Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG TÀU NGẦM CỦA CÁC NƯỚC Ở THÁI BÌNH DƯƠNG

Ngày 2/2, Viện nghiên cứu Heritage Foundation của Mỹ công bố báo cáo tựa đề: "Submarine Arms Race in the Pacific: The Chinese Challenge to U.S. Undersea Supremacy", đánh giá về tương quan lực lượng tàu ngầm của các nước ở Thái Bình Dương và sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Sau đây là tóm lược nội dung chính của báo cáo:
1. Đánh giá về tương quan lực lượng tàu ngầm các nước ở Thái Bình Dương
Cán cân lực lượng tàu ngầm thay đổi một cách đáng kể từ Chiến tranh Lạnh đến nay, đặc biệt sau khi Nga giảm phần lớn hoạt động đội tàu ngầm của họ từ những năm 1990, số lượng tàu ngầm của Mỹ cũng đang giảm dần. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã mở rộng và nâng cấp hải quân một cách nhanh chóng, đặc biệt là trang bị thêm nhiều tàu ngầm chiến đấu cho đội tàu ngầm của họ trong giai đoạn từ năm 1995 đến nay. Việc Mỹ giảm dần đội tàu ngầm chiến đấu của họ khiến lực lượng này trở nên mỏng manh hơn, làm cho Ôxtrâylia và Ấn Độ phải tăng gấp đôi số lượng tàu ngầm để đối phó với việc Trung Quốc tăng cường hải quân. Ngoài ra, các nước như Hàn Quốc, Inđônêxia và Malaixia đang phát triển đội tàu ngầm của họ.

- Lực lượng tàu ngầm của Mỹ:

Số lượng tàu ngầm tấn công của Mỹ đã giảm từ 102 chiếc năm 1987 xuống chỉ còn 53 trong năm 2009. Việc sụt giảm này bắt nguồn từ một số lần điều chỉnh cơ cấu lực lượng của Hải quân Mỹ kể từ thời Tổng thống Reagan kêu gọi sản xuất 100 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN). Kế hoạch năm 1991 của Tổng thống Bush cha kêu gọi duy trì 80 SSN. Báo cáo Quốc phòng bốn năm một lần (QDR) năm 1997 giảm mục tiêu này xuống chỉ còn 50 chiếc SSN. QDR 2001 nhắc lại mục tiêu duy trì 50 SSN. Trong khi đó, QDR 2006 đưa ra mục tiêu tăng việc sản xuất thêm 2 tàu ngầm mỗi năm vào năm 2012 và triển khai 60% lực lượng tàu ngầm tới khu vực Thái Bình Dương nhằm bảo vệ các lợi ích của Mỹ tại đây. Nghiên cứu cơ cấu lực lượng tàu ngầm của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) năm 1999 kết luận rằng số lượng tối ưu các tàu ngầm tấn công nhằm đáp ứng tất cả các yêu cầu thu thập tin tức và tác chiến của cộng đồng tình báo và quân sự của Mỹ sẽ là 68 chiếc SSN vào năm 2015 và 76 chiếc SSN vào năm 2025. Một lực lượng bao gồm 55 chiếc SSN vào năm 2015 và 62 chiếc vào năm 2025 sẽ tạo ra nguy cơ tương đối về an ninh. Hiện nay, hạm đội tàu ngầm của Mỹ đang bị dàn trải. Trong khi đó, theo kế hoạch mua sắm dài hạn của Hải quân Mỹ, số lượng SSN sẽ giảm xuống chỉ còn 48 chiếc trong giai đoạn 2022 và 2033 và xuống mức thấp nhất chỉ còn 41 chiếc vào những năm 2028-2029.

