Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Hội thảo khoa học “Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước”

TCCSĐT - Ngày 17-5 tại Hà Nội, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước” (5-6-1911 – 5-6-2011). Hội thảo là cơ hội đánh giá, nhìn nhận sâu hơn về tầm vóc và ý nghĩa to lớn của một sự kiện lịch sử trọng đại đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta và ảnh hưởng của nó đối với phong trào cách mạng thế giới.
Hội thảo cũng là dịp chúng ta tỏ lòng tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là hành động thiết thực góp phần tuyên truyền, động viên các cấp, các ngành và nhân dân cả nước quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội XI đã đề ra, tiếp tục đưa đất nước ta đi theo con đường mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Tham dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phan Đình Trạc, Bí Thư Tỉnh ủy Nghệ An... cùng đại diện một số tỉnh, thành phố và đông đảo các nhà khoa học.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả dân tộc
Phát biểu báo cáo đề dẫn tại hội thảo, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Người là kết tinh truyền thống văn hóa tốt đẹp hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hóa thế giới. Người đã có những cống hiến to lớn đối với phong trào đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ nhân loại. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh là bản anh hùng ca về chủ nghĩa yêu nước, về tinh thần tận tụy, hy sinh phấn đấu quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Di sản tư tưởng và tấm gương đạo đức cao đẹp của Người mãi mãi là tài sản quý báu của toàn Đảng, toàn dân ta, là niềm tự hào, nguồn cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam.
Cách đây tròn 100 năm, ngày 5-6-1911, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từ giã quê hương, lên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin sang phương Tây, mang theo mình một khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước, để đem lại: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. Người đã bôn ba khắp năm châu, vừa lao động vừa học tập, nghiên cứu lý luận và thực tiễn cách mạng thế giới, để rồi tìm thấy ánh sáng cách mạng của thời đại: Chủ nghĩa Mác-Lênin.
Bằng nghị lực, trí tuệ và tài năng, Người đã chỉ đạo xây dựng phong trào cách mạng Việt Nam đi theo quỹ đạo cách mạng vô sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và chuẩn bị mọi tiền đề điều kiện để tiến hành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi. Dưới sự lãnh đạo của Người, nhân dân ta đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Ý nghĩa sự kiện ra đi tìm đường cứu nước vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự sâu sắc
Các tham luận của các nhà khoa học đã tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc hơn về bối cảnh lịch sử thế giới, trong nước những năm đầu thế kỷ XX và quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành; những cống hiến vĩ đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc xây dựng, hoàn thiện đường lối và tổ chức lãnh đạo đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi; ý nghĩa lịch sử của sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước đối với tiến trình cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới.
Gần 60 tham luận được trình bày và gửi đến hội thảo khẳng định: Một trăm năm đã trôi qua, kể từ ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước nhưng ý nghĩa to lớn của sự kiện ấy vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự sâu sắc.
Đối với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, sự kiện Bác Hồ quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước là một dấu son mở đầu trang sử mới trong lịch sử dân tộc ta. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, lựa chọn ra con đường cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, con đường cách mạng đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của lịch sử nước ta, đưa cách mạng nước ta đến thành công...
Đối với Đảng ta, nhìn lại chặng đường hơn 80 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng và con đường mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn, lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi hết sức to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trở thành tư tưởng chỉ đạo trong đường lối của Đảng, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Mặc dù bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế hiện nay có nhiều biến đổi, song Đảng ta vẫn khẳng định kiên định mục tiêu, con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là con đường đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển của thời đại.
Đối với các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ thanh niên, dù thời gian đã lùi xa một thế kỷ, nhưng sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước vẫn mãi là tấm gương sáng ngời tinh thần yêu nước, tinh thần sẵn sàng xả thân, hy sinh vì đất nước, là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam học tập noi theo. Đó còn là bài học về nghĩa vụ, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương đất nước, tinh thần học tập sáng tạo, độc lập tự chủ, tận trung với nước, tận hiếu với dân mà Bác Hồ là tấm gương tiêu biểu.
Đối với phong trào cách mạng thế giới, với việc tiếp thu, vận dụng và phát triển học thuyết Mác-Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa, Hồ Chí Minh đã đưa ra những luận điểm hết sức sáng tạo về vấn đề lực lượng cách mạng, vấn đề nông dân; về mối quan hệ giữa cách mạng vô sản ở chính quốc với cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa; về xây dựng một chính đảng vô sản kiểu mới; quan điểm lý luận cách mạng phải gắn liền với thực tiễn cách mạng, phù hợp với thực tiễn lịch sử, chống giáo điều tả khuynh... Người đã làm phong phú, làm giàu thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục là nguồn cổ vũ lớn lao đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Theo gương Việt Nam, hàng loạt nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh đã đứng lên lật đổ ách thống trị của thực dân, giành độc lập dân tộc. Thắng lợi của Việt Nam đã góp phần làm tan rã hệ thống chủ nghĩa thực dân cũ, buộc chủ nghĩa đế quốc phải xóa bỏi hệ thống thuộc địa kiểu cũ, xóa bỏ “vết nhơ của nhân loại trong thế kỷ XX”./.
http://www.tapchicongsan.org.vn/details.asp?Object=5&News_ID=17563523