICJ đã nhấn mạnh trong một quyết định năm 1986 rằng, mục tiêu của uti possidetis juris là nhằm “ bảo đảm sự tôn trọng đối với biên giới lãnh thổ tồn tại ngay khi giành độc lập”.[28]  Do đó, Uti possidetis juris là nguyên tắc biến các biên giới thuộc địa thành biên giới quốc tế với mục tiêu cơ bản là bảo đảm sự ổn định giữa các nước mới giành độc lập.

Ý nghĩa của nguyên tắc uti possidetis là việc nguyên tắc này đã kết hợp các khái niệm về không can thiệp và sự quyết dựa trên lãnh thổ ( trong trường hợp của ASEAN, thì đó là các đường biên giới lãnh thổ thuộc địa) “chứ không phải dựa trên các tuyên bố về dân tộc”.[29] Theo khái niệm uti possidetis juris, quyền tự quyết và chủ quyền được xác định dựa trên sự thừa nhận tầm quan trọng của các đường biên giới thuộc địa đối với bản sắc dân tộc, văn hóa, tôn giáo hay thậm chí cả các đường biên giới trước thuộc địa. Do đó, quyền đối với lãnh thổ thuộc địa đã tạo nên cơ sở pháp lí cho các quy tắc ASEAN về chủ quyền và không can thiệp. Từ trước đến nay chưa một nước thành viên ASEAN nào thực sự thách thức tính pháp lý của các đường biên giới Đông Nam Á sau thuộc địa, ngoài trường hợp tuyên bố chủ quyền đối với North Borneo (bây giờ là Sabah) năm 1962, khi đó Malina lập luận rằng Sultan của Sulu vẫn có quyền đối với phía Đông nước Ma-lai-xi-a ở Mindanao. Nhưng mỉa mai thay, khu vực được coi là đã tuyên bố chủ quyền này vẫn dựa vào các đường biên giới thuộc địa của Anh. In-đô-nê-xi-a cũng tuyên bố chủ quyền với Papua New Guinea của Hà Lan bởi vì Papua New Guinea là một phần của địa phận Hành Chính Đông Ấn Hà Lan và cũng là một phần của vương quốc Tidore trước khi Hà Lan thống trị.[30]

Minh chứng cho việc các nước thành viên ASEAN coi uti possidetis juris là nguyên tắc chính được phản ánh trong nhiều cuộc tranh cãi pháp lý khác nhau về vấn đề tuyên bố chủ quyền biển trong khu vực. Ví dụ, tranh chấp Sipadan – Ligitan giữa Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a, cả hai nước đều trích dẫn hiệp định năm 1891 giữa Anh và Hà Lan, hiệp định phân định đường biên giới giữa Hà Lan và Anh ở Borneo, như là cơ sở pháp lí cho tuyên bố chủ quyền của họ trước ICJ năm 2001.[31] Tương tự, Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-pore  đưa ra các tuyên bố chủ quyền và phản đối tuyên bố đối với Pulau Batu Putith hoặc Pedra Branca trước ICJ năm 2007 cũng dựa trên các đường biên giới thuộc địa hành chính của Anh. Lập luận để giải quyết tranh chấp đường biên giới giữa Thái Lan và Căm-pu-chi-a, có biểu tượng đền cổ Preah Vihear mà ICJ năm 1962 đã quyết định thuộc về phía Căm-pu-chi-a, cũng dựa trên việc nên căn cứ vào bản đồ của Pháp vẽ đường biên giới hay ngôn từ của hiệp định năm 1904 miêu tả đường biên giới.[32] Cũng như các chuẩn mực của ASEAN được áp dụng chủ yếu trên đất liền, quan niệm chủ quyền của ASEAN (hay Westphalian) về chủ quyền cũng được áp dụng rộng rãi đối với đất liền, và vùng tiếp giáp với các lãnh hải.

Thực ra, việc ASEAN nhấn mạnh nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các thành viên khác không chỉ tập trung vào sự xâm phạm lãnh thổ, điều mà rất hiếm khi xảy ra ở khu vực này. Các nước quốc gia ASEAN lo lắng đối với sự can thiệp “mềm”, ví dụ như phê bình tiêu chuẩn quản trị của các quốc gia khác, buộc tội các quốc gia về vi phạm nhân quyền, phá hoại các dân tộc hoặc các nhóm thiểu số, hay ủng hộ nhóm nổi loạn ở địa phương và khích động sự bất bình trong nước nhằm xúi giục một cộng đồng, hay các nhóm trong cộng đồng đó đứng dậy chống lại chính quyền. Do đó, không can thiệp cũng có nghĩa là không ủng hộ các nhóm chống đối ở các nước láng giềng về mặt chính trị, tinh thần, vật chất và giúp các nước này dẹp các nhóm phá hoại.[33] 

Như vậy, quy tắc không can thiệp của ASEAN không chỉ liên quan đến việc tôn trọng biên giới, mà còn coi cộng đồng, những người sống trong biên giới đó là điểm mấu chốt. Như McCorquodale và Pangalangan đã nhấn mạnh, các đường biên giới không chỉ phân định khu vực hay “chủ quyền nhà nước mà còn xác định cả dân cư ở đó”.[34] Theo đó, có thể lập luận rằng không gian vật lí hay các đường biên giới địa lý thật sự trên đất liền không phải là mục tiêu chính của quy tắc không can thiệp. Mục tiêu chính ở đây là cộng đồng dân cư bởi nhiều nước thành viên ASEAN là thuộc địa mới giành được độc lập có dân cư được hình thành nên bởi các tộc người với ngôn ngữ khác nhau. Các tộc người này thường có chung dòng máu và có quan hệ tôn giáo với họ hàng với các nước láng giềng, nay bị phân chia rẽ bởi đường biên giới thuộc địa. Vì vậy, mục tiêu tối cao của quy tắc không can thiệp là không cho phép các chủ thể bên ngoài lợi dụng tình trạng náo động hiện tại, hay tình trạng náo động tiềm ẩn ở trong nước như vấn đề về nhân quyền, và bảo đảm rằng chính quyền của nước đó không bị lật đổ bằng bạo lực.[35]

Do đó, việc đơn phương mở rộng khu vực biển của các nước thành viên ASEAN không thách thức chủ quyền quốc gia truyền thống vì một số lí do. Thứ nhất, việc các nước ASEAN ngấm ngầm chấp thuận uti possidetis juris khiến các tuyên bố chủ quyền đơn phương vào những năm 1960 và 1970 không ảnh hưởng đến các đường biên giới đã được thiết lập, điều này được coi là điểm cốt lõi của ASEAN về chủ quyền hay về lãnh thổ. Thứ hai, các khu vực biển đang bị tranh chấp không có nhiều điểm dân cư. Lý do này quan trọng do việc đơn phương mở rộng khu vực biển không thách thức quy tắc không can thiệp của ASEAN cũng như các chỉ trích của tổ chức này đối với việc tạo ra các nhóm chống đối trong nước và lật đổ chính phủ của các nước láng giềng. Theo đó, quy tắc về chủ quyền và không can thiệp của ASEAN chỉ áp dụng chủ yếu đối với lãnh thổ của các nhóm, ví dụ các đường biên giới thừa kế từ Pháp, Anh, và Hà Lan được coi là bất khả xâm phạm.

