Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Cơ chế an ninh eo biển Malacca

Eo biển Malắcca có vị trí vô cùng quan trọng về kinh tế, chính trị, quân sự. Do vậy, việc kiểm soát, tìm kiếm sự ảnh hưởng, duy trì an ninh eo biển này luôn là mối quan tâm hàng đầu của 3 quốc gia Malayxia, Xingapo, Indonexia – các quốc gia sở hữu và là những nước chủ yếu bảo vệ an ninh eo biển, cũng như lôi kéo mối quan tâm của các cường quốc biển như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ.

I) Sự hình thành cơ chế an ninh

Từ xưa đến nay, biển Malắcca luôn là nơi có vị trí hiểm yếu về quân sự. Để kiểm soát eo biển này, khống chế con đường huyết mạch thương mại quốc tế, giành lợi ích kinh tế to lớn, mấy thế kỷ gần đây, vương quốc Mã Lai cổ đại, thực dân châu Âu và Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai đều thay nhau chiếm lĩnh một phần hoặc toàn bộ khu vực này. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Inđônêxia và Malaixia lần lượt giành được độc lập, trở thành quốc gia dân tộc. Năm 1965, bang tự trị Xinhgapo của Malaixia cũng tuyên bố độc lập. Từ đó, vùng ven bờ eo biển Malắcca với ý nghĩa hiện đại do ba nước này chính thức xác lập. Tuy nhiên, do lập trường không giống nhau, ba nước đã xảy ra tranh chấp nhiều lần trong vấn đề phân chia vùng nước eo biển. Trong đó, Inđônêxia là nước coi trọng chủ quyền eo biển sớm nhất. Năm 1957, nước này đưa ra “Tuyên bố quốc đảo”, lần đầu tiên khẳng định eo biển Malắcca thuộc phạm vi lãnh hải của Inđônêxia theo “Nguyên tắc nội thủy quốc gia quần đảo”, có chủ quyền và quyền quản lý đối với eo biển. Tiếp đó, Malaixia khẳng định chủ quyền và quyền quản lý đối với eo biển Malắcca theo “Công ước Giơnevơ về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải” và “Công ước Giơnevơ về thềm lục địa” của Liên hợp quốc năm 1958. Sau khi Xinhgapo giành được độc lập, vấn đề chủ quyền vùng eo biển cũng rất cứng rắn, không hề nhượng bộ. Vì thế, ba nước xảy ra tranh chấp vùng eo biển này. Sau khi ASEAN thành lập, các nước ven biển đàm phán vấn đề phân giới vùng biển trong khuôn khổ ASEAN. Năm 1971, tổ chức này đưa ra tuyên bố chung phản đối quốc tế hoá eo biển Malắcca và Xinhgapo. Tuyên bố nêu rõ: 1) Eo biển Malắcca và Xinhgapo không phải là eo biển quốc tế; (2) Giao thông qua hai eo biển này phải được áp dụng nguyên tắc đi qua không gây hại. Sau đó qua nhiều vòng đàm phán, trong thập niên 1970, ba nước cuối cùng đã giải quyết được tranh chấp trong vấn đề phân giới chủ quyền eo biển Malắcca. “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển” được ký kết năm 1982 cũng xác lập và giới hạn đối với “nguyên tắc vùng nội thuỷ” quốc gia quần đảo. Điều này có nghĩa là cộng đồng quốc tế thừa nhận địa vị pháp lý quốc tế của eo biển Malắcca không thuộc “eo biển quốc tế” cũng như ba nước eo biển có chủ quyền và quyền quản lý an ninh eo biển Malắcca. Do đó, ba nước ven biển này cũng trở thành những quốc gia sở hữu và là những nước chủ yếu bảo vệ an ninh eo biển.