Để giải quyết "lỗ hổng" này, Hải quân Mỹ đang cân nhắc giảm thời gian sản xuất tàu ngầm lớp Virginia xuống chỉ còn 60 tháng, kéo dài thời gian phục vụ của một số tàu ngầm lớp Los Angeles thêm 2 năm, và kéo dài việc triển khai một số tàu ngầm từ 6-7 tháng. Nếu như thành công, tất cả những biện pháp này sẽ giúp Hải quân Mỹ duy trì tối đa 44-45 chiếc SSN. Việc giảm sút lực lượng SSN không chỉ tạo ra thách thức đối với việc duy trì khả năng răn đe dưới nước của Hải quân Mỹ mà còn ảnh hưởng tới các nỗ lực tác chiến chống tàu ngầm (ASW). Hiện nay, Hải quân Mỹ có 173 máy bay tuần tiễu P-3C đã cũ kỹ và loại máy bay thay thế P-8A dự kiến sẽ chưa thể đưa vào hoạt động cho đến năm 2013. Hải quân Mỹ cũng đang cho "nghỉ hưu" loại máy bay săn tàu ngầm S-3B Viking và vẫn chưa có kế hoạch thay thế. Ngoài ra, Hải quân Mỹ cũng đang thiếu một hệ thống hiện đại giống như hệ thống định vị bằng âm thanh (SOSUS) để phát hiện các tàu ngầm đối phương. Nhiều hệ thống tương tự triển khai từ thời Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời và không có tác dụng trong môi trường tác chiến hiện nay. Hơn nữa, nhiều quốc gia đang triển khai các loại tàu ngầm hiện đại có thể đe dọa các tàu sân bay của Mỹ.

- Lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc:

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Hải quân Trung Quốc đã mở rộng và nâng cấp nhanh chóng, đặc biệt là hạm đội tàu ngầm. Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất ở châu Á, bao gồm 6 chiếc SSN và 54 chiếc tàu ngầm tấn công chạy bằng điêzen (SS). Hơn một nửa các tàu ngầm chạy bằng điêzen là các loại tàu ngầm hiện đại lớp Kilo, lớp Tống và lớp Nguyên. Trung Quốc đang trên đường thực hiện mục tiêu xây dựng một lực lượng hải quân nước sâu, có thể tác chiến ngoài khơi xa nước này. Trong giai đoạn từ năm 1995-2005, Trung Quốc đã trang bị cho hải quân nước này 31 tàu ngầm mới. Ước tính hạm đội tàu ngầm tấn công của Trung Quốc trong tương lai sẽ có khoảng từ 58-88 chiếc, phụ thuộc vào việc các loại tàu ngầm cũ ngừng hoạt động sớm hay muộn. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cho ra mắt bốn loại tàu ngầm mới được thiết kế và sản xuất trong nước là tàu ngầm lớp Tấn (tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo - SSBN), lớp Thương (SSN), lớp Nguyên (SSP), và lớp Tống (tàu ngầm tấn công chạy bằng điện - SSK). Thế hệ tiếp theo của tàu ngầm lớp Thương cũng đang được chế tạo.

Hạm đội tàu ngầm tấn công của Trung Quốc đã tăng một cách đáng kể số lượng tàu tuần tiễu từ 2 chiếc năm 2006 lên 6 chiếc năm 2007 và 12 chiếc năm 2008. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang có sự tập trung mới vào việc huấn luyện và chứng tỏ với các nước khác là Trung Quốc là một cường quốc hàng hải ở Thái Bình Dương. Một số vụ đụng độ với tàu của hải quân Mỹ trên vùng biển Thái Bình Dương trong những năm vừa qua cho thấy tầm hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc đã vươn xa hơn và hoạt động có phần hiếu chiến hơn so với trước đây. Giới phân tích cho rằng sở dĩ Trung Quốc mở rộng nhanh chóng lực lượng tàu ngầm tấn công là do một số nguyên nhân như: nhằm đáp ứng nhu cầu phòng thủ, hạn chế khả năng can thiệp của Mỹ vào xung đột hai bờ giữa Đài Loan và Trung Quốc Đại lục, thách thức sự thống trị của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, bảo đảm khả năng đánh chặn hạt nhân cũng như tạo cho Trung Quốc vị thế lớn hơn trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Như là một phần của khả năng răn đe hạt nhân, Trung Quốc dự kiến sẽ chế tạo khoảng 5 chiếc tàu ngầm SSBN lớp Tấn, mỗi chiếc được trang bị 12 tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm (SLBM) có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ từ vị trí bắn ngoài khơi Trung Quốc. Bắc Kinh cũng muốn sử dụng một số tàu SSN để hộ tống việc tuần tra răn đe của SSBN. Rõ ràng Trung Quốc không hề e ngại bộc lộ ý định trở thành một cường quốc toàn cầu và một hạm đội tàu ngầm tấn công mạnh sẽ giúp bảo vệ việc vận chuyển đường biển của Trung Quốc trên toàn thế giới.