Chủ quyền biển và việc tạo lập đường biên giới

Trái với các đường biên giới lãnh thổ, các khu vựng rộng lớn ở Biển Đông và Biển Celebes không có các đường biên giới thuộc địa. Thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20 là thời kỳ thống trị của Anh trên biển cùng với việc nhấn mạnh của nước này về tự do thương mại và tự do hàng hải. Chế độ biển mở đã tồn tại được gần 300 năm vì các cường quốc về biển trên thế giới nhận thấy rằng tự do hàng hải sẽ có lợi cho tất cả các bên. Chế độ biển mở nghĩa là không có nước nào sở hữu biển, trừ vành đai duyên hải rất hẹp thường rộng 3 hải lí. Do đó các đường biên giới biển thuộc địa ít khi mở rộng quá 3 hải lí từ đường bờ biển. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi cùng với cải tiến công nghệ khai thác dưới đáy biển và sự phát triển về số lượng của các quốc gia ven biển mới giành độc lập sau thời kỳ thuộc địa. Các quốc gia mới này coi các biển gần kề là nguồn gốc quan trọng của sự thịnh vượng. Mong muốn được khai thác biển trực tiếp yêu cầu không chỉ việc tiếp cận với nguồn tài nguyên mong muốn mà khả năng loại được các nước khác trong hoạt động khai thác, ví dụ khả năng thiết lập chủ quyền và quyền sở hữu.[36] Kết quả là các nước ven biển, bao gồm cả các nước Đông Nam Á đều muốn mở rộng tuyên bố chủ quyền về lãnh hải từ giới hạn là 3 hải lí lên 6, 12 và thậm chí là 200 hải lí. Điều này giải thích tại sao các nước lại vội vàng đơn phương “bảo vệ” biển vào những năm 1960, và việc cần phải thiết lập một chế độ biển mới để khôi phục trật tự trên biển, mà cuối cùng đã dẫn đến Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp Quốc (UNCLOS).

Tuy nhiên, UNCLOS đã không thể và không thiết lập chế độ sở hữu đối với biển. Thay vào đó, UNCLOS đưa ra các điều khoản quy định về mở rộng và tuyên bố chủ quyền biển sau khi chủ quyền đối với lãnh thổ được thành lập. Kết quả là, không có đường biên giới biển nào thực sự tồn tại ở Biển Đông. Việc phân biệt được giữa đường biên giới/ranh giới biển(boundary or border) và phân giới (frontier) là quan trọng. Ranh giới hay đường biên giới biển là đường phân định giới hạn về chính trị, phân giới (frontier) có xu hướng linh động hơn, vì chúng bao gồm các khu vực địa lí nơi mà các nước chưa thiết lập được sự kiểm soát toàn bộ về mặt chính trị, hay đang trong tiến trình thực hiện điều đó. Do đó, phần lớn các khu vực biển được tuyên bố chủ quyền khác nhau ở Đông Nam Á có thể coi là các khu phân giới.

Có 4 bước cơ bản để tiến hành tạo đường biên giới. Đầu tiên, các nước sẽ xác định phạm vi của các tuyên bố chủ quyền, như tuyên bố/miêu tả đường biên giới. Nếu việc tuyên bố/miêu tả đường biên giới không bị tranh cãi thì cuối cùng đường biên giới sẽ được vẽ lên bản đồ, sau đó coi như đã được xác định. Tiếp theo, đường biên giới sẽ được coi là  đã phân định nếu các cột mốc biên giới được đặt trên đất liền, và các mốc chuyển hướng, không bị tranh chấp, đã được đánh dấu lên bản đồ cho khu vực biển. Quan trọng hơn, tranh chấp có thể sẽ xảy ra đối với cả đường biên giới đã được xác định vì “những cắt nghĩa đối với các miêu tả khác nhau về đường biên giới bằng lời nói hay bằng bản đồ”.[37] Bước cuối cùng trong việc thiết lập quyền đối với đường biên giới đã được phân định là quản lí hành chính lãnh thổ. Theo đó, hầu hết các chủ thể tuyên bố chủ quyền mới chỉ xác định đường biên giới ở Biển Đông. Thực ra, “ý nghĩa của luật quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp có vẻ hạn chế” trong khi bản thân UNCLOS cho rằng vấn đề chủ quyền đã được giải quyết.[38] Do đó, dù đã có các đường biên giới, Biển Đông vẫn chỉ được xác định bởi các khu phân giới, có thể được định nghĩa như là một khu vực hay “một dải đất phân cách các trung tâm của hai chủ quyền”.[39]

Theo mạch tranh luận của “chủ quyền trung tâm” và “chủ quyền ngoại vi”, sự đe dọa  đối với chủ quyền ASEAN có thể được phân thành đe dọa đối với chủ quyền quốc gia (sự đe dọa đối với khu trung tâm) và sự đe dọa đối với biển ngoại vi hay khu phân giới biển. Ví dụ, trong một nghiên cứu đối chiếu sự thống nhất của ASEAN khi phản ứng với việc Việt Nam đưa quân vào Căm-pu-chi-a và việc Trung Quốc chiếm đóng Đảo Vành Khăn (Mischief Reef – nd), Sharpe đã nhấn mạnh rằng, trong trường hợp sau, việc “Trung Quốc xâm phạm là không rõ ràng [bởi vì] Đảo Vành Khăn là lãnh thổ tranh chấp của Phi-líp-pin”.[40] Trái lại, ASEAN coi việc Việt Nam đưa quân Căm-pu-chi-a năm 1978 là sự vi phạm rõ ràng hai quy tắc chính của TAC đó là cấm sử dụng vũ lực và can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Năm 1995, khi Phi-líp-pin biết được rằng Trung Quốc đã thiết lập tiền đồn quân sự ở Đảo Vành Khăn, Manila chỉ đưa ra được một bản tuyên bố khá mờ nhạt Cuộc họp các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của ASEAN, thậm chí bản tuyên bố đó còn không ám chỉ rằng Trung Quốc đã làm sai điều gì đó.[41] Tất nhiên có thể là các nước thành viên ASEAN không muốn làm một cường quốc đang mạnh lên như Trung Quốc trở nên xa lánh chỉ vì cuộc tranh cãi biển nhỏ nhặt này.[42]Mặc dù vậy, cũng rất có thể là do sự kiện Vành Khăn không gây tác động mạnh đến ASEAN vì sự kiện này không gây tổn hại đến chủ quyền trung tâm của 1 thành viên ASEAN.