Tuy nhiên, việc xác định quyền sở hữu không giải quyết được vấn đề an ninh eo biển, những nhân tố phức tạp ảnh hưởng đến an ninh eo biển luôn gây khó khăn cho ba nước và các quốc gia có liên quan. Những nhân tố này bao gồm hai cấp độ là biểu hiện khách quan và lo ngại chủ quan. Nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực như tuyến đường biển, cướp biển, chủ nghĩa khủng bố, buôn lậu, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bệnh truyền nhiễm, đói nghèo, di cư bất hợp pháp và mối lo ngại nước ngoài có thể can dự vào eo biển này. Hiện nay, Inđônêxia, Malaixia và Xinhgapo là nước sở hữu hợp pháp quyền kiểm soát, là bên liên quan lợi ích trực tiếp của an ninh eo biển. An ninh eo biển có ảnh hưởng quan trọng đến lợi ích kinh tế, tính mạng nhân dân, an ninh tài sản của ba nước. Trong thời kỳ đầu, mỗi nước một kiểu, thực hiện riêng rẽ nhiều biện pháp để bảo đảm an ninh eo biển. Tính chất phức tạp trong vấn đề an ninh eo biển Malắcca khiến ba nước ven biển ý thức được rằng dựa vào sức mạnh của một nước thì không thể giải quyết được mọi vấn đề mà phải xây dựng cơ chế hợp tác với các quốc gia có liên quan để cùng ứng phó.
Trong quá trình tìm kiếm biện pháp xây dựng cơ chế, do lịch sử, văn hoá, sức mạnh đất nước và vị trí địa lý khác nhau, lợi ích cơ bản từ eo biển và tính toán nội bộ của mỗi nước cũng khác nhau, do đó, họ có trọng điểm khác nhau, thái độ và biện pháp khác nhau về vấn đề an ninh eo biển trong phối hợp an ninh cũng vừa có hợp tác, vừa có xung đột và đấu tranh. Trong đó, Xinhgapo do diện tích nhỏ, dân số ít, nên về góc độ an ninh, nước này luôn có thái độ nghi kỵ với hai nước Hồi giáo lớn Inđônêxia và Malaixia về an ninh. Do đó, Xinhgapo luôn hoan nghênh các nước bên ngoài khu vực can dự vào công việc an ninh ở eo biển Malắcca, hy vọng qua đó để cân bằng thế lực. Tuy nhiên, do bị thực dân đô hộ và trải qua quá trình gian khổ giành độc lập, về mặt chủ quan, Malaixia và Inđônêxia không muốn có sự can dự của thế lực bên ngoài vào khu vực. Điều này đã tạo ra các cơ chế nhiều cấp độ, nhiều hình thức xung quanh an ninh eo biển Malắcca.
II) Sự cấu thành cơ chế an ninh eo biển Malắcca
Một là cơ chế phối hợp quốc gia ven biển.
Sự phối hợp của ba nước ở eo biển này trong vấn đề eo biển Malắcca bắt đầu từ thập niên 70 của thế kỷ XX. Năm 1971, để giải quyết vấn đề chủ quyền vùng nước, ba nước sau khi đàm phán đã ra tuyên bố chung phản đối quốc tế hoá eo biển Malắcca và Xinhgapo. Đây là sự khởi đầu chuyển từ đấu tranh sang dàn xếp phối hợp của ba nước trong vấn đề eo biển.
Những nhân tố đe doạ có thể ảnh hưởng đến an ninh eo biển tăng lên, ba nước ven bờ cũng từng bước phối hợp và hợp tác nhiều hơn. Đầu năm 1992, để ngăn chặn hoạt động cướp biển ở eo biển Malắcca và tuyến đường biển phía tây nam Xinhgapo, Inđônêxia, Malaixia và Xinhgapo đã đàm phán thúc đẩy hành động chống cướp biển, xây dựng trung tâm chống cướp biển ở Cuala Lămpơ. Hải quân Inđônêxia và Xinhgapo ký “Hiệp định tuần tra chung” tháng 7/1992 cùng bảo vệ an ninh trên biển. Hai nước này còn xây dựng kế hoạch hành động chung trên eo biển Malắcca. Tháng 4/2007, ba nước Xinhgapo, Malaixia, Inđônêxia