- Lực lượng tàu ngầm của các quốc gia khác trong khu vực:

+ Ôxtrâylia: có 6 tàu ngầm chạy bằng điện và điêzen (SSK và SS) và đã có kế hoạch thay thế những chiếc tàu ngầm này bằng 12 tàu hiện đại thông thường được trang bị tên lửa tuần tiễu. Động thái này của Ôxtrâylia rõ ràng là do sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc hải quân và sự suy yếu uy thế hải quân của Mỹ, mà Ôxtrâylia vốn cho rằng đóng một vai trò bình ổn ở trên toàn thế giới, đặc biệt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

+ Ấn Độ: Mặc dù về mặt địa lý không phải là quốc gia thuộc khu vực Thái Bình Dương, nhưng Ấn Độ cũng đang tăng cường ảnh hưởng ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Ấn Độ có 16 tàu ngầm tấn công chạy bằng điêzen và gần đây đã hạ thủy chiếc SSN đầu tiên. Ấn Độ cũng đang chế tạo 6 tàu ngầm điêzen lớp Scorpene. Việc mở rộng và nâng cấp hạm đội tàu ngầm của Ấn Độ là một phần trong nỗ lực nhằm tăng thêm 100 tàu chiến cho hải quân nước này trong vòng 10 năm tới. Ấn Độ cho rằng chương trình chế tạo tàu chiến là một "nhu cầu chiến lược" của phòng thủ quốc gia, chủ yếu là nhằm đối chọi với việc Trung Quốc tăng cường lực lượng hải quân. Ấn Độ cũng có tham vọng trở thành một nước lớn và lực lượng tàu ngầm là một công cụ quan trọng để thực hiện tham vọng đó.

+ Nga: hạm đội tàu ngầm của Nga đã giảm khoảng 2/3 sau sự sụp đổ của Liên Xô cũ. Trong những năm gần đây, hải quân Nga đã từng bước phục hồi, nhưng vẫn cần thải hàng chục chiếc tàu ngầm hạt nhân tồn lại từ thời Chiến tranh Lạnh. Năm 2009, Nga có 17 chiếc SSN và 20 chiếc SS, trong đó 5 chiếc SSN và 9 chiếc SS thuộc biên chế hạm đội Thái Bình Dương. Tuy nhiên, khó khăn về ngân sách đã hạn chế khả năng của Nga trong việc đại tu thường xuyên các tàu ngầm tác chiến, thậm chí duy trì chúng ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

+ Hàn Quốc: có 12 tàu ngầm tấn công và có kế hoạch tăng lên 27 chiếc vào năm 2020.

+ Bắc Triều Tiên: có 22 tàu ngầm tấn công thông thường đã cũ (số lượng tàu còn hoạt động được chưa biết) và nhiều tàu ngầm mini. Về mặt lý thuyết, các tàu ngầm của Bắc Triều Tiên có thể đe dọa các tàu buôn hoặc các tàu chiến bình thường, nhưng không được coi là đối thủ nghiêm trọng trong các hoạt động kiểm soát trên biển.

+ Đài Loan: hiện có 2 chiếc tàu ngầm tấn công và đang có kế hoạch mở rộng và nâng cấp lực lượng này, bao gồm cả tàu chế tạo trong nước.

+ Các nước Đông Nam Á: trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn Độ đang triển khai các loại SSN, hầu hết các nước ở Đông Nam Á đã mở rộng và nâng cấp hạm đội tàu ngầm hiện có của họ. Inđônêxia có 2 tàu ngầm và thông báo kế hoạch chế tạo 12 chiếc vào năm 2024. Việt Nam đặt mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Xinhgapo gần đây đã mua 2 tàu ngầm trang bị hệ thống AIP lớp Archer nhằm thay thế hai chiếc tàu trong tổng số 4 chiếc cũ kỹ. Tháng 10/2007, Malaixia đã nhận được chiếc tàu lớp Scorpene đầu tiên của Pháp và dự kiến sẽ nhận chiếc thứ hai vào năm 2010. Thái Lan chưa có tàu ngầm nhưng cũng bày tỏ tham vọng có một vài chiếc.
2. Một số khuyến nghị nhằm duy trì ưu thế vượt trội dưới biển của Hải quân Mỹ

Trong vòng 16 năm qua, Trung Quốc đã mở rộng nhanh chóng hạm đội tàu ngầm của họ, trong khi đó, Mỹ lại giảm bớt lực lượng này. Các nước bạn bè và đồng minh của Mỹ đã bày tỏ lo ngại về môi trường an ninh chuyển đổi ở Thái Bình Dương. Mỹ đã thừa nhận thực tế cán cân thăng bằng đang chuyển đổi này và đã bắt đầu tìm cách giải quyết. Nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ tại khu vực Đông Á, Thái Bình Dương và hỗ trợ việc trấn an các nước đồng minh trong khu vực, Mỹ cần đảo ngược xu thế giảm bớt đội tàu ngầm hiện nay và cần tăng khả năng chống tàu ngầm của họ. Cụ thể:

- Nhanh chóng đóng thêm các tàu ngầm tấn công. Quốc hội cần thông qua việc tăng mua các tàu ngầm lớp Virginia thêm ít nhất 2 chiếc mỗi năm nhằm mục đích nâng tổng số tàu ngầm tấn công nhanh lên 60 chiếc.

- Rà soát đại tu và hiện đại hóa các tàu ngầm lớp Los Angeles có lựa chọn để kéo dài thời gian phục vụ. Việc đại tu và hiện đại hóa các tàu ngầm sẽ đòi hỏi thêm ngân sách, vì vậy việc kéo dài thời gian phục vụ của các tàu ngầm cũ mà vẫn trong điều kiện hoạt động tốt, thay vì thải đi như kế hoạch đề ra, sẽ giúp thu hẹp "lỗ hổng tàu ngầm" về ngắn hạn với chi phí ít hơn thay vì chế tạo mới.

- Tăng cường thêm các căn cứ tàu ngầm. Bố trí thêm tàu ngầm ở các căn cứ Guam, Hawaii và có thể Nhật Bản - ngoài 3 chiếc SSN hiện có ở Guam - sẽ giúp hạm đội này tiếp cận gần hơn với khu vực Đông Á nơi có thể cần đến chúng nhiều nhất, đồng thời cho phép tối đa hóa thời gian neo đậu và giảm tối thiểu thời gian khởi hành. Hải quân Mỹ cũng cần phải xem xét mua thêm các tàu tiếp liệu cho tàu ngầm.

- Đánh giá lại việc sử dụng các tàu ngầm điêzen. Về ngắn hạn, khi năng lực sản xuất trong nước phát triển, Mỹ có thể mua các tàu ngầm của đồng minh. Phát triển năng lực tàu ngầm thông thường sẽ giúp thúc đẩy việc huấn luyện tác chiến chống ngầm mạnh mẽ hơn và cho phép Mỹ có thể bán các tàu ngầm chạy điêzen tiên tiến cho Đài Loan.

- Nghiên cứu, phát triển và triển khai các phương tiện đa chức năng hoạt động dưới biển. Trang bị các thiết bị không người điều khiển dưới biển (UUV) có thể giúp tăng cường phạm vi, năng lực và khả năng sát thương của các loại vũ khí dưới biển hiện nay. Tuy nhiên, không nên coi các UUV như một sự thay thế các loại tàu ngầm tấn công. Trong tương lai gần, Mỹ cần tiếp tục triển khai các tàu ngầm có người điều khiển, đồng thời nâng cấp và tăng cường năng lực nhằm đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng.

- Tăng cường các năng lực tác chiến chống ngầm. Quốc hội cần phân bổ ngân sách đủ và ổn định để tăng cường các năng lực ASW cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể có thể mở rộng và đẩy nhanh chương trình P-8 và chế tạo thêm các tàu chiến có khả năng ASW.

- Hợp tác với quân đội của các nước bạn bè và đồng minh nhằm cải thiện năng lực tàu ngầm và ASW của họ. Những nỗ lực này bao gồm tiến hành thường xuyên và mạnh mẽ các cuộc tập trận đa phương, chia sẻ công nghệ và lập kế hoạch chung. Tăng cường năng lực hải quân của các nước bạn bè và đồng minh sẽ cho phép Mỹ hạn chế triển khai các nguồn lực của họ trong các tình huống khẩn cấp và sứ mệnh nhất định nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp bách hơn.

- Khuyến khích Trung Quốc minh bạch hơn trong các vấn đề an ninh thông qua các kênh quân sự. Sự minh bạch lớn hơn về quân sự của Trung Quốc sẽ giúp giải quyết hoặc xoa dịu những quan ngại về việc tăng cường sức mạnh hải quân của nước này. Sự hiểu biết lẫn nhau rõ hơn cũng có thể giúp ngăn chặn hoặc tránh các cuộc đụng độ trong tương lai giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc./. 
http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/706-tng-quan-lc-lng-tau-ngm-ca-cac-nc-thai-binh-dng