Dù cho Phi-líp-pin phản đối, Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng và phát triển cơ sở quân sự trên Đảo Vành Khăn trong khi ASEAN giữ im lặng, không giống việc ASEAN đưa ra quan điểm mạnh mẽ và thống nhất đối với việc Việt Nam đưa quân vào Căm-pu-chi-a, sự kiện liên quan đến hai nước đều không phải là thành viên ASEAN. Nói cách khác, việc Việt Nam đưa quân vào Căm-pu-chi-a vi phạm điều “chủ quyền trung tâm” của một quốc gia Đông Nam Á, trong khi Đảo Vành Khăn chỉ có thể được xem là thách thức đối với khu phân giới, hay “ngoại vi” của một thành viên ASEAN. Hơn nữa, tranh chấp Quần đảo Trường Sa không tạo nên vấn đề “đe doạn chế độ” đối với các nước ASEAN.[43] Sự thừa nhận mờ nhạt của ASEAN rằng đường biên giới biển trên thực tế chính khu phân giới được thể hiện qua các nỗ lực của In-đô-nê-xi-a trong việc phân định và quản lí các đảo xa sau khi ICJ quyết định Sipadan và Ligitan thuộc về Ma-lai-xi-a . Mặc dù theo hầu hết các nguồn thì năm 2001 In-đô-nê-xi-a có 15 000 đảo, nhưng sau khi mất Sipadan và Ligitan, nhưng chính quyền In-đô-nê-xi-a tuyên bố rằng nước này có hơn 17 000 đảo. Theo sau lời tuyên bố đó là động thái đặt tên và đăng kí 9 000 đảo với Liên Hợp Quốc.[44] Hơn nữa, Jakarta cũng đã khuyến khích người dân In-đô-nê-xi-a chuyển đến và định cư ở các đảo xa vì “việc mất thêm các đảo gây nguy cơ phải vẽ lại các đường biên giới lãnh thổ của quần đảo”.[45] Hơn nữa, một chính trị gia cao cấp của In-đô-nê-xi-a đã coi vụ va chạm giữa thuyền chiến của In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a ở Ambalat năm 2005 là biểu hiện của “sự yếu kém về mặt pháp lý đối với các đường biên giới ngoài xa của In-đô-nê-xi-a” và nhấn mạnh rằng  “đây là vấn đề về chủ quyền của In-đô-nê-xi-a. Chúng ta phải bảo đảm chủ quyền này”.[46]

Việc hai loại chuẩn mực về chủ quyền – một loại áp dụng cho đất liền và loại kia áp dụng cho khu vực phân giới biển – cùng tồn tại trong khu vực ASEAN giải thích tại sao các nước ở ASEAN có thể vi phạm các chuẩn mực đã được chấp thuận của TAC. Có lẽ Ma-lai-xi-a là nước thành viên ASEAN dám vi phạm nhiều nhất. Phi-líp-pin đã cảm thấy bị lừa dối khi Ma-lai-xi-a chiếm đóng Bãi Thám Hiểm và Đá En ca năm 1999, hành động được coi là đã đi ngược lại tuyên bố của ASEAN năm 1992 về Biển Đông, tuyên bố nhấn mạnh việc giải quyết tất cả các xung đột một cách hòa bình.[47]
Quan trọng không kém là việc các chuẩn mực của ASEAN về tham vấn và đồng thuận cũng có vẻ như thất bại trong việc giảm căng thẳng ở Biển Đông. Vì quân sự của Phi-líp-pin quá yếu nên không thể chống lại Trung Quốc, sau đó là Ma-lai-xi-a nên nước này đã nhờ đến đường lối ngoại giao trong khu vực và quốc tế để giải quyết các vụ xâm phạm “chủ quyền” của Phi-líp-pin. Mặc dù nước này đã tìm kiếm được một bản tuyên bố mờ nhạt về giải quyết xung đột đảo Bãi Vành Khăn một cách thân thiện, từ Cuộc họp các Bộ trường Bộ Ngoại giao ASEAN năm1995 nhưng đến năm 1999 sự thống nhất của ASEAN về tình hình ở Quần đảo Trường Sa trở nên “mỏng manh”.[48]Ma-lai-xi-a đã ngăn cản các nỗ lực bàn bạc về việc phát triển ở Quần đảo Trường Sa của Phi-líp-pin trong Cuộc gặp các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao năm 1999 và nhấn mạnh rằng chỉ nên có cuộc bàn thảo song phương. Ma-lai-xi-a cũng đứng về phía Trung Quốc ở ARF với lập luận rằng ARF không phải là “nơi phù hợp” để bàn thảo tranh chấp Biển Đông.[49] Nếu thể hiện điều gì thì đây là một ví dụ về sự rạn nứt của ASEAN trong vấn đề liên quan đến chủ quyền ở khu vực ngoại vi.

Thất bại trong hợp tác biển

Từ trước đến nay nỗ lực bền bỉ trong việc thúc đẩy hợp tác biển đem lại rất ít kết quả ngoại trừ vùng nước đóng có giới hạn của Vịnh Thái Lan, dù cho ASEAN đã chính thức cho rằng hợp tác trên biển là trụ cột chính trong nỗ lực thiết lập một Cồng đồng An ninh ASEAN (ASC). Quan điểm này lần đầu được đề cập đến trong đoạn 5, phần A của Tuyên bố trong Hiệp ước ASEAN II năm 2003 (Hiệp ước Bali II), đặc biệt nhấn mạnh rằng “hợp tác trên biển giữa các nước thành viên ASEAN sẽ đóng góp cho sự phát triển của ASC”.[50] Tại cuộc gặp các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ASEAN ở Jakarta tháng 6 năm 2004, hợp tác biển của ASEAN tiếp tục được nhấn mạnh. Cuộc họp nêu bật rằng hợp tác biển là “rất cần thiết đối với sự phát triển của ASC” và đồng ý xem xét việc thành lập một diễn đàn về biển.[51] Một giả định được đưa ra là, bởi vì các vấn đề biển luôn luôn là các vấn đề xuyên biên giới vì vậy sẽ có các lợi ích chung tồn tại ở biển, về lí thuyết điều này sẽ khiến cho việc thể chế hóa các hợp tác về biển ở Đông Nam Á trở nên dễ dàng và khả thi hơn.[52]Tuy nhiên, dù đã cố gắng hết sức, nỗ lực của khu vực nhằm thúc đẩy hợp tác biển và giảm căng thẳng giữa các quốc gia chỉ đạt được thành công hạn chế, trừ thành công ở Vịnh Thái Lan.