bắt đầu phối hợp tuần tra chung, trao đổi tình hình kế hoạch tuần tra, chỉ huy, trình tự kiểm soát mỗi bên và vị trí tàu tuần tra. Tháng 5/2005, Xinhgapo và Malaixia tăng cường hợp tác, đã khởi động “hệ thống giám sát hình ảnh trên biển” (SURPIC), hải quân hai nước bắt đầu thực hiện tình huống thực tế ở eo biển Malắcca. Tháng 9/2005, Xinhgapo, Malaixia, Inđônêxia và Thái Lan cùng tuần tra trên không với tên gọi “Con mắt không trung”, cùng tăng cường giám sát trên không khu vực eo biển Malắcca. Máy bay trinh sát hải quân chở nhân viên quân sự bốn nước tuần tra vùng trời eo biển này theo định kỳ, nếu phát hiện có vấn đề, nơi xảy ra sự vụ sẽ để nước có liên quan điều động xử lý. Tháng 4/2006, quan chức quân sự của ba nước Xinhgapo, Malaixia, Inđônêxia tổ chức “Hội nghị phối hợp tuần tra chung eo biển Malắcca” tại đảo Batan Inđônêxia, đã quy định rõ hơn vấn đề hợp tác an ninh khu vực eo biển này. Năm 2008, ba nước chính thức thực hiện cơ chế hợp tác có liên quan đến eo biển Malắcca và eo biển Xinhgapo, cùng bảo vệ an ninh hàng hải và môi trường ở eo biển. Ngày 14/10/2009, Diễn đàn Hợp tác an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường eo biển Malắcca lần thứ hai tổ chức tại Xinhgapo, đại biểu ba nước ven biển và Tổ chức Biển quốc tế đã tập trung thảo luận vấn đề an ninh và thông suốt của tuyến đường eo biển này. Cũng vào ngày hôm đó, ba nước và tổ chức trên đã ký một hiệp định kỹ thuật chung, xây dựng “Quỹ Ủy thác eo biển Malắcca của Tổ chức Biển quốc tế", nhằm hỗ trợ hợp tác giữa các bên có lợi ích liên quan ở eo biển, bảo vệ môi trường và an ninh hàng hải eo biển Malắcca.
Hai là cơ chế an ninh eo biển trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
Sau khi chấm dứt cục diện hai cực, đa số các nước châu Á – Thái Bình Dương cho rằng cần thúc đẩy đối thoại an ninh đa phương. Năm 1994, các nước ASEAN đàm phán phi chính thức về vấn đề an ninh chính trị khu vực tại Diễn đàn ARF tổ chức tại Băng Cốc (Thái Lan). Về cơ chế hợp tác đa phương, đặc biệt là ở cấp độ chính trị ngoại giao, Diễn đàn ARF ngày càng phát huy vai trò quan trọng. Trong Diễn đàn ARF, hợp tác trên biển tại khu vực được hưởng ứng rộng rãi, đã thành lập một số tiểu ban hợp tác an ninh biển. Hội nghị ARF tổ chức trong hai ngày 30-31/3/2004 đã thảo luận việc chống Tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah và các tổ chức khủng bố khác tấn công tuyến đường biển và công trình quan trọng trên biển. Các đại biểu tham dự hội nghị ra tuyên bố, các nước thành viên quyết tâm thực hiện biện pháp chống khủng bố, tăng cường phối hợp về kỹ thuật, lập pháp, tấn công khủng bố, bảo đảm an ninh hàng hải. Phải nói rằng, ba nước ven biển đều có thái độ hoan nghênh các nước ASEAN tham gia công việc an ninh eo biển Malắcca. Việc làm này có thể giảm bớt khó khăn của ba nước ven biển, nhất là sức mạnh hải quân của Malaixia, Inđônêxia chưa đủ mạnh. Mặt khác, đối với Malaixia và Inđônêxia, có thể tạm thời ngăn ngừa các nước lớn bên ngoài khu vực như Mỹ, lấy cớ sức mạnh hải quân của ba nước còn hạn chế để can dự vào eo biển Malắcca.
Ba là xây dựng cơ chế hợp tác an ninh cho vấn đề an ninh eo biển Malắcca.
Một số vấn đề về an ninh eo biển chưa được giải quyết tận gốc, một phần là do thiếu thống nhất về thể chế và cấp độ pháp lý của các nước ven biển. Chẳng hạn, khi truy bắt cướp biển ở vùng biển quốc tế, nếu bọn cướp chạy vào lãnh hải của Inđônêxia, lực lượng tuần tra trên biển của Xinhgapo và Malaixia phải ngừng bám đuổi theo “quyền truy bắt” được quy định trong luật quốc tế. Điều này khiến cho việc truy bắt cướp biển xảy ra ở khu vực hai nước Xinhgapo và Malaixia không quản lý hoặc khu vực giáp ranh giữa vùng biển quốc tế với vùng biển một nước nào đó không thể thực hiện thuận lợi. Để giải quyết vấn đề kỹ thuật này, tháng 11/2004, tại Tôkyô, Nhật Bản, 16 quốc gia bao gồm 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Xri Lanca, Bănglađét ký kết “Hiệp ước hợp tác các nước châu Á về đối phó với cướp biển và cướp có vũ trang” (ReCAAP). Đây là sáng kiến do Nhật Bản đưa ra vào năm 2001 nhằm tăng cường hợp tác quốc tế khu vực Đông Nam Á, ngăn chặn cướp biển và cướp có vũ trang. Theo hiệp định này, các nước đã định nghĩa về hành động “cướp có vũ trang trên biển”, đồng ý xây dựng một trung tâm trao đổi thông tin lâu dài nhằm thể chế hóa hiệp định hợp tác. Trung tâm này sẽ trở thành tổ chức chủ yếu để thực hiện hiệp định, Xinhgapo là nơi đặt địa điểm trung tâm trao đổi thông tin và là nước lưu trữ các văn kiện. Hiện nay, trung tâm đã chính thức đi vào hoạt động, có báo cáo đánh giá hàng năm đối với vấn đề cướp biển.
Bốn là đưa vấn đề liên quan đến an ninh eo biển Malắcca vào cơ chế an ninh đa phương. Hai cơ chế an ninh đa phương quan trọng bên ngoài Đông Nam Á là Liên minh quốc phòng 5 quốc gia (FPDA) gồm Ôxtrâylia, Malaixia, Niu Dilân, Xinhgapo và Anh, “Diễn đàn hải quân Tây Thái Bình Dương” (WPNS) đã tham gia tập trận chung chống khủng bố trên biển vào năm 2004, 2005. Diễn tập an ninh đa phương trên biển đã có vai trò cực kỳ quan trọng để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tăng thêm lòng tin của hải quân các nước. Từ ngày 6-22/9/2006, FPDA tổ chức cuộc tập trận chung hải lục không quân với quy mô lớn nhất và nội dung phức tạp nhất từ trước đến nay. Phía Xinhgapo cho biết, sau này, FPDA sẽ chú trọng tăng cường khả năng và sự phối hợp của các nước thành viên ứng phó thách thức an ninh mới, ngoài an ninh truyền thống, còn quan tâm đến mối đe dọa an ninh phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố, an ninh trên biển.
Malaixia đã tỏ ý hoan nghênh ba nước thành viên khác của FPDA là Anh, Ôxtrâylia, Niu Dilân, với tiền đề không xâm phạm chủ quyền quốc gia ven biển, tham gia chương trình tuần tra chung “Con mắt trên không”, nhưng chỉ giới hạn cung cấp máy bay và thiết bị trinh sát, việc thực hiện cụ thể do Malaixia phụ trách.
III) Đặc điểm cơ chế an ninh eo biển Malắcca
Một là ảnh hưởng của các nước lớn.
Do tầm quan trọng của vị trí chiến lược eo biển, từ xưa đến nay, khu vực này luôn có bóng đen can dự của nước lớn ngoài khu vực. Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ xuất phát từ lợi ích khác nhau, luôn có ý đồ can dự vào công việc eo biển. Sự quan tâm của Mỹ đối với eo biển này có bối cảnh lớn là chuyển trọng tâm chiến lược từ châu Âu sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương là điểm gặp nhau giữa các lực lượng chiến lược trên thế giới. Đây là nơi tập trung các nước lớn như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, quan hệ rất phức tạp.
Mỹ phải kiềm chế, thậm chí chèn ép những nước lớn trên, eo biển Malắcca là một trong những biện pháp quan trọng để Mỹ đạt được mục đích đó. Mỹ vội vã can dự vào công việc an ninh của eo biển này, mục đích là để tăng cường ảnh hưởng và sự có mặt về quân sự, giành lợi ích chiến lược và quyền chủ đạo nhiều hơn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như Đông Nam Á.