Nỗ lực nổi bật nhất trong việc thúc đẩy hợp tác biển của khu vực là loạt hội thảo do Indonesia về quản lý các xung đột  tiềm ẩn trên Biển Đông, hội thảo đầu tiên diễn ra vào năm 1990.[53]Mục đích của loạt hội thảo về Biển Đông là giảm căng thẳng giữa các nước yêu sách chủ quyền đối với Quần đảo Trường Sa thông qua thúc đẩy hợp tác thiết thực và đặt vấn đề hóc búa về chủ quyền sang một bên. Tuy nhiên, dù đã cố gắng rất nhiều, các hội thảo về Biển Đông do In-đô-nê-xi-a tổ chức, và được tài trợ bởi Cananda đã không giúp các nước tuyên bố chủ quyền làm việc với nhau một cách có ý nghĩa. Một trong những vật cản đối với sự hợp tác này ngắn gọn là do việc các nước như Ma-lai-xi-a hầu như rất vui vẻ với hiện trạng của Biển Đông, trong khi các nước khác chưa sẵn sàng để đặt hợp tác trước các tuyên bố về chủ quyền. Kết quả là, năm 2001 Canada quyết định ngừng tài trợ cho hội thảo về Biển Đông vì “thiếu kết quả cụ thể”,[54] trong khi Hashim Djalal, người đưa ra sáng kiến về cuộc hội thảo được cho là đã “không bi quan” từ năm 1998.[55] Đặc biệt, vấn đề chủ quyền được cho là nhân tố chính khiến cho các nước yêu sách chủ quyền không thể hợp tác.

Sẽ rất khó để có thể đạt được hợp tác trên Biển Đông vì các nước tin rằng sự giàu có của biển có thể sẽ làm giàu cho nền kinh tế của nước sở hữu khu vực biển “chính xác”. Nói ngắn gọn, quyền sở hữu các khu vực biển được cho là giàu có vẫn bị coi là thuật ngữ được ăn cả, ngã về không. Mặc dù nỗ lực ban đầu của Trung Quốc, Việt Nam và Phi-líp-pin trong việc hợp tác khai thác địa chấn ở Biển Đông có vẻ như chứng minh được rằng hợp tác thiết thực là khả thi, nhưng các sự kiện sau đó lại cho thấy điều ngược lại. Phi-líp-pin và Trung Quốc kí kết Hiệp định song phương năm 2004 về Khai thác dầu chung ở Biển Đông. Năm 2005, Việt Nam quyết định tham gia khảo sát cùng với Trung Quốc, và Philipipin, biến hiệp định đó thành hiệp định ba bên.[56] Thỏa thuận Khảo sát Địa chấn Biển chung (the Joint Marine Seismic Undertaking, JMSU) ban đầu được ca ngợi như bước tiến quan trọng và là bước ngoặt cho ngoại giao, là biểu hiện của “mức độ phát triển của niềm tin và lòng tin giữa các nước tuyên bố chủ quyền ở [Biển Đông] và cam kết của các nước trong việc tìm kiếm các giải pháp hòa bình”.[57] Tuy nhiên, sau đó hiệp định này bị chỉ trích như là một biểu hiện khác của mối quan hệ đang rạn nứt giữa các thành viên ASEAN thay vì là một bằng chứng của lập trường thống nhất đối với ASEAN đối với Trung Quốc.[58]

Nhưng sự phản đối mạnh mẽ nhất đối với hiệp định này lại xuất phát từ chính trong nước Phi-líp-pin. Trong khi sự phản đối này có thể liên quan rất nhiều đến chính trị nội bộ, thì hầu hết những người phản đối lại chỉ trích và coi JMSU là bán đứng chủ quyền của Phi-líp-pin. Thượng Nghị sĩ đảng đối lập, ông Antonio Trillanes IV thậm chí còn cáo buộc tổng thống Arroyo về ‘tội phản quốc khi ký kết hiệp định này với Trung Quốc và Việt Nam’.[59] Các nhà phê bình khác thì thấy rằng bởi vì khu vực khảo sát JMSU chiếm 80% Vùng Đặc quyền Kinh tế của Phi-líp-pin, nên Hiệp định ám chỉ rằng Phi-líp-pin ‘thừa nhận khu vực này (khu vực có liên quan) là khu vực bị tranh chấp’.[60]Do đó, sẽ làm yếu đi yêu sách chủ quyền của quốc gia này ở Biển Đông. Việc ba nước ở Biển Đông nỗ lực hợp tác một cách thiết thực đã gây ra rất nhiều tranh cãi, cho thấy vấn đề chủ quyền vẫn là một vấn đề khó giải quyết. Mặc dù những người ủng hộ cho hợp tác này có thể tranh luận rằng sự bất đồng liên quan đến sự phản đối trong nước đối với chính quyền Arroyo nhiều hơn, nhưng những lời buộc tội về việc bán đứng chủ quyền của Phi-líp-pin không thể bị làm ngơ.

Tại sao Vịnh Thái Lan lại là một ngoại lệ

Những người đề xuất hợp tác thiết thực thường đưa Vịnh Thái Lan ra làm ví dụ về việc làm thế nào “ý chí chính trị” có thể vượt qua được vấn đề của yêu sách chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông.[61]Diễn giải của riêng tôi về những phát triển tích cực ở Vịnh Thái Lan là mặc dù ý chí chính trị quan trọng, thì hầu hết các vấn đề về chủ quyền ở Vịnh đã được giải quyết do các nước ven biển đã chấp nhận nguyên tắc then chốt uti possidetis juris. Thực dân Pháp và Anh đã cho phép Thái Lan tiếp tục tồn tại một cách độc lập bởi vì các nước này cần trung gian nằm giữa các khu vực quyền lợi của họ ở Đông Nam Á.[62]Hiệp định Anh – Pháp năm 1904 rõ đã “quyết định phạm vi ảnh hưởng của Anh và Pháp ở Kra Isthmus và bán đảo Ma-lai-xi-a”.[63] Hiệp định Anh – Siam năm 1909 không chỉ nhượng lại bốn bang phía Nam của Thái cho Anh, mà còn vẽ lên, trên giấy mực, giới hạn của đường biên giới giữa Thái Lan và Ma-lai-xi-a thuộc địa.[64]Điều quan trọng là, Nghị định thư về Biên giới được đính kèm vào Hiệp định năm 1909 cũng bao gồm sự phân định, hoặc chỉnh sửa ranh giới lãnh hải giữa Thái Lan và Ma-lai-xi-a của Anh.[65] Người Pháp và người Anh cũng đặt giới hạn đường biên giới cho Thái Lan, Căm-pu-chi-a và Nam Kỳ. Mặc dù sự phân định này hết sức không công bằng nhưng sau khi thoát khỏi thực dân Pháp và Anh, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Việt Nam và Căm-pu-chi-a đều đã chấp nhận các đường biên giới này như là đường biên giới của chính các nước đó.