Nguyên nhân quan trọng khiến Nhật Bản quan tâm đến an ninh eo biển là những tính toán về an ninh năng lượng và kinh tế. Là một quốc đảo thiếu tài nguyên, Nhật Bản hiểu rất rõ tầm quan trọng của vận tải đường biển đối với sự phát triển quốc gia. Cục phòng vệ Nhật Bản tuyên bố: “Đông Nam Á trong đó có eo biển Malắcca, Biển Đông, vùng biển gần Philíppin và Inđônêxia vô cùng quan trọng đối với việc vận chuyển tài nguyên thiên nhiên đến Nhật Bản, khu vực này là điểm then chốt để liên kết giao thông giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”. Ngoài ra, Nhật Bản quan tâm như vậy đến vấn đề eo biển Malắcca, còn có ý đồ kinh tế và chính trị mở rộng ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương.
Những năm gần đây, Ấn Độ cũng tỏ ra rất hào hứng với việc tham gia công việc an ninh ở eo biển này, nguyên nhân chủ yếu là mong muốn chạy trước trong cuộc tranh giành quyền kiểm soát eo biển của các quốc gia bên ngoài khu vực, tránh để quyền kiểm soát này rơi vào tay của những quốc gia không hữu nghị với Ấn Độ. Do đó, Ấn Độ đã đơn phương chuẩn bị việc thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, nhiều cấp độ với các nước ven bờ eo biển.
Chính sự quan tâm của các nước lớn bên ngoài khu vực đối với an ninh eo biển Malắcca đã làm cho việc xây dựng cơ chế an ninh eo biển luôn mang dấu ấn không thể thoát khỏi cuộc đọ sức nước lớn, ba nước ven bờ eo biển bất lực, không thể tự mình xây dựng cơ chế an ninh, tránh xa ảnh hưởng của nước lớn.
Hai là bất đồng của các nước ven bờ eo biển.
Trong không khí hợp tác an ninh, ba nước ven bờ đều hiểu rõ ổn định an ninh và việc thông suốt tuyến đường biển có lợi cho bản thân họ, đồng thời muốn sự hợp tác được cơ chế hóa cao hơn trên cơ sở hiện có. Về tổng thể, ba nước này luôn có thái độ hoan nghênh sự hợp tác của các quốc gia bên ngoài khu vực trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, nhưng đã có những ý kiến khác nhau đối với sự hợp tác liên quan đến lĩnh vực quân sự. Inđônêxia và Malaixia không muốn các nước lớn can dự vào vấn đề eo biển, cho rằng sự tham gia của các nước lớn ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia của họ, vì thế có khuynh hướng giải quyết vấn đề trong cơ chế ba nước. Xinhgapo thì lại hoan nghênh sự tham gia của các nước lớn bên ngoài khu vực, mong muốn lợi dụng vấn đề an ninh eo biển để thực hiện chiến lược cân bằng nước lớn. Xinhgapo cho rằng nếu Mỹ đóng quân ở eo biển Malắcca, sẽ có lợi cho việc duy trì trật tự an ninh khu vực này, khiến các nước không dám manh động.
Ba là hình thức và cấp độ phức tạp.
Vấn đề liên quan đến an ninh của eo biển Malắcca có lúc dễ nhận thấy, có lúc tuy không dễ thấy, nhưng lại sâu sắc, có trạng thái khách quan, lại có sự lo lắng chủ quan, có phạm trù về mối đe dọa an ninh truyền thống, lại có phạm trù về mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Điều này tạo ra đặc điểm nhiều cấp độ, nhiều loại hình của cơ chế an ninh eo biển này. Hiện nay, vừa có cơ chế an ninh của ba nước ven bờ eo biển, cơ chế an ninh trong khuôn khổ ARF, cơ chế an ninh trao đổi thông tin chuyên về vấn đề cướp biển và đưa vấn đề an ninh eo biển vào cơ chế an ninh khác trong phạm vi cần quan tâm. Do nội hàm chủ đề của các cơ chế không hoàn toàn giống nhau, trong quá trình vận hành thực tế, khó tránh tình trạng nhu cầu lợi ích và việc gánh vác trách nhiệm của các nước ảnh hưởng đến nhận thức chung. Xung quanh vấn đề xây dựng cơ chế an ninh eo biển, các nước vẫn chủ trương nên mở rộng đối thoại, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau. Tóm lại, quan hệ an ninh khu vực eo biển Malắcca vừa hợp tác vừa cạnh tranh, hợp tác là chủ lưu. Tuy nhiên, mức độ cơ chế hóa hợp tác còn không cao, càng không thể nói đến vấn đề ở cấp độ xây dựng cộng đồng an ninh.