Ví dụ, Hiệp định về Dòng nước Lịch sử giữa Việt Nam và Căm-pu-chi-a năm 1982 một lần nữa đã giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa hai nước đối với các đảo khác nhau ngoài bờ biển bằng cách truy lại các đường biên giới hành chính thuộc địa trước đây. Theo Hiệp định này, cả hai nước đã chấp nhận đường gọi là đường Brievie năm 1939 của Chính quyền thực dân Pháp, lúc đó đường này đã xác định rằng “một số đảo nhỏ” nằm dưới quyền pháp lý của Căm-pu-chi-a trong khi đảo Phú Quốc thì thuộc về Nam Kỳ, Việt Nam ngày nay.[66]Dù Thái Lan đã phản đối ngoại giao, thì Hiệp định vẫn đã giải quyết tranh chấp chủ quyền mang tính quyết định giữa Việt Nam và Căm-pu-chi-a.[67]

Về cơ bản, các quốc gia ở Vịnh Thái Lan đã đi trước một bước các bên yêu sách Biển Đông trong việc quyền sở hữu chủ quyền đối với lãnh thổ, gồm cả các đảo nhìn chung không bị tranh chấp vì nguyên tắc uti possidetis juris. Clive Schofield gợi ý dù có tranh chấp biển một lý do tại sao các hiệp định về cùng chia sẻ tài nguyên trên Vịnh lại thành công, là do có nguồn dự trữ hidro đã được chứng thực ở Vịnh. Hiệp định chung không chỉ tạo điều kiện cho việc tiếp cận các nguồn này, mà còn loại trừ được khả năng một nước cuối cùng chỉ sở hữu được khu vực không có nguồn tài nguyên nào cả.[68]Nói cách khác, lợi ích tuyệt đối là trên hết.

Tuy nhiên, nhiều “xung đột” ở Vịnh mà Schofild nói đến là các xung đột về kĩ thuật chứ không phải xung đột về chủ quyền. Các xung đột này bao gồm các tranh cãi kĩ thuật về việc sử dụng điểm chuyển hướng hay đường cơ sở nào làm cơ sở cho yêu sách chủ quyền trên biển của một nước. Ví dụ, tranh chấp Vịnh giữa Thái Lan và Ma-lai-xi-a tập trung vào việc xem Ko Losin của Thái Lan là đá hay đảo, điều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc Thái Lan có thể yêu sách chủ quyền trong khu vực biển rộng bao nhiêu.[69]Nếu Ko Losin là đá Ma-lai-xi-a tuyên bố, thì Ko Losin chỉ tạo ra lãnh hải 12 hải lí cho Thái Lan. Tuy nhiên Thái Lan lập luận rằng Ko Losin là một đảo, khi đó nó sẽ tạo thêm vào cho cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho Thái Lan. Cũng như vậy, các tuyên bố trùng nhau của Ma-lai-xi-a và Việt Nam trong Vịnh là do các nước đã sử dụng các đảo khác nhau làm điểm cơ sở để mở rộng tuyên bố chủ quyền đối với thềm lục địa. Ví dụ, Ma-lai-xi-a đã sử dụng các đảo ngoài khơi để tạo ra một loạt các khu biển trong khi không đếm xỉa đến đảo Hòn Đá (A: Rocky Island – nd) của Việt Nam như là một điểm cơ sở pháp lí.[70]Tranh chấp giữa Ma-lai-xi-a và Việt Nam không phải về vấn đề nước nào sở hữu các đảo mà về việc đảo nào được sử dụng làm điểm kĩ thuật cho việc mở rộng thềm lục địa của mỗi nước, vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc mỗi nước có thể tuyên bố chủ quyền đối với thềm lục địa rộng bao nhiêu.

Do đó, tóm lại, tôi cho rằng hợp tác thiết thực và phân định các đường biên giới ở Vịnh của Thái Lan sẽ dễ đạt được hơn bởi vì nó không liên quan đến các vấn đề chủ quyền then chốt, không như ở Biển Đông. Tranh chấp biển xảy ra không phải do tranh chấp chủ quyền đối với đất liền và các đảo, mà về việc một vùng biển đã được tuyên bố và phân định lãnh thổ có thể rộng bao nhiêu theo UNCLOS. Do đó, các cuộc tranh cãi này luôn chủ yếu tập trung vào vấn đề pháp lý và kĩ thuật. Tuy nhiên, UNCLOS không đưa ra hướng dẫn chính xác để xử lý các yêu sách biên giới biển chồng lấn. Thay vào đó, UNCLOS chỉ buộc các bên đang tranh chấp phải sử dụng luật quốc tế để “đạt được giải quyết công bằng”. Tuy nhiên, bởi vì có rất ít tranh chấp về vấn đề cốt lõi của chủ quyền ở trên lãnh thổ, nên ở Vịnh các yêu sách chủ quyền biển đối với biển không bị quân sự hóa.

Kết luận

Điều khiến cho lĩnh vực biển khác với lĩnh vực đất liền đó là tranh chấp về chủ quyền biển rất gay gắt. Cùng với tranh chấp, các nước thành viên ASEAN cũng dính líu đến “tiến trình xung đột” liên quan đến việc quân sự hóa các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tiến trình này bao gồm cả việc công khai triển khai các đơn vị quân sự, đối đầu giữa các hải quân trong khu vực tranh chấp và ngấm ngầm sử dụng các biện pháp đe dọa. Những người theo thuyết kiến tạo lập luận rằng “tiến trình xung đột” này chưa trở thành chiến tranh công khai cho thấy phương cách ASEAN và các quy tắc của TAC vẫn còn hiệu lực và hoạt động tốt. Tuy nhiên, vấn đề còn tồn đọng là trên biển các đối đầu quân sự vẫn đang xảy ra, trái ngược với các nỗ lực giải quyết các vấn đề trên đất liền một cách hợp tác và hòa bình. Vì các đe dọa tiềm ẩn, Ma-lai-xi-a đang nỗ lực triển khai toàn bộ hiệp định INCSEA với tất cả các láng giềng. Ngụ ý của tiến trình xung đột biển trong khu vực ASEAN là các nỗ lực thành lập hợp tác trên biển, thậm chí hợp tác thiết thực và đặt vấn đề chủ quyền sang một bên rất có thể sẽ thất bại. Như trường hợp JMSU đã cho thấy, Hiệp định Hợp tác thiết thực có thể bị xem là đã làm yếu đi tuyên bố chủ quyền của một nước. Mặc dù lãnh đạo các nước có thể đồng ý hợp tác thực sự, thì các nhà phê bình ở các nước thành viên ASEAN dân chủ hơn sẽ có thể chỉ trích bất kì hiệp đình nào và coi đó là sự “bán đứng”. Hơn thế nữa, các nước đã khai thác được nguồn dự trữ dầu và khí ở các khu vực biển tranh chấp rất có thể sẽ bị coi là không thể có sự hợp tác thực sự. Tóm lại, tại sao họ nên chia sẻ nguồn tài nguyên tìm được “thuộc chủ quyền” của họ để thúc đẩy hợp tác đa phương trong khu vực Đông Nam Á hay các khu vực biển tranh chấp khác?

Những người đề xướng ý tưởng hợp tác thực sự về cơ bản đề xuất giải pháp kĩ thuật theo cách giải quyết tranh chấp của ASEAN, đó là đặt các vấn đề chính trị gây nhiều tranh cãi sang một bên và tập trung vào hợp tác kĩ thuật. Tuy nhiên, đề xuất này đã không tính tới sự thật là vấn đề then chốt của Biển Đông là vấn đề chính trị cơ bản về chủ quyền của một nước. Trừ Vịnh Thái Lan nơi mà vấn đề cơ bản về chủ quyền đã được giải quyết, ngoài ra chỉ có các trường hợp tương đối nhỏ nhặt mới có thể được giải quyết. Như Vịnh Thái Lan cho thấy, câu hỏi chính trị đối với chủ quyền của mỗi nước phải được giải quyết trước khi đến được với các hợp tác có ý nghĩa như khai thác chung và khai thác tài nguyên, hay phát triển khu vực chung với lượng dầu và khí được tìm thấy. Do đó, triển vọng cho việc hợp tác có ý nghĩa thiết thực ở Biển Đông không mấy khả quan khi xét đến vấn đề chính trị cơ bản – chủ quyền biển – phải được giải quyết.

Bản gốc : J.N.Mak, Sovereignty in ASEAN and the problem of maritime cooperation in the South China Sea
Bài trong cuốn " Security and International Politics in the South China Sea: Towards a cooperative management regime", Chủ biên: Sam Bateman và Ralf Emmers, 2009
Người dịch: Nguyễn Thị Tuyên
(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)