IV) Kết luận
Do lợi ích quốc gia của Trung Quốc ngày càng được mở rộng, việc bảo vệ an ninh các tuyến đường biển quốc tế quan trọng trong đó có eo biển Malắcca là nhu cầu tất yếu của Trung Quốc. Bắt đầu từ năm 1993, Trung Quốc đã từ nước xuất khẩu dầu mỏ trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ. Các chuyên gia dự báo, đến năm 2020 lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc tối thiểu là 450 triệu tấn, sự phụ thuộc nguồn dầu mỏ bên ngoài có thể lên tới 60%. 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu phải vận chuyển thông qua eo biển Malắcca. Do đó, duy trì tuyến đường vận chuyển dầu mỏ, bảo vệ an ninh eo biển này có ý nghĩa chiến lược quan trọng thực tế đối với Trung Quốc.
Một là sử dụng các tổ chức khu vực như ASEAN để thúc đẩy duy trì và phát triển cơ chế an ninh eo biển Malắcca. Hiện nay, nhiều cường quốc khu vực và thế giới có lợi ích lớn ở eo biển này đều đang tích cực tham gia hợp tác an ninh ở eo biển. Việc xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế giữ gìn an ninh eo biển này là một giải pháp mà tất cả cùng có lợi. Do Trung Quốc là nước lớn láng giềng của Đông Nam Á, lại có quan hệ trong lịch sử với Đông Nam Á và có đông Hoa kiều ở khu vực này, nên khi thúc đẩy xây dựng cơ chế an ninh Malắcca, Trung Quốc phải xem xét đầy đủ đến mối quan tâm của các nước có liên quan, chú ý phương thức, phát huy đầy đủ ảnh hưởng của Trung Quốc ở ASEAN, sử dụng cơ chế hợp tác hiện có, tích cực thúc đẩy sự phát triển của cơ chế hợp tác an ninh quốc tế.
Hai là tích cực thúc đẩy đối thoại an ninh trên biển. Khuôn khổ hợp tác “10+1” Trung Quốc – ASEAN tạo điều kiện rất tốt để khởi động đối thoại thẳng thắn chân thành về nhiều vấn đề an ninh trên biển. Đồng thời mở rộng đối thoại an ninh khu vực, Trung Quốc còn có thể chia sẻ thông tin và tin tức tình báo với các quốc gia có liên quan. Là một bộ phận để tăng cường hợp tác an ninh, Trung Quốc còn có thể tìm kiếm kênh hợp tác thông tin trên biển với các nước ASEAN, trao đổi thông tin và tin tức tình báo về an ninh hàng hải eo biển Malắcca, vùng biển của khu vực.
Ba là mở rộng lĩnh vực hợp tác an ninh. Trên cơ sở đối thoại an ninh và trao đổi tình báo, Trung Quốc còn có thể đi từ hợp tác an ninh mở rộng sang diễn tập quân sự chung. Nội dung diễn tập có thể chủ yếu là cứu hộ trên biển, viện trợ nhân đạo, truy bắt tội phạm ma túy. Đầu tháng 5/2007, Trung Quốc và Malaixia đã tiếp tục đàm phán về nội dung cụ thể trong “Bản ghi nhớ về hợp tác trên biển Trung Quốc – Malaixia”, hai bên đồng ý mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như trao đổi thông tin, huấn luyện đào tạo, cùng bảo vệ vùng biển có liên quan. Tháng 5/2007, tàu chiến “Nang Phán” của Trung Quốc khi tham gia triển lãm quốc tế tại Xinhgapo về phòng thủ trên biển và “Diễn đàn hải quân Tây Thái Bình Dương” đã tham gia diễn tập cứu hộ và chống cướp biển gây được tiếng vang lớn. Đó cũng là một tiền lệ rất tốt./.

Theo Diễn đàn kinh tế và chính trị thế giới


Văn Cường (gt)