[1] Timo Kivimaki, ‘The Long Peace of ASEAN’, [Hòa Bình Lâu Dài ở Khu Vực ASEAN], Journal of Peace Research 38, 1 (2001), tr.5-55
[2] Amitav Acharya, ‘Ideas, Identidy, and Institution-Buiding: from the “ASEAN way” to the “Asia-Pacific way’?’[Quan niệm, bản sắc, và xây dựng thể chế: từ “phương cách ASEAN” đến “cách thức châu Á-Thái Bình Dương”?,’] Pacific Review 10, 3 (1997), tr. 319-346; Nikolas Busse, ‘Constructivism and Southeast Asian Security’, [Chủ nghĩa kiến tạo và An ninh Đông Nam Á], Pacific Review 12, 1(1999), tr. 39-60
[3] Tobias Nischalke, ‘Does ASEAN Measure Up? Post-Cold War Diplomacy and the Idea of Regional Community’, [ASEAN có cân nhắc không? Nền ngoại giao sau Chiến Tranh lạnh và Quan niệm Cộng đồng Khu vực] Pacific Review 15, 1 (2002), tr. 110
[4] Shaun Narine, ‘The English School and ASEAN’, [Trường phán tiếng Anh và ASEAN] Pacific Review 19, 2 (2006), tr. 203-204.
[5] Kivimaki, op. cit, tr. 11-12.
[6] Christopher Chung, ‘The Spartly Islands Dispute: Decision Units and Domestic Politics’, [Tranh chấp quần đảo Trường Sa: các đơn vị ra quyết định va chính trị nội bộ] luận án tiến sỹ không xuát bản, Học viện Lực lượng Quốc phòng Australia, trường đại học New South Wales, 2004, tr. 310. Chi tiết về sự phát triển trong các tuyên bố về Biển Đông ở tr. 310-348. Xem www.library.unsw.edu.au/~thesis/adt-ADFA/public/adt-ADFA20040722.083333/, truy cập ngày 12, tháng 1 năm 2006.
[7] ‘Thai-Burma border talks positive’, [Thương lượng biên giới giữa Thái Lan và Mi-an-ma khả quan] BBC News, ngày 4 tháng 4 năm 2001, tại http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/1255640.stm, truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2003.
[8] Clifford McCoy, ‘Capitalizing the Thai-Mi-an-mar Border’, [Lợi dụng Biên giới Thái Lan và Mi-an-ma] Asia Times Online, ngày 21 tháng 6 năm 2007, tại www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/IF21Ae02.html, truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2008.
[9] ‘Salween Hydropower Project (Thai-Burma Border) Briefing Paper’, [Công trình nhà máy thủy điện Salween (biên giới Thái Lan-Mi-an-ma) nghiên cứu vắn tắt] Foundation for Ecological Recovery, tháng 6 năm 2003, tại www.terraper.org/articles/BriefingSalween-Thai-BurmaJune03.pdf, truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2005.
[10] Frances Harrison, ‘Heritage Bid Unites Border Rivals’, [Giá trị của di sản gắn kết các kẻ thù biên giới với nhau]  BBC News, ngày 4 tháng 3 năm 2008, tại http://news.bbc.co.uk/2/hi/in_depth/7277928.stm , truy cập ngày 19 tháng 3 năm 2008.
[11] Diễn văn khai mạc của ông Dato’ Sri Mohd Najib Bin Tun Hj Abdul Razak đáng kính, phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Ma-lai-xi-a, đồng chủ tọa tại phiên họp Ban Biên Giới chung (GBC) lần thứ 47 giữa Thái Lan và Ma-lai-xi-a, tại Kuala Lumpur, ngày 21 tháng 6 năm 2007, tại www.mod.gov.my/index.php?option=com_content&task=view&id=68&Itemid=203, truy cập ngày 19, tháng 3 nưm 2008.
[12] Jonathan Kent, ‘Ma-lai-xi-a Aceh Policy Criticised: Ma-lai-xi-a Does Not Recognize International Treaties On Refugees’, [chính sách dành cho người Aceh của Ma-lai-xi-a bị chỉ trích: Ma-lai-xi-a không tán thành các Điều ước Quốc tế về người tị nạn] BBC News, ngày 2 tháng 4 năm 2004.
[13] Bài phát biểu của Thủ tướng Ma-lai-xi-a, Abdullah Ahmad Badawi tại buổi tham vấn hàng năm giữa Cộng hòa In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a, ở Putra Jaya, ngày 11 tháng 1 năm 2008, tại www.kln.gov.my/?m_id=25&vid=594, truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2008.
[14] Lee Yong Leng, ‘The Razor’s Edge: Boundaries and Boundary Disputes in Southeast Asia’, [Lưỡi dao: Biên giới và tranh chấp Biên giới ở Đông Nam Á] Các chú thích về bài nghiên cứu và thảo luận [sic] Bài nghiên cứu số 15, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Xinh-ga-po, 1980, tr.6
[15] Christopher Chung, op.cit.,tr.116.
[16] Michael Richardson, ‘On Eve of Annual Talks, ASEAN Members Are Split Over Spratlys Dispute’, [Trước đêm của cuộc đàm phán hàng năm, các nướ thành viên ASEAN bị chia rẽ vì tranh chấp Biển Đông] International Herald Tribune, ngày 23, tháng 7, năm 1999.
[17] Để có được đầy đủ sự mô tả về việc chiếm đóng của Ma-lai-xi-a trên hai khu vực mới của quần đảo Trường Sa năm 1999, xem Christopher Chung, đã dẫn, tr.122-145.
[18] Clive Schofield và Ian Storey, ‘Energy Security and Southeast Asia: The Impact on Maritime Boundary and Territorial Disputes’, [An ninh năng lượng và Đông Nam Á: Tác động đối với đường biên giới Biển và tranh chấp Đất liền], Harvard Asia Quarterly (mùa thu năm 2006), tại www.asiaquarterly.com/index.php?option=com_content&task=view&id=160&Itemid=1, truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2007. Tác giả cũng cung cấp chi tiết niên đại của xung đột giữa Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a đối với Ambalat.
[19] ‘Govt Urged to Get tough in Territory Dispute’, [Chính phủ thúc mạnh tay đối với tranh chấp lãnh thổ’, Jakarta Post, ngày 7, tháng 3 năm 2005.
[20] ‘Ma-lai-xi-an Warships Trespass RI Waters in Ambalat’,  Antara, ngày 27 tháng 2 năm 207.
[21] Richel Langit, ‘Indonesia: Island in the STORM’, [In-đô-nê-xi-a: Các đảo trong bão] Asia Times Online, ngày 21 tháng 12 năm 2002, tại www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/DL21Ae01.html, truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2003
[22] ‘Ma-lai-xi-a: Human Rights at Risk in Mass Deportation of Undocumented Migrants’, [Ma-lai-xi-a: Nhân quyền đang bị de dọa trước việc trục xuất hàng loạt dân nhập cư bất hợp pháp] Amnesty International, tháng 12 năm 2004, tại www.amnestyusa.org/news/document.do?id=a41fbb92a536608380256e7c0062b8af, truy cập ngày 3 tháng 3 năm 2006.
[23] I Made Andi Arsana, ‘Gosong Niger: Is it Another Ambalat?’ [Gosong Niger: Có phải là một Ambalat khác?] Geopolitical Boundaries, ngày 3 tháng 3 năm 2006, tại http://geo-boundaries.blogspot.com/2006/03/gosong-niger-is-it-another-ambalat.html, truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2006.
[24]Celeste Lopez và James Conachy, ‘Spratlys Continue to Loom as Asian Flashpoint’, [Quần đảo Trường sa tiếp tục là điểm nóng ở châu Á] ngày 13 tháng 12 năm 1999, World Socialist Web Site, tại www.wsws.org/articles/1999/dec1999/spara-d13.shtml, truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2001.
[25] Personal Interview, ngày 10 tháng 3 năm 2008.
[26] MALINDO Prevention of Sea Incidents Cooperative Guidelines, introduction 1a, 1b.Kula Lumpur, 2001. Emphasis added.
[27] Michael Leifer, International Traits of the World, tập 2: Malacca, Xinh-ga-po, and Indonesia (Alphen aan den Rijn: Sijthoff và Noordhoff. 1978), tr. 10-11.
[28] Burkina Faso vs. Republic of Mali, ICJ Reports 1986, 565, đã dẫn trong Enver Hasani, ‘Uti Possidentis Juris: From Rome to Kosovo’, International Law Under Fire. Fletcher Forum of World Affairs, Summer/Fall, 2003, tại http://operatioon Kosovo.kentlaw.edu/symposium/resources/hasani-fletcher.dtml, truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2004.
[29] Enver Hasani, đã dẫn
[30] Anthony L. Smith và Angie Ng, ‘Papua: Moving Beyond Internal Colonialism?’ [Papua: vượt lên trên chủ nghĩa thực dân nội bộ?] New Zealand Journal of Asian Studies (tháng 12, năm 2002), tr. 92-97.
[31] Diễn văn khai mạc của đại diện bên Ma-lai-xi-a, Tan Sri Abdul Kadir Mohamad, tổng thư ký, bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Tòa án Công lý Quốc tế; trường hợp giữa Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a lên quan đến chủ quyền đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan: áp  dụng trong việc cho phép Phi-líp-pin can thiệp, The  Hague, ngày 26, tháng 6, năm 2001; Diễn văn khai mạc của đại diện phía Phi-líp-pin, tiến sĩ N. Hasan Wirajuda, bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng Hòa In-đô-nê-xi-a, The Hague, ngày 3 tháng 6 năm 2002, www.indonesia.nl/statements.php?rank=6&art_cat_id=10.
[32] Lee Yong Leng, op. đã dẫn, tr. 17.
[33] Amitav Acharya, Sovereignty, Non-Intervention, and Regionalism, [Chủ quyền, Không can thiệp, và Chủ nghĩa khu vực] CANCAPS papier số 15 (Tonronto: York Centre for International and Security Series, York University, tháng 10 năm 1977), tr. 3.
[34] Robert McCorquodale và Raul Pangalangan, ‘Pushing back the Limitations of Territorial Boundaries’, [Thúc đẩy lại giới hạn của đường biên giới lãnh thổ] European Journal of International Law 12, 5 (ngày 1 tháng 12 năm 2001), tr. 874, sự nhấn mạnh của tôi.
[35] Achrya, op. đã dẫn, tr. 9.
[36] Daniel Moran, ‘The International Law of the Sea in a Globalized World’, [Luât biển trong một thế giới toàn cầu hóa] trong Sam J. Tangredi (bản), Globalization and Maritime Power (Washington, DC: Institute for National Strategic Studies, NationalDefenseUniversity, 202), tr.221-239.
[37] Alastair Lamb, Asian Frontiers: Studies in a Continuing Problem (New York: Frederick A. Prager, 1968), tr. 5.
[38] Leni Stenseth, ‘The Imagined China Threat in the South China Sea’, [Mối đe dọa Trung Quốc tưởng tượng ở Biển Đông] Centre for Development and the Enviroment, University of Oslo.(không có ngày tháng), tr. 40.
[39] Alastair Lamb, op. đã dẫn, tr. 6.
[40] Samuel Sharpe,’An ASEAN Way to Security Cooperation in Southeast Asia?’ [Các thức ASEAN trong hợp tác an ninh ở Đông Nam Á] Pacific Review ngày 16 tháng 2 năm 2003, tr. 239.
[41] ‘Recent Development in the South China Sea (1995)’, [Tiến triển gần đây ở Biển Đông] ngày 18 tháng 3 năm 1995, tại www.aseansec.org/5232.html, truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2001
[42] Leszek Buszynski, ‘Realism, Institutionalism, and Philippine Security’, [Chủ nghĩa hiện thực, thuyết thể chế và an ninh của Phi-líp-pin] Asian Survey,42, 2 (Tháng 5/tháng 6 năm 2002), tr. 491.
[43] Điều này trực tiếp trái với Trung Quốc, khi một học giả đã lập luận rằng quần đảo Trường Sa đã trở thành một phần của bản sắc dân tộc Trung Quốc, và do đó ‘considered an inseparable part of the motherland, and occupation by others is interpreted as encroachments on Chinese territory’ [được coi là một phần không thể tách rời của Đại lục, và bất cứ hành động chiếm đóng nào đều bị coi là xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc] (Stenseth, op. đã dẫn, tr. 40).
[44] ‘Indonesia to Register Small Islands’ Names to UN on August 18’, [In-đô-nê-xi-a đăng ký tên các quần đảo nhỏ với Liên Hợp Quốc ngày 18 tháng 8] Tempointeraktif, ngày 23 tháng 7 năm 2007, tại www.tempointeraktif.com/hg/nasional/2007/07/23/brk,20070723-104181,uk.html, truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2007.
[45] Meidyatama Suryodiningrat, ‘RI Must Make Presence Felton Island’, Jakarta Post, ngày 13 tháng 3 năm 2006 (điều mà tôi nhấn mạnh).
[46]MPR Speaker: Indonesia’s Outer Borders Are Weak’, [ Biên giới bên ngoài của In-đô-nê-xi-a yếu] Tempointeraktif, ngày 13 tháng 4 năm 2005 (bổ sung sự nhấn mạnh) tại www.tempointeraktif.com/hg/nasional/2005/04/13/brk,20050413-04,uk.html, truy cập ngày 11 tháng 5 năm 2001.
[47] ‘ASEAN Declaration on the South China Sea’, Manila, Phi-líp-pin, ngày 22 tháng 7 năm 1992, tại www.aseansec.org/1196.htm, truy cập ngày 11 tháng 5 năm 2001.
[48] Christopher Chung, đã dẫn.  tr. 145.
[49] Như trên.
[50] Tuyên bố của Hiệp ước ASEAN II (Hiệp ước Bali II), www.aseansec,org/15159.htm, truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2004.
[51]Indonesia Presses ASEAN to Pursue Security Bloc’, [In-đô-nê-xi-a hối thúc ASEAN theo đuổi khối an ninh] Reuters report, International Herald Tribune, ngày 30 tháng 6 năm 2004.
[52] Đối với tranh luận về thể chế, xem Mark J. Valencia, ‘Prospects for Multilateral Regime Building in Asia’, [Triển vọng xây dựng cơ chế đa phương ở châu Á] trong Sam Bateman (ed.), Maritime Cooperation in the Asia-Pacific Region: Cureent Situation and Prospects, Canberra Papers on Strategy and Defence No. 132 (Canberra: Australian National University, 1999), tr. 27-67 tại tr. 40
[53] Xem Liselotte Odgaard, ‘Conflict Control and Crisis Management between China and Southeast Asia: An Analysis of the Workshops on Managing Potential Conflicts in the South China Sea’, [Kiểm soát xung đột và quản lý khủng hoảng giữa Trung Quốc và Đông Nam Á] tại www.southchinasea.org/doc.Odgaard.pdf, truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2001.
[54] Yann-Huei Song, ‘The Overall Situation in the South China Sea in the New Millennium: Before and After the September 11 Terrorist Attacks’, [Toàn bộ tình trạng ở Biển Đông trong Thiên niên Kỷ mới: Trước và Sau tấn công khủng bố ngày 11/9] Ocean Development and International Law 34, ¾ (2003), tr. 249.
[55] Leni Stenseth, ‘Nationalism and Foreign Policy – the Case of China’s Nansha Rhetoric’, luận án tiến sỹ không xuất bản, khoa Khoa học Chính trị, trường đại học Oslo, năm 1998, hoàn thành ngày 29.
[56] ‘A Tripartite Agreement for Joint Marine Scientific Research in Certain Areas in the South China Sea By and Among China National Offshore Oil Corporation and Vietnam Oil and Gas Corporation and Philippine National Oil Company, 2005’, [Hiệp định ba bên về Nghiên cứu Khoa học Hàng hải chung trong các khu vực nhất định ở Biển Đông giữa tập đoàn dầu ngoài khơi quốc gia Trung Quốc và tập đoàn dầu khí Việt Nam và công ty dầu quốc gia Phi-líp-pin, năm 2005] www.newsbreak.com.ph/index.php?option=com_remository&Itemid=88889273&func=stratdown&id=219, truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2008.
[57]‘Secretary Romulo Heralds RP-China-Vietnam Agreement on Joint Seismic Survey of the South China Sea’, trang web chính thức của chính phủ Phi-líp-pin ngày 14 tháng 3 năm 2005, tại www.gov.ph/news/default.asp?i=7301, truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2008. 
[58] Christopher Roberts, ‘China and the South China Sea: What Happened to ASEAN’s Solidarity?’ [Trung Quốc và Biển Đông: Điều gì đã xảy ra đối với sự đoàn kết của ASEAN?] IDSS Commentaries, ngày 26 tháng 4 năm 2005.
[59] Michaela P. del Callar, ‘No Gloria Order to Suspend JMSU: Chinese Ships to Continue Exploration – Diplomat’, Dialy Tribune, ngày 19 tháng 3 năm 2008, tại www.tribune.net.ph/headlines/20080319hed1.html, truy cập ngày 19 tháng 3 năm 2008.
[60]Miriam Grace A. Go, ‘A Policy of  Betrayal’ [chính sách của sự phản bội] (1 trong 3 phần), ABS-CBNNEWS.com/newsbreak, tại www.abs-cbnnews.com/storypage.aspx?StoryId=112137, truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2008.
[61] Clive Schofield, ‘Unlocking the Seabed Resources of the Gulf of Thailand’, [Khai thác nguồn tài nguyên dưới đáy của Vịnh Thái Lan] Contemporary Southeast Asia  29, 2 (tháng 8 năm 2007), tr. 298.
[62] Lee Yong Leng, đã dẫn. tr. 7
[63] Như trên,tr. 8.
[64] Như trên, tr. 19-20.
[65] R. Haller-Trost, The Contested Maritime and Territorial Boundaries of Ma-lai-xi-a: An International Law Perspective, International Boundary Studies Series (London: Kluwer International Law Limited, 1998) tr.68
[66] Clive Schofield, đã dẫn, tr. 295.
[67] Như trên, tr. 295
[68] Như trên, tr. 288
[69] Như trên, tr. 290
[70] Như trên, tr. 297.